Tại Hội nghị Diên hồng về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trước những thách thức của biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có một báo cáo quan trọng, về một vấn đề rất nóng là SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN có tiêu đề như ảnh dưới đây:
Ngay ở đoạn đầu này, đã dẫn tài liệu quá cũ, từ năm 1961, đưa ra con số trung bình hàng năm có 4.000 tỷ m3 nước và 100 triệu tấn phù sa đổ về ĐBSCL. Trong khi Việt Nam đã là thành viên của Ủy hội sông Mekong mấy chục năm. Theo báo cáo của Mekong River Commission, State of the Basin Report 2010 đưa ra con số là 457 tỷ m3 nước, chênh nhau gấp 8,8 lần!!
Báo cáo đưa ra thống kê: Sạt lở bờ sông có 513 điểm với tổng chiều dài 520km. Sạt lở bờ biển 49 điểm với tổng chiều dài 266km. Về nguyên nhân gồm:
1) Thiếu hụt phù sa do các đập thủy điện, hồ chứa tại thượng lưu: Đây là nguyên nhân cơ bản của sạt lở bờ sông và bờ biển.
2) Do khai thác cát
3) Do nước biển dâng.
Cả 3 nguyên nhân trên đều là suy diễn rất cảm tính, rất chủ quan, vì chúng đều đối kháng với những thực tế, đặc điểm và qui luật của tự nhiên như những phân tích dưới đây:
1. Về nguyên nhân 1) thiếu hụt phù sa do các đập hồ thủy điện: ĐBSCL có một đặc điểm rất cơ bản là được kiến tạo từ các vật liệu hoàn toàn không kết dính, rất rời rạc, là sỏi, cát, phù sa và nước. Nước chảy có nơi bào mòn, có chỗ va đập vào bờ sông, lòng sông nên sạt lở phải là chuyện rất đương nhiên, rất bình thường, nếu không sạt lở mới là chuyện lạ. Các cụ ta từ ngày xưa đã nói “dòng sông bên lở, bên bồi” hay “dòng sông hết lở lại bồi” có ý nói rằng xói lở là chuyện ngẫu nhiên, là chuyện của đời thường, không có gì lạ. Bùn và cát vét từ sông lên đắp bờ lại trở về với sông. Ngày xưa, trên toàn lưu vực sông Mê Kông không tồn tại bất cứ 1 đập hồ thủy điện nào, cát sỏi và phù sa đổ về đầy ắp ĐBSCL, thừa mứa, thế mà vẫn sạt lở, theo những mô tả còn mãnh liệt hơn ngày nay. Dòng sông như một người ngủ, lúc trở mình bên này, lúc trở lại bên kia, rất ngẫu nhiên, vô tâm vô thức. Một thực tế rất giản dị, rất đời thường như vậy tại sao chúng ta lại phải đổ tiền, đổ của truy tìm nguyên nhân, rồi “kết tội” do Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Căm pu chia xây đập. Cho đến giờ, không có bất cứ một bài báo, công trình nghiên cứu khoa học nào (Việt Nam và Thế giới) chứng minh được về mối quan hệ tin cậy giữa thiếu hụt phù sa từ thượng nguồn đổ về với hiện tượng sạt lở tại ĐBSCL. Trong tương lai cũng sẽ không có.
Kiểu suy diễn rất kỳ lạ, giống hệt như thảm hỏa môi trường lịch sử, cá chết nổi trắng mênh mông ngoài biển tại 4 tỉnh duyên hải miền Trung, xẩy vào ngảy 6/4/2016. Sau gần 2 tháng truy tìm, nguyên nhân được qui tội cho phenol và xianua là những độc tố có trong nước thải của khâu luyện than cốc của Formosa Hà Tĩnh. Trong khi các thành viên của Đoàn điều tra đều biết từ tháng 12/2015 đến ngày 5/4/2016 Formosa Hà Tĩnh đã đi vào sản xuất than cốc. Công ty đã đổ hàng ngày khoảng 1000m3/ngày nước thải có chứa gần 1 tấn tổng phenol, xianua, ammonia và những độc tố khác nữa vào biển, liên tục 4 tháng liền mà cá vẫn tung tăng nhảy múa, hát ca; không một con cá nào chết!. Các cháu học sinh tiểu học cũng sẽ phải thốt lên “tại sao cá không chết ngay trong tháng 12/2015 mà phải đợi cho đến đúng ngày 6/4/2016 mới chết?”. Tiếp nữa, ra biển mênh mông mà kết luận một độc tố nào đó làm cá tầng đáy chết bạt ngàn, chỉ sau một đêm ngủ dậy, cho đến nay chưa nơi nào trên Thế giới dám kết luận như vậy, Việt Nam là duy nhất.
Kết luận về nguyên nhân 1) còn có một điểm yếu nữa: Đó là coi các đập hồ thủy điện ở thượng lưu là nguyên nhân duy nhất làm sụt giảm cát và phù sa đổ về ĐBSCL, không còn yếu tố nào nữa. Tuy nhiên, việc thiếu hụt phù sa đổ về ĐBSCL còn nguyên nhân nữa, nhưng lại đóng vai trò chủ yếu, bằng mắt thường không thể phát hiện được (nhìn thấy sỏi, cát lắng đọng trong nước), đó là do sự chuyển dịch của các cơn bão nhiệt đới gây ra như đã được chỉ ra tại công trình nghiên cứu tập thể 9 tác giả đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Vương quốc Anh, Phần Lan và Mỹ (1Geography and Environment, University of Southampton, UK. 2Water and Development Research Group, Aalto University, Finland. 3EIA Finland Ltd, Finland. 4Department of Geography, Environment and Earth Sciences, University of Hull, UK. 5Department of Geology, Geography & GIS, University of Illinois, USA. 6Department of Geography, University of Exeter, UK) đăng năm 2016, trên tạp chí Nature, doi:10.1038/nature19809 và Research Letter.
Tên bài báo có thể tạm dịch “Sự sụt giảm phù sa đổ về ĐBSCL là do chuyển dịch hoạt động của các cơn bão nhiệt đới”. Hệ số tương hợp (tương quan) giữa sụt giảm phù sa và dịch chuyển bão nhiệt đới r = 0,765 là đáng tin cậy. Công trình đã tính toán tổng lượng phù sa sụt giảm cho giai đoạn 25 năm (1981 – 2005) là 52,6 ± 10,2 triệu tấn; trong đó 33,0 ± 7,1 triệu tấn (chiếm 63%) là do sự dịch chuyển hoạt động của các cơn bão nhiệt đới, còn lại 37% là do các đập hồ thủy điện giữ lại. Có lẽ các nhà khoa học Thủy lợi, Thủy lực, Thủy văn và Khí tượng của ta nên công nhận những kết quả nghiên cứu này của các nhà khoa học quốc tế.
Tóm lại thiếu hụt phù sa chả liên quan gì đến xói lở cả! Thiếu hụt phù sa, là thiếu hụt các chất dinh dưỡng mầu mỡ cho cây cối, hoa màu, cho lúa và nuôi trồng thủy sản. Đó mới là cái mất lớn nhất, giá trị nhất của ĐBSCL.
2. Về nguyên nhân do khai thác cát:
Ngày xưa, ông cha ta thường làm nhà bằng tranh, tre, nứa, lá; không dùng đến cát; cát ứ đầy ngoài sông, thế mà dòng sông vẫn bên lở bên bồi. Ngày xưa cũng không có “cát tặc, cát thổ phỉ” thế mà dòng sông vẫn bị sạt lở. Hai vựa cát lớn nhất và đồng thời là 2 tỉnh khai thác cát lớn nhất tại ĐBSCL là An Giang và Đồng Tháp đã không bị qui kết là nguyên nhân làm sạt lở ngay tại chân, bờ các bãi khai thác cát, mà gây ra sạt lở bờ sông ở tận đẩu tận đâu đó xa tít mù tắp. Để đưa ra kết luận thuyết phục, cần phải làm thí nghiệm, ví dụ đào hút 1000 tấn cát tại điểm A, sau đó theo dõi ở các điểm X, Y, Z ở cách xa vài chục km xem có sạt lở không?. Cần có nhiều số liệu sau đó tính toán hệ số tương hợp xem có mối quan hệ tin cậy không? Thực tế đến nay không tồn tại bất cứ công trình nghiên cứu khoa học nào, toàn suy diễn rất cảm tính.
Bộ NN&PTNT kết tội do khai thác cát, báo chí tung hô đậm đặc, do vậy các địa phương xiết chặt lại việc khai thác cát, có nơi cấm luôn. Chỉ từ tháng 1/2017 đến 7/2017 cát là mặt hàng duy nhất có giá TĂNG ĐỘT BIẾN LOẠN tại ĐBSCL, cụ thể: Cát san nền 110.000 đồng/m3 lên 280.000đồng (255%), cát xây trát 150.000 đồng/m3 lên 350.000 đồng (233%), cát đổ bê tông 350.000 đồng/m3 lên 800.000 đồng (229%). Mặt hàng cát đã trở nên cháy bỏng ở ĐBSCL. Dự án giao thông trọng điểm Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2, thiếu nguồn cát trầm trọng. Dự án trúng thầu 9.000 tỷ đồng nay đội giá lên 14.000 tỷ đồng chỉ vì giá cát. Nhà đầu tư phải cầu cứu 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp xin hỗ trợ cung ứng cát san lấp với nhu cầu 6 triệu m3. Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể cảnh báo, nếu không giải quyết được vấn đề thiếu cát và giá cát thì công trình nhà nước đầu tư nào cũng sẽ ách tắc, không chỉ năm nay mà còn nhiều năm tới. Lãnh đạo Bộ GTVT đã “cầu cứu” Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, bố trí mỏ cát mới hoặc cấp phép tăng sản lượng khai thác cát.
Đúng là một kết luận rất vu vơ, đậm suy diễn chủ quan về khai thác cát là nguyên nhân xói lở bờ sông đã có sức công phá mạnh mẽ đến như vậy.
3. Về nguyên nhân do nước biển dâng:
Trái đất nóng lên toàn cầu, băng tuyết tan chảy ở hai cực của Trái đất và những vùng núi cao băng tuyết quanh năm, do đó mực nước biển dâng lên toàn cầu sẽ là hiện hữu. Trong tương lai, từ 50 đến 100 năm, có thể mực nước biển Đông sẽ dâng lên 0,5 – 0,7m. Tuy nhiên trong suốt 1000 năm qua và cho đến năm 2010 mực nước biển dâng giỏi lắm khoảng 3 - 5mm. Theo TS. Hồ Long Phi (năm 2010) thậm chí chưa dâng tí nào. Tác giả đã tính toán trên những số liệu quan trắc đỉnh triều cường suốt mấy chục năm qua, tại trạm quan trắc thủy văn Vũng Tầu, kết quả là đỉnh triều cường không thay đổi, tức là độ tăng của bình quân đỉnh triều bằng 0cm.
Xói lở do sóng triều “đánh” quanh năm ngày tháng vào bờ là điều dễ hiểu, ai cũng đồng thuận. Nhưng báo cáo của Bộ NN&PTNT lại không qui kết xói lở do sóng triều, mà qui kết cho mực nước biển dâng, trong khi thực sự nước biển chưa dâng tí nào. Sóng triều cùng nước biển cũng mới chỉ xâm nhập sâu vào các con sông trung bình 5 – 50km tùy nơi. Nước mặn chưa hề chạm tới những điểm sạt lở sông ở sâu bên trong. Thế mà mức nước biển dâng là nguyên nhân của xói lở. Kết luận ấy thật là ngộ!
4. Về sạt lở bờ biển:
Tại Hội nghị Diên hồng này, không một nhà khoa học nào của Việt Nam nói về quá trình bồi liên tục bờ biển Tây diễn ra trong 43 năm gần đây (từ năm 1968 – 2011). Duy nhất một nữ chuyên gia của World Bank là Anjali Acharya, nói rằng “Bờ Đông lở, để bồi bờ Tây” thông qua chỉ một slide sau:
Đường đỏ là bờ biển Đông và biển Tây năm 1968. Đường đen là bờ biển vào năm 2011. Chúng ta nên tin ở điều này, vì World Bank có thể tiếp cận cả kho tàng dữ liệu ảnh vệ tinh của nhiều năm. Chị Anjali Acharya đã giúp phát hiện thêm một qui luật mới là “Bờ biển Đông lở, bờ biển Tây bồi”. Mức độ bồi đắp bờ biển Tây là rất mạnh, lấn biển được rất nhiều. Mức độ lở bờ Đông là khá đồng đều và ít, tương ứng với tỷ lệ rừng ngập mặn ở vùng này đã bị chặt phá để nuôi tôm xuất khẩu.
GS. Võ Tòng Xuân, đại biểu Quốc hội nhiều khóa liền, có mấy chục năm gắn bó với nông nghiệp ĐBSCL, với công tác giáo dục, đào tạo. Giáo sư cũng có bài tham luận tại Hội nghị Diên hồng này. Dưới đây là ảnh chụp nguyên văn 1/2 trang báo cáo của giáo sư, đoạn nói về Ngành Thủy lợi:
Nguyễn Đức Thắng, ngày 23 tháng 10 năm 2017.