ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG >THƯ GỬI TS. LÊ TRÌNH
Ngày đăng: 08-09-2018 - 16:59:08

VỀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

CỦA TỪNG LOẠI HÌNH DỰ ÁN ĐIỆN CỤ THỂ

 

Hà Nội, ngày 08/9/2018

 

Kính gửi: TS. Lê Trình,

Giám đốc Trung tâm VESDEC, Tp. HCM

 

Nguyên văn thư của anh (tô vàng) dưới đây, phần tô đậm là do tôi:

Kính gửi các nhà khoa học,

Tôi đã xin các vị không mail cho tôi mà vài ngày tôi lại nhận mail. Không thể không đọc.

Tôi không biết ai là "bên thắng cuộc" nhưng để có thêm tài liệu khoa học góp cho cuộc tranh luận có vẻ "gay cấn" này thì tôi sẽ gửi cho vị nào thực sự muốn hiểu về tác động môi trường và xã hội của tât cả các loại hình năng lượng (nhiệt, thủy, phong, địa, quang...) với vài ngàn trang nguyên bản.

Tài liệu là do Bộ Môi trường Mỹ (US EPA) biên soạn và phục vụ cho Chương trình đào tạo về "Đánh giá tác động môi trường và xã hội - ESIA- ngành năng lượng" do WB mời US EPA truyền đạt cho Bộ TNMT trong tuần sau. May sao tôi là 1 trong các giảng viên chính do US EPA mời (nếu không tin sao tôi ở vùng sâu vùng xa, không còn trẻ mà là giảng viên chính thì các vị xem bảng Chương trình gửi kèm minh chứng).

Cuối tuần sau, tôi sẽ gửi cho vị nào khiêm tốn muốn biết US EPA (cơ quan quản lý và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật về môi trường uy tín nhất thế giới) và các tổ chứ quốc tế có lý luận thế nào về môi trường ngành năng lượng. Chứ sợ nhất ở nước ta: nhiều vị chưa đọc nguyên bản, chưa làm thực tế bao nhiêu mà tự cho cái gì mình cũng rành, không cần học ai cả.

Trước khi đọc các tài liệu về năng lượng tôi xin gửi các vị tham khảo Tập bài giảng cũng của US EPA về "Nguyên tắc xem xét/thẩm định đánh giá tác động môi trường (Principles of EIA Review) cũng mới giảng ở Bộ TNMT tháng trước. Ta có thể tham khảo phương pháp khoa học về nhận định về ưu, khuyết điểm của 1 vấn đề...

Ai thích tài liệu này thì cho tôi xin comment nhé.

Chào thân ái.

L.Trình

 

Trước tiên tôi phải cám ơn anh vì trước đây anh đã ủng hộ chân lý khoa học tại bài viết của tôi về “CẦN TRẢ LẠI CHÂN LÝ KHOA HỌC CHO KẾT LUẬN VỀ NGUYÊN NHÂN CÁ CHẾT”, khi đó anh đã viết một thư riêng gửi mọi người để kêu gọi mọi người ủng hộ bài viết đó của tôi. Anh là một nhà khoa học lớn về Môi trường của đất nước, anh ủng hộ chân lý khoa học nên tôi rất trân trọng anh. Xin mời bạn đọc nhấp chuột vào đây để đọc NGUYÊN VĂN THƯ CỦA TS. TRÌNH và cả ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà nữa nói bài viết của tôi là  “thuyết phục”. Như vậy là tôi đã đúng nhưng vẫn là “Bên thua cuộc” đấy anh ạ, vì Bộ trưởng Hà đã nói với tôi qua điện thoại là Bộ KH&CN to và khó.

