THỦY LỢI VÀ NGÂP ÚNG TP.HCM >SỰ GIA TĂNG NGẬP ÚNG VÀ CÁC KÊNH, RẠCH PHƠI ĐÁY TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
Ngày đăng: 26-07-2020 - 05:41:19

Hà Nội, ngày 26/7/2020

 

Kính gửi:

 

 

 

 

 

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học – kỹ thuật Việt Nam

 

(Về sự gia tăng ngập úng và các kênh, rạch phơi đáy tại thành phố Hồ Chí Minh là do Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gây ra)

 

Tôi tên là Nguyễn Đức Thắng, cán bộ Nhà nước về hưu năm 2008, có quá trình công tác, khởi đầu tại Viện Kỹ thuật quân sự, tiếp đến là Viện Khoa học Việt Nam và cuối cùng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xin được trình bầy những trăn trở sau:

 

Tp. Hồ Chí Minh không có ngập úng toàn diện, chỉ có ngập úng cục bộ, khi vài điểm, khi chục điểm, luân phiên thay đổi theo lưu vực bị mưa và theo năm tháng. Tp. HCM được Trời ưu ái, may mắn hơn rất nhiều các tỉnh miền Trung và miền Bắc, nên chưa bao giờ trải nghiệm LŨ, LỤT ngập mái nhà, gây thảm họa chết người và thiệt hại tài sản. Sài Gòn ngày xưa vẫn nhiều nắng, nhiều mưa nhưng rất ít ngập úng. Do vậy, nếu cứ đổ lỗi cho nắng, cho mưa, cho biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, Tp. HCM sẽ không thể giải quyết được tình trạng úng ngập. Lỗi 100% là do con người gây ra. Trong đó có lỗi to lớn của Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Hai Bộ có chức năng quản lý Nhà nước về thoát nước, chống ngập đô thị nhưng lại làm gia tăng ngập úng và gia tăng hiện tượng kênh rạch phơi đáy tại Tp. HCM.

 

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND Tp. HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020(Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19/6/2001). Tổng vốn đầu tư thực hiện quy hoạch này khoảng 40.380 tỷ đồng. Bản quy hoạch này là căn cứ để UBND Tp. HCM đầu tư hàng năm cho các hạng mục công trình thoát nước và thu gom xử lý nước thải.

 

Bộ NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với UBND Tp. HCM trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 1547/QĐ-TTg, ngày 28/10/2008). Ngoài ra, Bộ đã cho thực hiện đề tài nghiên cứu “Xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công”, từ năm 2010 – 2012. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện các hạng mục công trình thủy lợi khoảng trên 230.000 tỷ đồng.

 

Hai mươi năm gần đây, có 3 vấn đề rất đời thường, nhưng lại rất nan giải:

1) Ùn tắc giao thông

2) Úng ngập cục bộ sau mưa

3) Vệ sinh đường phố

đã ngăn cản không cho Tp. HCM lấy lại danh hiệu Hòn ngọc Viễn Đông ngày xưa.

 

Xin kính trình các Quí lãnh đạo bài viết của tôi với 35 Thực tế/Sự thật phân tích, chứng minh sự gia tăng ngập úng và các kênh, rạch phơi đáy tại Tp. HCM là do Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gây ra. Hiện tượng này còn diễn ra rất dài lâu và nhiều triệu người dân Tp. HCM cũng sẽ phải cắn răng chịu đựng gian khổ rất dài lâu nếu chúng ta không mạnh dạn nhận sai và sửa sai.

 

Xin trân trọng cám ơn và mong nhận được trả lời.

 

Nguyễn Đức Thắng

Địa chỉ thường trú: xxx ĐT: 0352344233. Email: ndthangndt@yahoo.com

 

================================================================= 

 

SỰ GIA TĂNG NGẬP ÚNG VÀ CÁC KÊNH, RẠCH PHƠI ĐÁY TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LÀ DO BỘ XÂY DỰNG VÀ BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN GÂY RA

 

TS. Nguyễn Đức Thắng

Nguyên Phó Văn phòng Phát triển bền vững quốc gia

 

 

TÓM TẮT

 

Tp. Hồ Chí Minh không có ngập úng toàn diện, toàn thành phố, chỉ có ngập úng cục bộ, khi vài điểm, khi chục điểm, luân phiên thay đổi theo lưu vực bị mưa và theo năm tháng. Tp. HCM được Trời ưu ái, may mắn hơn rất nhiều các tỉnh miền Trung và miền Bắc, nên chưa bao giờ trải nghiệm LŨ, LỤT ngập mái nhà, gây thảm họa chết người và thiệt hại tài sản. Sài Gòn ngày xưa vẫn nhiều nắng, nhiều mưa nhưng rất ít ngập úng. Do vậy, nếu cứ đổ lỗi cho nắng, cho mưa, cho biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, Tp. HCM sẽ không thể giải quyết được tình trạng úng ngập. Lỗi 100% là do con người gây ra. Trong đó có lỗi to lớn của Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Hai Bộ có chức năng quản lý Nhà nước về thoát nước, chống ngập đô thị nhưng lại làm gia tăng ngập úng và gia tăng hiện tượng kênh rạch phơi đáy tại Tp. HCM.

Hai mươi năm gần đây, có 3 vấn đề rất đời thường, nhưng lại rất nan giải:

1) ÙN TẮC GIAO THÔNG

2) ÚNG NGẬP CỤC BỘ SAU MƯA

3) VỆ SINH ĐƯỜNG PHỐ

đã ngăn cản không cho Tp. HCM lấy lại danh hiệu Hòn ngọc Viễn Đông ngày xưa.

Bài viết gồm  4 phần sau:

 

i. Đặc điểm, quy luật hệ thống thoát nước Tp.HCM

ii. Lỗi do Bộ Xây dựng gây ra

iii. Lỗi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gây ra

iv. Giải pháp

 

Sau cơn mưa ngày 13/7/2020, kéo dài hơn 1 giờ tại Quận Tân Bình và Tân Phú. 100% người dân đều nghĩ “Do tắc cống ở đâu đó!”. Riêng Bộ NN&PTNT nghĩ là do hệ thống đê bao, cống đập với các trạm bơm siêu lớn và đê biển chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh (Nguồn: Ảnh của báo Zingnews.vn)

 

I. ĐẶC ĐIỂM, QUY LUẬT HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC TP.HCM

 

Thực tế/Sự thật (TT/ST) 1: Đặc điểm cơ bản nhất của hệ thống thoát nước của Tp. HCM hay tất cả các thành phố, đô thị của Việt Nam là HỆ THỐNG CỐNG GỘP (combined sewage system), NƯỚC THẢI GỘP CHUNG VỚI NƯỚC MƯA. Khi có mưa, nước chảy trong mọi ngõ, ngách, đường phố rồi chui qua các miệng thu (hố ga, hàm ếch) ở ven đường để xuống cống ngầm, trộn lẫn với nước thải từ các hộ gia đình, ào ạt đổ về sông (kênh, rạch) thông qua hàng nghìn miệng xả suốt dọc hai bên lòng sông/kênh, rạch.

 

TT/ST 2: Ngày nay Tp. HCM có 2 hồ chứa nước cỡ lớn là Dầu Tiếng (vận hành năm 1987) và Trị An (vận hành năm 1990) “hấp thu” được gần 3,5 tỷ m3 nước, để cắt giảm lũ. Do vậy, về nguyên lý Tp. HCM ngày nay phải “khô” ít ngập úng hơn Sài Gòn ngày xưa.

 

TT/ST 3: Mùa khô có 5 tháng, bao gồm tháng 12, 1, 2, 3, 4 . Mùa mưa có 7 tháng, bao gồm tháng 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11. Niên giám thống kê Tp. HCM từ năm 2005 đến năm 2015 có cung cấp các bảng số liệu Mực nước cao nhất và Mực nước thấp nhất hàng tháng ghi được tại trạm thủy văn Phú An (Quận 1) sông Sài Gòn. Dưới đây là bảng tổng hợp cho cả năm:

 

 

MỰC NƯỚC CAO NHẤT

MỰC NƯỚC THẤP NHẤT

 

Mùa khô (cm)

Mùa mưa (cm)

Chênh lệch (cm)

Mùa khô (cm)

Mùa mưa (cm)

Chênh lệch (cm)

Năm 2005

127

119

8

-196

-221

25

Năm 2007

129

131

-2

-191

-210

19

Năm 2008

141

132

9

-179

-204

25

Năm 2009

144

135

9

-177

-199

22

Năm 2010

143

135

8

-173

-198

26

Năm 2011

144

135

9

-157

-196

39

Năm 2012

148

139

9

-167

-189

22

Năm 2013

150

144

7

-158

-186

28

Năm 2014

148

140

8

-159

-191

31

Năm 2015

145

137

8

-169

-195

26

Trung bình:

142cm

135cm

8cm

-173cm

-199cm

26cm

 

Mùa khô

Mùa mưa

Chênh lệch

Mùa khô

Mùa mưa

Chênh lệch

 

TT/ST 4: Từ bảng tổng hợp dữ liệu quan trắc thực tế này có thể rút ra được những ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, TÍNH QUI LUẬT sau:

 

- Bình quân mực nước cao nhất (bao gồm cả đỉnh triều so với mực nước biển 0m) vào mùa khô là 142cm, cao hơn mùa mưa (135cm) là 8cm. Có nghĩa là “LŨ” thượng nguồn đổ về vào mùa mưa không ảnh hưởng đến ngập úng cục bộ ở Tp. HCM. Sông Sài Gòn còn có thể HẤP THỤ thêm nhiều nữa nước từ thượng nguồn đổ về để đưa mực nước từ 135cm lên 142cm bằng với mùa khô. Từ đó cho ta một kết luận có tính qui luật “Mực nước cao nhất trên sông Sài Gòn là vào mùa khô; mực nước thấp nhất là vào mùa mưa. Tại sao lại có “thực tế nghịch lý” này? Cần giải thích vì đâu có điều lạ này?. Yếu tố “bí ẩn” nào của tự nhiên đã “cứu giúp” Tp. HCM, ngăn không cho nước sông Sài Gòn dâng cao vào mùa mưa? Liên tục 10 năm số liệu quan trắc là như vậy (ngoại trừ số liệu của năm 2007, có thể có cơn mưa lớn lịch sử, có thể do sai số ngẫu nhiên). Điều này đã tồn tại vĩnh hằng rồi mà các nhà khoa học Thủy lợi không biết. Giải thích chi tiết cho “nghịch lý” tự nhiên này xin đọc bài Cần trả lại chân lý khoa học cho kết luận về nguyên nhân ngập úng tại Tp. HCM”. Bài viết này đã thuyết phục được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo UBND Tp. HCM ủng hộ hoàn toàn (không cần tổ chức hội nghị, hội thảo để tranh luận làm rõ) bằng ba văn bản sau: số 3201/SNN-CCTL ngày 19/11/2018, số 3245/SNN-CCTL ngày 22/11/2018 và số 839/UBND-ĐT ngày 12/3/2019.

 

- Bình quân mực nước thấp nhất (chân triều so với mực nước biển 0m): Vào mùa khô là –173cm (âm), vào mùa mưa là –199cm (âm). Điều này cũng tồn tại vĩnh hằng rồi.

 

- Đỉnh triều cường vào mùa khô dâng lên cao hơn và rút xuống ít hơn. Đỉnh triều cường vào mùa mưa dâng lên thấp hơn và rút xuống sâu hơn.

