NHỮNG THẤT BẠI CỦA KH-CN >SỰ GIA TĂNG LŨ, LỤT Ở MIỀN TRUNG LÀ DO CHÍNH SÁCH XĂNG E5
Ngày đăng: 18-10-2020 - 20:06:29

Hà Nội, ngày 17/10/2020

 

Kính gửi:

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Bộ trưởng Bộ Công thương

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(về Sự gia tăng lũ, lụt ở miền Trung là do chính sách xăng E5 và Bộ Giao thông Vận tải gây ra)

 

Tôi tên là Nguyễn Đức Thắng, cán bộ Nhà nước về hưu năm 2008, có quá trình công tác, khởi đầu tại Viện Kỹ thuật quân sự, tiếp đến là Viện Khoa học Việt Nam và cuối cùng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Hiện cả đất nước đang hướng về LŨ, LỤT MIỀN TRUNG, chia sẻ những đau thương và mất mát với đồng bào miền Trung. Đã nhiều năm rồi, Thủ tướng Chính phủ thường kêu gọi nhân dân cả nước quyên góp tài chính và vật chất gửi chia sẻ với miền Trung. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn luôn QUI KẾT CHO ÔNG TRỜI ĐỔ MƯA QUÁ  NHIỀU, QUÁ LỚN.

 

Tôi nghĩ ngược lại. Ngày xưa cũng có mưa quá nhiều, quá lớn, nhưng ít lũ và ít ngập lụt ở miền Trung. Nhưng ngày nay thì lũ và lụt nhiều hơn. Sự gia tăng này là do con người gây ra, hoàn toàn không phải do ông Trời. Tôi luôn cầu mong các nhà khoa học của đất nước phải nghĩ và làm cái gì đó để giảm nhẹ những đau thương và thiệt hại cho đồng bào miền Trung. Mỏi mắt hy vọng nhưng tôi không thấy dấu hiệu của sự tiến bộ, ngược lại còn nhìn thấy khả năng gia tăng những đau thương và mất mát trong những năm tới.

 

Tôi thấy mình phải có trách nhiệm gửi thư này (đính kèm là bài viết phân tích chứng minh “Sự gia tăng lũ, lụt ở miền Trung là do chính sách xăng E5 và Bộ Giao thông Vận tải gây ra” tới Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét và có nguyện vọng mong nhận được ý kiến trả lời.

 

Xin chân thành cám ơn.

Kính thư,

 

Nguyễn Đức Thắng

=========================================

 

SỰ GIA TĂNG LŨ, LỤT Ở MIỀN TRUNG LÀ DO CHÍNH SÁCH XĂNG E5 VÀ BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI GÂY RA

 

 

Hôm nay ngày 16/10/2020 trên Facebook của tôi xuất hiện bài thơ LŨ Ở MIỀN TRUNG của tác giả Nguyễn Văn Hồng đăng ngày 16/10/2016, cách đây tròn 04 năm (xem toàn văn ảnh dưới).

 

 

 

Thế mà tính thời sự nóng bỏng và thảm họa của nó được tác giả mô tả rất chính xác cho đến ngày hôm nay và tôi đoán sẽ còn đúng nhiều năm nữa trong tương lai, NẾU CHÍNH SÁCH XĂNG E5 VÀ BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI KHÔNG CÓ NHỮNG CHỈNH SỬA VÀ QUAN TÂM THÍCH ĐÁNG.

 

Hiện cả đất nước đang hướng về LŨ, LỤT MIỀN TRUNG, chia sẻ những đau thương và mất mát với đồng bào miền Trung (song trùng với những ngày mà Đảng bộ các địa phương tổ chức Đại hội theo kế hoạch). Đã nhiều năm rồi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ thường kêu gọi nhân dân cả nước quyên góp tài chính và vật chất gửi chia sẻ với miền Trung. Tôi luôn cầu mong các nhà khoa học của đất nước phải nghĩ và làm cái gì đó để giảm nhẹ những đau thương và thiệt hại cho đồng bào miền Trung. Mỏi mắt hy vọng nhưng tôi không thấy dấu hiệu của sự tiến bộ, ngược lại còn nhìn thấy khả năng gia tăng những đau thương và mất mát trong những năm tới.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đầy quyền uy và trí tuệ luôn QUI KẾT CHO ÔNG TRỜI ĐỔ MƯA QUÁ  NHIỀU, QUÁ LỚN. Các nhà khoa học Thủy lợi vỗ tay hoan hô. Một logic đơn giản và hiển nhiên như vậy nên vô vàn người vỗ tay ủng hộ.  Lịch sử và truyền thống của Bộ NN&PTNT là “Mất mùa bởi tại thiên tai, được mùa bởi tại thiên tài Bộ Nông”. Điều này được minh chứng bằng những tòa nhà lưu trữ báo chí cũ nhiều năm tháng, mọi người vào đọc sẽ rõ. Tất cả là do ông Trời gây ra!!! Chính sách xăng E5 và Bộ Giao thông Vận tải lại càng xa vời nữa, không mảy may liên quan đến nguyên nhân làm gia tăng lũ, lụt. Ai nói ý kiến ngược lại quan điểm của Bộ NN&PTNT là người không hiểu biết, không có tinh thần xây dựng. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đã ký công thư số 1376/TCTL-QLCT ngày 28/7/2020, trả lời những kiến nghị của tôi tại bài “SỰ GIA TĂNG HẠN, MẶN VÀ NGẬP ÚNG TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG LÀ DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN GÂY RA” (Chi tiết xin xem tại website nguyenducthang.vn chuyên mục THỦY LỢI và ĐBSCL).

 

Tôi nghẹn lòng viết những dòng phân tích dưới đây, chứng minh rằng MƯA LỚN LÀ DO ÔNG TRỜI, NHƯNG SỰ GIA TĂNG LŨ, LỤT Ở MIỀN TRUNG LÀ DO CON NGƯỜI GÂY RA; DO CHÍNH SÁCH XĂNG E5 VÀ BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI LÀM ĐƯỜNG GÂY RA.

 

Lũ khác với lụt. Lũ là dòng nước mưa chảy tràn bề mặt với lưu lượng lớn. Lụt là do lũ bị chặn lại, bị tắc, không chảy thoát đi được, gây ngập lụt. Lũ là nguyên nhân, lụt là hệ quả. Ngày xưa cũng có mưa nhiều, mưa lớn, nhưng ít lũ và ít ngập lụt ở miền Trung. Ngày nay thì lũ và lụt nhiều hơn. Sự gia tăng này là do con người gây ra, hoàn toàn không phải do ông Trời. Đó là một quan điểm trái chiều. Nếu sai, xin các Bộ trưởng đưa ra những lập luận khoa học để chỉ bảo. Tôi sẽ tiếp thu, sửa chữa và mong được lượng thứ. Nếu không chứng minh được tôi sai, kính mong các Bộ trưởng hãy triển khai thực hiện để giảm nhẹ đau thương, mất mát gây ra cho nhân dân miền Trung.

 

Tôi hiểu một cách phổ quát là các chính trị gia, các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học trên Thế giới ít khi đổ lỗi cho ông Trời, từ đó thôi không nghĩ gì khác nữa.  Họ thường nghĩ do con người gây ra, để tìm giải pháp có hiệu quả chấm dứt khổ đau, thiệt hại cho dân. Một ví dụ rất cụ thể và nóng hổi hiện nay là BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU (Climate change).

 

Thế giới không đổ lỗi cho ông Trời. Họ đã trăn trở suy nghĩ nhiều năm tháng và tìm ra nguyên nhân đúng, chính xác, chỉ đích danh: 100% DO CON NGƯỜI GÂY RA (anthropogenic activity), do NHỮNG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ PHI SINH THÁI, KHÔNG THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG MÀ CÁC CHÍNH PHỦ BAN HÀNH GÂY RA.

 

BĐKH là hệ quả trực tiếp của hiện tượng TRÁI ĐẤT ĐANG ẤM DẦN LÊN. Dự báo đến cuối Thế kỷ 21 (năm 2100) nhiệt độ bình quân của Trái đất sẽ tăng 2oC  so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Hệ quả là băng tuyết ở các cực của Trái đất và trên núi cao đang tan chảy với tốc độ nhanh. Dự báo đến cuối năm 2100 mực nước biển sẽ dâng khoảng 60cm – 80cm, nếu như Thế giới không triển khai biện pháp ngăn chặn.

 

Đến nay, tất cả các nhà khoa học trên Thế giới thống nhất nguyên nhân của BĐKH là do con người đã phát thải quá nhiều cac bon vào khí quyển, thông qua việc (I) Sử dụng nhiên liệu hóa thạch, burning fossil fuels (than, xăng, dầu, khí ga) và (II) Thay đổi sử dụng đất, land use change (chuyển đổi đất rừng, thảm thực vật thành đất trồng cây công nghiệp, đất đô thị, khu công nghiệp, đường giao thông,  v.v..). Hai loại hoạt động này nghe có vẻ xa lạ, chẳng liên quan đến lũ, lụt và BĐKH. Bộ NN&PTNT và Bộ Giao thông Vận tải có thể không tin. Nhưng đó là sự thật được khẳng định tại hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc COP 21 tại Paris (30/11 – 12/12/2015), đã đạt được thỏa thuận lịch sử. Các nguyên thủ của 195 nước (trong đó có Việt Nam) cam kết cắt giảm phát thải cacbon để cứu Trái đất. Buộc con người (Chính phủ) phải thay đổi phương thức phát triển đang gây hại cho Trái đất, để cứu chính con người.

 

 

I. SỰ GIA TĂNG LŨ, LỤT LÀ DO CHÍNH SÁCH XĂNG E5 GÂY RA

 

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ tính riêng trong vòng 5 năm (từ 2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 0,3 triệu ha; độ che phủ của rừng giảm 6,1%. Các nguyên nhân chính là do chuyển đổi rừng và phá rừng để trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả; xây thủy điện, hạ tầng giao thông, công trình công cộng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, sản xuất nông nghiệp.

 

Theo Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007 về việc phê duyệt Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 1,8 triệu tấn (tương đương 2 triệu m3), đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

 

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã triển khai xây dựng 3 nhà máy tai tiếng sản xuất ethanol, lên men từ tinh bột sắn, có tổng công suất 3x100.000m3 ethanol/năm, đặt tại 3 miền của đất nước là Tam Nông (Phú Thọ), Dung Quất và Bình Phước, để phối trộn với xăng RON 92 theo tỷ lệ 5% thành xăng E5.

 

Khi chưa có chính sách xăng E5, rất nhiều năm diện tích trồng sắn của cả nước “ổn định” ở mức 0,55 triệu ha, cho tổng sản lượng bình quân 9,7 – 10 triệu tấn củ tươi, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người và gia súc, cho xuất khẩu sang Trung Quốc. Cây sắn là cây “tham ăn” dinh dưỡng. Đã thành truyền thống người dân trồng sắn, sau vài ba vụ, đất bị bạc mầu, năng suất thấp, sẽ bỏ đất hoang, tiếp tục vào sâu trong rừng. Chỉ cần 1 mồi lửa đốt rừng khai phá mảnh đất mới để trồng sắn. Nhiều nơi còn phải bổ sung phân hóa học và thuốc trừ sâu mới có sắn thu hoạch.

 

Ngày xưa là đất rừng, thảm thực vật phủ kín mặt đồi núi, nên sau những cơn mưa, nước đổ về xuôi chậm và toàn là nước trong. Trung bình cứ 1 m2 đất rừng sau mưa có thể lưu giữ được đến 0,1m3 nước ngấm sâu vào đất (tương đương với lượng mưa 100mm sau khoảng 2 giờ). Như vậy, rừng và thảm thực vật hoạt động như một cái phanh giảm lũ. Ngày nay là những đồi trồng sắn mênh mông, đất luôn được cầy, cuốc, đào xới nên sau mỗi cơn mưa, toàn là nước đất, nước bùn đỏ ngầu ào ạt đổ về xuôi tạo nên những cơn lũ quét chớp nhoáng cuốn đi tất cả.

 

 

 

 

Để thực hiện đề án phát triển nhiên liệu sinh học tại Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg sẽ phải chuyển đổi 0,73 triệu đất rừng thành đất trồng sắn, các cây có dầu và còn phải xây dựng thêm nhiều nhà máy sản xuất ethanol nữa. Rừng từ trước đến nay đã rất khó bảo vệ. Chính sách xăng E5 là một công cụ, cái ô hợp pháp để rừng bị phá mạnh hơn.

 

CHÍNH SÁCH XĂNG E5, CHỈ CÓ HOÁN ĐỔI 5 LÍT XĂNG RON92 BẰNG 5 LÍT ETHANOL ĐẮT GẤP 200%  ĐANG VÀ SẼ GÂY RA NHIỀU HỆ LỤY NGHIÊM TRỌNG CHO ĐẤT NƯỚC.

 

Những phân tích chi tiết so sánh việc thực hiện chính sách xăng E5 của Việt Nam đối nghịch với xăng E5 của Thế giới xin đọc tại website nguyenducthang.vn chuyên mục ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG.

 

II. DO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI GÂY RA

 

Đã thành thông lệ, Bộ, ngành nào cũng đòi hỏi tối đa những ưu tiên, cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư cho Bộ, ngành mình. Bộ nào cũng đặt lợi ích của ngành mình lên trên lợi ích của cả nước. Mọi dự án đều có câu kết luận “ĐẦU TƯ CHO DỰ ÁN LÀ CẦN THIẾT, CÓ HIỆU QUẢ”.

 

Một nguồn lực to lớn của đất nước được huy động đầu tư cho giao thông vận tải, từ Trung ương cho đến địa phương. Chúng ta có rất nhiều quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, xã lộ và các đường đi lại trong thôn. Một mạng lưới các đường giao thông đậm đặc, chằng chịt và đan chéo. Đối với Bộ Giao thông Vận tải, đương nhiên càng nhiều đường càng tốt; không cần quan tâm đến hiệu quả đầu tư và hiệu quả sử dụng.

Ở cấp quốc gia, trục giao thông Bắc – Nam chúng ta có tất cả 7 tuyến như dưới đây:

 

  1. Tuyến đường Hồ Chí Minh, dài 3.167km, bắt đầu từ Pác Bó (tỉnh Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) ở phía Tây của đất nước.
  2. Tuyến đường quốc lộ 1A, từ Lạng Sơn đến Cà Mau
  3. Tuyến cao tốc Bắc – Nam CT01, từ Hà Nội đến Cần Thơ đang cấp tốc đầu tư xây dựng
  4. Hệ thống đường ven biển
  5. Tuyến đường sắt từ Lạng Sơn đến thành phố Hồ Chí Minh
  6. Tuyến đường biển
  7. Đường hàng không

 

Thế mà Việt Nam đã nhiều năm nổi tiếng có chi phí logistics cho 1 tấn hàng xuất khẩu là đắt đỏ nhất Thế giới.

 

Miền Trung của đất nước gắn liền với dải núi Trường Sơn hùng vĩ, nối hai đầu Bắc – Nam. Đỉnh núi ở mé Tây dốc thoải đổ ra biển ở mé Đông. Đương nhiên mọi nước mưa đổ xuống nóc Trường Sơn ở mé Đông sẽ đều chảy ra biển. Dân cư tập trung phát triển chủ yếu ở các vùng duyên hải, ven biển. Mật độ giao thông cũng chủ yếu tập trung ở mé Đông của dải Trường Sơn.

 

Tuyến đường Hồ Chí Minh dài 3.167km, bắt đầu từ Pác Bó đến Đất Mũi có thể nói là tuyến đường phải trả giá đắt nhất về mất mát rừng, đa dạng sinh học. Hệ quả là lũ sẽ đổ về xuôi nhanh hơn. Tuyến đường làm xong chỉ để ngắm, để nhìn, thuận lợi cho lâm tặc phá rừng nhiều hơn. Công suất khai thác có 10%. Chi tiết được phản ánh nguyên văn tại ảnh dưới đây:

 

(nguồn: vi.wikipedia.org)

 

Thất bại trong việc giảm tải cho QL 1A, chuyển xe khách lên đường Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ cho làm trục cao tốc CT01 song song và gần với QL 1A.  CT01 được kỳ vọng sẽ là cao tốc tối tân, hiện đại nhất Việt Nam với những đầu tư không tiếc tiền.

 

Ngày xưa, ven các đường quốc lộ, nhà dân không dám bám dính vào mặt đường. Vì vậy xe có thể phóng nhanh và ít tai nạn giao thông. Dân sống ở trong các làng, thôn có đường dẫn nối ra quốc lộ. Đường giao thông thời gian đó như những nhành, cành của một cây lớn. Làng, thôn, cụm dân cư như những trùm hoa, lá của cây. Không có hiện tượng hoa lá bám theo, phát triển dọc hai bên trục thân, cành, nhánh. Hiện nay, các nước Châu Âu lại đang học tập mô hình phát triển đô thị và giao thông giống ông cha ta  ngày xưa. Đó là mô hình cây. Đi ở các nước Châu Âu chúng ta khó mà thấy hiện tượng nhà dân bám sát mặt đường quốc lộ như ở Việt Nam. Ở ta, chính quyền các địa phương đã bật đèn xanh cho các khu công nghiệp, khu đô thị, đương nhiên cả người dân nữa phát triển bám dính vào dọc hai bên mặt đường quốc lộ (liên tỉnh) và tỉnh lộ (liên huyện). Kết quả là quốc lộ 1A, hay quốc lộ 5 (Hà Nội – Hải Phòng) v.v.. nhà dân bám kín dọc hai bên đường. Giao lưu, đi lại của dân sở tại, từ mé đường bên này sang mé đường bên kia là chuyện đương nhiên, bình thường. Quốc lộ 1A hay QL5 đương nhiên trở thành những con đường “nội đô” dài nhất Thế giới, trở thành những con đường thấp tốc, vì nếu ô tô phóng nhanh dễ gây tai nạn giao thông.

 

Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải hạ quyết tâm phải có một con đường mới, cao tốc nối Hà Nội – Hải Phòng thay thế QL5. Hệ quả đi kèm một dải lớn đất nông nghiệp nguồn kiếm sống ổn định hàng ngày của dân phải bị chuyển đổi sang thành đất giao thông.

 

Đường Hồ Chí Minh là quốc lộ dài nhất Việt Nam đành phải để cho dân sở tại và lâm tặc khai thác sử dụng, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục hạ quyết tâm làm đường cao tốc CT01 hiện đại nhất Việt Nam, gần như song song với quốc lộ 1A để thay thế. Con đường này, sẽ làm nên tầm vóc hùng cường và vĩ đại của giao thông Việt Nam. Tất cả những thuyết minh, bảo vệ đều là rất đẹp: rất cần thiết, rất hiệu quả. Chính phủ là luôn đồng ý và Quốc hội cũng đồng ý. Vì là đường cao tốc nên con đường này sẽ né tránh tất cả các thành phố, đô thị. Bến đỗ tại các thành phố là ở ngoại ô. Một dải đất nông nghiệp rất rộng và rất dài từ Hà Nội đến thành phố Cần Thơ sẽ phải chuyển đổi sang đất giao thông.

 

Ngành giao thông là nhất rồi. Không một ngành kinh tế nào của đất nước được đầu tư nhiều nguồn lực như ngành giao thông. Hơn thế nữa phải đi trước một bước. Nếu ngân sách Nhà nước hết tiền, thì thực hiện dự án BOT. Chủ dự án BOT vay tiền ngân hàng đầu tư, sau đó thu “giá” BOT để trả lại ngân hàng. Ngành giao thông, từ Trung ương đến địa phương làm không hết việc, thoải mái xây quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ ở mé Đông của dải Trường Sơn.

 

Khi thiết kế con đường, không một chuyên gia nào nghĩ đến việc con đường mình đang thiết kế có ngăn cản dòng lũ chảy ở sườn Đông của dải Trường Sơn đổ ra sông và ra biển?. Không  một cán bộ phụ trách việc chống lũ, chống lụt của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến với Sở Giao thông Vận tải và nói rằng “Các anh ơi, vùng này, vùng kia bình thường là khô, nhưng là lối thoát khi có lũ lớn, mong các anh hãy đặt thêm các cống, tạo điều kiện cho lũ thoát tiếp về xuôi”. Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ dọc miền Trung phần lớn đều là những con đường chạy dọc theo hướng Bắc – Nam, đã vô tình trở thành đường chặn lối thoát của lũ ở sườn Đông chảy ra sông và ra biển.

 

Chừng nào Bộ NN&PTNT còn cả nể với Bộ Công thương đối với chính sách xăng E5, nhân nhượng với Bộ Giao thông Vận tải trong việc làm đường mà không làm cống ở những vùng rủi ro, nguy cơ ngập lụt cao, chừng ấy miền Trung còn những thiệt hại, tang tóc, đau thương.

 

MƯA TO, MƯA LỚN LÀ DO ÔNG TRỜI.  NHƯNG SỰ GIA TĂNG LŨ, LỤT LÀ DO CON NGƯỜI GÂY RA, DO CHÚNG TA GÂY RA.

 

Trân trọng cám ơn bạn đọc,

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 17/10/2020

NGUYÊN NHÂN TẠO RA LIÊN MINH CHẶT CHẼ DONALD TRUMP – VLADIMIR PUTIN
NGUYÊN NHÂN TẠO RA LIÊN MINH CHẶT CHẼ DONALD TRUMP – VLADIMIR PUTIN KẾT THÚC CUỘC CHIẾN UKRAINA
ÔNG DONALD TRUMP SÁP NHẬP CANADA VÀ ĐẢO GREENLAND
ÔNG DONALD TRUMP SÁP NHẬP CANADA VÀ ĐẢO GREENLAND
NGHẸT THỞ VÀ UỐNG NƯỚC
NGHẸT THỞ VÀ UỐNG NƯỚC
NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA 13 NĂM NỘI CHIẾN SYRIA
NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA 13 NĂM NỘI CHIẾN SYRIA
TỔNG THỐNG HÀN QUỐC YOON SUK YEOL SẼ PHẢI VÀO TÙ
TỔNG THỐNG HÀN QUỐC YOON SUK YEOL SẼ PHẢI VÀO TÙ