Tôi đã đúng và đúng rất nhanh, chỉ sau có 2 tuần (sau ngày 6/4/2016), tôi đã kết luận nguyên nhân cá chết là do cạn kiệt oxy tầng đáy biển, mặc dù tôi chỉ ngồi ở nhà nghe thông tin qua đài, qua báo (quan trọng nhất là thông tin về sự cố nhà thầu phụ trong xử lý nước thải và mất điện 5 ngày, đã đổ vào biển 2500m3 nước thải của của công đoạn xúc rửa, tẩy gỉ một loạt các hệ thống đường ống kim loại sau khoảng 2 - 3 năm lắp đặt để đi vào vận hành. Công ty Formosa Hà Tĩnh khai báo đã sử dụng 245 tấn hóa chất cho công việc này, trong đó chủ yếu là axit clohydric (HCl) và xút (NaOH)). Tôi không hề được tiếp cận, đến nhiều nghìn trang tài liệu “MẬT” của Hội đồng KH&CN quốc gia chứng minh cho nguyên nhân cá chết vì “tấm chăn di động” hút nhả độc tố phenol và xianua ở ngoài biển khơi mênh mông.

Sau đó một thời gian ngắn Bộ trưởng Hà tuyên bố là môi trường biển đã an lành, tắm biển và ăn cá biển để TV quay cho toàn đất nước biết. Bộ trưởng cũng đã dẹp luôn ý kiến của Trưởng Nhóm trụ cột của Hội đồng KH&CN quốc gia đã đề xuất “Sẽ phải hút hàng ngàn tấn trầm tích, kinh phí hút 1.000 tấn cũng phải mất vài nghìn tỷ đồng. Chúng ta sẽ phải hút suốt chiều dài 209 km và phải hút sâu tối thiểu 50cm thì mới đảm bảo sạch biển”. Theo đề xuất này, tổng kinh phí chỉ riêng cho nạo vét, hút bùn gần 10.900.000 tỷ đồng (tương đương 473 tỷ USD!!). Sẽ là  một cuộc TỔNG TÀN PHÁ KINH HOÀN CÁC HỆ SINH THÁI ĐÁY BIỂN.

Hai năm đã qua rồi tôi đâu có thắng, mà còn bị một số anh chê ngu, chê dốt, họ tự coi mình là đại bàng, nói tôi là gà. Trong khi tôi tuyệt nhiên không một từ động chạm đến cá nhân họ. Tôi đơn giản chỉ nêu những thực tế, sự thực khoa học trần trụi và nghiệt ngã, đến một nhà văn, nhà thơ, người lái xe ôm cũng hiểu,  thành ra họ tức giận tôi. Tôi kiên trì bảo vệ chân lý khoa học  và tuyệt nhiên không xúc phạm họ. Giữa tôi và họ thậm chí chưa biết mặt nhau, không va đập với nhau. Chính họ mới va đập với những chân lý khoa học.

Thưa anh Trình,

Anh nghĩ sao về Bộ KH&CN, về chức năng và nhiệm vụ của Bộ KH&CN, Hiến pháp qui định KH&CN là quốc sách hàng đầu, nhiều triệu dân nghèo vẫn phải đóng thuế để tạo ra 25.000 tỷ đồng/năm chi cho phát triển KH&CN? Sứ mệnh của Bộ KH&CN là để tôn vinh KH&CN? Bộ KH&CN hoạt động trong thể chế chính trị lấy tư tưởng, đạo đức, phong cách và lối sống của Bác Hồ làm kim chỉ nam! thế mà đã 2 năm rồi, từ ngày tôi viết thư gửi kiến nghị đến họ, họ vẫn phớt lờ. Cho đến nay TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội và toàn thể nhân dân cả nước vẫn phải hiểu sai và nói sai về nguyên nhân cá chết trong một thảm họa môi trường biển lịch sử Thế giới. Từ khi loài người biết sản xuất ra các hóa chất, các chất độc, cho đến nay trên Thế giới chưa ở đâu xẩy ra hiện tượng cá chết ở ngoài biển khơi mênh mông bị qui kết vì độc tố hóa học, DUY NHẤT CHỈ CÓ Ở VIỆT NAM. Nhiều người vẫn lợi dụng nguyên nhân cá chết vì độc tố để kích động nhân dân gây bất ổn xã hội. Tôi nghĩ thời buổi lãnh đạo bằng uy quyền, bằng cái gậy, đã qua rồi. Bộ KH&CN và Viện Hàn lâm và KH&CN Việt Nam đã va đập với chân lý khoa học, va đập vào núi đá chứ không phải tôi. Bộ KH&CN và Viện Hàn lâm vẫn đang cưỡi trên lưng hổ đấy! anh nghĩ sao?

 

Trong bài tôi viết “Tin vui đến từ Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh” do anh đã đọc lướt nên bỏ qua câu này “Tôi vui vì những kiến thức về Điện và năng lượng mà tôi lượm, nhặt được của Thế giới là ĐÚNG”. Kiến thức là của chung nhân loại mà, không phải là của tôi. Nên anh nghĩ tôi tự cho mình là “bên thắng cuộc” thì oan cho tôi. Tôi viết để tôi thực hiện 2 ước mơ của mình. Một là trao cho những người yêu Môi trường và Khoa học, trong đó có cả các nhà văn, nhà thơ và người lái xe ôm một “công năng khoa học” để họ tự kết luận ĐÚNG/SAI đối với những vấn đề mà các Bộ, ngành đang triển khai. Sau đó khi họ hiểu về Môi trường và Khoa học, họ sẽ yêu Môi trường và Khoa học hơn. Khi đã yêu thì họ sẽ tự làm việc gì cụ thể đó tốt cho Môi trường và Khoa học. Hai là tôi đấu tranh phản đối vai trò quân vương, trụ cột của nhiệt điện than và tôn vinh điện gió và điện mặt trời. Và tôi đã thành công trong việc này, Bộ Công thương đã thấy được thiếu sót và nhược điểm của Qui hoạch Điện lực VII điều chỉnh, họ không thể tự hại chính mình được nữa, họ sẽ phải làm Qui hoạch Điện lực VIII.

 

Thưa TS. Trình,

Tôi biết anh là số 1 của Việt Nam trong lĩnh vực Đánh giá Môi trường:

1) Đánh giá Môi trường Chiến lược (ĐGMTCL, Strategic Environmental Assessment, SEA, áp dụng cho các Qui hoạch, các Chiến lược phát triển) và

2) Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM, Environmental Impact Assessment, EIA, áp dụng cho dự án (project) cụ thể, ví dụ một nhà máy nhiệt điện than, một  nhà máy sắt thép, hay sản xuất xi măng…). 

Anh là chỗ dựa chủ lực của Bộ TN&MT trong lĩnh vực này. Qua những emails lần trước anh gửi chung mọi người, tôi được biết anh làm không hết việc cho Bộ TN&MT và các tổ chức quốc tế, báo cáo khoa học ở nước ngoài…

 

Theo qui định của Luật Bảo vệ môi trường, khi làm Qui hoạch điện lực bắt buộc phải làm Đánh giá Môi trường chiến lược (SEA). Tôi không biết anh có là tác giả của bản SEA cho Qui hoạch Điện lực VII (năm 2011) và VII điều chỉnh (năm 2016) không? Nếu không phải anh, thì xin anh cho biết ai (đơn vị) là tác giả? Một bản qui hoạch mà tôi đã chứng minh: “Để thực hiện Quy hoạch này chúng ta phải thắt lưng buộc bụng, bỏ ra 148 tỷ USD để “mua” được những tác hại vô cùng to lớn sau đây:

  1. Hủy hoại sức khỏe nhân dân và môi trường sinh thái.
  2. Làm gia tăng phát thải khí nhà kính, đẩy mạnh biến đổi khí hậu.
  3. Gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đất nước.
  4. Gây tụt hậu lớn cho ngành điện Việt Nam so với Thế giới.
  5. Kìm hãm sự phát triển của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối.
  6. Vi phạm nghiêm trọng Luật đấu thầu.
  7. Không nói thật với nhân dân.

 

Anh đã viết: “để có thêm tài liệu khoa học góp cho cuộc tranh luận có vẻ "gay cấn" này thì tôi sẽ gửi cho vị nào thực sự muốn hiểu về tác động môi trường và xã hội của tât cả các loại hình năng lượng (nhiệt, thủy, phong, địa, quang...) với vài ngàn trang nguyên bản.

Tài liệu là do Bộ Môi trường Mỹ (US EPA) biên soạn và phục vụ cho Chương trình đào tạo về "Đánh giá tác động môi trường và xã hội - ESIA- ngành năng lượng" do WB mời US EPA truyền đạt cho Bộ TNMT trong tuần sau. May sao tôi là 1 trong các giảng viên chính do US EPA mời

Anh cũng đã viết “Chứ sợ nhất ở nước ta: nhiều vị chưa đọc nguyên bản, chưa làm thực tế bao nhiêu mà tự cho cái gì mình cũng rành, không cần học ai cả”.

Tôi rất trân trọng tài liệu của US EPA, vài ngàn trang đó sẽ có rất nhiều số liệu, rất tỉ mỉ, cụ thể, rất khoa học và chính xác. Anh là 1 trong các giảng viên chính nên anh đã thuộc, nắm rất chắc.

Nhưng anh đã có một nhầm lẫn CƠ BẢN ở đây. Vì tài liệu mà anh đề cập, theo tôi là những hướng dẫn rất cụ thể và chi tiết áp dụng để làm báo cáo EIA (ĐTM) cho từng dự án cụ thể (project) xây dựng một nhà máy điện cụ thể, ví dụ thủy điện, hay điện khí ga, hoặc nhiệt điện than, hoặc điện gió, điện mặt trời… Tuy nhiên, điều mà chúng tôi quan tâm và tranh luận đã lâu là về QUY HOẠCH ĐIỆN LỰC, ứng với nó là Đánh giá Môi trường chiến lược (SEA), hoàn toàn không phải là ĐTM (EIA). Hai phạm trù đánh giá này hoàn toàn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, phương pháp đánh giá khác nhau, không thể nhầm lẫn dép trái với dép phải được.

Theo anh, cứ phải đọc vài ngàn trang nguyên bản rất chuyên sâu đó mới có đủ căn cứ khoa học, luận chứng để kết luận chính xác giữa nhiệt điện than và điện gió và điện mặt trời xem điện nào bẩn, điện nào sạch. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh không có thời gian và sẽ không thể hiểu được khi đọc tài liệu đó. Giả sử Bộ trưởng nói với anh như sau:

“Tôi thực sự mù tịt, chẳng biết gì về Đánh giá tác động môi trường và xã hội cả, không thể đọc nổi vài ngàn trang tài liệu quí ấy, tất cả trông cậy vào anh, xin anh trả lời giúp tôi ngắn gọn thôi, để tôi quyết ngay bây giờ là giữa nhiệt điện than, điện gió, điện mặt trời, điện nào sạch, điện nào bẩn?

Vậy anh sẽ trả lời Bộ trưởng như thế nào? Anh sẽ liệt kê rất khoa học một loạt những tác động môi trường của từng loại điện, sau đó tổng hợp lại anh sẽ kết luận là nhiệt điện than cũng được, không đến nỗi tồi?

Còn tôi, nếu được Bộ trưởng hỏi như vậy, tôi sẽ trả lời ngắn gọn như sau: “Bộ trưởng không nói đùa chứ? Thưa Bộ trưởng, một người bán quán nước trà vỉa hè đường phố cũng biết nhiệt điện than là rất bẩn và điện gió và điện mặt trời là rất sạch!”.

Anh Trình thấy chưa? Các anh mắc bệnh khoa học cao siêu luôn thích cầm dao mổ trâu đi cắt tiết gà; dùng các mô hình tính toán cân đối năng lượng, sử dụng cho mục đích đào tạo, nghiên cứu giảng dạy vào cho tính toán cân đối Qui hoạch Điện lực quốc gia nên đã dẫn đến tình trạng phóng đại tổng nhu cầu điện năng quá mức, từ 25% - 28% và vào năm 2030 tỷ lệ sản lượng điện than lên đến 53,2%, điện gió chỉ có 2,2%, điện mặt trời chỉ có 3,3%, điện sinh khối chỉ có 2,2%.

GS.TS. Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, thích dùng phầm mềm chạy mô hình máy tính MIKE để giải bài toán thủy động lực cho dòng lũ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, để  xây đê bao dài 172km với đê biển Gò Công – Vũng Tầu vĩ đại, với tổng chi phí khoảng 233.000 tỷ đồng, nhằm chống nạn ngập úng cục bộ do tắc cống ở đâu đó cho Tp. HCM. Chi tiết, xin mời đọc bài CẦN TRẢ LẠI CHÂN LÝ CHO KẾT LUẬN NGUYÊN NHÂN NGẬP ÚNG CỤC BỘ TP.HCM.

Còn điều nữa nhưng tôi phải xin lỗi anh khi nói ra điều này, vì anh là chuyên gia số 1 của Việt Nam về EIA và SEA, vì tôi đã đọc một số báo cáo loại này. Báo cáo ĐTM cho nhà máy nhiệt điện than X công suất 1200MW ở tỉnh A, có thể được “sao chép sáng tạo” cho báo cáo ĐTM nhà máy nhiệt điện than Y công suất 1000MW ở tại tỉnh B. Sao chép sáng tạo có nghĩa là những thông tin kinh tế - xã hội, môi trường nền (environmental base-line data), qui trình và công nghệ… tỉnh nọ phải khác tỉnh kia, không được giống nhau. Nhưng đáng tiếc có trường hợp “quên” vẫn để nguyên tên tỉnh A... Còn những thông số về môi trường nền, thông số, đặc điểm máy móc và công nghệ thì chẳng một thành viên của Hội đồng Quốc gia về ĐTM quan tâm cả. Chẳng ai đi tìm bản của tỉnh A để so sánh, đối chiếu với bản của tỉnh B. Tôi không biết là hiện nay, hợp đồng trọn gói (đến bảo vệ thành công) cung cấp tư vấn dịch vụ làm ĐTM nhiệt điện than công suất 1200MW như trên là mấy trăm triệu đồng, nhưng trong các buổi “chém gió” với nhau, các nhà khoa học về ĐTM thường nói là những báo cáo này có thể mua được ở trên mạng, rẻ như các tài liệu luận văn thạc sĩ.

Tôi trân trọng mời anh hãy viết về EIA và SEA cho những người không chuyên như tôi và các nhà văn, nhà thơ, người lái xe ôm để nâng cao hiểu  biết về lĩnh vực này.

Kính thư

Nguyễn Đức Thắng.

NGUYÊN NHÂN TẠO RA LIÊN MINH CHẶT CHẼ DONALD TRUMP – VLADIMIR PUTIN
NGUYÊN NHÂN TẠO RA LIÊN MINH CHẶT CHẼ DONALD TRUMP – VLADIMIR PUTIN KẾT THÚC CUỘC CHIẾN UKRAINA
ÔNG DONALD TRUMP SÁP NHẬP CANADA VÀ ĐẢO GREENLAND
ÔNG DONALD TRUMP SÁP NHẬP CANADA VÀ ĐẢO GREENLAND
NGHẸT THỞ VÀ UỐNG NƯỚC
NGHẸT THỞ VÀ UỐNG NƯỚC
NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA 13 NĂM NỘI CHIẾN SYRIA
NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA 13 NĂM NỘI CHIẾN SYRIA
TỔNG THỐNG HÀN QUỐC YOON SUK YEOL SẼ PHẢI VÀO TÙ
TỔNG THỐNG HÀN QUỐC YOON SUK YEOL SẼ PHẢI VÀO TÙ