NHÂN BÀI VIẾT “ĐOÀN TÀU TRO XỈ”
CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN ĐĂNG ANH THI
GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG THẾ GIỚI TẠI VIỆT NAM, ÔNG OUSMANE DIONE: "Việt Nam không thể hóa rồng trong khi xung quanh đầy bụi của nhiệt điện than"
NGUYÊN CHỦ TỊCH NGÂN HÀNG THẾ GIỚI JIM YONG KIM: "Nếu Việt Nam tiến hành lắp đặt 40 GW nhiệt điện than và toàn bộ khu vực thực thi các kế hoạch nhiệt điện than, tôi nghĩ cuộc sống sẽ kết thúc. Đây sẽ là một thảm họa cho hành tinh của chúng ta". ((Tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016, tổng công suất nhiệt điện than vào năm 2025 sẽ là 47,5 GW, năm 2030 sẽ là 55,3 GW))
NHÓM NGHIÊN CỨU CỦA ĐẠI HỌC HARVARD: Ngày 29/9/2015 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) đã tổ chức hội thảo quốc tế "Than - Nhiệt điện than: Những điều chưa biết". Trong báo cáo, ông Lauri Myllyvirta cho biết “Trong tổng số người Việt chết yểu do ô nhiễm không khí, có đến 4.300 người được xác định liên quan đến khí thải từ các dự án nhiệt điện than. Dự báo khí thải than ở Việt Nam sẽ tăng gấp ba lần vào 2030. Khi đó có khoảng 25.000 người chết mỗi năm”.
CỰU NGOẠI TRƯỞNG MỸ JOHN KERRY:
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt nam 2019 về chủ đề Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố An ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững ngày 17/1/2019 tại Hà Nội: “VIỆT NAM KHÔNG NÊN LÀ TÙ NHÂN CỦA NHIỆT ĐIỆN THAN. Tại Mỹ, việc Tổng thống Trump rút khỏi Thỏa thuận Paris, ông Kerry nói thẳng là bản thân không đồng ý. Nhiều quan chức Hoa Kỳ và người dân Mỹ cũng tương tự. 38/50 thống đốc các bang thuộc cả hai Đảng đều mong muốn duy trì thỏa thuận này. Hiện chúng tôi vẫn đang đi đúng hướng nên đừng nhầm lẫn… 70% nguồn điện mới được đưa vào lưới điện ở Mỹ là từ điện mặt trời, than chỉ chiếm tỷ trọng 0,2%. Nước Mỹ cũng đã không còn xây dựng các nhà máy điện than. Chúng không hiệu quả cả về mặt kinh tế. Điện mặt trời rẻ hơn than rất nhiều. Còn bất cứ ai nói điện than rẻ hơn là vì họ không tính đến những chi phí ngoại biên do than đá gây ra. Năng lượng tái tạo hiện rẻ hơn năng lượng hóa thạch 3 cent. Về thủy điện, hiện Việt Nam mới chỉ dùng 31% công suất, trong khi đó, công suất thực sự là 45%. Tuy nhiên, Việt Nam thích dùng than hơn. Việt Nam không nên là tù nhân của nhiệt điện than”.
NGUYỄN ĐĂNG ANH THI, chuyên gia quốc tế về Năng lượng và Môi trường: tại bài “ĐOÀN TÀU TRO XỈ” đăng trên VNExpress, Thứ sáu, 22/2/2019:
Lượng tro xỉ thải ra 1 năm từ nhiệt điện than Vĩnh Tân nếu chứa trong các container 40 feet với tải trọng 30 tấn, đặt trên các toa tàu thì phải cần đến gần 127.000 toa tàu. Đoàn tàu tro xỉ đó có chiều dài là 1.900 km, với đầu máy tại ga Sài Gòn và toa cuối ở ga Đồng Đăng. Đều đặn mỗi năm, điện lực Vĩnh Tân tạo ra một đoàn tàu tro xỉ dài như thế. Nhưng Việt Nam không chỉ có mỗi điện lực Vĩnh Tân, mà còn điện lực Duyên Hải (Trà Vinh), Long Phú (Sóc Trăng), Sông Hậu (Hậu Giang), Mông Dương (Quảng Ninh), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Quỳnh Lập (Nghệ An), Quảng Trạch (Quảng Bình), Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, Long An... và rất nhiều nữa. Chúng cũng đang và sẽ tạo ra những "đoàn tàu" tro xỉ khác.
ĐÂY LÀ CÁCH VIỆT NAM ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG:
Lãnh đạo Bộ Công thương luôn lấy lý do đảm bảo an ninh năng lượng là mục tiêu sống còn của đất nước, do vậy bắt buộc phải đưa nhiệt điện than thành trụ cột, nếu không có than sẽ không có điện.
Các nước Châu Âu chìm ngập trong băng tuyết (cần sưởi ấm cho cả trâu bò, lợn, gà), cũng lấy lý do đảm bảo an ninh năng lượng là mục tiêu sống còn của quốc gia, nhưng bằng cách coi năng lượng tái tạo là trụ cột và nhấn mạnh kiên định vào hiệu quả sử dụng năng lượng.
Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2013 – 2017, tốc độ tăng trưởng sản lượng điện hàng năm, thấp nhất là 11,3% (năm 2016) cao nhất là 13,5% (năm 2014). Trong khi điện năng sử dụng lãng phí, thất thoát, không hiệu quả đã 25 năm qua liên tục luôn ở mức 25% – 35%.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 22/2/2019