VỀ ĐỔI TÊN BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Tháng 1/1998 ở cái tuổi gần 50, tôi được nhận vào làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được biên chế vào Vụ Khoa học – Giáo dục – Tài nguyên và Môi trường (KH-GD-TNMT), là chuyên viên chính. Vụ thực hiện ba quốc sách quan trọng được ấn định trong Hiến pháp của đất nước. Vụ trưởng là chị Phan Thu Hương (sinh viên ở Rumani, TS. ở Liên Xô) bố trí tôi vào nhóm Khoa học, giúp việc cho TS. Đỗ Văn Giáp, Phó Vụ trưởng. Song song đồng thời cũng giúp việc cho TS. Lê Minh Đức, Phó Vụ trưởng phụ trách nhóm Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên bàn làm việc của tôi, thời gian đầu vì điều kiện chật chỗ lại được đặt trong phòng làm việc của nhóm Giáo dục. Trung bình mỗi phòng làm việc khoảng 13 – 14m2 cho 4 cán bộ. Ba phó vụ trưởng ngồi chung 1 phòng. Phó Vụ trưởng Đức vừa mới đề bạt nên uy thế còn kém Phó Vụ trưởng Giáp thâm niên hơn. Khi tôi đang xử lý văn bản giúp Mr. Đức, Mr. Giáp thường chen ngang “Việc của anh Đức để sang bên, việc này ưu tiên làm trước”.
Tiền thân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, là cơ quan có chức năng xây dựng và tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho cả đất nước. Dư luận thường gọi là siêu Bộ. Anh em, bạn bè lâu ngày gặp nhau, có người thẳng băng luôn “làm ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư thế thì phải giầu, tiền tiêu sao cho hết”. Tôi nghe nhiều thành quen. Trong xã hội luôn có dư luận cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư là có thu nhập cao, phong bao, phong bì chẳng thiếu. Họ kể những câu chuyện nghe có vẻ li kỳ về các kiểu chạy vốn. Tôi thấy đầy mâu thuẫn với những thực tế công việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo tôi, các Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc các Vụ Kế hoạch và Đầu tư của các Bộ, ngành rất khôn, khi các đơn vị trong ngành của họ có nhu cầu đầu tư một dự án gì đó, tiếp cận họ, nhiều trường hợp được giải thích khéo, kiểu đẩy lên trên “khó lắm, năm nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ít lắm, ông quen ai trên đó xin được về tôi đảm bảo để ông sử dụng”.
Có một lần (khoảng năm 2002) tôi nhận được điện thoại của sếp cũ của tôi, GS.TSKH Quách Đăng Triều, công tác tại Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam). Anh gặp tôi với một đề xuất dự án điều tra cơ bản về môi trường. Anh nói “Thắng, em xem thế nào giúp anh giải quyết vấn đề vốn cho dự án điều tra này được không? Kinh phí không nhiều. Anh cũng đã gặp anh Nông Đức Mạnh, có bút phê ủng hộ của TBT tại văn bản”. Tôi xem đúng là có bút phê của TBT Nông Đức Mạnh, dạng “tôi ủng hộ, đề nghị các cơ quan xem xét giải quyết”. GS.TSKH Triều (quê Quảng Ngãi, trong nhóm đồng hương với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện nay), có cụ Trường Chinh là người đỡ đầu, chủ hôn lễ cưới của anh (tôi là người tham dự lễ cưới đó tổ chức tại hội trường của Viện Kỹ thuật quân sự). Anh có mối quan hệ tốt với một vài ủy viên Bộ Chính trị.
Những dự án điều tra cơ bản môi trường dạng này kinh phí là nhỏ, tôi nhớ đâu khoảng 3 tỷ đồng gì đó. Tôi đã rất khó khăn để giải thích cho sếp cũ của mình hiểu là tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể giải quyết, bố trí cấp vốn sai qui định, sai nguyên tắc như vậy được. Tôi đã khẳng định với anh là dự án này hoàn toàn thuộc thẩm quyền quyết định của ông Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam mà trụ cột là Vụ trưởng/hoặc Trưởng Ban Kế hoạch – Tài chính của Viện Hàn lâm. Ở đó họ không ủng hộ anh nhưng đá khéo lên trên “Cho bao nhiêu là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, họ quyết hết. Nếu có người quen trên đó, chạy được về, là của anh. Dự án của anh, tên anh, ai tranh được.”
Những qui định rất cơ bản, rất đơn giản của dòng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước (NSNN) đi đâu, về đâu, rất nhiều người cần vốn không hề hay biết. Luôn có những thông tin, rất phức tạp, như đi vào rừng rậm. Một GS.TSKH với một dự án điều tra cơ bản về môi trường, kinh phí rất nhỏ, có bút phê ủng hộ của TBT Nông Đức Mạnh đương nhiệm, thế mà lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu tư xin vốn không được. Anh đã bị phức tạp hóa về dòng tiền NSNN cho nghiên cứu KH&CN, phải chạy lên TBT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin kinh phí. Anh có thể đã oán trách tôi là không giúp được anh mặc dù đã có bút phê ủng hộ của TBT Nông Đức Mạnh.
Ví dụ nữa là tôi nhận được điện thoại của một chị bạn, nữ sĩ quan quân đội, bạn cùng phòng Hóa Lý trong Viện Kỹ thuật quân sự ngày xưa với tôi “Anh Thắng ơi, em về thăm trường THPT Trần Đăng Ninh ở tỉnh Hà Tây thấy tồi tàn quá. Họ thiếu thốn, khó khăn. Trường muốn cải tạo, sửa chữa cho khang trang đôi chút, nhưng lực bất tòng tâm. Mang dự án đầu tư lên Sở Giáo dục đều nói là rất ủng hộ, nhưng Sở bó tay vì không có tiền, lên cấp trên mà xin.” Chị là con gái ông Trần Đăng Ninh, một lão thành cách mạng, gần gũi với Bác Hồ. Tôi không thể nào giải thích nổi cho chị hiểu là tiền nằm ngay tại Sở Giáo dục và Sở Kế hoạch Đầu tư của tỉnh. Tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tôi bó tay rồi, mặc dù tôi ăn cơm trưa hàng ngày với nhóm Giáo dục đào tạo, theo dõi kế hoạch đầu tư phát triển lĩnh vực này của cả đất nước. Sợ bạn mình lại oán trách không giúp đỡ nhau, tôi đã nhớ ra là Giám đốc mới của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hà Tây là Mr. Lân, một cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do anh Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mang theo khi anh Hoàng được điều chuyển về làm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây, cơ cấu để phát triển tiến xa hơn nữa. Tôi đã gọi điện cho Mr. Lân hẹn gặp có việc cần nhờ giúp đỡ. Sau khi được Mr. Lân cho giờ gặp, tôi điện thoại cho chị bạn báo cho Hiệu trưởng trường THPT Trần Đăng Ninh mang dự án đến cổng Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hà Tây gặp tôi. Khi Hiệu trưởng đến, tôi điện thoại cho Mr. Lân ra cổng, gặp nhau trên vỉa hè cạnh đường lớn. Sau những cái bắt tay xã giao, tôi nói “Anh Lân ơi, trường THPT Trần Đăng Ninh, mang tên một lão thành cách mạng, cán bộ hoạt động cách mạng bên Bác Hồ, đang trong thực trạng xuống cấp, khó khăn quá, mong anh xem xét giúp đỡ”. Sau đó tôi để họ làm việc cụ thể với nhau, tôi xin phép quay về Bộ làm việc vì còn nhiều việc chưa xong. Tôi đã ghép nối nơi cần vốn trực tiếp với nơi có trách nhiệm cấp vốn đơn giản là như vậy. Tôi không hiểu tại sao toàn xã hội cứ phức tạp hóa vấn đề, đường đi gấp khúc trong việc tiếp cận vốn đầu tư từ NSNN.
Tôi kể lại hai câu chuyện trung thực để chứng minh rằng việc CẮT BÁNH, CHIA PHẦN (cấp vốn đầu tư) cho từng dự án là thuộc thẩm quyền của lãnh đạo các Bộ, ngành và các Vụ Kế hoạch Đầu tư của họ quyết định. Ở cấp địa phương là do Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh và Sở Kế hoạch Đầu tư quyết định. Năm nào cũng có tiền đầu tư cả. Ít hay nhiều phục thuộc vào các nguồn thu NSNN, trong đó cả vốn vay ODA, TA (hỗ trợ kỹ thuật là khoản viện trợ cho không). Cần nhớ rằng khoản thu từ tiền thuế do nhân dân đóng góp là lớn nhất.
Đã là phổ biến nhiều năm, trở thành thông lệ: Khoảng 60 – 65% tổng chi NSNN là dành cho chi thường xuyên (chi hàng ngày, hàng tháng nuôi bộ máy hành chính, sự nghiệp), 25 - 27% NSNN là chi đầu tư phát triển (các dự án đầu tư cụ thể), 7 – 8% chi trả nợ lãi, 3 – 5% NSNN để chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế, dự phòng. Ví dụ, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2018 (Quyết định số 2610/QĐ-BTC, ngày 21/12/2017 về công khai NSNN): Tổng chi NSNN năm 2018 là 1.523.200 tỷ đồng. Trong đó, chi thường xuyên 941.000 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển 400.000 tỷ đồng; chi trả nợ lãi vay 113.000 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ liên quan đến khoản chi đầu tư phát triển (25 - 27% NSNN). Tỷ trọng 73 – 75% NSNN (chi thường xuyên, trả nợ lãi, v.v…) thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính phân bổ, bố trí, qui định. Trong khoản chi đầu tư phát triển có các dự án lớn, dự án nhóm A (trên 10.000 tỷ đồng) do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp quyết định phải được ưu tiên thực hiện, kinh phí còn lại do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp “cắt bánh, chia phần” theo đầu Bộ, ngành. Bộ nào được ít, Bộ nào được nhiều, căn cứ chủ yếu để xét chính là phần bánh mà năm trước họ được bao nhiêu. Phần bánh năm nay không thể nhỏ hơn phần bánh năm ngoái, vì tổng chi NSNN năm nay không thể ít hơn năm ngoái. Lãnh đạo các Bộ, ngành sau đó cắt chia thành những phần nhỏ hơn cho các dự án, nhiệm vụ mà họ đã ký quyết định phê duyệt đầu tư.
Cụm từ “cắt bánh, chia phần” tôi tin là toàn ngành kế hoạch đầu tư trên khắp cả nước đều biết đến. Chả có sách, công trình nghiên cứu khoa học nào làm căn cứ cho “động tác” cắt bánh, chia phần này. Những người làm trong ngành kế hoạch thường dùng từ “nghệ thuật” thay cho từ “động tác”. Những người ngoài ngành nghe nói Kế hoạch và Đầu tư thường liên tưởng đến việc chia phần sôi thịt. Sôi thịt ở đâu, chứ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, như tôi đã trình bầy ở trên là không thể có. Vì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ cắt bánh, chia phần theo đầu các Bộ, ngành mà thôi; hoàn toàn không liên quan đến cắt bánh chia phần đến từng các dự án, để hưởng bổng lộc gì đó từ các chủ dự án đầu tư. Theo qui định người ký quyết định phê duyệt các dự án đầu tư và bố trí kế hoạch cấp vốn cho các dự án chính là lãnh đạo các Bộ, ngành và lãnh đạo UBND các tỉnh. Cho đến nay, chưa có một người nào, một cán bộ nào của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bị bắt liên quan đến tham nhũng, nhận hối lộ.
Có một “qui luật” nữa trong phân bổ vốn đầu tư phát triển là nhu cầu vốn từ các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều luôn lớn hơn từ 1,5 đến 2 lần thực tế vốn đáp ứng. Ví dụ Bộ X gửi văn bản kế hoạch đầu tư cho năm 2008 có nhu cầu là 17.000 tỷ đồng. Năm 2007 được cấp 10.000 tỷ đồng. Do vậy, giỏi lắm Bộ X chỉ được, ví dụ 10.500 tỷ đồng cho năm 2008. Chả Bộ, ngành nào dại gì mà xin ít. Xin ít được ít là điều tất nhiên. Xin nhiều được nhiều vẫn là hơn. Khoa học nào làm căn cứ cho việc đề xuất xin – cho NSNN, cắt bánh chia phần ấy? Tôi tin là không có, không tồn tại khoa học ấy. Thời gian công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ trưởng Kế hoạch đầu tư của một Bộ có “khoe” với tôi về Luận án Tiến sĩ của anh về kế hoạch đầu tư cho ngành mà anh phụ trách. Anh đã đưa ra số liệu thống kê đầu tư 15 năm của ngành đó cho thấy khó khăn, thiếu vốn, vốn kế hoạch được Nhà nước đáp ứng chỉ khoảng 50 – 75% nhu cầu vốn đầu tư của ngành. Anh nói, do vậy ngành của anh rất khó phát triển, không thể đòi hỏi ngành phải cống hiến nhiều hơn. Tôi nghĩ không chỉ có ngành của anh ấy, các Bộ, ngành khác cũng thế, tương tự thôi. Con không khóc thì mẹ không cho bú. Khóc thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông rất hiệu quả; tình hình khẩn cấp nguy kịch; người dân đang bị chịu thiệt hại do dự án thiếu kinh phí đầu tư v.v... Đây là một nghệ thuật khóc rất có hiệu quả, được khuyếch đại, tăng âm rất to, vang xa.
