VỀ BÀI BÁO “NHỐT MƯA SÀI GÒN”
Thân gửi bạn Nguyễn Đăng Anh Thi,
Cám ơn bạn đã gửi email mời tôi đọc bài “Nhốt mưa Sài Gòn” của bạn vừa đăng trong chuyên mục Góc nhìn trên báo điện tử lớn nhất (nhiều người xem nhất) của đất nước (https://vnexpress.net/goc-nhin/nhot-mua-sai-gon-3954921.html). Chúc mừng bạn đã có một số bài viết trong lĩnh vực Năng lượng và Môi trường được đăng trên báo này.
Câu chuyện hài ước về một nhà khoa học vật liệu làm thì nghiệm nhốt mưa mà bạn kể nếu đúng, có thật, thì rất buồn. Nhà khoa học này đã sai ở khâu tư duy thiết kế. Có thể ông ta chỉ muốn chứng minh rằng có thể hứng được nước mưa bằng những vật liệu đơn giản và rẻ tiền nhất. Tuy nhiên điều này cũng không cần vì ông cha ta đã ngàn năm hứng nước mưa để ăn uống bằng những dụng cụ rất thô sơ rồi.
Khi nghe đề xuất “dùng lu chống ngập”, dùng từ theo cách nói mộc mạc, dân gian làm cho các cháu thiếu nhi có thể cười “cô ơi, cái lu, cái hũ, cái vại bé lắm làm sao mà chống ngập úng được”. Nhưng các nhà khoa học vĩ đại của Việt Nam không nên hiểu câu chữ như vậy mà vội vàng ném đá tác giả. Trước khi ném đá cần phải kiểm tra kỹ xem trong đầu óc mình có đầy đủ thông tin, chứng cứ khoa học để phản bác. Cái lu để hứng nước mưa chống ngập úng ở đây bắt buộc phải hiểu là những bể chứa đủ to, đủ lớn, ví dụ từ 1m3 trở lên. Như mọi gia đình ở các thành phố đều có bồn inox hay nhựa composite từ 1 – 2m3 để chứa nước máy trên sân thượng.
Tại sao lại phải làm thí nghiệm hứng nước mưa để chứng minh là chống được ngập nhỉ? Theo tôi giải pháp này hoàn toàn không cần phải làm thí nghiệm, chỉ cần làm một số phép tính thôi cũng đủ thấy ngay hiệu quả của giải pháp “dùng lu chống ngập”. Còn nếu khăng khăng phải làm thí nghiệm thì cần thiết kế thí nghiệm theo những khía cạnh tính toán dưới đây. Ví dụ những tính toán phổ thông (cân bằng lượng nước vào và nước ra) sau đây để minh họa. Việc lấy tròn số cho dễ tính, dễ hiểu, hoàn toàn không ảnh hưởng đến bản chất vấn đề, khi áp dụng cụ thể vào cho quận, huyện hay toàn thành phố Hồ Chí Minh:
1. Số liệu thực tế:
Tại bảng thống kê cho thấy tổng lượng mưa cao nhất của Tp. HCM (ảnh bên dưới) vào năm 2007 là 2.340mm, trong đó cao nhất của tháng 9 là gần 500mm.
2. Số liệu giả định:
3. Tính toán tiêu thoát nước:
Với cơn mưa vừa 40mm/giờ: Tổng lượng nước mưa của lưu vực trong một giờ là 1000m2 x 0,04m = 40m3. Cơn mưa này hoàn toàn không gây úng ngập, thoát hết sau mưa . Tuy nhiên, nếu 50% lượng nước được hứng (20m3) và lưu trữ trong bể phục vụ cho sinh hoạt, còn lại lượng nước mưa thoát vào cống rãnh chỉ có 20m3. Khu vực này có 10 gia đình với 40 đầu người, bình quân sử dụng 6m3 nước máy/ngày. Lượng nước mưa hữu ích hứng sẽ được sử dụng hết trong 3,3 ngày (= 20m3 : 6m3).
Với cơn mưa rất to là 70mm/giờ: Tổng lượng nước mưa rơi vào lưu vực sẽ là 1000m2 x 0,07m = 70m3. Cơn mưa này sẽ gây ngập úng. Sau cơn mưa, 30m3 nước dềnh lên mặt đường, mặt ngõ, bình quân là 6cm (30m3 : 500m2 = 0,06m), sẽ thoát hết sau khoảng 45 phút nữa. Tuy nhiên, nếu tổng lượng nước của các mái che, nóc nhà hứng được là 35m3 lưu trữ sử dụng cho sinh hoạt, sẽ hoàn toàn không còn nước để gây ngập úng.
Tính toán thể tích bể lưu trữ nước mưa chống ngập cho cơn mưa 70mm/giờ liên tục 2 giờ liền, 140mm: Khả năng này khoảng 50 năm mới có 1 lần ở Tp. HCM. Tổng lượng nước mưa rơi xuống toàn lưu vực là 140m3 sẽ được “phân bổ” như sau: Trong 1 giờ đầu tiên tiêu thoát được 40m3. Từ giờ thứ 2 nước bắt đầu ứ đọng dần dần. Cho đến hết giờ thứ hai, tổng lượng nước tiêu thoát 80m3, còn lại 60m3 nước (140m3 – 80m3 = 60m3) gây úng ngập sân, vườn, đường, ngõ, cây xanh, là 12cm (60m3 : 500m2 = 0,12m). Nếu muốn sau 2 giờ mưa, mặt đường phố, mặt ngõ phải nhẵn sạch, không còn nước, phải có các bể lưu trữ 60m3.
4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, nền kinh tế trí thức và thành phố thông minh?
60m3 nước này chia cho 10 gia đình. Vậy mỗi nhà cần có bể chứa 6m3. Bố trí như sau: 1 bể chứa 1m3 ở trên cao, sân thượng, còn lại 5m3 ở dưới tầng trệt. Vì bể chứa nước này là để phục vụ cho mục đích chống ngập, nên thành phố phải có trách nhiệm hỗ trợ người dân. Cụ thể như sau: Cho phép xây 1 bể ngầm 3m3 ở dưới vỉa hè đi bộ, ngay trước mặt tiền của nhà, và hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng, có kích thước cụ thể là 1m x 3m x 1,2m sâu. Đáy bể nên có độ dốc, chênh lệch hai đầu khoảng 10cm, để tạo điều kiện xuống bể thau rửa, vét nước cặn đáy. 2m3 nước còn lại người dân sẽ phải tự đầu tư, xây dựng trong nhà mình. Các chuyên gia về cơ khí có thể nghĩ thiết kế phễu thu nước mưa, sao cho 3 phút mưa đầu tiên nước bẩn bị gạt bỏ đi cho chảy xuống cống. Sau 3 phút mưa, nước mưa sạch cho chảy vào bể.
Khi người dân yêu thành phố của mình, khi người dân muốn cuộc sống của mình được tiện nghi hơn, không có úng ngập, khi người dân nghĩ đến ông cha ta quí trọng nước mưa, khi người dân nghĩ sẽ giảm được tiền sử dụng nước máy, với một kinh phí nhất định đầu tư cho ban đầu nhưng sẽ sử dụng được lâu dài, khi đó người dân sẽ ủng hộ chủ trương này do UBND thành phố ban hành.
UBND Tp. HCM nên chọn giải pháp này, thay vì đã, đang và sẽ đầu tư gần 230.000 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD) để xây 172km đê bao với 12 cống ngăn triều (bịt kín miệng các kênh, rạch, tại những điểm giao cắt với sông Sài Gòn, sông Soài Rạp và sông Vàm Cỏ) và đê biển hùng vĩ Vũng Tàu – Gò Công (Tiền Giang) bịt miệng luôn cả sông Sài Gòn và sông Soài Rạp, nhưng ngập úng vẫn hoàn ngập úng. Ngàn đời nay, dòng nước cùng với tôm, cua, cá, ốc đã giao lưu tự do giữa kênh, rạch với sông và biển nay bỗng dưng bị chặn lại.
Mong bạn luôn nhớ rằng xu thế phát triển của Thế giới trong nhiều lĩnh vực là rất dân chủ, phân tán, phi tập trung. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng thì làm gì cũng thành công. Giải pháp “Dùng lu chống ngập” luôn có HAI MẶT GẮN BÓ HỮU CƠ VỚI NHAU, KHÔNG THỂ TÁCH RỜI NHAU. ĐÓ LÀ CHỐNG NGẬP VÀ NHÂN VĂN SINH THÁI.
Trân trọng mời bạn, đọc một số bài viết dưới đây trên “báo” cá nhân của tôi. Tuy nhiên mong bạn hãy đọc chậm và suy tư. Nếu đọc lướt sẽ lãng phí thời gian quí báu của mình:
Giải pháp dùng lu chống ngập là khoa học, hiệu quả, nhân văn và sinh thái.
Qui hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực Tp. HCM là phản khoa học và rất có hại cho đất nước.
Ba nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam là phản khoa học và rất có hại cho đất nước.
Chính sách xăng E5 là phản khoa học và rất có hại cho đất nước.
Nghịch lý khoa học Luật thuế bảo vệ môi trường là rất có hại cho đất nước.
Chiến dịch đập phá đòi lại vỉa hè cho người đi bộ đã thất bại khi đập nhát búa đầu tiên.
Không nên lấy cá sống khỏe trong bể sinh học là đảm bảo nước thải an toàn, đạt chuẩn.
Kính thưa Bộ KH&CN và Bộ Y tế, thực sự oan cho phenol
Ngành ngoại thương không nên dịch Business Administration = Quản trị kinh doanh.
Và còn nhiều nữa…
Khoa học đất nước mình ngộ quá phải không bạn?
Trong các bài viết trên, nhiều lỗi nhỏ tôi tin là có, mong bạn lượng thứ. Tôi thực sự hàm ơn, khi bạn chỉ ra được cho tôi những lỗ hổng kiến thức cơ bản, nếu có.
Chúc bạn nhiều niềm vui.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 21/7/2019.