THỦY LỢI VÀ ĐỒNG BẰNG SCL >SỰ GIA TĂNG HẠN, MẶN VÀ NGẬP ÚNG TẠI ĐBSCL LÀ DO BỘ NN-PTNT GÂY RA
Ngày đăng: 10-05-2020 - 18:09:17

Hà Nội, ngày 10/5/2020

 

Kính gửi:

 

 

 

 

 

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bí thư và Chủ tịch UBND các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An

Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học – kỹ thuật Việt Nam (VUSTA)

 

(Về sự gia tăng hạn, mặn và ngập úng tại Đồng bằng sông Cửu Long là do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gây ra)

 

Tôi tên là Nguyễn Đức Thắng, cán bộ Nhà nước về hưu năm 2008, có quá trình công tác, khởi đầu tại Viện Kỹ thuật quân sự, tiếp đến là Viện Khoa học Việt Nam và cuối cùng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Những năm gần đây, hạn, mặn và ngập úng ngày càng gia tăng mạnh mẽ tại Đồng bằng sông Cửu Long, gây ra nhiều thiệt hại cho bà con nông dân, đặc biệt là đối với 8 tỉnh có mặt tiền là biển. Sự gia tăng này là hoàn toàn do con người gây ra, do chúng ta gây ra. Nguyên nhân là do chúng ta đã thực hiện một  nền nông nghiệp nghịch Thiên, phá bỏ hệ sinh thái tự nhiên ngàn năm đã có. Sống có mặt tiền là biển nhưng chúng ta đã quay lưng lại với biển, thực hiện một  nền nông nghiệp nước ngọt không hiệu quả, với vô vàn những đê bao, cống đập khép kín, sử dụng đến 80% tổng NSNN đầu tư cho toàn ngành nông nghiệp trong mấy thập kỷ qua.

 

Sông Mê Công là con sông lớn thứ 10 trên Thế giới đổ ra biển Đông với 9 cửa sông, hình thành nên Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Năm 2002 Bộ NN&PTNT đã bịt miệng cửa sông Ba Lai với mục đích ngăn mặn. Từ đó cho đến nay sông Ba Lai trở thành hồ dài chứa nước lợ bẩn tù túng, cùng với mọi nước thải và chất thải của dân cư. Hai năm gần đây, một số cây đa khoa học thủy lợi đã đưa ra đề xuất bị miệng hết tất cả 8 cửa sông còn lại. Hiện nay đang là Đồng bằng sông Bát Long. Sau này không biết gọi là đồng bằng gì Long nữa?

 

Dự án hệ thống thủy lợi cống đập Cái Lớn, Cái Bé giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư trên 3.309 tỉ đồng đang được xây dựng. Công trình sẽ bịt miệng cửa hai con sông quí đổ ra biển Tây, vào vịnh Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Bộ NN&PTNT đã bỏ qua ý kiến phản đối của rất nhiều nhà khoa học, trong đó có tôi,  đã bỏ qua những bài học thất bại của rất nhiều các công trình cống đập ngăn mặn, bịt miệng các kênh, rạch khác; vẫn tiến hành triển khai. Vì đã ký quyết định phê duyệt đầu tư thì phải đầu tư. Tiền đã có không dùng thì để làm gì.

 

Tôi kính mong Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT cho dừng dự án, thiệt hại ít còn hơn chịu thiệt hại liên tục trong vài thập kỷ tiếp theo. Đau ít vẫn đỡ hơn là đau nhiều.

 

Chúng ta cũng đã xóa bỏ hai đại hồ điều hòa là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười mà ông Trời đã đã ban tặng cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Đại hồ điều hòa có tác dụng tích trữ nước vào mùa nước nổi, giảm úng ngập trong mùa mưa; vào mùa khô lại nhả nước ra từ từ cho bà con nông dân có nước sử dụng, thích ứng với hạn, mặn.

 

Xin kính trình các Quí lãnh đạo bài viết của tôi với 90 Thực tế/Sự thật được liệt kê ra để chứng minh rằng sự gia tăng hạn, mặn và ngập úng tại Đồng bằng sông Cửu Long là do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gây ra; thực hiện một nền nông nghiệp trị Thiên không hiệu quả sẽ chỉ làm cho đất nước Việt Nam thua kém các nước trong khu vực.  Trong phát triển kinh tế chúng ta rất cần tôn trọng Qui luật hiệu quả. Vì không hiệu quả, nếu chỉ nhằm xóa đói, giảm nghèo; sẽ chỉ xóa được đói, nhưng giảm nghèo thì rất khó.

Xin trân trọng cám ơn.

Nguyễn Đức Thắng

Địa chỉ thường trú: 

Điện thoại:  Email: ndthangndt@yahoo.com

===============================================================================

 

SỰ GIA TĂNG HẠN, MẶN VÀ NGẬP ÚNG TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG LÀ DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN GÂY RA

TS. Nguyễn Đức Thắng

(nguyên Phó chánh văn phòng Phát triển bền vững quốc gia)

 

TÓM TẮT:

 

Những năm gần đây, hạn, mặn và ngập úng ngày càng gia tăng mạnh mẽ tại Đồng bằng sông Cửu Long, gây ra nhiều thiệt hại cho bà con nông dân, đặc biệt là đối với 8 tỉnh có mặt tiền là biển (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An). Sự gia tăng này là hoàn toàn do con người gây ra, do chúng ta gây ra. Nguyên nhân là do chúng ta đã thực hiện một  nền nông nghiệp nghịch Thiên, phá bỏ hệ sinh thái tự nhiên ngàn năm đã có. Sống có mặt tiền là biển nhưng chúng ta đã quay lưng lại với biển, thực hiện một  nền nông nghiệp nước ngọt không hiệu quả, với vô vàn những đê bao, cống đập khép kín, sử dụng đến 80% tổng NSNN đầu tư cho toàn ngành nông nghiệp trong mấy thập kỷ qua.

 

Sông Mê Công là con sông lớn thứ 10 trên Thế giới đổ ra biển Đông với 9 cửa sông, hình thành nên Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Năm 2002 Bộ NN&PTNT đã bịt miệng cửa sông Ba Lai với mục đích ngăn mặn. Từ đó cho đến nay sông Ba Lai trở thành hồ dài chứa nước lợ bẩn tù túng, cùng với mọi nước thải và chất thải của dân cư. Hai năm gần đây, một số cây đa khoa học thủy lợi đã đưa ra đề xuất bị miệng hết tất cả 8 cửa sông còn lại. Hiện nay đang là Đồng bằng sông Bát Long. Sau này không biết gọi là đồng bằng gì Long nữa?

 

Chúng ta cũng đã xóa bỏ hai đại hồ điều hòa là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười mà ông Trời đã đã ban tặng cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Đại hồ điều hòa có tác dụng tích trữ nước vào mùa nước nổi, giảm úng ngập trong mùa mưa; vào mùa khô lại nhả nước ra từ từ cho bà con nông dân có nước sử dụng, thích ứng với hạn, mặn.

 

Bài viết đã liệt kê ra 90 Thực tế/Sự thật (TT/ST) để chứng minh rằng sự gia tăng hạn, mặn và ngập úng tại Đồng bằng sông Cửu Long là do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gây ra.

 

I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

 

Thực tế/Sự thực (TT/ST) 1: Tác động xâm nhập mặn đến từ biển Đông và biển Tây ở  8 tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An) là chuyện của thiên nhiên đã có từ ngàn năm. Có thể nói BIỂN LÀ MẶT TIỀN của các tỉnh này. Địa hình vùng này là khá bằng phẳng, độ cao bình quân khá thấp, khoảng 1 – 3m. Mực nước biển được Thế giới qui làm chuẩn mốc, có độ cao bằng 0m. Mạng lưới kênh, rạch dọc, ngang chằng chịt. Độ cao của các đáy sông bình quân từ âm (– 10 m  – 20m). Độ cao của các đáy kênh rạch lớn bình quân từ âm (– 3m  – 5m).

 

 

TT/ST 2:  Bờ biển Đông từ năm 1968 đến nay (hơn 50 năm) là liên tục sạt lở để bồi bờ biển Tây khá nhiều (xem ảnh dưới). Nên coi đây là qui luật “Bờ biển Đông lở để bồi bờ Tây”. Qui luật này do TS. Anjali Acharya, WB, phát hiện ra cho Việt Nam. Vì WB có kho tàng ảnh vệ tinh lưu trữ từ nhiều năm. Chính vì vậy, nếu báo chí có nêu đoạn nào đó ở bờ Tây sạt lở, thì không nên coi đó là điều quan ngại, vì đó chỉ là đoạn chưa ổn định, sạt lở tạm thời, trong quá trình bồi thêm mà thôi. Chính vì qui luật này nên nếu đổ nhiều tiền của để xây đê, bảo vệ bờ biển Tây sẽ là lãng phí.

 

Đường đỏ là bờ biển năm 1968. Đường đen là bờ biển năm 2011

(Nguồn: TS. Anjali Acharya, WB, báo cáo tại Hội nghị về Phát triển bền vững vùng ĐBSCL trước những thách thức của biến đổi khí hậu, ngày 26 – 27/9/2017 tại Cần Thơ)

 

TT/ST 3: Biển Đông có chế độ bán nhật triều không đều, biên độ của triều trung bình +/- (1,2 đến 1,7m). Biển Tây có chế độ nhật triều không đều và rất yếu, biên độ của triều trung bình +/- (0,3 đến 0,5m). Vì vậy, tác động của xâm nhập mặn đến từ biển Đông lớn gấp 3 lần so với đến từ biển Tây. Xét từ góc độ “tần suất” cũng là gấp 2 lần so với biển Tây. 

 

TT/ST 4: Nước biển và đại dương gồm 96,7% là nước tinh khiết (H2O), xáo trộn đồng đều với 3,0% chủ yếu là muối ăn (NaCl, hay 30g/L, 30%o, hay 30 phần nghìn) thành 99,7%, còn lại 0,3% cho tất tật mọi chất tan khác có thể do con người xả thải vào biển và từ tự nhiên (mưa, lũ rửa trôi bề mặt) đã, đang và sẽ đổ vào biển ngàn năm nay (Nguồn: en.wikipedia.org)

 

TT/ST 5: Xâm nhập mặn “tự nhiên” vào sâu đến đâu chủ yếu phụ thuộc vào địa hình, chế độ thủy văn tại vùng cửa sông, tương tác giữa dòng nước ngọt của sông đổ ra và thủy triều tiến vào. Khi nước sông thượng nguồn đổ về nhiều sẽ đẩy ngăn chặn không cho nước biển vào sâu. Khi nước sông về ít, nước biển mặn sẽ tiến vào sâu hơn. Ở dưới sẽ nói về xâm nhập mặn “nhân tạo” do con người tạo ra.

 

TT/ST 6: Vì tỷ trọng nước mặn nặng hơn nước ngọt nên độ mặn của  nước tăng dần từ bề mặt nước xuống đáy sông. Nôm na “Nước mặn do nặng ở dưới, nước ngọt vì nhẹ ở trên”. Thiên nhiên, môi trường sinh thái của 8 tỉnh có mặt tiền là biển, là cân bằng của nước ngọt - lợ - mặn đã ngàn năm.

 

TT/ST 7: Trong nước luôn có một tổng lượng các muối hòa tan, chủ yếu là muối ăn chlorua natri (NaCL). Thế giới định nghĩa về độ mặn các loại nước như sau: Khi nồng độ muối nhỏ hơn 1g/L (còn gọi là 1 phần nghìn, 1ppt hay 1%o) sẽ được gọi là nước ngọt. Nước có độ mặn từ 1g/L – 10g/L gọi là nước lợ. Nếu độ mặn lớn hơn 10g/L gọi là nước mặn. Nước đại dương, nước biển Đông luôn có nồng độ muối trung bình 30 - 33g/L. Vì Bộ NN&PTNT đã chọn cây lúa là chủ lực cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vì cây lúa có thể chịu được độ mặn 4g/L  nên độ mặn 4g/L được coi là ranh giới mặn ở ĐBSCL.

 

 

TT/ST 8: Nước biển, triều dâng khi đi sâu vào sông, hai thứ nước sẽ xáo trộn, hình thành nên vùng nước lợ - mặn, với độ mặn giảm dần từ 30g/L vào sâu trong sông đến nước ngọt (dưới 1g/L). Khi nước sông về nhiều sẽ đẩy thủy triều, “ngăn” không cho nước biển vào sâu. Ngược lại, khi nước thượng nguồn về ít, nước biển sẽ đi vào sâu hơn.

 

TT/ST 9: Lớp đất bề mặt qua nhiều năm tháng được nước mưa “rửa” nên bớt mặn, trở thành vùng đất ngọt – lợ. Như vậy, tạo hóa đã tạo nên vùng nước lợ, cân bằng mặn – ngọt hàng ngàn năm với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, điển hình, đặc trưng của vùng, cũng là sinh kế cơ bản quanh năm ngày tháng của nhiều đời người dân ở vùng có mặt tiền là biển.

 

TT/ST 10: Sông Mê Công là con sông lớn thứ 10 trên Thế giới, có tổng diện tích lưu vực sông là 795.000km2, bắt nguồn từ mé đông của cao nguyên Tây Tạng, đổ ra biển qua 9 cửa sông tại Đồng bằng sông Cửu Long, dài gần 5.000km, trong đó có 2.000km chảy trên đất Trung Quốc. Tổng lượng nước của sông bình quân hàng năm là 475 tỷ m3. Trong đó Trung Quốc đóng góp 16%, Myanmar 2%, Lào 35%, Thái Lan 18%, Căm pu chia 18% và Việt Nam 11% (từ các nhánh sông ở Tây Nguyên đổ sang Căm pu chia) chảy vào sông Mê Công.

 

TT/ST 11: Phân bố dòng chảy trong năm là rất không đều: MÙA KHÔ chỉ có 10 – 20%, MÙA MƯA chiếm đến 80 – 90% của cả năm. Số đo tại trạm Kratie (Căm pu chia), trạm đầu nguồn đổ vào Việt Nam (qua Tân Châu và Châu Đốc), trung bình từ năm 2000 – 2017, lưu lượng vào mùa mưa từ 15.000m3/s – 32.000m3/s; vào mùa khô 4.000m3/s – 5.000m3/s. Vào mùa khô, do lượng tuyết tan chảy ở  cao nguyên Tây Tạng, nên dòng chảy từ phía Trung Quốc về xuôi, đóng góp hơn 24% tổng lượng dòng chảy mùa khô của toàn sông Mê Công. (Nguồn: Ủy hội sông Mê Công: State of the Basin report 2018, SOBR)

 

TT/ST 12: Nền móng toàn vùng ĐBSCL được hình thành từ phù sa trộn lẫn nước lợ và nước ngọt, lớp nọ đè lớp kia. Do vậy nước ngầm nhiều nơi là nước ngầm lợ và mặn. Tại các tỉnh ven biển luôn tồn tại hiện tượng nước biển thấm sâu vào đáy, hình thành nên dòng nước biển ngầm “tấn công” vào sâu trong đất liền và pha trộn với nước ngầm ngọt nếu có. Như vậy, xâm nhập mặn tại 8 tỉnh ven biển luôn song tồn đã ngàn năm, hai dạng xâm nhập mặn a) nước bề mặt và b) nước ngầm, dưới đất.

 

 

TT/ST 13: Bờ sông, bờ đê, bờ bao cũng đều được hình thành từ bùn, cát, phù sa LÀ NHỮNG VẬT LIỆU KHÔNG CÓ KẾT DÍNH, nên sạt lở khi có dòng chảy là chuyện đã có từ ngàn năm. Các cụ ngày xưa thường nói “Dòng sông bên lở bên bồi, hay hết bồi lại lở” là qui luật tự nhiên của ĐBSCL rồi. Nếu các bờ sông ở ĐBSCL mà không thấy lở, không thấy bồi mới là kỳ lạ.

TT/ST 14:  Cùng với nước thượng nguồn sông Mê Công đổ vào Việt Nam, trung bình từ năm 2000 – 2017, dòng chảy vào mùa mưa từ 15.000m3/s – 32.000m3/s; vào mùa khô 4.000m3/s – 5.000m3/s, còn có lượng nước mưa tại chỗ rơi trên ĐBSCL. Dưới đây là bảng tính lượng mưa bình quân tháng (mm) và tổng lượng mưa (tỷ m3) toàn ĐBSCL cho từng tháng, dựa trên số liệu mưa tại bài viết “Mưa ở Đồng bằng sông Cửu Long” của tác giả Lê Anh Tuấn, Đại học Cần Thơ, đăng tại website Mekonginfo.org. Diện tích vùng ĐBSCL theo số liệu của Tổng cục Thống kê là 40.547km2. Kết quả cho thấy 5 tháng mùa khô, thấp nhất là tháng 2 tổng lượng nước mưa toàn vùng là 0,23 tỷ m3, và cao nhất là tháng 4 với 3,55 tỷ m3. Tổng lượng mưa của 5 tháng mùa khô, từ tháng 12 cho đến hết tháng 4 tại ĐBSCL là 8 tỷ m3.

 

Đối với mùa mưa: Cao nhất là tháng 10 tổng lượng nước mưa toàn vùng là 11,4 tỷ m3, và thấp nhất là tháng 11 với 6,5 tỷ m3. Tổng lượng mưa của 7 tháng, từ tháng 5 cho đến hết tháng 11 tại ĐBSCL sẽ là 63 tỷ m3, gấp 8 lần mùa khô.

 

 

TT/ST 15: KHÍ HẬU NGÀN NĂM LÀ MƯA THUẬN GIÓ HÒA. Do vậy những vùng MẶN, LỢ VÀ NGỌT cũng là ổn định lâu dài là chủ yếu. Người dân đã quen “trông trời, trông nắng, trông mây” để canh tác. Họ đã ngàn năm thực hiện canh tác thuận Thiên, nông nghiệp sinh thái thuần khiết hữu cơ, phù hợp với nước mặn, lợ, ngọt, với mùa nước nổi (mùa mưa) và mùa nước kiệt (mùa khô).

 

TT/ST 16: Người dân cũng đã biết ứng xử với cảnh THỜI TIẾT sớm nắng, chiều mưa. Tuy nhiên hiện tượng thời tiết phập phùng như vậy chỉ là ngắn hạn, một vài năm, ví dụ Elnino v.v.. Do vậy, nếu lấy điều kiện thời tiết ngắn hạn làm căn cứ để hoạch định chính sách dài hạn trong tương lai sẽ là tai hại.

 

TT/ST 17:  Thiên nhiên đã ngàn năm ban tặng cho hạ lưu sông Mê Công 3 ĐẠI HỒ ĐIỀU HÒA là Tonle Sap ở Căm pu chia; Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên ở Việt Nam. Tổng diện tích hai đại hồ điều hòa Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên gần 1,2 triệu ha. Gọi là đại hồ ĐIỀU HÒA vì vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về được tích trữ vào đại hồ, không gây ngập lụt cho hạ lưu. Vào mùa khô, nước từ đại hồ lại nhả ra từ từ, đổ về xuôi cho người dân có nước sử dụng và góp phần chống hạn mặn.

 

TT/ST 18:  Đồng Tháp Mười có diện tích 697.000 ha, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng tháp, trong đó tỉnh Long An chiếm quá nửa. Đồng Tháp Mười được bao quanh bởi các giồng đất cao ven biên giới Việt Nam – Căm Pu Chia và đê tự nhiên dọc bờ tả sông Tiền về xuôi, rẽ trái vào đường quốc lộ 1A, đến thị trấn Tân Hiệp (Tiền Giang), theo quốc lộ 1A đến thành phố Tân An (Long An) rồi đến sông Vàm Cỏ Đông (nguồn Vi.wikipedia.org/wiki/).

 

TT/ST 19:  Tứ giác Long Xuyên là vùng đất hình tứ giác trũng, ngập nước có diện tích rộng 489.000 hecta. Tứ giác Long Xuyên nằm trên địa phận của tỉnh Kiên Giang, An Giang và thành phố Cần Thơ. Bốn cạnh của tứ giác này là biên giới Việt Nam - Campuchia, đường ven biển Hà Tiên – Rạch Giá, kênh Cái Sắn và đoạn sông Hậu từ Châu Đốc đến Long Xuyên. Vùng tứ giác Long Xuyên vào mùa nước nổi thường ngập trong nước với độ sâu từ 0,5 đến 2,5 mét (nguồn Vi.wikipedia.org/wiki/). Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, hàng năm mỗi vùng ngập sâu đến 3,5m (nguồn: Tienphong.vn ngày 11/01/2017 06:51 bài “Sản xuất lúa 3 vụ khiến nông dân nghèo đi”).

 

TT/ST 20:  Ngàn năm ngày xưa, người dân vùng này không có khái niệm LŨ, chỉ gọi là MÙA NƯỚC NỔI. Vì chưa bao giờ có lũ làm chết trâu, bò, lợn gà và nhà cửa cuốn trôi như ở miền Bắc hay miền Trung. Khái niệm LŨ do các nhà khoa học Thủy lợi ngoài Bắc mang vào.

 

TT/ST 21:  Vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11), nước từ thượng nguồn sông Mê Công NẠP TỪ TỪ VÀO 3 ĐẠI HỒ ĐIỀU HÒA, đồng nghĩa với khối lượng rất lớn nước ngọt quí hiếm được tích trữ, không cho đổ tuột ra biển. Vào mùa nước kiệt (tháng 12 đến tháng 4), nước ngọt từ 3 đại hồ điều hòa nhả từ từ về xuôi, giúp cho bà con 8 tỉnh ven biển có nước ngọt sản xuất, chống hạn và đẩy mặn ra xa.

 

TT/ST 22:  Mùa nước nổi về ban tặng cho người dân những thứ sau:

  1. Nhiều phù sa, dinh dưỡng chăm bón cho các loài động thực vật thủy sinh.
  2. Nhiều loài tôm cá, như cá linh, cá sặc, cá rô phi, rô đồng, cá lóc, tôm càng xanh, cua, ốc, lươn, chạch rất đa dạng và phong phú. Mọi chất thải của tôm cá, lắng xuống trở thành những bùn dưỡng chất cho vụ lúa năm sau bội thu.
  3. Nhiều loài cây rau, hoa khác nhau, đặc biệt là khi nước nổi thì hoa lá cũng nổi. Điển hình cây bông điên điển, bông súng, hẹ nước là những hoa rau đặc sản của ĐBSCL.
  4. Những loài động, thực vật kể trên lại là nguồn thức ăn tự nhiên cho chăn nuôi vịt.
  5. Với những vùng đất phèn, chua, mặn thì nước ngọt về giúp cho việc thau chua, rửa mặn, làm vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị tốt cho vụ cấy lúa tiếp theo.
  6. Phù sa và những chất thải động thực vật trên đồng lại là những nguồn phân hữu cơ cho lúa hoặc rau màu vụ tiếp theo. Cây lúa đã được chăm bón bằng loại “phân chuồng”, hoàn toàn không phải phân hóa học như đạm, lân, kali. Như vậy, Mùa nước nổi đã tạo nên một nền nông nghiệp thuần khiết hữu cơ, thực sự là nông nghiệp sinh thái.

 

TT/ST 23: Người dân đã ngàn năm sống no đủ, hạnh phúc giản đơn với 2 mùa nước này. Mùa nước kiệt thì đồng lúa vàng mênh mông thơm phức. Vào Mùa nước nổi thì tôm, cá, cua, ốc, các loại rau, hoa về đầy đồng. Chúng tự sinh sôi nẩy nở, tự phát triển theo một qui luật của tự nhiên là “chuỗi và mạng lưới thức ăn” (food chain and food web). Con người không phải chăm sóc, không phải nuôi trồng, không phải bón phân hóa học và phun thuốc trừ sâu, người dân chỉ có nô nức đi đánh bắt, thu hoạch (tương tự như ra biển đánh bắt hải sản).

 

TT/ST 24: Trong nhân dân có câu “Ăn sướng nhất là người đánh giậm”, có nghĩa là nhà nông luôn có thực phẩm tươi sống ngoài vườn, trong chuồng, dưới ao. Khi cần chỉ việc ra hái,  bắt, vớt; nấu nướng xong ăn liền. Người dân ĐBSCL chưa bao giờ có khái niệm ăn thức ăn công nghiệp, sản xuất trước, đựng trong hộp (thủy tinh, kim loại, nhựa, giấy), có đat sử dụng 2 tháng, tính từ ngày sản xuất, với điều kiện phải bảo quản trong tủ lạnh, mặc dù trong hầu hết các thực phẩm sản xuất công nghiệp đều có chứa các chất hóa học tổng hợp, được gọi bằng cái tên “chất ổn định” giúp ức chế quá trình lên men, gây vữa, chua, thối hỏng. Như vậy, thực sự sông, nước, vườn, ao, chuồng ĐBSCL là một “tủ lạnh” thiên nhiên khổng lồ, không cần điện, cho nhiều triệu người dân; đồng thời cũng là một “máy điều hòa nhiệt độ” thiên nhiên khổng lồ, không cần điện cho người dân. Một cuộc sống thân thiện môi trường, sinh thái thuần khiết.

 

TT/ST 25:  Đã ngàn năm, lượng nước thượng nguồn sông Mê Công đổ về cộng thêm với lượng mưa tại chỗ và thủy triều đã tạo nên hạn – mặn – úng ngập do khí hậu và thời tiết (do thiên nhiên) gây ra. Thời tiết có những yếu tố bất thường một hai năm, nhưng khí hậu thì ổn định lâu dài. Do vậy, những năm gần đây, Bộ NN&PTNT cùng đài báo hầu hết đều qui tội cho BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU là không hợp lý. Vì tiến trình BĐKH đang diễn ra là vô cùng nhỏ, không có chuyện ào ạt, mạnh mẽ, dữ dội. Nhiệt độ bình quân của Trái đất trải qua hơn 100 năm mới tăng có 1oC. Các đợt gió mùa, hướng gió, cũng như mùa mưa đến và mùa mưa đi, vẫn vậy, vẫn như ngày xưa. Mực nước biển dâng thêm lên tối đa cũng chỉ 2cm (bằng móng tay).

 

TT/ST 26:  Cộng đồng Thế giới hiểu chống biến đổi khí hậu chính xác là trị nguyên nhân gốc rễ, cắt giảm phát thải cac bon (khí CO2), thực thi thỏa thuận Paris 2015. Trái ngược, Việt Nam đang thực hiện chống biến đổi khí hậu bằng đẩy mạnh phát thải cac bon (Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016 phê duyệt Qui hoạch phát triển Điện lực đã xác định nhiệt điện than trong tương lai sẽ đóng vai trò trụ cột kinh tế của đất nước) và đang rất tích cực đổ nhiều tiền của xây đê bao, cống đập chống mực nước biển dâng. Do vậy, chúng ta chậm tiến là phải.

 

II. TRÊN THẾ GIỚI KHÔNG TỒN TẠI ĐẬP HỒ THỦY ĐIỆN ĂN NƯỚC

 

TT/ST 27:  Sau đợt hạn mặn khốc liệt năm 2015, trong tư duy chúng ta đã đóng đinh rất chắc vào cột: Hạn mặn gần đây là do các đập hồ thủy điện ở thượng nguồn gây ra. Đài báo, truyền thông đại chúng còn viện dẫn ý kiến của một vài chuyên gia Mỹ (công ty Eyes on Earth) và Thái Lan kết luận 8 đập hồ thủy điện của Trung Quốc đã giữ khoảng 40 tỷ m3 nước vào mùa khô là nguyên nhân làm cho Lào, Thái Lan, Căm pu chia và Việt Nam thiếu nước, hạn hán gây ra bao nhiêu thiệt hại cho nông dân vùng hạ lưu, là nguyên nhân gia tăng xâm nhập mặn tại 9 cửa sông ở ĐBSCL. Lòng căm thù ở bạn đọc nổi dậy, mặc cho đó là lượng mưa rơi trên đất nước thiên hạ cũng rất là khan hiếm, nước mưa quí của người ta. Việt Nam chỉ đóng góp có 11% thôi.

 

 

TT/ST 28:  Đổ lỗi cho 9 đập hồ thủy điện thủy điện tại Lào, và 2 tại Căm pu chia. Trong khi báo chí và một số các nhà khoa học thủy lợi viết bài hết lời ca tụng công lao của ngành Thủy lợi, ngốn đến 80% tổng kinh phí của Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp (Nguồn: WB Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2016: Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào). Thậm chí còn đảo chính cả lịch sử, coi Việt Nam thoát khỏi đói ăn, trở thành cường quốc xuất khẩu gạo là do ngành Thủy lợi.

 

TT/ST 29:  Chuyện Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ông Kim Ngọc, “Cha đẻ” của khoán hộ trong nông nghiệp đã đi vào lịch sử của đất nước. Ông vô cùng đau đớn thấy nhiều năm liền ruộng đồng mầu mỡ tốt tươi, thủy lợi tưới tiêu đầy đủ, thế mà nông dân vẫn đói ăn. Nông dân đi làm được “rong công, phóng điểm”. Ra đồng buổi sáng, nghỉ trưa, chiều về đều theo tiếng kẻng gõ ở đầu làng. Hình ảnh người nông dân “giơ cuốc lên, nhưng nghe thấy tiếng kẻng nghỉ trưa đã không thèm bổ xuống ruộng, mà đặt cuốc ngay lên vai mình, thanh thản bước lên bờ ra về” cho thấy người nông dân không thiết tha làm việc trong HTX thời đó. Thương dân quá, ông đã dấu Trung ương thực hiện “khoán chui”, thực chất là “xé” HTX trao trả lại ruộng đất cho nông dân tự làm và khoán thu sản phẩm, còn lại bao nhiêu nông dân hưởng hết. Chỉ sau có vài tháng, trong năm 1968 dân có cơm ăn no nhờ khoán chui. Các cánh đồng 5-7 tấn/ha liên tiếp hình thành, năng suất và sản lượng tăng gấp đôi gấp ba, nạn đói giáp hạt kinh niên được loại bỏ trên địa bàn tỉnh. 20 năm sau là thời gian quá dài đấu tranh nội bộ, giằng co về quan điểm phát triển, mãi đến năm 1988, Bộ Chính trị, T.Ư Đảng mới ban hành Nghị quyết 10 chính thức coi “Hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ” được trao quyền tự chủ sản xuất, sử dụng ruộng đất lâu dài, tự do tiêu thụ sản phẩm...”. Nền nông nghiệp nước ta được cởi trói, đã có sự thay đổi kỳ diệu. Lần đầu tiên nước ta đã không phải nhập khẩu lương thực để cứu đói. Và năm 1991, nước ta đã xuất khẩu gạo. Xin các nhà khoa học Thủy lợi đừng đảo chính lịch sử nữa!.

 

TT/ST 30:  Chúng ta đã đổ lỗi cho cả đến 9 dự án thủy điện, hiện năm 2020 vẫn là những ĐỀ XUẤT TRÊN GIẤY. Chỉ có hai nhà máy đã đi vào vận hành ở Lào có qui mô thua kém xa so với đập hồ thủy điện Hòa Bình, là Xayabouri ở trung Lào (1.285MW) và Don Sahong ở hạ Lào (260MW). Do vậy, qui kết tội cho chúng quả là không hợp lý.

 

TT/ST 31:  Điển hình của 1 trong 9 dự án giấy tiên phong, tích cực nhất là nhà máy thủy điện Luang Prabang (1.460MW), được hình thành từ năm 2007. Tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ USD. Các bên liên doanh gồm Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) nắm 38% cổ phần, Công ty TNHH PT (Lào) nắm 37% cổ phần và Chính phủ Lào nắm 25% cổ phần. Tính đến hết năm 2018, PV Power đã bỏ vào khoảng 5,7 triệu USD. Đến nay có thể coi như mất trắng, vì để có hiệu quả tài chính, giá bán điện của Luang Prabang sang Thái Lan phải trong khoảng 7,5 – 8,6 UScent/kWh và về Việt Nam phải trong khoảng 8,6 – 9,6 UScent/kWh. Lãnh đạo thời nay của PV Power đã tuyên bố với báo giới là “không hiệu quả sẽ không đầu tư” (Nguồn: Nguyễn Đăng Anh Thi: Canh bạc Luang Prabang - Bài 1: Hiệu quả tài chính còn để ngỏ. Thứ tư, 08/04/2020 trên nguoidothi.net.vn). Lãnh đạo PV Power thời nay không có gan để chạy trọt Bộ Công thương mua thủy điện với giá như vậy.

 

TT/ST 32:  Ngày xưa, thủy điện là rẻ nhất so với nhiệt điện than, điện gió và điện mặt trời. Từ năm 2018 đến nay, điện gió và điện mặt trời đã trở nên rẻ nhất tại rất nhiều quốc gia trên Thế giới. Lên mạng chúng ta có thể đọc được rất nhiều thông tin về các dự án điện mặt trời, thắng thầu với chi phí qui dẫn LCOE từ 2 – 5 UScent/kWh. LCOE được Thế giới qui chuẩn để so sánh chi phí giữa các loại hình điện khác nhau. Không một lực lượng nào có thể ngăn cản được sự phát triển của điện gió và điện mặt trời vì nó quá rẻ, quá sạch, nguồn năng lượng vô tận, con người không phải mất tiền mua, đang vẽ lại bản đồ địa chính trị toàn cầu.

 

TT/ST 33:  Hầu hết các đập hồ thủy điện trên Thế giới có 2 chức năng cốt lõi sau: Sản xuất điện và Điều hòa, ổn định dòng chảy, cắt lũ, phục vụ nông nghiệp. Không có đập hồ thủy điện nào ĂN NƯỚC cả. Chính xác đập hồ thủy điện CHỈ ĂN NƯỚC MẤY NGÀY ĐẦU khi cắt băng khánh thành, đóng đập mà thôi. Giả sử một đập hồ thủy điện có công suất 1.200MW dung tích chứa tối đa được phép 3 tỷ m3 nước. Nếu khánh thành nhà máy thủy điện vào mùa mưa, thời điểm trung bình giả sử lưu lượng nước về hồ là 20.000m3/s, sẽ chỉ sau gần 2 ngày là đầy ắp hồ (lấy dung tích chia cho lưu lượng được thời gian). Nếu khánh thành vào mùa khô, lưu lượng nước về giả sử 5.000m3/s, sẽ chỉ sau gần 7 ngày là đầy ắp hồ. BẮT  BUỘC PHẢI THÁO NƯỚC, XẢ ĐI, NẾU KHÔNG DỌA VỠ ĐẬP, TAI HỌA KINH HOÀNG CHO VÙNG XUÔI.

 

TT/ST 34:  Ví dụ đập hồ thủy điện Hòa Bình, có cả chức năng cắt lũ cho thủ đô Hà Nội, nhưng đến mùa mưa lớn, nước về nhiều quá, mặc dù mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã lên đến báo động 2 (10,5m, báo động 3 khi mực nước là 11,5m) nhưng hồ thủy điện Hòa Bình cũng có nguy cơ bị vỡ, BẮT BUỘC VẪN PHẢI XẢ LŨ cho chẩy về Hà Nội, để dọc  đường về có vỡ đê ở đâu đó còn hơn là vỡ ĐẬP THỦY ĐIỆN. Điều đó có nghĩa là KHÔNG CÓ ĐẬP HỒ THỦY ĐIỆN NÀO ĐƯỢC PHÉP ĂN, GIỮ NƯỚC Ở MỨC QUÁ TIÊU CHUẨN THIẾT KẾ.

 

TT/ST 35:  Đã gọi là đập hồ thủy điện, có nghĩa là mục đích số 1 là sản xuất điện. NẾU ĐẬP HỒ GĂM, GIỮ NƯỚC, KHÔNG XẢ XUỐNG HẠ LƯU THÌ KHÔNG CÓ ĐIỆN. Cho dù động cơ điện có sự cố, đóng nhà máy để sửa chữa, vẫn phải để nước xả qua cổng phụ về xuôi. NGHIÊM CẤM GIỮ MỨC NƯỚC TRONG ĐẬP QUÁ  MỨC CHO PHÉP.  Việc người Việt Nam đổ lỗi cho các đập hồ thủy điện ở thượng nguồn ăn nước, giữ nước là hạ thấp đẳng cấp trí tuệ của người Việt.

 

TT/ST 36:  Sau vài ngày ăn nước ban đầu là việc VẬN HÀNH, ĐIỀU HÒA SAO CHO NƯỚC VÀO và NƯỚC RA THEO CHẾ ĐỘ VẬN HÀNH ĐƯỢC PHÊ DUYỆT, ĐÁP ỨNG SẢN XUẤT ĐIỆN VÀ NƯỚC TƯỚI CHO HẠ LƯU.

Rất khó có khả năng vận hành nhà máy điện theo kiểu tạm dừng ít ngày để tích nước sau đó lại phát, lặp đi lặp lại vì vi phạm NHỮNG QUI ĐỊNH  CỦA ĐIỀU ĐỘ ĐIỆN, không ĐẢM BẢO AN NINH HỆ THỐNG ĐIỆN. Khi nguồn cung điện gián đoạn, không đủ đáp ứng nhu cầu phụ tải sẽ gây sụt áp và biến tần, gây ra những hệ lụy khác cho hoạt động Điều độ hệ thống điện; là hoạt động chỉ huy, điều khiển quá trình phát điện, truyền tải điện, phân phối điện trong hệ thống điện quốc gia theo quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và phương thức vận hành đã được xác định. Ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia. Đó là văn bản pháp lý số: 40/2014/TT-BCT ngày 05/11/2014.

Phải khẳng định là hồ thủy điện có tác dụng tích cực trong việc điều hòa nước, GIẢM LÃNG PHÍ NƯỚC NGỌT ĐỔ VÀO BIỂN trong mùa mưa.

 

TT/ST 37: Tại báo cáo thường niên của Ủy hội sông Mê Công: State of the Basin report 2018, SOBR, năm nào cũng như năm nào, luôn có thông tin sau: Bình quân lưu lượng nước hàng năm của con sông Lan Thương, từ các đập hồ thủy điện phía Trung Quốc đổ vào Lào chảy về xuôi:

a) Vào MÙA KHÔ đã tăng lên 35%, từ giai đoạn 2000 – 2009 đến giai đoạn 2010 – 2017.

b) Vào MÙA MƯA lại giảm 31%, từ giai đoạn 2000 – 2009 đến giai đoạn 2010 – 2017.

Điều đó cho thấy tác dụng tích cực của các đập hồ thủy điện Trung Quốc.

 

TT/ST 38:  Tác giả Lã Song Toàn (xem thêm TT/ST số 60, 61) đã trích dẫn tài liệu của Viện Quy hoạch Thủy lợi: Vào mùa khô, tháng 4 là tháng kiệt nhất trong năm, năm 1993 khi chưa có các đập hồ thủy điện, tổng lưu lượng qua Tân Châu và Châu Đốc  chỉ có 1535 m3/s được coi là thấp lịch sử (kỷ lục) thế mà chẳng thấy hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra tại ĐBSCL như những năm gần đây; mặc cho lưu lượng trung bình tháng 4 của nhiều năm nay là 2.800 m3/s.

 

TT/ST 39:  Năm 1992 – 1993 được các nhà khoa học khí tượng thủy văn coi là năm HẠN HÁN LỊCH SỬ, TRỜI KHÔNG MƯA SUỐT CẢ NĂM CHO TOÀN LƯU VỰC SÔNG MÊ CÔNG. Đến nỗi vào mùa mưa mà  ông Trời cũng chỉ đổ rất ít nước xuống cả thượng lưu và hạ lưu sông Mê Công. Ấy thế mà ĐBSCL lại không chứng kiến hạn hán, xâm nhập mặn khổ như từ năm 2015 đến nay (năm 2020). Chỉ riêng một thực tế lịch sử này cũng đủ cho thấy việc đổ lỗi cho hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay ở ĐBSCL là do các đập hồ thủy điện cách xa 3.000km ăn nước, găm giữ nước, đã tự mình hạ thấp tư duy trí tuệ của người Việt Nam.

 

TT/ST 40:  Đập hồ thủy điện không ăn nước, nhưng ngược lại có ăn phù sa, lưu trữ phù sa một lượng nhất định. Nước sông chảy vào hồ,  có điều kiện để đất, cát, phù sa lắng đọng xuống đáy, lâu dài bồi lắng làm đáy hồ cao lên. Bất cứ một ai có thể lấy một nhúm đất phù sa, bỏ vào một cốc nước trong, khấy đều lên và để lắng sau vài giờ sẽ nhìn thấy các hạt đất cát lắng xuống.

 

TT/ST 41:  Cũng theo báo cáo của Ủy hội sông Mê Công: State of the Basin report 2018, SOBR: Khi chưa có đập hồ thủy điện, vào năm 1994, lượng phù sa từ phía Trung Quốc và một chút ít của  Myamar đổ vào Lào xuống hạ lưu, trung bình là 85 triệu tấn/năm, chiếm 55% tổng lượng phù sa của sông Mê Công chảy về xuôi. Sau khi có 10 (kế hoạch xây đập thứ 11 là Mengsong đã bị loại bỏ) đập hồ thủy điện phù sa bồi lắng đáy hồ, vào năm 2013 lượng phù sa này giảm xuống chỉ còn 10.8 triệu tấn/năm, tương ứng với chỉ còn 16% của tổng lượng phù sa.

Năm 1994, tổng lượng phù sa từ Lào đổ vào Căm pu chia là 147 triệu tấn/năm; vào năm 2013 giảm xuống chỉ còn 66 triệu tấn/năm.

 

TT/ST 42: Do vậy, vào mùa khô, khi thấy  số đo tổng lưu lượng nước từ Căm pu chia đổ vào Việt Nam là thấp hơn trung bình nhiều năm, chúng ta có thể nói là do nước thượng nguồn đổ về ít, nhưng phải nghĩ là thượng nguồn cũng không có mưa. Trời cũng không đổ mưa xuống các nước thượng nguồn, vậy lấy nước đâu mà đổ về ĐBSCL đáp ứng nhu cầu của người Việt Nam.

 

TT/ST 43: Trong Ủy hội sông Mê Công chỉ có 4 nước thôi. Trung Quốc và Myanmar không tham gia.  Nên nhớ rằng tổ chức này là ỦY HỘI, không có quyền ra bất cứ văn bản pháp lý nào để buộc các nước thành viên tuân thủ. Chỉ có những văn bản khuyến nghị, thông báo, hướng dẫn chuyên môn mà thôi.

 

TT/ST 44: Quyền tự quyết của mỗi một quốc gia đối với việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên trên đất nước là tối cao. Quyền xây dựng đập hồ thủy điện trên đất nước họ là do họ quyết, vì lợi ích của dân tộc họ. Oán trách họ là vô duyên. Có một thực tế là chúng ta trên con sông nhánh Sesan đổ vào Căm pu chia đã xây 9 đập hồ thủy điện. Tương tự trên con sông Serepok lớn nhất nam Tây Nguyên, Việt Nam đã xây 5 đập hồ thủy điện là Srepok 1 Srepok 2 Srepok 3, Srepok 4 và Srepok 4A.

 

TT/ST 45: Oan cho những nông dân Thái Lan, Lào và Căm pu chia vì nếu lấy nước tích trữ vào ao, vào hồ họ cũng chỉ có thể lấy được nước sông Mê Công vào mùa lũ  khi có nước, theo nguyên lý tự chảy (nước chảy chỗ trũng, từ cao xuống thấp). Mà vào mùa lũ thì ĐBSCL không thiếu nước, hãy để cho nước bạn chúng ta tích trữ thoải mái. Nếu lấy nước vào mùa khô họ phải chi tiền xăng dầu và máy bơm; người nông dân vùng này thừa thông mình để tính toán hiệu quả.

 

TT/ST 46:  Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trong nông nghiệp khắp nơi trên Thế giới chỉ khoảng 2 – 3%. Việt Nam cũng vậy. Vì thế không nên nói là nông nghiệp ở vùng Cao nguyên Tây Tạng, bắc Myanmar, đông bắc Thái Lan, Lào hay Căm pu chia đã tăng đột biến, làm cạn kiệt nước về ĐBSCL. Việc qui kết này cũng rất không hợp lý. Thể hiện chúng ta quá dễ dãi trong tư duy, lập luận. Khoa học đổ lỗi của đất nước mình ngộ ghê!

 

TT/ST 47: Nếu lãnh đạo cứ “Mất mùa bởi tại thiên tai, được mùa bởi tại thiên tài của ta” thì chúng ta không thể tiến bộ được. Người nông dân sẽ còn mãi nghèo. Người Việt Nam sẽ còn làm thuê cho các công ty nước ngoài dài lâu, ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình; ông chủ đi làm thuê cho người nước ngoài. Vì theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 245 tỷ USD, bằng với GDP, cũng là 245 tỷ USD. Nhưng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đạt 176 tỷ USD, chiếm đến 72%. 28% còn lại là của các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Chính xác là trong những năm gần đây đã có SỰ GIA TĂNG rõ rệt hạn – mặn – úng ngập DO CON NGƯỜI GÂY RA, do chúng ta gây ra, do Bộ NN&PTNT gây ra. Sự gia tăng này là vĩnh viễn, không thể đảo ngược. Thậm chí vào mùa khô, không mưa cũng có ngập úng do triều cường, như những chứng minh dưới dây:

 

III. DO ÁP ĐẶT NÔNG NGHIỆP NƯỚC NGỌT, HÚT NƯỚC NGẦM:

III.1. BỊT MIỆNG CÁC CỬA SÔNG, KÊNH, RẠCH VÀ HÚT NƯỚC NGẦM:

 

TT/ST 48: Sau Đổi mới (năm 1986), Bộ NN&PTNT đã quyết định chọn nông nghiệp nước ngọt cho ĐBSCL, bằng xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt, bịt cửa các sông con và kênh, rạch. Việc làm trên của Bộ NN&PTNT đồng nghĩa với BẮT BUỘC người dân các tỉnh có mặt tiền là biển, phải thực hiện NÔNG NGHIỆP NƯỚC NGỌT lâu dài.

 

 

TT/ST 49: Điển hình của việc ngăn mặn, giữ ngọt là công trình cống đập bịt cửa sông Ba Lai (tỉnh Bến Tre) đã khánh thành ngày 30/4/2002. Sông Ba Lai là một trong 9 nhánh sông của sông Cửu Long đã chết, không có dòng chảy, thành một hồ siêu dài, phù sa lắng đọng đầy vùng bên trong, nước ô nhiễm nặng do chất thải của dân cư, từ các hoạt động nông và công nghiệp. Mục tiêu ngọt hóa đã thất bại, vì xâm nhập mặn hàng ngày vẫn tấn công vào từ tứ phía. Do vậy không thể gọi là Đồng bằng sông Cửu Long nữa mà là Đồng bằng sông Bát Long.

 

 

TT/ST 50:  Những công trình ngăn mặn, giữ ngọt đình đám tiếp theo của ĐBSCL được đầu tư không tiếc tiền, nhưng không phát huy hiệu quả ngay sau khi khánh thành, hiện bỏ hoang từ rất lâu là Âu thuyền Tắc Thủ và cống Cà Mau. Đến năm 2015, Báo ảnh online Đất Mũi (đăng ngày 05/10/2015 09:40) đã phải lên tiếng với tiêu đề “Cần sớm “khai tử” âu thuyền Tắc Thủ và cống Cà Mau”. Âu thuyền Tắc Thủ (xã Khánh An - huyện U Minh và xã Hồ Thị Kỷ - huyện Thới Bình) được đầu tư xây dựng với số vốn trên 80 tỷ đồng từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới - đây là công trình trọng điểm mang cấp vùng, có giá trị khá lớn ở vào thời điểm nền kinh tế còn nhiều khó khăn lúc bấy giờ (xây dựng từ năm 2002 - 2006). Đối với cống Cà Mau (tại Phường 4 và Phường 5 - TP. Cà Mau). Những công trình “tiên phong” nêu trên đã thật sự không hiệu quả. "Từ khi hoàn thành đến nay cống Cà Mau cũng không phát huy hiệu quả", ông Trần Quốc Nam - Giám đốc Trung tâm Quản lý, Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Cà Mau nói.

 

TT/ST 51:  Kế đến là hàng nghìn cống đập lớn bé khác nhau ngăn mặn, bịt miệng các kênh mương, không cho thủy triều từ các con sông tràn vào các kênh mương, hoặc từ mương cấp 1 vào mương cấp 2. Đáng buồn là do các hệ thống, mạng lưới kênh mương, rạch, cấp 1, cấp 2, cấp 3 chằng chịt tại ĐBSCL nên nước mặn vẫn có thể len lỏi tứ phía, “tập hậu” khắp nơi.

 

TT/ST 52:  Ngay đến hồ chuyên để trữ nước ngọt mà cũng bị nhiễm mặn thì hết nói về tính khoa học của nó. Báo Vnexpress (thứ ba, 4/2/2020, 06:00 (GMT+7) “Hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây bị nhiễm mặn”: Đó là hồ Kênh Lấp, dự án khởi công năm 2017, đi qua ba xã Tân Xuân, Phước Tuy và Phú Ngãi (tỉnh Bến Tre), cung cấp đủ nước ngọt cho sản xuất công nghiệp và trồng trọt, với tổng kinh phí khoảng 85 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương và địa phương. Nước qua nhà máy xử lý nước, bán cho dân với giá 7.000 - 8.000 đồng mỗi khối, nhưng bị nhiễm mặn, chỉ có thể tắm giặt, rửa rau. Còn để nấu ăn, người dân phải mua nước giá 70.000 - 80.000 đồng một khối.

 

TT/ST 53:  Ngày xưa khi không có các cống đập bịt miệng các kênh, mương dòng nước được lưu thông quanh năm ngày tháng, 24/24 luôn có dòng chảy, kèm theo là sự đi lại của tàu bè, của cá tôm, thủy sinh phù du là những động vật không thể thiếu được trong chuỗi và mạng lưới thức ăn để cá tôm cứ thế mà lớn, sinh đẻ nhiều hơn cho người dân đánh bắt. Chất lượng nước đảm bảo, sẽ trong lành khi có dòng chảy. Khi dòng chảy bị cắt có nghĩa là nước bị đẩy vào trạng thái tù túng, nước thải sinh hoạt (chưa kể rác) của người dân đổ xuống không bị rửa trôi, ứ đọng sẽ sớm tạo nên vùng nước ô nhiễm và chết.

 

TT/ST 54:  Thời kỳ người Pháp cai trị Việt Nam, họ không hề xây cống đập, bịt miệng các cửa sông, cửa kênh, mà tập trung nguồn lực để đào kênh, khơi thông dòng chảy, thau chua rửa mặn vùng hoang hóa và tạo phát triển mở rộng mạng lưới giao thông đường thủy, mở rộng thương mại buôn bán, phát triển kinh tế - xã hội. Đúng là tầm nhìn của người Pháp cách đây cả trăm năm, vẫn sáng giá hơn tầm nhìn của Bộ NN&PTNT với vô vàn cống lớn, cống bé hiện nay.

 

TT/ST 55:  Trước sự thất bại của hàng nghìn cống đập lớn bé, xâm nhập mặn vẫn tiếp tục gia tăng những năm gần đây, báo chí, truyền thông thảm thiết kêu gọi cấp cứu, nhà khoa học Lương Quang Xô (Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam) đã nghiên cứu và đề xuất bịt hết tất cả các cửa sông lớn đổ ra biển Đông và biển Tây, nguyên văn:

 

“+ Tiến hành xây dựng 10 cống trên các sông lớn như: Cái Bé (-7m, 90m), Cái Lớn (-7m, 400m), Vàm Cỏ (-8m, 400m), Hàm Luông (10m, 1300m), Cửa Tiểu (-5m, 800m), Cổ Chiên 1 (-10m, 1000m), Cổ Chiên 2 (-10m, 1200m), Định An (-7m, 4000m), Trần Đề (-8,5m, 1200m) và Cửa Đại (-8m, 1200m). Các cống này đóng ngăn mặn từ tháng I đến hết tháng VI, từ tháng VII đến tháng XII mở để thoát lũ”.

 

TT/ST 56:  Sông Mê Công, con sông lớn thứ 10 trên Thế giới đổ ra biển Đông qua 9 sông nhánh, nên vùng đất miền Tây  Nam Bộ này được gọi là Đồng bằng sông Cửu Long. Cửa Ba Lai là cửa đầu tiên bị khai tử vào ngày 30/4/2002. Chính vì vậy mà tôi đã đề xuất nên gọi là Đồng bằng sông Bát Long cho đúng với bản chất. Với đề xuất mới của một cây đa khoa học thủy lợi này, 8 cửa sông còn lại sẽ bị bịt hết. Một ý chí kiên quyết trị Thiên của một nhà khoa học cách mạng luôn che dưới ô “vì nước, vì dân”. Khi này cứ sau khi một cống mới ra đời, sẽ là sông Thập Long, rồi Lục Long, Ngũ Long v.v.. và cuối cùng là gì Long?

 

TT/ST 57: Sông Cái Lớn, Cái Bé là hai con sông lớn bắt nguồn từ khu vực phía Nam tỉnh Kiên Giang, tiếp giáp với phía Bắc tỉnh Bạc Liêu và phía Tây tỉnh Hậu Giang. Hai con sông này độc lập, không thuộc lưu vực sông Mê Công, đổ vào biển Tây, vịnh Rạch Giá. Sông Cái Lớn, Cái Bé đang được khẩn trương bịt miệng với tổng mức đầu tư trên 3.309 tỉ đồng như đã nói ở trên.

 

 

TT/ST 58:  Trên Thế giới có vô vàn sông chảy ra biển và đại dương. Nước từ biển và đại dương lại bốc hơi tạo nên thứ nước vô cùng tinh khiết (tương đương với nước máy đem chưng cất lần 1 trong phòng thí nghiệm), bay lên cao kết tụ lại thành các đám mây, bay vào đất liền. Trong đất liền các giọt nước tinh khiết va đập và kết dính với các hạt bụi ô nhiễm không khí do con người tạo ra, tạo nên nước mưa ô nhiễm. Dòng nước mưa này rơi xuống đất, thành nước chảy tràn bề mặt (runoff water), phần lớn chảy vào sông suối, sau đó lại đổ ra biển, trở về với đại dương mênh mông, khép kín một trong những chu trình cơ bản, tự nhiên của Trái đất. Đó là chu trình thủy văn (Hydrologic cycle). Bịt miệng 9 cửa sông có nghĩa là chu trình thủy văn của lưu vực sông Mê Công bị cắt đứt. Một ý chí sắt đá trị Thiên, nguy hiểm đến mức tiêu diệt cả một chu trình cơ bản của thiên nhiên.

 

 

 

TT/ST 59:  Trên Thế giới cũng không một hệ sinh thái cửa sông nào có thể hình thành trong thời gian 6 tháng bịt miệng cửa sông và 6 tháng lại mở miệng cửa sông. Để hình thành một hệ sinh thái trong tự nhiên thường đòi hỏi cả quá trình ổn định nhiều năm. Một phôi thai mới chớm nở sau đó đã bị bóp chết, thổi bay đi, vậy làm sao mà hình thành một hệ sinh thái mới được?

 

TT/ST 60:  6 tháng bịt miệng cửa sông là 6 tháng mùa khô. Khi này lưu lượng trung bình nhiều năm của dòng sông Mê Công chảy vào Việt Nam là 4.000m3/s – 5.000m3/s, trong khi nhu cầu nước lấy từ sông cho toàn vùng này bình quân tối đa 1.000m3/s (Nguồn Lã Song Toàn: từ 600 – 700m3/s). Tạm loại trừ yếu tố nước mưa rơi xuống và nước bốc hơi lên, vậy còn lại từ 3.000m3/s – 4.000m3/s sẽ đi đâu về đâu trong suốt 6 tháng đó? Ta lấy trung bình là 3.500m3 x 3600 giây 24 giờ x 30 ngày x 6 tháng sẽ được gần 47 tỷ m3 nước sông Mê Công sẽ  qua 8 tỉnh mặt tiền đổ ra biển. Theo tập Bản đồ hành chính Việt Nam, tổng diện tích 8 tỉnh này là 28.676km2. Lấy 47 tỷ m3 chia đồng đều cho diện tích 8 tỉnh này ta được lượng nước dâng cao 1,64m (vừa vặn ngập kín đầu người) cho đến ngày 30/6 của năm. Khoa học thủy lợi đất nước mình thế nào ấy.

 

TT/ST 61:  Do thương các cửa sông bị bịt kín hết miệng, nên một cây đa khoa học thủy lợi khác là Lã Song Toàn, nguyên cán bộ viện Quy hoạch Thủy lợi đã công bố “GIẢI PHÁP MỚI BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, NƯỚC BIỂN DÂNG” (Nguồn: đầy trên mạng, chỉ cần Google là ra). Đó là chỉ khâu khoảng ba phần tư miệng sông lại thôi, cũng đủ ngăn mặn được rồi; còn hé mở một phần tư để chỗ cho tầu bè và tôm cá đi lại và phù sa vào ra.                    

                                                                    

TT/ST 62: Ngọt hóa nông nghiệp 8 tỉnh ven biển Đồng bằng sông Bát Long, có nghĩa là luôn luôn, quanh năm ngày tháng phải cần nước ngọt. Đồng nghĩa với khi nào ít mưa, thiếu nước sông thượng nguồn đổ về là bà con phải sử dụng nước ngầm  tầng sâu. Do vậy toàn vùng Đồng bằng sông Bát Long nhiều triệu giếng khoan sâu xuống đất hút nước ngầm để thực hiện nền nông nghiệp nước ngọt. Thảm họa là cho đến nay, nhiều nơi nước ngọt ngầm cũng đã cạn kiệt, chỉ còn nước ngầm lợ để nuôi tôm tại vùng ngăn mặn, giữ ngọt. Vô lý không thể chấp nhận được là có nước mặn bề mặt Trời cho, nhưng đã bị chặn lại từ xa, nên buộc phải khoan giếng tại chỗ, chấp nhận nộp phạt, hút nước ngầm mặn để nuôi tôm. Nếu nước chưa đủ độ mặn phải mua thêm 100kg muối ăn pha thêm vào 1.000m3 nước.

 

TT/ST 63: Buồn là nước ngầm lại là một cấu phần bẩm sinh của nền móng Đồng bằng sông Cửu Long. Vì cách đây hơn 4.000 năm vùng này là biển, được hình thành từ phù sa sông Mê Công bồi lắng. Khi nước ngầm bị hút lên vô cùng khủng khiếp so với khả năng tái tạo của nó, bắt buộc nền móng vùng này phải bị sụt, lún xuống, khiêm tốn nhất cũng khoảng 30 – 50cm trong 30 năm phát triển vừa qua.

 

TT/ST 64: Sự sụt lún nền móng toàn vùng này đồng nghĩa với mực nước biển dâng cao lên 30cm – 50cm, mặc dù mực nước biển trong 30 năm qua do biến đổi khí hậu (Trái đất nóng nên và băng tan chảy) dâng tối đa chỉ có 2cm. Các nhà khoa học dự báo mực nước biển tại Đồng bằng sông Bát Long vào năm 2100 sẽ dâng lên khoảng 60cm – 80cm (do băng tan chảy ở hai địa cầu Trái đất).

 

TT/ST 65: Bỏ qua những điều xa vời vào năm 2100, nói ngay trước mắt thì nền móng toàn vùng ĐÃ sụt lún như vậy, nên xâm nhập mặn, nước biển ĐÃ vào sâu hơn nữa, nhiều hơn nữa là chuyện đương nhiên. SỰ GIA TĂNG XÂM NHẬP MẶN DO SỤT LÚT NỀN MÓNG LÀ VĨNH VIỄN, do chúng ta gây ra, do khai thác nước ngầm phục vụ nông nghiệp nước ngọt và phát triển đô thị gây ra. Do chúng ta lấy đá ghè vào chân mình mà không thấy đau, nên vẫn cứ ghè.

 

TT/ST 66: Cứ với đà này, dự đoán trong vòng 20 – 30 năm tới, nền móng toàn vùng Đồng bằng sông Bát Long sẽ còn tiếp tục sụt lún nữa, bình quân khoảng 1,0 – 1,5cm/năm, sau 30 năm nữa sẽ sụt lún thêm khoảng 30cm – 45cm!!.

 

TT/ST 67:  Xâm nhập mặn do sụt lún nền móng là xâm nhập mặn vĩnh viễn, không thể đảo ngược. Có nghĩa là nếu chúng ta ngừng khai thác nước ngầm thì nền móng cũng không thể tự chồi, nhô cao lên trở về nguyên trạng được nữa. Với độ sụt lún nền móng toàn vùng 30cm – 50cm, có nghĩa là xâm nhập mặn vào sâu thêm trong các con sông, gần đúng khoảng 30 – 40km  so với trước đây. Ví dụ trước năm Đổi mới 1986, ranh giới mặn (có độ mặn là 4g/L), vào sâu 10km so với bờ biển, thì nay là 40 – 50km luôn ổn định, tạm gọi là ranh giới mặn nền (4g/L); khác với xâm nhập mặn tự nhiên, vào mùa khô do nước thượng nguồn sông đổ về ít, vì ít mưa nên xâm nhập mặn vào sâu hơn. Vào mùa mưa, nước về nhiều, sẽ đẩy mặn ra xa, dao động quanh ranh giới mặn nền.

 

(Nguồn: Báo cáo của Bộ NN&PTNT sáng 7/3/2016, tại Cần Thơ, về công tác phòng, chống xâm nhập mặn ĐBSCL).

 

Một vùng có mặt tiền là biển, hệ sinh thái ngàn năm là nước mặn – lợ (màu đỏ nâu và đỏ hồng) nhưng vẫn kiên quyết chuyển đổi để thực hiện nông nghiệp nước ngọt, rất nghịch lý và rất trị Thiên.

 

Như vậy, nền NÔNG NGHIỆP NƯỚC NGỌT trị Thiên, dẫn đến hút nước ngầm làm sụt lún nền móng, gia tăng xâm nhập mặn lên những nấc KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC.

 

III.2. DO TRIỆT TIÊU HAI ĐẠI HỒ ĐIỀU HÒA ĐỂ CẤY LÚA 3 VỤ QUANH NĂM

 

Sự gia tăng ngập úng vào mùa mưa và hạn  mặn vào mùa khô còn do chủ trương cấy lúa 3 vụ quanh năm gây ra. Vì sao?

 

Vì chủ trương này đã xóa bỏ, triệt tiêu HAI ĐẠI HỒ ĐIỀU HÒA LÀ ĐỒNG THÁP MƯỜI VÀ TỨ GIÁC LONG XUYÊN để trồng lúa 3 vụ quanh năm.

 

TT/ST 68: Để trồng lúa 3 vụ quanh năm, toàn vùng Đồng bằng sông Bát Long đã xây dựng 57.000km đê bao (nguồn: GS.TSKH Đào Xuân Học: Giải pháp thuỷ lợi cho vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH, báo cáo tại Hội nghị về Phát triển bền vững vùng ĐBSCL trước những thách thức của biến đổi khí hậu, ngày 26 – 27/9/2017 tại Cần Thơ) với vô vàn lô đất cấy lúa 3 vụ quanh năm, đã đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo trên Thế giới.

 

TT/ST 69:  Thiên nhiên ngàn năm đã ban tặng cho hạ lưu sông Mê Công 3 đại hồ ĐIỀU HÒA là Tonle Sap ở Căm pu chia và Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên ở Việt Nam. Trong khi hồ Tonle Sap ở Căm Pu Chia cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn, không hề bị động chạm.

Tuy nhiên, hai đại hồ điều hòa là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên có tổng diện tích khoảng 1,2 triệu ha đã không còn nữa.

 

TT/ST 70:  Với tổng diện tích gần 1,2 triệu ha, với độ ngập nước vào mùa nước nổi bình quân chỉ cần 1,5m, có thể chứa khoảng 13 - 15 tỷ m3 nước phù sa màu mỡ. Ngày nay vào mùa nước nổi, tổng lượng nước đó sẽ đi đâu, về đâu? Chúng sẽ theo sông, kênh, rạch chảy đi khắp nơi. Đích đến cuối cùng sẽ là biển cả. Đồng nghĩa với lượng khổng lồ nước ngọt quí bị đổ đi, thực sự lãng phí tài nguyên nước.

 

TT/ST 71:  Trên đường lan tỏa ra biển, còn phải cộng thêm với nước mưa tại vùng này, sẽ gia tăng ngập úng cho các tỉnh “miền xuôi”, ví dụ Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre v.v.. Sự gia tăng ngập úng này cũng là không thể đảo ngược, vĩnh viễn vì hai đại hồ điều hòa đã bị xóa sổ. Hậu quả của nền nông nghiệp nước ngọt trị Thiên, trái với qui luật của tự nhiên.

 

TT/ST 72:  Chưa hết, đó mới chỉ là sự gia tăng ngập úng vào mùa mưa do xóa sổ 2 đại hồ điều hòa, đẩy 15 tỷ m3 nước phải trôi đi, cộng với lượng mưa tại vùng. Còn yếu tố nền móng toàn vùng sụt lún 30 – 50cm nữa, có nghĩa là mực nước biển đã dâng cao thêm 30 – 50cm. Ngập úng này là ngập úng vĩnh viễn, không thể đảo ngược. Thậm chí tới  mức không cần mưa, trời nắng, chỉ riêng triều cường đã đủ gây ngập rồi. Từ Cần Thơ trở về xuôi, các tỉnh duyên hải sẽ liên tục và thường xuyên chứng kiến cảnh ngập úng vào mùa mưa.

 

TT/ST 73:  Vào mùa khô, mùa nước kiệt, do hai đại hồ điều hòa đã bị triệt tiêu, không một giọt nước nào từ hai đại hồ này được nhả về xuôi, góp phần cung cấp nước ngọt, ngăn triều, đẩy mặn tại các cửa sông như ngàn năm đã có. Thời tiết Elnino, không mưa, hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề lại bị cộng hưởng thêm bởi không còn giọt nước nào từ hai hại đồ điều hòa đổ về nữa. Sự cộng hưởng, gia tăng xâm nhập mặn này cũng là vĩnh viễn, không thể đảo ngược;  theo nghĩa khi ta dừng tác động vào thiên nhiên, nhưng thiên nhiên không thể tự phục hồi, trở lại nguyên trạng ban đầu. Xâm nhập mặn sẽ thường xuyên hơn và vào sâu hơn, tháng 3 – 4/2020 nhiều nơi độ mặn 1,5g/L đã vào sâu 60 – 70km từ bờ biển cửa sông. Ranh giới mặn 4g/L có thể vào sâu 30 – 40km. Vì hai đại hồ điều hòa mà thiên nhiên ban tặng, đã bị các nhà khoa học Thủy lợi bức tử.

 

IV. NỀN NÔNG NGHIỆP TRỊ THIÊN LÀ KHÔNG HIỆU QUẢ

 

TT/ST 74:  Vì khí hậu mưa thuận gió hòa là cả trăm năm, do vậy nông nghiệp thuận Thiên là vô cùng nhàn hạ. Ngược lại, ví dụ 50 năm canh tác nghịch Thiên (tạm cho là bằng tuổi thọ của các công trình đê, đập, kè, cống) ngọt hóa các vùng ven biển, luôn trồng lúa và các cây, con nước ngọt, đồng nghĩa với 50 năm luôn đối chọi với rủi ro xâm nhập mặn và thiếu hụt nước ngọt. Đe dọa vỡ đê, vỡ cống, vỡ đập và thiếu nước ngọt bất cứ lúc nào. Sự tấn công của mặn vào vùng ngọt hóa luôn là thường trực.

 

NGƯỜI DÂN MẤT QUYỀN LỰA CHỌN CANH TÁC VÀ MÃI NGHÈO

 

Người dân đã bị Bộ NN&PTNT tước quyền lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì giữa mặn, ngọt và lợ. Có nhiều nơi bà con thấy rằng canh tác nước mặn và nước lợ hiệu quả hơn, cụ thể là nuôi tôm hơn cấy lúa và trồng dừa nên đã phá cống, phá đập để lấy  nước mặn. Nhưng như vậy là vi phạm pháp luật vì phá hoại các công trình thủy lợi của Nhà nước. Sống trong vùng sinh thái nước mặn nhưng lại không được phép canh tác nước mặn, phải thực hiện nông nghiệp nước ngọt. Điều này đã đẩy rất nhiều nông dân chân chất vào con đường làm ăn “phi pháp, lén lút”, đã đào giếng khoan, hút nước ngầm mặn lên để nuôi tôm. Trong khi nước mặn bề mặt lại bị cống đập chặn, ngăn từ xa.

 

TT/ST 75: Vì trồng lúa chỉ có thua lỗ, nên nhiều nơi bà con đã đào ao, hồ ngay tại ruộng lúa của mình, mặc cho xung quanh là lúa và kênh mương nước ngọt, để nuôi tôm. Bà con chấp nhận nộp phạt để nuôi tôm. Bà con phải khoan hút nước ngầm (mặn lợ) để nuôi tôm. Nếu nước ngầm chưa đủ độ mặn nuôi tôm thì mua thêm muối ăn pha vào theo tỷ lệ 100kg cho 1.000m3 nước. Sống tại vùng sinh thái nước mặn – lợ nhưng người dân không được phép canh tác nước mặn – lợ để làm giàu; phải canh tác nước ngọt dựa vào nước sông thượng nguồn đổ về cộng với ít nước mưa tại chỗ. Điều này chỉ có ở Việt Nam với Bộ NN&PTNT là Tổng lư lệnh, nhưng thiên vị ngành Thủy lợi.

 

TT/ST 76: Buồn là từ năm 1975 đến 2016, ước tính khoảng 6 tỉ USD (giá trị hiện tại) đã được Bộ NN&PTNT đầu tư cho thủy lợi chỉ để thực hiện nền NÔNG NGHIỆP NƯỚC NGỌT, chiếm khoảng 80% tổng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước cho ngành nông nghiệp (Nguồn WB: Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2016: Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam).

 

TT/ST 77: Nguồn nước ngọt luôn là rất khan hiếm. Trên Trái đất này, tổng nước ngọt sông, ngòi, ao, hồ cộng với nước mưa chỉ chiếm có 1% thôi, 2% là nước ngọt dưới dạng băng đá, tuyết; 97% là nước biển và đại dương (nguồn en.wikipedia.org/water_distribution).  Thế mà KHOẢNG 80% NƯỚC NGỌT LÀ SỬ DỤNG CHO NÔNG NGHIỆP. 20% còn lại là cho công nghiệp, thương mại, dịch vụ và sinh hoạt của người dân.

 

TT/ST 78: Trong nông nghiệp thì cây trồng lại sử dụng nước không hiệu quả nhất so với vật nuôi. Để sản xuất ra 1 tấn gạo, bình quân cần 1.325 m3 nước ngọt (nguồn: A.K. Chapagain, A.Y. Hoekstra: the green, blue and grey water footprint of rice from both a production and consumption perspective, march 2010). Tuy nhiên nước chứa trong gạo (độ ẩm tối đa là 14%) có nghĩa là gần 1.200m3 nước bốc hơi qua lá, chiếm khoảng 90%, bay vào không khí. Hiện tượng này được các nhà khoa học gọi là “thảm họa lãng phí nước” của cây trồng. Nếu nuôi tôm, cá xuất khẩu thì nước thải vẫn còn lại trên mặt đất và hoàn toàn có thể xử lý, làm sạch, tái sử dụng nếu cần.

 

TT/ST 79: Đất nước Singapore do rất nghèo nguồn nước ngọt nên đã thu gom phần lớn nước thải của đất nước để tái chế, cung cấp ngược lại cho dân, đáp ứng đến 40% nhu cầu sử dụng nước máy hàng ngày, sẽ tiến tới 55%. Theo kinh nghiệm nhiều năm của Singapore, tái chế nước thải thành nước cấp sinh hoạt vẫn rẻ hơn dùng công nghệ RO (Reverse Osmosis, thẩm thấu ngược) để lọc nước biển thành nước ngọt. Ở Singapore có thể uống trực tiếp nước máy từ vòi.

 

TT/ST 80: Nếu 8 tỉnh ven biển thực hiện nền nông nghiệp thuận Thiên thì đâu cần đến lượng nước ngọt khổng lồ như vậy. Nhìn tổng thể nói chung, nếu do thất thường về thời tiết, ít mưa, có hạn thì cũng dư thừa nước ngọt cho các nhu cầu công nghiệp và sinh hoạt dân cư.

 

TT/ST 81:  Nông nghiệp nghịch Thiên là nông nghiệp không hiệu quả. Khi hạn hán, những cây, con chuyên nước ngọt sẽ bị nguy kịch. Những tháng vừa qua đài báo đăng tin nhiều bà con nông dân phải mua 50.000 – 100.000 đồng cho 1 m3 nước ngọt để tưới cây. Khắp nơi, tại các ngã ba sông lớn đang hình thành “chợ nổi bán nước”. Các thương nhân có tàu sà lan (500 – 1.500m3), chạy lên thượng nguồn, bơm nước ngọt vào sà lan, sau đó chạy về xuôi bán lại, với giá khoảng 50.000 – 70.000đồng/m3 bơm lên bờ. Từ bờ, chi phí trở nước về các hộ gia đình cũng khoảng 50.000 – 70.000đồng/m3 tùy khoảng cách xa, gần.

 

TT/ST 82:  Rõ ràng nông nghiệp nghịch Thiên làm bà con khánh kiệt. Nhưng bà con nông dân đã bị Bộ NN&PTNT ép buộc phải nuôi con nước ngọt và trồng cây nước ngọt, không còn lựa chọn khác; không thể vi phạm pháp luật phá các công trình thủy lợi của Nhà nước để canh tác nước lợ, nước mặn. Trong khi người dân ở khắp các đô thị sử dụng nước máy trong veo, với giá tối đa 15.000đồng/m3.

 

TT/ST 83:  Nền nông nghiệp nghịch thiên, trái với qui luật tự nhiên, ngọt hóa 8 tỉnh ven biển Đồng bằng sông Bát Long, làm cho vùng này đã đâm lao, phải theo lao. Tiếp tục gồng mình lên xây cống đập ngăn mặn, giữ ngọt. Tiếp tục bịt miệng các cửa sông như sông Cái Lớn, sông Cái Bé tại vịnh Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), hai con sông lớn nhất của ĐBSCL đổ ra biển Tây. Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư trên 3.309 tỉ đồng (nguồn vốn trái phiếu chính phủ là 3.300 tỉ đồng, vốn ngân sách 9,5 tỉ đồng) đang được triển khai mạnh mẽ.

Cứ với đà này, sự gia tăng xâm nhập mặn và úng ngập là không thể đảo ngược, đã đâm lao phải theo lao, có thể Bộ NN&PTNT sẽ cho bịt kín  hết tất cả 8 cửa sông. Khi đó Đồng bằng sông Bát Long nên gọi thành đồng bằng miền Tây cho đúng nghĩa.

 

TT/ST 84:  Hệ thống thủy lợi với 57.000km đê bao, vô vàn cống đập, để trồng lúa 3 vụ quanh năm đã bức tử hai đại hồ điều hòa. Chính sách thủy lợi TRỊ THIÊN đã đảo lộn cuộc sống hiền hòa ngàn năm đã có của người dân vùng này, lãng phí tài nguyên nước, làm gia tăng ngập úng vào mùa mưa, gia tăng hạn hán và xâm nhập mặn vào mùa khô. Đúng như GS.TS Võ Tòng Xuân, đại biểu Quốc hội, người có quá nhiều năm gắn bó với nông nghiệp Đồng bằng sông Bát Long và Trường đại học Cần Thơ, đã nói về ngành Thủy lợi “Tâm lý ngành này “có công trình mới có ăn” nên thường xuyên đề xuất với lãnh đạo nhiều công trình để trồng thêm lúa, rất tốn kém và không hiệu quả trong thời buổi này (nguồn: Báo cáo của giáo sư tại Hội nghị Diên hồng về Phát triển bền vững vùng ĐBSCL trước những thách thức của biến đổi khí hậu, ngày 26 – 27/9/2017 tại Cần Thơ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì).

 

TT/ST 85:  Vì nền nông nghiệp nước ngọt, cấy lúa 3 vụ quanh năm, nên 80% tổng ngân sách Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp được dồn cho ngành Thủy Lợi. Kết quả là chúng ta đã có một nền nông nghiệp vô cơ với đậm đặc phân hóa học và thuốc trừ sâu, đất đai thoái hóa và biến tính. Thuốc trừ sâu đã diệt hết các loài côn trùng, vi khuẩn hữu ích. Thuốc trừ sâu diệt luôn cả đa dạng sinh học. Một nền nông nghiệp nếu không có phân hóa học và thuốc trừ sâu thì không có gì để hái, để ăn và để bán. Để có một quả cà chua ăn, từ khi trồng cây con đến khi hái quả, phải chịu phun 3 đến 4 lần thuốc trừ sâu. Ung thư đang đến với mọi gia đình là lẽ đương nhiên. Nền nông nghiệp trị Thiên, trái với qui luật tự nhiên đã làm cho khoảng 2,5 triệu thanh niên nam nữ miền Tây để lại con thơ cho bố mẹ già về Tp. HCM và lân cận kiếm sống.

 

TT/ST 86:  Chủ trương thực hiện nông nghiệp nước ngọt, cấy lúa 3 vụ quanh năm, nên Nhà nước đã bỏ ra 70% kinh phí xây dựng đê bao; điều này đồng nghĩa với bắt buộc người dân phải bỏ vào 30%. Sau khi có đê bao là chỉ có cấy lúa, xóa đi cơ hội, khả năng trồng cây khác, nuôi con khác của người dân; xóa đi cơ hội CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ vùng này, ví dụ giảm tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp nhẹ (ví dụ sản xuất giày dép, dệt may).

 

 

TT/ST 87:  Đê bao, cống đập, cấy lúa 3 vụ quanh năm và kỳ tích xuất khẩu gạo được báo chí hết lời ca ngợi nhiều năm. Hóa ra là lỗ. Vì tháng 5/2015, nữ chuyên gia quốc tế Tong Yen Dan đã công bố công trình nghiên cứu của mình “Phân tích những Chi phí và Lợi ích của hệ thống đê bao tôn cao ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Nghiên cứu này được Chương trình Môi trường và Kinh tế Đông Nam Á tài trợ (The Economy and Environment Program for Southeast Asia, Văn phòng đặt tại Philippines) “A Cost – Benefit Analysis of Dike Heightening in Mekong Delta” May, 2015. https://ideas.repec.org/p/eep/report/rr20160320.html)

Tác giả đã được sự trợ giúp của Trường Đại học Cần Thơ và đã chọn An Giang là tỉnh điển hình của ĐBSCL để nghiên cứu trong 1 năm. Kết quả được lượng hóa rất cụ thể, qui hết ra tiền: Đối với Nhà nước thua lỗ 47.765 nghìn đồng/ha. Đối với nông dân, thua lỗ 3.381 nghìn đồng/ha.

 

TT/ST 88:  Giá mà cộng thêm cả 3 tác động môi trường rất to lớn, tác động đến sức khỏe người dân,  làm lãng phí tài nguyên nước, làm gia tăng ngập úng vào mùa mưa, gia tăng hạn hán và xâm nhập mặn vào mùa khô, chứng minh rõ ràng chính sách này đã LÀM NGHÈO ĐẤT NƯỚC.

 

 

V. BỘ NN&PTNT ĐÃ PHỦ ĐỊNH NGHỊ QUYẾT SỐ 120/NQ-CP:

 

TT/ST 89:  Nếu Bộ NN&PTNT tiếp tục các công trình thủy lợi đê bao cống đập, cụ thể là dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé, ngăn mặn, giữ ngọt, thực hiện nền nông nghiệp trị Thiên, tức là Bộ làm trái ngược với Nghị quyết Chính phủ số: 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 về “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”.

 

TT/ST 90:  Cụm từ “Phát triển bền vững” được Liên Hợp quốc khẳng định là sự phát triển không được phép làm tổn hại đến môi trường, sinh thái. Mà môi trường, sinh thái là những điều kiện sống thiết yếu, cơ bản của thế hệ tương lai. Tên của Nghị quyết số: 120/NQ-CP rõ ràng là tại Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta phải thực hiện nền nông nghiệp thuận Thiên, thân thiện môi trường, sinh thái. Nghị quyết xác định rõ: Trong nông nghiệp THỦY SẢN được đưa lên hàng đầu, mũi nhọn, chủ lực. Tiếp đến là CÂY ĂN QUẢ, cuối cùng mới là LÚA. Dưới đây là một số trích dẫn từ Nghị quyết 120:

 

2. Quan điểm chỉ đạo:

c) Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn

4. Các giải pháp tổng thể:

- Hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng (vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước lợ, nước mặn,...).

- Kiểm soát và hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao nhằm tránh rủi ro.

- Quy hoạch mới cần chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” trên cơ sở quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước, chủ động bảo đảm nguồn nước ngọt cho sinh hoạt của người dân và vùng kinh tế nước lợ, nước mặn; khai thác hợp lý tiềm năng tài nguyên nước lợ, nước mặn ở vùng ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Mọi dự án, công trình phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trên cả 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường, được phản biện khách quan, khoa học.

5. Một số nhiệm vụ cụ thể:

- Ba nhóm sản phẩm chủ lực: thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo

- Xây dựng ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của vùng, có quy mô lớn, hiện đại, sức cạnh tranh cao và bền vững

 

NGHỊ QUYẾT NÀY ĐỒNG THỜI CŨNG LÀ LỐI THOÁT, GIẢI PHÁP CHO ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG. Tốt nhất là thực hiện nông nghiệp thuận Thiên. Vùng nào ông Trời ban tặng cho sinh thái nước mặn thì canh tác mặn. Vùng nào ông Trời ban cho sinh thái nước ngọt thì canh tác ngọt. Vùng nào ông Trời ban cho sinh thái nước lợ thì canh tác lợ. Vào mùa nước nổi thì thực hiện ngư nghiệp đánh bắt hải sản, vào mùa nước kiệt thì thực hiện nông nghiệp trồng trọt./.

 

Thưa bạn đọc,

Tôi hoan nghênh những ý kiến phê phán, nhưng xin hãy bám vào từng TT/ST (từ 1 đến 90) mà tôi đã liệt kê, chỉ ra những chỗ sai cụ thể để tôi hoàn thiện bản thân.

 

Tôi cũng trân trọng mời bạn đọc vào website Nguyenducthang.vn với hơn 100 bài viết của tôi về Môi trường và Khoa học. Liên quan đến thủy lợi có bài “Cần trả lại chân lý khoa học cho kết luận về nguyên nhân ngập úng tại thành phố Hồ Chí Minh”, trong đó tôi đã đề xuất 5 giải pháp mềm, phi công trình, đã được lãnh đạo UBND Tp. HCM nhanh chóng tiếp thu và có văn bản chỉ đạo các Sở, ban ngành liên quan triển khai thực hiện (công văn số 839/UBND-ĐT, ngày 12/3/2019).

 

Trân trọng cám ơn bạn đọc.

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 8/5/2020.

 

 

 

 

 

 

NGUYÊN NHÂN TẠO RA LIÊN MINH CHẶT CHẼ DONALD TRUMP – VLADIMIR PUTIN
NGUYÊN NHÂN TẠO RA LIÊN MINH CHẶT CHẼ DONALD TRUMP – VLADIMIR PUTIN KẾT THÚC CUỘC CHIẾN UKRAINA
ÔNG DONALD TRUMP SÁP NHẬP CANADA VÀ ĐẢO GREENLAND
ÔNG DONALD TRUMP SÁP NHẬP CANADA VÀ ĐẢO GREENLAND
NGHẸT THỞ VÀ UỐNG NƯỚC
NGHẸT THỞ VÀ UỐNG NƯỚC
NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA 13 NĂM NỘI CHIẾN SYRIA
NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA 13 NĂM NỘI CHIẾN SYRIA
TỔNG THỐNG HÀN QUỐC YOON SUK YEOL SẼ PHẢI VÀO TÙ
TỔNG THỐNG HÀN QUỐC YOON SUK YEOL SẼ PHẢI VÀO TÙ