VÀO NĂM 2045 VIỆT NAM SẼ ĐUỔI KỊP THÁI LAN?
Vào những dịp hết năm cũ chuyển sang năm mới, chúng ta thường được nghe những bài xã luận hoành tráng, khẳng định “Chưa bao giờ đất nước ta lại hùng cường, thịnh vượng như ngày nay”. Tôi công nhận điều này là đúng. Điều kiện sống vật chất nói chung của nhân dân, ví dụ vào năm 2020 rõ ràng hơn rất nhiều so với năm 2010, và chắc chắn cũng hơn năm 2019.
Nhưng tôi cũng nhìn thấy một qui luật nói chung là hầu hết các đất nước khác cũng như vậy. Họ cũng giống ta, năm sau nói chung là đều phồn vinh và thịnh vượng hơn năm trước. Loài người từ thời sử dụng đá, gậy để săn bắt thú đến nay đã biết sử dụng robot, trí tuệ nhân tạo để sản xuất máy bay, tên lửa, bom hạt nhân, điện thoại thông minh v.v.. Do vậy, dứt khoát không thể có chuyện “4.000 năm ta lại là ta/ Từ trong hang đá chui ra/ Vươn vai một cái rồi ta chui vào”. Câu thơ truyền miệng này là hoàn toàn sai.
Gần đây tôi cũng ngạc nhiên khi thấy một số cây đa khoa học quản lý hô hào XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ KIẾN TẠO. Thế chả lẽ Chính phủ của một thể chế Đảng Cộng sản vì dân, do dân mà ra từ năm 1945 đến nay lại không phải là Chính phủ kiến tạo? thế là Chính phủ gì? hành dân, trị dân hay ăn hại dân?
Theo tôi, chức năng KIẾN TẠO luôn là chức năng BẨM SINH, MẶC ĐỊNH của bất cứ Chính phủ nào. Chính phủ thời phong kiến với các vua chúa cũng luôn mong cho đất nước phồn vinh và thịnh vượng. Chính phủ của 100% tất cả các nước hiện nay trên Thế giới đều là KIẾN TẠO. Tuy nhiên chỉ có trong quá trình thực hiện đôi khi không được như mong muốn. Có thể chủ quan, duy ý chí, chưa đưa ra được những kế sách đúng, bảo thủ, giáo điều, kiêu ngạo, không chịu học hỏi v.v.. Chính phủ có ít khuyết điểm, ít thiếu sót nhất theo tôi là Chính phủ ở các nước Tư bản Chủ nghĩa sinh thái.
Vì các nhà sử học Việt Nam luôn răn dạy: Dòng giống chúng ta là lạc hồng, là con rồng, cháu tiên. Ý chí người Việt là như Thánh Gióng, do vậy tôi nghĩ chúng ta không nên tự hào mãi với chuyện năm sau ta phát triển hơn, giàu có hơn năm trước. Lẽ đương nhiên là ta phải hơn ta rồi. Không nên nghĩ rằng chỉ có ta tiến, còn các dân tộc khác chậm tiến, hay họ hữu nghị dừng lại để chờ ta. Tôi nghĩ lãnh đạo của đất nước cần đặt mục tiêu vào năm 2045 (nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA), GDP bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người và chỉ số bảo vệ môi trường sinh thái của ta phải bằng hoặc vượt Thái Lan. Có như vậy mới đủ can đảm, bản lĩnh để đổi mới thể chế phát triển. Giống như trong đá bóng, khi chúng ta đã coi đó là một nghề, từ bỏ quyền lực can thiệp của Nhà nước, để cho cơ chế thị trường quyết định, ngành bóng đá đã dám thuê huấn luyện viên Pak Hang Seo nên đã đánh bại được Thái Lan.
Tuy nhiên tôi đã thất vọng khi đọc được trên mạng những dòng tin, xin được tóm tắt lại như sau (nguồn: VnExpress ngày 23/2/2021):
Xét về quy mô đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với lũy kế chưa tới 13 tỷ USD, người Thái Lan chưa năm nào đứng trong top 5 nhà đầu tư lớn nhất so với hơn 70 tỷ USD từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, hay 60 tỷ USD của Nhật Bản, 38 tỷ USD từ Singapore, 32 tỷ USD từ Đài Loan v.v.. Nhưng trong một vài lĩnh vực người Thái luôn biết cách để lại dấu ấn, chiếm thị phần chi phối.
1. Central Group, tập đoàn thuộc sở hữu của gia đình Chirathivat, gia tộc giàu thứ tư tại Thái Lan với khối tài sản 9,5 tỷ USD, đã đầu tư các thương hiệu SuperSports, Crocs, New Balance và mở chuỗi cửa hàng Robins; Sở hữu 49% cổ phần của chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim; chuỗi siêu thị Lan Chi (đơn vị bán lẻ tập trung vào thị trường chưa được khai thác là khu vực nông thôn miền Bắc Việt Nam).
2. TCC Group của tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã bỏ ra hơn 1 tỷ USD mua toàn bộ chuỗi siêu thị BigC Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp).
Đầu năm 2016 đầu tư 655 triệu USD mua toàn bộ hệ thống cửa hàng Metro Cash & Carry Việt Nam (nay đổi tên thành MM Mega Market). Năm 2012, mua lại 65% cổ phần để nắm chi phối tại Thái An - công ty mẹ của Phú Thái Group, mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B'mart.
Trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống: TCC Group đã chi 5 tỷ USD để mua lại 53,59% cổ phần Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Qua đó, người Thái chi phối hơn 1/3 thị trường bia Việt Nam. Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, đang là cổ đông ngoại lớn nhất tại Vinamilk, với tỷ lệ chỉ đứng sau cổ đông Nhà nước.
3. Trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo, SCG Group là cái tên đình đàm nhất. SCG Packaging (SCGP), đơn vị thành viên của SCG Group, mua 70% cổ phần của Công ty sản xuất nhựa Duy Tân, một trong những doanh nghiệp đứng đầu thị trường Việt Nam về các sản phẩm bao bì nhựa cứng, nâng danh sách các công ty trong mảng bao bì của SCG tại Việt Nam tăng lên 8, với tổng doanh thu của riêng mảng này đã vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Tập đoàn này hiện quản lý hơn 20 công ty con tại Việt Nam, tập trung vào ba mảng kinh doanh chính là xi măng - vật liệu xây dựng (SCG Cement – Building Materials), hóa dầu (SCG Chemicals) và bao bì (SCG Packaging).
Chỉ trong 5 năm gần đây, nhiều đơn vị đầu ngành khác của Việt Nam cũng về tay doanh nghiệp Thái Lan này thông qua loạt kịch bản mua bán&sát nhập.
4. Trong lĩnh vực chăn nuôi, C.P Group đã khẳng định vị thế đứng đầu ở Việt Nam nhiều năm gần đây. Từ năm 1993 họ đã xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai. Đến nay họ thống lĩnh trong cả ba lĩnh vực thức ăn chăn nuôi (Feed), trang trại (Farm) và chế biến thực phẩm (Food). Năm 2019, tổng doanh thu của tập đoàn này gần 65.500 tỷ đồng (tương đương gần 3 tỷ USD), tăng gần 5% so với năm 2018. Con số này gấp gần 10 lần so với doanh thu của những doanh nghiệp lớn của người Việt. Như vậy là lĩnh vực dinh dưỡng, thức ăn cho nuôi lợn, gà, nuôi cá, tôm do người Thái thống lĩnh; để lại những công việc vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, phun thuốc trừ sâu cho người Việt Nam.
Trong lĩnh vực điện mặt trời, C.P Group và Super Energy Corporation, một doanh nghiệp từ Thái Lan cũng đang thống lĩnh các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, An Giang và Bình Phước thông qua mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nếu cứ phát triển đất nước bằng khẩu hiệu + vốn đầu tư trong và ngoài nước + khai thác tài nguyên, môi trường sinh thái + sức lao động thì Việt Nam không thể thu hẹp được khoảng cách tụt hậu so với Thái Lan.
Nếu cứ loay hoay với mục tiêu ta so với ta, chẳng biết đến khi nào người Việt mới sang đất Thái Lan đầu tư và thuê người Thái làm thuê cho mình?
Mời bạn đọc thêm bài “MAKE IN VIETNAM KHÔNG QUAN TRỌNG BẰNG MAKE BY VIETNAMESE”
Trân trọng cám ơn
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 04/3/2021