CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ >NỮ THỦ TƯỚNG Ý “NGHIỀN NÁT” TỔNG THỐNG PHÁP TẠI CHÂU PHI
Ngày đăng: 24-08-2023 - 20:29:10

NỮ THỦ TƯỚNG Ý “NGHIỀN NÁT” TỔNG THỐNG PHÁP TẠI CHÂU PHI

 

Cụm từ “nghiền nát” do báo chí phương Tây viết, mặc dù Ý là nước đồng minh thân cận lâu năm của Pháp. Các chính trị gia và các nhà sử học toàn thế giới đều biết những thực tế/sự thật dưới đây:

 

 

Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, đế quốc thực dân Pháp đầu tiên có tổng diện tích các nước thuộc địa ở thời kỳ đỉnh cao vào năm 1680 đến hơn 10 triệu km2, lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Đế quốc Tây Ban Nha. Trong thế kỷ 19 và 20, các thuộc địa của Pháp mở rộng thêm mạnh mẽ vào những năm 1920 và 1930 là 13,5 triệu km2. Tổng diện tích của đế quốc thuộc địa Pháp, giai đoạn 1 (chủ yếu ở châu Mỹ và châu Á) và giai đoạn 2 (chủ yếu ở châu Phi và châu Á) cộng lại đạt 27 triệu km2 (gấp 82 lần diện tích Việt Nam), lớn thứ hai ở thế giới, sau Đế quốc Anh. Tuy nhiên, xét về mặt dân số, trước Thế chiến thứ hai, Pháp và các thuộc địa của nước này chỉ có 150 triệu dân, so với 330 triệu dân của riêng Ấn Độ thuộc Anh.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_French_possessions_and_colonies

Đó là thời kỳ hoàng kim của các đế quốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp và Hà Lan đi xâm chiếm, đàn áp, bóc lột khắp thế giới (ngoại trừ châu Âu, Nga và Trung Quốc). Việt Nam cũng bị Vương quyền Pháp đô hộ khoảng hơn 80 năm (1862 – 1945).

 

Sau những cuộc khởi nghĩa đẫm máu ở các nước thuộc địa và hai đại chiến thế giới, đến những năm 1960 Pháp trao trả độc lập cho 14 nước châu Phi, bao gồm: Benin, Burkina Faso, Guine Bissau, Bờ Biển Ngà, Mali, Niger, Senegal, Togo, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Cộng hòa Congo, Equatorial Guinea và Gabon, nhưng họ phải ký kết Hiệp ước với 10 điều khoản như dưới đây:

 

  1. Các ngân hàng Trung ương của 14 nước này phải gửi ít nhất 65% dự trữ ngoại hối của mình vào “tài khoản giao dịch” tại Kho bạc Pháp cùng với 20% dự trữ ngoại hối sử dụng để trang trải các khoản nợ cho Pháp về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thời thuộc địa.
  2. Có nghĩa vụ phải sử dụng hệ thống tiền tệ thuộc địa Pháp (FCFA)
  3. Có nghĩa vụ phải gửi cho Pháp báo cáo dự trữ và cân đối Thu – Chi hàng năm. Do Pháp nắm giữ 85% dự trữ ngoại tệ của họ nên nếu không có báo cáo, Kho bạc Pháp sẽ không chi tiền.
  4. Pháp có quyền đầu tiên mua bất kỳ nguồn tài nguyên nào được tìm thấy trong các nước cựu thuộc địa, chỉ khi Pháp không quan tâm, họ mới được phép tìm người mua khác.
  5. Trong các hợp đồng (điện, nước, điện thoại, giao thông, sân bay, bến cảng v.v.. ) của Chính phủ thuộc địa, các công ty của Pháp phải được xem xét ưu tiên đấu thầu trước, chỉ khi họ không quan tâm mời tìm công ty khác.
  6. Có nghĩa vụ phải sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức và trong giáo dục
  7. Pháp độc quyền cung cấp thiết bị quân sự và trợ cấp học bổng đào tạo cho các tướng lĩnh, sĩ quan quân sự cao cấp.
  8. Cho phép Pháp triển khai quân đội và can thiệp quân sự để bảo vệ lợi ích của Pháp.
  9. Không được phép gia nhập bất cứ liên minh quân sự nào khi chưa được sự đồng ý của Pháp.
  10. Có nghĩa vụ liên mình với Pháp trong hoàn cảnh chiến tranh hay khủng hoảng toàn cầu.

