MỘT SỐ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VỀ VẮC XIN CHỐNG COVID-19
Virus nói chung được định nghĩa là một THỰC THỂ/VẬT CHẤT PROTEIN (protein entity/matter) có mang gen di truyền là axit RNA (RiboNucleic Acid).
Virus Corona đã được các nhà khoa học nghiên cứu và xác định được CẤU TRÚC VÀ CẤU TẠO HÓA HỌC của nó. Đó là một thực thể protein hình cầu có chứa gen di truyền (đại phân tử axit RNA, RiboNucleic Acid, hình vẽ vòng xoáy tròn ở bên trong). Hình cầu này có kích thước khoảng 0,12 micromet. Một đầu tóc hay mũi kim có kích thước khoảng 0,1mm = 100 micromet, lớn gấp gần 1.000 lần con virus Corona.
Hình vẽ minh họa cấu tạo của virus Corona
Bề mặt cầu của nó là các GAI GLYCOPROTEIN, ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG. Khi quả cầu này đi vào cơ thể người, các gai này bám dính chặt vào màng tế bào, giúp nó có thể chui lọt vào trong tế bào, theo cơ chế bị cuốn và kéo vào bên trong. Vì hệ miễn dịch của con người hoàn toàn chưa nhận ra các gai nguy hiểm này, hoặc nhận ra “kẻ lạ” nhưng không kịp ngăn chặn thành công (người gác cổng, bảo vệ nhà máy không nhận biết ra người lạ, kẻ gian để ngăn chặn kịp thời). Hệ miễn dịch (Immune system) của con người là một mạng lưới các quá trình sinh học giúp bảo vệ cơ thể chống chọi lại bệnh tật, các yếu tố tác động có hại từ bên ngoài.
Tế bào thực sự là một “nhà máy” rất tinh vi chuyên sản xuất, tổng hợp sinh học. Khi virus Corona vào bên trong tế bào; tế bào sẽ sử dụng những “tài nguyên, nguồn lực” của mình, chính là những dưỡng chất mà chúng ta ăn uống vào hàng ngày để nhân đôi, nhân 4, nhân 8 v.v.. hình thành nên rất nhiều quả cầu virus Corona. Chúng sẽ phá vỡ tế bào, chui ra và lan tỏa sang tiếp các tế bào khác. Chính nhờ khả năng sinh sôi, nẩy nở ở trong tế bào chủ (người hay động vật, thực vật chủ, gọi chung là HOST CELL) nên các nhà khoa học mới gọi virus là CON virus.
Nhờ giải mã được cấu tạo hóa học gai Glycoprotein, các nhà khoa học mới có thể nghiên cứu, chế tạo ra VẮC XIN LÀ MỘT HOẠT CHẤT CÓ CẤU TẠO HÓA HỌC GIỐNG GAI GLYCOPROTEIN. Nói phổ quát cho loài virus nói chung, VẮC XIN LÀ MỘT HOẠT CHẤT PROTEIN, chuyên môn gọi là KHÁNG NGUYÊN.
Khi vắc xin chống virus Corona được tiêm vào cơ thể, tức là đưa KHÁNG NGUYÊN vào cơ thể, một loại hợp chất có cấu tạo hóa học tương tự gai glycoprotein. Sau một thời gian, hệ miễn dịch của con người dần nhận ra đó là “vật lạ, kẻ lạ” sẽ “sản xuất” ra KHÁNG THỂ để vô hiệu hóa kẻ lạ (KHÁNG NGUYÊN). Cặp đôi kháng nguyên – kháng thể có thể ví như khóa nào chìa ấy, virus nào vắc xin ấy. Sau khoảng 6 – 12 tuần nữa tiêm tiếp vắc xin liều 2, hệ miễn dịch của cơ thể nhanh chóng nhận ra “kẻ lạ” và sản xuất ra kháng thể để vô hiệu hóa kháng nguyên. Như vậy là hệ miễn dịch của cơ thể được “tập dượt” lượt 2 sẽ rất thành thục, nhậy bén khi phát hiện “kẻ lạ”.
Vì kháng nguyên (vắc xin) chỉ là một hoạt chất protein có cấu tạo giống gai Glycoprotein của virus Corona nên hầu như là AN TOÀN đối với cơ thể. Để nghiên cứu sản xuất vắc xin, các nhà khoa học đã thử nghiệm trên chuột hay động vật về ĐỘ AN TOÀN, không gây sốc, phản vệ, dị ứng bất thường. Tuy nhiên sau đó phải cần thử trên người.
Khi hệ miễn dịch của cơ thể bạn đã được làm quen, nhận biết ra kháng nguyên (gai Glycoprotein), sau đó bạn đi hiên ngang vào vùng dịch, hay tiếp xúc với các bệnh nhân (F0) Covid-19, bạn sẽ hít thở không khí có chứa nguyên con virus Corona. Hệ miễn dịch trong cơ thể bạn sẽ nhận ra ngay kẻ lạ và tự động sinh ra kháng thể ngay tại bề mặt của màng tế bào, “đóng cửa”, chặn và tiêu diệt virus Corona.
Hãn hữu, vẫn có trường hợp con virus Corona vẫn chui lọt được vào bên trong tế bào, sinh sôi nẩy nở phá tế bào chui ra. Tuy nhiên đến khi chúng lan sang tế bào khác sẽ bị chặn lại và bị tiêu diệt. Trường hợp này chỉ gây cho những người cao tuổi (đã được tiêm vắc xin đủ 2 liều) triệu chứng cảm cúm nhẹ, không phát sinh bệnh nặng, sớm bình phục. Đây là những trường hợp gọi là tái nhiễm.
Vắc xin đạt HIỆU QUẢ BẢO VỆ cao, khi tỷ lệ nhiễm dưới 0,1%. Tức là cứ 1.000 người đã tiêm vắc xin thì có dưới 1 người vẫn bị nhiễm. Tất nhiên nếu bạn mới tiêm liều 1 thì HIỆU QUẢ BẢO VỆ đương nhiên là thấp. Ngoài ra hiệu quả bảo vệ còn phụ thuộc vào thời gian, khoảng cách giữa lần tiêm 1 và lần tiêm 2. Khi nhà sản xuất vắc xin đưa ra khuyến cáo “thời gian tiêm mũi 2 sau mũi 1 từ 4 – 12 tuần, ưu tiên sau 10 tuần”, nếu bạn tiêm sau 6 tuần hiệu quả bảo vệ có thể chỉ đạt, ví dụ 75%. Nếu bạn tiêm đúng sau 10 tuần, hiệu quả bảo vệ là cao nhất, ví dụ 95%.
Tốt nhất khi bạn biết đó là vùng dịch, vùng nguy cơ, rủi ro cao, bạn không nên chủ quan, vẫn cần phải đeo khẩu trang. Vì vắc xin chỉ xây dựng hàng rào bảo vệ sâu bên trong cơ thể bạn, không thay thế khẩu trang ngăn chặn virus ngay tại mũi và miệng của bạn. Sau về nhà bạn nên rửa tay, rửa mặt sạch sẽ bằng xà phòng. Đương nhiên, khi vào một vùng an toàn, hay bạn tiếp xúc với những người đã được tiêm vắc xin, thì bạn không nhất thiết phải đeo khẩu trang. Vì rủi ro để bạn bị nhiễm là quá thấp.
HIỆU QUẢ BẢO VỆ của vắc xin còn phụ thuộc vào BIẾN THỂ của virus Corona vì cặp đôi kháng nguyên - kháng thể là khóa nào chìa ấy. Với những biến thể khác nhau, tỷ lệ cấu tạo hóa học của các gai Glycoprotein là khác nhau. Nếu sự thay đổi ở phạm vi nhỏ, hẹp, vắc xin vẫn còn hiệu quả tương đối để chống chọi được với các biến thể. Đối với biến thể mạnh như Delta Ấn Độ, có thể một lượng lớn gai Glycoprotein chuyển đổi cấu tạo hóa học. Hiệu quả của vắc xin có thể là thấp. Điều này đòi hỏi các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu cấu tạo hóa học của những gai mới, từ đọ tạo ra vắc xin mới. Hay họ có thể phối trộn các loại vắc xin tương tự thành vắc xin mới để chống lại những biến thể mới.
Theo báo cáo tuần số 45 “Cập nhật Tình hình dịch bệnh covid-19” của WHO, tuần từ 14 – 20/6/2019 ở qui mô toàn cầu, trong tuần có trên 2,5 triệu ca mắc mới với hơn 46.000 người chết trong tuần (giảm 6% và giảm 12% so với tuần trước). Tổng số ca nhiễm được báo cáo vượt 177 triệu ca và tổng số tử vong là 3.857.974 (2,17%).
Tại báo cáo này cũng thống kê rất nhiều các loại biến thể khác nhau của SARS-CoV-2. Biến thể Alpha đã lan ra 170 nước. Biến thể Beta có ở 119 nước. Biến thể Delta là 85 nước.
Theo tôi chậm được tiêm vắc xin ngày nào, nguy cơ lây nhiễm vẫn còn rất cao, càng tạo điều kiện, cơ hội để tạo ra những biến thể mới, khác xa với SARS-CoV-2 ban đầu.
Tình hình tiêm chủng vắc xin là khả quan ở những nước giàu có, đồng thời cũng là chủ sở hữu của những công nghệ sản xuất vắc xin. Nhưng vẫn còn đang rất mờ mịt ở qui mô toàn cầu. Vì còn khoảng 6 tỷ người dân chưa được tiêm 1 mũi vắc xin, luôn phải đối chọi với nguy cơ lây nhiễm.
Mặc dù hiện nay đại dịch Covid-19 đang ở đỉnh cao trên thế giới, tuy nhiên để một vắc xin được Bộ Y tế hay WHO cấp phép khẩn cấp vẫn bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện, qui định, ràng buộc chặt chẽ. Vắc xin bắt buộc phải thử nghiệm lâm sàng qua đầy đủ ba giai đoạn 1, 2 và 3 để kiểm tra ĐỘ AN TOÀN, TÍNH SINH MIỄN DỊCH (sinh kháng thể) và HIỆU QUẢ BẢO VỆ.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 được tiến hành ở quy mô nhỏ; ví dụ khoảng 1.000 người tình nguyện để kiểm tra độ an toàn (không gây sốc phản vệ, dị ứng bất thường v.v..), tính sinh miễn dịch và xác định lượng tiêm tối ưu.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 mới là yếu tố quyết định để đánh giá vaccine này có HIỆU QUẢ BẢO VỆ hay không, có làm giảm nguy cơ mắc Covid-19 và hoặc giảm nhẹ tình trạng bệnh hay không. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 quy mô cần từ 20.000 đến 50.000 người tham gia. Cụ thể, vaccine của AstraZeneca thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại 11 quốc gia với gần 50.000 người tham gia. Vaccine Vero-Cell của Sinopharm thử nghiệm lâm sàng tại 6 quốc gia với trên 45.000 người. Vaccine Sputnik-V thử nghiệm lâm sàng tại 5 quốc gia với gần 22.000 người. Vaccine của Pfizer thử nghiệm lâm sàng tại 6 quốc gia với trên 43.000 người. Vaccine của Moderna thử nghiệm tại 4 quốc gia với gần 31.000 người.
Tại Việt Nam công ty Nanogen đã có thư đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khẩn cấp vaccine Covid-19 Nanocovax. Tuy nhiên vì loại vắc xin Nanocovax đang được thử nghiệm giai đoạn 3, mới tiêm cho trên 1.000 người với 1 mũi, hoàn toàn chưa đủ điều kiện để Bộ Y tế trình Thủ tướng phê duyệt.
Trân trọng mời bạn đọc bài “CHÍNH TRỊ HÓA CON COVID-19 CHỈ CÓ HẠI CHO CUỘC CHIẾN CHỐNG ĐẠI DỊCH”
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 24/6/2021