ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG >THƯ GỬI TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Ngày đăng: 15-07-2018 - 11:49:44

Hà Nội, ngày 6/7/2018

Kính gửi:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Bộ trưởng Bộ Công thương

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ  Khoa học và Công nghệ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  

Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc hội

Văn phòng Trung ương Đảng

Văn phòng Chủ tịch nước

(về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 là rất có hại cho đất nước)

Tôi tên là Nguyễn Đức Thắng, cán bộ Nhà nước về hưu năm 2008, có quá trình công tác, khởi đầu tại Viện Kỹ thuật quân sự, tiếp đến là Viện Khoa học Việt Nam và cuối cùng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Năm 2016 Bộ Công thương đã tham mưu không chuẩn cho Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030” và đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016, còn được gọi là Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Theo Qui hoạch sản lượng nhiệt điện than vào năm 2030 chiếm tỷ trọng 53,2%, điện khí tự nhiên 16,8%, thủy điện 15,5%, điện sinh khối 2,1%, điện gió 2,1%, điện mặt trời 3,3%. Từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư khoảng 3.206.652 tỷ đồng (tương đương 148 tỷ USD).

Căn cứ thực tế triển khai nhiệt điện than rất mạnh mẽ từ năm 2015 - 2018, có thể dự đoán vào năm 2030, tỷ trọng nhiệt điện than sẽ chiếm 60%.

Sau khi nghiên cứu toàn diện rất nhiều vấn đề liên quan, tôi thấy để thực hiện Quy hoạch này chúng ta phải thắt lưng buộc bụng, bỏ ra 148 tỷ USD để “mua” được những tác hại vô cùng to lớn sau đây:

  1. Hủy hoại sức khỏe nhân dân và môi trường sinh thái.
  2. Làm gia tăng phát thải khí nhà kính, đẩy mạnh biến đổi khí hậu.
  3. Gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đất nước.
  4. Gây tụt hậu lớn cho ngành điện Việt Nam so với Thế giới.
  5. Kìm hãm sự phát triển của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối.
  6. Vi phạm nghiêm trọng Luật đấu thầu.
  7. Không nói thật với nhân dân.

1. Hủy hoại sức khỏe nhân dân và môi trường sinh thái:

Bộ Công thương đã xem nhẹ chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị, xác định “Bảo vệ môi trường là một vấn đề sống còn của đất nước” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Chỉ thị số 29-CT/TW Ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Bộ Công thương cũng xem nhẹ ý kiến chỉ đạo nhiều lần của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”.

Bộ Công thương đã xem nhẹ những cảnh báo và khuyến cáo của các tổ chức quốc tế: Ngày 29/9/2015 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) cùng với nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard đã  tổ chức hội thảo quốc tế "Than - Nhiệt điện than: Những điều chưa biết". Chuyên gia Lauri Myllyvirta cho biết “Trong tổng số người Việt chết yểu do ô nhiễm không khí của năm 2011, có đến 4.300 người được xác định liên quan đến khí thải từ các dự án nhiệt điện than. Dự báo khí thải than ở Việt Nam sẽ tăng gấp ba lần vào 2030. Khi đó có khoảng 25.000 người chết mỗi năm”. Như vậy tổng số sẽ chết từ năm 2021 đến năm 2030 khoảng 170.500 người.

Theo Qui hoạch vào năm 2030 khoảng 64 nhà máy nhiệt điện than phân bố đều cho 3 miền Bắc, Trung, Nam; hàng năm sẽ đốt 45 triệu tấn than sản xuất trong nước và 85 triệu tấn than nhập khẩu.

Than được khai thác từ vỏ Trái đất, bình quân 1 triệu tấn than có chứa 104kg thủy ngân, 7.509 kg Arsen, 1.111 kg Beryllium, 714kg Cadmium, 8.390kg Crom, 8.894kg Nickel, 2.464kg Selenium v.v.. Than này được nghiền mịn như cám và phun vào buồng đốt nồi hơi. Bình quân khi đốt 1 triệu tấn than sẽ thải vào môi trường 1,9 – 2,1 triệu tấn khí hiệu ứng nhà kính (CO2, và CH4) làm gia tăng biến đổi khí hậu, 317.000 tấn tro bay (fly ash) + 159.000 tấn tro đáy (bottom ash), tổng cộng là 476.000 tấn tro than (coal ash).

Các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 10 µm (PM10) có thể đi vào tận phế nang, gây viêm mũi, viêm phế quản, hen suyễn, viêm phổi. Hạt nhỏ hơn 2,5 µm (PM2,5) có chứa cả các kim loại nặng bay hơi, có thể đi vào tận màng phổi và đọng lại trong lá phổi gây viêm phổi, sơ hóa phổi, nếu nồng độ cao và kéo dài có thể dẫn đến ung thư phổi. Các khí NOx và SOx là những khí độc hại, có thể xâm nhập vào cơ thể người qua da và các cơ quan hô hấp hoặc cơ quan tiêu hóa. Ở trong khí quyển chúng phản ứng với hơi nước, tạo thành các axit trong các đám mây, gây mưa axit hủy hoại các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, hủy hoại hoa mầu và các công trình kiến trúc, tượng đài ngoài trời.

Nước mưa, nước tưới chống bụi cho các bãi đổ tro và xỉ than sẽ thẩm thấu vào tất tật mọi thứ có nguồn gốc từ than, sẽ hòa tan rất nhiều các độc tố hóa học khác nhau trong xỉ than, gạch lát đường làm bằng tro, xỉ than vào nước chảy, thấm, rò rỉ và lan tỏa khắp nơi, đi vào cống rãnh, cuối cùng đổ ra sông, ngòi, hồ ao hủy diệt các hệ sinh thái. Tất tật các độc tố hóa học nói trên trong môi trường không khí, trong đất và  nước sẽ đi vào cơ thể con người thông qua đường da, hít thở và ăn uống. Qua con đường ăn uống thông qua mạng lưới và chuỗi  thức ăn (food chain and food web), các độc tố này được tích tụ và khuyếch đại sinh học lên hàng triệu và chục triệu lần (biological accumulation and magnification). Đây là một qui luật của tự nhiên.

Vào năm 2030 các nhà máy nhiệt điện sẽ sử dụng khoảng 46 tỷ m3 nước (ngọt hoặc nước biển tùy vị trí nhà máy) để làm mát cho hệ thống ngưng, tương đương với 1/10 tổng lượng nước ngọt quí hiếm hàng năm sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long. Nước này sau đó đạt gần 40oC và xả thẳng vào môi trường thủy sinh (hạ lưu, cuối nguồn so với điểm hút) sẽ “hâm nóng” mọi động - thực vật, tạo nên vùng chết đối với thực vật và tôm cá.  Việc hút nước vào hệ thống làm mát, mặc dù đã có lưới chắn, các màng lọc, nhà máy điện than Bayshore tại bang Ohio (Mỹ) giết 60 triệu cá lớn mỗi năm; nhà máy Huntley ở New York làm kẹt 96 triệu cá mỗi năm trong hệ thống làm mát.

 

2. Làm gia tăng phát thải khí nhà kính, đẩy mạnh biến đổi khí hậu.

Ngày 12/12/2015 tại Paris, 195 nước trên Thế giới đã tham gia Thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam. Các nước cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính (chủ yếu là CO2), đồng nghĩa với cắt giảm các nhà máy nhiệt điện than, cắt giảm thảm họa môi trường, sinh thái và sức khỏe do điện than gây ra.

Theo cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm 2015, từ tất cả các hoạt động của con người, tổng phát thải CO2 toàn cầu là 32,3 tỷ tấn. Trong đó riêng các nhà máy nhiệt điện than phát thải 9,88 tỷ tấn CO2, chiếm 31% của tổng phát thải toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện cắt giảm phát thải CO2. Từ những số liệu thống kê (các năm 2012 – 2014) của Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (công văn số 605/KTTV-BĐKH-GSPT ngày 19/5/2016) có thể tính toán tỷ số phát thải CO2 bình quân đối với điện than là 2,03 triệu tấn CO2/triệu tấn than thiêu đốt. Theo Qui hoạch, các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam vào năm 2020 sẽ tiêu thụ 63 triệu tấn than, phát thải 128 triệu tấn CO2, năm 2025 tiêu thụ 95 triệu tấn than, phát thải 193 triệu tấn CO2, năm 2030 tiêu thụ 129 triệu tấn than, phát thải 262 triệu tấn CO2 góp phần lớn nhất (trong cả nước) gia tăng biến đổi khí hậu.

3. Gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đất nước

Các nước Châu Âu chế tạo và sản xuất ra công nghệ nguồn về nhiệt điện than, hệ thống nồi hơi siêu cải tiến, siêu tới hạn, các thiết bị lọc bụi tĩnh điện, xử lý, hấp thụ các khí SOx, NOx siêu hiện đại, có nhiều bằng phát minh, sáng chế, họ không phải mua, nhập khẩu 100% công nghệ và thiết bị như Việt Nam; đến nay, thấy công nghệ sản xuất điện siêu sạch từ các nguồn điện gió, điện mặt trời vô tận đã rẻ đến mức thừa cạnh tranh được với nhiệt điện than nên họ đã nhất loạt tuyên bố cắt giảm và sẽ từ bỏ nhiệt điện than.

Các nước châu Âu đã đảm bảo an ninh năng lượng, không phải bằng tăng cung,  mà bằng đánh thuế môi trường để giảm cầu tiêu thụ nhiên liệu trung bình xuống 2,6% và giảm lượng phát thải CO2 từ 2 - 6%/năm trong khi đã là làm gia tăng 0,5% GDP. Quan điểm xuyên suốt của họ là “Phát triển nền kinh tế xanh chính là chìa khóa để giải quyết các thách thức toàn cầu”.

Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2016 ô nhiễm môi trường đã làm Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD, gần bằng 5% GDP.

Các tổ chức quốc tế đưa ra ước tính rằng mỗi kWh nhiệt điện than làm tốn chi phí y tế đến 0,17 đô la Mỹ (Kinh tế Sài Gòn, thứ 6, ngày 17/2/2017). Theo Qui hoạch, sản lượng điện than vào các năm 2020, 2025 và 2030 lần lượt 131 tỷ kWh, 220 tỷ kWh, 304 tỷ kWh sẽ tạo ra tổng chi phí y tế lần lượt là 22,3 tỷ USD, 37,4 tỷ USD và 51,7 tỷ USD. Như vậy, một nguồn lực rất lớn của đất nước không được huy động cho phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.

          Tại cuộc tọa đàm “Tác động của nhiệt điện than đến môi trường biển và cuộc sống của người dân” do tổ chức phi chính phủ ChangeVN (Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển) phối hợp với Chính phủ Canada và Phong trào toàn cầu về biến đổi khí hậu 350.org tổ chức sáng 17/2/2017 tại Tp. HCM, Tổng lãnh sự Canada tại Tp. HCM Richard Bale đã nhận xét “Thành tựu tăng trưởng và công cuộc giảm đói nghèo trong hai thập kỷ qua ở Việt Nam đã bị ảnh hưởng phần nào bởi việc sử dụng quá nhiều nguồn năng lượng không tái tạo”.

          Trong quá trình phát triển của xã hội sinh thái, tồn tại hai qui luật là “Giá cả phải phản ánh sự thật kinh tế” và “Giá cả phải phản ánh sự thật sinh thái”. Giá điện của Việt Nam luôn phủ định cả hai qui luật này. Rất nhiều năm chúng ta đã giữ giá bán than cho nhiệt điện than dưới giá thành sản xuất than. Việt Nam cũng là nước rất hiếm hoi trên Thế giới không để giá điện than phản ánh sự thật sinh thái. Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) cũng như phí phát thải khí CO2 đối với nhiệt điện than gần như bằng 0.

Thuế suất BVMT giữa than và xăng dầu nhiều năm qua luôn là một nghịch lý khoa học của ngành thuế Việt Nam, đối lập với bản chất khoa học của chất gây ô nhiễm, không tôn trọng những giá trị sinh thái, trái ngược với phương châm phổ quát của  toàn Thế giới “chất gây ô nhiễm nhiều hơn phải chịu thuế BVMT cao hơn”. Đốt 1 kg than gây ô nhiễm môi trường nặng nề hơn đốt 1 kg xăng (có thể coi là sạch, vì đạt chuẩn EURO 4). Tuy nhiên, thuế BVMT đánh vào xăng hiện đang là 3.000đồng/L (tương đương 4.054đ/kg) cao gấp 405 lần so với than chỉ có 10đồng/kg (10.000 đồng/tấn). Cần có cuộc cách mạng về thuế BVMT đối với than và xăng dầu, cần giảm mạnh thuế xăng dầu về 1.000đồng/l, nâng thuế suất BVMT đối với than là 2.500đồng/kg, giai đoạn 2018 – 2020, mỗi năm NSNN tăng thu 125.000 tỷ đồng.

Quan điểm GIỮ MẶT BẰNG GIÁ THẤP vì an sinh và ổn định xã hội, để kích thích tiêu dùng, khuyến khích sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài… không một nước văn minh, phát triển nào áp dụng, vì nó đối chọi với qui luật giá cả phải phản ánh sự thật kinh tế với qui luật giá cả phải phản ánh sự thật sinh thái. Các nước văn minh, phát triển đã đặt toàn bộ nền kinh tế trên một MẶT BẰNG GIÁ SINH THÁI. Những chi phí cho BVMT là hợp phần bắt buộc của mọi sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Mặt bằng giá sinh thái là độc lập, không có mối quan hệ với lạm phát. Mặt bằng giá và lạm phát là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

          Vì giá điện ở Việt Nam thuộc loại rẻ nhất thế giới, cho dù có tính theo lũy tiến sử dụng và vào giờ cao điểm thì giá cao. Những ngành công nghiệp nặng tiêu thụ nhiều điện năng như sắt thép, xi măng, hóa chất… đang nở rộ ở Việt Nam. Vì điện giá rẻ nên hầu hết người sử dụng chẳng có ý thức sử dụng tiết kiệm. Nên Việt Nam cũng là nước có bình quân điện năng sử dụng lãng phí, không hiệu quả, thất thoát cao nhất Thế giới (25% – 35%). Vào năm 2030, tỷ lệ lãng phí, thất thoát nếu giảm xuống 17% chúng ta vẫn vô cảm đập phá đi 9 nhà máy thủy điện Sơn La, hoặc 11 nhà máy nhiệt điện than hiện đại Vĩnh Tân 4.

Trong giai đoạn 10 năm (2020 – 2030) chúng ta sẽ vô tư đập phá tổng cộng khoảng 65 nhà máy thủy điện Sơn La, hoặc 80 nhà máy điện than Vĩnh Tân 4!!!.  Trong khi EVN, PVN và TKV vẫn say sưa đi vay vốn ưu đãi được Chính phủ bảo lãnh, nợ ngập đầu, tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới để tiêu thụ than “không được hoan nghênh” trên Thế giới. Tính đến tháng 6/2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nợ 475.000 tỷ đồng, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) nợ 100.000 tỷ đồng, PVN mất trắng chục nghìn tỷ đồng ở Venezuela.

Tại Quy hoạch đã xác định “từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư khoảng 3.206.652 tỷ đồng (tương đương 148 tỷ USD)”.  Một lượng lớn nguồn lực của đất nước tập trung cho nhiệt điện than, đương nhiên các lĩnh vực quan trọng khác cần đầu tư phải gác lại, sẽ chậm phát triển.

 

4. Gây tụt hậu lớn cho ngành điện Việt Nam so với Thế giới.

4.1 Bức tranh toàn cảnh ngành điện Việt Nam trong tương lai:

Là trái ngược toàn diện, trái ngược 180 độ với xu thế phát triển của Thế giới. Trước và sau thỏa thuận lịch sử Paris 2015, Thế giới cắt giảm mạnh mẽ nhiệt điện than và thúc đẩy mạnh mẽ điện NLTT. Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ nhiệt điện than và hạn chế mạnh mẽ điện NLTT. Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 đã đưa nhiệt điện than lên vai trò quân vương, trụ cột, sẽ chiếm đến gần 60% vào năm 2030, đưa điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch lên gần 70%. Tổng điện gió và điện mặt trời khoảng 5,4%. Hệ thống điện Việt Nam sẽ là tập trung cao độ, độc quyền cao độ, phụ thuộc vào gần 100 các nhà máy đốt nhiên liệu hóa thạch, với vài ba tập đoàn Nhà nước cung cấp điện (EVN, PVN, TKV), gần như độc quyền sản xuất điện và độc quyền 1 người mua buôn điện và 1 người bán lẻ điện là EVN; điện do PVN, TKV sản xuất bán cho EVN. Đây là mô hình và cơ cấu điện của Thế giới vào những năm 60 - 70, thời kỳ mà khoa học và công nghệ về  điện gió và điện mặt trời còn chưa có.

Xu hướng NGHỊCH suốt 17 năm (từ năm 2013 đến năm 2030) và còn lâu hơn nữa của nhiệt điện than Việt Nam so với toàn Thế giới: Sản lượng điện than của Việt Nam TĂNG bình quân năm 15,1%, trái ngược bình quân Thế giới GIẢM (-1,5%/năm).

Ngày nay, xu thế phát triển điện lực của Thế giới đã hoàn toàn khác xa, rất xa với quá khứ cách đây 50 năm. Tại sao Bộ Công thương lại chọn cơ cấu điện lỗi thời, lạc hậu đó thành mục tiêu phấn đấu của ngành điện Việt Nam trong tương lai? Và rất lâu dài sau đó, vì tuổi thọ trung bình của một nhà máy nhiệt điện than là 40 năm. Việt Nam là nước duy nhất trên Thế giới chọn nhiệt điện than là động lực phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai.

4.2 Bức tranh toàn cảnh ngành điện Thế giới:

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), bình quân tỷ trọng nhiệt điện than của toàn Thế giới đạt đỉnh cao nhất vào năm 2013 là 41,3%, đã giảm xuống 38% vào năm 2017. Sau thỏa thuận Paris 2015 sẽ nhanh chóng giảm xuống 24,4% vào năm 2030, và giảm tiếp xuống 11% vào năm 2050. Động lực phát triển kinh tế của toàn Thế giới là năng lượng sạch, năng lượng  tái tạo (NLTT), sẽ tạo công ăn việc làm cho triệu triệu người trên Thế giới.

Theo tài liệu Global Shift (Chuyển dịch toàn cầu) của Greenpeace.org tháng 10/2017:

1) Các quốc gia hầu như không có điện than: Albania, Belarus, El Salvador, Ghana, Latvia.

2) Các quốc gia đã chấm dứt hoặc cam kết chấm dứt hoàn toàn điện than: Belgium (2016), Scotland (2016), Austria (2025), Canada (2030), Finland (2030), France (2023), Netherlands (2030), New Zealand (2022), Portugal (2030), Sweden (2030), United Kingdom (2025).

3) Các bang của Mỹ đã chấm dứt hoặc cam kết chấm dứt hoàn toàn nhiệt điện than: California (2014), Ontario (2014), Massachusetts (2017), New York state (2020), Oregon (2020), Connecticut (2021), Hawaii (2022), Washington state (2025), New Mexico (2030).

4) Các thành phố đã hoặc cam kết chấm dứt hoàn toàn nhiệt điện than: Bắc Kinh (2017), Delhi city (2018), Berlin (2030).

Những lý do chủ yếu để điện NLTT trở thành trụ cột, xương sống điện lực Thế giới:

  • Người dân khát khao, mong muốn có điện xanh, điện sạch; được sự ủng hộ của các cấp chính quyền.
  • Khoa học và công nghệ về các thiết bị, linh kiện điện gió và điện mặt trời, lưu trữ điện năng phát triển như vũ bão, gần giống như KH&CN máy tính và thông tin.
  • Qui mô kinh tế sản xuất các linh kiện, thiết bị, vật tư phục vụ cho điện gió và điện mặt trời ngày càng gia tăng, làm cho giá thành sản phẩm ngày một giảm.
  • Giá của các tuabin gió, các tấm panel PV mặt trời, thiết bị lưu trữ  điện năng (pin/ắc qui), các máy biến tần, đồng hồ đo điện thông minh… luôn bị “rớt giá thảm hại”. Ví dụ, giá 1 modul PV tinh thể silicon điện mặt trời của năm 1976 là 79 USD/W, vào năm 2017 còn 0,37 USD/W. Giá tuabin điện gió từ năm 2010 đến năm 2017 đã giảm 32%. Giá pin/ắc qui Lithium-ion năm 2010 là 1.000 USD/kWh, năm 2017 rớt xuống còn 209 USD/kWh (giảm 79%), đến 2030 sẽ chỉ là 70 USD/kWh (Theo Bloomberg New Energy Outlook 2018).
  • Đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch về điện gió và điện mặt trời đã buộc các nhà phát triển, các nhà cung cấp thiết bị, cung cấp tài chính phải giảm các chi phí khác của dự án điện gió và điện mặt trời.
  • Sức gió và ánh sáng mặt trời (nguyên, nhiên liệu đầu vào) không mất tiền mua, không bao giờ cạn kiệt.
  • Các thể chế tài chính và ngân hàng quay lưng với nhiệt điện than và ủng hộ mạnh mẽ điện NLTT.

Tất cả những yếu tố trên thuần túy là những yếu tố của cơ chế thị trường, của quan hệ cung cầu, góp phần làm cho điện xanh, điện sạch bùng nổ và phát triển. Vai trò quản lý Nhà nước về điện cao nhất, hiệu quả nhất chính là thúc đẩy sự phát triển của cơ chế thị trường, chống độc quyền ngăn cản cạnh tranh, thúc đẩy công khai và minh bạch

Chi phí bình quân qui dẫn, LCOE (được hiểu là giá hòa vốn cho cả đời nhà máy) ở qui mô bình quân toàn cầu, nửa đầu năm 2018, điện gió trên bờ là 5,5 cent US/kWh, giảm 18%  so với 6 tháng đầu năm ngoái. Điện mặt trời 7,0 cent US/kWh, cũng giảm 18% tương tự điện gió. Điện gió ngoài khơi là 11,8 cent US/kWh, giảm 5%.

Ấn Độ: Nửa đầu năm 2018, LCOE đối với điện gió trên bờ là 3,9 cent US/kWh, giảm 46% so với năm ngoái. Điện mặt trời là 4,1 cents US/kWh, giảm 45%. So với điện than hiện đang là 6,8 cents US/kWh, điện khí ga chu trình kết hợp là 9,3 cents US/kWh. (Theo Bloomberg New Energy Outlook 2018)

Ngày 20/7/2017 cơ quan Điện và Nước của thành phố Dubai thông báo là dự án Điện mặt trời Al Maktoum giai đoạn 3 sẽ hoàn tất vào năm 2020, LCOE  sẽ là 2,99 cents Mỹ/kWh (khoảng 690 đồng VNĐ), siêu sạch và siêu rẻ của Dubai. Tỷ trọng điện mặt trời 25% vào năm 2030 và 75% vào năm 2050.

Tất cả đều rẻ hơn nhiệt điện than siêu bẩn của Việt Nam, với ưu đãi thuế BVMT gần bằng 0, thuế phát thải CO2 không có.

Đến năm 2050 (Theo Bloomberg New Energy Outlook 2018): Ở qui mô trung bình toàn Thế giới, tổng điện gió và điện mặt trời sẽ chiếm 48%, thủy điện 16%, đưa điện NLTT lên 64%, nhiệt điện than chỉ có 11%. Toàn Châu Âu, điện NLTT chiếm đến 87%. Nước Đức tổng điện mặt trời và điện gió chiếm 74%, tổng điện NLTT chiếm 84%. Nước Anh điện NLTT lên 83%. Nước Mỹ, điện than và điện hạt nhân sẽ biến mất, mặc dù trữ lượng “vàng đen”, sản xuất và xuất khẩu “vàng đen” ở nước Mỹ là lớn nhất Thế giới. Điện NLTT sẽ chiếm 55%, 45% còn lại là điện khí ga. Nước Úc, điện gió và điện mặt trời đóng vai trò trụ cột, chủ lực; nhiệt điện than sẽ biến mất khỏi Úc, mặc dù Úc là vương quốc của nhiều mỏ than và xuất khẩu than (chỉ sau Mỹ, Nga và Trung Quốc). Trung Quốc: tổng điện gió và mặt trời sẽ chiếm 46% đưa tổng điện NLTT lên 62%. Tổng công suất điện mặt trời của Trung Quốc đạt 1,1 triệu MW bằng 21% tổng công suất điện mặt trời toàn cầu; điện gió đạt 1,0 triệu MW bằng 33% tổng điện gió toàn cầu. Ấn Độ sẽ có điện mặt trời và điện gió rẻ nhất Thế giới và tổng điện NLTT sẽ là 75%. Nhật Bản, điện mặt trời là 43%, điện NLTT sẽ chiếm 75%. Hàn Quốc, điện khí ga và NLTT sẽ chiếm 71% còn lại là điện hạt nhân và điện than.

Đến năm 2050, tổng đầu tư toàn cầu vào pin/ắc qui lưu trữ điện sẽ là 548 tỷ USD. Trong đó  223 tỷ USD đến từ Châu Á và Thái Bình Dương; 168 tỷ USD đến từ Châu Âu.

Năm 2017 toàn cầu đã tạo ra 131 triệu kWh điện pin/ắc qui, trong đó Trung Quốc chiếm 59%, dự đoán trong năm 2021 toàn cầu sẽ sản xuất 400 triệu kWh, trong đó 221 triệu kWh là của Trung Quốc, đưa tỷ lệ điện pin/ắc qui do Trung Quốc sản xuất lên 73%  toàn cầu.

Vì điện gió và điện mặt trời và pin/ắc qui, máy biến tần, đồng hồ đo điện thông minh trở nên vô cùng rẻ, nên hệ thống điện tại tất cả các nước trên Thế giới sẽ là rất phân tán, phi tập trung cao độ, điện sản xuất ở khắp nơi, điện không phải di chuyển nhiều từ Đông sang Tây, hay từ Bắc xuống Nam hàng ngàn km, giảm tổn thất lãng phí trên đường dây. Sẽ có rất nhiều các trang trại điện gió và trang trại điện mặt trời rải rác khắp nơi đấu  nối vào với lưới điện chung, ở mọi quốc gia. Nóc của nhiều triệu tòa nhà, văn phòng, cơ quan, viện, trường, khách sạn, công ty, nhà máy đều là những nguồn cung điện mặt trời. Nhiều triệu hộ gia đình ở nhiều nước trên Thế giới sẽ thi nhau tự sản xuất điện NLTT, tích trữ vào pin/ắc qui để dùng vào những lúc không nắng, không gió, hay thừa thì bán vào lưới điện. 100% vùng xâu, vùng xa, hải đảo sẽ có điện.

Quan điểm phải đấu nối với lưới điện quốc gia sẽ trở lên lỗi thời. Nhiều trăm triệu hộ gia đình trên Thế giới sẽ tự sản xuất điện NLTT, hình thành lên những lưới điện thông minh qui mô mini, siêu mini (mini/micro smart grids) cho một xóm, tổ, thôn, bản, làng... Nhiều triệu người sẽ đứng ra liên doanh, liên kết kinh doanh vận hành những lưới điện mini này. Giám sát, theo dõi tiêu dùng điện, thanh toán tiền điện, tất cả sẽ qua điện thoại di động thông minh (Pay As You Go – PAYG, vừa đi vừa thanh toán).

Thậm chí gia đình nghèo ở đô thị có điện lưới, không lắp đặt các tấm panel PV điện mặt trời, họ vẫn có thể mua các pin/ắc qui để tích trữ điện lưới vào lúc giá rẻ (thời điểm các nguồn cung nhiều, dư thừa điện) và đem ra sử dụng vào giờ cao điểm (lúc giá điện lưới cao), cũng tiết kiệm được tiền đáng kể. Giá bán điện ở các nước được qui định cho từng giờ trong ngày, công khai, minh bạch để người tiêu dùng biết lựa chọn tối ưu kinh tế cho mình, điều khiển điện trong gia đình thông qua điện thoại thông minh.

Hệ thống lưới điện quốc gia thông minh (national smart grid) sẽ là tập hợp của rất nhiều các lưới điện nhỏ thông minh (small smart grids). Tính linh hoạt của hệ thống điện này (flexibility) sẽ là cao nhất, hệ thống điện sẽ vận hành tốt nhất, hiệu quả nhất.

Vai trò điều tiết điện truyền thống của nhiệt điện than sẽ biến mất. Thay vào đó là điện khí ga cùng với triệu triệu các pin/ắc qui và người tiêu dùng sẽ đảm đương. Vào giờ cao điểm, khan hiếm điện giá cao,  người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng điện lưu trữ trong pin/ắc qui. Khi điện cung trên lưới dư thừa, điện gió và điện mặt trời hoạt động mạnh, giá điện sẽ rẻ, người tiêu dùng sẽ nạp điện vào pin/ắc qui để tích trữ.

Các viện, trường nghiên cứu, các hãng sản xuất xe nổi tiếng trên Thế giới đang chạy đua cho ra đời những loại pin/ắc qui tích được nhiều điện năng nhất trên 1kg trọng lượng, thời gian nạp nhanh nhất và tuổi thọ bền lâu nhất với giá rẻ nhất để tích trữ tối đa điện mặt trời và điện gió. Chính vì điện gió và điện mặt trời và các pin/ắc qui quá rẻ như vậy, nên ô tô và xe điện sẽ bùng nổ trong tương lai. Hãng thông tấn Reuters đã trích dẫn báo Nhật Chunichi Shimbun vào năm 2022 Toyota sẽ xuất xưởng hàng loạt xe điện chạy đường dài từ 800km – 1000km cho một lần nạp điện chỉ có vài phút. Pin/ắc qui là Lithium – ion nhưng ở thể rắn (solid state), an toàn hơn thể lỏng (liquid state) truyền thống. Loại pin/ắc qui thể rắn này Toyota sẽ bán ra vào năm 2020. Tương tự là hãng General Motors nhưng chậm hơn 2 năm. Ô tô và xe điện không phát thải bất cứ loại khí nào, không tiếng ồn. Ở qui mô toàn cầu, năm 2017, ô tô xe điện (bao gồm xe tải nhẹ và xe buýt) bán ra khoảng 1,1 triệu chiếc, chiếm 1,8% của tổng các phương tiện vận tải. Vào năm 2030 sẽ tăng lên gấp 27 lần, đạt 30 triệu xe, ô tô điện. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 55% vào năm 2040. Phát sinh nhu cầu điện năng mới là 2.000 tỷ kWh vào năm 2040, sẽ là 3.414 tỷ kWh vào năm 2050. Các ô tô, xe điện khi đó sẽ tiêu thụ 9% tổng nhu cầu điện năng toàn cầu. Nước Đức, xe ô tô điện sẽ tiêu thụ 24% tổng nhu cầu điện năng vào năm 2050. Các chủ xe sẽ chọn nạp điện vào giờ mà giá điện rẻ nhất. Như vậy sẽ ngày càng có nhiều xe điện nạp điện khi điện gió và điện mặt trời hoạt động (Theo Bloomberg New Energy Outlook 2018).

Trong các loại điện NLTT còn điện rác và sinh khối nữa, nguồn cung nguyên liệu dạng “cứ hết lại có”. Việt Nam chúng ta thực sự đang bế tắc về vấn đề thu  gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang rất đau đầu với các bãi chôn lấp rác thải. Tại sao Tp. HCM lại chi gần 20 USD cho một tấn rác thải chôn lấp, bốc mùi theo chiều gió và làm khổ những người dân sống gần, thay vì cũng chi 20 USD nhưng một tấn rác thải đó chở đến nhà máy điện rác. Tại sao chúng ta cứ phải còng lưng đào rất nhiều than và nhập khẩu rất nhiều than để sản xuất điện than gây ô nhiễm môi trường nặng nề, mà không dùng ngay chính rác thải và sinh khối nữa (biomass, ví dụ rơm, rạ, bã mía, vỏ bào, trấu, mùn cưa, cỏ voi…). Theo công ty  TNHH Nhịp cầu Việt Đức (Hà Nội) thì công nghệ điện rác của INTEC (CHLB Đức, máy móc, thiết bị sản xuất tại Đức, vốn vay lãi suất 2,5%/năm do ngân hàng Đức cấp, thời gian thi công, lắp đặt 2 năm) là công nghệ tự động phân loại rác thải để tái sử dụng thủy tinh, sắt thép, kim loại; còn lại là túi nilong, đồ nhựa, bìa, giấy, vải và các chất hữu cơ đem khí hóa (gasification) tạo ra các synthetic gases CO, CO2, H2O, CH4… chạy phát điện, rất sạch, rất có hiệu quả.

          Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (The International Renewable Energy Agency - IRENA) là tổ chức liên Chính phủ, ra đời ngày 26/01/2009, đến nay đã có tất cả 180 nước thành viên như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore đều là thành viên chính thức. Việt Nam đã “lựa chọn” đơn độc, đứng ngoài tổ chức này.

Vào thời gian khi toàn Thế giới tận hưởng điện xanh, điện sạch, tạo ra rất nhiều triệu công ăn, việc làm mới, kinh tế phát triển rực rỡ, thì gần 100 triệu nhân dân Việt Nam ngụp lặn, chết dần, chết mòn trong khói bụi độc hại của đậm đặc nhiệt điện than. Khi này sẽ vô cùng đau đớn và lãng phí nếu quyết định đập phá hết các nhà máy nhiệt điện than còn non trẻ, để chuyển sang làm điện gió và điện mặt trời, điện rác và sinh khối, vì tuổi đời của chúng phải đến năm 2060 – 2070. Ngành điện của Việt Nam và cả đất nước lâm vào cảnh khóc dở mếu dở. Như vậy, chính bản Qui hoạch điện lực VII điều chỉnh được phê duyệt tại Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016 đã đẩy ngành điện lực Việt Nam trở về thời kỳ “đồ đá” so với Thế giới.

5. Kìm hãm sự phát triển của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối:

Bộ Công thương luôn là một thành viên quan trọng của đoàn Việt Nam tham dự tất cả các hội nghị COP về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên sau khi đạt thỏa thuận Paris 2015 tại COP 21, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng, ban hành Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg qui định đến năm 2030 điện sinh khối chỉ có 2,1%, điện gió 2,1% và điện mặt trời là 3,3%. Đây là quyết định “cầm tù” các loại điện  siêu sạch, và tăng tốc  ngoạn mục nhiệt điện than lên 53,2%, thực tế ngoài hiện trường còn cao hơn nữa. Cụ thể, tại Quyết định 428, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) được phê duyệt vào năm 2023 tổng công suất 4.960 MW. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã thực hiện vượt mức, năm 2018 tổng công suất lắp đặt là 7.024 MW (vượt 42%) và vượt tiến độ thời gian là 5 năm. Đây là điều rất lạ trong ngành kế hoạch và đầu tư, thể hiện ưu tiên khó hiểu cho nhiệt điện than.

Tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 về “Chiến lược phát triển năng lượng  tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” có  mục tiêu tăng sản lượng điện NLTT vào năm 2030 lên khoảng 186 tỷ kWh. Tuy nhiên, tại Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, mục tiêu này bị cắt giảm xuống 139 tỷ kWh (giảm 25%), chiếm tỷ trọng chỉ có 23% (đã bao gồm thủy điện).

Bộ cũng đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số: 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/ 2011: Qui định mức giá mua điện gió là 1.614 đồng/kWh (tương đương 7,8 centUS/kWh). Đây là mức giá mua điện gió rẻ nhất trên Thế giới. Mức giá “bóp chết” loại hình năng lượng siêu sạch này. Trong khi cùng thời điểm giá mua điện gió của Philippine từ 12 – 20 centUS/kWh. Thái Lan và Indonesia là 18 centUS/kWh. Thời gian đó các địa phương có tiềm năng điện gió cao đã tiếp nhận 47 hồ sơ dự án điện gió của tư nhân. Họ cùng với các chuyên gia tư vấn quốc tế đeo bám Bộ Công thương thuyết phục nâng giá mua điện gió lên chút ít, nhưng không được. Vì điện than của Việt Nam đang sẵn có và giá chỉ từ 6 – 7 centUS/kWh, “rất rẻ”. Tất cả các nhà đầu tư tư nhân đành phải từ bỏ nhiệt huyết với điện gió.

Bộ Công Thương là tác giả của Luật cạnh tranh, nhưng chính Bộ lại vi phạm Luật cạnh tranh. Vì Bộ đã trình Thủ tướng ký hai quyết định hành chính để loại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung ứng điện siêu sạch, ra khỏi thị trường điện. Sản phẩm điện gió và điện mặt trời không nằm trong danh mục sản phẩm, hàng hóa Nhà nước độc quyền quản lý giá.

6. Vi phạm nghiêm trọng Luật đấu thầu

Ngoài ra Bộ Công thương còn vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 tại Điều 1, điểm 3 về Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư. Bản chất của Luật Đấu thầu là dự án đã có quyết định đầu tư, phê duyệt hồ sơ mời thầu, chào thầu để chọn nhà đầu tư hay chọn nhà thầu thực hiện gói thầu của dự án. Luật đấu thầu có qui định những trường hợp được chỉ định thầu nhà đầu tư hay nhà thầu. Tuy nhiên, trong Luật đấu thầu tuyệt nhiên không có những qui định chỉ định thầu nhà đầu tư cho những dự án sẽ thực hiện trong tương lai, chỉ mới có chủ trương đầu tư.

Thủ tướng phê duyệt Qui hoạch là phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình/dự án và tiến độ sẽ hoàn thành. Thủ tướng không thể chỉ định nhà đầu tư sẽ thực hiện dự án trong tương lai. Tuy nhiên, tại Quyết định số 428/QĐ-TTg có Phụ lục gồm danh mục rất nhiều các dự án nguồn điện sẽ đầu tư, nhiều trong số đó đã được Bộ chỉ định thầu chủ đầu tư trong tương lai. Những công ty, doanh nghiệp này coi như yên tâm, không ai có thể cạnh tranh được với họ, vì đã được Thủ tướng chỉ định. Ví dụ: Các dự án vận hành trong giai đoạn 2026 – 2030: Dự án TĐ  tích năng Đông Phù Yên No. 2, công suất 300MW chủ đầu tư là công ty Xuân Thiện. Dự án TBKHH Sơn Mỹ I, công suất 750MW, chủ đầu tư là GDF SUEZ/Sojitz-Pacific (BOT). Dự án Nhiệt điện Hải Phòng III No. 2, công suất 600MW, chủ đầu tư là Vinacomin…và rất nhiều nữa.

7. Không nói thật với nhân dân.

Trước công luận phản đối mạnh mẽ điện than, các quan chức Bộ Công thương tại các hội nghị, hội thảo xoa dịu rằng “Chúng tôi đã tiếp thu ý kiến nhân dân, đã điều chỉnh Quy hoạch điện VII (Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011), cắt giảm khoảng 15.000 – 20.000 MW công suất nhiệt điện than và cắt giảm 40 triệu tấn than vào năm 2030, thành Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg). Các đại biểu tham dự hội nghị, hội thảo hoan nghênh và yên tâm trước sự tiếp thu, cầu thị của quan chức Bộ Công thương.

Tuy nhiên, gốc rễ của việc điều chỉnh, cắt giảm này lại ở chỗ khác, không phải xuất phát từ muốn có điện xanh, điện sạch, từ tiếp thu ý kiến của công luận. Tại sao? Vì bản Qui hoạch điện VII ra đời năm 2011, các mục tiêu cho năm 2015, 2020 và 2030 đã bị “bốc thuốc” quá cao, phóng đại nhu cầu về điện. Sản lượng điện cho năm 2015 được “bốc thuốc” là 202 tỷ kWh. Trong khi vào năm 2015, theo Tổng cục Thống kê là 158 tỷ kWh. Mục tiêu cao quá thực tế 128%.

Nhu cầu tiêu dùng điện đã được phóng đại cho cả các năm 2020 và 2030 là không thể chấp nhận được đối với bản Qui hoạch Điện lực quốc gia, làm căn cứ cho bản kế hoạch đầu tư (cấp vốn, ngân sách) phát triển điện hàng năm. Năm 2016, Bộ Công thương buộc phải cắt giảm “trí tưởng tượng” của mình đi 25% - 27% cho các năm 2020 và 2030. Vì điện sinh khối, điện gió và điện mặt trời mỗi thứ chỉ từ 2,1% đến 3,3%, còn lại thủy điện và điện khí ga mỗi thứ chỉ bằng nửa so với điện than không thể cắt giảm được  nữa. Vậy duy nhất chỉ có cắt giảm điện than mà thôi. Không còn cách nào khác. Kết quả là vào năm 2016, Bộ Công thương đã cho ra đời Qui hoạch điện VII điều chỉnh. Tuy nhiên, về đối ngoại Bộ đã nói rằng chúng tôi đã tiếp thu ý kiến phản biện của các tổ chức dân sự xã hội, BVMT nên đã cắt giảm 15.000 – 20.000 MW công suất điện than và 40 triệu tấn than, tích cực góp phần cho tăng trưởng xanh, phát triển sạch của đất nước. 

Dưới đây là những con số biết nói, chứng minh tất cả:

          

          Để thực hiện Qui hoạch điện VII điều chỉnh, từ năm 2016 đến năm 2030 Việt Nam sẽ đầu tư khoảng 3.206.652 tỷ đồng (tương đương 148 tỷ USD) để “mua” được 7 lĩnh vực thiệt hại như đã phân tích, chứng minh ở trên.

          Tôi thấy mình phải có trách nhiệm gửi thư này (đính kèm là những báo cáo chi tiết) tới Tổng Bí thư, Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan cân nhắc, xem xét và có nguyện vọng mong nhận được ý kiến trả lời vì ngày 14/4/2018 tôi đã gửi nhưng không một hồi âm.

Xin chân thành cám ơn.

Kính thư,

 

Nguyễn Đức Thắng,

 

Điện thoại 01652344233, email: ndthangndt@yahoo.com 

====================== 

 

Bổ sung ngày 2/9/2018: Sáng ngày 14/8/2018 tôi được mời đến phòng họp 508 của Cục Điện lực và NLTT, theo thư mời là “để trao đổi, tranh luận trực tiếp về các thông tin, số liệu, bằng chứng khoa học và các kiểm chứng thực tế” mà tôi đã nêu trong bài viết. Cục Điện lực và NLTT đã mời các đại diện có thẩm quyền, các chuyên gia, nhà quản lý của Cục Điện lực và NLTT và các đơn vị liên quan, tất cả 8 người. Kết quả là ngày 25/8/2018 Bộ trưởng Bộ Công thương đã có thư ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của tôi để xây dựng bản Quy hoạch Điện lực mới. Đó là Quy hoạch Điện lực 8. Mời bạn đọc chi tiết tại đây: Thư của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

 

Phần 3: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 2:VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 1: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC