BỘ XÂY DỰNG VỚI XỬ LÝ NƯỚC THẢI >VỀ DÒNG SÔNG TÔ LỊCH NGANG VỚI SÔNG XEN (SEINE) CỦA PARI
Ngày đăng: 26-12-2020 - 21:37:32

VỀ DÒNG SÔNG TÔ LỊCH NGANG VỚI SÔNG XEN (SEINE) CỦA PARI

 

Kính gửi  những người yêu Môi trường và Khoa học,

Sau khi tôi gửi đăng ý kiến sau đây:

 

 

 

Tôi nhận được ý kiến của bạn đọc có tên là Trần Liên, nguyên văn như tô vàng dưới đây:

 

“Bạn ơi. Sao cách đây chưa lâu tôi xem TV thấy mấy nhà khoa học bàn việc cải tạo  sông Tô Lịch thành công viên DU LỊCH - VĂN HÓA - TÂM LINH  tầm cỡ ngang với sông Xen  của Pa-ri kia mà. Nghe có vẻ hoành tráng lắm. Có cả nhà sử học Dương Trung Quốc và giáo sư Trần Hiểu Nhuệ và vài nhà khoa học nữa phát biểu và cũng tham gia bàn luận là nếu làm được như vậy thì rất tốt. Nhân dân Thủ đô phấn khởi và đang hi vọng nhìn thấy DÒNG SÔNG TÔ LỊCH đẹp như mơ…”.

 

Cám ơn ý kiến của bạn. Đúng là có những thông tin đó. Vậy tại sao lại có một hội thảo khoa học về đề xuất đó? Chính xác thì như dưới đây:

 

Công ty JVE (Japan – Vietnam Environment) của một doanh nhân trẻ người Việt, tên là Nguyễn Tuấn Anh, có quá trình nhiều năm học tập, làm việc tại Nhật. Như nhiều doanh nhân thành đạt khác, anh bạn trẻ này có các mối quan hệ tốt với một số quan chức Nhật Bản và Việt Nam. Vì anh đã cho tôi xem những bức ảnh rất to và đẹp anh chụp chung với Thủ tướng Nhật và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.  

 

Công ty JVE thực hiện thương mại hóa những thành tựu, công nghệ, máy móc thiết bị của Nhật Bản trong lĩnh vực Môi trường ở Việt Nam. Năm ngoái JVE đã đưa các chuyên gia Nhật vào xử lý trình diễn thí điểm đoạn sông Tô Lịch và một góc ở Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor cho toàn thể nhân dân Việt Nam chứng kiến. Người Nhật đã bơi và tắm trong nước sau xử lý.

 

Theo tôi họ đã thành công, người Nhật làm chỉ có tốt và thành công mà thôi. Tôi tin ở công nghệ và trình độ của người Nhật. Công nghệ, máy móc, thiết bị MADE IN JAPAN được toàn Thế giới ngưỡng mộ từ rất lâu.

 

Tuy nhiên các chuyên gia xử lý nước thải của Việt Nam lại không tin tưởng vào công nghệ Nhật trong XLNT tại lòng sông Tô Lịch trong khi liên tục hàng ngày nước thải sinh hoạt vẫn đổ vào sông. Kết quả là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã kết luận “Công nghệ Nhật xử lý nước sông Tô Lịch là không ăn thua” vì hàng ngày vẫn có khoảng 150.000m3 nước thải đổ trực tiếp vào sông Tô Lịch. Như vậy là phía Việt Nam đã không tin vào uy tín, trình độ, chất lượng công nghệ Nhật. Các chuyên gia về Môi trường của Việt Nam đã chưa hiểu kỹ về công nghệ trình diễn này của người Nhật. Nó là sự kết hợp giữa CÔNG NGHỆ XỬ LÝ SINH HỌC truyền thống (Biological process) với ADVANCED OXIDATION PROCESS (công nghệ xử lý bằng ô xy hóa nâng cao). Sự kết hợp này đã tạo ra hai bằng phát minh, sáng chế cho công nghệ Nano-bioreactor. Đó cũng là một nỗi buồn của KH&CN Việt Nam.

 

Có một điều vô cùng cơ bản nhưng cũng rất giản dị mà các cây đa khoa học môi trường Việt Nam không nghĩ đến, nên đã vội bác bỏ những kết quả trình diễn điển hình của phía Nhật. Đó là KHI CÔNG SUẤT XỬ  LÝ CỦA HỆ THỐNG NANO-BIOREACTOR ĐẶT DỌC SÔNG LỚN HƠN TẢI LƯỢNG CÁC CHẤT THẢI (BOD5, COD, NI TƠ, PHỐT PHO…) ĐỔ VÀO SÔNG, KẾT QUẢ SẼ LUÔN LÀ ĐẠT CHUẨN mặc cho nước thải ngày đêm (24/24 giờ) cứ đổ vào sông! Con sông sẽ luôn có nước, có dòng chảy trong sạch từ đầu sông đến cuối sông. Định kỳ 5 năm nên hút bùn một lần. Công suất xử lý được thiết kế ở mức an toàn, luôn cao hơn mức tải lượng chất thải đổ vào sông, vậy tại sao lại bảo là không được? Một xe tải nhỏ chỉ chở được tải trọng 10 tấn. Nếu muốn trở 15 tấn thì dùng xe lớn hơn, chuyên trở 20 tấn.

 

Có một thực tế nữa cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản đều quá biết là tại Yên Xá một nhà máy XLNT lớn nhất  của Hà Nội, công suất 270.000m3/ngày nhằm cứu con sông Tô Lịch, sông Lừ  đang nhộn nhịp, ngổn ngang xây dựng. Vốn vay ODA Nhật Bản, khoảng hơn 800 triệu USD. Dự án này đã khởi công ngày 7/10/2016. Dự kiến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành. Theo thiết kế, hàng trăm miệng xả nước thải vào sông Tô Lịch sẽ bị cắt, không cho chảy vào sông, mà được thu gom vào một cống ngầm có đường kính 2,4m đặt sâu khoảng 9m – 15m dưới lòng sông Tô Lịch dẫn về nhà máy Yên Xá để xử lý, đảm bảo an toàn đạt chuẩn. Nước sạch sau xử lý nước sẽ tự chảy về xuôi.

 

Đầu năm 2017 tôi tình cờ đọc được bài báo trên mạng về lễ khởi công dự án này. Tôi đã rất ngạc nhiên, vì nước thải sinh hoạt đang là nguồn CHỦ YẾU ĐỂ “NUÔI SÔNG”, số ngày có mưa thì ít, còn số ngày không mưa rất nhiều vậy SÔNG KHÔNG CÓ NƯỚC SÔNG SỐNG BẰNG GÌ? Chỉ cần 2 tuần sau khi  nước thải bị cắt, dẫn chảy vào cống ngầm đưa về nhà máy XLNT Yên Xá, bùn sông Tô Lịch sẽ khô cứng, nếu trời nắng đều 2 tuần thì các cháu thiếu niên có thể suống sông Tô Lịch chơi đá bóng được.

 

Ngày 20/2/2017 tôi có thư chỉ cho họ ĐIỀU VÔ CÙNG ĐƠN GIẢN ẤY. Các cháu thiếu niên cũng phải thừa nhận là nếu sông không có nước sông sẽ khô đáy. Sông luôn có độ dốc mà mọi nước chảy vào sông đều chảy tiếp về xuôi. Họ mới té ngửa ra! mới ah! ah! Họ đành phải tạm dừng dự án để tìm giải pháp cứu nguy. Việc tạm dừng dự án, chậm tiến độ giải ngân được Giám đốc Ban Quản lý dự án Nguyễn Văn Hùng sáng ngày 11/10/2018, báo cáo với Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố do phải đấu thầu lại gói 3 và công tác thiết kế kỹ thuật – dự toán đấu thầu có sự điều chỉnh.

 

Kết quả trí tuệ tập thể của họ là XÂY MỘT ĐẬP CAO BỊT CUỐI SÔNG, NƯỚC THẢI SAU XỬ LÝ BƠM VÀO TRƯỚC ĐẬP ĐỂ NƯỚC TỰ DỀNH LÊN, CHẢY NGƯỢC LÊN THƯỢNG NGUỒN, VỀ ĐẦU SÔNG, CHẤP NHẬN BIẾN SÔNG THÀNH HỒ DÀI CẢNH QUAN ĐỂ SÔNG CÓ NƯỚC. Đập này Ban quản lý dự án đã chọn là đập Thanh Liệt cũ, sẽ được cải tạo nâng cao đỉnh đập, đủ để cho mực nước trong hồ Tô Lịch tại thượng nguồn đạt cao trình mong muốn. Hy vọng là vậy. Tuy nhiên, nếu chênh lệnh độ cao giữa đầu sông và đỉnh đập Thanh Liệt (cuối sông) là đáng kể thì nước không thể làm ướt được đoạn đầu sông. Nếu vậy, Ban quản lý dự án cũng không thể tiếp tục nâng cao đỉnh đập Thanh Liệt được nữa, cho dù chỉ là một gang tay trẻ em (tạm cho là 12cm), vì sẽ gây ngập úng rộng rãi vùng này, cũng đang đậm đặc dân cư sinh sống. Mức nước ở vùng hạ lưu, cuối sông này không được phép tràn bờ, làm ướt mặt đường. Vùng này sẽ có rủi ro lớn về ngập lụt. Nếu có mưa trên toàn sông cửa đập phải nhanh chóng mở để thoát nước chống ngập úng cho vùng cuối sông. Hết mưa lại phải nhanh chóng đóng đập, để phòng ngừa thiếu nước ở đầu sông. Đúng là tình cảnh “con kiến mà leo cành đa, leo phải cành cộc, leo vào leo ra” mãi dài lâu.

 

 

Công nghệ XLNT lựa chọn cho nhà máy Yên Xá là công nghệ sinh học truyền thống, hay còn gọi là công nghệ bùn hoạt tính (traditional biological process, or activated sludge technology). Khi bắt đầu vận hành nhà máy, thông thường cần khoảng 2 – 3 tuần để hình thành HỆ VI SINH VẬT HOẠT ĐỘNG ỔN ĐỊNH, sau đó chất lượng nước thải xử lý mới đạt yêu cầu (đạt chuẩn). Nước sau xử lý của 2 – 3 tuần đầu không thể đạt chuẩn, vẫn là nước bẩn. Nước này không thể bơm ngược lại vào HỒ DÀI CẢNH QUAN để mãi dài lâu ở lại, lưu cữu trong hồ. 2 – 3 tuần này nếu trời nắng liên tục chắc chắn bùn đáy sông sẽ rắn lại.

 

Thực tế sông sẽ bắt đầu cạn kiệt nước, tính từ ngày lần lượt các cống xả nước thải vào sông dọc hai bên bờ bị “đóng” lại và dẫn chảy vào cống ngầm mới xây, đường kính 2,4m. Như vậy thời gian sông bị khô đáy có thể kéo dài hơn, lên đến một tháng theo dự đoán của tôi.

 

Ngày Ban quản lý dự án quyết định đóng đập Thanh Liệt ở cuối sông, bịt kín sông lại sẽ là ngày NGƯỜI DÂN HÀ NỘI CHỨNG KIẾN HIỆN TƯỢNG CON SÔNG TÔ LỊCH TỪ KHÔ ĐÁY SẼ CÓ NƯỚC CHẢY  NGƯỢC LẦN ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI CỦA  NÓ. Nước sạch đạt chuẩn sẽ tự dềnh ngược, dâng cao dần lên, khoảng 2 ngày sẽ đầy đến đầu sông Tô Lịch (chợ Bưởi).

 

Tôi dự đoán nhà máy XLNT Yên Xá sẽ có lễ khánh thành vào năm 2022, sẽ là 6 năm xây dựng tính từ ngày lễ khởi công (7/10/2016). Những người quan tâm, thích quan sát có thể chứng kiến hiện tượng kỳ thú này, 4.000 năm mới có một lần thôi. Đó là sông Tô Lịch chảy ngược, từ Yên Xá chảy ngược, từ từ và chậm chạp về chợ Bưởi. Trước đó khoảng một tháng là sông khô đáy. Ước gì Ban quản lý dự án công bố rộng rãi ngày đóng đập Thanh Liệt để nhân dân Hà Nội chứng kiến khoảng 2 ngày lịch sử con sông Tô Lịch chảy ngược trong đời của nó. Ngày đóng đập cũng là ngày nó vĩnh viễn trở thành HỒ TÔ LỊCH tù túng.

 

Để che đậy một thực tế phũ phàng, cay đắng là hồ Tô Lịch kỳ quặc dài 14km nhưng chiều rộng chỉ có 20m – 30m với nước chết tù túng quanh năm ngày tháng, uốn lượn mượt mà giữa thủ đô Thăng Long Hà Nội, chủ tịch HĐQT JVE đã đưa ra sáng kiến:  Dọc hồ dài cảnh quan Tô Lịch sẽ bố trí các công trình trang trí mang tính văn hóa, nghệ thuật mô tả lịch sử quá trình phát triển 1.000 năm của Thăng Long Hà Nội, khởi đầu từ vua Lý Thái Tổ dời đô Hoa Lư. Đề xuất này đã được báo cáo tại hội thảo, hội nghị khoa học và đã được gửi tới các lãnh đạo và cơ quan chức năng của Hà Nội. TV, đài báo đã đưa thông tin đầy đủ về hội thảo này. Ban quản lý dự án nhà máy XLNT Yên Xá như người đang chết đuối vớ được cọc vàng.

 

Như bạn đã viết  “xem TV thấy mấy nhà khoa học bàn việc cải tạo  sông Tô Lịch thành công viên DU LỊCH - VĂN HÓA - TÂM LINH  tầm cỡ ngang với sông Xen  của Pa-ri”. Tôi nghĩ có thể như vậy, nếu Hà Nội tiếp tục có tiền đầu tư, mặc dù Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ví ngân sách Nhà nước như dòng sông cạn kiệt. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực này sẽ có cơ hội thăng hoa trí sáng tạo, giống con đường gốm sứ Việt Nam dọc đê Yên Phụ.

 

Tuy nhiên có một sự khác biệt về bản chất vật lý, bản chất tự nhiên không một ai có thể phủ nhận là sông Xen ở Pari vẫn luôn là con sông, tràn đầy nước, chảy quanh năm ngày tháng, từ đầu sông đến cuối sông. Khác biệt thứ hai là kiến trúc, cảnh quan các dãy nhà và đường phố dọc hai bên bờ sông Xen là những ngôi nhà nguy nga, tráng lệ, cổ kính, hoàn toàn không có khẩu độ 4m - 5m mặt tiền như phổ biến dọc hai bờ sông Tô Lịch, 100 nhà mặt tiền thì có 100 kiểu dáng kiến trúc khác nhau. Chúng khác lạ so với tháp Eiffel, các nhà thờ cổ kính, các viện bảo tàng tráng lệ, các quảng trường nguy nga, các lâu đài, các cung điện, khách sạn sang trọng nhan nhản hai bên bờ sông Xen. Khác biệt thứ ba là các cầu bắc qua sông Xen đều cổ kính, lịch sử, nhưng nguy nga, hoành tráng, có độ cao đủ để tàu bè có thể đi qua lại bên dưới. Khi nhìn các cây cầu tuổi đời còn non trẻ bắc qua sông Tô Lịch chúng ta sẽ thấy buồn. Khác biệt thứ tư nữa là dọc hai bên bờ sông Xen được xây kiên cố (gạch, đá, bê tông), thẳng đứng. Thành vách bờ không có bất cứ công trình, nghệ thuật trang trí nào. Người Pháp không thổi hồn văn hóa, tâm linh vào thành vách bờ sông Xen.

 

Chi tiết hơn xin mời bạn đọc xem bài “Chủ tịch Nguyễn Đức Chung không nên biến sông Tô Lịch thành hồ Tô Lịch

Trân trọng cám ơn bạn đọc

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 26/12/2020

Phần 3: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 2:VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 1: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC