ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG >Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ VÀ NHIỆT ĐIỆN THAN
Ngày đăng: 02-02-2020 - 12:10:41

Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ VÀ NHIỆT ĐIỆN THAN

 

GIỚI THIỆU


Đã từ lâu Thế giới biết đến những tác động độc hại của nhiệt điện than đối với sức khỏe con người, môi trường và sinh thái. Tuy nhiên Thế giới đã phải ngậm đắng, nuốt cay sử dụng  nhiệt điện than, vì chưa có cách để khai thác một cách có hiệu quả với chi phí thấp điện gió và điện mặt trời. Thế giới đã tiến hành song song hai việc trong một thời gian dài là hoàn thiện, nâng cấp các thiết bị xử lý khí thải, lọc tách, thu giữ bụi của nhiệt điện than  và nghiên cứu để khai thác sử dụng năng lượng gió và mặt trời. Nước Đức là nước dẫn đầu Thế giới về công nghệ lọc bụi tĩnh điện và tháp hấp thụ công nghệ ướt (dung dịch nước vôi) để loại bỏ khí SOx, NOx của nhiệt điện than, với nhiều bằng phát minh, sáng chế, công nghệ Made in Germany, siêu hoàn hảo, siêu hiện đại và tiến bộ, cũng đã phải tuyên bố đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện than (thậm chí cả điện hạt  nhân nữa) để chuyển sang sử dụng điện năng lượng  tái tạo vì điện gió và điện mặt trời là rất sạch, nguồn vô tận và đã rẻ hơn đáng kể so với nhiệt điện than tại Đức.

 

Đối với Thế giới nhiệt điện than có 2 yếu điểm sinh tử, vô cùng nguy hại, mà toàn Thế giới quyết tâm giảm thiểu; một số nước sẽ loại bỏ hoàn toàn, kể từ sau thỏa thuận Paris 2015 đó là a) Chiếm tỷ trọng phát thải cacbon lớn nhất, toàn cầu, gây biến đổi khí hậu  (BĐKH). Theo IEA năm 2015 riêng ngành nhiệt điện than phát thải 9,9 tỷ tấn CO2 trên tổng phát thải toàn cầu là 32,3 tỷ tấn, chiếm 31%. b) Hủy hoại sức khỏe con người, môi trường và sinh thái.

 

Sẽ là không chuẩn khi cho rằng: Phát thải CO2 là gây ô nhiễm không khí; ô nhiễm không khí chỉ gây ra những bệnh phổi và không khí ẩm bao giờ cũng nặng hơn không khí khô. Không khí vào buổi sáng trong lành hơn không khí vào buổi chiều.

 

I. KHÔNG KHÍ TRONG LÀNH, TINH KHIẾT:

Không khí khô tuyệt đối, theo thể tích có chứa 3 khí chủ yếu sau: 78.08% khí nito (N2), 20.94% oxy (O2), 0.93% Argon (Ar). Còn lại khoảng 0,043% có chứa CO2 (0.04%), Ne (0,0018%), He (0,0005%), CH4 (0,0002%), H2 (0,00005%).

Không khí khô này có tỷ trọng (khối lượng kg/m3) thay đổi theo nhiệt độ và áp suất. Ở điều kiện áp suất không khí là như nhau, ví dụ là 1 atm, tỷ trọng không khí  giảm khi nhiệt độ tăng. Cụ thể cứ 1 m3 không khí quanh ta ở -25oC, 20oC và 35oC cân nặng cụ thể như sau 1,4224kg, 1,2041kg và 1,1435kg.

 

Thực tế đo đạc này cũng có thể suy ra từ công thức thể hiện định luật một chất khí lý tưởng: PV = nRT (trong đó P = áp suất, V = thể tích, n = lượng chất (khí), R = hằng số khí, T = nhiệt độ). Suy ra nồng độ chất khí (n/V) = P/RT, là tỷ lệ nghịch với nhiệt độ. Khi nhiệt độ buổi sáng thấp hơn buổi chiều, do vậy nồng độ chất khí vào buổi sáng phải cao hơn buổi chiều. Kết quả của hầu hết các trạm đo chất lượng ô nhiễm không khí đều phù hợp với qui luật này.

