TIN VUI ĐẾN TỪ HỘI KH&KT THỦY LỢI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Kính gửi những người yêu Môi trường và Khoa học,
Sáng ngày 7/6/2019 tôi nhận được thư của GS.TS Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội KH&KT Thủy lợi Tp. HCM gửi đích danh tên tôi, mời tham dự hội thảo khoa học “Đánh giá thành tựu và thách thức về công tác thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo khoa học này do Hội phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức. Tại giấy mời có ghi rõ “Thành phần mời tham dự Hội thảo gồm các nhà khoa học, quản lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long…”. Toàn văn thư mời ở bên dưới.
Tôi trân trọng và đánh giá cao thư mời của Chủ tịch Hội KH&KT Thủy lợi Tp. HCM, vì ông đã coi tôi (người ngoại đạo) là một nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy lợi, mặc dù ông đã đọc những bài viết của tôi trong lĩnh vực thủy lợi Tp. HCM nói riêng và ĐBSCL nói chung đã làm đắng lòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và một số nhà khoa học thủy lợi:
QUY HOẠCH THỦY LỢI CHỐNG NGẬP ÚNG KHU VỰC Tp. HCM LÀ PHẢN KHOA HỌC, RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
XIN CÁC NHÀ KHOA HỌC THỦY LỢI ĐỪNG “ĐẢO CHÍNH” LỊCH SỬ!
Tôi đơn giản chỉ liệt kê những thực tế, sự thật, chân lý và những qui luật của khoa học tự nhiên ĐỐI KHÁNG phũ phàng với những bản qui hoạch, chủ trương, chính sách mà Bộ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, do vậy là RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC. Bộ là Tư lệnh ngành Thủy lợi, nhưng không thể đặt lợi ích ngành lên trên lợi ích của cả dân tộc, cả đất nước.
Tôi đánh giá cao GS.TS Lê Mạnh Hùng đã cầu thị và trân trọng khoa học. Tôi ngán ngẩm với Bộ KH&CN và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam vì tôi đã có 3 lần gửi thư đến họ đòi trả lại chân lý khoa học cho kết luận về nguyên nhân cá chết trong sự cố môi trường biển lịch sử của Việt Nam (qui mô, tầm cỡ Thế giới nữa) nhưng họ vẫn phớt lờ. Bộ KH&CN đến nay đã có truyền thống lịch sử 61 năm và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng hơn 40 năm thành lập và hoạt động. Hiến pháp của đất nước cũng luôn qui định KH&CN là quốc sách hàng đầu của đất nước. Mạng lưới các trường, viện nghiên cứu KH&CN đã phát triển rộng khắp, từ tất cả các Bộ, ngành Trung ương đến địa phương. Sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu và tôn chỉ của Bộ KH&CN và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đều rất trong sáng và thanh cao. Chi cho nghiên cứu KH&CN từ lâu đã đạt 2% tổng chi NSNN. Cách đây hơn chục năm, hàng loạt các Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và rất nhiều các chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước, cho các lĩnh vực khác nhau đã được đầu tư. Đến nay, đất nước chúng ta đã có khoảng 25.000 tiến sĩ và với kinh phí chi cho KH&CN trên 25.000 tỷ đồng/năm. Đấy là những kết quả của đầu tư cho KH&CN, tuy nhiên hiệu quả thì không thấy. Cho đến nay, người Việt Nam, dân tộc Việt Nam vẫn chỉ gia công, lắp ráp, vận hành máy móc, thiết bị ngoại và làm thuê.
Đất nước VIỆT NAM KHÔNG CÓ KHOA HỌC, CHỈ CÓ CÔNG NGHỆ NGOẠI NHẬP. Các nhà khoa học của Việt Nam không thể tự tay sản xuất ra các chi tiết, thiết bị của một dây chuyền công nghệ để sản xuất ra, ví dụ: Con ốc vít đạt chuẩn quốc tế, con đi-ốt hay transistor, điện trở, hay một tụ điện đạt chuẩn quốc tế, vỏ nhựa của một điện thoại di động. Những smart phones do Viettel hay FPT hay BKAV “thiết kế” và “sản xuất” thực chất vẫn là cân nhắc lựa chọn các chi tiết, linh kiện ngoại nhập vào, sau đó lắp ráp, ghép nối và đóng gói sản phẩm. Việt Nam hiện đang là một cường quốc xuất khẩu hàng may mặc, nhưng 100% những chiếc máy khâu là nhập ngoại. Việt Nam là cường quốc về xuất khẩu gạo, nhưng để làm ra 1kg gạo có đến 80 - 85% chi phí là nhập ngoại (giống, phân hóa học, thuốc BVTV, xăng dầu), chưa tính đến chi phí cho công tác bảo vệ môi trường, sức khỏe do phân hóa học và thuốc trừ sâu gây ra. Nếu được mùa, rớt giá thì lỗ luôn cả công sức.
Đình đám nhất là ô tô Vinfast của VinGroup, cho dù chiếc xe có đến quá 50% chi tiết, bộ phận là Made in Vietnam, nhưng tất cả dây chuyền, công nghệ để sản xuất ra những chi tiết ấy là nhập ngoại, chưa kể đến nguyên vật liệu ngoại phải nhập (sắt thép, chất dẻo, sơn, hóa chất các loại…). Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang là rất lớn, Việt Nam đang là một công trường sản xuất lớn của Thế giới, do vậy những sản phẩm Made in Vietnam sẽ là rất nhiều. Made in Vietnam thực sự không quan trọng bằng Made by Vietnamese, do các nhà khoa học Việt Nam sản xuất được ra những máy cái để sản xuất ra máy con; sản xuất chế tạo được tất cả các chi tiết, bộ phận của những dây chuyền công nghệ để sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa.
Bắc Triều Tiên bé nhỏ, diện tích chưa bằng 1/3 của Việt Nam, dân số khoảng 25 triệu người, trong sự cấm vận triền miên của Thế giới, thế mà các nhà khoa học Triều Tiên tự chế tạo, sản xuất được rất nhiều thứ, trong đó có xe tăng, đại bác, tên lửa và bom hạt nhân. Việt Nam hy vọng sẽ thoát khỏi kiếp phận lắp ráp, vận hành, gia công và làm thuê nếu chấp nhận cuộc cách mạng trong quản lý KH&CN, loại bỏ tư duy bảo thủ và trì trệ quá lâu tại Bộ này. Một nền KH&CN không hiệu quả ngang bằng phá hoại đất nước.
Xin trân trọng cám ơn bạn đọc.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 9/6/2019