BỘ XÂY DỰNG VỚI XỬ LÝ NƯỚC THẢI >CHỦ TỊCH NGUYỄN ĐỨC CHUNG KHÔNG NÊN BIẾN SÔNG TÔ LỊCH THÀNH HỒ TÔ LỊCH
Ngày đăng: 15-07-2020 - 11:46:46

Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 2020

Kính gửi:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ  Khoa học và Công nghệ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

 

(Bí thư Vương Đình Huệ và Chủ tịch Nguyễn Đức Chung không nên đi vào lịch sử Việt Nam là người ra quyết định biến sông Tô Lịch thành hồ Tô Lịch)

 

Ngày 28/7/2019 tôi có thư KHẨN TRÌNH về dự án xử lý nước thải Yên Xá sẽ gia tăng mạnh mẽ ngập lụt Hà Nội và biến sông Tô Lịch thành hồ Tô Lịch. Tuy nhiên, ngày 24/10/2019 Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, thay mặt Ban Cán sự Đảng đã ký báo cáo số 567-BC/BCS kính gửi Thường trực Thành ủy về việc “xử lý đơn của công dân Nguyễn Đức Thắng”. Tại báo cáo, ông Nguyễn Đức Chung, Bí thư Ban Cán sự Đảng vẫn giữ quyết định “làm cho sông Tô Lịch, sông Lừ có tác dụng trữ nước như một hồ dài cảnh quan”.

 

Sông Tô Lịch đã đi vào lịch sử của thủ đô Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, đi vào lịch sử của đất nước Việt Nam, với hành trình của vua Lý Thái Tổ  dời đô từ Hoa Lư ra Hà Nội. “Sông Tô nước chảy trong ngần / Con thuyền buồm trắng lượn gần, lượn xa” mà ông cha ta đã để lại. Chúng ta phải có trách nhiệm duy trì, bảo vệ, làm cho sông luôn trong xanh, sạch đẹp cho muôn đời con cháu mai sau. Vì vậy lãnh đạo thành phố không nên quyết định đầu tư 800 triệu USD để biến sông Tô Lịch thành hồ Tô Lịch dài và hẹp nhất Thế giới (dài hơn 14km, rộng từ 20m – 30m) với nước đọng tù túng quanh năm.

 

Vì tôi đã có hơn 10 năm cuối đời công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi đã soạn thảo nhiều văn bản để lãnh đạo Bộ ký trình Thủ tướng Chính phủ cũng như gửi các Bộ, ngành liên quan, nên tôi hiểu rằng Chủ tịch Nguyễn Đức Chung không có đủ thời gian để đọc và hiểu những nội dung văn bản mà mình sẽ ký. Tất cả trông cậy vào sự công tâm và trí tuệ của bộ máy tham mưu, giúp việc. Tôi hiểu ý định biến sông Tô Lịch thành hồ Tô Lịch là của Sở Xây dựng Hà Nội chứ không phải của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

 

Vì vậy, một buổi chiều tháng 5/2020 tôi đã chủ động đến Sở Xây dựng Hà Nội để chất vấn. Sở đã đổ lỗi cho Ban Quản lý dự án cấp thoát nước thực hiện, không phải lỗi của Sở; và hiện Ban quản lý dự án đang khẩn trương thực hiện các hạng mục, coi như sự việc đã rồi. Tuy nhiên, tôi hiểu Ban Quản lý dự án chỉ là đơn vị được lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội giao triển khai thực hiện dự án. Về mặt quản lý Nhà nước Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm toàn bộ, cả về chuyên môn kỹ thuật và cơ chế chính sách. Nếu thấy có gì sai, gây hại cho Hà Nội, cho đất nước, Sở phải có trách nhiệm chỉ đạo dừng, để chỉnh sửa. Những gì vượt quá chức năng, quyền hạn, Sở phải báo cáo lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội để xử lý.

 

Trước đó đã lâu, ngày 20/02/2017 tôi đã gửi thư tới UBND thành phố Hà Nội cảnh báo về hai tác động môi trường tiêu cực rất to lớn của dự án, đó là làm gia tăng mạnh mẽ ngập úng và làm sông Tô Lịch, sông Lừ sẽ phơi lòng, khô đáy, các cháu thiếu nhi có thể xuống sông đá bóng được. Sau gần 2 năm tạm dừng dự án, họ loay hoay tìm cách khắc phục. Cuối cùng họ chọn giải pháp biến sông Tô Lịch thành hồ dài cảnh quan. Tôi hiểu là đoàn tàu nặng nghìn tấn đã chuyển bánh nên họ không thể dừng lại, quay đầu đi theo hướng khác. Giữa tôi và Sở đã không có tiếng nói chung (tôi đến với họ tất cả 2 lần). Họ vẫn cho rằng thoát nước, thoát lũ trong các hệ thống cống ngầm xây mới với các giếng thu nước, tất cả có đường kính từ 1m – 3m, chôn ở độ sâu từ 9m – 16m, dưới đáy sông Tô Lịch là không có vấn đề gì so với thoát nước, thoát lũ bằng chính con sông Tô Lịch và việc biến sông Tô Lịch thành hồ Tô Lịch là chấp nhận được. Sở Xây dựng vừa là người đá bóng, vừa là người thổi còi, nên không thể có sự khách quan, công bằng.

 

Theo tôi với 800 triệu USD hoàn toàn có thể làm sống lại sông Tô Lịch và sông Lừ trong xanh, sạch đẹp, lãng mạn và thơ mộng với mức nước dâng cao tùy ý muốn và luôn có dòng chảy từ đầu sông đến cuối sông. Ngoài ra UBND thành phố Hà Nội còn có “LÃI”, đó là cả khu đất vàng rất rộng mênh mông, với mặt tiền là đại lộ Xa La – Nguyễn Xiển, dành để xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ không cần nữa. Ngoài ra hệ thống các cống thoát ngầm với những giếng thu xây mới đắt tiền cũng hoàn toàn không cần.

 

Sai lầm chuyên môn to lớn ở đây, không phải là ở công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải đổ vào sông (wastewater treatment technology). Vì công nghệ này đã phổ cập đại trà trên toàn Thế giới suốt 50 năm qua, tới mức đã tối ưu và chuẩn hóa, rất hiệu quả.  Cái sai chính là ở cách tiếp cận trong XLNT (approach in wastewater treatment). Sở Xây dựng Hà Nội đã chọn cách tiếp cận tập trung (centralization approach), qui mô, hoành tráng thay vì phải sử dụng cách tiếp cận phân tán, phi tập trung (decentralization approach) mới thành công. Đây là sai lầm chung của cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với Bộ Xây dựng là Tổng Tư lệnh ngành cấp thoát nước và xử lý nước thải. Sai lầm của uy quyền quản lý, của kiêu ngạo và không cầu thị trong khoa học.

 

Tp. HCM là một chứng minh cụ thể cho sai lầm ấy, hiện đang chết khổ vì xây dựng hai nhà máy XLNT lớn nhất Đông Nam Á (công suất từ 450.000m3 – 470.000m3/ngày đêm) đặt tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2 và tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, là nguyên nhân gây úng ngập thường xuyên, vì nước mưa với nước thải bị quá tải, ứ đọng trong các cống ngầm và giếng thu dẫn về nhà máy XLNT, trong khi các Kênh Tàu Hũ, Kênh Đôi, Kênh Tẻ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lại trơ lòng, phơi đáy khi cơn mưa diễn ra vào lúc triều lui, hoặc triều dâng nhưng vẫn còn ở mức thấp. Sông ngòi, kênh rạch rất rộng, tự nhiên và tạo hóa đã ban tặng để thoát nước, thoát lũ nay bị “thất nghiệp”. Người dân ở những khu vực này sẽ phải chịu khổ dài lâu cho đến hết đời của các nhà máy XLNT nói trên. Hà Nội cần phải rút kinh nghiệm từ bài học của chính Tp. HCM.

 

Sông Tô Lịch đã đi vào lịch sử của thủ đô Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, đã đi vào lịch sử của đất nước Việt Nam do vậy Bí thư Vương Đình Huệ và Chủ tịch Nguyễn Đức Chung không nên đi vào lịch sử Việt Nam là người ký quyết định biến sông Tô Lịch thành hồ Tô Lịch. Cho dù dự án đã triển khai một số hạng mục công trình, đã ký hợp đồng với các nhà thầu, dự án vẫn cần phải dừng lại, thiệt hại ít còn hơn thiệt hại nặng và dài lâu.

 

Xét ở góc độ luật pháp, người dân yêu con sông Tô Lịch, muốn bảo vệ sông cho muôn đời con cháu mai sau, hoàn toàn có quyền kiện hai quí lãnh đạo ra tòa về việc hủy hoại tài sản công và lịch sử của đất nước.

 

Bài viết, chứng minh chi tiết tại văn bản đính kèm.

 

Kính trình và mong các quý lãnh đạo xem xét và cho biết ý kiến.

 

Nguyễn Đức Thắng

Địa chỉ thường trú: xxx ĐT: 0352344233, email: ndthangndt@yahoo.com

================================================================

 

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI KHÔNG NÊN ĐẦU TƯ 800 TRIỆU USD

ĐỂ BIẾN SÔNG TÔ LỊCH THÀNH HỒ TÔ LỊCH

 

TS. Nguyễn Đức Thắng

(nguyên Phó Văn phòng Phát triển bền vững quốc gia)

 

Ngày 24/10/2019 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thay mặt Ban Cán sự Đảng đã ký báo cáo số 567-BC/BCS kính gửi Thường trực Thành ủy về việc “xử lý đơn của công dân Nguyễn Đức Thắng”. Tại báo cáo, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, Bí thư Ban Cán sự Đảng vẫn giữ quyết định “làm cho sông Tô Lịch, sông Lừ có tác dụng trữ nước như một hồ dài cảnh quan” (toàn văn báo cáo số 567-BC/BCS xin xem ở bên dưới).

 

Hãy cứu sông Tô Lịch cho muôn đời con cháu mai sau!

 

Tôi tên là Nguyễn Đức Thắng, cán bộ về hưu năm 2008, có quá trình công tác hơn 10 năm tại Viện Kỹ thuật quân sự Bộ Quốc phòng, 10 năm tại Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và hơn 10 năm cuối tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Ngày 20/2/2017 tôi đã có thư gửi Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Bộ trưởng Bộ TN&MT, về Hai nhà máy xử lý nước thải lớn nhất của Hà Nội sẽ làm các con sông chết hẳn và gia tăng ngập lụt tại Thủ đô. Tuy nhiên không một hồi âm. Sau hơn 1 năm rưỡi, ngày 07/10/2018 tôi đã đi tìm hiểu nơi xây dựng nhà máy XLNT Yên Xá xem động tĩnh ra sao. Chính xác đang là một vùng đất trống mênh mông bỏ hoang vắng, có rào che kín, không một bóng người, như ảnh chụp dưới đây:

 

 

Ngày 09/4/2019 tôi tiếp tục có gửi thư tới các lãnh đạo cao nhất của đất nước về 3 nhà máy xử lý nước thải lớn nhất của Việt Nam là PHẢN KHOA HỌC VÀ RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC. Trong đó có một nhà máy XLNT cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (thành phố Hồ Chí Minh).

 

Ngày 28/7/2019 tôi tiếp tục có thư KHẨN TRÌNH về dự án XLNT Yên Xá (chỉnh sửa, khắc phục khuyết tật làm sông khô đáy) sẽ gia tăng mạnh mẽ ngập lụt Hà Nội và biến sông Tô Lịch thành hồ Tô Lịch.

 

Dưới đây là những ý kiến của tôi:

 

1. Dự án nhà máy XLNT Yên Sở: Đặt tại phía bắc hồ Yên Sở, cuối nguồn sông Kim Ngưu và sông Sét. Công suất là 200.000m3 nước thải/ngày đêm, tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD, vận hành chính thức từ tháng 8/2013. Như vậy, sau hơn 5 năm vận hành, dự án không thể cứu sống được sông Kim Ngưu và sông Sét lấy chỉ có 1 ngày. Nhà máy sẽ phải vận hành dưới công suất, vì nếu vận hành với đầy đủ công suất, sông Kim Ngưu và sông Sét sẽ trơ lòng, phơi bùn đáy. Điều này sẽ tiếp tục tái diễn trong tương lai, cho đến hết đời của dự án (khoảng 30 – 40 năm) vẫn sẽ là hai con sông đen thối. Chỉ cần đến với sông Kim Ngưu, bất kỳ người dân nào của Hà Nội đều có thể tự kiểm chứng.

 

2. Dự án nhà máy XLNT Yên Xá, cho nửa Tây của Hà Nội (lưu vực sông Lừ, sông Tô Lịch và sông Nhuệ), khởi công ngày 7/10/2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Tổng vốn đầu tư 16.293 tỷ đồng (khoảng 800 triệu USD vốn ODA Nhật Bản), gồm hai hạng mục công trình sau:

  • Nhà máy XLNT công suất 270.000 m3/ngày đêm, đặt tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì.
  • Hệ thống cống thu gom, cống đấu nối, đặt ở độ sâu từ 6m đến 19m, dưới lòng sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần tả ngạn sông Nhuệ, với tổng chiều dài cống các loại 53km, đường kính từ 0,4m – 2,4m, thu gom nước đưa về nhà máy để xử lý.

 

2.1 Dự án sẽ làm gia tăng mạnh mẽ ngập lụt cho nửa Tây của Hà Nội:

 

Như vậy, hệ thống cống thu gom của dự án sẽ cắt bỏ chức năng mà tạo hóa đã ban tặng cho các con sông là thoát nước, thoát lũ. Tất cả mọi thứ nước (nước mưa với nước thải) sẽ bị chặn, không “được phép” đổ thẳng vào sông như ngàn năm đã có, mà được thu gom, chảy vào hệ thống tuyến cống ngầm xây mới dưới lòng sông đưa về nhà máy xử lý.

 

Mọi người dân cho dù không có kiến thức, chuyên môn về thoát nước, thoát lũ cũng đều hiểu rằng: Thoát nước, thoát lũ trong sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Nhuệ là dễ hơn nhiều, nhanh hơn nhiều so với tiêu lũ trong hệ thống tuyến cống ngầm nhỏ bé xây mới dưới lòng sông. Như vậy, khi mưa lớn, lũ về, các con sông sẽ trở nên “thất nghiệp”, nằm chơi ngắm nhìn dòng lũ ào ạt, tắc nghẽn trong cống ngầm. Lũ tắc nghẽn trong cống đương nhiên sẽ làm nhiều đường, phố trở thành sông. Dự án này sẽ phủ định kết quả của dự án thoát nước, chống ngập đã thực hiện 20 năm (2 giai đoạn) của Hà Nội. Tạo hóa đã ban tặng cho các con sông chức năng là thoát nước, thoát lũ, vậy tại sao dự án lại cắt bỏ chức năng thiên bẩm đó của sông?

 

Sử sách còn ghi những năm 1971, 1978, 1984, 1986, 1996, 2002, 2008, 2010 là những năm lũ lụt lớn của Hà Nội, nước ngập sông, tràn qua bờ, tràn ngập đường phố và vào nhà dân. Năm 1978, Liên Hợp quốc đã giúp đỡ Hà Nội để nạo vét sông Tô Lịch, hàng ngàn cán bộ, nhân viên các cơ quan đã tham gia đào xúc bùn đất, mở rộng lòng sông, chuyển đất đổ lên bờ.

 

Tôi không hiểu căn cứ vào đâu, cơ sở khoa học nào mà Tổng công trình sư, Tổng thiết kế dự án cho rằng thoát nước, thoát lũ trong hệ thống cống ngầm thu gom xây mới (53km dài), có đường kính ống từ 0,4m – 2,4m, đặt sâu dưới lòng đất từ 6m – 19m, lại tốt hơn bản thân các con sông có chiều rộng từ 20m – 40m? cắt bỏ chức năng thoát nước, thoát lũ mà tạo hóa đã sinh ra cho các con sông?

 

Họ đã không biết đến một qui luật rất cơ bản trong lĩnh vực thoát nước, đó là “Lưu lượng nước thoát của toàn bộ tuyến cống được quyết định bởi đoạn cống yếu nhất”. Điều này trái với suy nghĩ thông thường của chúng ta. Ví dụ, một tuyến cống dài 1.000m, có đường kính toàn cống là 1m, uốn lượn quanh co, gấp khúc. Chỉ cần một đoạn 2m cống nào đó trong toàn tuyến bị sập, gẫy do cũ nát, hay do độ cao các đáy cống bị so le, khấp khểnh, hay do bị tắc nghẽn rác thải đến 70% đường kính của ống, khi đó lưu lượng nước thoát của toàn tuyến này sẽ giảm xuống, chỉ còn 30%, mặc cho toàn bộ 998m cống còn lại là trơn tru, thông thoáng. Từ chỗ tắc trở về phía đầu cống lên mặt đường sẽ ngập ứ nước. Sau chỗ tắc trở về xuôi sẽ chỉ có 30% lòng cống là có nước chảy. Đường phố các đô thị Việt Nam nổi tiếng là nhiều đất cát và rác thải.

 

Những tuyến cống của nhiều khu đô thị mới xây, chỉ sau một vài năm đã tắc nghẽn và đường biến thành sông. Hà Nội đã thực hiện 20 năm dự án thoát nước, thế mà vẫn nổi tiếng với câu ca “Hà Nội mùa này phố cũng như sông”. Khi nhà máy XLNT Yên Xá đi vào hoạt động, đẩy sông Tô Lịch, sông Lừ và sông Nhuệ đến thất nghiệp, nằm chơi, ghen tỵ với những tuyến cống ngầm ngập ứ nước, thảm họa ngập lụt sẽ gia tăng hơn nữa. Tại sao con sông rộng lớn hơn rất nhiều lại không để cho nó thực hiện chức năng thoát nước, tiêu lũ mà tạo hóa đã ban tặng cho nhân dân Hà Nội? Các cháu học sinh THCS cũng đủ kiến thức để tin rằng thoát nước, thoát lũ trong các cống ngầm nhỏ bé không thể bằng chính các dòng sông rộng lớn hơn. Trên Thế giới chưa ở đâu tước bỏ chức năng thoát nước, thoát lũ của sông, bắt sông “thất nghiệp” thay thế bằng cống ngầm xây mới để thoát nước, thoát lũ.

 

2.2. Đẩy nhanh các con sông đến khô đáy: Hiện nay, sông Tô Lịch, sông Lừ và sông Nhuệ đều “bắt nguồn” tại Hà Nội. Nguồn nước để “nuôi” các con sông này là nước mưa và nước thải của dân cư. Sau cơn mưa, chỉ 2 – 3 ngày nước mưa sẽ thoát hết về xuôi. Sau đó, nguồn nước duy nhất để nuôi sông chính là nước thải từ các khu dân cư. Khi nhà máy XLNT Yên Xá đi vào hoạt động, mọi thứ nước (nước thải và nước  mưa) được thu gom hết vào hệ thống cống ngầm nhỏ bé xây mới đưa về nhà máy. Sông không có nước, vậy sông sống bằng gì? Nếu không có nước “nuôi” sông, chỉ cần nắng liên tục trong 1 tuần, bùn đáy sông sẽ khô và rắn lại. Các cháu thiếu niên có thể xuống chơi đá bóng được.

 

Dự án này là một bản sao của dự án XLNT cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (nhà máy XLNT, công suất 450.000m3/ngày đặt tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2), như ảnh dưới đây:

 

 

2.3  Dự án XLNT Yên Xá (điều chỉnh) sẽ biến sông Tô Lịch, sông Lừ thành hồ Tô Lịch, hồ Lừ:

 

Để khắc phục khuyết tật làm các con sông phơi lòng khô đáy, sau hơn 2 năm tạm dừng triển khai dự án, các chuyên gia, tư vấn và chủ đầu tư đã đi đến lựa chọn giải pháp đóng đập Thanh Liệt hiện có, biến thành đập tràn. Nước sạch sau xử lý của nhà máy, sẽ được bơm vào trước đập tràn. Nước sẽ dềnh lên và tự chảy ngược lên đến thượng nguồn, đầu sông Tô Lịch (chợ Bưởi) và đầu sông Lừ (phố Nguyễn Ngọc Doãn và Đặng Văn Ngữ). Tuy nhiên, để nước có thể chảy ngược đến đầu sông Tô Lịch, độ cao đỉnh đập tràn (ở hạ lưu) bắt buộc phải được nâng lên bằng độ cao mực nước đầu sông Tô Lịch cần có, vì mực nước luôn là thăng bằng nhau.

 

Trong 3 ngày đầu khi nhà máy XLNT đi vào hoạt động, mỗi ngày bình quân xử lý 270.000m3 nước thải, sẽ là một con sông “chảy ngược”, nước từ cuối nguồn dềnh lên thượng nguồn. Sau 3 ngày bơm sẽ đạt trạng thái “cân bằng”, mực nước thượng nguồn bằng với đỉnh đập tràn cuối nguồn, nước sẽ tràn qua đập chảy về xuôi (xem hình vẽ mô tả bên dưới). Từ ngày thứ 4 đến mãi về sau này, tất cả nước bơm vào không thể chảy ngược được nữa, đều vượt ngay qua đập tràn chảy về xuôi, rất lãng phí điện năng so với để nước tự chảy về xuôi.

 

Đoạn từ đầu sông (đầu đường Hoàng Quốc Việt, hay chợ Bưởi) đến vị trí đập tràn Thanh Liệt dài khoảng 14km, rộng khoảng 20 – 30m, sẽ là vùng nước chết vì không có dòng chảy nên không thể gọi là sông mà là hồ, chứa nước tĩnh và tù túng, sẽ là một cái hồ hẹp và dài nhất Thế giới. Dự án XLNT Yên Xá sẽ biến sông Tô Lịch và sông Lừ thành hồ Tô Lịch và hồ Lừ mà Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tại báo cáo số 567-BC/BCS đã gọi là những “hồ dài cảnh quan”.

 

 

3. Kiến nghị giải pháp:

 

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo,

 

Trong kiến nghị tôi đã viết “Năm 1010 khi vua Lý Thái Tổ khai sinh ra kinh thành Thăng Long, con sông Tô trong ngần còn ở ngoại ô của kinh thành. “Sông Tô nước chảy trong ngần / Con thuyền buồm trắng lượn gần, lượn xa”. Trải qua hơn 1000 năm phát triển, ngày nay sông Tô là con sông duy nhất uốn lượn quanh co, mượt mà, ở giữa tim của Thủ đô Hà Nội. Mé Đông và mé Tây của sông Tô đã phát triển đậm đặc dân cư. Hà Nội có Hồ Gươm đã đi vào lịch sử, là biểu tượng linh thiêng, thì con sông Tô cần phải được đầu tư để trở thành con sông biểu tượng lịch sử và đẹp nhất của Hà Nội cho muôn đời con cháu mai sau. Dọc hai bên sông, những chỗ cần trồng cây, sẽ phải cậy, bóc các viên gạch đã lát, tạo lỗ để trồng cây. Con sông Tô phải có nước trong ngần, cá bơi lội tung tăng, hai bên bờ phải là những thảm thực vật, những hàng cây đầy hoa lá hương thơm ngào ngạt. Trên sông là những con thuyền du lịch trở khách thăm quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy sắc màu. Suốt dọc hai bên sông luôn là những nơi sạch nhất, đẹp nhất, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của mọi người dân Hà Nội và khách du lịch trong và ngoài nước. Sông Tô phải là nơi gây ra những cảm xúc đầy lãng mạng cho các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ và nhạc sĩ sáng tác.

 

Để đạt được đa mục tiêu này (chống ngập, thoát lũ, vệ sinh môi trường, văn hóa, lịch sử, du lịch và kinh tế), trong kiến nghị tôi cũng đã đề xuất giải pháp. Đó là thay vì xây dựng một nhà máy XLNT qui mô hoành tráng, tập trung tại cuối sông (xã Thanh Liệt) nên thay thế bằng rất nhiều trạm XLNT qui mô nhỏ đặt dọc hai bên bờ sông. Nước thải sau xử lý được trả lại ngay vào sông để có nước nuôi sông. Trên toàn đất nước Việt Nam, nơi mà tất cả các hệ thống thoát nước đều là gộp chung cho cả nước mưa với nước thải (combined sewer) thì giải pháp XLNT phân tán, phi tập trung, là hợp lý nhất (decentralized approach in wastewater treatment). Thế giới hiện cũng đang hướng tới xử lý mọi chất thải tại nguồn (chất thải rắn, nước thải, khí thải), wastes treatment at source, có nghĩa là rất phân tán, phi tập trung.

 

Trong nhiều lĩnh vực, giải pháp phân tán, phi tập trung đã, đang và sẽ thắng thế, hiệu quả hơn hẳn giải pháp tập trung, độc quyền. Ví dụ 1: Lĩnh vực Điện và  Năng lượng.  Nguồn năng lượng gió và mặt trời là vô tận, có ở khắp nơi, vô cùng rẻ (ở một số nước trên Thế giới, giá thành điện mặt trời đang khoảng 2 – 3 US cents/kWh, trong khi nhiệt điện than ở Việt Nam đang là 6 – 7 US cents/kWh), đang tạo nên một nền Điện lực dân chủ, phi tập trung, giúp loài người giảm thiểu và tiến tới triệt tiêu sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, xăng dầu, khí) vì ô nhiễm môi trường và phát thải cacbon gây biến đổi khí hậu. Ví dụ 2: Giải pháp chống ngập cục bộ sau mưa bằng xây các bể ngầm dưới vỉa hè đường phố, trong công viên, sân, vườn, bãi đỗ xe v.v.. để thu hứng nước  mưa (sử dụng cho mục đích sinh hoạt) phân tán, phi tập trung, có thể cắt giảm được đến 50% lượng nước đầu vào, gây quá tải cho hệ thống cống thoát nước đô thị. Tại sao tất cả các mái che, nóc nhà đều thu hứng nước mưa nhưng dẫn đổ vào cống gây ngập úng? Đó thực sự là một giải pháp khoa học, hiệu quả, nhân văn và sinh thái. Ví dụ 3: Vì mọi đô thị của Việt Nam đang không thực hiện phân loại rác thải, xử lý ngay tại nguồn (tại mỗi gia đình) là lý do cốt lõi của sự thất bại, khủng khoảng, lãng phí trong quản lý rác thải sinh hoạt hiện nay ở Việt Nam. Trái ngược, tại các nước văn minh, chủ nghĩa tư bản sinh thái, họ thực hiện phân loại rác thải ngay tại mỗi gia đình để thu hồi, tái chế, tái sử dụng, 3R (Reuse, Recovery, Recycle). Một số làng tại Nhật Bản đã thực hiện mô hình không rác thải (zero wastes, 3R).

 

Công nghệ, kỹ thuật XLNT đã phổ cập trên toàn Thế giới. Đã hoàn chỉnh đến mức độ chuẩn hóa rất cao. Nếu xử lý bằng phương pháp sinh học (biological wastewater treatment), sục khí bằng công nghệ Nano (cung cấp oxy cho vi khuẩn hoạt động để phân hủy/“ăn” các hợp chất hữu cơ) hiệu quả, hầu như không có tiếng ồn, yên tĩnh. Nếu xử lý bằng phương pháp ô xi hóa nâng cao (Advanced Oxidation Process, AOP) có công nghệ ER-OZONE của Công ty cổ phần Công nghệ và Môi trường Saobitech (thành phố Hồ Chí Minh), với nền tảng công nghệ chuyển giao từ các chuyên gia Nhật. Hai phương pháp khác nhau về bản chất. Phương pháp ô xy hóa nâng cao là mới và hiện đại, có nhiều ưu điểm so với phương pháp xử lý sinh học. Ưu điểm vượt trội là diện tích mặt bằng cần cho trạm xử lý chỉ bằng 5%. Rất thích hợp để đặt các trạm xử lý này dọc bên sông Tô Lịch. Tương tự công nghệ với công ty Saobitech, các chuyên gia Nhật Bản đã trình diễn thử nghiệm thành công trên sông Tô Lịch dịp tháng 9/2019. Toàn bộ trạm xử lý qui mô nhỏ có thể được sản xuất trước, tại nhà máy, sau đó chỉ việc mang đến hiện trường lắp đặt, dọc hai bên bờ sông. Các kiến trúc sư của Việt Nam thừa khả năng để biến (dấu, hóa phép) các trạm XLNT mini dọc sông thành những công trình nghệ thuật hấp dẫn. Ngoài ra, nếu nơi nào không đặt trạm XLNT mini bên bờ sông, có thể đặt vào trong ngõ, trong hẻm, sau những nhà mặt tiền, mặt phố nhìn ra sông. Chỉ cần 40 – 60m2 đất mua lại nhà của dân trong ngõ/hẻm. Tầng 1 đặt trạm XLNT mini, các tầng còn lại biến thành tiện ích văn hóa cộng đồng cho khu dân cư vùng đó.

 

Việc đầu tiên cũng cần phải làm là sử dụng máy hút bùn đặt trên các xà lan di động dọc sông, nạo vét, hút sạch bùn hiện có, ép và làm khô, đóng gói sử dụng như phân hữu cơ. Máy ép, làm khô bùn có bán ở khắp nơi trên Thế giới.

 

Giả sử hiện hàng ngày có khoảng 150.000m3 nước thải đổ vào sông Tô Lịch. Sau xử lý ở các trạm mini sẽ có khoảng 140.000m3 nước sạch đạt tiêu chuẩn loại A hoàn trả lại ngay vào sông chảy về xuôi. Vì lượng nước sau xử lý đổ vào sông, hàng ngày chảy vào và chảy đi, chưa đủ để nâng cao mực nước trong sông tạo điều kiện cho tàu thuyền du lịch, giao thông chở khách đi lại, nên đập Thanh Liệt cần chỉnh sửa thành cống, có 2 cách đóng mở như cửa ra vào. Ba ngày đầu đóng cống, sẽ có 140.000m3 nước sạch mỗi ngày đổ vào sông, nước sẽ dâng cao tới  mức mong muốn để cho tàu thuyền tung tăng đi lại ngược xuôi. Ngày thứ 4 hai cánh cống sẽ được hé mở ở mức độ sao cho luôn có nước sạch chảy về xuôi mà vẫn giữ được mực nước sông Tô Lịch cao như mong muốn. Trường hợp có mưa lớn, lũ về, hay có sự kiện lịch sử trọng đại khi những du thuyền lớn từ Hoa Lư về Thăng Long Hà Nội và ngược lại, hai cánh cống sẽ mở hết cỡ ép vào hai bên bờ để thoát lũ, hoặc chào đón du thuyền lớn. Toàn bộ các cầu giao thông bắc qua sông Tô Lịch hiện nay cần phá đi, xây mới, với độ cao tĩnh không đủ để cho tàu bè đi lại ngược xuôi.

 

Theo đề xuất của tôi, hệ thống cống ngầm dài 53km sâu trong lòng đất sẽ biến mất, không cần. Đập tràn cũng biến mất, thay vào đó là một cống có hai cánh đóng mở. Nhà máy XLNT tập trung với công suất 270.000m3 sẽ được thay bằng các trạm XLNT mini được bố trí dọc sông, nước sạch sau xử lý chảy ngay vào “nuôi” sông. Con sông vẫn sẽ là sông, có dòng nước trong xanh luôn chảy về xuôi. 800 triệu USD của dự án thừa đủ để làm những thứ do tôi đề xuất. Ngoài ra thành phố còn có lãi nhiều ngàn tỷ đồng khi đem đấu giá khu đất vàng mênh mông vô cùng đẹp nằm ngay trên đại lộ Nguyễn Xiển – Xa La (dự đoán giá thị trường hiện nay khoảng 200 – 300 triệu đồng/m2).

 

Nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước trông trờ vào sự xem xét và quyết định của các Quí lãnh đạo. Con sông Tô Lịch đã đi vào lịch sử, với 1000 năm Thăng Long Hà Nội, không nên biến sông thành hồ Tô Lịch kỳ quặc nhất Thế giới, vì có chiều dài khoảng 14km và chiều rộng từ 20 – 30m.

 

Hãy cứu sông Tô Lịch cho muôn đời con cháu mai sau.

 

Kính thư và mong nhận được trả lời.

 

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 22/12/2019.

Địa chỉ thường trú: xxx, điện thoại: 0352344233, Email: ndthangndt@yahoo.com

 

PS. Tại báo cáo số 567-BC/BCS, ngày 24/10/2019, ông Nguyễn Đức Chung, Bí thư Ban Cán sự Đảng, kính gửi Thường trực Thành ủy về việc “Xử lý đơn của công dân Nguyễn Đức Thắng” đã không đưa ra được bất cứ lập luận khoa học nào để phản biện những ý kiến của tôi. Báo cáo chỉ mô tả những công việc mà Ban quản lý dự án nhà máy XLNT Yên Xá triển khai thực hiện. Tại cuối báo cáo, ông Nguyễn Đức Chung vẫn quyết định “làm cho sông Tô Lịch, sông Lừ có tác dụng trữ nước như một hồ dài cảnh quan”. Điều đó chứng tỏ những phát hiện của tôi về 3 tác hại rất to lớn do dự án gây ra là đúng:

 

 

 

Phần 3: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 2:VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 1: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC