VUI MỘT TÍ VỀ QUỸ PHÁT TRIỂN CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
Dưới cái ô là nâng đỡ, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tiền thân là Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) đã cho ra đời và quản lý công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Đó là QUỸ PHÁT TRIỂN CÁC DNNVV (theo Nghị định 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019). Như vậy hiện nay tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đầy đủ 3 loại hình đơn vị: 1) Hành chính, quản lý Nhà nước 2) Đơn vị sự nghiệp, viện, trường, trung tâm nghiên cứu, báo, tạp chí 3) Doanh nghiệp kinh doanh. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm hình thành và phát triển của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và trong xu thế Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh cải cách hành chính, Bộ đã cho ra đời và trực tiếp quản lý một công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước.
Doanh nghiệp này có vốn điều lệ tối thiểu là 2.000 tỷ đồng DO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẤP từ nguồn chi cho đầu tư phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức vốn điều lệ của Quỹ trong từng thời kỳ tiếp theo (Điều 43 của Nghị định 39). Thế mà tại Điều 2. Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân của Quỹ, tại điểm 1 có ghi “1. Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là QUỸ TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC NGOÀI NGÂN SÁCH, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng Chính phủ thành lập”. Như vậy là Điều 2 hô “biến” 2.000 tỷ đồng ngân sách Nhà nước cấp thành 2.000 tỷ đồng tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.
Vì Quỹ hoạt động như là một quỹ ban phát “bổng lộc” (cho vay lãi suất bằng 80% lãi suất thương mại và tài trợ cho không) nên Quỹ này là một dạng thù hình của cơ chế XIN – CHO, BAN PHÁT ngày xưa. Căn cứ Quyết định số 04/QĐ-HĐTV ngày 25/6/2020, lãi suất cho vay ngắn hạn là 2,16%/năm. Lãi suất cho vay trung và dài hạn là 4%/năm. Vì bản chất của Quỹ là như vậy nên chúng ta không hy vọng nhiều từ các nguồn vốn khác, như ủy thác, tài trợ, viện trợ, đóng góp cho không của các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Vốn điều lệ sẽ thực sự là nguồn vốn chủ lực, lớn nhất của Quỹ. Vì là kiểu ban phát “bổng lộc” nên vốn điều lệ sẽ sớm hao mòn, sẽ lại được Bộ đề nghị Thủ tướng cấp bổ sung để tiếp tục ban phát.
Sáng 28/4/2020, Tổng Cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) công bố "Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020". Đến thời điểm 31/12/2018, cả nước có 610.637 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, tăng 9,0% so với năm 2017. Đến thời điểm 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với năm 2018. Mặc cho đại dịch Covid-19 và ngày 31/3/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg thực hiện giãn cách xã hội trên cả đất nước và thế giới nhiều nước có quan hệ làm ăn với Việt Nam đã “gẫy gục” (tăng trưởng âm) vì đại dịch, thế mà ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê vẫn tuyên bố “Phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020”.
Cứ cho tuyên bố của ông Lâm đã trở thành hiện thực và giả sử 10% số doanh nghiệp là lớn, 90% còn lại là nhỏ và vừa. Như vậy đầu năm 2021 Việt Nam có khoảng 900.000 DNNVV. Ban quản lý Quỹ phải có trách nhiệm thông báo rộng rãi cho toàn dân thiên hạ biết, không thể chỉ rỉ tai cho vài nghìn doanh nghiệp ưu tiên nào đó. Giả sử có 800.000 DNNVV nghe được tin về Quỹ, tuy nhiên chỉ có 500.000 doanh nghiệp quan tâm, tiếp cận xếp hàng để xin vay. Giả sử Quỹ có 500 cán bộ, nhân viên tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Tp. HCM thẩm định, đánh giá, xem xét các dự án vay vốn. Như vậy là mỗi người sẽ thẩm định, đánh giá 1.000 dự án hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề. Giả sử quá nhiều, có đến 300.000 dự án là không đáp ứng các tiêu chí cho vay.
Còn lại 200.000 dự án là CHUẨN, XUẤT SẮC. Tuy nhiên tổng vốn chỉ có 2.000 tỷ đồng. Đành chia đều vậy. Như vậy cả đất nước có 900.000 DNNVV trong đó 700.000 DNNVV, tức vô vàn doanh nghiệp không được vay. Chỉ có 200.000 DNNVV được vay. Bình quân mỗi doanh nghiệp được vay 10 triệu đồng để bay cao, bay xa.
Vì số lượng DNNVV nhiều như vậy và mỗi ngày có nhiều doanh nghiệp chết, mất tích, nên Quỹ làm sao mà quản lý được việc sử dụng vốn vay đúng mục đích để phát triển kinh tế làm cho đất nước hùng cường, phồn vinh và thịnh vượng. Lãi suất vay từ 2,16% - 4%/năm là rất thấp. Trong khi lãi suất gửi tiền tiết kiệm phổ biến khắp nơi 6% - 7%/năm. Như vậy, chỉ cần xin vay được 500 triệu đồng từ Quỹ đã là thắng đậm rồi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày nay quay lại, thích làm những việc ban phát tỉ mẩn của ngày xưa, phân bổ, cân đối vốn tới cả những dự án mini (nhóm C) của các Bộ, ngành.
Năm sau giả sử chỉ cần có 1.000 doanh nghiệp quan tâm gửi đơn xin được vay. Ban quản lý Quỹ đành phải treo biển rất to ngoài cửa “XIN LỖI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NHƯ DÒNG SÔNG ĐÃ KIỆT”.
Có cách rất đơn giản để Ban quản lý Quỹ năm nào cũng có tiền cho một hai trăm DNNVV vay, tạo công ăn việc làm dài lâu cho 500 cán bộ nhân viên của Quỹ là từ chối rất nhiều đơn vay. Vô vàn các DNNVV sẽ chán và nản. Thôi đành không phát triển vậy!.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên nâng tầm, đổi thành Bộ Thể chế Phát triển vạch ra những đường lối, chủ trương, chính sách để cả đất nước, toàn dân thực hiện thay vì để Bộ thực hiện.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 16/01/2021