Hỏa hoạn xảy ra lúc hơn 1h sáng thứ 6, ngày 23/3/2018 tại chung cư cao tầng Carina Plaza ở đường Võ Văn Kiệt Tp. HCM làm 13 người chết, hơn 50 người bị thương; 13 ôtô và 150 xe máy bị thiêu rụi. Hậu quả là rất nghiêm trọng, chỉ sau thảm hoạ xảy ra đối với ITC (60 người chết) vào năm 2002. Ngọn lửa xuất phát từ khu tầng hầm chứa ô tô, xe máy.
Một ngày sau hoả hoạn, người dân bắt đầu quay lại, đăng ký lên căn hộ dọn dẹp và tìm tài sản. Tại lối thang bộ, lớp muội đen bám dày trên tường. Đây là nơi trực tiếp hứng khói từ tầng hầm giữ xe cuồn cuộn xộc lên các tầng. Nhiều dấu vết tại hiện trường cho thấy sự hoảng loạn của cư dân lúc bỏ chạy. "Lúc đó điện bị cắt, trong này tối thui, mịt mù khói. Những vết trắng hoen trên tường là do trong lúc chạy xuống tầng dưới chúng tôi rà tay vào, để xác định lối đi" (theo báo VnExpress thứ 7 ngày 24/3/2018)
Tại các tòa nhà cao tầng, cầu thang bộ thoát hiểm thường được thiết kế phổ biến ở GÓC CUỐI CÙNG, CÁCH XA SẢNH RA VÀO, THIẾU ÁNH SÁNG TỰ NHIÊN VÀ THÔNG XUỐNG TẦNG HẦM CHỨA Ô TÔ, XE MÁY là nơi mà khả năng xảy ra cháy nổ rất cao. Với thiết kế như vậy, khi hỏa hoạn xảy ra KHÓI NÓNG VÀ KHÍ ĐỘC có 2 đường thoát là LỐI LÊN – XUỐNG của ô tô xe máy và qua CẦU THANG BỘ THOÁT HIỂM bốc ngược lên trên. Khi cháy, cầu thang thoát hiểm hoạt động như một ống thông hơi có sức hút rất mạnh KHÓI ĐỘC VÀ KHÍ NÓNG vào đây và bốc ngược lên cao. Theo định luật Bernoulli, vận tốc hút gió ở “ống thông hơi” này mạnh hơn rất nhiều so với vận tốc khí nóng thoát ra tại cửa lên – xuống của ô tô xe máy. Khi này, cầu thang THOÁT HIỂM trở thành cầu thang NGUY HIỂM, CHẾT NGƯỜI, VÔ DỤNG. NGƯỜI DÂN HẾT LỐI THOÁT, đành phải nhao ra ban côn, cửa sổ tầng cao vẫy chờ ứng cứu.
TẠI TẦNG HẦM NƠI ĐỂ XE MÁY, Ô TÔ CẦN XÂY BỊT KÍN LẠI LỐI ĐI CỦA CẦU THANG BỘ THOÁT HIỂM, CHẶN KHÔNG CHO KHÍ CHÁY THOÁT VÀO BỐC NGƯỢC LÊN. CỬA LỐI THOÁT RA CỦA CẦU THANG BỘ PHẢI LÀ TẦNG 1, TẦNG TRỆT. Ngoài ra nên thiết kế xây dựng cầu thang thoát hiểm về phía mặt ngoài, có nhiều ánh sáng tự nhiên (ban đêm có thể ánh sáng từ đèn đường, ánh trăng). Cửa thoát hiểm đặt tại khu tiền sảnh chính ra vào, nơi thông thoáng, thường xuyên có thường trực và bảo vệ. Như vậy, khi tòa nhà bị cháy, cầu thang bộ thoát hiểm sẽ thực sự an toàn để mọi người ở các tầng cao thoát xuống, ra ngoài. Lực lượng cứu hỏa sẽ sử dụng cầu thang thoát hiểm này tiếp cận những nơi cháy trên cao nhanh hơn, thuận tiện hơn. Cầu thang thoát hiểm thiết kế ở khu vực này sẽ trở nên thực sự rất hữu dụng đối với phòng chống hỏa hoạn ở các tòa nhà cao tầng.
Kính mong Bộ Xây dựng nên có văn bản bổ sung, hướng dẫn, qui định công tác thiết kế cầu thang bộ thoát hiểm đối với các tòa nhà cao tầng mới sẽ xây dựng trong tương lai.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 24 tháng 3 năm 2018.