ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG >NGHỊCH LÝ THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Ngày đăng: 15-07-2018 - 18:47:27

KHOA HỌC THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH?

Luật thuế Bảo vệ Môi trường số: 57/2010/QH12

Điều 3. Đối tượng chịu thuế: 1. Xăng, dầu, mỡ nhờn. 2. Than. 3….

Điều 8. Mức thuế tuyệt đối được quy định theo Biểu khung thuế dưới đây:

Xăng 1.000 – 4.000 đồng/L; Dầu diesel 500 – 2.000 đồng/L

Than 10.000 – 30.000 đồng/tấn; ….

Căn cứ khung thuế này, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành thuế suất cụ thể. Các năm trước đây, đối với xăng là 3.000đồng/L; đối với dầu diesel 1.500đồng/L và đối với than (bình quân các loại) 10.000đồng/tấn. Trong năm 2018 Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ tăng thuế suất xăng lên 4.000đồng/L, đối với dầu diesel (cho xe tải, xe buýt…) là 2.000 đồng/L, đối với than là 15.000 đồng/tấn (15đồng/kg).

Mục đích tối thượng của thuế BVMT là để bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, ngăn ngừa, giảm thiểu  những tác động gây ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất hàng hóa, sản phẩm gây ra. Vì vậy, đương nhiên “chất gây ô nhiễm nhiều hơn phải chịu thuế BVMT cao hơn”, đó là phương châm phổ quát của  toàn Thế giới.

VỀ THAN: Than được khai thác từ vỏ Trái đất. Trong than chứa chủ yếu các nguyên tố C, H, O và N, P và S. Ngoài ra, bình quân 1 triệu tấn than (khô, độ ẩm gần bằng không) có chứa 104kg thủy ngân, 7.509 kg Arsen, 1.111 kg Beryllium, 714kg Cadmium, 8.390kg Crom, 8.894kg Nickel, 2.464kg Selenium v.v.. Than này được nghiền mịn như cám và phun vào buồng đốt nồi hơi của nhà máy nhiệt điện than và đốt cháy với ô xy (O2).

Theo định luật bảo toàn khối (một định luật cơ bản của tự nhiên), tổng khối lượng của mọi chất tham gia vào quá trình đốt cháy than sẽ bằng tổng khối lượng của tất cả các chất/sản phẩm hình thành sau đó. Bình quân khi đốt 1 triệu tấn than sẽ cần khoảng 1,6 triệu tấn O2. Sản phẩm hình thành gồm khoảng 2,0 triệu tấn khí hiệu ứng nhà kính (CO2, và CH4), khoảng 0,5 triệu tấn tro than có chứa  tất cả các kim loại độc hại nói trên (67% là tro đáy và 33% là tro bay) và 0,1 triệu tấn khí SOx, NOx.

Các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 10 µm (PM10) có thể đi vào tận phế nang, gây viêm mũi, viêm phế quản, hen suyễn, viêm phổi. Hạt nhỏ hơn 2,5 µm (PM2,5) có chứa cả các kim loại nặng bay hơi, có thể đi vào tận màng phổi và đọng lại trong lá phổi gây viêm phổi, sơ hóa phổi, nếu nồng độ cao và kéo dài có thể dẫn đến ung thư phổi. Các khí NOx và SOx là những khí độc hại, có thể xâm nhập vào cơ thể người qua da và các cơ quan hô hấp hoặc cơ quan tiêu hóa.

Ở trong khí quyển các khí NOx và SOx phản ứng với hơi nước, tạo thành các axit trong các đám mây, gây mưa axit hủy hoại các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, hủy hoại hoa mầu và các công trình kiến trúc, tượng đài ngoài trời.

Nước mưa, nước tưới chống bụi cho các bãi đổ tro và xỉ than sẽ thẩm thấu vào mọi thứ có nguồn gốc từ than, sẽ hòa tan rất nhiều các độc tố hóa học khác nhau trong xỉ than, gạch lát đường làm bằng tro, xỉ than vào nước chảy, thấm, rò rỉ và lan tỏa khắp nơi, đi vào cống rãnh, cuối cùng đổ ra sông, ngòi, hồ ao hủy diệt các hệ sinh thái. Tất tật các độc tố hóa học nói trên trong môi trường không khí, trong đất và  nước sẽ đi vào cơ thể con người thông qua đường da, hít thở và ăn uống. Qua con đường ăn uống thông qua mạng lưới và chuỗi  thức ăn (food chain and food web), các độc tố này được tích tụ và khuyếch đại sinh học lên hàng triệu và chục triệu lần (biological accumulation and magnification). Đây là một qui luật của tự nhiên.

Vào năm 2030 các nhà máy nhiệt điện sẽ sử dụng khoảng 46 tỷ m3 nước (ngọt hoặc nước biển tùy vị trí nhà máy) để làm mát cho hệ thống ngưng, tương đương với 1/10 tổng lượng nước ngọt quí hiếm hàng năm sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long. Nước này sau đó đạt gần 40oC và xả thẳng vào môi trường thủy sinh (hạ lưu, cuối nguồn so với điểm hút) sẽ “hâm nóng” mọi động - thực vật, tạo nên vùng chết đối với thực vật và tôm cá. 

Ngày 29/9/2015 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) cùng với nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard đã  tổ chức hội thảo quốc tế "Than - Nhiệt điện than: Những điều chưa biết". Chuyên gia Lauri Myllyvirta cho biết “Trong tổng số người Việt chết yểu do ô nhiễm không khí của năm 2011, có đến 4.300 người được xác định liên quan đến khí thải từ các dự án nhiệt điện than. Dự báo khí thải than ở Việt Nam sẽ tăng gấp ba lần vào 2030. Khi đó có khoảng 25.000 người chết mỗi năm”. 10 năm là giai đoạn rất ngắn của cuộc đời sẽ có 250.000 nghìn người chết sớm vì  nhiệt điện than.

Các tổ chức quốc tế đưa ra ước tính rằng mỗi kWh nhiệt điện than làm tốn chi phí y tế đến 0,17 đô la Mỹ (Kinh tế Sài Gòn, thứ 6, ngày 17/2/2017). Theo Qui hoạch điện lực quốc gia VII điều chỉnh (Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg), sản lượng điện than vào các năm 2020, 2025 và 2030 lần lượt 131 tỷ kWh, 220 tỷ kWh, 304 tỷ kWh sẽ tạo ra tổng chi phí y tế lần lượt là 22,3 tỷ USD, 37,4 tỷ USD và 51,7 tỷ USD. Như vậy, một nguồn lực rất lớn của đất nước sẽ được thu hút về cho ngành điện than và y tế.

Theo Qui hoạch, nhiệt điện than năm 2020 sẽ tiêu thụ 63 triệu tấn than, năm 2025 là 95 triệu tấn và năm 2030 là 129 triệu tấn. Than khai thác ở trong nước tối đa chỉ được 45 triệu tấn. Khi này đất nước sẽ phụ thuộc nặng nề vào gần 85 triệu tấn than nhập khẩu, phụ thuộc vào “lòng thương” của các nhà xuất khẩu than, không ham USD, nâng giá, ép nhiều nhà máy điện than đang há miệng chờ than. Giá điện than khi đó có thể đắt gấp 2 - 3 lần điện gió và điện mặt trời. Nhiều nhà máy điện than có thể phải tạm nghỉ vì không có than. An ninh năng lượng rõ ràng là bị đe dọa. Khi này chỉ có hai lựa chọn duy nhất mà thôi, hoặc là cắt điện nhiều nơi, hoặc là chấp nhận giá điện than rất đắt, dưới sức ép của nhà xuất khẩu than. Điện gió, điện mặt trời, điện rác và sinh khối lại quá bé nhỏ, còi cọc không lớn nổi bởi sự “chăm sóc” của Bộ Công thương và Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi. Sức gió và ánh sáng mặt trời hàng ngày lại không phải mua, không bị ai ép giá. Thiên nhiên và ông Trời cho không, biếu không mà chúng ta không nhận.  Chúng ta vẫn yêu thích điện than, đam mê  mô hình điện thập kỷ 60 của Thế giới.

Theo Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (công văn số 605/KTTV-BĐKH-GSPT ngày 19/5/2016) đối với các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam, bình quân đốt 1 triệu tấn than phát thải 2,03 triệu tấn CO2; tương ứng với lượng phát thải năm 2020 là 128 triệu tấn CO2/năm, năm 2025 193 triệu tấn CO2/năm, năm 2030 là 262 triệu tấn CO2, góp phần lớn nhất của cả nước làm gia tăng biến đổi khí hậu.

Khí CO2 không phải là khí độc, không phải là khí gây ô nhiễm môi trường, là dưỡng chất cơ bản cho tất cả các loài thực vật. Nhưng khí CO2 là khí gây hiệu ứng nhà kính, ngăn chặn không cho bức xạ nhiệt từ Trái đất thoát vào vũ trụ, làm cho lớp không khí bề mặt Trái đất nóng dần lên, băng tuyết tan chảy, mực nước biển dâng và biến đổi khí hậu cực đoan ngày một nhiều hơn.

Thực hiện cam kết cắt giảm phát thải khí CO2 theo thỏa thuận Paris 2015, rất nhiều nước trên Thế giới đã thu phí phát thải CO2, trung bình từ 10 USD –30 USD/tấn CO2 phát thải. Ở Việt Nam hoàn toàn không thực hiện thu phí phát thải này, cộng với thuế BVMT rất tượng trưng, gần bằng không (10 – 15đồng/kg), do vậy giá điện than ở Việt Nam đã trở nên rẻ nhất Thế giới. Những loại điện xanh, điện sạch như điện gió và điện mặt trời không thể cạnh tranh được với điện than.

VỀ DẦU DIESEL: Năm 2018, ước tính cả nước tiêu dùng 8,5 triệu tấn. Bình quân đốt 1 lít dầu diesel sẽ thải vào môi trường 2,7 kg CO2 , hơi nước (H2O) và 5,6g khí độc SOx (vì dầu diesel của ta rất bẩn, rẻ nhất Thế giới, chứa hàm lượng lưu huỳnh cao 2,5g/L).  Vì lượng tiêu thụ dầu diesel rất nhỏ so với than và nếu chúng ta nhập khẩu loại dầu “đắt” hơn chút ít, chỉ chứa lưu huỳnh 0,5g/L thì vấn đề môi trường không đáng quan ngại. Có thể nói là rất sạch so với than.

VỀ XĂNG: Năm 2018, ước tính cả nước tiêu dùng 6,5 triệu tấn. Bình quân đốt 1 lít xăng thải vào môi trường 2,3 kg CO2, hơi nước (H2O). Hầu như không gây ô nhiễm môi trường, siêu sạch so với than.

Thuế suất BVMT giữa than và xăng nhiều năm qua luôn là một nghịch lý khoa học của ngành thuế Việt Nam, như bảng tổng hợp dưới đây:

Một nghịch lý khoa học của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, bất chấp khoa học và công nghệ luôn là quốc sách hàng đầu và tổng chi trung bình hàng năm cho phát triển KH&CN đã bằng 2% tổng chi NSNN. Năm 2016 chi cho KH&CN khoảng 25.000 tỷ đồng.

Oan cho xăng, cần phải trả lại chân lý khoa học cho thuế BVMT, cho phù hợp với bản chất khoa học của chất gây ô nhiễm. Chính sách thuế BVMT cần tôn trọng những giá trị sinh thái của xã hội, tôn trọng phương châm phổ quát của  toàn Thế giới “chất gây ô nhiễm nhiều hơn phải chịu thuế BVMT cao hơn”.

Vì thế giá điện ở Việt Nam đã thuộc loại rẻ nhất thế giới, cho dù có tính theo lũy tiến sử dụng và vào giờ cao điểm thì giá cao. Những ngành công nghiệp nặng tiêu thụ nhiều điện năng như sắt thép, xi măng, hóa chất… đang nở rộ ở Việt Nam. Vì điện giá rẻ nên hầu hết người sử dụng chẳng có ý thức sử dụng tiết kiệm. Nên Việt Nam cũng là nước có bình quân điện năng sử dụng lãng phí, không hiệu quả, thất thoát cao nhất Thế giới (25% – 35%). Bảng dưới đây là những số liệu rất thực tế, nói lên tất  cả:

Luật thuế Bảo vệ Môi trường đã rất đắc lực giúp cho nhiệt điện than phát triển, hủy diệt sức khỏe và môi trường sinh thái, làm chết sớm 25.000 người/năm  vào năm 2030, gây thiệt hại to lớn về kinh tế cho đất nước.

Cần phải làm cách mạng trong Luật thuế BVMT, chỉ với 3 thuế suất sau: Xăng giảm về 1.000đồng/L, dầu diesel giảm về 1.500đồng/L, than tăng lên 2.000đồng/kg, thu NSNN sẽ tăng lên gấp 3 – 4 lần, điện xanh, điện sạch sẽ thăng hoa, nở rộ, sức khỏe con người và môi trường sinh thái sẽ cải thiện rõ rệt.

CHƯA CÓ MỘT HỌC THUYẾT PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÀO NÓI VỀ GIÁ THÀNH, THỰC GIÁ (GIÁ PHẢN ẢNH SỰ THẬT KINH TẾ, SỰ THẬT SINH THÁI) LÀ YẾU TỐ GÂY LẠM PHÁT, MẤT ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ. NGƯỢC LẠI ĐỀU YÊU CẦU GIÁ CẢ PHẢI PHẢN ÁNH SỰ THẬT KINH TẾ VÀ SỰ THẬT SINH THÁI.

Đất  nước mình buồn quá phải không anh?

Trân trọng cám ơn bạn đọc, mong mọi người hãy chia sẻ rộng rãi hơn.

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 11/7/2018.

 

NGUYÊN NHÂN TẠO RA LIÊN MINH CHẶT CHẼ DONALD TRUMP – VLADIMIR PUTIN
NGUYÊN NHÂN TẠO RA LIÊN MINH CHẶT CHẼ DONALD TRUMP – VLADIMIR PUTIN KẾT THÚC CUỘC CHIẾN UKRAINA
ÔNG DONALD TRUMP SÁP NHẬP CANADA VÀ ĐẢO GREENLAND
ÔNG DONALD TRUMP SÁP NHẬP CANADA VÀ ĐẢO GREENLAND
NGHẸT THỞ VÀ UỐNG NƯỚC
NGHẸT THỞ VÀ UỐNG NƯỚC
NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA 13 NĂM NỘI CHIẾN SYRIA
NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA 13 NĂM NỘI CHIẾN SYRIA
TỔNG THỐNG HÀN QUỐC YOON SUK YEOL SẼ PHẢI VÀO TÙ
TỔNG THỐNG HÀN QUỐC YOON SUK YEOL SẼ PHẢI VÀO TÙ