Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2017
Kính gửi:
|
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Bộ trưởng Bộ Xây dựng Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học – kỹ thuật Việt Nam Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam |
(Về hai tác động môi trường tiêu cực to lớn
của hai dự án xử lý nước thải lớn nhất của Hà Nội)
Tôi là Nguyễn Đức Thắng, cán bộ về hưu năm 2008, có quá trình công tác khoảng hơn 10 năm tại Viện Kỹ thuật quân sự Bộ Quốc phòng, 10 năm tại Viện Khoa học Việt Nam và hơn 10 năm cuối tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tôi đã viết bài “Cần trả lại chân lý khoa học cho Kết luận về nguyên nhân cá chết” trong sự cố môi trường lịch sử xẩy ra ngày 6/4/2016 tại 4 tỉnh duyên hải miền Trung và đã in gửi các cơ quan Bộ, ngành liên quan. Tôi cũng đã nhận được emails ủng hộ của nhiều nhà khoa học đại thụ, trong đó có ý kiến của GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, viết ngày 25/11/2016 cho là “các thông tin rất quí báu và những phân tích rất hay”. Tôi biết Đảng và Nhà nước luôn rất coi trọng khoa học và công nghệ và hàng năm đều dành khoảng 2% tổng chi ngân sách Nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay cả nước vẫn còn đang phải hiểu sai và nói sai về nguyên nhân khoa học làm cá chết.
Tôi cũng đã viết bài “Hai nhà máy xử lý nước thải lớn nhất của Hà Nội sẽ làm cho các con sông chết hẳn và gia tăng ngập lụt ở Thủ đô”. Về bài này, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, người thày của ngành cấp thoát nước, xây dựng và môi trường Việt Nam, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, ngày 20/01/2017 đã viết email cho tôi như sau “Có phải anh chính là người đã phát hiện sự cố chết cá biển hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung là do chất thải trong nước thải của nhà máy FORMOSA có tính háo Oxy đã gây ra tình trạng nước biển cạn kiệt Oxy làm cá chết hàng loạt phải không? Về cơ bản tôi tán thành với ý kiến của anh phân tích về phương án xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (200.000 m3/ngd) và nhà máy XLNT Yên Xá (270.000 m3/ngd) của Hà Nội như vậy là không hiệu quả cả về môi trường, cả về kinh tế đầu tư và cũng không hiệu quả hoạt động của nhà máy”.
Vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội, của khoa học và công nghệ và môi trường, của Hà Nội, tôi thấy mình phải có trách nhiệm gửi bài viết trên, đính kèm thư này trình các quí Lãnh đạo xem xét quyết định.
Trân trọng cám ơn,
Nguyễn Đức Thắng (ndthangndt@yahoo.com, ĐT: 01652344233)
Ngày xưa, ông cha ta đã để lại cho chúng ta các con sông của Hà Nội rất đẹp và thơ mộng:
Sông Tô nước chảy trong ngần,
Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa.
Thon thon hai mái chèo hoa,
Lướt đi, lướt lại như là bướm bay.
Ngày nay, Hà Nội mới chỉ sau khoảng 30 năm “ưu tiên sản xuất, môi trường xem xét sau”, chúng ta đã hoàn toàn bức tử cả 5 con sông, lần lượt từ Đông sang Tây, là sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ, sông Tô Lịch và sông Nhuệ.
Với mục đích làm sống lại 5 con sông, bảo vệ môi trường và thực hiện phát triển bền vững, Bộ Xây dựng và UBND Hà Nội đã và đang đầu tư xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải (XLNT) lớn nhất của cả nước:
- Dự án nhà máy XLNT Yên Sở, đặt tại phía bắc hồ Yên Sở, cho lưu vực sông Kim Ngưu và sông Sét nằm ở nửa Đông của Hà Nội; khởi công xây dựng trong năm 2008, công suất là 200.000m3 nước thải/ngày, vốn thực hiện gần 300 triệu USD, cuối năm 2012 đã chạy thử, tháng 8/2013 công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam (công ty mẹ ở Malaysia) đã bàn giao cho phía Việt Nam.