 

Đến nay, ước tính nước Pháp đang nắm giữ khoảng 500 tỷ USD của 14 nước châu Phi. Lãi từ số tiền nói trên hàng năm là bao nhiêu các nước châu Phi cũng không được sao kê, thông báo. Pháp chỉ cho phép họ tiếp cận khoảng 15% số tiền  nói trên hàng năm. Các nước có thể vay trong số tiền này theo lãi suất thương mại, nhưng tối đa chỉ bằng 20% thu nhập quốc gia của năm trước đó (Nguồn: Thái tử Sin TV: https://www.youtube.com/watch?v=MhYJ0BACaH8).

 

Trong hơn 50 năm qua có những cuộc đảo chính do Vương quyền Pháp đạo diễn, khi mà lãnh đạo của nước nào đó tỏ ra chống đối Pháp, không tuân thủ Hiệp ước 10 điểm nói trên. Do vậy cho đến nay hầu hết lãnh đạo các nước thuộc địa cũ đều sợ và ngoan ngoãn nghe lời Vương quyền Pháp.

 

Tại các nước nói trên có phong trào M62 có tên đầy đủ là Liên minh Thánh chiến bảo vệ Chủ quyền và Nhân phẩm của nhân dân (Sacred Union for the Safeguard of the Sovereignty and Dignity of the People), gồm 15 tổ chức xã hội tham gia phản đối chiến dịch quân sự của Pháp với hơn 3.000 quân liên tục trong 8 năm qua, từ 01/8/2014 đến 09/11/2022, chống lại các nhóm nghĩa quân Hồi giáo tại 5 nước vùng Sahel (còn gọi là G5 Sahel, một dải ở trung Phi, từ Tây sang Đông) gồm Burkina Faso, Mali, Chad, Niger và Mauritania. Phong trào M62 được nhân dân hiểu là chống thực dân, chống Pháp và thân Nga.

 

Tuy  nhiên trong năm 2021 – 2022 có hai cuộc đảo chính chống lại chính quyền bù nhìn của Pháp thành công. Đó là:

Tối ngày 24/5/2021, tại nước Cộng hòa Mali, đại tá Assimi Goita, Phó Tổng thống đã đảo chính thành công lật đổ Tổng thống Bah Ndaw, lên nắm quyền.

Ngày 30/9/2022, tại nước Cộng hòa Burkina Faso, đại úy Ibrahim Traoré (sinh năm 1988) đã thành công lật đổ Tổng thống lâm thời là Paul-Henri Sandaogo Damiba và tuyên bố nắm quyền Tổng thống. Ngày đó đại úy Ibrahim Traoré có 34 tuổi, trở thành vị Tổng thống trẻ tuổi nhất thế giới.

Và gần đây nhất là ngày 26/7/2023, tại  nước Cộng hòa Niger, tướng Abdourahamane Tchiani, Chủ tịch Hội đồng quốc gia bảo vệ Tổ quốc, kiêm Tổng chỉ huy lực lượng cảnh vệ đã làm đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum. Các lực lượng quân đội khác ủng hộ đảo chính. Ngày 28/7 tướng Tchiani tuyên bố mình là nguyên thủ quốc gia và bổ nhiệm cựu Bộ trưởng tài chính Ali Lamine Zeine làm Thủ tướng Chính phủ.

 

Nước Cộng hòa Niger ở tây Phi không có biển, có diện tích 1,27 triệu km2, 80% diện tích là sa  mạc Sahara. Dân số 25 triệu, chủ yếu là người Hồi giáo. Thủ đô là Niamey. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Pháp. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Arab. Ngày 18/12/1958 Niger được Pháp trao trả độc lập. Theo báo cáo Chỉ số nghèo đa chiều năm 2023 (MPI)  Niger là một trong những nước nghèo  nhất thế giới. Năm 2022 GDP danh định là 14,6 tỷ USD đứng thứ 145, bình quân đầu người 561 USD xếp thứ 185. GDP  tính theo sức mua là 29,9 tỷ USD đứng thứ 144, bình quân đầu người là 1.443 USD đứng thứ 188.

