BỘ XÂY DỰNG VỚI XỬ LÝ NƯỚC THẢI >HÀ NỘI ĐỀ XUẤT LẤY NƯỚC SÔNG HỒNG THAU RỬA SÔNG TÔ LỊCH
Ngày đăng: 20-04-2019 - 16:48:11

Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2019

 

Kính gửi:

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam

 

(Về Giải pháp bơm nước sông Hồng pha loãng để cứu sông Tô Lịch là

KHÔNG HIỆU QUẢ, DO VẬY CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC)

 

Tôi là Nguyễn Đức Thắng, cán bộ về hưu năm 2008, có quá trình công tác khoảng hơn 10 năm tại Viện Kỹ thuật quân sự Bộ Quốc phòng, 10 năm tại Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và hơn 10 năm cuối tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Nhằm cứu sống 5 con sông của Hà Nội và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng đã chủ trì phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng 3 nhà máy xử lý nước thải (XLNT) lớn nhất của Việt Nam, lần lượt như dưới đây:

 

1. Dự án nhà máy XLNT Yên Sở, đặt tại phía bắc hồ Yên Sở, cho lưu vực sông Kim Ngưu và sông Sét nằm ở nửa Đông của Hà Nội; khởi công xây dựng trong năm 2008, công suất là 200.000m3 nước thải/ngày, vốn thực hiện gần 300 triệu USD, cuối năm 2013 đã đi vào chính thức vận hành. Tuy nhiên cho đến nay và sau này, suốt đời của dự án (khoảng 30 – 40 năm) sẽ không thể CỨU SỐNG LẤY CON SÔNG CHO DÙ CHỈ CÓ 1 NGÀY. Điều này bất cứ một người dân nào có thể tự kiểm chứng.

 

2. Dự án XLNT Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì), cho nửa Tây của Hà Nội (lưu vực sông Lừ, sông Tô Lịch và sông Nhuệ), công suất 270.000 m3/ngày, khởi công ngày 7/10/2016, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019. Tổng vốn đầu tư 16.293 tỷ đồng (khoảng 800 triệu USD vốn ODA Nhật Bản). Dự án này khi đi vào vận hành sẽ:

 

A. LÀM CÁC CON SÔNG CHẾT NHANH, CHẾT HẲN, TRƠ LÒNG, PHƠI ĐÁY. TRỪ CÁC NGÀY MƯA, CÒN LẠI RẤT NHIỀU NGÀY TRONG NĂM CÁC CHÁU THIẾU NHI CÓ THỂ XUỐNG CHƠI ĐÁ BÓNG.

 

B. LÀM GIA TĂNG MẠNH MẼ NGẬP ÚNG SAU MƯA, PHỦ ĐỊNH KẾT QUẢ CỦA 20 NĂM THỰC HIỆN DỰ ÁN CHỐNG NGẬP LỤT CHO HÀ NỘI.

 

3. Dự án nhà máy XLNT cho lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đặt tại phường Thạnh Mỹ Lợi thuộc Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. Dự án này còn được gọi là Dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2. Ngày 24/2/2017, đã thực hiện lễ khởi công gói thầu XL-01 “Thi công tuyến cống bao” cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhà máy XLNT có công suất thiết kế là 480.000m3/ngày (lớn nhất Đông Nam Á). Dự án có tổng vốn đầu tư 524 triệu USD tương đương hơn 11.000 tỷ đồng; trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới 450 triệu USD, 74 triệu USD còn lại là vốn đối ứng của thành phố. Dự án này khi đi vào vận hành sẽ:

 

A. LÀM CON KÊNH CHẾT NHANH, CHẾT HẲN, TRƠ LÒNG, PHƠI ĐÁY. BÙN ĐÁY KÊNH SẼ KHÔNG KHÔ CỨNG VÌ  CÒN ĐƯỢC NƯỚC THỦY TRIỀU TỪ SÔNG SÀI GÒN TƯỚI ƯỚT HÀNG NGÀY.

 

B. LÀM GIA TĂNG MẠNH MẼ NGẬP ÚNG SAU MƯA, VỐN ĐANG LÀ NỖI ÁM ẢNH HÀNG NGÀY CỦA NGƯỜI DÂN, PHỦ ĐỊNH KẾT QUẢ CỦA 5 NĂM THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 1 CỦA DỰ ÁN.

 

Như vậy, chúng ta sẽ bỏ ra tổng cộng gần 37.000 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD) để LÀM CHO CÁC CON SÔNG CHẾT NHANH, CHẾT HẲN VÀ GIA TĂNG NGẬP LỤT NGHIÊM TRỌNG Ở Hà Nội và Tp. HCM. Ba dự án trên, theo Luật Bảo vệ môi trường bắt buộc phải làm báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phải được Hội đồng thẩm định ĐTM quốc gia phê duyệt mới được triển khai. Đáng tiếc là 2 tác động môi trường tiêu cực to lớn như 2 con voi đã đi nghênh ngang qua mắt các chuyên gia tư vấn làm báo cáo ĐTM và cả các thành viên của Hội đồng thẩm định ĐTM quốc gia.

 

Ngày 20/02/2017, tôi đã gửi thư kèm bài viết chứng minh, phân tích về hai tác hại to lớn nói trên và đề xuất giải pháp, quan điểm khắc phục, tới các quí Lãnh đạo xem xét quyết định. Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hồ Chí Minh đã nhận ra 2 tác hại to lớn nói trên và đã quyết định dừng vô thời hạn tiến độ xây dựng.

 

Tuy nhiên, lý do dừng, chậm tiến độ đối với nhà máy XLNT Yên Xá được giám đốc Ban Quản lý dự án Nguyễn Văn Hùng, sáng ngày 11/10/2018,  đã báo cáo với Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố do phải đấu thầu lại gói 3 và công tác TKKT-DT, đấu thầu có sự điều chỉnh. Ngoài ra, khó khăn của dự án là khối lượng bùn thải của dự án rất lớn nên nhu cầu về bãi đổ cao, trong khi đó các bãi đổ theo quy hoạch chưa được triển khai thực hiện theo tiến độ.

Đối với nhà máy XLNT cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè , Ban quản lý dự án đã 3 lần báo cáo Ngân hàng Thế giới xin gia hạn vì lý do chưa thể chọn được 1 trong 3 nhà thầu như ảnh dưới đây.

 

 

Trong thư gửi các quí Lãnh đạo liên quan tôi luôn đề xuất như sau:

 

“Năm 1010 khi vua Lý Thái Tổ khai sinh ra kinh thành Thăng Long, con sông Tô trong ngần còn ở ngoại ô của kinh thành. Trải qua hơn 1000 năm phát triển, ngày nay sông Tô là con sông duy nhất uốn lượn quanh co, mượt mà, ở giữa tim của Thủ đô Hà Nội. Mé Đông và mé Tây của sông Tô đã phát triển đậm đặc dân cư. Hà Nội có Hồ Gươm đã đi vào lịch sử, là biểu tượng linh thiêng, thì con sông Tô cần phải được đầu tư để trở thành con sông biểu tượng lịch sử và đẹp nhất của Hà Nội cho muôn đời con cháu mai sau. Con sông Tô phải có nước trong ngần, cá bơi lội tung tăng, hai bên bờ phải là những thảm thực vật, những hàng cây đầy hoa lá hương thơm ngào ngạt. Trên sông là những con thuyền du lịch trở khách thăm quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy sắc màu. Suốt dọc hai bên sông luôn là những nơi sạch nhất, đẹp nhất, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của mọi người dân Hà Nội và khách du lịch trong và ngoài nước. Sông Tô phải là nơi gây ra những cảm xúc đầy lãng mạng cho các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ và nhạc sĩ sáng tác’’.

 

Các quí Lãnh đạo đã “thầm lặng” ghi nhận bài viết chuyên môn, khoa học của tôi là đúng (BA NHÀ MÁY XLNT LỚN NHẤT VIỆT NAM LÀ PHẢN KHOA HỌC VÀ RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC), họ đã sử dụng, nhưng không hề có một công thư trả lời. Sau 2 năm họ độc lập nghiên cứu tìm giải pháp mới để cứu con sông Tô Lịch. Cuối cùng những con người đầy quyền uy trong lĩnh vực thoát nước và XLNT của Bộ Xây dựng và Hà Nội đã báo cáo đề xuất mới với Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội là “LẤY NƯỚC SÔNG HỒNG LÀM SẠCH SÔNG TÔ LỊCH”. Ngày 19/4/2019, ông Võ Tiến Hùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết, đơn vị đã đề xuất lãnh đạo UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt phương án đầu tư xây dựng trạm bơm chìm siêu lớn với công suất 156.000 m3/ngày đêm, bơm nước chui qua đê sông Hồng, đẩy lên cao, vào hồ Tây. Phù sa và cát sau khi lắng lọc tại hồ Tây, phần nước trong hơn sẽ từ hồ chảy vào hai cửa xả đến sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông.

 

 

Tại sao giải pháp này là KHÔNG HIỆU QUẢ, DO VẬY CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC? Vì hàng loạt những vấn đề sau đây:

 

  1. Tài nguyên nước ngọt sông Hồng là nguồn quí giá, ai lại hàng ngày bơm hút lượng vô cùng lớn đến 156.000m3/ngày đêm chỉ để thau rửa làm sạch phần nào cho sông Tô Lịch. Giàu có đến như các nước Anh, Mỹ chẳng ai làm việc phí phạm này.
  2. Chỉ với 30 năm phát triển như tàn phá vừa qua, nước ngầm của Hà Nội được hình thành, tích trữ  qua 1000 năm lịch sử, đến nay đã gần như cạn lắm rồi. Thảm họa khai thác nước  ngầm và suy giảm mạnh mẽ nước ngầm là chung cho cả đất nước Việt Nam. Bình quân mực nước ngầm của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bị sụt giảm 1 – 2m/năm, làm cho nền móng toàn vùng này bị sụt lún, bình quân 1 – 2cm/năm. Có nghĩa là toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau chỉ có 30 năm phát triển, mực nước ngầm bị tụt giảm 30 – 60m; còn nền móng các khu đất đã bị sụt lún đến 30 – 60cm. Phải khẳng định là sau chỉ 20 năm nữa (vào năm 2040), nguồn nước ngầm quí giá sẽ  bị cạn kiệt trên toàn đất nước Việt Nam.
  3. Nước mặt (surface waters: sông, ngòi, kênh, rạch, ao, hồ) HIỆN ĐANG là nguồn tài nguyên vô cùng quí giá. Toàn dân Việt Nam đang chủ yếu sử dụng nước này để xử lý phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, sản xuất công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi. Ví dụ các công ty nước sạch của Hà Nội đang sử dụng chủ yếu nước sông Đà và sông Hồng. Công trình xử lý nước sông Đà hiện có công suất 200.000m3/ngày đêm cung cấp cho vùng rộng lớn của nửa Tây Hà Nội. Thành phố Hồ Chí Minh có thể nói đến gần 90% nước cấp lấy từ sông Sài Gòn.
  4. Vi phạm nguyên tắc  cơ bản của Phát triển bền vững. Hiểu nôm na là mọi chất thải (chất thải rắn, lỏng và khí) của những hoạt động phát triển của con người vào môi trường sinh thái, nếu vượt quá khả năng chịu tải của hệ sinh thái (carrying capacity of ecosystem) thì bắt buộc phải xử lý. Chỉ có như vậy mới bảo tồn được điều kiện sống cho thế hệ con cháu chúng ta trong tương lai. Giải pháp đề xuất mới của họ là KHÔNG XỬ LÝ NƯỚC THẢI, CHỈ PHA LOÃNG NƯỚC THẢI BẰNG NƯỚC SÔNG HỒNG. NƯỚC NÀY VẪN SẼ RẤT BẨN ĐẨY XUỐNG CHO VÙNG NAM HÀ NỘI GÁNH CHỊU.
  5. VI PHẠM NGUYÊN TẮC CƠ BẢN TRONG XỬ LÝ CHẤT THẢI: Chất thải một khi đã được thu gom, phân lập, khu trú, cần xử lý và đem chôn cất biệt lập. Điều này góp phần giảm nhẹ chi phí và giá thành xử lý chất thải. Ví dụ: 1m3 nước thải của sông Tô Lịch đem xử lý đỡ tốn kém hơn là phải xử lý 2m3 nước thải do trộn với 1m3 nước sông Hồng. Hiện nay ở rất nhiều địa phương đua nhau xây bể xi măng để đốt rác thải sinh hoạt. Đây thực sự là hình thức chuyển các chất ô nhiễm đã “khu trú” được (trong rác thải rắn) thành các chất ô nhiễm khí (CO, CO2, SOx, NOx, dioxin, furan, VOC…) lan tỏa khắp nơi không thể kiểm soát. Nhiệt năng đốt rác không sử dụng, lãng phí, làm nóng môi trường.
  6. Đề xuất bơm hút đến 156.000m3/ngày đêm nguồn nước ngọt quí sông Hồng, đẩy lên cao (khoảng 15 – 20m, vào hồ Tây) chỉ để thau rửa làm sạch phần nào cho sông Tô Lịch, thể hiện tư duy coi ngân sách Nhà nước vẫn là tiền chùa, sử dụng thoải mái, không cần hiệu quả và không  biết trân trọng giá trị sinh thái nước ngọt sông Hồng.
  7. Có một nghịch lý là Giai đoạn 2 của dự án (10 năm) chống ngập úng cho Hà Nội đã xây dựng trạm bơm công suất (khẩn cấp, 90m3/giây) tại chân đê công viên hồ Yên Sở để hút bơm nước vùng này, chui qua đê đổ vào sông Hồng khi có mưa lớn. Số giờ hoạt động trong năm là vô cùng ít. Trong khi ở thượng nguồn các con sông, gần hồ Tây sẽ có trạm bơm hàng ngày bơm 156.000m3/ngày đêm nước sông Hồng vào hồ Tây, sau lắng lọc, đổ vào pha loãng, thau rửa cho sông Tô Lịch. Cuối Hà Nội bơm nước ra sông Hồng. Đầu Hà Nội bơm nước từ sông Hồng vào ngược lại.
  8. Đề xuất này, coi  như bắt nhân dân Hà Nội và cả nước, khách du lịch bạn bè quốc tế sẽ luôn phải chấp nhận con sông Tô Lịch bẩn thỉu như hiện tại với chất lượng nước được cải thiện gấp đôi mà thôi, vì 156.000m3/ngày đêm nước sông Hồng pha loãng với khoảng 160.000m3/ngày đêm nước thải sông Tô Lịch.
  9. Trên toàn đất nước Việt Nam các cơ quan công quyền, các đơn vị sự nghiệp Nhà nước đang say mê thực hiện phát triển không cần hiệu quả, miễn là có dự án để làm, luôn  với lý do “đất nước cần, người dân cần, đất nước còn đang nghèo, chưa phát triển”. Đáng tiếc là trên Thế giới chưa có một nhà khoa học kinh tế nào chứng minh rằng, đối với các nước nghèo, đang phát triển, không cần phải quan tâm đến hiệu quả của phát triển.
  10. Các cây đa khoa học kinh tế và các lãnh đạo chính trị của đất nước luôn nhìn vào các tòa nhà cao tầng, chung cư, căn hộ sang trọng, ô  tô, biệt thự, nhà lầu khắp nơi là thể hiện của sự phát triển, thành tích, công lao của chính quyền các cấp. Đáng tiếc rằng điều đó hoàn toàn là ngộ nhận. Tất cả những tài sản mà chúng ta có được đó, thực chất là chúng ta đã trấn lột của các hệ sinh thái mà thôi, chúng ta ăn vào môi trường, điều kiện sống của con cháu trong tương lai. Nếu chúng ta mời các chuyên gia về kinh tế lượng môi trường ở các nước CNTB sinh thái Bắc Âu họ sẽ tính toán được khá chính xác, lượng hóa thành tiền là chúng ta đã trấn lột, không thanh toán chi trả sòng phẳng đối với các dịch vụ của  các hệ sinh thái là bao nhiêu. Họ cũng có thể tính toán được, chúng ta sẽ phải “bán” đi bao nhiêu tài sản nói trên để đầu tư hoàn trả lại môi trường sinh thái trên toàn đất nước Việt Nam như vào thời kỳ năm 1975.

 

QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP CƠ BẢN CỦA TÔI:

 

  1. Nước thải đổ vào sông Tô Lịch bắt buộc phải xử lý, vì đã vượt quá khả năng chịu tải của sông, đã bức tử sông chết từ rất nhiều năm, đáp ứng yêu cầu cơ bản của Phát triển bền vững.
  2. Trên Thế giới chỉ có 2 cách tiếp cận trong xử lý nước thải là TẬP TRUNG và PHI TẬP TRUNG, tùy theo mục đích, điều kiện và hoàn cảnh mà chọn áp dụng để đạt kết quả mong muốn. Bộ Xây dựng đã chọn cách tiếp cận TẬP TRUNG, QUY MÔ, HOÀNH TRÁNG, nhà máy XLNT công suất 270.000 m3/ngày đêm đặt tại hạ lưu sông Tô Lịch (Yên Xá). Cách này sẽ gây ra 2 tác động môi trường tiêu cực rất to lớn như đã phân tích. Còn lại là cách tiếp cận PHI TẬP  TRUNG, RẤT PHÂN TÁN. Thay vì xây dựng 1 nhà máy XLNT công suất 270.000 m3/ngày đêm (số liệu này cần kiểm tra, đo đạc, tính toán lại cho chính xác) thì xây dựng 40 – 50 nhà máy XLNT nhỏ hơn (dạng các modul lắp sẵn), hoặc các trạm XLNT mini (sản xuất trước ở nhà máy, xong chỉ việc mang đến hiện trường lắp đặt) ở dọc hai bên sông, nước thải sau xử lý hoàn trả vào sông.
  3. Giả sử tổng lượng nước thải hàng ngày đổ vào sông Tô Lịch là 150.000m3. Lượng nước này chỉ đủ ngập quá đầu gối, nơi sâu nhất có thể ngang bụng. Tất cả các nhà máy/trạm XLNT mini dọc sông sẽ hoàn trả đổ vào sông khoảng 140.000m3 nước sau xử lý đạt QCVN loại A. Để tạo cho con sông Tô Lịch có nhiều nước hơn để cho tàu thuyền đi lại du lịch dọc sông, tại vị trí Yên Xá cần xây một cống có 2 cánh đóng mở như cánh cửa ra vào để giữ nước trong 3 ngày đầu (140.000m3 x 3 = 720.000m3 nước sạch). Từ ngày thứ tư cống sẽ mở ở mức độ nước chảy vào sông và  chảy về xuôi sao cho giữ độ cao mặt nước là hợp lý cho tàu thuyền đi lại và tạo cảnh quan trang trí. Trường hợp mưa lớn, lũ về, hai cánh cống sẽ mở hết cỡ, ép vào bờ phục vụ tiêu lũ.
  4. Tất cả các cầu bắc qua sông Tô Lịch cần phải sửa chữa, sao cho độ cao tĩnh không đủ để cho các tàu bè qua lại thuận tiện.

 

Trân trọng cám ơn,

 

 

Nguyễn Đức Thắng (ndthangndt@yahoo.com, ĐT: 0352344233)

Địa chỉ thường trú:

P/S. Tôi cũng đồng thời là tác giả của các bài viết kiến nghị sau:

 

1. “Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh” được phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008 là PHẢN KHOA HỌC VÀ RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC.

2. “Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016 là PHẢN KHOA HỌC VÀ RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC

3. Chính sách XĂNG E5 là PHẢN KHOA HỌC VÀ RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC.

4. Kết luận về nguyên nhân cá chết trong sự cố môi trường biển lịch sử của Việt Nam là PHẢN KHOA HỌC VÀ RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC.

5. Thuế suất bảo vệ môi trường đối với than, xăng và dầu là PHẢN KHOA HỌC VÀ RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC.

6. Ba nhà máy XLNT lớn nhất của Việt Nam là PHẢN KHOA HỌC VÀ RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC.

 

Chi tiết các bài viết trên xin xem tại website NGUYENDUCTHANG.VN tại các chuyên mục tương ứng.

 

Phần 3: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 2:VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 1: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC