Kính gửi những người yêu Môi trường và Khoa học,
Tại Đối thoại Kultaranta ở Phần Lan hôm qua, 12/6, đề cập đến vấn đề Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu "Hòa bình là khả thi, nhưng câu hỏi duy nhất là bạn sẵn sàng trả cái giá nào cho hòa bình? Bạn sẵn sàng hy sinh bao nhiêu lãnh thổ, bao nhiêu độc lập, chủ quyền vì hòa bình. Ví dụ của Phần Lan, quốc gia đã nhượng vùng Karelia cho Liên Xô như một phần thỏa thuận hòa bình trong Thế chiến II, cho rằng đây là "một trong những lý do giúp Phần Lan bước ra khỏi cuộc chiến với tư cách quốc gia độc lập có chủ quyền".
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto nói trong cuộc thảo luận với ông Stoltenberg "Chúng tôi hiểu rằng với cuộc chiến đang diễn ra, Ukraine rất khó nhượng bộ lãnh thổ của họ. Nhưng đẩy lùi Nga khỏi tất cả những vùng họ đang kiểm soát không phải là điều khả thi vào thời điểm này. Đạt được hòa bình thực sự khó khăn".
Tuyên bố của ông Stoltenberg được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng phương Tây sẽ gây áp lực để Ukraine chấp nhận đàm phán thỏa thuận hòa bình với Nga. CNN dẫn các nguồn tin cho biết các quan chức ở Washington, London và Brussels đang họp để thảo luận về lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình mà không có đại diện của Kiev.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tháng trước đưa ra quan điểm “Ukraine nên chấp nhận quay trở lại "tình trạng trước chiến sự", có nghĩa từ bỏ tuyên bố chủ quyền với bán đảo Crimea và công nhận độc lập cho các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng bóng gió thể hiện ý ông Zelensky nên từ bỏ một phần lãnh thổ để đổi lấy hòa bình và không nên làm Putin mất thể diện.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng công khai rằng “Một số bên đang cố gắng "thúc đẩy chúng tôi" để đạt một thỏa thuận, khi công chúng ở các quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraine ngày càng "mệt mỏi vì chiến tranh".
Thưa các bạn,
Lịch sử thế giới từ cổ đại đến hiện đại có đầy rẫy những thỏa thuận về chia cắt, sáp nhập lãnh thổ trong hòa bình, cũng như trong cuộc chiến. Hai cuộc đại chiến thế giới I và II đều kết thúc bằng các hiệp ước sắp xếp lại lãnh thổ và chia cắt đất đai.
Vương quyền Adolf Hitler là người Đức sinh ở Áo, là lãnh tụ của Đảng Phát xít (Nazi Party), năm 1933 được toàn thể nhân dân Đức ngưỡng mộ, tin yêu, tôn thờ bầu làm Thủ tướng nước Đức (Chancellor), là lãnh tụ tối cao của dân tộc Đức và quân đội Đức. Ngày 01/9/1939 Đại đế Phát xít Hitler khởi động Đại chiến thế giới II bằng xâm lược, tấn công Ba Lan. Tuy nhiên đến ngày 8/5/1945, Vương quyền Phát xít Hitler phải chịu thất bại, đầu hàng. Theo nghiên cứu mới nhất của nhà sử học Đức, ông Rudiger Overmans, quân đội Đức bị thiệt mạng là 5,3 triệu lính. Thường dân Đức bị chết do bom đạn khoảng 2,5 triệu người. Tổng cộng gần 8 triệu người Đức bị Vương quyền Adolf Hitler cho đi tong. Vương quốc Đức bị chia thành 4 vùng do Liên minh thắng cuộc chiến kiểm soát. Những khu vực phía Tây do Pháp và Anh chiếm đóng đến ngày 23/5/1949 kết hợp lại hình thành nên Cộng hòa Liên bang Đức (Federal Republic of Germany), chọn thành phố Bonn là thủ đô. Những vùng phía Đông do Liên Xô chiếm đóng, ngày 7/10/1949 hình thành nên nước Cộng hòa dân chủ Đức, chọn Đông Berlin làm thủ đô. Đó là hai quốc gia được thế giới công nhận, độc lập, chủ quyền, có thể chế chính trị và kinh tế - xã hội hoàn toàn đối ngược nhau và đối đầu nhau. Cả hai đều là thành viên của hai khối quân sự lớn nhất thế giới là NATO và Varsawa với quân đội của hai khối thường trú đậm đặc tại Tây Đức và Đông Đức.
Ngày 09/11/1989 Bức tường Berlin xụp đổ. Biểu tượng của hàng rào sắt chia cắt khối XHCN và TBCN xụp đổ không mất một viên đạn. Năm 1990 Đông Đức và Tây Đức thống nhất trong hòa bình.
Ngày 01/01/1993 nước Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc, một đất nước văn mình, giàu có ở trái tim của Châu Âu, chia tách thành hai nước Cộng hòa độc lập là Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slovakia. Đó là một cuộc chia ly quốc gia hoa hồng điển hình ở thế giới, không một giọt máu rơi. Từ một Vương quốc thành hai Vương quốc, dưới sự cai trị của hai Vương quyền khác nhau. Nhân dân nhà nào ở đâu vẫn ở đấy. Đất đai ông cha họ để lại vẫn là của họ.
Trong lịch sử lập quốc của mình, Thái Lan từng là một nước lớn theo chủ nghĩa Đại Thái, lấn át các quốc gia láng giềng khi có thể. Nhưng tới giữa thế kỷ 19, Thái Lan đứng trước hiểm họa xâm lăng của các nước thực dân châu Âu. Về phía tây, Đế quốc Anh đã chiếm Miến Điện (Myanmar ngày nay). Trong khi ở phía đông, Pháp đã chiếm 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Để tránh xung đột với Anh và Pháp, có được hòa bình và yên ổn, trong vòng 50 năm, đã có một số lần Vương quyền Thái Lan đã phải cắt tổng cộng 352.877 km² lãnh thổ (lớn hơn diện tích Việt Nam hiện nay) cho Vương quyền Anh và Pháp. Nhân dân nhà nào ở đâu vẫn ở đấy. Đất đai ông cha họ để lại vẫn là của họ. Những vùng đất này ngày nay thuộc về Campuchia, Myanmar và Malaysia hợp pháp.
Người Việt Nam từ cổ đến nay có câu “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Lãnh đạo nay người này, mai người khác. Đối với người dân, dưới sự cai trị của Vương quyền A hay Vương quyền B không quan trọng. Dưới sự cai trị của Vương quyền nào người dân cũng phải có nghĩa vụ nộp tô, nộp thuế. Vương quyền mới cần Vương quốc, lãnh thổ để cai trị. Còn người dân chỉ cần hòa bình, yên ổn để làm ăn, kiếm sống trên mảnh đất mà ông cha để lại cho họ. Tranh chấp đất đai giữa hàng xóm láng giềng sẽ có luật pháp giải quyết, nếu dùng dao và gậy có thể phải vào tù.
Theo tôi, Thế giới đã sai khi đồng nhất tham vọng của Vương quyền với nguyện vọng của nhân dân. Vương quyền yêu nước thương dân là Vương quyền đảm bảo hòa bình cho nhân dân, né tránh chiến tranh, xây dựng bộ máy cai trị không có tham nhũng và sử dụng tiền thuế của dân một cách hiệu quả trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh và thịnh vượng.
Trân trọng cám ơn bạn đọc
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 13/6/2022