Anh Nguyễn Viết Anh không phải chết do điện giật, mà do cạn kiệt ô xy
sau 30 phút cọ rửa, thau bể nước ngầm.
Báo chí hôm nay (23/10/2019) đồng loạt đăng tin sau (tô vàng):
Anh Nguyễn Viết Anh (32 tuổi, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), chết sau 30 phút xuống thau rửa bể ngầm chứa nước sinh hoạt của gia đình. Bể ngầm có diện tích 15 m2, sâu 2,5 m. Phần miệng bể rộng chừng một mét vuông, đậy kín. Đây là lần đầu tiên sau 5 năm sử dụng, gia đình ông Lập thau rửa bể. Miệng bể ở trạng thái bị đập vỡ tấm gạch ốp và đã tạo thành khoảng trống. Khoảng 19h15 cùng ngày, dọn dẹp xong, ông Lộc bảo Viết Anh trèo lên. Khi Viết Anh trèo nửa người lên trên thì kêu mệt và tụt xuống dưới bể. Thấy vậy, ông Lộc nhảy xuống để đỡ Viết Anh lên nhưng anh này không lên được và lịm đi. Lúc này, ông Lộc hô hoán người nhà cùng hàng xóm đưa Viết Anh lên nhưng anh này đã tử vong.
Tại khu vực trên thành của bể với mép bể, sát chỗ khoảng trống có 2 đoạn dây điện. Kiểm tra trên 2 đoạn dây điện trên bằng bút thử điện thì có một đoạn ở trạng thái sáng đèn. Qua khám nghiệm tử thi phát hiện trên người nạn nhân có một số vết xây xát ở vùng mặt, tay, chân. Ngực trái của nạn nhân có một vết cháy bỏng da. Gia đình nạn nhân cũng từ chối việc tiến hành việc mổ pháp y tử thi. Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Viết Lập- bố nạn nhân cho biết: Trước khi cọ rửa, hai bố con ông Lập đã rút phích điện của máy bơm ra khỏi ổ cắm. Quá trình khám nghiệm hiện trường, ghi lời khai của nhân chứng, cơ quan chức năng nhận định: khả năng anh Nguyễn Viết Anh chết do điện giật.
Sự kiện nhà máy nước sông Đà cung cấp nước có chứa styren nồng độ cao, vượt từ 2 – 3 lần ngưỡng cho phép (theo tiêu chuẩn nước ăn uống là 0,02mg/l) gây chấn động Hà Nội. Nguyên nhân là do Công ty gốm sứ Thanh Hà (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) đã thuê 1 người là Lý Đình Vũ đem “xử lý” gần 9 tấn dầu thải (khoảng 10m3) của công ty. Vũ về rủ Đại và Thám, ngày 8/10/2019 đưa chất thải lên đổ trộm ở khe núi xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình.
Số chất thải này đã chảy xuống suối Trâm và chảy vào hồ chứa nước chính (hồ Đồng Bãi) của nhà máy sản xuất nước sạch sông Đà. Nước sạch bị ô nhiễm gây ảnh hưởng cuộc sống của hơn 250.000 hộ, tương đương 18% số hộ dân Hà Nội.
Ngoài ra công ty nước sạch sông Đà cũng đã lập kỳ tích Thế giới với hơn 20 lần đường ống cấp nước sạch bị bục vỡ, sau mới vài năm sử dụng; gây quá nhiều đau khổ cho người dân. Mỗi lần bục vỡ và sửa chữa là vô vàn bùn đất cát thâm nhập vào đường ống đẩy đến các hộ dân. Đi xin, đi mua nước sạch về dùng đâu phải là dễ và thuận tiện. Do vậy người dân vẫn phải ngậm đắng, nuốt cay mà sử dụng. Nếu tuổi thọ theo thiết kế của nhà máy nước sạch sông Đà là 30 năm, tôi tin là đường ống sẽ còn tiếp tục bị bục, vỡ nếu như không thay mới toàn bộ đường ống bằng vật liệu tốt hơn.
Tôi cũng không thể hiểu nổi tại sao Kiến trúc sư trưởng lại không chọn giải pháp xây dựng đường ống dẫn nước hồ Đồng Bãi, nước thô, chưa xử lý về liền kề ngay tại Hà Nội rồi mới xử lý. Sau xử lý tại Hà Nội nước sạch đẩy ngay vào hệ thống phân phối, liền kề người sử dụng. Trong khí đó ngay tại Yên Xá, mặt tiền với đường lớn Xa La – Nguyễn Xiển (quận Hoàng Mai) là một khu đất rộng mênh mông, quá đẹp, giá trị thị trường tôi đoán khoảng 200 – 300 triệu đồng/m2 lại được dành ưu tiên để xây dựng nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Hà Nội (công suất 270.000m3/ngày, vốn vay ODA Nhật Bản, 800 triệu USD, lễ khởi công 7/10/2016), nhằm cứu sống con sông Tô Lịch, sông Lừ và sông Nhuệ. Tuy nhiên, việc triển khai dự án này đang tạm dừng vô thời hạn, vì phát hiện của tôi (đã báo cáo với họ) là sẽ làm gia tăng mạnh mẽ ngập úng Hà Nội, phủ định kết quả của 20 năm thực hiện dự án thoát nước, chống ngập và làm các con sông cạn kiệt, khô đáy, các cháu thiếu niên có thể xuống lòng sông đá bóng được (chi tiết bài viết xin mời đọc tại website nguyenducthang.vn, chuyên mục Bộ Xây dựng với xử lý nước thải). Sở Xây dựng Hà Nội đã mời tôi đến làm việc. Tại buổi họp này, do một lãnh đạo cấp phòng chủ trì, các chuyên gia, tư vấn đã trình bầy với tôi 2 biện pháp khắc phục để tiếp tục triển khai dự án. Tôi hiểu là đoàn tàu nặng ngàn tấn đã chuyển động, rất khó để họ chuyển hướng có lợi cho chính họ và cho đất nước. Về nhà, tôi lại viết bài và gửi đến các cấp lãnh đạo là giải pháp khắc phục của họ vẫn làm gia tăng ngập úng mạnh mẽ Hà Nội và biến sông Tô Lịch thành hồ Tô Lịch. Lãnh đạo cấp phòng và các chuyên gia, tư vấn có thể chép miệng “sông với hồ Tô Lịch có sao đâu, miễn là có nước là được”. Tuy nhiên, đối với Bí thư Hoàng Trung Hải và ông Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung chắc là sợ, không dám biến sông Tô Lịch thành hồ Tô Lịch.
Trở lại vấn đề tại sao anh Nguyễn Viết Anh không phải chết do điện giật, mà do cạn kiệt ô xy sau 30 phút cọ rửa thau bể nước ngầm?
Bể nước ngầm nhà anh Viết Anh là một bể lớn với mong muốn chứa được nhiều nước, phòng khi mất nước có đủ nước dùng cho mấy ngày tiếp theo. Nắp bịt kín, phải đục phá mới mở được nắp và sau 5 năm mới thay rửa, cọ bể lần đầu. Tôi dự đoán lớp bùn trong bể này phải đủ ngập bàn chân. Nếu khuấy, cọ lên chắc chắn là nước bùn nâu đen. Bể inox trên sân thượng nhà tôi, mỗi năm cọ rửa một lần, đứng bên ngoài, dùng chổi cán dài, khuấy đều lên, sau đó mở van đáy nước bùn đen 100% chảy ra. Lượng không khí bên trong bể ngầm là rất ít. Ô xy (O2) vô cùng cần thiết cho sự sống có bên trong không khí chỉ chiến gần 21%, ni tơ chiếm 78%, 1% còn lại các khí khác, ví dụ Argon, methane, CO2, H2, SOx, NOx v.v.. 1 m3 không khí này xung quanh ta, nếu “ép lại” đem cân ta thu được 1,18kg. Bể ngầm này chỉ sau vài tháng sử dụng các vi khuẩn bên trong sẽ “hô hấp và ăn” cạn kiệt ô xy trong bể và giải phóng ra CO2, không phải khí độc, nhưng khí có tỷ trọng nặng hơn ô xy. Chỉ cần vài tháng trong bể ngầm kín, không có thông gió, chắc chắn ô xy sẽ cạn kiệt 100%. Còn lại là khí, không có ích cho cuộc sống và có tỷ trọng nặng hơn ô xy, luôn ở phia dưới. Do không có gió, không có thông khí nên không khí “tươi, mới”, có đầy đủ ô xy, ở ngay trên miệng bể không thể tự động chui vào trong bể, đẩy không khí cũ “nặng hơn” ra ngoài, để cung cấp ô xy vào bể cho người lao động.
Khi thiếu ô xy, con người cũng như động vật không thể cảm nhận được là mình thiếu ô xy, chỉ thấy mệt mỏi. 7 giờ tối rồi, nếu mệt mỏi thì gắng chút ít cho xong còn đi tắm rửa, nghỉ ngơi, cơm tối. Do không biết là mình làm việc trong môi trường cạn kiệt ô xy, chỉ nghĩ là mệt mọi vì công việc mà thôi, nên cố lên, có gì đâu. Như vậy anh Viết Anh đã chết vì cạn kiệt ô xy sau 30 phút cọ rửa bể.
Nếu có ai đó bịt mồm, bịt mũi bạn, chỉ sau 15 phút bạn có thể chết.
Nếu bạn ngồi ngủ trong xe con mà đóng kín cửa, ô tô càng xịn các roăng cửa sổ và cửa ra vào là rất khít, rất kín. Chỉ sau 30 phút, sự hô hấp của chính bản thân bạn sẽ làm cạn kiệt ô xy đã sẵn có trong xe, tiếp theo 30 phút nữa bạn sẽ lịm dần và chết. Cháu bé ở trường Gateway cũng đã chết chính xác là như vậy, 8 tiếng bị bỏ quên trong xe đặt dưới trời nắng.
Có cặp đôi trai trẻ cưới vào mùa đông, sau lễ cưới lên Sapa hưởng tuần trăng mật. Vì trời lạnh nên đã thuê một bếp than tổ ong để trong phòng sưởi ấm, đóng kín cửa và ngủ. Bố mẹ phải đau đớn lên đón con về mai táng.
Có người đã tự tử bằng ngủ trong phòng đóng rất kín, nhưng xung quanh để rất nhiều hoa, số lượng đủ để các bó hoa này hô hấp, tiêu thụ hết ô xy.
Nhiều nơi trên đất nước mình có rất nhiều giếng đào, sâu vài chục mét mà vẫn không có nước, vì mực nước ngầm đã bị hút lên quá nhiều, nay không còn nữa bỏ hoang vắng. Kể cả giếng vẫn có nước, nếu bạn xuống đó làm việc (ví dụ đào, khoét sâu thêm) mà không ý thức được rằng đang làm việc trong môi trường thiếu ô xy bạn cũng sẽ sỉu và ngất đi. Bạn của bạn ở trên bờ, không hiểu vì sao, vội vàng tụt giây leo xuống để cứu bạn, nhưng do chật vật, nặng quá, khó đưa được bạn lên, loay hoay một lúc người cứu bạn cũng sẽ sỉu và ngất đi. Không có cơn gió tự nhiên nào có thể đưa không khí tươi, mới, đủ ô xy ở ngay mặt giếng xuống sâu đáy giếng, trừ khi dùng máy, quạt điện thổi khí xuống.
Phòng họp nhỏ, đóng kín cửa, bật điều hòa cục bộ, đông người, sẽ làm mọi người nhanh chóng thiu thiu ngủ, kể cả chủ tọa. Hô hấp của người luôn tiêu thụ ô xy và nhả ra khí CO2. Hệ thống điều hòa trung tâm, tôi nghĩ là họ phải có thiết bị để trộn khí tươi mới, bổ sung đẩy vào. Nhiều doanh nghiệp bán máy điều hòa đã tiếp thị vào các trường học, lắp điều hòa vào các lớp học 40 – 50 cháu. Chỉ dùng có 2 tháng thôi. Hết năm học lại bán rẻ, thanh lý. Số tiền bổ đầu vào một cháu là nhỏ, không đáng kể nên hầu hết các phụ huynh vui vẻ đồng ý. Phải khẳng định rằng, chất lượng không khí trong phòng điều hòa đông người là rất xấu. Các cháu sẽ tiếp thu những lời vàng ngọc của thày cô trong mơ màng.
Mọi nhiên liệu (than, xăng, dầu, khí, củi, giấy v.v..) khi cháy đều rất nhanh chóng tiêu thụ lượng rất lớn ô xy. Mọi quá trình hô hấp của sinh vật (động vật, thực vật, vi khuẩn) đều làm cạn kiệt ô xy sẵn có ở xung quanh. Nếu không có ô xy sẽ không tồn tại sự sống.
Trong không khí rất may là nồng độ ô xy có đến 21%. Tuy nhiên trong nước thì nồng độ ô xy là vô cùng ít, vào ban đêm chỉ khoảng 0,0004% ở tầng nước mặt thôi. Ở tầng đáy thì nồng độ ô xy (DO, dissolved oxygen) chỉ khoảng 0,0003% (tương đương 3mg/l). Khi nồng độ ô xy trong nước nhỏ hơn 2mg/l sẽ tạo nên vùng chết đối với mọi tôm cá. Sáng ngủ dậy, mọi người sẽ thấy cá chết trắng mặt biển.
Từ khi loài người biết sản xuất ra các độc tố hóa học với lượng lớn cho đến nay, chưa ở đâu trên Thế giới giải thích vụ cá chết ngoài biển mênh mông vì các độc tố hóa học như Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (tấm chăn di động hút nhả độc tố lướt đi đến đâu cá chết ngay đến đó; nên nhớ là tốc độ dòng nước biển đo được là 1m/giây). Tất cả những vụ cá chết ngoài biển mênh mông Thế giới đều giải thích là do các vi khuẩn tiêu thụ cạn kiệt ô xy trong nước phục vụ cho việc “ăn, phân hủy” lượng sinh khối khổng lồ (biomass) là “xác chết” của các loài tảo sau thời gian phát triển bùng nổ (algal bloom) gây ra. Các cây đa về ngoại ngữ tiếng Anh đều dịch là tảo nở hoa (vì tra mọi từ điển là như vậy), giải phóng ra các độc tố làm cá chết. Đáng tiếc tảo là loài vi sinh, không nở hoa được. Duy nhất trường hợp ở Việt Nam cạn kiệt ô xy đáy biển là do 2.500m3 nước thải của khâu xúc rửa, tẩy gỉ bên trong lòng hệ thống chằng chịt các đường ống kim loại (công ty Formosa Hà Tĩnh) có chứa gần 5 tấn cation sắt hai (Fe2+) gây ra.
Mong bạn đọc hãy chia sẻ rộng rãi hơn, để tránh những cái chết không đáng có, đau lòng xảy ra. Để các con cháu nhà mình không phải liên tục 2 tháng liền, hít thở không khí thiếu ô xy, mơ màng trong nghe giảng.
Trân trọng cám ơn.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 23/10/2019.