NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA 13 NĂM NỘI CHIẾN SYRIA
Hôm nay, ngày 8/12/2024, Tổ chức vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) thông báo LIÊN MINH CÁC LỰC LƯỢNG CHỐNG CHÍNH PHỦ đã chiếm thủ đô Damascus và Tổng thống Bashar al-Assad đã "bỏ chạy". Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho biết "Theo kết quả đàm phán giữa Tổng thống Bashar al-Assad và một số bên tham gia xung đột vũ trang trên lãnh thổ Syria, ông ấy đã quyết định từ chức và rời khỏi đất nước sau khi CHỈ THỊ CHUYỂN GIAO QUYỀN LỰC MỘT CÁCH HÒA BÌNH. Nga không tham gia vào những cuộc đối thoại này".
Đó là một cuộc nội chiến đẫm máu, nồi da nấu thịt. Anh em ruột thịt đánh nhau kéo dài 13 năm với sự can thiệp quân sự của Vương quyền Mỹ, NATO, EU về một phe và Vương quyền Nga, Iran ủng hộ Chính phủ Syria. Tôi kiên trì sử dụng từ “Vương quyền” vì tôi luôn quán triệt sự khác biệt giữa THAM VỌNG của Vương quyền với NGUYỆN VỌNG của nhân dân. Lịch sử của vô vàn cuộc chiến trên Trái đất này đã chứng minh quá rõ điều đó.
Nước Cộng hòa Syria là một quốc gia ở Tây Á, giáp với Biển Địa Trung Hải ở phía tây, Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc, Iraq ở phía đông và đông nam, Jordan ở phía nam, và Israel và Lebanon ở phía tây nam. Syria bao gồm 14 tỉnh, diện tích 185.180 km2, dân số 25 triệu người. Damascus là thủ đô và là thành phố lớn nhất của Syria.
Trước năm 1939, Syria vẫn còn là một vùng ủy trị của Pháp. Trong Đại chiến thế giới II, vào tháng 7/1941 trong chiến dịch Syria-Liban, liên minh Anh - Pháp cùng chiếm đóng đất nước này. Sau Đại chiến II, dưới áp lực liên tục từ những người theo chủ nghĩa dân tộc Syria, Anh và Pháp phải rút quân về nước vào tháng 4/1946. Nước Cộng hòa Syria từ đó chính thức được thành lập. Ngày 8/3/1963 khi Đảng Xã hội Chủ nghĩa Arab Ba’ath lên cầm quyền, đất nước chính thức đi theo con đường XHCN gắn kết với quốc gia dân tộc.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad, sinh ngày 11/9/1965 tại Damascus. Ông tốt nghiệp trường y của Đại học Damascus vào năm 1988 và làm bác sĩ trong Quân đội Syria. Bố ông là Hafez al-Assad, Tổng thống thứ 18 của Syria, từ năm 1971 cho đến khi qua đời vào năm 2000. Sau đó ông kế tục sự nghiệp của bố, là Tổng thống thứ 19, kiêm Tổng tư lệnh của Lực lượng vũ trang Syria, kiêm Tổng thư ký của Bộ tư lệnh trung ương của Đảng Ba'ath Xã hội chủ nghĩa Ả Rập.
Vào tháng 3/2011, sự bất mãn của người dân đối với chế độ cai trị của Tổng thống Bashar al-Assad đã gây ra các cuộc biểu tình và tuần hành ủng hộ dân chủ trên khắp Syria, là một phần của các cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập rộng lớn trong khu vực (Arab spring, 2011 – 2012, tại Tunisia, Libya, Egypt, Yemen, Syria và Bahrain). Sau nhiều tháng bị bộ máy an ninh của Chính phủ đàn áp, nhiều nhóm du kích vũ trang như Quân đội Syria Tự do bắt đầu hình thành trên khắp đất nước, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc NỘI CHIẾN ĐẪM MÁU, NỒI DA NẤU THỊT ở Syria.
Các lực lượng du kích nhận được vũ khí từ các quốc gia NATO (đặc biệt là từ Thổ Nhĩ Kỳ, có chung toàn bộ biên giới với miền Bắc Syria) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (thành lập ngày 25/5/1981 gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất). Năm 2011, Mỹ, EU và phần lớn Liên đoàn Ả Rập đã kêu gọi Tổng thống Assad từ chức sau cuộc đàn áp bạo lực những người biểu tình. Lời nói không mất tiền mua, nhưng lời kêu gọi này thực sự là một tai họa đối với đất nước Syria. Vì nó là sự động viên, khích lệ vô cùng lớn đối với phe đối lập, chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Đến giữa năm 2012, cuộc nổi loạn đã leo thang thành một cuộc nội chiến toàn diện, TAN HOANG VÀ HỦY DIỆT ĐẤT NƯỚC SYRIA.
Syria là đất nước nhỏ bé, nền kinh tế yếu kém, thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lại bị Mỹ, NATO và các nước EU cấm vận thì ngang bằng Việt Nam thời kỳ chịu cấm vận. Tôi kiên định quan điểm các lệnh cấm vận là hạ đẳng và thấp hèn vì nó chỉ đánh vào đầu nhiều triệu người dân mà thôi, đặc biệt là đối với các dân tộc nhỏ bé, là quá tàn khốc. Nhân dân Syria, Việt Nam, Cuba, Triều Tiên, Iraq, Libya, Nam Tư, Nga, Trung Quốc v.v. không động đến lông chân của các Vương quyền Mỹ và NATO.
Thời gian này Nhà nước Hồi giáo, the Islamic State (IS) cũng hình thành ở vùng Tây Bắc Iraq. Rất nhanh chóng tổ chức IS đã đánh bạt quân du kích và cả quân Chính phủ Syria, chiếm lĩnh được phần lớn Đông Bắc Syria, hình thành nên Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (the Islamic State of Iraq and Syria (ISIS). Bên cạnh những vùng Nhà nước tự xưng ISIS kiểm soát, còn lại phần lớn thuộc về các nhóm nghĩa quân Syria.
Tháng 9-2014, Mỹ can thiệp quân sự vào Syria với mục tiêu kép là chống IS và ủng hộ lực lượng đối lập chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Quân đội Mỹ dẫn đầu liên minh gồm nhiều nước trong và ngoài khu vực, trong đó có lực lượng đến từ Anh, Pháp, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Úc và cung cấp hỗ trợ cho phe nổi dậy Syria và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo.
Tin của Tổ chức Ân xá quốc tế đăng ngày 5/6/2018 Syria: Raqqa in ruins and civilians devastated after US-led ‘war of annihilation’(Syria: Thành phố Raqqa trong đổ nát và dân thường bị tàn phá sau 'cuộc chiến hủy diệt' do Mỹ lãnh đạo).
Đứng trước tình hình nguy nan, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chính thức cầu cứu sự giúp đỡ của Tổng thống Putin. Tổng thống Nga và Quốc hội Nga đã chính thức nhận lời vào ngày 30/9/2015 với mục tiêu là tiêu diệt lực lượng IS hay ISIS được cả thế giới liệt vào tổ chức khủng bố.
Quân đội Nga đã nhanh chóng vào cuộc, cùng với quân của Chính phủ Syria, đánh tan cả IS và tiện thể cả lực lượng “dân chủ” mà Mỹ và NATO ủng hộ. Những lực lượng này đành thu nhỏ, ẩn mình ở vùng nông thôn hay tạm trú ở vùng biên đất Thổ Nhĩ Kỳ nhằm củng cố, xây dựng chờ thời cơ vùng dậy. CUỘC CHIẾN TẠM LẮNG XUỐNG.
Cuộc nội chiến đã khiến hơn 600.000 người thiệt mạng. Ước tính 7,6 triệu người phải di dời trong nước (số liệu của UNHCR tháng 7 năm 2015) và hơn 5 triệu người đi tị nạn (số liệu của UNHCR tháng 7 năm 2017). Cuộc chiến cũng đã làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế, với hơn 90% dân số sống trong cảnh nghèo đói và 80% phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực. Trong thời kỳ nội chiến, Iran đã cấp tín dụng từ 6 tỷ đến 20 tỷ USD mỗi năm cho Syria. Nền kinh tế Syria đã suy giảm 60% và đồng bảng Syria đã mất 80% giá trị, với nền kinh tế thời chiến.
Ngày 24/2/2022 bùng nổ cuộc chiến của Nga với Mỹ và NATO tại đất nước Ukraina. Nga phải rút gần hết lực lượng quân sự từ Syria về nước. Ngày 7/10/2023 bùng nổ cuộc chiến giữa Hamas, Hezbolla được Iran hậu thuẫn với Israel. Hai đồng minh quan trọng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã không còn sức lực để gánh vác, giúp đỡ ông. Đó là CƠ HỘI ĐÁNG GIÁ NGÀN VÀNG cho các lực lượng liên minh quân sự chống lại Chính phủ Syria.
Ngày 27/11/2024, các nghĩa quân tấn công bất ngờ ở Tây Bắc Syria, chiếm giữ quá dễ dàng 13 ngôi làng, bao gồm các thị trấn chiến lược Urm Al-Sughra và Anjara. Ngày 29/11 nghĩa quân nhanh chóng chiếm được thủ phủ miền Bắc là thành phố lớn thứ hai của Syria là Aleppo. Như thế chẻ tre nghĩa quân ào ạt tấn công xuống các tỉnh ở miền Nam. Ngày 30/11 tấn chiếm Hama, thành phố lớn thứ 4 của Syria. Quân đội Chính phủ hầu như không có ý chí chiến đấu, bỏ chạy hoặc đầu hàng. Nghĩa quân thần tốc chớp nhoáng, hôm qua, ngày 7/12 đã bao vây toàn bộ thủ đô Damascus. Trước tình thế đó Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tuyên bố từ chức. Sau chỉ thị cho Thủ tướng Chính phủ chuyển giao quyền lực một cách hòa bình ông đã lên máy bay rời khỏi đất nước. Tôi đoán là ông Assad đã lên máy bay quân sự đến Iran và sẽ sống lưu vong tại Iran hoặc Nga, vì là hai nước hậu thuẫn và bảo trợ cho ông. Nếu không bỏ chạy số phận của ông nhiều khả năng sẽ chết thảm giống như Tổng thống Iraq Saddam Hussein hay Tổng thống Libya Muammar Gaddafi.
13 năm nội chiến ở Syria là thêm một bằng chứng bằng máu chứng minh rằng Liên Hợp quốc với Hội đồng Bảo an ĐÃ HOÀN TOÀN THẤT BẠI trong việc KIẾN TẠO HÒA BÌNH CHO NHÂN LOẠI, KHI MÀ CÁC VƯƠNG QUYỀN MỸ, NGA VÀ TRUNG QUỐC KHÔNG HỢP TÁC VỚI NHAU.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 08/12/2024