VỀ KẾ HOẠCH CHI NGÂN SÁCH QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
Kính gửi những người yêu Môi trường và Khoa học,
Sáng qua ngày 28/7/2021, với 100% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.
Theo Nghị quyết, tổng thu ngân sách 5 năm (2021-2025) khoảng 8,3 triệu tỷ đồng. Tổng chi ngân sách 5 năm khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó CHI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN cho hơn 5.000 dự án, khoảng 2,87 triệu tỷ đồng chiếm 28%. Còn lại là CHI THƯỜNG XUYÊN chiếm 62% tổng chi. Đã thành qui luật thu luôn không đủ chi nên mức vay nợ trong 5 năm tới khoảng 3,068 triệu tỷ đồng.
Tôi đoán 10% còn lại là để trả nợ, viện trợ quốc tế và dự phòng.
Bà Vũ Thị Lưu Mai - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội
Tại phiên thảo luận ngày 27/7 về kế hoạch đầu tư công trung hạn, bà Vũ Thị Lưu Mai - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã nói “Việc xây dựng các danh mục dự án ở nhiều địa phương không xuất phát từ yêu cầu thực tế mà TỪ Ý MUỐN CHỦ QUAN. VỐN ĐẦU TƯ CÔNG LÀ TIỀN THUẾ CỦA DÂN, KỂ CẢ VỐN VAY CŨNG LÀ DÂN PHẢI TRẢ, KHÔNG PHẢI SỞ HỮU CỦA BẤT CỨ CƠ QUAN, TỔ CHỨC HAY CÁ NHÂN NÀO. Do đó, nếu vẫn còn tư duy có quyền ban phát, cơ chế xin - cho thì không biết khi nào mới khắc phục được tình trạng trên" (chữ viết in là do tôi).
Cách đây khoảng 30 năm, khi đó tôi còn đang công tác tại Viện Hóa học thuộc Viện Khoa học Việt Nam (ngày nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), lần đầu tiên trong đời tôi được nghe ông bạn nói rằng “chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) thất thoát khoảng 30%”. Ngày nay gọi là chi đầu tư phát triển. Tôi đã tròn mắt vô cùng ngạc nhiên. Nhưng thời gian đó tình hình tham nhũng còn ít, không đến mức thành quốc nạn, giặc nội xâm như những năm gần đây, đặc biệt dưới thời của đồng chí X. Các dự án chi đầu tư phát triển là do các Bộ, ngành Trung ương (đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghĩ ra.
Mười năm cuối đời công tác tôi được chuyển về Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Có lần tôi đem câu chuyện thất thoát 30% vốn đầu tư XDCB ra than vãn với ông bạn, là thư ký của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc. Nghe xong anh tủm tỉm cười và nói nhẹ với tôi “Chưa là cái gì so với chi thường xuyên”. Tôi hiểu ngay ý anh là chi thường xuyên chiếm khoảng 65% - 70% của tổng chi NSNN, thường lớn gấp hơn 2 lần chi đầu tư phát triển.
Trong chi thường xuyên, ngoài khoản chi không thể cắt xén như chi trả lương, tiền điện, tiền nước, thông tin liên lạc; còn lại là chi xây dựng, sửa chữa cơ quan, văn phòng, mua sắm ô tô, xăng xe, phương tiện làm việc, tủ bàn ghế nội thất, máy tính, văn phòng phẩm, công tác phí, thăm quan, khảo sát v.v.. luôn được thay mới và người đi mua luôn được có hoa hồng. Những khoản chi này tôi liên tưởng đến gần đây được nghe trên TV Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ca thán về nạn “tham nhũng vặt” mà ông đành bó tay.
Các bạn không nên thần tượng hóa quan chức, công chức. Họ không tài giỏi và mẫu mực như bạn nghĩ đâu.
Các bạn thử ang áng xem tổng của hai loại tham nhũng nói trên là bao nhiêu? Và các bạn có tin là Việt Nam sẽ trở nên hùng cường, đuổi kịp và vượt Thái Lan vào năm 2045?
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 29/7/2021