Hà Nội, ngày 06/6/2020
THƯ NGỎ LẦN HAI GỬI BAN VẬN ĐỘNG LẤY CHỮ KÝ CHO KIẾN NGHỊ “HÃY CỨU LẤY ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG”
Thưa quý vị,
Tại bản kiến nghị quý vị đã xưng là những nhân sĩ, trí thức, chuyên gia nông nghiệp, thủy lợi. Tại Facebook trang của anh Hoàng Hưng, quý vị đã tự công nhận là những chuyên gia elite (tinh hoa, tinh tú) về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Do vậy, bản kiến nghị này BẮT BUỘC phải có chất lượng cao nhất để toàn xã hội thấy thực sự quý vị là những người nhân sĩ, trí thức tinh hoa của đất nước. Từ đó họ sẽ nhớ đến những công lao đóng góp của quý vị đối với ĐBSCL. Nếu 1 cá nhân kiến nghị thì miễn bàn, nhưng đây là cả một tập thể lớn những chuyên gia, nhà khoa học elite của đất nước. Do vậy bản kiến nghị phải là bản tuyên ngôn cương lĩnh bao gồm những chủ trương, chiến lược và chính sách lớn, ngắn gọn làm cho Chính phủ và các Bộ, ngành phải tâm phục, khẩu phục và cụ thể hóa, triển khai thực hiện.
Yếu tố hàng đầu để đảm bảo chất lượng của bản kiến nghị phải là TÍNH KHOA HỌC. Lòng yêu nước rất cao và ý chí của quý vị không thể đảm bảo cho CHẤT LƯỢNG KHOA HỌC của bản kiến nghị. Vì theo tôi lòng yêu nước, ý chí của quý vị cũng ngang bằng với gần 100 triệu người dân Việt Nam, không hơn được đâu.
Ngày 04/6/2020 tôi đã có thư ngỏ gửi quý vị góp ý. Trong đó tôi phân tích nhấn mạnh vào NỘI DUNG KHOA HỌC được nêu trong kiến nghị. Đó là qui kết nguyên nhân hạn hán hiện nay ở ĐBSCL là do các đập hồ thủy điện của Trung Quốc và Lào gây ra. Tôi coi kết luận này là SAI VÀ PHẢN KHOA HỌC.
Mặc dù trái quan điểm, nhưng tôi cũng trân trọng ý kiến của GS. TS. Nguyễn Thế Hùng, trường Đại học Đà Nẵng bảo vệ qui kết đó. GS. Hùng đã chủ động gọi điện thoại cho tôi. Anh nói lĩnh vực thủy lợi và thủy điện là chuyên ngành của mình. Anh giải thích cho tôi qua điện thoại công thức tính hiệu suất động cơ thủy điện, phụ thuộc một số thông số, trong đó có chiều cao cột nước. Khi chiều cao cột nước thấp, hiệu suất động cơ thấp. Chuyên ngành của tôi là Hóa lượng tử nên tôi thực sự không nắm được công thức tính toán này. Tuy nhiên, theo kiến thức cơ bản môn học Vật lý cấp 3, tôi hiểu là thế năng càng lớn sẽ chuyển sang động năng quay tuabin càng lớn. Do vậy mà hầu hết các nhà máy thủy điện đều đặt ở những vùng núi cao, có độ dốc càng lớn càng tốt. Ở đồng bằng tôi không quan sát thấy nhà máy thủy điện nào bên sông. Như vậy, mức nước tích trong hồ thủy điện càng cao thì hiệu suất của động cơ phát điện càng cao. Tôi hiểu và nhất trí điều này. GS. Hùng kết luận là để nâng cao hiệu suất nên thủy điện sẽ hoạt động gián đoạn trong mùa khô theo chu kỳ: (nghỉ để tích nước – xả nước để phát điện – nghỉ để tích nước – xả nước để phát điện) lặp đi lặp lại. Thời gian nghỉ phát điện để tích nước này là nguyên nhân gây hạn hán tại ĐBSCL.
Đó là CĂN CỨ KHOA HỌC DUY NHẤT để quý vị kết tội các đập hồ thủy điện ở thượng nguồn Trung Quốc và Lào là nguyên nhân gây hạn hán cho ĐBSCL (cách xa các đập thủy điện Trung Quốc trên 3.000km), kết tội cả 9 đập hồ thủy điện của Lào từ nhiều năm vẫn còn nằm trên giấy. Không cần thiết xem và đọc những số liệu ghi chép của cả một mạng lưới các trạm quan trắc theo dõi lượng mưa rơi trên các vùng miền và lưu lượng dòng chảy trên các đoạn của sông Mê Công mấy chục năm qua, trong mùa khô cũng như mùa mưa đều được ghi chép.
Tuy nhiên, từ quan điểm vận hành gián đoạn đến vận hành thực tế một nhà máy thủy điện lại khác xa. Vận hành gián đoạn đối kháng với NHỮNG QUI ĐỊNH CỦA ĐIỀU ĐỘ ĐIỆN, không ĐẢM BẢO AN NINH HỆ THỐNG ĐIỆN. Khi nguồn cung điện gián đoạn, không đủ đáp ứng nhu cầu phụ tải sẽ gây sụt áp và biến tần, gây ra những hệ lụy khác cho hoạt động Điều độ hệ thống điện. Khi nguồn cung giảm, sẽ tăng quá tải, gây hại và tổn thất cho mạng lưới truyền dẫn điện, hệ thống đảm bảo an toàn sẽ tự động cắt phụ tải (cắt điện), gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp đang sản xuất. Đảm bảo an ninh điện, đồng nghĩa với hiệu quả của hệ thống điện, có nghĩa là phải duy trì nguồn cung điện TRONG TỪNG PHÚT phải lớn hơn hoặc bằng nguồn cầu về điện. Ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia. Đó là văn bản pháp lý số: 40/2014/TT-BCT ngày 05/11/2014, toàn ngành điện phải tuân thủ.
Kiến nghị của quý vị như lời hiệu triệu, kích động người dân. Cụ thể tại trang Facebook của quý vị Hoàng Hưng đã có một facebooker ghi nguyên văn như ảnh này:
Tôi đã đưa ra TẤT CẢ 9 THỰC TẾ, SỰ THẬT KÈM PHÂN TÍCH (quý vị kích chuột vào cụm từ ấy để đọc chi tiết) để chứng minh cho quan điểm của tôi. Không một ai trong quý vị phân tích, chỉ ra cho tôi bất kỳ một thực tế, sự thật nào là sai.
Trước 9 lập luận khoa học bảo vệ quan điểm của tôi là trên Thế giới không tồn tại bất cứ một đập hồ thủy điện nào ĂN NƯỚC, GIỮ NƯỚC, KHÔNG SẢN XUẤT ĐIỆN, ĐE DỌA NGUY CƠ VỠ ĐẬP, không một vị nào chỉ ra một lỗi sai. Do thiếu thông tin phản biện, bực mình quý vị anbinhminh@gmail.com đã viết trên diễn đàn, chụp mũ cho tôi là DLV của Tàu và yêu cầu loại tôi ra CLB.
Tôi đã đọc những giải pháp mà quý vị kiến nghị. Những thứ mà quý vị đề xuất là vụn vặt, không có gì mới, không có đột phá để Quốc hội hay Chính phủ phải họp bàn về những kiến nghị của quý vị, những nhân sĩ, trí thức elite của đất nước. Khi Thủ tướng Chính phủ giao bản kiến nghị của Quí vị cho Bộ NN&PTNT nghiên cứu và báo cáo. Tôi dự đoán là Bộ NN&PTNT sẽ rất dễ dàng báo cáo lên Thủ tướng là những kiến nghị của Quí vị trùng lắp với những nội dung mà Bộ NN&PTNT đang từng bước thực hiện, cụ thể hóa Nghị quyết Chính phủ số: 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 về “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”. Do vậy không có gì là mới, là đột phá.
Tôi ủng hộ những ý kiến của các anh Nguyễn Hùng, Gia Ninh Trần và Hà Văn Thùy cũng cho rằng những nội dung của kiến nghị không có gì là mới và đột phá.
Tuy nhiên, đọc một số những ý kiến khác của những vị có vẻ là trụ cột trong CLB tôi thấy quý vị không cần khoa học, “giữ nguyên trạng”, cứ như vậy mà tiến.
Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một lần nữa là quý vị đã xưng là những nhân sĩ, trí thức elite của đất nước; nên hãy đưa ra những lập luận khoa học để phản biện lại những lập luận khoa học, thay vì đưa ra mấy câu ý chí, quyết tâm, chụp mũ ngắn gọn. Kính mong quý vị đừng hạ thấp tư duy và trí tuệ của người Việt Nam.
Xin mời quý vị đọc thêm bài VIỆT NAM KHÔNG CÓ KHOA HỌC, CHỈ CÓ KIÊU NGẠO VÀ CÔNG NGHỆ NGOẠI NHẬP được chứng minh bằng rất rất nhiều Thực tế/Sự thật.
Trân trọng cám ơn sự quan tâm của quý vị.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 06/6/2020
================================================
Nguyên văn bản kiến nghị hãy cứu lấy Đồng bằng sông Cửu Long và danh sách ký tên:
Để cứu lấy Đồng bằng Sông Cữu Long, rất cần sự lên tiếng của tầng lớp Thân sỹ Trí thức. Chúng tôi soạn bản kiến nghị này trình lên Chính phủ. Các Thân sỹ, Trí thức quan tâm đến thực trạng của đất nước, muốn đồng hành cùng chúng tôi, và đồng ý ký tên xin soạn rõ theo cú pháp: {Họ Tên , chức danh/nghề nghiệp (nếu có), Tỉnh hoặc Thành phố (và quốc gia nếu ở nước ngoài) đang cư trú}. Gửi về địa chỉ email: tuyenbodbscl@gmail.com
Trân trọng cám ơn
KIẾN NGHỊ
HÃY CỨU LẤY ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Kính gởi: Bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng kính gởi: Ông Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi chiếm 90% mức xuất khẩu gạo, vùng nuôi trồng thủy sản xuất khẩu, cây trái lớn nhất cả nước nhưng là nơi mà cơ sở hạ tầng lại thấp nhất so với các vùng khác. Đời sống người dân ở đây còn khó khăn muôn bề. Trong khi đó tình hình biến đổi khí hậu cũng như tác động xấu của con người vào môi trường sống dự báo sẽ có những hậu quả tai hại khôn lường. Người dân ĐBSCL vì thế sẽ phải đương đầu ra sao để bảo vệ và phát triển cuộc sống? Trước tình hình bức xúc này, một số nhân sĩ, trí thức, chuyên gia nông nghiệp, thủy lợi chúng tôi cùng nhau viết bản kiến nghị này với mong muốn góp phần với Nhà nước trong việc vạch ra một chính sách chiến lược phát triển hợp lý hữu hiệu để phát huy các mặt thuận lợi có sẵn của vùng miền đồng thời khắc phục những sai sót đã phạm phải, nhằm giúp cho Đồng bằng sông Cửu Long được phát triển đúng hướng, bền vững trong xu thế phát triển chung của cả nước.
Mới đây, ngày 26.5.2020, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm, người đứng đầu Chính phủ đã có yêu cầu cần đặc biệt quan tâm đến hạ tầng khu vực ĐBSCL, nên thiết tưởng bản kiến nghị này, được xây dựng trên tinh thần nghiên cứu khoa học vô tư khách quan, sẽ có thể cung cấp thêm được một nguồn tham khảo bổ ích cho đại cuộc phát triển đất nước.
Nhiều năm nay, việc xâm nhập mặn các dòng sông và nạn hạn hán, thiếu nước ngọt trong canh tác trong sinh hoạt thường xuyên xảy ra ở một số tỉnh ĐBSCL. Việc tăng vụ trồng lúa đã có hiệu quả làm tăng sản lượng gạo và lượng gạo xuất khẩu, nhưng nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo. Xuất khẩu gạo càng tăng, thành tích chính phủ càng lớn thì chi phí đầu tư càng lớn, nạn ô nhiễm môi trường càng gia tăng do qui mô sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật ngày càng lớn, môi trường sống càng bị đe dọa nghiêm trọng.
Nhìn lại chặng đường dài, không thể không hỏi vì sao một vùng đất màu mỡ, giàu tiềm năng mà vẫn là vùng trũng về kinh tế, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục. Nhiều người trẻ vẫn phải đi xuất khẩu lao động, làm “osin” hoặc lấy chồng mà không có tình yêu, cực khổ muôn bề chỉ vì hy vọng kiếm ít tiền gởi về cho cha mẹ.
Về môi trường tài nguyên thiên nhiên, biểu hiện dễ thấy là sự bức tử dòng sông Mê-Kông. Trung Quốc xây đập thủy điện thượng nguồn sông Mê-Kông góp phần gây hạn hán (trong những năm ít nước, do phát điện gián đoạn), ngăn chặn một phần phù sa di chuyển về hạ lưu, tiêu diệt một số loài thủy sản vì chúng mất môi trường sinh đẻ tự nhiên. Lào ngăn đập làm nhà máy thủy điện với tham vọng là bình điện của Châu Á... Việc tăng vụ sản xuất lúa, xây dựng cơ sở hạ tầng, tàn phá rừng tự nhiên trong lưu vực sông đã góp phần làm khô hạn; và phía Việt Nam cũng đã góp phần không nhỏ trong việc gây nạn hạn này.
Môi trường và tài nguyên tự nhiên suy thoái một phần là do biến đổi khí hậu, khai thác thiếu bền vững ở thượng nguồn sông Mê-Kông, song nguyên nhân chính là Chính phủ đã thiếu một chiến lược lâu dài thích ứng với tự nhiên và xu thế phát triển của khu vực. Không thể đổ lỗi cho khách quan mà phải tìm cách thích ứng với các tác động không mong muốn khách quan ấy. Một thời gian quá dài, Chính phủ ưu tiên cho sản xuất lương thực ngay cả khi đã dư thừa cho nhu cầu trong nước. Chính phủ đã quá tự hào với việc trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đóng góp vào an ninh lương thực thế giới, bất chấp việc khai thác quá mức tài nguyên đất, nước với việc gia tăng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và không có hành động đáng kể nào để bảo vệ sức khỏe của đất cũng như môi trường. Cũng chính vì tư duy phải đứng ở “hàng đầu” trong xuất khẩu gạo mà Chính phủ đã bỏ quên lợi thế so sánh về thị trường các cây trồng khác, thu nhập cao hơn, sử dụng tài nguyên ít hơn và cuối cùng là sản xuất bền vững hơn.
Việt Nam không thể di chuyển ĐBSCL đi xa người láng giềng xấu bụng Trung Quốc. Việt Nam cũng không thể ra lịnh cho Lào, Thái Lan. Việt Nam cũng không thể chống lại biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việt Nam chỉ có thể làm cho người nông dân giàu hơn, ĐBSCL phát triển hơn bằng chính sách biện pháp phù hợp, thuận với qui luật thiên nhiên.
Gần đây trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội đang có sự tranh luận gay gắt giữa việc dừng hay tiếp tục xuất khẩu lúa gạo. Đây là việc nhỏ, song nó cho thấy việc thiếu chiến lược trong điều hành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, chính sách hướng đến sự an toàn cho Chính phủ hơn là đứng về phía lợi ích của người dân. Chính phủ quá nhấn mạnh đến an ninh lương thực mà không nhấn mạnh đến an ninh dinh dưỡng trong khi cả thế giới từ lâu đã thực thi an ninh dinh dưỡng với việc đa dạng hóa nguồn thực phẩm. Đây chính là lý do tại sao Việt Nam xuất khẩu gạo thứ 2-3 thế giới trong rất nhiều năm mà chỉ số An ninh lương thực (GFSI) của Việt Nam năm 2019 chỉ xếp thứ 57 trong 113 nước được quốc tế đánh giá, trong khi tại ASEAN, Singapore không sản xuất một cân gạo nào lại xếp thứ 12 thế giới. Điều này cũng phản ánh qua chỉ số hạnh phúc toàn cầu (WHI), khi VN chỉ được xếp thứ 94 trong 156 quốc gia được xếp hạng.
Vì những lẽ trên, chúng tôi, những người ký tên dưới đây khẩn thiết kiến nghị Chính phủ:
1. Rà soát, bổ sung Nghị định 120 năm 2017 về phát triển bền vững ĐBSCL để có một chiến lược phát triển dài hạn, toàn diện về ĐBSCL thuận theo tự nhiên. Có chiến lược phát triển phù hợp từng vùng, tiểu vùng nông nghiệp sinh thái. Đa dạng hóa sản phẩm theo điều kiện tự nhiên. Thay đổi cơ cấu sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản trước hết vì mục tiêu an ninh dinh dưỡng của dân tộc.
2. Mọi chính sách cần đặt lợi ích của người dân nói chung và người nông dân nói riêng làm trung tâm. Sản xuất thông minh, hài hoà giữa các yếu tố đáp ứng thị trường, bảo vệ tài nguyên, bảo đảm lợi ích người trồng lúa, loại bỏ tư duy Việt Nam làm “an ninh lương thực thế giới”.
Riêng về sản xuất lúa gạo, cần qui hoạch sản xuất lúa vừa đủ ăn và có dự trữ trong 3 tháng và chỉ sản xuất tại những vùng thuận lợi nhất, trên cơ sở sử dụng thông minh tài nguyên đất, nước và bảo vệ môi trường… Không làm lúa 3 vụ, chỉ làm 2 vụ ở thời điểm thuận lợi về thiên nhiên. Ở vùng bị xâm mặn chỉ duy trì một vụ lúa vào mùa mưa, thời gian còn lại nuôi tôm cá hoặc những thủy hải sản phù hợp. Chuyển đổi một phần đất sang trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Để chuyển đổi đất lúa cần có giải pháp để sản xuất hiệu quả, nhất là giải pháp về logistics, về chế biến, và bảo quản.
3. Áp dụng kỹ thuật canh tác tận dụng ưu thế tự nhiên. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các trường đại học ĐBSCL, đầu tư hơn nữa cho công tác nghiên cứu để cùng với nông dân tìm những kỹ thuật canh tác cây lúa, cây trái, nuôi trồng phù hợp , đem lại lợi ích cao nhất cho người nông dân.
Trên cơ sở Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/04/2018, về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ cần có một chính sách dài hơi khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản, thủy sản theo hướng chuỗi giá trị bền vững hài hòa với cơ sở hạ tầng phát triển, logistics hiện đại để thực sự doanh nghiệp là động lực phát triển của đất nước. Có chính sách hỗ trợ bằng miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu.
4. Chỉ đạo các địa phương không nên cưỡng bức nông dân và các thành phần khác vào hợp tác xã , không đặt chỉ tiêu phát triển hợp tác xã. Khi người dân có nhu cầu liên kết với nhau, họ sẽ chủ động xây dựng hợp tác xã. Qua quá trình phát triển, nhà nước có thể hướng dẫn họ cách tổ chức điều hành hợp tác xã theo phương thức sản xuất kinh doanh tiên tiến hiện đại như các nước phát triển, trên tinh thần tự nguyện của các thành viên.
5. Tăng cường phát triển giao thông, hạ tầng ĐBSCL. Bỏ Tổng cục Dự Trử Quốc Gia, lập Quỹ Dự Trử Quốc Gia cho doanh nghiệp đấu thầu thực hiện.
Đối với nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt đời sống hàng ngày, chính phủ nên hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất tại chỗ với chính sách ưu đãi và lâu dài. Chính phủ có kế hoạch hướng dẫn giúp đở người dân tích trử nước ngọt bằng nhiều hình thức trong mùa mưa và đưa vào trường chương trình giáo dục các em học sinh tiết kiệm nước trong sinh hoạt.
6. Bằng mọi biện pháp thích hợp, phục hồi lại rừng tự nhiên Tây Nguyên trên diện rộng để bảo vệ lưu vực và nguồn nước sông Cửu Long và phục hồi các khu rừng tự nhiên vốn có ở ĐBSCL. Việt Nam cần có kế hoạch thực hiện khai thác điện gió, điện mặt trời nổi, điện mặt trời, điện hải lưu và các nguồn năng lượng tái tạo khác vừa nhanh vừa rẻ. Quá trình đó sẽ làm giảm dần đi đến chỉ còn một phần thủy điện thật sự hữu ích với qui vận hành thích hợp (phát điện, chống lũ, cấp nước sinh hoạt và công nghiệp), duy trì hoặc trả lại từng phần dòng chảy tự nhiên trên các sông suối. Nhà nước VN nâng cao ý thức và trách nhiệm ủy viên Ủy Ban Sông Mê-Kông, trước mắt cũng như về lâu dài cần thúc đẩy nhanh đối thoại giải quyết việc phục hồi sông Mê-Kông giữa các nước trong Ủy ban Sông Mê-Kông và Trung Quốc để hài hòa lợi ích các nước liên quan. Phục hồi các vùng ngập mặn ở các cửa sông, các vùng ven bờ biển để vừa giữ biển vừa lấn biển vừa tạo môi trường sống cho các loài ven biển.
7. Chính phủ hãy nhanh chóng điều chỉnh chính sách quốc gia trên cơ sở hài hòa lợi ích các vùng trong cả nước, không để cho ĐBSCL đóng góp 90% lương thực xuất khẩu, là chủ lực về thủy sản, cây trái… mà hạ tầng kém phát triển, cuộc sống của người dân về mọi mặt đều xếp cuối so với các vùng khác.
Ngày 1 tháng 6 năm 2020
DANH SÁCH KÝ TÊN: