Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2018
Kính gửi:
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bộ trưởng Bộ Tài chính Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
|
(Sẽ là có tội, nếu Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn cố tình bắt nhân dân cả nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội mãi phải nghe sai, nói sai và hiểu sai về nguyên nhân cá chết)
Tôi là Nguyễn Đức Thắng, cán bộ đã về hưu năm 2008. Tôi được Nhà nước cử đi học tập và chuyển tiếp nghiên cứu tại nước CHXHCN Tiệp Khắc từ năm 1967 – 1977, có quá trình công tác gồm hơn 10 năm tại Viện Kỹ thuật quân sự Bộ Quốc phòng, khoảng 10 năm tại Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và 10 năm cuối tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, viết thư này trình bầy việc sau:
Sáng ngày 6/4/2016 bỗng nhiên xuất hiện cá chết trắng ngoài biển, nổi mênh mông và trôi dạt vào bờ. Bắt đầu từ biển Vũng Áng (Hà Tĩnh), nơi có ống xả ngầm nước thải lớn được cấp phép của công ty Formosa Hà Tĩnh, 2 ngày sau lan rộng vào Thừa Thiên - Huế, tổng chiều dài khoảng 200km. Về qui mô đó là sự cố môi trường biển tầm cỡ Thế giới. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam xác định nguyên nhân cá chết. Bộ TN&MT, Bộ Công An, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng phối hợp.
Sau gần 3 tháng, ngày 30/6/2016 Văn phòng Chính phủ đã họp báo công bố kết luận chính thức về nguyên nhân cá chết là do CÁC ĐỘC TỐ PHENOL VÀ XIANUA KẾT DÍNH TRONG MỘT LỚP MÀNG NHẦY NHƯ TẤM CHĂN DI ĐỘNG, HÚT NHẢ ĐỘC TỐ GÂY RA.
Thủ phạm chính xác là Formosa Hà Tĩnh. Nhưng KẾT LUẬN VỀ NGUYÊN NHÂN CÁ CHẾT LÀ RẤT SAI, RẤT PHẢN KHOA HỌC VÀ CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC. Vì nó đối kháng với nhiều thực tế hiện trường, với một số qui luật môi trường tự nhiên, với khái niệm trụ cột của môn độc tố học (toxicology), với thông lệ thế giới giải thích nguyên nhân cá chết hàng loạt sau một đêm.
Theo báo điện tử Hà Tĩnh, nhà máy luyện than cốc của Formosa Hà Tĩnh đã đi vào sản xuất từ tháng 11/2015. Như vậy, tính đến ngày 5/4/2016 nhà máy ĐÃ ĐỔ hàng ngày khoảng 1000m3/ngày nước thải có chứa gần tấn các hợp chất phenol, xianua, ammonia và những độc tố khác nữa vào biển, liên tục 4 tháng liền thế mà không một con cá nào chết!. Các cháu học sinh tiểu học sẽ phải thốt lên “Tại sao cá không chết ngay trong tháng 11/2015 mà phải chờ đến ngày 6/4/2016 mới đồng loạt chết?”
Chỉ cần một thực tế này thôi cũng đủ làm sụp đổ hoàn toàn kết luận đã công bố về nguyên nhân cá chết.
Ngày 01/8/2016 và ngày 04/10/2018 tôi đã gửi thư kèm bài viết “CẦN TRẢ LẠI CHÂN LÝ KHOA HỌC CHO KẾT LUẬN VỀ NGUYÊN NHÂN CÁ CHẾT” tới Bộ trưởng Bộ KH&CN và các Bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên cho đến nay đã hơn 2 năm, tôi hoàn toàn không nhận được một hồi âm. Bộ KH&CN vẫn im lặng, làm ngơ, không họp báo công bố thay đổi kết luận sai về nguyên nhân cá chết.
Thực ra cá đã chết vì do nhà thầu phụ trong xử lý nước thải và sự cố mất điện, vào ngày 5/4/2016 đã đổ vào biển 2.500m3 nước thải của công đoạn xúc rửa, tẩy gỉ một loạt các hệ thống đường ống kim loại. Công ty Formosa Hà Tĩnh khai báo đã sử dụng 245 tấn hóa chất cho công việc này, trong đó chủ yếu là axit clohydric (HCl) và xút (NaOH). Trong nước thải này có chứa khoảng 5 tấn cation sắt hai Fe2+ “tham ăn” oxy, làm cạn kiệt hết oxy hòa tan vốn luôn khan hiếm trong nước tầng đáy, tạo thành vùng chết kéo dài hơn 150km đối với tôm cá. Cá đã chết vì thiếu oxy. Một cái chết an lành và nhân đạo.
