Ngày 26 – 27/9/2017 tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Diên hồng về Phát triển bền vững vùng ĐBSCL trước những thách thức của biến đổi khí hậu.
I. THẾ NÀO LÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG?
Theo định nghĩa của Liên Hợp quốc và được hầu hết các quốc gia trên Thế giới chấp nhận, là “Sự phát triển nhằm đáp ứng những nhu cầu của thế hệ hiện tại NHƯNG không làm ảnh hưởng đến các điều kiện để đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai”. Vậy các điều kiện ở đây là gì?
Các điều kiện ở đây không phải là các tòa nhà chung cư cao tầng chen vai sát cánh, nhà lầu biệt thự, xe hơi sang trọng, hay vài tấn vàng để lại cho con cháu; mà chính là Môi trường và các hệ sinh thái. Các cụ ta đã để lại cho ông cha ta cả một môi trường và các hệ sinh thái khỏe mạnh, trong lành rất đáng để sống. Ông cha ta cũng đã để lại cho chúng ta một môi trường cũng trong lành, rất đáng để sống.
Nói cách khác Phát triển bền vững là “Sự phát triển đáp ứng những nhu cầu của thế hệ hiện tại NHƯNG không làm hại đến môi trường và các hệ sinh thái”. Bất kỳ một doanh nghiệp nào mà làm ô nhiễm môi trường, gây hại cho hệ sinh thái là doanh nghiệp đó không thực hiện Phát triển bền vững. Sẽ không đúng khi quan niệm rằng GDP của quốc gia, hay doanh thu, lãi và tài sản của doanh nghiệp cứ năm sau tăng hơn năm trước là Phát triển bền vững.
II. NHỮNG CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP ĐỐI CHỌI VỚI QUI LUẬT, ĐẶC ĐIỂM CỦA TỰ NHIÊN ĐỀU PHẢI TRẢ GIÁ ĐẮT:
1) Toàn Thế giới đã phải “điều chỉnh” hành vi, cách ứng xử của mình để Thiên nhiên bớt “giận dữ”:
Thỏa thuận lịch sử Paris 2015 của 195 nước tham gia, về Biến đổi khí hậu là một minh chứng hiện hữu nhất cho thấy cả Thế giới không thể chống trọi lại được với thiên tai. Biến đổi khí hậu sẽ ngày càng làm gia tăng những thảm họa thiên tai. 200 năm vừa qua (khoảng 3 thế hệ), con người đã thực sự tàn phá thiên nhiên, nên thiên nhiên hiện đang “hất trả” lại con người rất nhiều thiên tai.
Nhiều vạn năm trước thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, nồng độ CO2 trong không khí luôn ổn định ở mức 280ppm (0,028%). Bỗng dưng chỉ trong 200 năm vừa qua liên tục tăng, đến 410ppm (0,041%) vào tháng 7/2017, do con người đã đốt quá nhiều nhiên liệu hóa thạch (than, xăng, dầu, khí ga). Cứ đốt 1 triệu tấn than sẽ tạo ra 1,9 triệu tấn khí CO2, tăng cao, dày và nhiều lên trong khí quyển đã ngăn chặn mọi bức xạ nhiệt hồng ngoại từ bề mặt Trái đất phát tán vào vũ trụ. Vì vậy, không khí bề mặt Trái đất đã nóng dần lên, các khối băng tan chảy và kết quả mực nước biển dâng cao, kết hợp với những hiện tượng thời tiết biến đổi cực đoan hơn.
Thỏa thuận Paris 2015 có mục tiêu chính là giữ không cho nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng không quá 2oC so với năm 1880 (lý tưởng là không quá 1,5oC) thông qua cam kết của Chính phủ các nước cắt giảm phát thải khí CO2, chính là cắt giảm tiêu dùng than, xăng dầu, khí ga. Cuối cùng toàn Thế giới đã phải chấp nhận GIẢM TIÊU DÙNG CỦA BẢN THÂN, GIẢM TIỆN NGHI SINH HOẠT.
2) Dự án thoát lũ sông Mê Kong đổ ra biển Tây, công trình trọng đại cấp quốc gia, thất bại ngay sau khi khánh thành:
Tạo hóa đã ban cho hạ lưu sông Mê Kông 3 đại hồ ĐIỀU HÒA chứa nước khổng lồ là Tonle Sap ở Căm pu chia, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên nên chỉ có “Mùa nước kiệt” và “Mùa nước nổi” chứ không có lũ. Người dân đã ngàn năm sống no đủ, hạnh phúc giản đơn với 2 mùa nước này. Mùa nước kiệt thì đồng lúa vàng mênh mông thơm phức, vào Mùa nước nổi thì tôm, cá, cua, ốc, các loại rau, hoa về đầy đồng. Chúng tự sinh sôi nẩy nở, tự phát triển theo một qui luật của tự nhiên là “chuỗi và mạng lưới thức ăn”, con người không phải chăm sóc, không phải nuôi trồng, người dân chi có nô nức đi đánh bắt, thu hoạch.