 

TT/ST 5: Trái đất ấm lên toàn cầu, băng tan chảy và hệ quả là mực nước biển dâng. Tuy nhiên mực nước biển dâng hiện nay và còn lâu sau này, vẫn chưa thể đe dọa làm ướt chân người dân Tp. HCM. Vì sao? Vì theo nhà khoa học Hồ Long Phi (năm 2010) bình quân số liệu quan trắc đỉnh triều cường suốt mấy chục năm qua, tại trạm quan trắc thủy văn Vũng Tầu là không thay đổi, tức là độ tăng của bình quân đỉnh triều bằng 0cm. Tác giả đã tính toán thống kê dựa trên các số liệu quan trắc tại các trạm thủy văn Phú An (sông Sài Gòn), Nhà Bè và Vũng Tàu về diễn biến đỉnh triều cao nhất của năm cho kết quả:

 

Giai đoạn trước năm 1995

Từ năm 1995 - 2007

Trạm Phú An

Tăng không đáng kể

Tăng 1,45cm/năm

Trạm Nhà Bè

Tăng không đáng kể

Tăng 1,17cm/năm

Trạm Vũng Tàu

Không tăng

Không tăng

 

Nếu xét trên bình diện toàn Thế giới, thì suốt 20 năm qua, mực nước biển dâng lên khoảng 1cm - 2cm, bằng móng tay thôi.

 

 

TT/ST 6: Do vậy, hiện tượng mực nước biển dâng do BĐKH rõ ràng là chưa dám “bén mảng” đến bàn chân người dân Tp. HCM, đã và đang đúng và sẽ còn đúng vài chục năm nữa. Vì tác động của mực nước biển dâng là tác động toàn cầu, âm thầm, nhưng sẽ rõ nét sau năm 2080, nếu như toàn Thế giới không chung tay cắt giảm phát thải khí CO2, làm Trái đất tiếp tục nóng lên và dự báo vào năm 2100 mực nước biển có thể sẽ dâng lên 65cm, xấu nhất là 100cm. Do vậy việc trước mắt, số 1 phải làm ngay từ bây giờ là chung tay cùng với Thế giới cắt giảm phát thải CO2, nguyên nhân gốc rễ dẫn đến mực nước biển dâng.

 

TT/ST 7: Có một qui luật rất cơ bản trong lĩnh vực thoát nước, đó là “Lưu lượng nước thoát của toàn bộ tuyến cống được quyết định bởi đoạn cống yếu nhất”. Điều này trái với suy nghĩ thông thường của chúng ta. Ví dụ, một tuyến cống dài 1.000m, có đường kính toàn cống là 1m, uốn lượn quanh co, gấp khúc. Chỉ cần một đoạn 2m cống nào đó trong toàn tuyến bị sập, gẫy do cũ nát, hay do độ cao các đáy cống bị so le, khấp khểnh, hay do bị tắc nghẽn rác thải đến 70% đường kính của ống, khi đó lưu lượng nước thoát của toàn tuyến này sẽ giảm xuống, chỉ còn 30%, mặc cho toàn bộ 998m cống còn lại là trơn tru, thông thoáng. Từ chỗ tắc trở về phía đầu cống lên mặt đường sẽ ngập ứ nước. Sau chỗ tắc trở về xuôi sẽ chỉ có 30% lòng cống là có nước chảy.

 

TT/ST 8: Đường phố các đô thị Việt Nam nổi tiếng là nhiều đất cát và rác thải. Hà Nội có nhiều khu đô thị xây mới, chỉ sau một vài năm sử dụng thế mà đường phố đã biến thành sông sau các cơn mưa.

 

TT/ST 9: Chủ đầu tư các công trình, các tòa nhà được tự do, tùy thích xây độ cao nền nhà và độ cao đáy cống thoát nước của mình. Kết quả là khắp nơi, nhiều chỗ, khớp nối các cống thoát nước có độ cao đáy khác nhau, khấp khểnh, so le nhau; nước thải sinh hoạt đã bị ứ đọng, chỉ cần bồi thêm những cơn mưa vừa phải sẽ bị úng ngập.

 

TT/ST 10: Hệ thống cống thoát nước cũ nát, nhỏ bé, đứt gẫy.  Phần lớn chúng ta thường quan tâm đến xây nhà, trang điểm mặt tiền, nội thất bên trong, ít người quan tâm đến xây cống. Nhiều nơi chỉ đơn giản xẻ rãnh cho nước chảy về “xuôi” nếu có ứ đọng phía xa 500m cũng không cần biết. Do vậy, qui mô, kích cỡ, chất lượng vật liệu xây cống ít được quan tâm. Chủ đầu tư một khu đô thị mới hoành tráng không nghĩ là phải xây cống cho 50 năm hoặc lâu hơn nữa. Không ai kiểm tra, giám sát, nghiệm thu chất lượng cống thoát. Ngay đến bản đồ vị trí cống ở đâu, đi hướng nào, dốc về đâu cũng chẳng ai biết.

 

TT/ST 11:

 

TT/ST 12: Cống thoát nước là nơi tập kết của rác thải

 

 

TT/ST 13: Một thành phố thường xuyên ngập úng sau mưa, do TẮC CỐNG Ở ĐÂU ĐÓ, nước máy sinh hoạt cấp cho dân còn thiếu, nhưng có đến 100% các nóc nhà, mái che đều thu hứng nước mưa (nước Trời cho), nhưng để dẫn chảy xuống đường, xuống cống gây quá tải cho hệ thống thoát nước. Bình quân tổng diện tích các nóc nhà, mái che thu hứng nước mưa chiếm đến 50% diện tích nội đô Tp. HCM. Một lượng nước ngọt quí to lớn thu hứng rồi nhưng lại cho chảy vào cống rãnh. Trong khi đất nước Singapore rất gần Tp. HCM, thậm chí thu gom tất cả nước mưa và nước thải để tái chế thành nước máy sạch cấp cho người dân. Thứ nước tái chế này có tên thương hiệu là NEWater, hiện đã đáp ứng 40% tổng nhu cầu nước. Ở Singapore, nước máy chảy ra từ vòi đều an toàn, có thể uống được. Trong tương lai sẽ là 50%.

 

II. LỖI DO BỘ XÂY DỰNG GÂY RA

 

II.1. Nội dung Quy hoạch và tiến độ thực hiện:

 

TT/ST 14:  Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND Tp. HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020” (Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19/6/2001). Tổng vốn đầu tư thực hiện quy hoạch này khoảng 40.380 tỷ đồng. Bản quy hoạch này là căn cứ để UBND Tp. HCM đầu tư hàng năm cho các hạng mục công trình thoát nước và thu gom xử lý nước thải.

 

TT/ST 15: Tại Điểm 3 Nội dung quy hoạch: Tại các điểm d, h và k là những nội dung quy hoạch cho thu gom và xử lý nước bẩn (nguyên văn “nước bẩn”). Bao gồm 9 lưu vực thoát nước bẩn, với 9 vị trí trạm xử lý và diện tích đất chiếm. Dưới đây trích dẫn 2 lưu vực đầu tiên có 2 trạm XLNT công suất lớn nhất Đông Nam Á (470.000m3 và 480.000m3/ngày).

Vị trí các trạm xử lý:

Lưu vực

Tại vị trí khu xử lý

Diện tích

chiếm đất (ha)

- Tàu Hủ - Bến Nghé

Kênh Đôi - Kênh Tẻ

Xã Bình Hưng, Huyện Bình Chánh

50

 

- Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Xã Phước Lộc huyện Nhà Bè

50

 

 

TT/ST 16: Nhà máy XLNT Xã Bình Hưng, Huyện Bình Chánh, công suất giai đoạn 1 là 141.000m3/ngày đêm đã vận hành vào năm 2008 cho lưu vực Quận 1, 3, 5 và một phần Quận 10. Tuyến cống ngầm thu gom nước bẩn dài 6,6km chạy dọc đường Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi – Trần Hưng Đạo – Trần Tuấn Khải – và đi ngầm xuống qua kênh Tàu Hủ, qua khu Đồng Diều, P.5, Quận 8. Từ đây nước được bơm đến nhà máy xử lý. Giai đoạn 2 đưa công suất nhà máy lên 470.000m3/ngày, hoàn thành vào tháng 8/2019.

 

TT/ST 17: Đối với lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Đó là dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 1 và 2. Giai đoạn 1 từ năm 2002 đến 2012, đã thực hiện những hạng mục công việc sau:

  • Sửa chữa, thay thế, làm mới 426km cống thoát cấp 2 và 3.
  • Nạo vét, vận chuyển và đổ khoảng 1,05 triệu m3 bùn đất của Kênh
  • Gia cố 18 km bờ kênh bằng tấm bản bê tông.
  • Xây dựng 9 km tuyến cống bao ngầm dọc bờ nam của kênh, đường kính từ 2,5 m – 3.0m, thu gom nước thải dẫn về nhà máy XLNT.

 

TT/ST 18: Giai đoạn 2 khởi công ngày 24/2/2017, gồm hai hạng mục công trình chính:

- Nhà máy XLNT công suất 480.000m3/ngày, đổi vị trí về Phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2.

- Xây dựng 8 km tuyến cống bao ngầm dọc bờ bắc của kênh với đường kính 3.0m để thu gom nước thải dẫn về nhà máy XLNT. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành năm 2021.

 

TT/ST  19:  Tuy nhiên dự án đã chậm tiến độ. Ban quản lý dự án lý giải do có sự khiếu kiện của các nhà thầu. Đầu năm 2020, đơn vị trúng thầu xây dựng nhà máy XLNT mới được tạm ứng vốn để triển khai, sẽ đẩy lùi tiến độ hoàn thành vào năm 2024.

 

II. 2. Thực hiện theo bản QUY HOẠCH (Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19/6/2001) sẽ làm gia tăng ngập úng cho lưu vực và làm kênh, rạch thường xuyên phơi đáy. Vì sao? Dưới đây là những phân tích, chứng minh:

 

TT/ST 20: Hai dự án XLNT lớn nhất Đông Nam Á nói trên đã cắt bỏ chức năng thoát nước, thoát lũ vốn có của các con kênh, rạch mà tạo hóa đã ban tặng cho Tp. HCM. Tất cả các đầu cống xả (nước mưa và nước thải) trước kia chảy thẳng vào kênh, rạch, nay bị đấu nối vào hệ thống giếng thu gom, hố ga mới, vào cống ngầm dẫn về nhà máy XLNT. Đường kính các đoạn cống đấu nối là 1m, đường kính cống truyền dẫn chủ lực là 3m. Các con kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Kênh Đôi - Kênh Tẻ, kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè có bề rộng từ 30m – 80m có khả năng thoát nước, thoát lũ gấp 10 đến 25 lần cống truyền dẫn chủ lực có đường kính 3m, nay đã trở nên thất nghiệp, hoàn toàn không có việc làm. Mưa lớn cũng như mưa nhỏ cùng nước thải từ các hộ gia đình chẳng chảy giọt nào vào các con kênh rạch nữa. Tất cả đi vào hệ thống, mạng lưới cống ngầm mới và đắt tiền, được đào bằng phương pháp khoan kích ngầm hiện đại, do các nhà thầu nước ngoài thực hiện. Các con sông và kênh trước kia SỐNG bằng nước mưa, nước thải và nước triều dâng, nay chỉ còn mỗi nước triều thôi.  Do vậy khi chưa có triều chúng trở nên phơi đáy. Đã nhiều năm rồi người dân sống ở hai bên bờ kênh hàng ngày đều được ngắm nhìn bùn đáy của các con kênh khi chưa có triều.

 

Các con kênh của Tp. HCM còn may mắn hơn con các sông của Hà Nội, vì có nước triều lên và xuống để nuôi sông, nên bùn đáy sẽ luôn ướt nhão. Hai con sông của Hà Nội là sông Tô Lịch và sông Lừ khi dự án XLNT Yên Xá đi vào vận hành sẽ không có giọt nước mưa, nước thải nào chảy vào sông; do vậy, chỉ cần 1 tuần sau mưa là bùn đáy sông sẽ khô cứng và các cháu thiếu nhi có thể xuống lòng sông đá bóng được. Ban quản lý dự án đã tạm dừng dự án gần 2 năm, loay hoay tìm cách khắc phục. Cuối cùng họ đã chọn giải pháp biến sông Tô Lịch thành hồ Tô Lịch, kỳ quặc nhất Thế giới, vì có chiều dài 14km và chiều rộng chỉ có 20m – 40m  (chi tiết xin đọc bàiBí thư Vương Đình Huệ và Chủ tịch Nguyễn Đức Chung không nên đi vào lịch sử Việt Nam là người ra quyết định biến sông Tô Lịch thành hồ Tô Lịch”

 

TT/ST  21:

 

TT/ST 22:  Tại cuộc họp của Sở Xây dựng Hà Nội với tôi, các chuyên gia, tư vấn khẳng định rằng những tính toán thoát nước, thoát lũ trong các ống và cống, giếng thu, hố ga v.v.. ở độ sâu từ 9m đến 16m đều theo những tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành, nên đảm bảo thoát lũ tốt, sẽ không gây ngập úng. Còn tôi, căn cứ vào những đặc điểm, quy luật hệ thống thoát nước chung của Việt Nam (như trình bầy tại phần I) đã trả lời họ là tôi không tin. Mọi người dân, không cần học vấn đều khẳng định thoát nước, thoát lũ bằng sông Tô Lịch bao giờ cũng nhanh hơn, tốt hơn so với cống ngầm. Không có khái niệm tắc sông, tắc kênh, chỉ có khái niệm tắc cống. Sông, kênh lắng đọng bùn đất còn dễ thấy và dễ nạo vét. Cống ngầm mà tắc, thật sự là khó khăn, vì không biết tắc ở chỗ nào, đoạn nào? Việc chui sâu vào trong cống nạo vét không hề đơn giản. Tôi đã nói thẳng với họ là các anh đã hoàn thành thực hiện dự án thoát nước, thoát lũ cho Hà Nội, vốn vay ODA Nhật Bản, giai đoạn 1 và 2, kéo dài 20 năm, thế mà cứ mưa về là người Hà Nội lại hát bài ca “Hà Nội mùa này phố cũng như sông”.

 

TT/ST 23: Trên báo nongnghiep.vn, Thứ Hai, 02/10/2017, đăng bài với tiêu đề “Chống ngập Tp. HCM: Giải pháp ‘bơm siêu khủng’ là phản khoa học!” phỏng vấn chuyên gia thủy lợi, KS cao cấp Phan Khánh, Hội Khoa học Thủy lợi TP.HCM, xả bức xúc của mình “Giải pháp 'bơm siêu khủng' là phản khoa học!” và “Mấy hôm trước tôi và GS.TS Nguyễn Ân Niên phải xắn quần tới bẹn trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, nhưng khi ra kinh Tàu Hũ thấy phơi đáy, vậy là cống tắc đâu đó mà không biết”. (GS.TS Nguyễn Ân Niên là nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam).

 

TT/ST 24: VÀO MÙA MƯA VÀ NGAY SAU MƯA MÀ KÊNH TÀU HŨ (THOÁT NƯỚC CHỦ LỰC) BỊ PHƠI ĐÁY!!! Điều ngộ nghĩnh này chỉ có ở Việt Nam. Bỏ ra nhiều trăm triệu USD (chưa tính chi phí vận hành hàng năm) để tạo thêm phiền toái, vất vả cho dân. Mà đâu có vất vả khổ sở một vài năm, sẽ vài chục năm, cho đến hết đời của dự án. Hết đời của dự án, giả sử sau 40 năm, vẫn chưa hết khổ. Vì sao? Vì hệ thống cống bao thu gom nước mưa với nước thải vẫn còn đó.

 

TT/ST 25: Chưa thấy nơi nào trên Thế giới cắt bỏ chức năng thoát nước, thoát lũ của các con sông và kênh như Hà Nội và Tp. HCM. Chúng chẳng có tội tình gì mà bắt chúng phải thất nghiệp. Trước kia chúng còn có tôm, cua, cá ốc làm bạn cho vui. Nay thì hết rồi, làm gì có nước để cá, tôm sống. Có chăng chỉ chút ít cá từ sông Sài Gòn, theo triều dâng vào kênh và lại rút đi khi triều lui. Các con kênh và sông thất nghiệp, trong khi các cống ngầm quặn mình làm không hết việc, quá tải và ùn tắc. Trên mặt đất, người tham gia giao thông bị ùn tắc và ngập nước; sâu dưới đất, nước đi trong các cống ngầm cũng bị ùn tắc.

 

Nếu bản Quy hoạch này tiếp tục được thực hiện cho 7 lưu vực với 7 nhà máy XLNT còn lại, sẽ gia tăng ngập úng kinh hoàng cho toàn Tp. HCM và những kênh rạch còn lại sẽ tiếp tục trở nên thất nghiệp, nằm chơi, gia tăng phơi bùn đáy khi triều lui, hoặc dâng nhưng còn thấp.

 

III. LỖI DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN GÂY RA

 

TT/ST 26: Bộ NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với UBND Tp. HCM trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 1547/QĐ-TTg, ngày 28/10/2008). Quy hoạch này có 2 hợp phần chính (và một Phụ lục gồm danh mục rất nhiều dự án con):

 

a) Xây dựng tuyến đê bao dài 172km (độ cao đỉnh đê từ 2 – 3m, chiều rộng mặt đê 7,5m) suốt dọc bờ hữu sông Sài Gòn (từ Bến Sức, huyện Củ Chi), đến dọc sông Nhà Bè, dọc sông Soài Rạp, đi tiếp dọc bờ tả sông Vàm Cỏ đến Vàm Cỏ Đông; khép kín khu vực cần được bảo vệ (khoảng 3/4 diện tích Tp. HCM) và 4 huyện sau của tỉnh Long An: Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức và Đức Hòa, ngăn không cho nước sông tràn bờ vào.

 

CHƯA CÓ NƠI NÀO TRÊN THẾ GIỚI XỬ LÝ ÚNG NGẬP CỤC BỘ TẠI VÀI ĐIỂM NÀO ĐÓ SAU MƯA BẰNG ĐÊ BAO VỚI 12 CỐNG ĐẬP VÀ ĐÊ BIỂN KHÉP KÍN NHƯ TP. HCM

 

b) Xây 12 cống lớn (có cánh đóng/mở) và trạm bơm tại các cửa kênh, rạch lớn, khép kín các tuyến đê bao dài 172km, ngăn không cho nước sông tràn vào khu vực được bảo vệ. Các cống có độ rộng từ 20m đến 120m, độ cao đáy cống từ -4m đến -10m, với rất nhiều cánh đóng/mở to và nặng. Đó là các cống Rạch Tra, Vàm Thuật, Bến Nghé v.v..

 

TT/ST 27: Bộ NN&PTNT đã giao GS.TS Trần Đình Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu “Xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công” (Tiền Giang), từ năm 2010 – 2012, kinh phí 31,07 tỷ đồng. TS. Hòa cho biết “Ý tưởng xây dựng tuyến đê biển này đã được Chính phủ đồng ý giao cho 4 Bộ liên quan tiến hành nghiên cứu… các nội dung và kết quả nghiên cứu đã bao trùm khá đầy đủ về hiệu quả giảm ngập, ngăn mặn, tăng cường rất tốt khả năng chống lũ, chống ngập lụt, tác động của giải pháp đến kinh tế xã hội, môi trường hệ sinh thái… Những giải pháp, biện pháp kỹ thuật và công nghệ thi công sẽ rất mới, hiện đại mang tầm cỡ quốc tế…”. Dự toán tổng chi phí cho tuyến đê biển này 160.964 tỷ đồng.

 

 

 

TT/ST 28: Như vậy, Bộ NN&PTNT đã đổ lỗi cho 1) MƯA 2) LŨ THƯỢNG NGUỒN 3) TRIỀU CƯỜNG và 4) MỰC NƯỚC BIỂN DÂNG. Tất cả đều là những yếu tố khách quan, do thiên nhiên, do ông Trời gây ra. Nguyên nhân đã được chỉ ra; giải pháp TRỊ THIÊN đã được đề xuất. Nhiều chục ngàn tỷ đồng đã và sẽ được đổ vào KÈ, ĐÊ, ĐẬP, CỐNG, TRẠM BƠM. Đáng tiếc là cho đến ngày 13/7/2020 ngập úng sau mưa vẫn hoàn úng ngập (xem ảnh đầu tiên, tại trang đầu của bài viết này). Điều này sẽ còn kéo dài vài chục năm nữa. Vì sao?

 

TT/ST 29: Vì 100% người dân đều nghĩ úng ngập là “Do tắc cống ở đâu đó!”. Riêng Bộ NN&PTNT nghĩ là do 172 km hệ thống đê bao hình lưỡi bò với 12 cống đập với các trạm bơm siêu lớn và đê biển chưa được đầu tư đồng bộ, chưa hoàn chỉnh. Cần hoàn tất đầu tư sau đó mới phát huy hiệu quả chống ngập. 

 

TT/ST 31: Nắng mưa, gió bão là chuyện của Trời. Sau một cơn mưa lớn, tổng tất cả lượng nước từ mọi nơi, mọi phía đổ dồn về Tp. HCM, giả sử là 500 triệu m3. Nếu toàn diện tích Tp. HCM (2095km2) đồng đều gánh chịu, thì chỉ bị ngập có 24cm (500.000.000m3 : 2095.000.000m2 = 0,24m). Nếu một nửa thành phố được bảo vệ, nửa còn lại phải gánh chịu toàn bộ số nước này, sẽ bị ngập lên 48cm. Nếu 80% diện tích của thành phố được bảo vệ, 20% vùng còn lại sẽ bị ngập 120cm. Nếu toàn Tp. HCM được bảo vệ thì người dân tỉnh liền kề sẽ phải gánh chịu.

 

TT/ST 32: Vì hệ thống đê bao với cống lớn đóng kín và các trạm bơm công suất lớn KHÔNG THỂ ĐẨY ĐƯỢC NƯỚC LÊN TRỜI, KHÔNG BƠM ĐƯỢC NƯỚC XUỐNG DƯỚI ĐẤT, KHÔNG TRẢ ĐƯỢC NƯỚC VỀ THƯỢNG NGUỒN, KHÔNG ĐẨY LUI ĐƯỢC TRIỀU DÂNG mà thực sự là ĐẨY MỌI THỨ NƯỚC ĐÓ ĐẾN VÙNG NGHÈO HƠN, mặc dù người dân vùng này cũng đóng thuế để tạo nên Ngân sách Nhà nước. Nhiều triệu người dân vùng này cũng đang chịu úng ngập, nay lại phải chịu úng ngập nặng nề hơn.

 

TT/ST 33: Giải pháp này xung đột với quan điểm, cương lĩnh và đường lối cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy giai cấp công nhân và nông dân làm nòng cốt, một đất nước XHCN của dân, do dân và vì dân; phát triển kinh tế, xây dựng đất nước nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách vùng miền.

 

TT/ST  34:  Đê bao hình lưỡi bò với đê biển hùng vĩ Gò Công – Vũng Tàu sẽ chiếm tổng kinh phí gần 230.000 tỷ đồng để bảo vệ giữ khô đôi chân của 10 triệu người dân Tp. HCM. Bình quân sẽ là 23 triệu (gần 1.000  USD) cho 1 đôi chân, nhân dân cả nước sẽ gồng mình lên đóng góp.

 

TT/ST 35:  Sống ở Tp. HCM vừa dễ kiếm công ăn việc làm, thu nhập cao, vừa được cả nước ưu ái, quan tâm như vậy; được hưởng nhiều cơ chế đặc thù, đặc cách, nên dòng người nhập cư từ các nơi ngày đêm thầm lặng tiến về Sài Gòn, thành phố trở thành một nam châm khổng lồ phát triển về lượng, nhưng không có chất. Chỉ làm đau đầu các nhà quản lý.

 

Vậy tại sao đê bao với đê biển để chống ngập lại gia tăng ngập úng?

 

Vì 100% người dân bảo ngập úng sau mưa là do tắc cống ở đâu đó, Bộ lại cho do nước sông Sài Gòn đe dọa tràn bờ ập vào, nên dồn hết công sức và tiền của để làm đê bao. Thế nên tắc cống vẫn hoàn tắc cống.

 

Vì 100% người dân bảo ngập úng sau mưa là do tắc cống ở đâu đó, Bộ lại cho do biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên sẽ dồn hết công sức và tiền của vào xây đê bao với đê biển hùng vĩ Gò Công – Vũng Tàu. Do vậy, tắc cống vẫn hoàn tắc cống.

 

Vì 100% người dân bảo ngập úng sau mưa là do tắc cống ở đâu đó, Bộ lại giữ quan điểm cho rằng do hệ thống đê bao, đê biển chưa được đầu tư đồng bộ, chưa hoàn chỉnh nên chưa phát huy hiệu quả, nên cần đầu tư tiếp cho đồng bộ và hoàn chỉnh.

 

Vì KS cao cấp Phan Khánh, Hội Khoa học Thủy lợi TP.HCM đã phải kêu với báo chí “Mấy hôm trước tôi và GS.TS Nguyễn Ân Niên phải xắn quần tới bẹn trên đường Trần Hưng Đạo, Quận 1, nhưng khi ra kinh Tàu Hũ thấy phơi đáy, vậy là cống tắc đâu đó mà không biết!”.

Chỉ một thực tế vô cùng giản dị này đủ cho thấy đê bao hình lưỡi bò dài 172km với 12 cống ngăn triều và các trạm bơm công suất lớn được đầu tư nhiều chục ngàn tỷ đồng sẽ làm cạn kiệt trí tuệ và nguồn lực cho những giải pháp chống ngập hiệu quả cần ngay trước mắt.

 

IV. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

IV.1. Đối với lỗi do Bộ Xây dựng gây ra:

 

Cần chấm dứt thực hiện “Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020” (Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19/6/2001). Vì nếu tiếp tục đầu tư xây dựng 7 nhà máy XLNT còn lại  sẽ gây ngập úng kinh hoàng trên diện rộng, khắp Tp. HCM.

 

Đối với Tp. HCM, Hà Nội hay các đô thị khác, nơi mà hệ thống thoát nước là CHUNG NƯỚC MƯA VỚI NƯỚC THẢI, cách duy nhất dẫn đến thành công là thực hiện XLNT phân tán, phi tập trung. Dọc hai bên bờ sông, kênh, nơi có các miệng xả thải sẽ là các trạm XLNT mini, sau xử lý đẩy ngay vào sông, kênh. Công nghệ, kỹ thuật XLNT sinh hoạt qui mô nhỏ đã hoàn thiện tới mức chuẩn hóa, modul hóa rất cao, yên tĩnh và sạch. Ví dụ công nghệ ER-OZONE của Công ty cổ phần Saobitech Tp. HCM. Ưu điểm nữa là công nghệ này chiếm diện tích mặt bằng chỉ bằng 10% so với nhà máy XLNT Bình Hưng hay Thạnh Mỹ Lợi (cùng công suất xử lý). Tất cả sản xuất sẵn trong nhà máy, chỉ việc mang đến hiện trường lắp đặt là xong. Các kiến trúc sư Việt Nam dư thừa sức để biến các trạm XLNT mini thành những công trình nghệ thuật hấp dẫn, thu hút khách du lịch, người đi bộ thăm quan.

 

Khi thực hiện cách tiếp cận XLNT phân tán, phi tập trung (decentralization approach in wastewater treatment) hoàn toàn không cần hệ thống cống thu gom ngầm mới đắt tiền. Các con sông, kênh sẽ luôn có nước sạch và vẫn thực hiện chức năng thoát nước, thoát lũ như ngàn năm đã có. Vào những giờ mưa cổng lấy  nước vào trạm mini sẽ đóng lại, dòng nước sẽ chảy theo cống cũ như đã có từ xưa, đổ vào sông, kênh. Vì các trạm XLNT mini này rất sạch và yên tĩnh, nên có thể mua các nhà dân (40m2 – 60m2) trong các ngõ, ngách. Tầng 1 bố trí máy móc, thiết bị. Các tầng trên sử dụng như là những tiện ích văn hóa cho cộng đồng dân cư của xóm đang rất thiếu thốn.

 

Không chỉ trong việc XLNT, cách tiếp cận phân tán, phi tập trung đã và đang thành công, thắng thế trong rất nhiều lĩnh vực khác, rộng khắp trên toàn Thế giới:

 

Ví dụ 1: Trong kế hoạch phát triển KT - XH của đất nước đã không tập trung quyền lực vào kế hoạch quốc gia, điển hình là siêu Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà phân cấp, phân quyền xuống cho các tỉnh và các Bộ, ngành.

 

Ví dụ 2: Trong quản lý giáo dục – đào tạo, cũng không quá tập trung quyền lực vào Bộ Giáo dục và Đào tạo nữa mà phân cấp, phân quyền về cho UBND các tỉnh và các trường đại học công và tư.

 

Ví dụ 3: Ngành điện lực trên Thế giới đang chuyển mạnh mẽ sang điện lực phân tán, phi tập trung, phù hợp với nguồn năng lượng mặt trời và sức gió, năng lượng sinh khối vô tận, rất phân tán ở khắp nơi trên Trái đất. Một nền điện lực rất dân chủ, rất xanh và rất sạch. Sẽ có rất nhiều người tham gia sản xuất và bán điện. Lưới điện thông minh quốc gia sẽ là tích hợp của rất nhiều lưới điện mini thông minh (smart national grid, integration of smart mini grids) v.v..

 

Kiến nghị: Cần xóa bỏ nhà máy XLNT Bình Hưng và Thạnh Mỹ Lợi chuyển đổi thành khu đất vàng, bán đấu giá lấy tiền đủ để xây dựng các nhà máy XLNT mini dọc hai bên bờ các con kênh, rất phân tán, phi tập trung. THIỆT HẠI ÍT CÒN HƠN BẮT NHIỀU TRIỆU DÂN CHỊU ĐỰNG KHỔ ẢI DÀI LÂU, NHIỀU NĂM THÁNG.

 

IV.2. Đối với lỗi do Bộ NN&PTNT gây ra:

 

Cần chấm dứt thực hiện “Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 1547/QĐ-TTg, ngày 28/10/2008).

Chuyển nguồn lực to lớn này cho việc thực hiện 1) “tăng cường năng lực” cho ĐẦU RA của HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC và 2) Cắt giảm nước mưa ĐẦU VÀO gây quá tải cho HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC bằng xây các bể ngầm thu hứng nước mưa phân tán, phi tập trung; khoa học, hiệu quả, rất nhân văn và sinh thái.

 

1) “Tăng cường năng lực” cho ĐẦU RA của HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC

Người Việt Nam ta thường quan tâm đến những cái vĩ đại, cao siêu. Hiếm người có ý thức trong việc xả rác và bảo vệ cống thoát nước chung. Hệ thống cống rãnh, kênh rạch thoát nước cần là một bộ phận cuộc sống của chúng ta. Cống rãnh phục vụ chúng ta, thì chúng ta cũng phải quan tâm, chăm sóc cống rãnh.

 

Đầu tư xây dựng và quản lý thoát nước theo bản đồ độ cao qui chuẩn, vô cùng quan trọng đối với công tác quản lý thoát nước CHO CẢ NHIỀU ĐỜI SAU. Việc này phải làm trước, đi trước để dẫn đường cho việc đầu tư, cấp phép, theo dõi, giám sát xây dựng hệ thống cống thoát nước. Do thiếu bản đồ này, mạnh ai người ấy làm, độ cao đáy các công thoát nước so le, khấp khểnh, nên những khu đô thị hiện đại bậc nhất, mới nhất của Hà Nội vẫn bị ngập lụt sau mưa vừa phải và sẽ là triền miên, rất lâu dài.

 

Đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống cống thoát cũ nát: Cống ngầm thoát nước là sản phẩm sẽ chôn vùi rất lâu trong đất, không dễ đào lên sửa chữa mỗi lần đứt gẫy, không dễ chui vào nạo vét. Do vậy cần coi trọng đầu tư, dành những nguyên vật liệu tốt nhất, bền vững nhất để xây cống.

 

Đối với tất cả các khu đô thị mới phải xây dựng 2 hệ thống thoát nước tách biệt, gồm a) Hệ thống thoát nước mưa, nước chảy bề mặt (surface runoff water) không cần phải xử lý. b) Hệ thống thoát nước thải phải thu gom để xử lý tại chỗ. Hệ thống thoát nước riêng biệt (separated drainage systems) là xu thế thoát nước của đô thị tương lai.

 

Chấm dứt xả thải tự do rác các loại ra mặt đường, ra sông, vào ao hồ: Cần nâng cao nhận thức cho người dân, coi hệ thống cống thoát nước thải là một bộ phận quan trọng của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Cần chăm sóc và phục vụ hệ thống cống để chúng “khỏe mạnh” phục vụ lại chúng ta. 1 người quét rác không đủ sức phục vụ, nhặt, dọn rác của 50 người xả thải rác tự do. Cần có sự tham gia và vào cuộc của toàn cộng đồng, trong đó phụ nữ cần đóng vai trò lớn nhất trong việc nhắc nhở, gìn giữ vệ sinh đường phố. Cần có chế tài sử phạt nghiêm khắc, thật nặng những hàng vi xả thải rác tự do. Cần cơ giới hóa nhiều hơn nữa những hoạt động quét dọn rác trên vỉa hè, đường phố. Các hố ga, lưới sắt chặn rác cần được đầu tư cẩn thận và nạo vét thường xuyên, tránh để tình trạng ngập đầy rác trong hố ga, tạo cơ hội cho rác trôi sâu và xa hơn nữa và tắc đọng trong lòng cống. Cần có đội ngũ và dụng cụ hiện đại chuyên để nạo vét trong lòng cống và có chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng xứng đáng cho đội ngũ công nhân này.

 

2) Cắt giảm nước mưa ĐẦU VÀO gây quá tải HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC bằng xây các bể ngầm thu hứng nước mưa phân tán, phi tập trung:

 

Vì đất cát rất khó ngăn chặn trong việc bồi lắng, lấp đầy các hố ga và chui vào sâu trong lòng cống; Vì ý thức xả thải rác tự do của người dân rất chậm chuyển biến; Vì hệ thống cống ngầm chịu nhiều tải trọng ở trên và nền móng đỡ cống ngầm là cát, đất yếu nên rất dễ bị sụt lún và đứt gẫy; vì quản lý độ cao các công trình xây dựng hiện đang như không có; vì qui luật Lưu lượng nước thoát của toàn bộ tuyến cống được quyết định bởi đoạn cống yếu nhất”; vì 100% các mái che, nóc nhà đều có thu hứng nước mưa, nhưng dẫn chảy làm quá tải hệ thống thoát nước chung; vì tình trạng cấp nước sinh hoạt cho các gia đình còn thiếu thốn; vì nước mưa sạch là của Trời cho, đun sôi, nấu chín vẫn an toàn để ăn uống v.v.

 

Do vậy để chống ngập hiệu quả do TẮC CỐNG Ở ĐÂU ĐÓ, cần xây các bể ngầm thu hứng nước mưa phân tán, phi tập trung, nhằm cắt giảm nước đầu vào làm quá tải hệ thống thoát nước. Giải pháp các hồ chứa nước lớn, tập trung là cảm tính và không khả thi. Xem chi tiết tại bài: Giải pháp xây bề ngầm thu hứng nước mưa là khoa học, nhân văn, sinh thái và hiệu quả trong chống ngập (kích chuột để đọc chi tiết).

 

3) Tập trung nguồn lực cho phát triển các nhà máy khai thác nước mặt cấp nước, đảm bảo đầy đủ cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất. Từ đó chấm dứt hoàn toàn việc khai thác nước ngầm gây sụt lún. Vì cứ 10cm nền móng sụt lún, tương đương với 10cm mực nước biển dâng.

 

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 26/7/2020

Phần 3: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 2:VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 1: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC