TÔI ĐÃ TỰ NHẬN NĂNG LỰC YẾU KÉM ĐỂ ĐƯỢC VỀ HƯU SỚM
Trên mạng Zalo tôi vừa nhận được bài thơ vui sau:
Ít người khát khao về hưu sớm bằng tôi. Chuyện vui nhưng có thật của tôi như sau:
Sau gần 10 năm học tập tại nước Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc, tôi tốt nghiệp Phó tiến sĩ, chuyển tiếp sinh trường Univerzita Karlova ở thủ đô Praha, về nước tháng 4/1977. Sau đó tôi được điều động về công tác tại Viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng. Đó thực sự là một vườn trẻ Trung ương, nơi thu hút đông đảo con các cán bộ lão thành cách mạng, ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo của các Bộ, ngành. Họ đa số là tươi mới, được đào tạo từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN Đông Âu trở về. Đó là thời kỳ huy hoàng của Viện Kỹ thuật Quân sự sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Viện khi ấy yêu cầu gì được đó, bề thế về cơ sở vật chất, nhân lực, trong Nam ngoài Bắc, hơn hẳn Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Sau 6 tháng ăn lương thực tập, tôi được trao quân hàm Trung úy. Sau 3 năm đeo quân hàm Thiếu tá, tháng 12/1989 tôi chuyển công tác sang Viện Hóa học, Viện Khoa học Việt Nam. Tháng 01/1998 tôi chuyển công tác về Vụ Khoa học-Giáo dục-Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là chuyên viên chính. Đó là Vụ có chức năng theo dõi kế hoạch phát triển 3 quốc sách quan trọng của đất nước được hiến định tại Hiến pháp. Tôi được giao giúp việc cho hai anh Vụ phó là Đỗ Văn Giáp và Lê Minh Đức theo dõi kế hoạch phát triển của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vụ có khoảng hơn 20 người. Vụ trưởng khi đó là TS. Phan Thu Hương, con dâu của ông Võ Thuần Nho, em ruột của anh hùng quân đội, Trung tướng Phan Thu, việt kiều yêu nước Thái Lan về nước.
Ngày 01/10/2002 tôi “bị bắt” lên làm thư ký cho Thứ trưởng Phan Quang Trung, phụ trách mảng KH&CN + GD + TNMT + Lao động + Văn hóa, Xã hội. Anh Trung được sang Đông Đức học từ phổ thông, lên đại học, lên tiến sĩ. Anh về nước làm Vụ trưởng Vụ KH-GD-TN-MT, sau đó sang lại Đức bảo vệ luận án TS.KH. Mọi công văn, tài liệu về các cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình hay kế hoạch của các Bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ và các tỉnh v,v.. liên quan đến những lĩnh vực trên đều qua tay tôi trước khi vào Thứ trưởng. Do có năng lực đọc, lại cầu thị, muốn tìm hiểu nên tôi đã đọc khá nhiều, biết được khá nhiều. Phải khẳng định là các lãnh đạo Bộ đi họp liên miên và tiếp thu thông tin bằng nghe tại các buổi họp là chính, hầu như không có thời gian để đọc.
Khi Thứ trưởng về hưu đã gia lộc cho tôi, là ngày 17/8/2006 bổ nhiệm tôi làm Phó Chánh văn phòng (Hàm Phó Vụ trưởng) của Văn phòng Phát triển bền vững. Lúc đó tôi sang tuổi 57. Vì khi đó Văn phòng PTBV không có Phó nào. Biên chế khoảng 7 người, ngoài 2 lãnh đạo còn lại là 5 cháu trẻ măng mới tuyển vào. Sếp trực tiếp của tôi là Vụ trưởng mới của Vụ KH-GD-TNMT, kiêm Chánh văn phòng PTBV, là một người học ở Đông Đức về, gốc từ Vụ Phó Vụ Kinh tế đối ngoại, ít hơn tôi khoảng 6 tuổi.
Về Văn phòng PTBV sau nghiên cứu các tài liệu tôi mới phát hiện ra một thảm họa về chuyên môn. Đó là tại Văn phòng PTBV khi đó có lưu các quyển KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2010 – 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm căn cứ pháp lý để các Bộ, ngành và địa phương cả nước triển khai xây dựng và thực hiện các kế hoạch hàng năm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư in rất nhiều văn kiện này để phân phát, công khai tại các hội nghị, hội thảo về kế hoạch. Trong đó sự nghiệp PTBV mà thế giới coi là sự nghiệp bao trùm, tổng hòa của cả 3 TRỤ CỘT là Kinh tế - Xã hội – Môi trường và là sự nghiệp của cả 100 năm, cho cả Thập kỷ 21 (UN’ Agenda 21, Chương trình Nghị sự 21 của LHQ) thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại coi là một hợp phần con của mảng Môi trường. Và kế hoạch phát triển Môi trường lại là một hợp phần nhỏ của Xã hội. Đó thực sự là một hổ thẹn về kiến thức.
Khi đó tôi đã phân tích và kiến nghị với Vụ trưởng Vụ KH-GD-TN-MT kiêm Chánh văn phòng PTBV là đất nước cần phải đổi tên kế hoạch thành “Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội và Môi trường” và Văn phòng PTBV phải đặt tại Vụ Tổng hợp chứ không phải Vụ KH-GD-TN-MT. Vì Vụ Tổng hợp tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư là siêu Vụ, có chức năng tổng hợp, khâu nối tất cả chiến lược, cơ chế, chính sách và kế hoạch của tất cả các vụ khác trong Bộ, bao gồm cả Vụ Quốc phòng – An ninh.
Sếp của tôi đã đơn giản và không cần phải giải thích, phủ quyết luôn đề xuất của tôi. Tôi nói nếu vậy tôi sẽ viết kiến nghị trực tiếp lên các lãnh đạo Bộ (Bộ trưởng và Thứ trưởng). Sếp nói luôn “Anh nhớ là tôi là Vụ trưởng kiêm Chánh Văn phòng là cấp trên của anh. Tôi khẳng định là lãnh đạo Bộ sẽ nghe tôi chứ không nghe anh”. Sau đó tôi không ngần ngại, thực hiện ngay điều mình nói, gửi kiến nghị đến tất cả các lãnh đạo Bộ. Sau khoảng vài tuần tôi thấy các lãnh đạo vẫn im lặng, không một ai phản hồi.
Sau đó tôi viết đơn gửi sếp của mình và Vụ trưởng Vụ TCCB xin được nghỉ hưu sớm. Vụ trưởng Vụ TCCB Nguyễn Văn Tuấn khi đó khuyên can tôi là anh còn 2 năm nữa thôi, cố lên. Anh nghỉ bây giờ khó xét lắm vì Nghị định của Chính phủ qui định điều kiện được phép nghỉ hưu sớm khi 1) Công việc đó, chức danh đó cơ quan, đơn vị không cần; có nghĩa là Văn phòng PTBV xóa bỏ, không cần vị trí Phó Văn phòng nữa. Điều này là không được. 2) Anh có 2 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ do ốm yếu, hay bị kỷ luật. Điều này lại không đúng vì anh đều có các bằng khen, giấy khen, không hề nghỉ việc vì ốm đau.
Sau đó tôi về viết đơn mới, với lý do “có 2 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ do ốm yếu và năng lực chuyên môn”. Vụ trưởng TCCB lại gặp tôi nói đơn này của anh phải đưa ra họp và có xác nhận của Chi ủy và tập thể lãnh đạo Vụ KH-GD-TN-MT. Tuần sau, sếp của tôi tổ chức cuộc họp Chi ủy với 3 Vụ phó khác và tôi. Ba Vụ phó này cùng với anh Thuận và em Thái của nhóm Giáo dục lại là bạn cùng mâm ăn trưa với tôi tại căng tin nhà ăn trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư suốt 10 năm liền. Một sự gắn kết kỳ lạ là chúng tôi không phải mỗi người một khay ăn con ngồi chung một bàn mà là gọi các món ăn chung cho cả bàn. Cơm ngon, canh ngọt, vệ sinh an toàn hơn và rẻ hơn cơm bụi ngoài phố. Khi đó giá bình quân khoảng 5.000 đồng cho 1 suất ăn. Ai “đi chợ” chọn đồ ăn người đó thanh toán cho tất cả. Sau đó về phòng chỉ cần điền tổng số tiền đã chi và đánh dấu x vào người đã ăn tại một bảng Excel in sẵn để công khai trong phòng. Cuối tháng, tôi là người nhập những số liệu nói trên vào phần mềm Excel, mất khoảng mười phút. Sau đó thực hiện lệnh in. Chỉ vài giây là có kết quả. Máy tính in ra bảng tổng kết, có 5 cột là: Tên, số tiền đóng ban đầu, số bữa ăn, tổng số tiền đã ăn, thừa – thiếu (thể hiện bằng dấu + và -) và một khung có rất nhiều ô nhỏ phục vụ cho việc đánh dấu bữa ăn cho tháng tới. Đó là nhóm ăn trưa duy nhất tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư tồn tại liên tục 10 năm. Một năm có 12 tờ in theo biểu Excel, 10 năm có tất cả 120 tờ ăn như vậy. Khi tôi về hưu đồng nghĩa với kết thúc nhóm ăn này.
Tại cuộc họp của Chi ủy với các lãnh đạo Vụ KH-GD-TN-MT tôi đã đọc đơn trình bầy nguyện vọng xin được nghỉ hưu sớm với lý do có 2 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ, mong được các lãnh đạo cho phép về hưu sớm.
Một tháng sau, Vụ trưởng TCCB đã làm một việc không có tiền lệ là cho phép tôi cầm tay công văn có danh sách các trường hợp về hưu sớm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp mang lên Bộ Nội vụ. Công văn do Bộ trưởng ký trong đó chốt một câu rất quan trọng “Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Nội vụ thẩm định và quyết định”. Tôi cầm công văn này đến phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi có Vụ giải quyết vấn đề nghỉ hưu và trình bầy. Nguyện vọng của tôi đã được đáp ứng vào tháng 4/2009.
Phục vụ sếp của mình mà đức và tài như vậy thì nghỉ hưu sớm là hạnh phúc. Sếp của tôi là đệ tử tennis và là cánh tay trái của Bộ trưởng. Đương nhiên sau đó anh được thăng chức lên Thứ trưởng.
Trân trọng cám ơn bạn đọc.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 09/01/2024