Việc kết luận cá chết vì các độc tố phenol và xianua đã làm xã hội căng thẳng, biểu tình đã diễn ra ở một số nơi; sản xuất và kinh doanh của ngư dân vùng biển miền Trung bị đình đốn; các đại biểu Quốc hội đã gây sức ép lên Chính phủ và Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Những người xấu cho đến nay vẫn còn cơ hội, lợi dụng kết luận này để kích động dân chúng gắn với tình hình căng thẳng ở Biển Đông với Trung Quốc.
Kính thưa các quí lãnh đạo,
Con người từ khi sinh ra cho đến lúc mất đi là cả một quá trình không ngừng nghỉ tiếp nhận những thông tin, hình ảnh, âm thanh, sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan bên ngoài thông qua 5 giác quan của mình từ đó hình thành lên những hiểu biết, kiến thức của bản thân. Nhận thức là cả một quá trình từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ thô đến tinh, từ rời rạc đến toàn diện và tổng hợp. Ở mức độ nào đó, quá trình nhận thức là quá trình học tập, vì vậy học tập cũng là quá trình của cả đời. Sự nghiệp học tập cũng nên là sự nghiệp suốt đời.
Nhận thức là cả một quá trình không ngừng nghỉ, con người đã gặp nhiều sai lầm, vấp ngã, đứng lên, thông qua đó loài người được hoàn thiện, phát triển rực rỡ như ngày nay. Nhiều những sai lầm, thất bại trong nghiên cứu KH&CN đã giúp cho con người những bài học, kinh nghiệm quí, những phát hiện mới, tìm ra những qui luật mới làm nền tảng cho những giải thưởng KH&CN cao quí. Không có giải thưởng Nobel khoa học nào mà con đường dẫn đến nó được trải đầy hoa, đằng sau nó không có những sai lầm và thất bại.
Không tồn tại một người bố/mẹ nào mà không quan tâm đến việc học tập để hiểu biết và phát triển của con cái. Không một ông/bà nào lại không vui mừng, hạnh phúc khi con cháu khoe với ông/bà về những thành tích trong học tập. Học từ mẫu giáo, lên lớp 1 rồi đến lớp 12, sau đó có cháu đi học nghề, có cháu học lên đại học. Tốt nghiệp, ra trường các cháu còn học ở trường đời nữa, nhiều vấp ngã với đứng lên hoàn thiện bản thân. Ngày nay, không tồn tại một Chính phủ nào lại không quan tâm và đầu tư cho phát triển giáo dục, khai trí cho dân.
Bác Hồ đã rất quan tâm đến việc học tập của các cháu và sự nghiệp trồng người, được thể hiện qua câu nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, lời căn dặn của Bác “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu” và 5 điều Bác dạy các cháu thiếu niên, nhi đồng:
“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào / Học tập tốt, lao động tốt / Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt / Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
Bác cũng đã quan tâm đến sự nghiệp phát triển KH&CN thể hiện ở việc ban hành Sắc lệnh số 016-SL ngày 4/3/1959 thành lập Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Đến nay Bộ KH&CN đã có truyền thống lịch sử gần 60 năm phát triển. Hiến pháp của đất nước cũng luôn qui định Giáo dục và đào tạo với KH&CN là những quốc sách hàng đầu của đất nước.
Mạng lưới các trường, viện nghiên cứu KH&CN đã phát triển rộng khắp, từ tất cả các Bộ, ngành Trung ương đến địa phương. Sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu và tôn chỉ của Bộ KH&CN và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam được nêu tại các websites đều rất trong sáng và thanh cao. Chi cho nghiên cứu KH&CN từ lâu đã đạt 2% tổng chi NSNN. Cách đây hơn chục năm, hàng loạt các Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và rất nhiều các chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước, cho các lĩnh vực khác nhau đã được đầu tư. Đến nay, đất nước chúng ta đã có khoảng 25.000 tiến sĩ và với kinh phí chi cho KH&CN trên 25.000 tỷ đồng/năm.
Hiện nay trên mạng đang tràn ngập những thông tin về ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như dưới đây:
"Hôm nay tôi nói công khai, cũng có lúc bên công an, quân đội tâm tư, xin xử lý nội bộ hoặc nói thế nào để không làm mất uy tín hai cơ quan này". Tổng bí thư thẳng thắn nêu và cho rằng việc che giấu, bưng bít mới dẫn đến mất uy tín. "Công khai là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương, phải phanh phui nó ra, cắt bỏ nó đi thì mới chống được tệ nạn”.
Chiều 3/11/2018, tại Văn phòng Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt thân mật gần 60 học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc và căn dặn “Các cháu đã học giỏi, nhưng phải phấn đấu trong người vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc. Tài cực kỳ quan trọng, không có tài làm sao xây dựng được đất nước, nhưng các cụ cũng đã nói “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”; phải nhớ “tiên học lễ, hậu học văn”.
Đảng ta đã từ lâu lấy tư tưởng, đạo đức, phong cách và lối sống của Bác Hồ là kim chỉ nam cho việc xây dựng cương lĩnh, đường lối, chính sách phát triển đất nước và cho công tác xây dựng Đảng. Theo Bác Hồ việc biết tiếp thu và sửa chữa khuyết điểm là một phẩm chất chính trị tốt.
Hội nghị Trung ương 8, khoá XII đã ra nghị quyết quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành Trung ương, cho thấy những lãnh đạo cao nhất của đất nước đang rất nghiêm khắc với bản thân, vậy lẽ nào cấp dưới lại không thực hiện, không nhận sai và sửa sai?
Những năm gần đây, toàn dân thường được nghe trên TV, đài báo thông tin về Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lắng nghe và kêu gọi các nhà khoa học trong và ngoài nước đóng góp ý kiến, hiến kế xây dựng đất nước, thậm chí cả những ý kiến trái chiều, khác quan điểm.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên kỹ thuật số, cách mạng công nghiệp 4.0. Không những triệu triệu người kết nối và chia sẻ thông tin với nhau không biên giới, mà còn kết nối với các máy móc, thiết bị điện trong gia đình, đó chính là thế giới vạn vật kết nối (Internet of things, IoT). Chính phủ đang triển khai mạnh mẽ đề án Chính phủ điện tử. Hầu hết các cơ quan Bộ, ngành, các viện nghiên cứu, các trường đại học đều có website và công bố công khai các địa chỉ emails và danh bạ điện thoại. Tất cả thông tin mọi người đều chia sẻ lên mạng xã hội. Do vậy kết luận sai về nguyên nhân cá chết không thể giấu được.
Vì tất cả những lý do nêu trên, vì Bộ KH&CN là cơ quan chủ trì, tôi nghĩ sẽ là có tội nếu Bộ KH&CN vẫn cố tình bắt nhân dân cả đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, gần 200 đồng chí ủy viên BCH Trung ương Đảng và tất cả đại biểu Quốc hội mãi phải nghe sai, hiểu sai và nói sai về nguyên nhân cá chết.
Vì chất lượng khoa học của nhiều tham mưu về chủ trương, chính sách, giải pháp mà các cơ quan Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ đang là rất báo động, có hại cho đất nước (mọi chi tiết xin xem tại website nguyenducthang.vn), do vậy Bộ KH&CN rất cần phải làm cuộc cách mạng trong quản lý sao cho hàng năm sử dụng 25.000 tỷ đồng chi cho sự nghiệp phát triển KH&CN có hiệu quả. Bộ lãnh đạo về KH&CN mà không cầu thị và tôn trọng các qui luật khoa học thì không thể có tiến bộ về KH&CN.
Nền công nghiệp và nông nghiệp của Việt Nam không nên mãi mãi đi trên đôi chân công nghệ nước ngoài, nhập khẩu máy móc, thiết bị, linh kiện vật tư, nguyên vật liệu về gia công, lắp ráp, vận hành và làm thuê.
Kính mong Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo Bộ KH&CN và các Bộ, ngành liên quan xem xét, quyết định.
Xin trân trọng cám ơn.
Nguyễn Đức Thắng, email: ndthangndt@yahoo.com
Địa chỉ: xxxx