- Dự án XLNT Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì), cho nửa Tây của Hà Nội (lưu vực sông Lừ, sông Tô Lịch và sông Nhuệ), khởi công ngày 7/10/2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. tổng vốn đầu tư 16.293 tỷ đồng (khoảng 800 triệu USD vốn ODA Nhật Bản), gồm hai hạng mục sau:
Tuy nhiên, kết quả đã và sẽ nhận được hoàn toàn trái ngược với mong muốn, dự án XLNT Yên Xá sẽ làm:
a) Gia tăng ngập lụt ở nửa Tây của Hà Nội,
b) Đẩy các con sông đến chết hẳn, phơi lòng, trơ đáy.
Vì sao? vì dự án đối kháng với qui luật của tự nhiên và thực tiễn, như những phân tích dưới đây:
1) Về tác động làm gia tăng ngập lụt khi có mưa lớn:
Mặt bằng địa hình Hà Nội dốc thoai thoải từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Vùng Đông Nam Hà Nội, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai là vùng trũng, thấp nhất.
5 con sông trên đảm nhiệm chức năng thiên bẩm là thoát nước (nước mưa và nước thải) cho khu vực Hà Nội. Hệ thống/mạng lưới chằng chịt cống mở và cống ngầm thoát nước của toàn Hà Nội từ xưa cho đến nay là HỆ THỐNG CỐNG GỘP (combined sewage system) NƯỚC THẢI GỘP CHUNG VỚI NƯỚC MƯA, là đặc điểm cơ bản của hệ thống thoát nước của toàn Hà Nội (toàn Việt Nam). Khi có mưa, nước chảy trong mọi ngõ, ngách, đường phố rồi chui qua các miệng thu (hố ga, hàm ếch) ở ven mặt đường để xuống cống ngầm, trộn lẫn với nước thải từ các hộ gia đình, ào ạt đổ về sông thông qua hàng nghìn miệng xả suốt dọc hai bên lòng sông. Khi có mưa lớn, nước sẽ ào ạt, nhanh chóng dâng cao mực nước các con sông, cuồn cuộn đổ về vùng trũng nhất là Trạm bơm Yên Sở (ở chân đê sông Hồng). Tại đây có 20 tổ máy bơm cỡ lớn, tổng công suất 90m3/giây (10 năm dự án thoát nước Hà Nội) sẽ bơm nước chui qua đê đổ vào sông Hồng. Hà Nội đã gặp nhiều đắng cay về ngập lụt, khi mà ngay bản thân những con sông cũng bị “ngập lụt”, không kịp tiêu thoát nước về xuôi.
Dự án XLNT Yên Xá với hệ thống cống ngầm đào mới (đường kính từ 0,4m đến 2,4m) suốt dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần sông Nhuệ, với tổng chiều dài gần 53km, nhằm cắt không cho hàng ngàn miệng xả nước thải vào sông, phải chảy vào đường cống mới dọc ven sông, dẫn về nhà máy XLNT để xử lý. Đây là logic thông thường của suy nghĩ chống ô nhiễm cho sông bằng cách cắt không cho nước thải đổ vào sông thì sẽ bảo vệ được sông và qua đó làm “sống” lại các con sông.
Đáng tiếc là các cống ngầm mới với đường kính lớn nhất là 2,4m không thể tiêu thoát lũ bằng các con sông rộng trên 10m. Mưa lớn, nước không tiêu thoát kịp về sông sẽ gây úng ngập cho rất nhiều nơi. Việc thi công hệ thống 53 km đường ống cống ngầm mới này sẽ làm tổn hại cho đường xá, gây ách tắc giao thông và làm suy yếu khả năng thoát lũ, gia tăng ngập lụt cho Hà Nội, phủ định những kết quả của 10 năm thực hiện dự án tiêu thoát nước, chống ngập lụt.
Ngày nay, do yêu cầu bảo vệ môi trường cao hơn và có điều kiện đầu tư hơn, nên các khu đô thị mới trên Thế giới thường xây dựng hai hệ thống thoát nước tách biệt (separated drainage systems); một hệ thống cống chỉ thu gom nước thải dẫn về nhà máy/trạm XLNT và hệ thống cống thứ hai, lớn hơn, đảm bảo chống ngập lụt, chuyên thu gom nước mưa, nước chảy bề mặt (surface run-off water), không cần xử lý, dẫn đổ thẳng vào sông ngòi, ao hồ. Hệ thống thoát nước riêng biệt này, tuy tốn kém, nhưng lại phù hợp với xu thế phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và các hệ sinh thái, do vậy sẽ là mô hình thoát nước của tương lai.
2) Đẩy các con sông đến chết hẳn, phơi lòng, trơ đáy. Vì sao?
Từ các con sông uốn lượn tự nhiên vốn có, Hà Nội đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để bê tông hóa bờ và lót sườn dốc bên trong, THU HẸP lòng sông, biến chúng đích thực thành những con KÊNH, MƯƠNG BÊ TÔNG thoát nước. Hệ sinh thái tự nhiên của sông đã chết. Các con sông của Hà Nội đã chết vì ô nhiễm khoảng hơn chục năm nay và sẽ chết hẳn vì cạn kiệt, trơ đáy, không có nguồn nước sạch nuôi sông.
NGUỒN NƯỚC CHÍNH ĐỂ NUÔI CÁC CON SÔNG LÀ NƯỚC MƯA VÀ NƯỚC THẢI. Trong các ngày không mưa, mực nước ở các con sông là rất thấp; đầu sông đã lộ đáy vì nước thải rất ít.
Hạng mục 53 km đường ống cống ngầm mới sẽ thu toàn bộ nước thải và nước mưa vào nó để đưa về nhà máy XLNT Yên Xá, rõ ràng là sẽ cắt nguồn nước thải duy nhất để nuôi sông (mùa khô), “tranh cướp” nguồn nước của sông, do vậy sông sẽ sớm bị phơi lòng, trơ đáy. Sông Nhuệ, do mật độ dân cư sống hai bên còn thưa, nên tổng lượng nước thải sinh hoạt ít (bình quân một người dân Hà Nội xả thải 150 – 175 lít nước thải/ngày), lại bị bà con nông dân khai thác để tưới cây trồng, nên nhiều nơi đã lộ rõ bùn đáy.
3) Giải pháp nào cho nhà máy XLNT Yên Xá vừa mới khởi công?
ĐỂ CÓ NƯỚC NUÔI SÔNG TÔ LỊCH VÀ SÔNG LỪ:
a) Có thể thêm một hạng mục công trình nữa là đặt một đường ống lớn ở giữa lòng sông, từ nhà máy XLNT Yên Xá đến tận đầu sông Tô Lịch và sông Lừ, để nước thải sau xử lý, đạt chuẩn bơm ngược lại đầu sông để có “nước sạch nuôi sông” và chính dòng nước này lại tự chạy về xuôi, lại trở về vị trí ban đầu mà trước đó nó được bơm đi.
b) Hoặc khoan hút nước ngầm lên rồi bơm vào sông mặc dù nước ngầm ở Hà Nội để sản xuất cấp nước sạch nhiều nơi đã hết.
c) Hoặc bơm nước từ sông Hồng qua một hồ trung gian cho lắng đọng phù sa, nước trong sau đó bơm vào sông.
Tuy nhiên, tất cả những giải pháp này sẽ tăng thêm cả chi phí vận hành và chưa ở đâu trên Thế giới làm như vậy, nhất là đối với những nước còn nghèo, đang phát triển. Cho dù 3 giải pháp trên có thể “tạo ra” nước để “nuôi sông”, thì dự án này vẫn bị một trở ngại lớn là làm gia tăng ngập lụt cho Hà Nội như đã phân tích ở trên, do đã cắt bỏ chức năng thiên bẩm của sông là thoát lũ.
CÁCH TIẾP CẬN PHÂN TÁN, PHI TẬP TRUNG:
Trên thế giới, trong đầu tư XLNT để bảo vệ môi trường có 2 cách tiếp cận là phân tán và tập trung (decentralized and centralized approach), cần xem xét và tùy từng điều kiện, hoàn cảnh mà áp dụng. Cả hai nhà máy XLNT lớn nhất của Hà Nội là Yên Sở và Yên Xá đều được thực hiện theo cách tiếp cận tập trung, hoành tráng. Theo cách tiếp cận này, hai nhà máy XLNT chỉ làm được 1 việc cần thiết là XLNT của dân cư Hà Nội, giảm thiểu ô nhiễm cho vùng đầm hồ Yên Sở và vùng xuôi.
Theo cách tiếp cận phân tán, phi tập trung thay vì có một nhà máy XLNT tập trung, qui mô lớn đặt gần cuối sông, có thể chia thành 10 – 15 nhà máy có qui mô nhỏ hơn, phân tán trên suốt dọc chiều dài các con sông. Nước thải sau khi xử lý sẽ hoàn trả vào sông để nuôi sông. Theo cách này sẽ tiết kiệm được hạng mục khoan đào đường thi công 53km cống ngầm mới. Giải pháp này là tốt nhất, vì đảm bảo đáp ứng đồng thời được 3 mục tiêu cốt lõi là: a) Thoát lũ, b) Làm sống lại được các con sông và c) Bảo vệ môi trường.
Việc chăm lo sản xuất trước, đầu tư bảo vệ môi trường sau, dẫn đến quĩ đất/mặt bằng để bố trí các trạm XLNT dọc sông không còn nữa và giá thành đền bù cao hơn so với đất ở Yên Xá. Đây là một vướng mắc đối với giải pháp phân tán, phi tập trung. Tuy nhiên, chỗ nào quĩ đất khó khăn, có thể xem xét việc tận dụng bờ sông và mặt sông để bố trí các trạm xử lý con, gọn, nhỏ mà các doanh nghiệp của Việt Nam đang sở hữu công nghệ này (trạm XLNT sản xuất trước theo các modul, mang đến lắp đặt và vận hành).
Cách tiếp cận phi tập trung, phân tán lại rất phù hợp với hệ thống thoát nước riêng biệt (separated drainage systems) tách nước thải và nước mưa riêng rẽ. Trên một dòng sông, sống định cư hai bên bờ, ví dụ có 50 khu đô thị, cộng đồng dân cư v.v.. tất cả đều có ý thức bảo vệ con sông, muốn nhìn thấy con sông trong lành, để họ có thể đi thuyền du lịch dạo chơi trên sông. Họ xây dựng hệ thống tiêu thoát nước mưa riêng, đổ thẳng vào sông. Nước thải (sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh) được thu gom vào 50 trạm xử lý của mỗi cộng đồng/khu đô thị, sau xử lý được đổ lại vào sông, có nước sạch để nuôi sông. Một đặc điểm quan trọng của công nghệ XLNT là dễ dàng tự động hóa được hoàn toàn, robot hóa toàn bộ, chi phí vận hành cho công nhân lao động chân tay ở 50 trạm xử lý là không đáng kể. Chi phí chủ yếu là cho điện năng và hóa chất dựa trên số lượng m3 nước thải được xử lý. Do vậy, xét về hiệu quả kinh tế theo góc độ qui mô, thì khác biệt về hiệu quả giữa qui mô 270.000m3/ngày với 10 trạm x 27.000m3/ngày là không đáng kể.
Cách tiếp cận XLNT phi tập trung và hệ thống thoát nước riêng biệt sẽ là chủ đạo trong tương lai.
Nếu Hà Nội cần làm sống lại cả 5 con sông, thì bắt buộc phải áp dụng cách tiếp cận phi tập trung, phân tán, nước thải sau xử lý được hoàn trả lại sông để nuôi sông mà không hề làm suy giảm khả năng thoát lũ của sông.
Ngược lại, theo cách tiếp cận tập trung, qui mô hoành tráng, cả 5 con sông chắc chắn sẽ chết và chết rất nhanh. Nhà máy XLNT Yên Sở là một minh chứng sống, đã vận hành được 3 năm rồi, nhưng không thể làm cho hai con sông là Kim Ngưu và sông Sét sống lại được 1 ngày.
Qua thực tế này đối với Việt Nam, bài học cần rút ra là nên đặt công tác đầu tư bảo vệ môi trường luôn ngang bằng với đầu tư phát triển kinh tế. Trong công tác bảo vệ môi trường cũng giống như trong công tác y tế, bảo vệ sức khỏe, quan điểm đầu tư phòng ngừa luôn quan trọng và hiệu quả hơn là đầu tư chữa trị, giải quyết hậu quả.
Hiện tượng nhiều nhà máy XLNT có công suất dư thừa, hay sau xây dựng dựng thường đắp chăn, phủ chiếu, hoạt động cầm chừng, né tránh vận hành là khá phổ biến. Một ví dụ là nhà máy XLNT Hồ Tây của Hà Nội, bao gồm cả hệ thống cống thu gom, công suất thiết kế 33.000m3/ngày, tổng vốn đầu tư gần 1000 tỷ đồng, đã hoàn thành cuối năm 2015, nhưng “không có nước thải” cho nhà máy hoạt động. Trong khi xung quanh Hồ Tây vẫn có gần 30 miệng xả hàng ngày khoảng 1000m3 nước thải trực tiếp vào hồ. Vụ cá chết cấp tính sau một đêm ở Hồ Tây ngày 01/10/2016 đã đi vào lịch sử đất nước.
4) Về dự án nhà máy XLNT Yên Sở:
Nhà máy có công suất 200.000m3/ngày nhằm mục đích cứu hai con sông Kim Ngưu và sông Sét. Đến cuối năm 2016 nhà máy đã vận hành được khoảng 3 năm. Kết quả mọi người dân Hà Nội đều có thể thấy là hai con sông chưa sống lại nổi dù chỉ có 1 ngày.
Tuy nhiên, dự án này không ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát lũ, chống ngập lụt như dự án XLNT Yên Xá. Vì dự án không có hạng mục đào hệ thống cống ngầm mới, ở dọc hai bên sông để thu gom nước thải. Tất tận mọi thứ nước mưa và nước thải vẫn đổ thẳng trực tiếp vào sông Kim Ngưu và sông Sét để chảy về nhà máy XLNT Yên Sở.
Tuy nhiên, với công suất thiết kế rất lớn, 200.000m3/ngày, trong khi nước thải thực có đổ về nhà máy là bao nhiêu? điều này cần được đánh giá lại một cách khách quan và trung lập. Bằng mắt thường quan sát người dân ai cũng thấy là các miệng xả nước thải chẩy từ từ, nước trên hai con sông chảy lờ đờ, rác nổi bề mặt không muốn trôi về xuôi. Điều đó có nghĩa là lưu lượng rất thấp. Nhưng cụ thể là bao nhiêu? Cần đo đạc lại tại một số điểm để có được con số chính xác.
Giả sử, lưu lượng nước thải thực có 100.000m3/ngày, nếu nhà máy vận hành ở mức bằng 60% công suất thiết kế, tức 120.000m3/ngày, có nghĩa là hút hết nước thải về nhà máy, sẽ sớm làm con sông phơi lòng, trơ đáy. Vì nguồn nước duy nhất để nuôi sông chỉ có nước thải. Để không làm “cạn kiệt” sông, rõ ràng nhà máy phải vận hành với công suất rất thấp so với thiết kế.
Nhà máy XLNT Yên Sở đã “an bài”. Với hệ thống cống thoát là gộp chung nước thải nước mưa, với cách tiếp cận XLNT tập trung và hoành tráng cộng với quan điểm “sản xuất trước, bảo vệ môi trường sau” đã đặt dấu chấm hết cho hai con sông Kim Ngưu và sông Sét, vô phương cứu chữa.
5) Sông Tô gắn với lịch sử Hà Nội, cho muôn đời con cháu mai sau:
“Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh
Dừng chèo muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu".
Khi vua Lý Thái Tổ khai sinh ra kinh thành Thăng Long, con sông Tô trong ngần còn ở ngoại ô của kinh thành. Trải qua hơn 1000 năm phát triển, ngày nay sông Tô là con sông duy nhất uốn lượn quanh co, mượt mà, ở giữa tim của Thủ đô Hà Nội. Mé Đông và mé Tây của sông Tô đã phát triển đậm đặc dân cư. Hà Nội có Hồ Gươm đã đi vào lịch sử, là biểu tượng linh thiêng, thì con sông Tô cần phải được đầu tư để trở thành con sông đẹp nhất của Hà Nội cho muôn đời con cháu mai sau. Dọc hai bên sông, những chỗ cần trồng cây, sẽ phải cậy, bóc các viên gạch đã lát, tạo lỗ để trồng cây. Con sông Tô phải có nước trong ngần, cá bơi lội tung tăng, hai bên bờ phải là những thảm thực vật, những hàng cây đầy hoa lá hương thơm ngào ngạt. Trên sông là những con thuyền du lịch trở khách thăm quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy sắc màu. Suốt dọc hai bên sông luôn là những nơi sạch nhất, đẹp nhất, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của mọi người dân Hà Nội và khách du lịch trong và ngoài nước. Sông Tô phải là nơi gây ra những cảm xúc đầy lãng mạng cho các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ và nhạc sĩ sáng tác.
