NHỮNG THẤT BẠI CỦA KH-CN >Phần 3: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
Ngày đăng: 06-06-2024 - 09:55:44

PHẦN 3: Việt Nam đã bị ung thư nặng về khoa học, đang rất có hại cho đất nước:

Mới đây, sáng ngày 15/5/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến tham dự Lễ chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 và 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ. Thủ tướng đã khẳng định 'Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu'. Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết “Hiện Liên hiệp Hội Việt Nam thu hút được khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng trên 2,2 triệu trí thức, chiếm khoảng 32,5% số trí thức trong cả nước. Nguồn nhân lực thời gian vừa qua đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng…Hãy trao cho họ dũng khí dám nói, dám nghĩ, dám làm và dám hành động hơn nữa”.

 

Như vậy có nghĩa là số trí thức hiện nay trong cả nước là 6.769.200 người. Họ là những có bằng đại học, đã kinh qua công tác và nghỉ hưu.

Tôi có hơn 10 năm công tác cuối đời tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tôi được giao theo dõi mảng kế hoạch và cơ chế chính sách của Bộ  Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tôi có nhiều cơ hội nghiên cứu và đọc những văn bản của hai Bộ này. Ngoài ra 20 năm trước đó tôi công tác tại hai viện khoa học và công nghệ hàng đầu của đất nước. Đó là Viện Kỹ thuật quân sự và Viện Khoa học Việt Nam.

Hơn 30 năm công tác trong thế giới của các nhà khoa học, tôi đã giao tiếp với nhiều giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư. Đa số họ có suy nghĩ là vốn cho phát triển KH&CN là vốn xóa đói, giảm nghèo. Chất xám mà nuôi bằng rau thì sản phẩm sẽ là rau. Những qui định tài chính chi cho nghiên cứu khoa học là vớ vẩn, buộc các chủ nhiệm đề tài và thư ký phải nói dối; phải xin các chữ ký của bạn bè, người thân để hợp thức hóa chứng từ chi tiêu. Chủ nhiệm đề tài là người “quyết định” danh sách Hội đồng thẩm định, nghiệm thu, đánh giá đề tài. Nhiều người còn nói là hội đồng gật. Hầu hết các đề tài nghiên cứu, từ Trung ương xuống địa phương, từ cấp Nhà nước xuống cấp huyện, đều được nghiệm thu, đánh giá kết quả xuất sắc. Hầu hết các đề tài nghiệm thu xuất sắc sau đó là cất ngăn kéo. Hội thảo khoa học là có hội nhưng không có thảo. Như vậy hội thảo, hội nghị khoa học chủ yếu để giải ngân, tiêu cho hết số tiền được cấp. Cơ chế phẩn bổ đề tài là cơ chế xin – cho và ban phát…

 

Tôi đồng ý với đa số những ý kiến trên, nhưng không đồng ý với hai ý kiến đầu. Theo tôi vốn cho phát triển KH&CN không phải là vốn xóa đói, giảm nghèo. Đúng ra là vốn phân hóa giàu - nghèo, gia tăng khoảng cách giàu - nghèo trong đất nước. Vì đa số chủ nhiệm đề tài là được giao cho cán bộ khoa học cấp trưởng phó phòng trở lên. Còn các lãnh đạo cấp Cục, Vụ, Viện, Sở luôn có đề tài làm không hết. Đề tài đương nhiên cũng tập trung nhiều cho các GS. PGS. TSKH. TS. Vô vàn cán bộ khoa học còn lại, không chức vụ quản lý, không bằng cấp có mà nằm mơ mới được làm chủ nhiệm đề tài”. Tôi là Phó tiến sĩ, chuyển tiếp sinh ở Cộng hòa Séc về nước năm 1977. Mãi đến khi 56 tuổi, tôi được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng Phát triển bền vững. Khi đó lần đầu tiên trong đời tôi mới được giao làm chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu cấp Bộ. Sau đó vì bất đồng quan điểm khoa học, tôi kiên định xin về hưu sớm. Mặc dù khi đó cấp phó duy nhất chỉ có một người là tôi.

Xét trên phạm vi toàn quốc, khi mà hầu hết các đề tài nghiên cứu khoa học đều xếp ngăn kéo, rõ ràng vốn ấy làm phân hóa giàu – nghèo, gia tăng bất bình đẳng xã hội.

Về ý kiến hai tôi nghĩ sự phát triển của trí tuệ và chất xám hoàn toàn không phụ thuộc vào việc nếu cho chúng ăn rau, kết quả sẽ đẻ ra rau. Vì 20 năm qua có rất nhiều học sinh con nhà nghèo luôn được học bổng 100% (bao gồm học phí, ăn, ở, đi lại và rất nhỏ cho văn phòng phẩm) của các trường đại học Mỹ, Anh, Pháp, Úc v.v..Tôi có nhiều thông tin là con nhà giàu bố mẹ chi hết cho ăn học ở nước ngoài nhưng kết quả vẫn bình thường.

 

Bộ  Khoa học và Công nghệ đã có 65 năm tồn tại để cống hiến cho sự nghiệp phát triển của KH&CN, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hiến pháp mới ngày nay đều ấn định Phát triển KH&CN và Giáo dục và Đào tạo luôn là quốc sách hàng đầu của đất nước. Đã vài thập kỷ, cho đến năm 2015 tổng chi ngân sách Nhà nước cho phát triển KH&CN luôn chiếm khoảng 2% của tổng chi NSNN. Từ năm 2016 là giảm. Tôi không biết lý do tại sao lại giảm. Năm 2017 chỉ đạt 1,18%. Năm 2023 giảm xuống còn 0,82%. Trung bình nhiều năm, các cơ quan Trung ương chiếm khoảng 77%; địa phương chiếm 23%. Cụ thể năm 2021, NSNN chi cho phát triển KH&CN cả nước là 18.063 tỷ đồng. Những năm gần đây khoản chi cho các đề tài nghiên cứu được một số nơi điều chuyển bổ sung cho chi lương.

Việt Nam đã bị ung thư nặng về khoa học, đang rất có hại cho đất nước: Vì Bộ  Khoa học và Công nghệ đã quay lưng lại với chân lý và qui luật khoa học. Vì hàng năm đã sử dụng 2% của Tổng chi NSNN rất không hiệu quả, làm phân hóa giàu – nghèo và thu được vô vàn báo cáo cất vào ngăn kéo.

 

Kết quả của 65 năm dưới sự lãnh đạo của Bộ  Khoa học và Công nghệ đã bị các chuyên gia Nhật Bản và Hàn Quốc kết luận cách đây gần 10 năm là Việt Nam không thể sản xuất nổi con ốc vít đạt yêu cầu của họ. Họ muốn thúc đẩy sản xuất nội địa của Việt Nam, gia tăng nội địa hóa sản phẩm. Cuối cùng họ phải nhập khẩu cả các con ốc vít vào Việt Nam phục vụ cho việc lắp ráp.

Các cây đa khoa học Việt Nam không thể tự chế ra được dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị để sản xuất ra chiếc bút bi có vài nghìn đồng đang bán ở khắp nơi.

Các cây đa khoa học Việt Nam không thể tự chế ra được dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị để sản xuất ra những túi nilong người dân đang sử dụng hiện nay.

Các cây đa khoa học Việt Nam không thể tự chế ra được dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị để sản xuất ra những chiếc kim khâu phổ thông bán trên các mẹt hàng xén khắp nơi.

Các cây đa khoa học Việt Nam không thể tự chế ra được dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị dệt và nhuộm vải đang được sử dụng tại hầu hết các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam.

Các cây đa khoa học Việt Nam không thể tự chế ra được dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị để sản xuất ra chiếc vỏ của điện thoại di động phổ biến  hiện nay.

Các cây đa khoa học Việt Nam không thể tự chế ra được dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị để sản xuất ra xích, líp xe đạp thông dụng từ bao đời.

 

Ô tô VinFast, niềm tự hào của người Việt Nam do VinGroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam sản xuất. Thế mà trên mạng người Trung Quốc tuyên bố, trên chiếc xe VinFast mỗi cái logo là do người Việt Nam làm. Còn lại tất cả là do người Trung Quốc. Như vậy tôi đoán là dây chuyền, máy móc thiết bị, vật tư, linh kiện đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu ô tô VinFast mà được lắp ráp trên dây chuyền, thiết bị, công nghệ Đức, phụ tùng linh kiện của Anh, Pháp hay Ý, mua bản quyền thiết kế kiểu dáng của Thụy Điển v.v.. tôi tin rằng chiếc xe đó sẽ chỉ để chiêm ngưỡng thôi. Vì nó vô cùng đắt đỏ, sẽ không thể cạnh tranh về giá ngay tại thị trường Mỹ hay EU.

 

Cứ nói đến Trung Quốc là các cây đa khoa học Việt Nam chê. Riêng tôi, chắc chắn rằng, nếu không có người hàng xóm như Trung Quốc, trong tất cả các quầy hàng, cửa hiệu trên khắp đất nước Việt Nam sẽ vắng bóng, khan hiếm những cái kim, sợi chỉ, nồi niêu, xong chảo, săm lốp, đèn LED tròn hay dài, đèn ống hay đèn dây, giầy dép, quần áo các loại, mũ xe máy, TV các loại, quạt điện, điều hòa, tủ lạnh, sách, vở, giấy bút, đồng hồ, túi nilong, ghế nhựa, làn nhựa v.v.. Chưa kể đến những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng như  Apple, Nokia, Sony, Toshiba, Panasonic, Swiss v.v.. nhưng toàn là Made in China.

 

Ngay cả đến những đồ thủ công mỹ nghệ do các gia đình nghệ nhân người Việt làm ra cũng sẽ vắng thiếu. Vì sao? Vì rất nhiều nguyên vật liệu và dụng cụ để họ sử dụng, chế tác đều sản xuất từ Trung Quốc. Vô vàn máy cưa, máy cắt, máy mài, máy bào của tất cả các gia đình sản xuất đồ gỗ đều có nguồn gốc xuất sứ từ Trung Quốc. Tôi chắc chắn rằng, nếu không có người hàng xóm như Trung Quốc, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ nguy kịch. Việt Nam sẽ rơi vào bi kịch “khan hiếm hàng hóa”. Nhờ có công nghệ, máy móc, thiết bị và hàng hóa Trung Quốc nên 99 triệu người dân Việt Nam mới có hàng hóa tiêu dùng phù hợp với đồng lương của mình. Còn lại khoảng 1 triệu người giàu có sẽ mua sắm hàng hóa Made in England, USA, Germany, France, Italy, Japan v.v..

 

Nhiều cây đa khoa học Việt Nam suy nghĩ khá ngây ngô, cho rằng nên bỏ làm ăn với Trung Quốc, quay hẳn sang Mỹ. Năm 2023 xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ vô cùng lớn, đạt 97 tỷ USD. Nhưng họ không biết là trong nhiều năm qua các doanh nghiệp FDI xuất khẩu luôn chiếm đến 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Mà các doanh nghiệp FDI cũng nhập khẩu rất nhiều linh phụ kiện từ Trung Quốc. Năm 2023 Việt Nam nhập khẩu lớn nhất là từ Trung Quốc, đến 110 tỷ USD. Có thể khẳng định là phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Có nghĩa là nếu cắt quan hệ làm ăn với Trung Quốc thì xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ là vô cùng nhỏ.

 

Việt Nam đã bị ung thư nặng về khoa học, đang rất có hại cho đất nước: Vì các cây đa khoa học nhìn thấy chúng ta có các căn hộ chung cư sang trọng, những căn hộ hoàng gia đáng sống ở đời, các tòa nhà cao trọc trời với gương kính chói lòa, những chiếc ô tô đắt tiền tràn ngập đường phố và người dân nô nức, chen lấn mua vàng tích trữ là do trí tuệ và tài ba của chúng ta. Họ quá ngộ nhận, thực sự nhầm rất to.

Tôi ước đoán thôi; khoảng 70% tổng tài sản đó là do chúng ta đã trấn lột của hệ sinh thái. 30% còn lại là do sức lao động cơ bắp của người Việt làm ra. Chúng ta đã sử dụng, khai thác mạnh mẽ các dịch vụ của hệ sinh thái, nhưng không trả tiền. Ngày cũng như đêm các hệ sinh thái luôn chăm chỉ phục vụ người Việt, nhưng đã nhiều năm bị ăn quịt nên hiện nay chúng đang chết dần.

 

LHQ và nhiều nước phát triển, đặc biệt là mấy nước nhỏ bé Bắc Âu, bao gồm Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan luôn coi các hệ sinh thái là tài sản, nguồn sống của thế hệ con cháu tương lai. Nếu môi trường và hệ sinh thái bị hủy hoại, đồng nghĩa với chúng ta hủy hoại điều kiện sống của con cháu tương lai. Đó chính xác là quan điểm cốt lõi của định nghĩa về Phát triển bền vững được Liên Hợp quốc  đồng thuận.  Tôi chắc chắn rằng nếu chúng ta bán 70% tổng tài sản đó để đầu tư vào các hệ sinh thái, cũng không đủ để phục hồi, cứu sống các hệ sinh thái như ông cha ta đã để lại cho chúng ta vào thập kỷ 60 và 70.

 

Chỉ cần nêu ra một dẫn chứng cụ thể là chúng ta nhận ra ngay vấn đề. Tôi không nói ngoa, không bốc đồng. Đó là UBND thành phố Hà Nội đã đầu tư núi vàng, núi bạc, xây dựng nhà máy xử lý nước thải (XLNT) Yên Sở, nhằm cứu hai con sông là Kim Ngưu và sông Sét. Tháng 8/2013 đã đi vào vận hành. Đến nay đã hơn 10 năm vận hành, nhưng tuyệt nhiên không thể cứu sống nổi sông Kim Ngưu hoặc sông Sét cho dù chỉ có 1 ngày.  Kinh phí vận hành hàng năm là rất lớn. Cho đến 50 năm nữa tôi tin chắc là sông Kim Ngưu và sông Sét vẫn là con sông chết, nước vẫn đen thối và bốc mùi cho các hộ dân cư dọc hai con sông hít thở từng giây, từng phút.

 

Dự án XLNT Yên Xá: Nhằm cứu 3 con sông là sông Lừ, sông Tô Lịch, sông Nhuệ đã nhiều năm chết đen thối. Lễ khởi công ngày 7/10/2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Tổng dự toán 850 triệu USD vay ODA Chính phủ Nhật Bản. Tôi đoán sẽ tăng lên 1,2 tỷ USD. Vì tôi đã đến Sở Xây dựng tất cả 3 lần về dự án này. Họ sẽ phải đầu tư bổ sung một số công trình để khắc phục hai tác động môi trường to lớn do dự án gây ra. Một là, khi đi vào hoạt động dự án sẽ gia tăng ngập úng cho vùng nửa Tây Hà Nội, “hủy bỏ” kết quả đầu tư của dự án chống ngập lụt cho Hà Nội đã hoàn tất sau 20 năm thực hiện. Hai là, cả ba con sông sẽ cạn lòng, phơi đáy. Nhiều đoạn, chỉ cần một tuần không mưa, là các cháu thiếu niên có thể xuống chơi đá bóng.

Thảm họa nữa là báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án phải được một công ty tư vấn danh tiếng nào đó thực hiện với kinh phí tôi dự đoán phải đến 100.000 USD. Hội đồng thẩm định quốc gia cho báo cáo ĐTM phải là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thế mà Hội đồng ấy không hề nhìn ra hai tác động môi trường to lớn nói trên. Họ đã nhất trí ủng hộ 100%.

 

Ban quản lý dự án đã khắc phục nhược điểm Một bằng cách bổ sung đầu tư xây dựng thêm các “ống khói” thấp nhô lên dọc hai bên trong lòng các con sông. Khi có những cơn mưa lớn, nếu LŨ  bị tắc trong cống ngầm (đường kính 2,4m) sâu dưới đáy sông, LŨ sẽ trào ngược lên các “ống khói” đổ vào sông và thoát về xuôi. Khắc phục kiểu này là hết sức ngộ nghĩnh với thế giới, vì dọc hai bên trong lòng sông có các “ống khói” thấp nhô lên. Nhược điểm Hai được khắc phục bằng cách sửa chữa cống Thanh Liệt đang có thành đập tràn chặn cuối sông Lừ và sông Tô Lịch. Nước thải sau xử lý đạt chuẩn sẽ được bơm vào trước đập để tự dâng cao, tự chảy ngược về thượng nguồn các con sông. Ban quản lý dự án đành phải chấp nhận sự thật cay đắng; nguyên văn: “làm cho sông Tô Lịch, sông Lừ có tác dụng trữ nước như một hồ dài cảnh quan (chi tiết tại báo cáo ngày 24/10/2019 Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, Bí thư Ban Cán sự Đảng đã ký báo cáo số 567-BC/BCS kính gửi Thường trực Thành ủy về việc “xử lý đơn của công dân Nguyễn Đức Thắng”). Hai hồ dài này thực sự chứa nước lưu cữu, tù túng quanh năm. Vì khi khánh thành, tôi đoán khoảng năm 2025, vận hành chỉ hai ngày là thượng nguồn đã được tích đầy nước, ngang bằng bề mặt đập tràn Thanh Liệt. Từ ngày thứ ba, tất cả lượng nước bơm tiếp theo sẽ tự động chảy qua đập tràn Thanh Liệt về xuôi. Nếu chúng ta đi tất cả các thủ đô khác trên thế giới, cũng không thể tìm ra giữa thủ đô có một hồ siêu dài, lại siêu hẹp và uốn lượn (đoạn hồ Tô Lịch dài 14km, rộng 30-50m) với khối nước dài tù túng vĩnh hằng.

 

Như vậy có mà nằm mơ khi bán tất 70% tổng tài sản mà chúng ta đang có (những tòa nhà cao trọc Trời, ô tô sang trọng, vàng và USD đang cất trữ trong ngân hàng v.v..) cũng không thể cứu được 5 con sông Kim Ngưu, Sét, Lừ, Tô Lịch và sông Nhuệ trở về nguyên trạng thập kỷ 60-70 mà ông cha ta đã để lại.

Chưa đủ đâu, kể cả thủ đô Hà Nội có bán tất 100% tổng tài sản có được nói trên cũng không đủ trả lại bầu không khí trong lành của Hà Nội như ông cha ta đã để lại cho chúng ta thập kỷ 60-70. Ô nhiễm không khí của Hà Nội đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các báo chí chính thống Việt Nam cảnh báo nhiều lần. Cụ thể từ trưa 4/3 đến 7h sáng 6/3/2024, chỉ số IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới) của Hà Nội ba ngày liên tiếp đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí trung bình tại Hà Nội là 204 – mức rất xấu. Chỉ số bụi mịn (PM2.5) cao gấp 30,1 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

 

 

Bó tay rồi. Vậy bí quyết nào để có bầu không khí trong lành nhất thế giới, sạch nhất thế giới, chỉ có đến học hỏi kinh nghiệm của 04 nước Bắc Âu nhỏ bé là Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan. Tôi tin tưởng mạnh mẽ là nếu chúng ta thành tâm học kinh nghiệm của họ về thể chế, đường lối, chủ trương, chính sách, Việt Nam sẽ có GDP/người rất cao, cùng với không khí, môi trường và hệ sinh thái tuyệt vời.

 

Việt Nam đã bị ung thư nặng về khoa học, đang rất có hại cho đất nước: Chính vì bị ung thư nặng về khoa học, nên Việt Nam không thể làm gia tăng giá trị trí tuệ và chất xám trong sản phẩm và hàng hóa, dịch vụ tạo nên nền kinh tế tri thức.  GDP/người danh định là trị số phổ quát của thế giới để so sánh năng lực sản xuất giữa công dân các quốc gia với nhau. Năng lực sản xuất tạo ra giá trị hàng hóa của một con người bao gồm hai khả năng a) Sức lao động cơ bắp b) Chất xám và trí tuệ.

 

Nhiều người Việt Nam có suy  nghĩ là thập kỷ 60-70 Hàn Quốc trình độ phát triển như Sài Gòn. Tuy nhiên hiện nay chênh lệch giữa Việt Nam với Hàn Quốc là rất lớn. Về tài nguyên thiên nhiên thì thế giới công nhận Việt Nam là “Rừng vàng, biển bạc”. Còn Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ có băng tuyết, núi lửa, động đất và sóng thần. Xét về sức lao động cơ bắp chân tay, người Việt Nam ngang ngửa người Nhật và Hàn Quốc. Giới trẻ của chúng ta nếu ngồi vào dây chuyền sản xuất thực hiện các thao tác chân tay, tôi chắc chắn ngang bằng công nhân của họ. Vậy tại sao bình quân một người công dân của nước họ tạo ra lượng giá trị sản phẩm VÔ CÙNG CAO so với một người Việt Nam?  Theo tôi đó là do họ đã đưa được nhiều giá trị của chất xám,  trí tuệ vào trong sản xuất kinh doanh. Nhật Bản cách đây gần trăm năm đã có năng lực đó rồi. Khi mà ông cha ta chỉ biết “con trâu đi trước cái cày theo sau”, người Nhật Bản đã sản xuất được xe tăng, đại bác, máy bay, radio v.v.. chứa đựng vô vàn chất xám và trí tuệ trong đó. Hàn Quốc năm 1953 ký hiệp định đình chiến với Triều Tiên. Họ phát triển trong hoàn cảnh bán đảo Triều Tiên không có hòa bình; khả năng xảy ra chiến tranh bất cứ lúc nào; họ thua xa Nhật Bản. Tuy nhiên họ đã có những phát triển ngoạn mục như ngày nay. Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản về GDP/người. Về sức lao động cơ bắp người Nhật và Hàn Quốc là ngang bằng nhau. Tuy nhiên người Hàn Quốc đã đưa được rất nhiều trí tuệ và chất xám vào hàng hóa, dịch vụ cao hơn người Nhật Bản.

 

Vì vậy, cho dù tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 20 năm tới, thuận buồm xuôi gió, bình quân mỗi năm đều đặn 6-7% cũng không thể trở nên hùng cường, vững mạnh được nếu tình trạng ung thư về khoa học vẫn không được chữa trị. Đi trên đôi chân gỗ là công nghệ nhập khẩu để phát triển chắc chắn không thể trở nên phồn vinh và thịnh vượng. Phát triển chủ yếu dựa trên sức lao động cơ bắp chắc chắn không thể trở nên hùng cường.

Việt Nam đã bị ung thư về khoa học, đang ở mức tâm thần phân liệt, vì có vô vàn người Việt Nam đang thi nhau vật chất hóa và thương mại hóa Tâm linh và Hạnh phúc. Tôi có vô vàn Thực tế/Sự thật để chứng minh là lối sống này là hủy diệt môi trường sinh thái, đồng nghĩa với hủy diệt điều kiện sống của con cháu mai sau. Họ tự hào và phô trương lối sống giàu có, thừa thãi vật chất hơn người. Sẽ là bất hạnh nếu ta chỉ có 50 bộ quần áo và 10 đôi giầy. Sẽ là xấu hổ nếu ta không có mâm cao cỗ đầy, rượu ngoại đãi khách. Sẽ là có tội nếu không đốt nhà giấy, ô tô giấy, quần áo giấy v.v.. cho người đã khuất.

 

Năm 2007 tôi được tham dự một hội thảo quốc tế về Phát triển bền vững tại Hà Nội. Một chuyên gia người Hàn Quốc cho biết thông tin là người phương Tây hiện nay đang học thực hiện theo lối sống ngày xưa của người phương Đông. Ông cha ta ngày xưa coi hạnh phúc nặng về tinh thần, văn hóa, yêu thương, đoàn kết; không màng vật chất. Dấu chân sinh thái (ecological footprint) của ông cha ta thực sự là bé nhỏ, tuyệt vời nên đã để lại cho thế hệ 40 – 60 một môi trường sinh thái trong lành, tinh khiết. Theo tôi, đời sống vật chất của người Việt Nam hiện nay đang là dư thừa, nhưng khoảng cách giàu – nghèo đang ở mức nguy hại và đạo đức xã hội đã xuống cấp mạnh mẽ. 20 năm phát triển vừa qua, tôi đã chứng kiến và có thể viết ra vô vàn Thực tế/Sự thật chứng minh rằng người Việt Nam đã và đang ra sức giẫm đạp lên nhau để làm giàu. Một phần ba các cặp vợ chồng trẻ sống không có hạnh phúc, đã ly hôn.

 

Nguyên nhân của tổng mọi nguyên nhân là do Việt Nam đã bị ung thư nặng về khoa học. Nếu không chữa được bệnh ung thư về khoa học, đừng mong vào năm 2045 Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Con cháu chúng ta vẫn tiếp tục công việc của thế hệ hiện nay là lao động làm thuê, làm oshin ngay trên chính quê hương đất nước của mình; tiếp tục khai thác tài nguyên và tàn phá môi trường sinh thái.

Trân trọng cám ơn.

Nguyễn Đức Thắng

Phần 3: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 2:VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 1: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC