DỰ ÁN VỆ SINH MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2 CỦA
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HIỆN ĐANG RA SAO?
Có thể gọi là dự án vệ sinh môi trường khu vực KÊNH NHIÊU LỘC – THỊ NGHÈ
KẾT QUẢ GIAI ĐOẠN 1 (Năm 2002 – 2012): Tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD, nguồn vốn của WB. Hơn 7.000 hộ dân di dời, giải tỏa và tái định cư phục vụ cho dự án.
a) Nạo vét, thay thế và kéo dài cống thoát nước (nước thải và nước mưa): i) 375 km cống thoát nhỏ cấp 3, từ mọi ngõ, ngách, hẻm và ii) 51km cống thoát to cấp 1 và cấp 2.
b) Dự án cũng thực hiện: i) nạo vét, vận chuyển và đổ khoảng 1,05 triệu m3 bùn đất nhằm tăng khả năng thoát nước của kênh; và ii) gia cố 18 km bờ kênh bằng tấm bản bê tông.
c) Đã lắp đặt một tuyến cống bao dài 9 km với đường kính từ 2,5m – 3.0m, chạy dọc một bờ kênh, nhằm chặn không cho nước (thải và nước mưa) đổ vào kênh, mà được thu gom, dẫn về nhà máy xử lý nước thải sẽ xây dựng tại phường Thạnh Mỹ Lợi (Quận 2).
GIAI ĐOẠN 2 CỦA DỰ ÁN có tổng vốn đầu tư 524 triệu USD tương đương hơn 11.000 tỷ đồng; trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới 450 triệu USD, được Ban Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới phê duyệt ngày 23/12/2014. 74 triệu USD còn lại là vốn đối ứng của thành phố.
Gồm hai hạng mục chính sau:
a) Xây dựng tuyến cống ngầm thứ 2, dài 9 km với đường kính từ 2,5m – 3.0m chạy dọc mé bờ kênh còn lại và thêm một số tuyến cống cấp 1, 2 và 3 để thu gom nước tại Quận 2.
b) Xây dựng nhà máy XLNT, công suất thiết kế 480.000m3/ngày (là nhà máy XLNT lớn nhất Đông Nam Á). Nước thải xử lý đạt tiêu chuẩn loại A sau đó đổ vào sông Sài Gòn
Sáng 24/2/2017, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, UBND TP HCM tổ chức lễ khởi công gói thầu XL-01 “Thi công tuyến cống bao” dài 9km. Đến dự có Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, đại diện các sở, ngành có liên quan.
Nhà thầu là công ty ITD của Thái Lan, giá trị gói thầu vào khoảng 85 triệu USD, thời gian thi công 36 tháng.
Đã có kết quả đấu thầu đối với nhà máy XLNT, đã chọn được 3 nhà thầu vào “chung kết”, từ đó sẽ chọn lấy 1. Thời gian thi công khoảng 3 năm. Cuối năm 2019 đưa vào vận hành.
BỘ XÂY DỰNG LÀ TỔNG CÔNG TRÌNH SƯ, TỔNG ĐẠO DIỄN LĨNH VỰC XỬ LÝ NƯỚC THẢI ĐỂ CỨU CÁC CON SÔNG, KÊNH:
Hà Nội có 5 con sông và Tp. HCM có các con kênh lớn thoát nước đều đã chết từ lâu. Nước sông và kênh bị ô nhiễm nặng bởi nước thải đủ loại của thành phố. Nhằm cứu sống lại các con sông bằng quan điểm chặn không cho nước thải xả trực tiếp vào sông như trước đây, mà được thu gom vào những tuyến cống ngầm xây mới, đường kính từ 2,5m – 3,0m, chạy dọc hai bên sông, dẫn nước (thải và nước mưa) về nhà máy xử lý tập trung đặt ở cuối sông/kênh.
Cụ thể Dự án XLNT Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì), cho nửa Tây của Hà Nội (lưu vực sông Lừ, sông Tô Lịch và sông Nhuệ), khởi công ngày 7/10/2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Tổng vốn đầu tư 16.293 tỷ đồng (khoảng 800 triệu USD vốn ODA Nhật Bản), gồm hai hạng mục sau:
Khoảng đầu tháng 2/2017 tôi tình cờ đọc được thông tin cô đọng này trên báo mạng. Đủ để tôi phát hiện ra ngay 2 tác động môi trường tiêu cực to lớn của dự án là 1) sẽ làm các con sông chết nhanh hơn, trơ lòng, phơi đáy và khô, các cháu thiếu niên có thể xuống chơi đá bóng được. 2) Làm gia tăng ngập úng nặng nề hơn, phủ định hoàn toàn những kết quả 20 năm dự án thoát nước, chống ngập úng của Hà Nội. Chẳng hiểu sao báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và Hội đồng đánh giá ĐTM quốc gia đối với dự án lại để lọt qua 2 tác động tiêu cực to lớn này.
Ngày 20/02/2017 tôi đã có thư gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Bộ TN&MT kèm bài viết phân tích, chứng minh dự án XLNT Yên Xá sẽ KHÔNG THỂ CỨU NỔI 1 CON SÔNG, CHO DÙ SỐNG CHỈ CÓ 1 NGÀY, SẼ LÀM CHO CÁC CON SÔNG CHẾT NHANH HƠN (TRƠ LÒNG, PHƠI ĐÁY) VÀ GIA TĂNG MẠNH MẼ NGẬP ÚNG, PHỦ ĐỊNH NHỮNG KẾT QUẢ CỦA 20 NĂM THỰC HIỆN DỰ ÁN THOÁT NƯỚC ĐÃ LÀM. Tại bài viết tôi cũng đã đề xuất giải pháp, hoàn toàn có thể cứu được các con sông, làm cho chúng trở nên sạch, đẹp, theo cách tiếp cận XLNT hoàn toàn trái ngược. Đó là phi tập trung, rất phân tán.
Đến nay, đã gần 2 năm, không một hồi âm từ bất cứ cơ quan nào.
Thực tế qua tìm hiểu của tôi tại hiện trường nhà máy XLNT Yên Xá, tôi đoán là sau khi đọc bài viết của tôi, Bộ Xây dựng và UBND Hà Nội đã nhận ra 2 sai lầm “chết người” của họ, BẮT BUỘC họ phải tạm dừng triển khai dự án. Hiện trường dự án đóng kín không thể nhìn được vào bên trong, nếu như không đến tận cổng, nhòm qua lỗ để thò tay vào mở khóa. Bên trong là hoang vắng, không một bóng người.
Tương tự, tôi đoán Bộ Xây dựng cũng đã thông báo cho Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 Tp. HCM dừng xây dựng nhà máy XLNT lớn nhất Đông Nam Á.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hơi khác các con sông ở Hà Nội, là kênh còn có nước sông Sài Gòn khi triều dâng sẽ tràn vào nên không thể khô đáy như sông Tô Lịch, do vậy, các cháu thiếu niên không thể xuống lòng kênh đá banh được.
Lễ khởi công gói thầu XL-01 vào ngày 24/2/2017, tuy nhiên mãi đến ngày 21/9/2018 tôi mới tình cờ đọc được thông tin trên báo mạng. Khi đó tôi mới biết là có nhà máy XLNT cho lưu vực Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Thực hiện nhiệm vụ lương tâm giao cho, ngày 24/9/2018 tôi đã viết xong và gửi bài “Dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 Tp. HCM là rất có hại cho đất nước” gửi tới các lãnh đạo liên quan.
Thực trạng dự án nhà máy XLNT lớn nhất Đông Nam Á này hiện nay ra sao tôi chỉ biết được, khi tình cờ nghe được tin trên VTV1, chương trình thời sự 12:00 trưa thứ 6, ngày 07/12/2018 về những bức xúc đối với dự án giai đoạn 2. Sau đó tôi lên mạng vào https://vtvgo.vn/xem-truc-tuyen-kenh-vtv1-1.html để xem lại cho kỹ. Qua đó tôi đoán dự án này đã được Bộ Xây dựng thông báo cho dừng lại từ tháng 3/2017. Từ những thông tin trên VTV1 tôi trích chép ra một số chi tiết như sau:
Theo VTV1 lý do dự án tạm dừng, do bế tắc trong khâu xét chọn 1 trong 3 nhà thầu đã qua sơ tuyển. Phóng viên đã phỏng vấn TS. Phạm Sỹ Yên, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết “Tiền đã có rồi, chỉ cần mời gọi và xét chọn nhà thầu thôi mà đến nay đã kéo dài gần 4 năm. Cái tệ hơn là kết quả đấu thầu đã có rồi, chỉ có lựa chọn nhà thầu mà đến hơn 1 năm rưỡi chưa xong. Có cái gì đó không công khai minh bạch, không rõ ràng”. Gần 1 năm rưỡi trước, có 3 nhà thầu lọt vào vòng xét tuyển. Sau 3 lần xin gia hạn, đến nay Ban Quản lý dự án vẫn chưa chọn được nhà thầu.
Hậu quả của việc chậm trễ triển khai còn đe dọa làm tăng phí cam kết sử dụng vốn, tăng tổng mức đầu tư, đội vốn dự án do giá cả vật liệu leo thang. Không những thế nếu việc chọn nhà thầu vẫn tiếp tục kéo dài, Ngân hàng Thế giới có thể dừng cho vay để chuyển vốn sang các dự án khác. Bởi vì việc 3 lần gia hạn thời gian chọn nhà thầu là điều hiếm có đối với các dự án do World Bank tài trợ.
LÒNG KÊNH NHIÊU LỘC – THỊ NGHÈ KHI TRIỀU LUI ĐÃ TRƠ BÙN ĐÁY
39 ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi (Quận 2) nơi đặt nhà máy XLNT LỚN NHẤT ĐÔNG NAM Á
Ban quản lý dự án đã 3 lần báo cáo Ngân hàng Thế giới xin gia hạn vì lý do chưa thể chọn được 1 trong 3 nhà thầu trên.
Tương tự, tại Hà Nội đối với dự án nhà máy XLNT Yên Xá. Sáng ngày 11/10/2018, Giám đốc Ban Quản lý dự án Nguyễn Văn Hùng đã báo cáo với Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố lý do tiến độ thực hiện đã bị chậm do phải đấu thầu lại gói 3 và công tác TKKT-DT, đấu thầu có sự điều chỉnh. Ngoài ra, khó khăn của dự án là khối lượng bùn thải của dự án rất lớn nên nhu cầu về bãi đổ cao, trong khi đó các bãi đổ theo quy hoạch chưa được triển khai thực hiện theo tiến độ.
Toàn cảnh buổi làm việc sáng ngày 11/10/2018 của Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố với Ban Quản lý các dự án công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội về việc triển khai, thực hiện dự án, công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020.
Tại sao họ lại không nói chân thực ra rằng chúng tôi đang phải cân nhắc, xem lại thiết kế cũ vì nếu làm như vậy các con sông và kênh sẽ nhanh chóng trơ lòng, phơi đáy và gia tăng mạnh mẽ ngập úng, lụt to (ở Hà Nội) trong suốt đời vận hành dự án (30 – 40 năm). Rằng chúng tôi phải thay đổi lại hoàn toàn cách tiếp cận trong thực hiện XLNT để cứu các con sông và kênh trở nên trong xanh, sạch và đẹp.
Đã gần 2 năm Bộ Xây dựng vẫn chưa chi tiết hóa được giải pháp mà tôi đề xuất. Nếu có khó khăn vướng mắc gì tại sao Bộ lại không “triệu tập” tôi đến để chất vấn thêm cho rõ.
Rõ ràng KHI ĐẦU TƯ HƠN 27.000 TỶ ĐỒNG MÀ LÀM CHO CÁC CON SÔNG VÀ KÊNH CHẾT HẲN VÀ GIA TĂNG NGẬP ÚNG ĐÔ THỊ LÀ CÓ TỘI VỚI ĐẤT NƯỚC.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 19/12/2018