Chỉ có cách tiếp cận XLNT phi tập trung, phân tán mới làm cho con sông Tô sống lại với đa chức năng: Văn hóa, kinh tế và thoát lũ.
6) Bài học kinh nghiệm cho lưu vực sông Nhuệ trong tương lai:
Mặc dù qui hoạch phát triển Hà Nội đã được quan tâm đầu tư từ vài chục năm nay, nhưng sự phát triển trên lưu vực sông Tô Lịch là hoàn toàn tự phát, ào ạt, nhà ở chen vai sát cánh như nêm, nhiều ngõ của ngõ, ngách của ngách.
Hiện tại mật độ dân cư hai bên bờ sông Nhuệ còn thưa, là cơ hội rất may để thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo lưu vực sông, lấy sông Nhuệ làm trọng tâm, trục của sự phát triển. Không nên bê tông hóa bờ sông biến nó thành kênh, mương bê tông thoát nước. Các khu đô thị trong lưu vực sông Nhuệ sẽ trở nên đẹp nếu dọc suốt hai bên bờ sông là những thảm thực vật (cỏ, cây, hoa, rau quả), sau đó mới đến đường và nhà.
Chúng ta đã quen cách sống tận dụng, khai thác sông mà không hề nuôi dưỡng sông. Hệ sinh thái sông cung cấp những dịch vụ (the services of ecological system) của nó là xử lý và làm sạch nước thải của con người, nhưng chúng ta đã không trả phí cho dịch vụ này. Vì vậy hệ sinh thái đã bị khai thác vượt quá khả năng chịu tải (carrying capacity) của nó nên đã chết. Cần đầu tư nhà máy XLNT để có nước “sạch” nuôi sông tức là trả phí dịch vụ cho hệ sinh thái. Cần thực hiện xây dựng hệ thống thoát nước riêng biệt. Nước mưa thu gom theo đường thoát riêng và đổ thẳng vào sông. Nước thải sinh hoạt thu gom riêng dẫn vào các trạm XLNT nhỏ, sau xử lý đổ vào nuôi sông.
7) Phần kết:
Hai nhà máy XLNT lớn nhất của Hà Nội chắc đều phải qua Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Tuy nhiên hai tác động môi trường tiêu cực lớn như vậy của dự án là gia tăng ngập lụt và làm các con sông chết nhanh hơn đã chui lọt, thật đáng tiếc.
Chúng ta đã chứng kiến nhiều mong muốn, mục đích tốt đẹp, cao cả; nhưng đề xuất giải pháp thực hiện không những không đạt mục tiêu mà còn gây ra những thiệt hại to lớn. Hiệu quả yếu kém của đầu tư công là một trong những lý do chủ yếu làm cho Việt Nam tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Sông Tô Lịch đã gắn với lịch sử của Hà Nội, đã ở giữa tim của Hà Nội, không quá lớn cũng không quá bé, cần được đầu tư trở thành con sông sạch, đẹp, nước trong ngần, thực hiện đa chức năng là văn hóa, kinh tế và thoát lũ.
Lưu vực sông Nhuệ, do hiện tại đang là “ngoại ô”, mật độ dân cư còn thưa, cần được quy hoạch, đầu tư trả lại thuộc tính sinh thái cho sông. Cần kiên định với tư duy đô thị sinh thái cả trong tương lai, dù đất có lên giá cũng không nên chuyển đổi đất vườn hoa, công viên thành các tòa nhà chưng cư cao tầng chật như nêm./.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 31/12/2016, ndthangndt@yahoo.com
PHỤ LỤC: Một vài hình ảnh về các con sông của Hà Nội:
Lễ ký kết bàn giao nhà máy XLNT Yên Sở
Đã vận hành được 3 năm, nhưng không thể cứu được sông Kim Ngưu và sông Sét
sống lại dù chỉ có 01 ngày.
“Sản phẩm” của người Hà Nội thanh lịch