 

Các phân tử không khí trong lành, không màu, không mùi vị, quá nhỏ bé do vậy mắt thường chúng ta không nhìn thấy được. Nhưng nếu lấy 1m3 không khí “ép” lại và đem cân ta thu được khối lượng gần đúng 1,2kg ở 20oC.

 

Tuy nhiên, không khí luôn chứa hơi nước với độ ẩm luôn biến động. Vì phân tử lượng của nước là 18 (H2O) là nhỏ hơn phân tử lượng của N2 (28) hay O2 (32) do vậy 1m3 không khí ẩm có khối lượng nhẹ hơn không khí khô. Không nên nhầm lẫn cho rằng không khí chứa hơi nước là nặng hơn không khí khô.

 

Nồng độ 0,04% thể tích = 400 ppm (part per million, phần triệu) = 400 ml/L

Nồng độ 0,04% khối lượng = 400 ppm (part per million, phần triệu) = 400 mg/kg

 

Khí CO2 là khí dưỡng chất cơ bản cho cây trồng. Trên Trái đất duy nhất chỉ có hệ thực vật có khả năng quang hợp để chuyển đổi khí CO2 + H2O + năng lượng mặt trời thành hợp chất hữu cơ và oxy, duy trì sự sống cho Trái đất. Do vậy trong chuỗi thực phẩm/thức ăn (food chain and food web), loài thực vật được gọi là loài sản xuất (producers). Loài động vật được gọi là loài tiêu dùng (consumers) vì chúng ăn thực vật và động vật để tồn tại. Hệ tiêu hóa của động vật là kém phát triển hơn so với thực vật vì không thể tự “tiêu hóa” được khí CO2 và H2O thành nguồn thực phẩm và năng lượng cho bản thân, phải sống nhờ vào hệ thực vật.

 

Do vậy, không nên nhầm lẫn coi khí CO2 là khí gây ô nhiễm không khí (air pollutant).

 

II. CÁC KHÍ HIỆU ỨNG NHÀ KÍNH:

 

Bao gồm khí CO2 chiếm tỷ trọng 90%, khí CH4 là 9%, còn lại 1% cho các khí khác. Nên nhớ là khí gây hiệu ứng nhà kính không phải là khí gây ô nhiễm không khí (air pollutants).

 

Nhiều vạn năm về trước nồng độ CO2 trong không khí luôn ổn định ở mức 280ppm (phần triệu, bằng 0,028%). Bỗng dưng chỉ trong 150 năm vừa qua liên tục tăng, đến 410ppm (0,041%) vào cuối năm 2017, do con người đã đốt quá nhiều nhiên liệu hóa thạch. Bình quân cứ đốt 1 triệu tấn than sẽ tạo ra 1,9 – 2,1 triệu tấn khí CO2, tích tụ trên khí quyển tạo thành lớp ngăn chặn không cho các bức xạ nhiệt từ bề mặt Trái đất thoát vào vũ trụ, làm cho Trái đất nóng dần lên, băng tan chảy, mực nước biển dâng cao và gây biến đổi khí hậu.

 

Theo cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm 2015, từ tất cả các hoạt động của con người, tổng phát thải CO2 toàn cầu là 32,3 tỷ tấn. Trong đó riêng các nhà máy nhiệt điện than phát thải 9,88 tỷ tấn CO2, chiếm 31%. Cần nhớ Thỏa thuận Paris 2015 là thỏa thuận chống biến đổi khí hậu (BĐKH) với trọng tâm, cốt lõi cắt giảm phát thải cacbon (CO2 và CH4).

 

III. CÁC CHẤT GÂY Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ (Air pollutants):

 

Ngoại trừ các chất tạo nên không khí trong lành, tinh khiết nói trên, các chất khác có trong không khí ở nồng độ rất nhỏ, dưới chuẩn được coi là các tạp chất (impurity); ở nồng độ vượt tiêu chuẩn cho phép, được coi là các chất gây ô nhiễm (pollutant).

 

Những hoạt động của con người (công, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải v.v..) đã phát thải vào không khí rất nhiều các hợp chất khác nhau, tạo nên hai nhóm chính các chất gây ô nhiễm sau:

 

  • Các khí NOx, SOx, O3 (ozon), CO có kích thước phân tử vô cùng nhỏ, khoảng dưới 5 nanomet (1 mm = 1.000 µm = 1.000.000 nm).
  • Các hạt vật chất (nôm na gọi là bụi siêu mịn) PM10 (Particulate Matter) có kích cỡ nhỏ hơn 10 µm. Độ dầy của sợi tóc khoảng 100 µm. Do vậy những hạt vật chất này mắt thường chúng ta cũng không thể nhìn thấy được. Những hạt bụi kích cỡ nhỏ hơn PM10 tồn tại rất lâu dài trong không khí. Những hạt bụi cỡ lớn hơn PM10 thường sớm lắng xuống mặt đất, tách ra khỏi không khí, nên ít được quan tâm.

 

Nhóm các khí gây ô nhiễm NOx, SOx, O3 (ozon), CO cũng ít được quan tâm trong thực tế với tư cách là các khí độc lập. Vì các khí O3 và CO là những khí không bền, trong không khí sẽ nhanh chóng chuyển hóa thành khí O2 và CO2 không độc hại. Các khí NOx, SOx nhanh chóng hấp phụ, kết dính vào các bụi siêu mịn, nên tác động độc hại của hai khí này được thể hiện và mô tả đầy đủ ở tác động của các hạt bụi siêu mịn (kích cỡ dưới PM10).

 

Các hạt bụi siêu mịn trong không khí có chứa rất nhiều các loại hợp chất hóa học (hữu cơ, vô cơ) khác nhau, bao gồm cả nhiều kim loại nặng (thủy ngân, cadmi, crom, arsen v.v..). Đặc biệt nguy hại là những hạt có kích cỡ dưới 2,5 µm (PM2,5). Vì các hạt có kích cỡ lớn hơn PM2,5 được hít thở vào trong hai lá phổi, sẽ dừng, khu trú tại hai lá phổi; nhưng các hạt nhỏ hơn PM2,5 sẽ đi tiếp xâu hơn nữa, vì chúng có khả năng “thẩm thấu/hòa tan” vào các mạch máu tại phổi, chảy về tim, được bơm đi “nuôi” toàn bộ cơ thể. Vì vậy, không nên nhầm lẫn cho rằng ô nhiễm không khí chỉ gây ra những bệnh phổi mà thôi. Ô nhiễm không khí có thể gây bệnh ở tim, ở não, ở gan v.v..

 

IV. THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÁC HẠT BỤI DƯỚI PM10:

 

Các hạt bụi siêu mịn có đường kính từ 1 - 10 µm (từ 1.000 - 10.000nm) có thể chứa được rất nhiều các hợp chất hóa học (vô cơ và hữu cơ) khác trong nó, cả nhiều kim loại nặng nữa. Ví dụ như kích thước phân tử một số dung môi hữu cơ bay hơi (volatile organic compounds, VOCs  như formaldehyde, methanol, benzen, phân tử muối ăn (NaCL), kim loại nặng như thủy ngân (Hg), cadmi (Cd), các anion như sunphat (SO4), nitorat (NO3) hay phân tử thuốc trừ sâu DDT chẳng hạn v.v.. đều nhỏ hơn 20nm. Như vậy, có thể ví 1 hạt bụi siêu mịn như một tòa nhà chung cư chứa nhiều hộ gia đình trong đó.

 

Thành phần cụ thể của các hợp chất hóa học nói trên phụ thuộc vào các nguồn phát thải do các hoạt động sản xuất hàng ngày, sở tại của con người tạo ra. Các nhà khoa học trên Thế giới đều thống nhất cho rằng các nguồn phát thải tự nhiên như núi lửa, cháy rừng tạo ra là nhỏ, không đáng kể so với những hoạt động do con người gây ra (anthropogenic activities).

 

Các phòng phân tích hóa học hiện nay ở Việt Nam đủ khả năng lấy mẫu các hạt bụi siêu mịn và đem phân tích cụ thể để cho ta chính xác thành phần hóa học của 1 hạt bụi siêu mịn. Hợp phần hóa học của hạt bụi siêu mịn của đô thị này, khu công nghiệp này sẽ là khác đối với đô thị, khu công nghiệp khác.

 

V. CÁC NGUỒN GÂY Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ (Air pollution sources)

 

Thế giới phân loại các hoạt động của con người thành 5 nguồn gây ô nhiễm chính sau:

  • Sản xuất nhiệt và điện: Do các hoạt động đốt than và dầu.
  • Giao thông vận tải: Do các động cơ đốt xăng và dầu.
  • Các cơ sở, nhà máy công nghiệp, sản xuất xi măng, sắt thép, hóa chất, lọc dầu v.v.. Để có năng lượng hoạt động các cơ sở này thường đốt than và dầu.
  • Các bãi thải rác thải đô thị và nông nghiệp, đốt rác thải
  • Sưởi và đun nấu trong gia đình sử dụng than và dầu.

Từ 5 nguồn gây ô nhiễm chính này, suy cho đến cùng là hoạt động đốt than, dầu và rác thải. Xăng và khí thiên nhiên (hay khí hóa lỏng) nói chung là khá sạch, không đáng kể trong việc gây ô nhiễm không khí.

Khi chúng ta đốt các nhiên liệu hóa thạch (fossil fuel gồm than, xăng, dầu, khí thiên nhiên) và nhiên liệu sinh khối (biomass, gồm rơm, dạ, củi, thân, lá cây) và rác thải sinh hoạt (gồm giấy, vải, gỗ, cao su, nilong, nhựa v.v..) đều phát thải vào môi trường sản phẩm chính là khí CO2 và hơi nước H2O. Có nghĩa là đốt 3 loại nhiên liệu trên đều phát thải khí chủ lực CO2 gây hiệu ứng nhà kính, đối tượng chủ yếu mà thỏa thuận Paris 2015 cam kết cắt giảm. Một số nước ở Châu Âu đã tiên phong và gương mẫu trong việc thực hiện nền kinh tế không phát thải cacbon (zero carbon emission economies) góp phần cứu hành tinh Trái đất. Những nước này sẽ phải dựa vào các nguồn năng lượng  tái tạo (sức nước, sức gió và năng lượng mặt trời) để phát triển.

Các sản phẩm phụ khi đốt cháy 3 loại nhiên liệu nói trên gồm hydrocarbon không cháy hết (tạm gọi là muội than) và các chất khác nữa tùy thuộc vào thành phần hóa học của nhiên liệu đốt ban đầu.

Ô nhiễm không khí do động cơ chạy xăng (xe máy, ô tô con) gây ra còn thua xa nếu so sánh với ô tô chạy bằng dầu (DO, diesel oil) do các ô tô tải gây ra. Vì về thành phần hóa học của xăng là sạch hơn nhiều so với dầu. Trong dầu có chứa một lượng nhất định lưu huỳnh (từ 500mg/L – 2500mg/L) nên khi cháy sẽ phát thải vào môi trường lượng đáng kể khí SOx nguy hại cho sức khỏe và môi trường sinh thái. Nhiều nước ở Châu Âu đang loại bỏ ô tô chạy dầu, tiến tới chỉ chạy xăng và ô tô điện sẽ là chủ yếu.

Than là một hợp chất hữu cơ, được khai thác từ vỏ Trái đất, ngoài các nguyên tố chủ chốt như cacbon (C), oxy (O), hydro (H), ni tơ (N), lưu huỳnh (S), phốt pho (P) còn chứa các kim loại sau: Arsen, thủy ngân, beryllium, cadmium, nhôm, sắt, chì, thiếc, crom, selenium, canxi, coban, đồng, magie, mangan, natri, kali, vanadium v.v..

 

Than và nhiệt điện than được xác định là trụ cột của nền kinh tế tại “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VII điều chỉnh) do vậy việc công bố các thành phần kim loại nặng có trong than của Việt Nam là tối kỵ.

 

Những số liệu ở bảng dưới đây cho thấy nhu cầu về than của các ngành khác hầu như không tăng, trong khi nhiệt điện than tăng rất mạnh mẽ và Việt Nam sẽ phụ thuộc nặng nề vào than nhập khẩu:

 

Tổng hợp dự báo nhu cầu sử dụng than trong nước (đơn vị triệu tấn)

TT

Danh mục

Năm 2019

2025

2030

2035

1

Nhiệt điện than

52,5

86,0

119,4

127,5

2

Xi măng

5,2

6,6

6,7

6,7

3

Luyện kim

4,4

7,2

7,2

7,2

4

Phân bón hóa chất

5,0

5,0

5,0

5,0

5

Các hộ khác

5,6

6,1

6,4

6,7

 

Tổng cộng

72,8

111,0

145,0

153,0

 

Nhập khẩu

33,0

66,4

97,8

106,0

(Nguồn: Báo cáo “Hiện trạng và định hướng phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2035, những khó khăn và thách thức’’ của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, tại kỷ yếu “Hội thảo quốc tế Phát triển năng lượng bảo vệ và bảo vệ môi trường tại Việt Nam” Hà Nội, ngày 29/11/2018).

 

Theo Xu và cộng sự, trong 1 triệu tấn than của Trung Quốc nói chung có chứa các kim loại nặng (Min – Max) như sau: Crom (500 kg – 60.000kg), Cobalt (500kg – 30.000kg), Đồng (5.000 – 50.000kg), Chì (500kg – 80.000kg), Mangan (5.000 – 300.000kg), Nikel (200kg – 50.000kg), Kẽm (200kg – 300.000kg), Thủy ngân (500kg – 1.000kg), Bạc (500kg – 2.000kg), Arsen (500kg – 80.000kg) [ Xu, M., Yan, R., Zheng, C., Qiao, Y., Han, J., & Sheng, C. (2004). Status of trace element emission in a coal combustion process: a review. Fuel Processing Technology, 85(2–3), 215–237].

 

Đối với từng mẫu than cụ thể có thể xác định được chính xác hàm lượng từng kim loại nặng trong phòng phân tích hóa học. Bình quân cứ 1 triệu tấn than của nhà máy nhiệt điện than Rybnik (phía Nam Ba Lan) có chứa 24.000kg đồng, 24.000 kg Nikel, 18.000 kg chì, 45.000 kg kẽm, 38.000kg Crom và 5.000kg Cadmi. Trong tro bay của nhà máy này có chứa bình quân nồng độ kẽm là 120 ppm (hoặc mg/kg), đồng là 38 ppm, Nikel là 41 ppm, Chì là 44 ppm, Crom là 64 ppm và Cadmi là 3 ppm, chúng  có chứa trong các hạt bụi nhỏ hơn PM10.  [D. Smolka-Danielowska:     Pol. J. Environ. Stud. 2006;15(6):943–946].

 

Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ công bố “Các nhà máy nhiệt điện than của Mỹ chịu trách nhiệm đến 33% tổng phát thải thủy ngân vào bầu trời nước Mỹ (U.S Environment Protection Agency (US EPA, 2015).

 

Theo định luật bảo toàn khối (một định luật cơ bản của tự nhiên), tổng khối lượng của mọi chất tham gia vào quá trình đốt cháy than sẽ bằng tổng khối lượng của tất cả các chất/sản phẩm hình thành sau đó. Bình quân khi đốt 1 triệu tấn than sẽ cần khoảng 1,6 triệu tấn O2. Sản phẩm hình thành gồm khoảng 2,0 triệu tấn khí hiệu ứng nhà kính (CO2, và CH4), khoảng 0,5 triệu tấn tro than có chứa tất cả các kim loại độc hại nói trên (67% là tro đáy và 33% là tro bay) và 0,1 triệu tấn khí SOx, NOx. Tất cả những chất này không biến mất đi đâu cả, chúng sẽ đi và lan tỏa rộng hơn vào môi trường (đất, nước, không khí) mà thôi.

 

Các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 10 µm có thể đi vào tận phế nang, gây viêm mũi, viêm phế quản, hen suyễn, viêm và ung thư phổi. Hạt nhỏ hơn 2,5 µm, bao gồm cả các kim loại nặng bay hơi, có thể đi vào máu lan tỏa khắp nơi trong cơ thể.

Khí SO2, SO3 gọi chung là SOx: Là những khí độc hại, có tính kích thích, ở nồng độ nhất định có thể gây co giật cơ trơn của khí quản. Ở nồng độ lớn hơn sẽ gây tăng tiết dịch niêm mạc đường khí quản gây viêm khí quản, khi tiếp xúc với mắt có thể tạo thành axit gây tổn hại đến thị lực. SOx có thể xâm nhập vào cơ thể người qua da và các cơ quan hô hấp hoặc cơ quan tiêu hóa. SOx bị oxy hóa ngoài không khí và phản ứng với nước mưa tạo thành axit H2SO4 hay các muối sulfate gây hiện tượng mưa axit, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thực vật, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, làm chua đất và là tác nhân ăn mòn kim loại, bê tông và các công trình kiến trúc.

Khí NO2 khi bị hít vào kích thích mạnh đường hô hấp. Nó tác động đến hệ thần kinh và phá hủy mô tế bào phổi, làm chảy nước mũi, viêm họng. Với nồng độ 5ppm có thể gây ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp. Con người tiếp xúc lâu với NO2 khoảng 0.06 ppm có thể gây các bệnh trầm trọng về phổi.

 

TẤT TẬT các độc tố hóa học nói trên trong môi trường không khí và nước sẽ đi vào cơ thể con người thông qua đường da, ăn uống, hít thở. Bằng con đường ăn uống chủ yếu qua mạng lưới và chuỗi thức ăn (food chain and food web), các độc tố này được tích tụ và khuyếch đại sinh học lên hàng triệu và chục triệu lần (biological accumulation and magnification). Đây là một qui luật của tự nhiên. Con người là khâu cuối cùng của chuỗi và mạng lưới thức ăn này.

 

VI. NHIỆT ĐIỆN THAN, Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ VÀ HỆ LỤY

 

Như đã nói ở trên, căn cứ vào thành phần hóa học của xăng và khí thiên nhiên (hoặc khí hóa lỏng) so với than và dầu, có thể rút ngay ra kết luận là sử dụng xăng và khí thiên nhiên sạch hơn rất nhiều so với đốt than và dầu.

So sánh giữa đốt dầu và than cũng  căn cứ vào thành phần hóa học của dầu và than có thể rút ngay ra kết luận là đốt than gây ô nhiễm không khí nặng nề hơn nhiều so với đốt dầu.

Ngoài ra nếu xem xét cả khối lượng than và dầu tiêu thụ, sẽ thấy ô nhiễm không khí do than gây ra khủng khiếp hơn nhiều so với đốt dầu. Năm 2018 lượng dầu tiêu thụ ở Việt Nam khoảng 6,7 triệu tấn (trong khi lượng xăng chỉ có 6,0 triệu tấn). Dự báo năm 2022 sẽ là 8,5 triệu tấn dầu. Thiếu hụt cần nhập khẩu 1,8 triệu tấn dầu (Nguồn https://bsr.com.vn/vi/can-doi-cung-cau-xang-dau-thi-truong-viet-nam.htm). Như vậy, hàng năm số lượng dầu tiêu thụ trong giao thông vận tải để gây ô nhiễm không khí so với 120 triệu – 127 triệu tấn than cho nhiệt điện than thực sự là không đáng kể.

Từ bảng tổng hợp dự báo nhu cầu sử dụng than trong nước ở trên, đối với các hộ tiêu thụ than khác chỉ chiếm từ 5,6 – 6,7 triệu tấn. Có thể tạm coi than cho người dân đun nấu bằng bếp than tổ ong không lớn hơn 1 triệu tấn/năm, là con số không đáng kể so với 120 triệu – 127 triệu tấn cho nhiệt điện than.

 

Một nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard về “Các tác động liên quan tới sức khỏe do gia tăng phát thải từ than ở khu vực Đông Nam Á và Việt Nam” đã tổ chức hội thảo "Than - Nhiệt điện than: Những điều chưa biết" vào ngày 29/9/2015 tại Hà Nội. Ông Lauri Myllyvirta cho biết “Trong tổng số người Việt chết yểu do ô nhiễm không khí, có đến 4.300 người được xác định liên quan đến khí thải từ các dự án nhiệt điện than. Đây là con số của năm 2011, dự báo khí thải than ở Việt Nam sẽ tăng gấp ba lần vào 2030. Khi đó có khoảng 25.000 người chết mỗi năm (Báo Tuổi trẻ ngày 30/9/2015 với tiêu đề Nhiệt điện than: Kẻ “giết người hàng loạt”). 10 năm là giai đoạn ngắn của cuộc đời, sẽ có 250.000 người chết trẻ, chưa tính đến những người sẽ chết do tác động mạn tính lâu dài, như bệnh ung thư.

 

Các tổ chức quốc tế đưa ra ước tính rằng mỗi kWh nhiệt điện than làm tốn chi phí y tế đến 0,17 đô la Mỹ (Kinh tế Sài Gòn, thứ 6, ngày 17/2/2017). Theo Qui hoạch, sản lượng điện than vào các năm 2020, 2025 và 2030 lần lượt 131 tỷ kWh, 220 tỷ kWh, 304 tỷ kWh sẽ tạo ra tổng chi phí y tế lần lượt là 22,3 tỷ USD, 37,4 tỷ USD và 51,7 tỷ USD. Như vậy, một nguồn lực rất lớn của đất nước không được huy động cho phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.

 

Sáng 14/1/2020, tại tọa đàm về tổn thất kinh tế do ô nhiễm không khí do trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội tổ chức, nhóm nghiên cứu của Trường công bố số tiền xã hội sẵn sàng chi trả để giảm rủi ro của một ca tử vong vì ô nhiễm không khí từ 216.000 đến 272.000 USD (bình quân là 244.000 USD). Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018 Việt Nam có 60.000 người chết liên quan đến ô nhiễm không khí (https://www.who.int/vietnam/health-topics/air-pollution). Do vậy 244.000 USD x 60.000 người = 14,64 tỷ USD (nếu nhân với tỷ giá 1 USD = 23.000 đồng, sẽ khoảng 336.700 tỷ đồng, khoảng 5 – 6% GDP).

 

 

WHO nêu khuyến cáo chuẩn chất lượng không khí bình quân năm là 20 μg/m3 đối với bụi PM10 và 10 μg/m3 đối với bụi PM2,5.

 

Buồn là WHO cũng đưa ra số liệu bình quân năm 2016 đối với Hà Nội, nồng độ bụi PM10 là 102,3 μg/m3 (cao gấp hơn 500% khuyến cáo); nồng độ bụi PM2,5 là 47,9 μg/m3 (gấp 479% khuyến cáo). Đối với thành phố Hồ Chí Minh, nồng độ bụi PM10 là 89.8 μg/m3 (gấp 449% chuẩn khuyến cáo); nồng độ bụi PM2,5 là and 42 μg/m3 (gấp 420% chuẩn khuyến cáo). Thực sự là nguy hại cho sức khỏe.

 

Bà Dr Maria Neira, Director of WHO’s Department of Public Health, đã viết “Từ khói bụi bao phủ thành phố đến khói bụi trong nhà, ô nhiễm không khí là mối đe dọa chủ yếu đến sức khỏe và khí hậu. Kết hợp ô nhiễm không khí bên ngoài và trong nhà đang gây ra cái chết sớm cho khoảng 7 triệu người mỗi năm, chủ yếu là chết vì đột quỵ, các bệnh tắc nghẽn tim mạch mạn tính, ung thư phổi và bệnh hô hấp cấp tính”.

 

Buồn là Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, từ ngày 08/2/2017 – 14/6/2017 đăng liền mạch 20 bài viết “Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than?” và từ ngày 13/10 – 18/12/2017 đăng 15 bàiPhản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm”, từ 03/11 - 07/11/2017 đăng 3 bài "Cú lừa thế kỷ" về phát thải CO2 và biến đổi khí hậu” và bài “Trò gian lận bị lật tẩy”. Tổng cộng 39 bài viết để bảo vệ vai trò quân vương và trụ cột của nhiệt điện than.

 

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 01/2/2020.

NGUYÊN NHÂN TẠO RA LIÊN MINH CHẶT CHẼ DONALD TRUMP – VLADIMIR PUTIN
NGUYÊN NHÂN TẠO RA LIÊN MINH CHẶT CHẼ DONALD TRUMP – VLADIMIR PUTIN KẾT THÚC CUỘC CHIẾN UKRAINA
ÔNG DONALD TRUMP SÁP NHẬP CANADA VÀ ĐẢO GREENLAND
ÔNG DONALD TRUMP SÁP NHẬP CANADA VÀ ĐẢO GREENLAND
NGHẸT THỞ VÀ UỐNG NƯỚC
NGHẸT THỞ VÀ UỐNG NƯỚC
NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA 13 NĂM NỘI CHIẾN SYRIA
NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA 13 NĂM NỘI CHIẾN SYRIA
TỔNG THỐNG HÀN QUỐC YOON SUK YEOL SẼ PHẢI VÀO TÙ
TỔNG THỐNG HÀN QUỐC YOON SUK YEOL SẼ PHẢI VÀO TÙ