 

Vương quyền Pháp định can thiệp quân sự để bảo vệ nhiều lợi ích quan trọng của Pháp tại quốc gia này. Tuy nhiên ý định này đã bị ngoại trưởng Ý phản đối “không nên lộ bộ mặt thực dân kiểu mới”.

 

Còn trước đó, liên quan đến nguyên nhân người châu Phi liều mạng sống di cư vào châu Âu, bà Giorgia Meloni, Thủ tướng Ý đã “nghiền nát” Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với những phát biểu gay gắt, giọng đanh thép như dưới đây:

 

“Đây là ảnh cháu bé làm việc tại mỏ vàng ở Burkina Faso, một quốc gia nghèo nhất thế giới. Nước Pháp in tiền thuộc địa cho Burkina Faso, nước có tài nguyên vàng. Đổi lại Pháp yêu cầu 50% của tổng giá trị xuất khẩu của Burkina Faso phải chuyển vào kho bạc Pháp. Đó là đồng tiền bóc lột tài nguyên của họ. Phần lớn số vàng mà cậu bé này xuống hầm mỏ đào thu được cuối cùng chuyển vào kho bạc của nước Pháp. Vì vậy, giải pháp không phải là đưa người châu Phi vào châu Âu, mà là giải phóng châu Phi khỏi sự bóc lột của những người châu Âu, cho phép người châu Phi sống bằng những gì mà họ có”.

“Emmanuel Macron mô tả chúng ta là những kẻ hoài nghi kinh tởm và vô trách nhiệm. Và tại đây, báo chí Ý bắt đầu hỏi: Bà có nghe Macron nói gì về chúng ta không? Ộng ấy nói chúng ta vô trách nhiệm, thật đáng xấu hổ.

Emmanuel Macron, vô trách nhiệm là những kẻ đã ném bom Lybia vì họ lo ngại rằng Ý sẽ có được những nhượng bộ quan trọng về năng lượng với Gaddafi và để chúng ta phải đối mặt với sự hỗn loạn của nạn nhập cư bất hợp pháp mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay.

 

Emmanuel Macron, những người hoài nghi là người Pháp đã gửi quân đội để đẩy trả lại bất kỳ người nhập cư nào cố gắng vượt qua biên giới ở Ventimiglia ((thành phố biển nghỉ mát của Ý sát biên giới với Pháp)). Và trên hết và bởi vì mọi thứ phải được nói đúng, điều đáng kinh tởm là Pháp tiếp tục khai thác châu Phi bằng cách in tiền cho 14 quốc gia châu Phi, thu phí đúc tiền của họ và bằng khai thác lao động trẻ em trong mỏ và khai thác nguyên liệu thô, như đã xảy ra ở Niger nơi Pháp khai thác 30% lượng uranium cần thiết để chạy các lò phản ứng điện hạt nhân, trong khi 90% người dân Niger sống không có điện.

 

 

Macron! Đừng đến để dạy cho chúng tôi bài học. Những người châu Phi từ bỏ lục địa của họ vì ông đấy. Giải pháp không phải là chuyển người châu Phi sang châu Âu, mà là giải phóng châu Phi khỏi một số người châu Âu. Chúng tôi sẽ không chấp nhận bài học của ông, rõ chưa?”

 

Ngày 30/7/2023 khối Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (Economic Community of West African States, ECOWAS) tuyên bố hạn chót cho lãnh đạo đảo chính Niger là ngày 6/8 phải khôi phục lại toàn bộ, ngay lập tức, vô điều kiện Chính phủ cũ của Tổng thống Mohamed Bazoum, nếu không sẽ bị ECOWAS tấn công. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lập tức hoan nghênh ủng hộ.

 

Ngày 10/8 lãnh đạo ECOWAS lệnh cho quân đội sẵn sàng vào cuộc chiến. ECOWAS gồm 15 nước tây Phi được thành lập năm 1975, trải rộng trên diện tích 5,11 triệu km2, với 387 triệu dân vào năm 2019.

 

Chính quyền quân sự hai nước là Burkina Faso và Mali ngay lập tức ra tuyên bố đoàn kết với chính quyền quân sự Niger và sẵn sàng tham gia chiến đấu đáp trả liên minh ECOWAS.

Ngày 02/8 khoảng trên 1.000 công dân Pháp đã được sơ tán về  nước. Chính phủ Mỹ và Anh cũng lệnh cho các đại sứ giảm nhân sự và sơ tán các nhân sự thứ yếu về nước.

Ngày 04/8 Chính phủ Mỹ tuyên bố ngừng cung cấp các chương trình viện trợ cho Chính phủ Niger, ngoại trừ những trợ giúp nhân đạo và lương thực.

 

Vì nước Ý đồng minh lâu năm của Pháp, cùng trong khối NATO, cũng phản đối chủ nghĩa thực dân kiểu mới, bóc lột các  nước thuộc địa cũ, nên tôi nghĩ sớm muộn Vương quyền Pháp sẽ phải đơn phương xóa bỏ Hiệp ước với 10 điều khoản phi lý, bất công nói trên.

Tương tự, nhìn thực tế diễn biến cuộc chiến đẫm máu hiện đang diễn ra tại Ukraina, tôi nghĩ Vương quyền Mỹ sớm muộn sẽ phải nhận ra là không thể hạ gục được Nga, không thể đánh đổ được Putin. Và cũng không thể tiếp tục hy sinh tính mạng của người dân Ukraina nữa, không thể để toàn châu Âu bất ổn được nữa, nên Vương quyền Mỹ sẽ phải bí mật ngồi vào bàn đàm phán với Vương quyền Nga, sẽ phải chấp nhận một số điều kiện mà Vương quyền Nga đưa ra, sẽ phải trả giá nhiều hơn so với những điều kiện mà Putin kiên trì đưa ra lần chót trong tháng 12/2021, đã bị Vương quyền Mỹ cười khẩy và phẩy tay.

Các bạn có thể phản đối “Thế còn quyền tự quyết của Tổng thống Volodimyr Zelensky ở đâu? Chủ quyền của người Ukraina ở đâu?”.  Về lý thuyết là  như vậy, nhưng tôi nghĩ không có chuyện đó đâu, Vương quyền Mỹ quyết hết đấy. Nếu ông Volodimyr Zelensky không nghe lời, sẽ có  người khác thay thế, “đại diện” cho nhân dân Ukraina để làm việc với Vương quyền Mỹ. Cuộc chiến của Mỹ với Nga tại Ukraina kéo dài đến đâu, dừng hay tiếp tục là do Vương quyền Mỹ quyết hết. Lịch sử thế giới có nhiều bằng chứng cho thấy Vương quyền Mỹ có dư thừa sức mạnh để định đoạt số phận những Vương quyền nhỏ, ví dụ với chính quyền miền Nam Việt Nam trước năm 1975 chẳng hạn, còn với Nga thì Vương quyền Mỹ không thể. Thế giới đơn cực mà Vương quyền Mỹ thống trị hơn 80 năm qua đã chính thức sụp đổ từ ngày 24/2/2022./.

Xin mời quí bạn đọc bài “TỔNG THỐNG VOLODYMYR ZELENSKY THỰC SỰ NGÂY THƠ VỀ CHÍNH TRỊ

Trân trọng cám ơn bạn đọc.

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 24/8/2023

 

ÔNG DONALD TRUMP SÁP NHẬP CANADA VÀ ĐẢO GREENLAND
ÔNG DONALD TRUMP SÁP NHẬP CANADA VÀ ĐẢO GREENLAND
NGHẸT THỞ VÀ UỐNG NƯỚC
NGHẸT THỞ VÀ UỐNG NƯỚC
NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA 13 NĂM NỘI CHIẾN SYRIA
NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA 13 NĂM NỘI CHIẾN SYRIA
TỔNG THỐNG HÀN QUỐC YOON SUK YEOL SẼ PHẢI VÀO TÙ
TỔNG THỐNG HÀN QUỐC YOON SUK YEOL SẼ PHẢI VÀO TÙ
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NÊN NHÌN XA HƠN
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NÊN NHÌN XA HƠN