Ngày xưa, để phát triển kinh tế, tăng cường thông thương, giao lưu hàng hóa, chấn hưng miền Tây, qua đó bảo vệ biên cương đất nước, năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long ra lệnh đào kênh Vĩnh Tế (dài 36km, rộng 30 m, sâu 2,5m) song song với biên giới Cămpuchia, nối từ sông Hậu (tại Châu Đốc, An Giang) với sông Giang Thành thuộc thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Đoạn đường thủy từ Châu Đốc đến Hà Tiên dài khoảng 87km. Để cho thuyền bè đi lại được nên kênh chỉ cần có nước là đủ, dòng chảy không quan trọng.
Sau thống nhất đất nước, các nhà khoa học thủy lợi ngoài Bắc vào Nam đã gọi “mùa nước nổi” là “lũ”. Năm 1990, Bộ Thủy lợi và Viện Khoa học Việt Nam đã trình Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định phê duyệt dự án thoát lũ sông Mê kông ra biển Tây, bẻ ngoặt dòng chảy sông Hậu, tại Châu Đốc (An Giang), nghiêng cả biển nước mênh mông của Tứ giác Long Xuyên (độ cao trung bình 1m) đổ vào kênh Vĩnh Tế ra biển Tây. Dự án đã khơi thông, nạo vét, đào lại kênh mương đã bị bùn cát sạt lở lấp đầy mà cách đó 170 năm vua Gia Long đã cho làm. Vì vùng dọc biên giới với Căm pu chia có độ cao trung bình (3m – 4m) là cao nhất của ĐBSCL, vì qui luật của tự nhiên là “Nước chảy chỗ trũng”, nên dự án này chỉ đổ được tí tẹo nước sông Hậu ra biển Tây mà thôi. Tuy nhiên tiền tấn, tiền tạ đã được chi ra. Nhiều huân chương, huy chương được trao tặng; bao nhiêu bài báo ngợi ca dự án.
3) Công trình thủy lợi đê bao ngăn nước ngọt của mùa nước nổi, vĩ đại nhất trong lịch sử nông nghiệp và thủy lợi Việt Nam, để cấy lúa 3 vụ trong 1 năm, KẾT QUẢ là có nhưng HIỆU QUẢ là âm:
Người dân ĐBSCL đã ngàn năm chung sống thân thiện với Mùa nước nổi. Họ trông trời, trông nước, trông mây mà gieo trồng và đánh bắt tôm cá. Khi mùa nước nổi về ban tặng cho người dân những thứ sau:
Người dân hầu như không phải mất công gieo trồng, thả giống, chăm sóc, cho ăn v.v… chỉ mất công thu hoạch. Do vậy, người dân ở ĐBSCL chưa bao giờ có khái niệm đói ăn. Những ngành nghề phụ như đan lưới, làm đó, dớn, lú cũng phát triển theo.
Năm 2000, Bộ NN&PTNT cho rằng không thể để đất đai nông nghiệp lãng phí, cần phải xây đê bao chặn lũ hoàn toàn để tiếp tục cấy lúa vụ 3, gọi là vụ Thu – Đông. Việt Nam phải đứng đầu trong các cường quốc xuất khẩu gạo, thu về rất nhiều ngoại tệ mạnh. Cả Trung ương và địa phương vào cuộc. Tiền tấn, tiền tạ được Nhà nước và nhân dân đầu tư; các địa phương đua nhau tôn đê cao hơn nữa chỉ để ngăn không cho nước ngọt cùng phù sa màu mỡ tràn vào làm úng ngập lúa vụ 3 (vụ Thu – Đông).
KẾT QUẢ là ĐBSCL đã có nền nông nghiệp với chằng chịt mạng lưới đê bao khép kín có tổng chiều dài là 57.000km, bao bọc bảo vệ 10.539 ô ruộng trồng lúa 3 vụ quanh năm. Năm 2011 đã gieo trồng 630 ngàn ha lúa vụ 3, bình quân 5 tấn thóc/ha, thu được 3 triệu tấn thóc. Báo chí khắp đất nước ca ngợi nhiều ngày tháng. Các lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, đã nhiều năm quen phấn khởi trước những KẾT QUẢ mà không cần biết đến HIỆU QUẢ như thế nào:
Ở bên Căm pu chia đại hồ Tonle Sap cho đến nay vẫn được giữ nguyên trạng. Tuy nhiên ở Việt Nam, chức năng chứa nước của toàn vùng Đồng Tháp Mười và vùng Tứ giác Long Xuyên đã bị xóa sổ bởi chính hệ thống 57.000km đê bao trồng lúa. Tổng diện tích 2 vùng này gần 1,2 triệu ha. Trước năm 2000, hàng năm vào Mùa nước nổi, hai “đại hồ” có thể chứa đến 1,5m nước, khoảng 18 tỷ m3 nước phù sa màu mỡ (12.000.000.000m2 x 1,5m). Sau năm 2000, hệ thống 57.000km đê bao trồng lúa sẽ “đẩy/gạt” nước đi vùng khác, về xuôi. Giả sử ruộng lúa cần 0,4m nước, tương đương với gần 5 tỷ m3 (12 tỷ m2 x 0,4m) nước được giữ lại cho cả 2 vùng. Số nước còn lại là 13 tỷ m3 nước ngọt chứa phù sa sẽ đi đâu, về đâu? Chúng sẽ theo sông, kênh, rạch chảy đi khắp nơi. Đích đến cuối cùng rồi sẽ là biển. Cộng với nước mưa tại chỗ sẽ gia tăng ngập úng cho các tỉnh miền xuôi.
Thực sự là lãng phí tài nguyên nước. Do nước không được “LƯU TRỮ” vào vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười nên hai “đại hồ” này không có nước nữa. Vào mùa khô, Mùa nước kiệt, không một giọt nước nào từ hai “đại hồ” này được nhả từ từ về xuôi, góp phần cung cấp nước ngọt, ngăn triều, đẩy mặn tại các cửa sông như ngàn năm nó đã có.
Lượng hóa thành tiền những chi phí và lợi ích của hệ thống đê bao:
Tháng 5/2015, nữ chuyên gia quốc tế Tong Yen Dan đã công bố công trình nghiên cứu của mình “Phân tích những Chi phí và Lợi ích của hệ thống đê bao tôn cao ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Nghiên cứu này được Chương trình Môi trường và Kinh tế Đông Nam Á tài trợ (The Economy and Environment Program for Southeast Asia, Văn phòng đặt tại Philippines) “A Cost – Benefit Analysis of Dike Heightening in Mekong Delta” May, 2015.
https://ideas.repec.org/p/eep/report/rr20160320.html)
Tác giả đã được sự hợp tác của một số nhà khoa học quốc tế có uy tín trong lĩnh vực kinh tế môi trường (environmental economics), nhận được sự trợ giúp của Trường Đại học Tổng hợp Cần Thơ và đã chọn An Giang là tỉnh điển hình của ĐBSCL để nghiên cứu trong 1 năm. Các phương pháp tính toán chi phí và lợi ích là theo chuẩn quốc tế.
Từ năm 2001 – 2012 An Giang đã đầu tư thực hiện 7440 công trình, có 1588 kênh, đào 74,2 triệu m3 đất đắp được 1939 đê với tổng chiều dài 10.428km, có 197 cống và 1269 trạm bơm. Tổng chi phí đầu tư là 3.621 tỷ đồng tính theo thời giá năm 2012. Trong tổng này, theo qui định chung 70% là Nhà nước đầu tư, người dân bỏ ra 30%. Kết quả tổng hợp cuối cùng về chi phí – lợi ích đối với Nhà nước và người dân như sau:
a) Đối với Nhà nước: Tổng lợi ích thu được từ lúa vụ 3 là 139.311 nghìn đồng/ha; tổng chi phí phải bỏ ra 187.076 nghìn đồng/ha. Tổng thua lỗ 47.765 nghìn đồng/ha. Khi nhân với tổng diện tích lúa vụ 3 là 630.000 ha, ta có tổng thiệt hại sẽ là 30.092 tỷ đồng. Trong đó UBND tỉnh An Giang bị thiệt hại 7.165 tỷ đồng.
b) Đối với nông dân: Tổng lợi ích thu được từ lúa vụ 3 là 139.311 nghìn đồng/ha; tổng chi phí phải bỏ ra 142.692 nghìn đồng/ha. Tổng thua lỗ 3.381 nghìn đồng/ha. Khi nhân với tổng diện tích lúa vụ 3 là 630.000 ha, ta được tổng thiệt hại đối với nông dân là 2.130 tỷ đồng. Trong đó nông dân tỉnh An Giang bị thiệt hại là 507 tỷ đồng.
NHƯ VẬY KẾT QUẢ LÀ CÓ, NHƯNG HIỆU QUẢ LÀ ÂM
“Không tồn tại một xã hội thuần túy, chỉ tồn tại một xã hội sinh thái. Mọi quan điểm phát triển (kinh tế, chính trị, văn hóa) sẽ đổ vỡ nếu như chúng không xuất phát từ quan điểm xã hội sinh thái – NDThang” |
Nguyễn Đức Thắng, ngày 10 tháng 10 năm 2017