Trên cả đất nước Việt Nam có đến nhiều triệu cán bộ, viên chức được trả lương để nghĩ ra đủ trách nhiệm và nhiệm vụ chăm lo cho dân, cho sự phát triển của đất nước. Họ đã đẻ ra hàng vạn các dự án đầu tư phát triển. Câu đầu tiên và cũng là câu kết của 100% các báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án phát triển là cần thiết phải đầu tư dự án và việc đầu tư là có hiệu quả (kể cả 12 đại dự án thua lỗ lớn của Bộ Công thương). Do vậy, nhu cầu vốn đầu tư có khi còn lớn hơn nhiều 1,5 đến 2 lần thực được đáp ứng. Chưa kể đến việc họ còn nghĩ ra cả ngàn những qui định, điều kiện để kiểm tra, kiểm soát, giám sát những hoạt động làm ăn, kinh doanh, kiếm sống tồn tại của nhân dân. Tất cả đều dưới một danh nghĩa rất cao thượng là vì sự phát triển của đất nước. Chiếc bánh thì bé mà rất nhiều người xin, nên những người cho, người cắt bánh chia phần rất thích. Từ đó thêu dệt nên những câu chuyện ly kỳ về chạy vốn đầu tư phát triển.
Một anh bạn, cán bộ của Viện Quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư kể cho tôi nghe câu chuyện, Viện của anh tổ chức hội thảo khoa học với các chuyên gia Thụy Điển. Tại hội thảo có một câu hỏi đề nghị phía Thụy Điển trả lời tại sao đất nước Thụy Điển lại trở nên giàu có, phồn vinh và thịnh vượng như vậy? Câu trả lời vô cùng ngắn ngọn, rất đơn giản và trong sáng “Chúng tôi đã dùng máy cắt để cắt giảm bộ máy hành chính công”. Ngạc nhiên chưa? Chính anh bạn này năm ngoái khi nói chuyện với tôi đã than phiền “Trước khi nghĩ đến cắt bánh, chia phần hãy nghĩ làm sao cho chiếc bánh nó to hơn đã”. Tuy nhiên, chẳng ai thích vất vả làm cho chiếc bánh to ra, hầu hết đều thích cắt bánh, chia phần. Không thể từ bỏ. Nhiều người coi là lợi ích, quyết đấu, quyết giữ.
Đã từ rất lâu rồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ cắt bánh, chia phần theo đầu các Bộ, ngành mà thôi. Tuy vậy, rất nhiều các buổi họp, hội nghị, hội thảo về các dự án đầu tư của các Bộ, ngành đều có giấy mời Bộ Kế hoạch và Đầu tư cử đại diện đến tham dự. Tham dự các cuộc họp này chỉ có cấp Vụ hoặc các chuyên viên mà thôi. Phong bao, phong bì tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo trên cả nước ai ai cũng biết. Văn hóa phong bì của Việt Nam trở thành tiêu biểu trên Thế giới. Phong bì đám cưới, phong bì đám ma, phong bì đến thăm người ốm, phong bì sinh nhật, phong bì mừng Tết v.v… Tuy nhiên, vì Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một siêu Bộ, đầu mối tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả một đất nước nên các cán bộ, chuyên viên của Bộ thường xuyên được giấy mời, chỉ sợ không đủ người và đủ sức để tham dự hết các cuộc họp. Vừa được nghe, được nói, được phong bì mang về, ai mà chẳng thích.
Đã từ lâu tôi nhìn thấy tầm quan trọng của vấn đề môi trường, sinh thái. Tôi là người đã chứng kiến, đã sống, nhìn thấy nên nhớ không thể nào quyên môi trường, sinh thái trong lành mà ông cha ta đã để lại cho chúng ta. Tôi đã so sánh nó với môi trường sinh thái thảm hại hiện nay, sau 30 năm phát triển theo kiểu bán máu mình đi để làm giầu. Tôi thấy Việt Nam hiện nay chỉ tiến so với Việt Nam trước đây về mặt vật chất. Tuy nhiên, phải đến 70% tổng giá trị những tài sản (biệt thự, nhà lầu, xe hơi, các tòa nhà gương kính chói lòa, vàng, bạc, usd, euros v.v..) mà chúng ta tích được, không phải do thông minh, trí tuệ, tài ba của chúng ta làm ra, là do chúng ta đã không thanh toán, không chi trả cho các dịch vụ của các hệ sinh thái (the services of ecosystems) trên lãnh thổ đất nước Việt Nam. Nói đơn giản là chúng ta đang ăn vào những điều kiện sống của chính cuối đời chúng ta và của thế hệ con cháu mai sau.
Cách đây khoảng 20 năm, làng ung thư đầu tiên được các đài, báo nói đến là các làng thuộc xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Tỉnh là biểu tượng nền đại công nghiệp thời kỳ kế hoạch hóa tập trung xây dựng XHCN với những điển hình như nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy Pin ắc quy Phú Thọ, nhà máy Giấy Bãi Bằng. Bộ trưởng TN&MT Mai Ai Trực nói “Tôi đến 10 nhà thì 7 nhà có người chết vì ung thư”. Đúng là từ Đất đến Trời đều độc. Ngày nay, đất nước ta thực sự là một đại công trường của các công nghệ cũ, lạc hậu. Đại công trường này phát triển đến đâu thì ung thư lan rộng ra đến đó. Từ làng ung thư, rồi đến xã ung thư, tiến tới huyện ung thư, lan rộng ra tỉnh và hiện nay cả nước đang gồng mình gánh chịu bệnh ung thư.
Trong học thuyết về Phát triển có 3 trụ cột là Sản xuất, Phân phối và Tiêu dùng. Đảng, Quốc hội và Chính phủ họp bàn chỉ về trụ cột Sản xuất nhưng lại là sản xuất phi sinh thái, không thân thiện môi trường. Các nhà khoa học kinh tế thuần túy, phi môi trường sinh thái đang thống trị đất nước. Họ chính là người đang quyết định vận mệnh, đường đi, phương hướng phát triển cho cả đất nước. Những giải pháp và công cụ trong lĩnh vực Phân phối và Tiêu dùng còn bỏ ngỏ, không được khai thác để đáp ứng những nhu cầu về vật chất của người dân. Chúng ta đã thực hiện bạo lực cách mạng để giải quyết lĩnh vực Phân phối. Ngày nay chúng ta từ bỏ giải pháp bạo lực là thông minh. Tuy nhiên không nên quay lưng lại với lĩnh vực Phân phối. Các nước Bắc Âu là điển hình của một mô hình đất nước thịnh vượng, hài hòa, bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội rất thấp, phúc lợi xã hội cao nhất hành tinh, do thực hiện phát triển đều cả 3 trụ cột nói trên theo đúng tinh thần của Phát triển bền vững: Sustainable production – Sustainable distribution – Sustainable consumption. Cả 3 khái niệm đều rất xa lạ với các cán bộ quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các chính trị gia Việt Nam. Cả 3 khái niệm đều rất trái ngược với lối sống tiêu dùng, thụ hưởng vật chất quá mức dư thừa đang thịnh hành ở Việt Nam. Do Việt Nam đang phát triển chỉ dựa trên 1 trụ cột sản xuất phi sinh thái nên đừng có hy vọng là Việt Nam sẽ xứng đáng, sánh vai với các cường quốc năm châu như nguyện vọng, mong muốn của Bác Hồ.
Vì sao? Vì theo tôi Việt Nam không có khoa học, chỉ có kiêu ngạo và công nghệ ngoại nhập. Nên hiện nay Việt Nam đang bán rẻ tài nguyên (chấp nhận FDI bẩn tức là bán rẻ môi trường sinh thái), gia công, lắp ráp, làm thuê ngay trên chính quê hương đất nước của mình. Vì năm 2018 Việt Nam xuất khẩu đạt 245 tỷ USD, ngang bằng GDP, trong đó các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI xuất khẩu đạt 176 tỷ USD, chiếm 72%. 28% còn lại dành cho người Việt Nam.
Năm 2008 tôi đã bất đồng với chính lãnh đạo cấp trên của mình về quan điểm phát triển. Tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phát triển bền vững (PTBV) được hiểu là một hợp phần của lĩnh vực Môi trường. Lĩnh vực Môi trường lại được hiểu là một hợp phần của lĩnh vực Xã hội. Quan điểm này được thể hiện đầy đủ tại toàn bộ văn bản Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cho giai đoạn 2005 – 2010 (tài liệu này in đến cả ngàn quyển, phân phát khắp nơi). Vì tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Vụ Tổng hợp là vụ khâu nối, tổng hợp tất cả kế hoạch 3 lĩnh vực Kinh tế - Xã hội – Môi trường luôn đứng ngoài cuộc chơi Phát triển bền vững, do Vụ khác chủ trì. Ngân sách Nhà nước chi cho sự nghiệp bảo vệ Môi trường hàng năm chỉ có 2% của tổng chi NSNN. Do bất đồng về quan điểm chuyên môn như vậy, trung thành với kiến thức, chuyên môn của mình, nên tôi đã viết đơn xin về hưu sớm (một năm rưỡi).
Thời gian đó tôi cũng ám ảnh bởi cái tên Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo nghĩa cắt bánh, chia phần sôi thịt. Buồn! Tôi nghĩ Bộ cần nâng tầm cao hơn nữa bằng đổi tên thành Bộ Thể chế phát triển, từ bỏ cắt bánh, chia phần, để Bộ Tài chính lo. Than ôi, việc này là rất nhậy cảm. Nhiều cán bộ trẻ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ căm ghét tôi. Do vậy tôi đã sợ, không dám nói ra. Chỉ có 2 năm vừa qua, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi các nhà khoa học trong và ngoài nước đóng góp ý kiến xây dựng đất nước, kể cả những ý kiến trái chiều, nên tôi đã có đủ can đảm nói ra những suy nghĩ khoa học của mình về đổi tên Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cách đây vài tháng thôi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới cử người đứng ra mở và quản trị Tài khoản Facebook của Bộ, muốn mở rộng giao tiếp, PR cho những hoạt động của Bộ thông qua mạng xã hội Facebook. Tôi đã đăng một số ý kiến của mình nhưng không được người quản trị phê duyệt. Tôi hiểu và thông cảm, vì họ muốn nói A mình lại nói B là không được. Chỉ có những ý kiến viết trong mục Bình luận là cho qua, được đăng. Ngày 01/01/2020 quản trị Tài khoản Facebook của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố logo chào mừng năm 2020, trong đó có 1 ý kiến bình luận “Đẳng cấp cao hơn phải là Bộ Thể chế phát triển, nên từ bỏ tư duy cắt bánh, chia phần” là của tôi, như ảnh dưới đây:
Rất vui cho tôi là ngày 09/01/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị trực tuyến triển khai các Nghị quyết số 01 và 02 năm 2020 của Chính phủ với chủ đề: “Khơi thông điểm nghẽn - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Hội nghị còn có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành và 900 đại biểu của 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến. Thủ tướng đã nói “Tôi đã nhiều lần phát biểu khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 là một thực tế, không phải là một tinh thần viển vông. Không ai khác hơn mà chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trực tiếp tham mưu, hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng đó thành hiện thực. Các địa phương, bộ, ngành hưởng ứng khát vọng Việt Nam hùng cường đưa vào cuộc sống. Trong bối cảnh những ngày gần đây, thế giới tiếp tục diễn biến bất ổn, khó lường, nhưng đây cũng là cơ hội bởi Việt Nam giữ được ổn định chính trị xã hội …. Bộ Kế hoạch Đầu tư đóng vai trò như nhà toán học, Bộ phải đi xung phong đi đầu trong việc giải các bài toán lớn có đầu bài khó về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành… Đề xuất thay đổi tên của Bộ cho phù hợp hơn với yêu cầu phát triển với tinh thần đổi mới, Thủ tướng gợi ý hai tên để thảo luận là Ủy ban Cải cách đổi mới hoặc Bộ Kinh tế chiến lược và Phát triển”.
Trân trọng cám ơn bạn đọc.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 19/01/2020