GIỚI THIỆU
Họ và tên: Nguyễn Đức Thắng, có quá trình đào tạo và công tác như sau:
Sáng ngày 30/01/2018 đã tổ chức HỌP BÁO tại khách sạn La Thành công bố những kết quả nghiên cứu của cá nhân về “NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM TRONG MỘT XÃ HỘI SINH THÁI” và “Giải pháp xung giải quyết căn bản ùn tắc giao thông cho Hà Nội và Tp. HCM”. Đây là buổi họp báo mang tính khoa học đầu tiên do một cá nhân đứng ra tổ chức được Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp phép (số 157/STTTT-BCXBTT ngày 26 tháng 01 năm 2018).
Đã nhiều năm, chúng ta sống thụ động và quen nghĩ là các cơ quan quản lý Nhà nước là anh minh, sáng suốt. Mọi việc họ làm đều đúng, công tâm và vì nhân dân họ phục vụ. Tuy nhiên, không phải 100% là như vậy. Vì là Bộ quản lý ngành nên có thể họ đã đặt lợi ích ngành mình lên trên cả lợi ích quốc gia, của cả đất nước. Họ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nhiều chủ trương, chính sách PHẢN KHOA HỌC VÀ RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC.
Website nguyenducthang.vn chỉ gồm những bài viết của tôi, với hàng nghìn những phân tích, chứng minh những vấn đề KHOA HỌC lớn lao và phức tạp của đất nước nhưng thực ra rất giản dị, đời thường. Quyền năng phán xử ĐÚNG/SAI một vấn đề chuyên môn không còn thuộc độc quyền các Bộ, ngành nữa. Nhà văn, nhà thơ, người lái xe ôm nếu đọc chậm và suy tư sẽ có những “công năng khoa học” đủ để tự họ có thể đưa ra đánh giá ĐÚNG/SAI đối với những vấn đề mà các Bộ, ngành đang triển khai.
Các bài viết dưới tiêu đề “Những vấn đề phát triển của Việt Nam trong một xã hội sinh thái” được phân loại vào 8 mục dưới đây:
Những vấn đề phát triển trên đang là khoa học và thời sự nóng của đất nước, mong bạn đọc hãy đọc chậm và suy tư sẽ hiểu ra hết, sẽ tích tụ được cho mình một "công năng khoa học" khá lớn. Nếu đọc lướt, bạn sẽ lãng phí thời gian quí báu của mình và có thể đưa ra những nhận xét không chuẩn.
I. HÓA HỌC VÀ MÔI TRƯỜNG:
Ngày 6/4/2016 đã xẩy ra thảm hỏa môi trường biển lịch sử tại 4 tỉnh duyên hải miền Trung, cá chết trắng ngoài biển, nổi mênh mông và trôi dạt vào bờ. Về qui mô có thể coi là tầm cỡ Thế giới. Ngày 30/6/2016 kết luận chính thức về nguyên nhân cá chết được công bố, do CÁC ĐỘC TỐ PHENOL VÀ XIANUA KẾT DÍNH TRONG MỘT LỚP MÀNG NHẦY NHƯ TẤM CHĂN DI ĐỘNG, HÚT NHẢ ĐỘC TỐ GÂY RA. Đây là kết luận rất sai và rất phản khoa học, vì đối kháng với rất nhiều thực tế hiện trường, với một số qui luật môi trường tự nhiên, với khái niệm trụ cột của môn độc tố học (toxicology), với thông lệ thế giới giải thích nguyên nhân cá chết hàng loạt sau một đêm. Đây là một kết luận RẤT PHẢN KHOA HỌC VÀ RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC. Thực ra cá đã chết một cách an lành và nhân đạo, là do cạn kiệt ô xy tầng đáy biển, vì sự cố mất điện và lỗi nhà thầu phụ của Formosa Hà Tĩnh đã đổ 2500m3 nước thải của khâu xúc rửa, tẩy gỉ các đường ống kim loại vào biển, vào chiều ngày 5/4/2016.
Sáng ngày 01/10/2016 bỗng nhiên cá Hồ Tây chết nổi trắng mặt hồ. Nguyên nhân cũng do cạn kiệt ô xy trong hồ. Tuy nhiên, cơ chế khoa học nào làm cạn kiệt ô xy của nước hồ Tây đã được phân tích và chỉ ra rất cụ thể, khác biệt hoàn toàn với cơ chế làm cạn kiệt oxy trong sự cố môi trường biển lịch sử xẩy ra ngày 6/4/2016 tại 4 tỉnh duyên hải miền Trung.
Bài viết “Có một thế giới vi mô đã đưa nước ta trở thành cường quốc ung thư” cho thấy ung thư đang đến với mọi gia đình. Khoảng năm 1997, làng ung thư đầu tiên được các đài, báo nói đến là các làng thuộc xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Tỉnh là biểu tượng nền đại công nghiệp thời kỳ kế hoạch hóa tập trung xây dựng XHCN với những điển hình như nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy Pin ắc quy Phú Thọ, nhà máy Giấy Bãi Bằng. Bộ trưởng TN&MT Mai Ai Trực nói “Tôi đến 10 nhà thì 7 nhà có người chết vì ung thư”. Ngày nay, đất nước ta thực sự là một đại công trường của các công nghệ cũ, lạc hậu. Đại công trường này phát triển đến đâu thì ung thư lan rộng ra đến đó. Từ làng ung thư, rồi đến xã ung thư, tiến tới huyện ung thư, lan rộng ra tỉnh và hiện nay cả nước đang gồng mình gánh chịu bệnh ung thư. Chúng ta đang thực hiện phát triển theo kiểu “bán máu mình để có tiền” hay “25 tuổi xả thân kiếm tiền để 50 tuổi xả tiền cứu thân”.
Bài “kính thưa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế: Thực sự oan cho phenol”
Bài: “Không nên lấy cá sống khỏe trong bể sinh học là đảm bảo nước thải an toàn, đạt chuẩn”
Bài “Sẽ là có tội, nếu Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn cố tình bắt nhân dân cả nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội mãi phải nghe sai, nói sai và hiểu sai về nguyên nhân cá chết.”
v.v…
II. BỘ XÂY DỰNG VỚI XỬ LÝ NƯỚC THẢI:
Với mục đích làm sống lại 5 con sông của Hà Nội và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tại Tp. HCM, Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội và UBND Tp. HCM đã và đang đầu tư xây dựng 3 nhà máy xử lý nước thải (XLNT) lớn nhất của Việt Nam:
1) Dự án nhà máy XLNT Yên Sở, cho lưu vực sông Kim Ngưu và sông Sét, công suất là 200.000m3 nước thải/ngày, vốn thực hiện gần 300 triệu USD, tháng 8/2013 đã đi vào vận hành. Đến nay đã hơn 5 năm và mãi sau này, cho đến hết đời vận hành nhà máy sẽ không thể cứu sống được sông Kim Ngưu và sông Sét cho dù lấy chỉ có 1 ngày. Điều này bất cứ người dân nào cũng có thể tự kiểm chứng.
2) Dự án XLNT Yên Xá, khởi công ngày 7/10/2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2019, tổng vốn đầu tư 16.293 tỷ đồng (khoảng 800 triệu USD vốn ODA Nhật Bản). Khi cắt băng khánh thành, đưa nhà máy vào vận hành sẽ làm cho các con sông Tô Lịch, sông Lừ và sông Nhuệ trơ lòng, phơi đáy. Ngoại trừ những ngày mưa, còn lại nhiều ngày trong năm lòng sông sẽ khô cứng, các cháu thiếu nhi có thể xuống chơi đá bóng. Ngoài ra, đối với những cơn mưa lớn sẽ làm gia tăng mạnh mẽ ngập úng vùng này, phủ định kết quả của 20 năm dự án chống ngập lụt Hà Nội.
3) Dự án nhà máy XLNT cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn gọi là “DỰ ÁN VỆ SINH MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2 Tp. HCM”, công suất thiết kế 480.000m3/ngày (lớn nhất Đông Nam Á), có diện tích trên 38 ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi thuộc Quận 2, nhằm thu gom toàn bộ nước thải của 5 quận là Tân Bình, Quận 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh và Quận 1 về xử lý. Tổng vốn đầu tư 524 triệu USD, khởi công ngày 24/2/2017. Khi cắt băng khánh thành, đưa nhà máy vào vận hành sẽ làm gia tăng ngập úng mạnh mẽ cho 5 quận nói trên, phủ định kết quả đạt được của Dự án giai đoạn 1. Ngoài ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ thường xuyên trơ lòng, phơi bùn đáy. Bùn đáy kênh sẽ không khô cứng như các con sông ở Hà Nội, do được triều cường sông Sài Gòn tưới ướt hàng ngày.
Ngày 20/02/2017 sau bài viết và thư của tôi gửi Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hồ Chí Minh họ đã dừng vô thời hạn việc xây dựng nhà máy XLNT. Trong bài viết của tôi đề xuất quan điểm giải pháp hoàn toàn trái ngược; cách tiếp cận của tôi trong XLNT của Hà Nội là rất phân tán, phi tập trung, đảm bảo cứu sống tức thì các con sông, thực hiện đồng thời 3 chức năng sau: THOÁT LŨ – VĂN HÓA – KINH TẾ.
Điều ngộ vui là họ đã chấp nhận dừng ngay việc xây dựng nhà máy sau khi nhận được bài viết cảnh báo của tôi, thế mà họ vẫn không tin vào năng lực đề xuất giải pháp tháo gỡ của tôi. Không một thư phản hồi, sau hơn 2 năm họ tự nghiên cứu để tìm giải pháp mới, ngày 19/4/2019, họ đã đi đến đề xuất: Bơm 156.000m3/ngày đêm nước sông Hồng vào Hồ Tây, sau quá trình lắng, lọc, nước trong, sạch hơn sẽ tràn vào 2 cửa xả đổ vào sông Tô Lịch để thau rửa nước thải, làm sạch cho sông Tô Lịch. Giải pháp này thực sự là KHÔNG HIỆU QUẢ, DO VẬY CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC.
III. THỦY LỢI VÀ NGẬP ÚNG TP. HỒ CHÍ MINH:
“Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh” được phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008, kết hợp với chủ trương xây dựng tuyến đê biển hùng vĩ Vũng Tàu – Gò Công (tỉnh Tiền Giang) sẽ tiêu tốn khoảng 230.000 tỷ đồng của đất nước, là những công trình thủy lợi TRỊ THIÊN hiếm có ở trên Thế giới. Đó là hai công trình HỦY HOẠI ĐẤT NƯỚC, vì úng ngập vẫn hoàn úng ngập, vì làm cạn kiệt nguồn lực quí hiếm của đất nước, hết tiền đầu tư cho những giải pháp có căn cứ khoa học, được phân tích và chỉ rõ trong bài viết “Cần trả lại chân lý khoa học cho kết luận về nguyên nhân ngập úng Tp. HCM”.
Các nhà khoa học thủy lợi vĩ đại của đất nước luôn nghĩ trong đầu về một cơn ĐẠI HỒNG THỦY sẽ tấn công Tp. HCM. Họ đã giả thiết tần suất xảy ra cơn ĐẠI HỒNG THỦY này P = 0,5%, tức là 200 năm mới có 1 lần (100 : 0,5 = 200). Làm qui hoạch thủy lợi chống ngập úng CỤC BỘ mà người dân Tp. HCM đang đối mặt hàng ngày, là phải có tầm nhìn xa như vậy. Theo yêu cầu của họ, Bộ KH&CN tại các Quyết định số 1237/QĐ-BKHCN ngày 15/5/2011 và số 1883/QĐ-BKHCN ngày 27/6/2011 đã phân bổ 31,07 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu “Xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng Tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công”.
IV. THỦY LỢI VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐỒNG BẰNG SCL:
1) Năm 1990, Bộ Thủy lợi và Viện Khoa học Việt Nam đã trình Thủ tướng ký quyết định phê duyệt dự án thoát lũ sông Mê kông ra biển Tây, bẻ ngoặt dòng chảy sông Hậu, tại Châu Đốc (An Giang), nghiêng cả biển nước mênh mông của Tứ giác Long Xuyên (độ cao trung bình 1m) đổ vào kênh Vĩnh Tế (ở độ cao 2 – 3m) nối với sông Giang Thành, qua thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) ra biển Tây. Công trình trọng đại cấp quốc gia này thất bại ngay sau khi khánh thành vì chỉ đổ được tí tẹo nước ra biển Tây.
2) Đại công trình thủy lợi đê bao ngăn nước ngọt của mùa nước nổi, vĩ đại nhất trong lịch sử nông nghiệp và thủy lợi Việt Nam, để cấy lúa 3 vụ quanh năm, KẾT QUẢ là có mạng lưới đê bao khép kín có tổng chiều dài là 57.000km, bao bọc bảo vệ 10.539 ô ruộng trồng lúa 3 vụ liền nhau; nhưng HIỆU QUẢ là rất âm. Nói nôm na là trồng lúa 3 vụ quanh năm càng nghèo hơn. Tính toán cụ thể cho giai đoạn 2001 – 2012, đối với Nhà nước tổng thiệt hại là 30.092 tỷ đồng; đối với nông dân tổng thiệt hại 2.130 tỷ đồng.
Đã ngàn năm ông cha ta sống THUẬN THIÊN đã bị Bộ NN&PTNT bắt thay đổi theo lối sống TRỊ THIÊN. MỘT NỀN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ, SINH THÁI TINH KHIẾT CỦA ÔNG CHA TA ĐỂ LẠI ĐÃ BỊ CƯỠNG BỎ BẰNG NÔNG NGHIỆP VÔ CƠ VỚI PHÂN HÓA HỌC VÀ THUỐC TRỪ SÂU ĐANG TẠO NÊN MỘT SỰ NGHÈO ĐÓI LÂU DÀI VÀ BỆNH UNG THƯ LAN TỎA KHẮP NƠI.
3) Bài viết “CẦN TRẢ LẠI CHÂN LÝ KHOA HỌC CHO KẾT LUẬN VỀ NGUYÊN NHÂN SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG” để phản biện một báo cáo quan trọng của Bộ NN&PTNT, về một vấn đề rất nóng là SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN, tại Hội nghị Diên hồng về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trước những thách thức của biến đổi khí hậu, được tổ chức tại Cần Thơ 26-27/9/2017 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Bộ NN&PTNT đã đưa ra 3 nguyên nhân cơ bản dưới đây:
a) Nguyên nhân cơ bản là do thiếu hụt phù sa do các đập thủy điện, hồ chứa tại thượng lưu.
b) Do khai thác cát
c) Do mực nước biển dâng.
Cả 3 nguyên nhân trên đều là suy diễn rất cảm tính, rất chủ quan. Chỉ thấy Bộ qui kết, nhưng không đưa ra bằng chứng khoa học.
Bài “XIN CÁC NHÀ KHOA HỌC THỦY LỢI ĐỪNG “ĐẢO CHÍNH” LỊCH SỬ!”
V. ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG:
1) CHÍNH SÁCH XĂNG E5 ĐANG LÀ RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC: Theo Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007 phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 1,8 triệu tấn vào năm 2025, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Như vậy, bên cạnh 3 nhà máy của tập đoàn PVN đã đầu tư, chúng ta sẽ phải đầu tư thêm khoảng 15 nhà máy sản xuất ethanol nữa (công suất trung bình 100.000 m3/nhà máy) rải đều ra 3 miền Bắc – Trung – Nam. Khi các nhà máy này chưa ra đời, rất nhiều năm diện tích trồng sắn “ổn định” ở mức 550.000 ha. Nhiều rừng xanh đã bị phá hoại. Nhiều lũ quét bùn đất đỏ đã đổ về xuôi. Để đáp ứng sắn cho gần 20 nhà máy sản xuất ethanol sẽ phát sinh nhu cầu gần 0,73 triệu ha đất mới để trồng sắn. Nhiều vạn người dân sẽ phá rừng bằng những mồi lửa nhỏ trên qui mô rất lớn để có đất tốt tươi trồng sắn. Vì giá thành ethanol sản xuất ở Việt Nam thường lớn hơn 200% giá CIF nhập khẩu xăng RON 92 hay RON 95. Do vậy, việc thực hiện chính sách xăng E5 đã gây thua lỗ NẶNG NỀ về kinh tế, đẩy cho nhiều triệu người tiêu dùng gánh chịu. Việc Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định số 1622/QĐ-BTTTT, ngày 29/9/2017, tuyên truyền về xăng E5 cho đến năm 2020, làm cho nhân dân cả nước, cả Tứ trụ Triều đình đã và sẽ còn phải nghe sai, hiểu sai, nói sai về bản chất khoa học của xăng “sinh học” E5 của Việt Nam, là xanh, sạch, thân thiện môi trường. Chính xác xăng E5 của Việt Nam hoàn toàn không đáp ứng tiêu chí Phát triển bền vững của Ủy ban Châu Âu đã ban hành Chỉ thị Năng lượng tái tạo (Renewable Energy Directive, RED). Xăng E5 của Việt Nam gia tăng phát thải khí CO2 nhiều hơn xăng RON92 và khí thải cũng bẩn hơn xăng RON92.
2) “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030” được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016, còn được gọi là Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Theo Qui hoạch sản lượng nhiệt điện than vào năm 2030 chiếm tỷ trọng 53,2%, điện khí tự nhiên 16,8%, thủy điện 15,5%, điện sinh khối 2,1%, điện gió 2,1%, điện mặt trời 3,3%. Từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư khoảng 3.206.652 tỷ đồng (tương đương 148 tỷ USD). Căn cứ thực tế triển khai nhiệt điện than rất mạnh mẽ từ năm 2015 - 2018, có thể dự đoán vào năm 2030, tỷ trọng nhiệt điện than sẽ chiếm 60%. Để thực hiện Quy hoạch này chúng ta phải thắt lưng buộc bụng, bỏ ra 148 tỷ USD để “mua” được những tác hại vô cùng to lớn sau đây:
VI. PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ:
1) CHIẾN DỊCH “ĐẬP PHÁ ĐÒI LẠI VỈA HÈ” do Phó Chủ tịch quận 1, TP.HCM Đoàn Ngọc Hải khởi xướng: “Chúng tôi sẽ kiên quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, không làm kiểu “đánh trống bỏ dùi” như những năm trước. Mục tiêu là xây dựng khu vực quận 1 sạch đẹp như Singapore. Không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn”. Ào ạt, như một cơn lốc phá dỡ, đuổi bắt người bán hàng, trước con mắt chứng kiến của những người dân trong và ngoài nước, tập trung vào các đối tượng “lấn chiếm” sau:
a) Các bậc tam cấp, bậc thềm.
b) Các biển hiệu quảng cáo, chậu hoa trang trí, mái che nắng mưa.
c) Những người buôn bán vỉa hè.
Chiến dịch này đã lan ra Hà Nội, một vài quận huyện rầm rộ ra quân phá dỡ. Tôi đau đớn vì thấy giải pháp hoàn toàn không có tính chất xây dựng, gây thiệt hại to lớn cho đất nước nên khẩn trương viết bài “CHIẾN DỊCH “ĐẬP PHÁ ĐÒI LẠI VỈA HÈ” ĐÃ THẤT BẠI KHI ĐẬP NHÁT BÚA ĐẦU TIÊN” và vào thời cao điểm của chiến dịch ngày 29/3/2017 khẩn trương gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư và Chủ tịch UBND Tp. HCM, Bí thư và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Sau đó khoảng 2 tuần thấy các hoạt động đập phá chấm dứt. Sau này thấy báo chí đăng tin “Ông Đoàn Ngọc Hải xác nhận ngưng xuống đường vì bị hai văn bản 'trói chân'”.
2) Bài viết “KHOA HỌC QUY HOẠCH THỦ ĐÔ ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH?” Cho thấy trước đêm ngày 29/05/2008 Thủ đô Hà Nội có diện tích 922 km², dân số hơn 3,3 triệu người. Sáng hôm sau, theo Nghị quyết 15/2008/QH12 ngày 29/05/2008 THỦ ĐÔ HÀ NỘI mới với diện tích 3.345km2 (tăng gấp 3,63 lần), dân số 6,35 triệu (gấp 1,92 lần). Sau một đêm ngủ dậy, Hà Nội đã trở thành một thủ đô có diện tích lớn đứng thứ 2 Thế giới (chỉ sau Bắc Kinh). Về số lượng các đơn vị hành chính, bộ máy quản lý Nhà nước thì Hà Nội vượt rất xa Bắc Kinh, đứng đầu Thế giới. Hà Nội bề thế và tầm cỡ quốc tế.
Trong 2 năm 2007 và 2008 các quan chức địa phương đã ào ạt bán đất cho 1.005 dự án bất động sản. Người dân có quyền sử dụng đất, nhưng quyền bán đất thuộc về quan chức địa phương. Công an và quân đội phải theo lệnh của các quan bán đất mà đàn áp những người dân chống đối.
VII. ÙN TẮC GIAO THÔNG:
Hà Nội và Tp. HCM đã chục năm nay triền miên trong vấn nạn UTGT. Nguồn lực của đất nước đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) giao thông cũng vô cùng to lớn, nhưng bế tắc vẫn hoàn bế tắc. Mọi tinh hoa, trí tuệ của Bộ Giao thông Vận tải đã được thể hiện trong Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Qui hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó cơ sở hạ tầng giao thông sẽ được phân kỳ, phát triển theo từng giai đoạn, từng bước mở rộng, kỳ vọng đến năm 2050 sẽ hoàn tất đồng bộ một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cho toàn Hà Nội mở rộng, kết nối liên vùng, liên tỉnh. Riêng vùng trung tâm (tạm gọi Hà Nội cũ) dựa trên 9 tuyến đường sắt huyết mạch trên cao (40 tỷ USD, khoảng 920.000 tỷ đồng), ngoại ô hướng tâm Hà Nội (khoảng 85% tổng chiều dài là đi trên cao, còn lại 15% đi ngầm) được Bộ GTVT kỳ vọng là quả đấm thép vào năm 2030 dứt điểm đối với UTGT. Trong đó tuyến đầu tiên Cát Linh – Hà Đông dài 13km, tại Quyết định số 513 ngày 23/2/2016 của Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư ban đầu là 552,86 triệu USD lên 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD, tương đương 9.231 tỷ đồng, tăng 57%). Đã thành thông lệ, khi quyết toán đầu tư sẽ còn tăng cao hơn nữa. Sau đúng 10 năm xây dựng, ngày 02/9/2018 dự án đã đưa vào vận hành thử toàn tuyến, từ 3 – 6 tháng chạy không tải. 9 tuyến đường sắt huyết mạch trên cao được coi là quả đấm thép chống UTGT vào năm 2030 theo tôi là “ngứa chỗ này đi gãi chỗ khác” và lãng phí to lớn nguồn lực của đất nước.
Tôi đã nhìn thấy tất cả 13 nghịch lý giao thông của Hà Nội và Tp. HCM so với các đô thị đông dân ở các nước văn minh, phát triển. Cách đây khoảng 3 năm tôi đã viết bài GIẢI PHÁP XUNG góp phần giải quyết căn cơ UTGT cho Hà Nội và Tp. HCM. Thời gian thực hiện đầu tư khoảng 3 năm. Tổng vốn đầu tư đối với Hà Nội khoảng 1,5 tỷ USD, đối với Tp. HCM là 2 tỷ USD. Sau đó tôi đã có cả hành trình gian nan, vất vả để kính biếu, kính dâng, kính mời Bộ Giao thông Vận tải, UBND thành phố Hà Nội, Tp. HCM sử dụng GIẢI PHÁP XUNG chống UTGT. Tôi đã có tất cả 8 lần thất bại trong kính biếu, kính dâng, kính mời các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan và thử nghiệm khác nhau sao cho GIẢI PHÁP XUNG được đưa vào sử dụng. Mặc dù những năm gần đây, toàn dân thường được nghe trên TV, đài báo thông tin về Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lắng nghe và kêu gọi các nhà khoa học trong và ngoài nước đóng góp ý kiến, hiến kế xây dựng đất nước, thậm chí cả những ý kiến trái chiều, khác quan điểm.
GIẢI PHÁP XUNG không có lỗi để họ chê, nhưng họ cũng chẳng khen và chẳng cần, đơn giản vì: (i) Tôi là người “ngoại đạo”; (ii) Họ có tư tưởng “văn mình, vợ người”; (iii) Họ lạnh với UTGT; (iv) Lãng phí tiền chùa chứ không phải tiền túi của họ.
8 lần kính tặng, kính biếu, kính mời thất bại nên tôi chuyển sang rao bán. Đúng là chuyện vui nhưng có thật. Mọi thông tin chi tiết xin mới bạn đọc tại đây: TÔI RAO BÁN GIẢI PHÁP XUNG.
VIII. TẢN MẠN
Bài “Định nghĩa thế nào là công nghệ cao”
Bài “Giới thiệu trung thực về bản thân”
Bài “Không nên lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm”
Bài “Về chiếc máy bay MH370 Air Asia (Malaysia) đang ở đâu?”
Bài “Không nên phát điên lên vì tiếng Anh”
“Không tồn tại một xã hội thuần túy, chỉ tồn tại một xã hội sinh thái. Mọi quan điểm phát triển (kinh tế, chính trị, văn hóa) sẽ đổ vỡ nếu như chúng không xuất phát từ quan điểm xã hội sinh thái – Nguyễn Đức Thắng”
Tôi vô cùng cám ơn bạn đọc, chỉ bảo cho những điều sai, hay ngộ nhận cụ thể nào đó của tôi bằng việc đưa ra những lập luận, phân tích khoa học, số liệu có thể kiểm chứng của mình. Tuy nhiên, do phê phán tôi bằng nói vo, một cách chung chung, cảm tính, nên một số cây đa khoa học đã bị “hở sườn”, tiếp tục phô ra lỗi cơ bản trong khoa học (chi tiết xin xem các bài phản biện, tranh luận với một số nhà khoa học).
Xin trân trọng cám ơn bạn đọc và kính chúc Tết Mậu Tuất 2018 vui vẻ, nhiều thành công, an khang và thịnh vượng.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 30/01/2018 và được cập nhật khi có bài viết mới.