ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG >NỖI LO SỢ CỦA CÁC CÂY ĐA KHOA HỌC NĂNG LƯỢNG
Ngày đăng: 06-04-2019 - 22:09:33

NỖI LO SỢ CỦA CÁC CÂY ĐA KHOA HỌC NĂNG LƯỢNG

VỀ THỪA ĐIỆN MẶT TRỜI Ở MIỀN TRUNG VÀ MIỀN NAM.

 

Bài viết gồm 5 phần dưới đây:

  1. Tại sao hai năm vừa qua điện mặt trời lại bùng nổ?
  2. Các cây đa khoa học năng lượng việt nam kiên định ca ngợi nhiệt điện than và nhấn mạnh những khuyết tật bẩm sinh của điện mặt trời và điện gió
  3. Về nỗi lo thừa điện mặt trời của các cây đa khoa học điện lực việt nam
  4. Năng lượng tái tạo + hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ tạo ra một thế giới mới (A NEW WORLD)
  5. Kết luận

 

I. TẠI SAO GẦN HAI NĂM QUA ĐIỆN MẶT TRỜI LẠI BÙNG NỔ?

 

Trên báo chí chính thống đầy những thông tin như sau:

“Theo số liệu của Bộ Công Thương, từ tháng 4/2017 đến tháng 9/2018, tổng số dự án đang xếp hàng để xin được phê duyệt là 332 dự án với tổng công suất lên đến hơn 26,2 nghìn MW, bằng một nửa tổng công suất điện cả nước hiện nay (46 nghìn MW). Các dự án tập trung chủ yếu ở Miền Trung và miền Nam”.

 

Vì Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời có qui định giá mua là 9,35 cent USD/kWh (không có thiết bị lưu trữ điện, ví dụ pin/ắc qui). Trong hợp đồng mua bán điện giữa EVN và chủ dự án điện mặt trời, giá mua này sẽ ổn định trong suốt 20 năm. Quyết định này sẽ hết hiệu lực ngày 30/6/2019. Hợp đồng ký sau ngày này sẽ có giá khác, chắc chắn là thấp hơn. Ngoài ra, vùng nào có tiềm năng cao về bức xạ mặt trời giá còn thấp nữa.

 

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế (IRENA, gồm khoảng 185 nước thành viên, Việt Nam chọn đứng ngoài), Tổ chức Bloomberg New Energy Finance và PV Magazine, bình quân trên Thế giới chi phí qui dẫn (Levelized Cost of Energy, LCOE, tạm hiểu là giá thành hòa vốn của một dự án điện) của điện mặt trời không có thiết bị lưu trữ điện, vào năm 2017 dao động trong khoảng 4 cent USD – 6 cent USD/kWh. Nếu điện mặt trời có ắc qui/pin (battery) thì LCOE khoảng 8 – 10 cent USD/kWh.

 

Bình quân LCOE nhiệt điện than của Việt Nam khoảng 6,0 – 7,0 cent USD/kWh, được coi là rẻ nhất Thế giới, vì thuế bảo vệ môi trường coi như gần bằng không và hoàn toàn không chịu  phí phát thải CO2. Ngoài ra QCVN về hàm lượng bụi tổng cho phép trong khí thải nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam cao gấp 20 lần Trung Quốc, 7 lần Ấn Độ, 10 lần EU, 2,5 lần Thái Lan và 2 lần Indonesia (Theo tác giả Nguyễn Đăng Anh Thi, bài Phổi người Việt Nam, đăng Thứ 4, ngày 03/4/2019 tại VnExpress). Theo tôi, vì Bộ Tài nguyên và Môi trường đã coi phổi của người Việt Nam ngang bằng phổi gang, phổi thép.

 

Bộ Công thương đã sử dụng công cụ giá để khuyến khích phát triển điện mặt trời không có ắc qui/pin, với giá mua 9,35 cent USD/kWh (hạn đến hết ngày 30/6/2019), như vậy là RẤT CÓ LÃI. Do vậy các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã ào ạt, đổ xô vào làm điện mặt trời, đặc biệt tập trung ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, nơi có tiềm năng điện mặt trời cao nhất cả nước.

 

II. CÁC CÂY ĐA KHOA HỌC NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM KIÊN ĐỊNH CA NGỢI NHIỆT ĐIỆN THAN VÀ NHẤN MẠNH NHỮNG KHUYẾT TẬT BẨM SINH CỦA ĐIỆN MẶT TRỜI VÀ ĐIỆN GIÓ:

Các cây đa khoa học năng lượng Việt Nam vốn rất yêu quí nhiệt điện than và luôn cho rằng điện gió và điện mặt trời là điện cho các nước giàu có, xa xỉ, không phù hợp với Việt Nam. Chính vì vậy, năm 2015 sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh Thế giới về chống biến đổi khí hậu, cắt giảm phát thải CO2, đồng nghĩa với cắt giảm nhiệt điện than, họ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016 phê duyệt “Qui hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030” (còn gọi là Qui hoạch Điện VII điều chỉnh, hay Tổng sơ đồ Điện lực VII điều chỉnh), để tôn vinh nhiệt điện than lên thành quân vương, trụ cột kinh tế đất nước, chiếm tỷ trọng sản lượng vào năm 2030 gần đến 60%. Tỷ trọng thủy điện là 15,5%, điện mặt trời chỉ có 3,3% và điện gió 2,1%.

 

 

 

Ngoài ra, trên website của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, từ ngày 08/2/2017 – 14/6/2017 đăng liền mạch 20 bài viết “Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than?” và từ ngày 13/10 – 18/12/2017 đăng 15 bài Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm”, từ 03/11 - 07/11/2017 đăng 3 bài "Cú lừa thế kỷ" về phát thải CO2 và biến đổi khí hậu” và bàiTrò gian lận bị lật tẩy”. Tổng cộng 39 bài viết tôn vinh, ca ngợi vai trò “quân vương”, trụ cột của nhiệt điện than.

 

Trong khi theo IEA và IRENA, bình quân toàn Thế giới tỷ trọng sản lượng nhiệt điện than đạt đỉnh cao huy hoàng vào năm 2013 là 41,3%. Từ năm 2014 bắt đầu giảm liên tục, không thể đảo  ngược, xuống 38% vào năm 2017, 24,4% vào năm 2030 và giảm tiếp xuống 11% vào năm 2050.

 

Tại Phụ lục của Quyết định 428/2016/QĐ-TTg có danh mục rất nhiều các dự án nguồn điện sẽ đầu tư, nhiều trong số đó đã được chỉ định thầu chủ đầu tư trong tương lai (vi phạm nghiêm trọng luật Đấu thầu). Những công ty, doanh nghiệp này coi như yên tâm, không ai có thể cạnh tranh được với họ, vì đã được Thủ tướng chỉ định. Ví dụ: Các dự án vận hành trong giai đoạn 2026 – 2030: Dự án TĐ tích năng Đông Phù Yên No. 2, công suất 300MW chủ đầu tư là công ty Xuân Thiện. Dự án TBKHH Sơn Mỹ I, công suất 750MW, chủ đầu tư là GDF SUEZ/Sojitz-Pacific (BOT). Dự án Nhiệt điện Hải Phòng III No. 2, công suất 600MW, chủ đầu tư là Vinacomin…và rất nhiều nữa. Qui hoạch này là căn cứ để Nhà nước xây dựng kế hoạch vốn đầu tư hàng năm. Đương nhiên, những dự án nằm ngoài Qui hoạch phải lập, thẩm định, trình phê duyệt bổ sung rất phức tạp và khó khăn. Đó là số phận hẩm hiu của phần lớn trong số 332 dự án điện mặt trời đang tranh nhau chạy đua đến hạn chót là ngày 30/6/2019.

 

Các cây đa khoa học điện và năng lượng thừa biết những khó khăn trong việc xét duyệt bổ sung Qui hoạch đối với 332 dự án điện mặt trời, nhưng họ vẫn rất lo lắng. Họ tấn công thêm bằng những lập luận sau đây:

 

“Phập phù như điện mặt trời, bất ổn định, làm hệ thống điện vận hành rất không ổn định. Hệ thống điện của ta đã hợp nhất rồi, từ Bắc chí Nam, nếu một nhân tố vào mà không ổn định thì Tập đoàn Điện lực sẽ rất khó khăn trong duy trì ổn định hệ thống. Nếu thêm 1 kw công suất điện mặt trời hay điện gió vào hệ thống lưới thì EVN phải đầu tư 2,5kw nhiệt điện để bù cho việc phập phù của điện mặt trời, nếu không hệ thống sẽ rã lưới, không thể vận hành được. Đầu tư 1 đường dây thì từ bắt đầu chủ trương, phê duyệt bổ sung quy hoạch đường dây cho đến đến lúc đóng điện, nhanh cũng phải mất 2 năm với đường dây 220 KV”.

 

Bản chất điện gió và điện mặt trời tạo hóa sinh ra vốn đã phập phù, đỏng đảnh. Một đám mây bay qua hay gió ngừng thổi cũng đủ làm điện mặt trời và điện gió tắt bụp. Tuy nhiên, bản chất phập phù, biến đổi này không chỉ đặc thù đối với Việt Nam, mà là chung cho cả Thế giới, cho toàn nhân loại. Điện NLTT (RENEWABLE ELECTRICITY) còn có thủy điện, điện sinh khối, địa nhiệt, điện sóng biển đều là dạng điện NLTT ỔN ĐỊNH. Duy chỉ có điện gió và điện mặt trời Thế giới mới gọi là VARIABLE  RENEWABLE (TÁI TẠO BIẾN ĐỔI).

 

Để thích ứng với bản chất phập phù, đỏng đảnh này, Thế giới đang ngày đêm miệt mài, kiên trì, bền bỉ nghiên cứu để sản xuất ra những thiết bị lưu trữ điện năng (điển hình là các ắc qui/pin, ENERGY STORAGE, thuộc chuyên môn khoa học vật liệu và điện hóa, material science and electrochemistry) sao cho dung lượng điện lưu trữ là nhiều nhất trên một trọng lượng là nhỏ nhất, giá thành rẻ  nhất, an toàn nhất, không cháy nổ, thời gian sạc ắc qui là ngắn  nhất, nhưng lại sử dụng được lâu dài nhất, tuổi thọ nhiều năm nhất, không độc hại, có thể tái chế, tái sử dụng… Thành công nọ nối tiếp thành công kia, kỷ lục sau luôn phá vỡ kỷ lục trước. Vì các nhà khoa học chuyên về lưu trữ năng lượng có một ước mơ rất giản dị làm sao lưu trữ được càng nhiều càng tốt nguồn NĂNG LƯỢNG VÔ TẬN CỦA GIÓ VÀ MẶT TRỜI vào ắc qui/pin, giúp cho loài  người sẽ chôn vùi vĩnh viễn than đá, giảm thiểu mạnh mẽ sử dụng xăng, dầu để CỨU TRÁI ĐẤT THOÁT KHỎI HIỂM HỌA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU.

 

Khi một đám mây che khuất ông Mặt trời, hay cơn gió đột nhiên ngừng thổi, điện năng lưu trữ trong vô vàn các ắc qui/pin sẽ TỰ  ĐỘNG PHÁT RA NGAY TỨC THÌ, đèn sẽ liên tục sáng, các bác sĩ trong phòng mổ vẫn tiếp tục ca mổ cứu giúp bệnh nhân…. Điều giản dị cơ bản này mà các cây đa khoa học năng lượng Việt Nam không hề biết, nên họ liên tục lớn tiếng “Nếu thêm 1 kw công suất điện mặt trời hay điện gió vào hệ thống lưới thì EVN phải đầu tư 2,5kw nhiệt điện (than hoặc khí ga) để bù cho việc phập phù của điện mặt trời”. Ngay đến số liệu 1 kw và 2,5 kw họ đưa ra cũng rất lạ (sẽ phân tích ở dưới).

 

ĐIỀU ĐỘ  ĐIỆN được hiểu là VẬN HÀNH HỆ THỐNG ĐIỆN SAO CHO ĐÁP ỨNG, ỒN ĐỊNH QUAN HỆ CUNG – CẦU VỀ ĐIỆN, luôn giữ điện ổn định ở mức điện áp 220V và tần số 50 Hz. Ngày xưa, khi mà các thiết bị lưu trữ điện năng chưa phát triển, Thế giới sử dụng công suất phát điện DỰ PHÒNG, BỔ SUNG bằng điện than hoặc khí ga để “SAN BẰNG” những DAO ĐỘNG ở bên NHU CẦU về điện (còn gọi là phụ tải điện). Tuy nhiên, để vận hành, khởi động một tổ máy nhiệt điện than từ lúc nguội đến khi chạy đạt đến công suất yêu cầu phải mất vài giờ, đối với nhiệt điện khí ga cần khoảng 1 giờ. Hoạt động ĐIỀU ĐỘ điện bằng “BẬT/TẮT” (ON/OFF) các tổ máy công suất nhiệt điện dự phòng là vất vả, khó khăn, phức tạp.

 

Ngày nay, Thế giới đang tiến tới điều độ điện bằng lượng điện lưu trữ sẵn trong các pin/ắc qui sẽ hoàn toàn tự động và ngay tức thì, chỉ trong có vài phần của giây. Phương pháp điều độ điện bằng pin/ắc qui là tuyệt vời, hiệu quả, nhàn hạ hơn rất nhiều so với BẬT/TẮT (ON/OFF) các tổ máy công suất nhiệt điện (than, hay khí ga) dự phòng.

Chỉ có ở Việt Nam mới làm điện gió và điện mặt trời KHÔNG CÓ ẮC QUI/PIN. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ khuyến khích phát triển điện gió và điện mặt trời là không cần có pin/ắc qui. Chương trình một triệu ngôi nhà xanh (điện mặt trời áp mái) mà các doanh nghiệp kinh doanh các thiết bị điện mặt trời xoay quanh tổ chức GreenID là không có pin/ắc qui (chi tiết xin đọc bài THIỂU SỐ BUỒN TẠI HỘI THẢO KHOA HỌC ĐIỆN MẶT TRỜI).  Vậy, tại sao ngành Điện lực của Việt Nam lại làm vậy, trái ngược với Thế giới? Vì:

  • Có thể họ chưa nhìn thấy vai trò điều độ điện, cân bằng CUNG – CẦU điện của các pin/ắc qui, làm cho LƯỚI ĐIỆN QUỐC GIA ỔN ĐỊNH.
  • Có thể họ muốn giảm chi phí đầu tư ban đầu của hệ thống điện mặt trời nhằm kích thích khách hàng mua sắm.
  • Có thể họ không muốn XÃ HỘI HÓA đầu tư cho hệ thống lưu trữ điện, cho các pin/ắc qui; dồn gánh nặng đó cho EVN.
  • Có thể để rộng cơ hội cho đầu tư nhiệt điện than hay điện khí ga, thay cho pin/ắc qui.

 

Nếu không có hệ thống thiết bị lưu trữ điện năng, thì các hệ thống điện gió và điện mặt trời chỉ là hệ thống điện QUÈ, CỤT, CHỈ CÓ 1 CHÂN. Vì khi ánh sáng mặt trời có thừa, sức gió có thừa, điện sản xuất thừa so với nhu cầu (tiêu dùng) thì điện thừa coi  như vất đi, không sử dụng. Ban đêm, nhiều triệu người đi ngủ, không có  nhu cầu nhiều về điện, tuy nhiên bên ngoài, sức gió vẫn liên tục gào rú, làm cho điện gió sản xuất ra rất nhiều, nhưng nếu không được lưu trữ thì coi như vất đi, rất lãng phí. Ban ngày, khi nhiều triệu con người lao vào lao động, làm việc, nhu cầu về điện tăng lên, nhưng chẳng may trời lại lặng gió, nếu không có điện lưu trữ trong các pin/ắc qui thì những con người nói trên đành phải nghỉ việc. Điện gió và điện mặt trời mà bị QUÈ 1 CHÂN thì làm sao đáp ứng được đủ điện, ĐẢM BẢO AN NINH  NĂNG LƯỢNG cho nhu cầu phát triển của xã hội loài người. Việt Nam làm điện NLTT là điện què 1 chân, còn Thế giới làm điện NLTT là có đầy đủ 2 chân.

 

III. VỀ NỖI LO THỪA ĐIỆN MẶT TRỜI CỦA CÁC CÂY ĐA KHOA HỌC ĐIỆN LỰC VIỆT NAM.

“Bỏ hàng ngàn tỷ mơ hưởng 'lộc trời': Ngon nhưng không dễ nuốt

Các nhà đầu tư tập trung lắp đặt ở miền Trung (điển hình là Ninh Thuận, Bình Thuận), gây quá tải lưới điện khu vực này. Trong khi đó, hệ thống truyền tải ở đây khá yếu do nhu cầu điện ở miền Trung thấp hơn các vùng khác. Điều này không khác gì một sân bóng đá có sức chứa 40 nghìn khán giả mà lại bán vé cho 60 nghìn khán giả.

“Giờ đùng một cái hàng nghìn Mê-ga-oát điện mặt trời vào thì không tải được. Cho nên chúng tôi đề nghị bổ sung quy hoạch làm thêm đường dây. Dẫu vậy, thủ tục rất chậm, giải phóng mặt bằng chậm, cho nên không thể làm nhanh để kịp tải điện từ các nhà máy điện mặt trời. Đó là khó khăn thách thức rất lớn”, ông Đinh Quang Tri quyền Tổng Giám đốc EVN thừa nhận. Vì thế, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý trước cơn hưng phấn điện mặt trời đang ở giờ cao điểm, bởi “miếng bánh” điện mặt trời dù ngon nghẻ cũng không dễ nuốt

TS. Nguyễn Thành Sơn còn lo ngại sẽ xẩy ra những tiêu cực về điện mặt trời chiếm dụng đất, nâng giá đất…”

 

Quả là ngộ nghĩnh chỉ thấy có ở Việt Nam là sợ thừa nguồn cung điện. Thừa điện không biết xử lý ra sao. Trong khi lịch sử loài  người, Thế giới chỉ sợ thiếu nguồn cung. Còn thừa điện đối với họ xử lý là quá đơn giản, dễ dàng, chẳng có gì đáng lo.

Trong cân đối điện, ổn định cân bằng CUNG – CẦU về điện đáng sợ nhất là THIẾU NGUỒN CUNG. Hà Nội là Thủ đô của cả nước thế mà những thập kỷ 70, 80 và 90 thiếu điện, gây sụt áp lưới điện và tổn thất kinh hoàng. Nhà nhà đều có sutvolter (biến thế) công suất lớn để hút điện về nhà mình. Đêm tối điện nhà, điện đường đỏ quạch và mờ mờ. Mặc dù đã áp dụng cắt điện nhiều nơi. Điện áp sụt xuống  còn bình quân khoảng 120 – 150 V so với điện áp chuẩn 220V.  Cả đất nước tập trung bằng mọi giá phát triển nguồn cung, chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện than. Miền Nam thiếu điện căng thẳng, mặc dù miền Bắc nhiều nơi còn thiếu điện, nhưng Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng đường dây tải điện 500KV chuyển từ Bắc vào Nam.

Hiếm nơi trên Thế giới lo sợ vì bị thừa điện, từ đó gây áp lực, kêu gọi ngừng đầu tư cho điện mặt trời. Thế giới hân hoan với càng nhiều điện NLTT càng tốt.

 

“332 dự án với tổng công suất lên đến hơn 26,2 nghìn MW, bằng một nửa tổng công suất điện cả nước hiện nay (46 nghìn MW). Các dự án tập trung chủ yếu ở Miền Trung và miền Nam. Điều này không khác gì một sân bóng đá có sức chứa 40 nghìn khán giả mà lại bán vé cho 60 nghìn khán giả. Nếu thêm 1 kw công suất điện mặt trời hay điện gió vào hệ thống lưới thì EVN phải đầu tư 2,5kw nhiệt điện để bù cho việc phập phù của điện mặt trời, nếu không hệ thống sẽ rã lưới, không thể vận hành được

Nhiều triệu người dân đọc đoạn tin này cũng sẽ hoang mang lo sợ. Các cây đa khoa học Điện lực cố tình viết vậy, mặc dù chính họ thừa hiểu rằng:

 

a) Có mà nằm mơ cả 332 dự án được phê duyệt  bổ sung vào Qui hoạch Điện lực quốc gia, cùng đi vào hoạt động ngay một lúc, phát điện đồng thời cùng một lúc.

 

b) Nếu được phê duyệt bổ sung vào Qui hoạch, có mà nằm mơ để kịp ký được hợp đồng mua bán điện với EVN vào ngày chót 30/6/2019.

 

c) Làm sao đồng loạt 332 dự án ấy có đủ năng lực tài chính để triển khai đồng thời? Rất nhiều chủ đầu tư cho dù năng lực tài chính không có nhưng cứ nộp đơn, ăn may, vì thời hạn chót là 30/6/2019 đang cận kề. Trên đất nước đã nhiều năm có đến nhiều nghìn dự án đầu tư trên giấy để ngăn kéo.

 

d) Vì điện mặt trời chỉ hoạt động ban ngày và khi trời ít mây, nên bình quân cứ phải 2,5MW công suất điện mặt trời mới tạo ra sản lượng điện (MWh) tương đương với 1MW công suất của nhiệt điện than. Người tiêu dùng điện chỉ sử dụng được ĐIỆN NĂNG (MWh) thôi chứ không xài được CÔNG SUẤT (MW). Đáng lẽ họ nên nói về sản lượng tạo ra, cái mà người tiêu dùng cần, thì lại lấy công suất điện mặt trời gần bằng nửa tổng công suất điện cả nước để làm dân thường hết vía.

 

đ) Nếu thêm 1 kw công suất điện mặt trời hay điện gió vào hệ thống lưới thì EVN phải đầu tư 2,5kw nhiệt điện để bù cho việc phập phù của điện mặt trời,

Câu này có một sự nhầm lẫn ngộ nghĩnh, nên đảo ngược sắp xếp lại cho phù hợp với dép trái và dép phải. Vì như đã phân tích ở ý trên liền kề, cần sửa lại là “Nếu thêm 2,5kw công suất điện mặt trời hay điện gió vào lưới thì EVN phải đầu tư 1kw nhiệt điện để bù cho việc phập phù của điện mặt trời”. Nên nhớ 1kw này là công suất nhiệt điện than dự phòng cho sự phập phù của điện mặt trời. Như vậy giảm được 2,5 nhà máy, giảm 2,5 lần kinh phí đầu tư. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, cách điều độ điện này là của  ngày xưa. Thế giới đang tiến tới dùng pin/ắc qui để điều độ điện, dễ tự động hóa công việc, nhanh, nhậy, chính xác và hiệu quả hơn than rất nhiều.

 

e) HỆ THỐNG ĐIỆN được định nghĩa gồm từ NƠI SẢN XUẤT ĐIỆN + MẠNG LƯỚI TRUYỀN TẢI ĐIỆN + NƠI TIÊU DÙNG ĐIỆN. Có nghĩa là nếu làm điện gì (nhiệt điện than, khí ga, hay điện gió và điện mặt trời… ) cũng cần phải có mạng lưới truyền tải điện và nơi tiêu dùng. Như vậy, rõ ràng song song với các chủ đầu tư dự án điện mặt trời, tương ứng EVN cần xây dựng kế hoạch nâng cấp mạng lưới truyền tải điện đi. Nếu xây dựng nhà máy nhiệt điện than 1200MW thì cũng phải cần xây dựng mới hoặc nâng cấp mạng lưới điện để truyền tải điện đến nới người tiêu dùng. Do vậy, đó là chuyện đương nhiên, không thể bác bỏ. Thừa điện mặt trời thì họ phản đối nhưng thừa nhiệt điện than thì họ ngầm “hoan ngênh”, cụ thể: Ví dụ, tại Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) được phê duyệt vào năm 2023 tổng công suất 4.960 MW. Tuy nhiên, các chủ đầu tư nhiệt điện than đã thực hiện vượt mức, năm 2018 tổng công suất lắp đặt là 7.024 MW (vượt 42%) và vượt tiến độ thời gian là 5 năm. Sao chả thấy các cây đa Điện lực kêu là vượt qui hoạch vì thừa điện than, làm rã lưới điện vốn đang yếu kém của miền Trung?

 

IV. NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO + HỆ THỐNG LƯU TRỮ NĂNG LƯỢNG SẼ TẠO RA MỘT THẾ GIỚI MỚI (A NEW WORLD):

Hệ thống pin/ắc qui càng nhiều, càng chất lượng, hiệu quả thì điện xanh, điện sạch sẽ được sản xuất ra rất nhiều. Toàn cầu sẽ ĐIỆN LỰC HÓA GIAO THÔNG VẬN TẢI (ngoại trừ máy bay, tầu thủy, tầu biển, ô tô siêu trường siêu trọng chạy đường dài). Nhiệt cho đun nấu và sưởi ấm truyền thống bằng củi và khí ga hóa lỏng cũng đang chuyển dần sang chủ yếu bằng điện.

 

Điện xanh, điện sạch sẽ rẻ và rất nhiều, ĐỂ SẢN XUẤT VÔ CÙNG NHIỀU NƯỚC NGỌT, TINH KHIẾT TỪ NGUỒN NƯỚC BIỂN VÔ TẬN BẰNG CÔNG NGHỆ LỌC RO. LOÀI NGƯỜI SẼ KHÔNG LO SỢ THIẾU NƯỚC NGỌT (Reverse Osmosis, công nghệ lọc nước thẩm thấu ngược, ra đời với mục đích để lọc nước biển thành nước ngọt siêu tinh khiết. Tuy nhiên công nghệ này đang bầy bán ở khắp đất nước Việt Nam chỉ để phục vụ lọc lại nước máy thành nước an toàn để uống. Tại Trung Đông, các nước khan hiếm nguồn nước ngọt đã xây dựng những nhà máy lọc nước biển lớn, sau đó bổ sung lại vào một số khoáng chất để phục vụ cho sinh hoạt của người dân).

 

Thời điểm thỏa thuận Paris 2015, các nhà khoa học về ĐIỆN NLTT VÀ LƯU TRỮ NĂNG LƯỢNG đã tự hào, khẳng định: THẾ GIỚI CỦA GẦN 200 NĂM PHỤ THUỘC VÀO NĂNG LƯỢNG HÓA THẠCH ĐÃ CHẤM DỨT. LOÀI NGƯỜI ĐANG BƯỚC VÀO THẾ GIỚI MỚI, THẾ GIỚI CỦA NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO. QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG NÀY LÀ KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC VÀ ĐANG VẼ LẠI BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH TRỊ TOÀN CẦU.

 

200 năm của Năng lượng hóa thạch (than, xăng, dầu, khí) thống trị, phân bố không đồng đều trên Trái đất, đã tạo nên một Thế giới mà rất nhiều dân tộc không có năng lượng hóa thạch đã trở thành các quốc gia phụ thuộc vào những cường quốc. 200 năm của thế giới độc tài và phụ thuộc.

 

Ngược lại, các nguồn NLTT phân bố rộng rãi hơn, đều khắp hơn, không những ở cấp các quốc gia, ở cấp thấp hơn, các cộng đồng dân cư nhỏ bé, yếu thế cũng hoàn toàn có khả năng tiếp cận tới  nguồn NLTT vô tận này. Do vậy, nền Điện lực trên toàn cầu sẽ là dân chủ hơn, nhiều cộng đồng bé nhỏ có thể tự lực hơn trong sản xuất và đời sống. Địa chính trị toàn cầu mới sẽ là dân chủ hơn. Ngoại giao, quan hệ theo kiểu độc tài, áp đặt sẽ ít hơn.

 

Tháng 1/2018 Tổng Giám đốc Cơ quan NLTT quốc tế (IRENA), ông Adnan Z. Amin, được sự ủng hộ của ba Chính phủ là Đức, Na Uy và Tiểu Vương quốc A rập Thống nhất đã thành lập Ủy ban Toàn cầu (Global Commission) tập trung nghiên cứu Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ vẽ lại Bản đồ địa chính trị (Geopolitics map) mới trong tương lai ra sao.

 

Chủ tịch Ủy ban Toàn cầu này là cựu Tổng thống nước Cộng hòa Iceland, ông Ólafur Ragnar Grímsson. Ủy ban gồm một nhóm đa dạng các lãnh đạo có uy tín, khác biệt đến từ các lĩnh vực chính trị, năng lượng, kinh tế, thương mại, môi trường và phát triển (18 thành viên). Sau 1 năm làm việc, đầu năm 2019 đã cho ra một báo cáo “MỘT THẾ GIỚI MỚI. Những vấn đề Địa chính trị của Chuyển đổi Năng lượng” xu thế dân chủ hóa toàn cầu ngày càng gia tăng.

 

 

Các nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị Paris 2015

 

V. KẾT LUẬN:

1) CẢ THẾ GIỚI, CẢ LOÀI NGƯỜI HIỆN ĐANG VƯƠN TỚI 1) NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO + 2) CÁC HỆ THỐNG LƯU TRỮ NĂNG LƯỢNG + 3) SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG HIỂU QUẢ, LÀ 3 HỢP PHẦN TRỤ CỘT TRONG ĐÁP ỨNG VÀ ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG TOÀN CẦU.

 

PHÙ HỢP VỚI BẢN CHẤT PHÂN TÁN CỦA CÁC NGUỒN NLTT CÓ Ở KHẮP NƠI SẼ LÀ MỘT NỀN ĐIỆN LỰC DÂN CHỦ, PHI TẬP TRUNG, SẼ RẤT NHIỀU NGƯỜI THAM GIA SẢN XUẤT, KINH DOANH BUÔN BÁN ĐIỆN. LƯỚI ĐIỆN THÔNG MINH QUỐC GIA SẼ LÀ TÍCH HỢP CỦA RẤT NHIỀU CÁC LƯỚI ĐIỆN THÔNG MINH CON.

 

ĐÂY LÀ XU THẾ KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC CỦA TIẾN TRÌNH CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG TOÀN CẦU, GIẢM PHÁT THẢI CACBON, TIẾN TỚI XÓA BỎ HẦU NHƯ HOÀN TOÀN NHIỆT ĐIỆN THAN, NGĂN NGỪA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU. LOÀI NGƯỜI ĐANG BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN ĐIỆN XANH, ĐIỆN SẠCH. BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI SẼ ĐƯỢC VẼ LẠI.

 

Trân trọng cám ơn bạn đọc và những ý kiến góp ý cụ thể vào từng ý, từng câu mà tôi viết.

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 6/4/2019

Phần 3: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 2:VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 1: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC