LÝ DO ĐƠN GIẢN TẠI SAO VIỆT NAM LẠI KHÔNG CÓ KHOA HỌC
Xe VINFAST của tập đoàn VINGROUP niềm tự hào của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, MADE IN VIETNAM. Tuy nhiên toàn bộ dây chuyền, công nghệ, máy móc, thiết bị tự động, rất hiện đại để sản xuất ra nó là NHẬP NGOẠI. Chuyên gia nước ngoài đến Hải Phòng, chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra chất lượng quá trình xây dựng và vận hành nhà máy. Phần lớn những bộ phận, chi tiết, linh kiện có giá trị cao của xe VINFAST là nhập ngoại. Những thứ có giá trị thấp, như săm, lốp, ghế ngồi, gương kính, cáp điện là MADE IN VIETNAM; điều mà chúng ta hằng mơ ước là TỶ LỆ NỘI ĐỊA HÓA CAO. Tuy nhiên, bản thân dây chuyền, công nghệ, máy móc, thiết bị để sản xuất ra những chi tiết, linh kiện nội địa ấy là NHẬP NGOẠI.
Ngay cả các tập đoàn tên tuổi nước ngoài như TOYOTA, HYUNDAI, FORD, HONDA, NISSAN v.v. đang hoạt động tại Việt Nam cũng đều là LẮP RÁP ô tô MADE IN VIETNAM, cho đến cả con ốc vít cũng phải nhập ngoại. Vì chuyên gia Nhật đã phải kêu lên “các nhà khoa học Việt Nam không thể sản xuất nổi con ốc vít đạt chuẩn quốc tế”. Người Nhật đã hiểu người Việt Nam hơn chính người Việt Nam.
Mạng 5G do tập đoàn VIETTEL công bố 100% là sản xuất tại Việt Nam. Những chiếc điện thoại di động do các tập đoàn có tên tuổi khác như FPT, BKAV, VNPT, VINGROUP, MOBIFONE v.v.. cũng là 100% sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta phải hiểu chính xác là LẮP RÁP TẠI VIỆT NAM. Công nghệ LẮP RÁP máy tính, điện thoại di động, TIVI đã đơn giản đến mức chỉ cần cắm, ghép các chi tiết linh kiện và vặn ốc vít. Người Việt Nam có thể sản xuất được vỏ của chiếc điện thoại. Nhưng dây chuyền để sản xuất ra vỏ là nhập ngoại. Tương tự với con ốc vít cho xe ô tô, các nhà khoa học Việt Nam hiện vẫn không thể tự sản xuất được một con đi ốt, hay một transistor, kiểu to bằng hạt gạo hay hạt ngô ngày xưa. Ngày nay một chip điện tử bằng hạt ngô có thể chứa đến cả ngàn đi ốt và transistor.
Toàn bộ nền kinh tế, sản xuất do các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài (FDI) hoạt động ở Việt Nam đều là GIA CÔNG, LẮP RÁP. Hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài đã đóng góp đến 20% GDP và 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong chuỗi giá trị của một sản phẩm, hàng hóa, người Việt Nam đóng góp chủ yếu bằng sức lao động giản đơn, cơ bắp, giá trị là rất thấp (lấy công làm lãi). Sự đóng góp bằng trí tuệ, chất xám trong chuỗi giá trị gần như bằng không.
MADE IN VIETNAM, MANUFACTURED IN VIETNAM (chế tạo tại Việt Nam) hay ASSEMBLED IN VIETNAM (lắp ráp tại Việt Nam) không quan trọng bằng MADE BY VIETNAMESE. Dây chuyền và công nghệ phải do con người Việt Nam làm ra. Đất nước Việt Nam có 4.000 năm lịch sử và với gần 100 triệu dân cơ mà!. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có bề dày lịch sử 60 năm rồi. Trong khi lịch sử nước USA mới chỉ có hơn 400 năm thôi. Đất nước Triều Tiên dân số chỉ có 25 triệu người, tài nguyên không có, mùa đông chìm ngập trong băng tuyết, bị cấm vận nhiều năm triền miên và nghiệt ngã, nhưng các nhà khoa học của họ tự sản xuất được nhiều thứ, từ A đến Z. Ví dụ bom nguyên tử, máy bay, tên lửa, tàu ngầm, xe tăng, đại bác v.v…chưa kể Hàn Quốc những năm 60 nghèo khổ cũng như Việt Nam.
Chiều 30/7/2020 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt với lãnh đạo một số bộ, ngành và 203 đại biểu đại diện cho hơn 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Giống Bác Hồ, Thủ tướng mong muốn xây dựng “Việt Nam trở thành biểu tượng vì hòa bình, hình mẫu đổi mới, luôn nuôi dưỡng khát vọng hùng cường không thua kém bất kỳ dân tộc nào. Một dân tộc có truyền thống 4.000 năm lịch sử, sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, bao đời quyết tâm chống sự xâm lăng của ngoại bang thì phải là dân tộc mạnh. Dân tộc đó không thể để thế giới coi thường là dân tộc bạc nhược, nghèo khó. Đây là sứ mệnh mà đội ngũ trí thức, nhà khoa học cần chung tay đóng góp".
Vậy lý do tại sao? Tại sao Việt Nam lại không có khoa học, không thể tự sản xuất ra được công nghệ, không thể tự sản xuất ra máy cái, máy mẹ đẻ máy con? Chẳng nhẽ Việt Nam sẽ mãi là đất nước bán rẻ tài nguyên sinh thái, gia công, lắp ráp? Chẳng nhẽ dân tộc Việt Nam sẽ mãi là người lao động làm thuê, cam phận làm oshin ngay trên chính quê hương đất nước của mình?
Hóa ra là hầu hết những cán bộ lãnh đạo, có chức quyền đôi chút trong KH&CN đều kiêu ngạo. Có chức, có quyền là vênh vang, say sưa với vòng nguyệt quế (than vãn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng). Các nhà khoa học cấp dưới thì ngoan ngoãn tô hồng, cậy nhờ vào bổng lộc ban phát của cấp trên. Kinh phí cho nghiên cứu KH&CN là vốn phân hóa giàu - nghèo. Bộ KH&CN Việt Nam là Bộ KH&CN duy nhất trên Thế giới đã không ủng hộ, bảo vệ chân lý khoa học. Vô vàn những Thực tế/Sự thật (TT/ST) khác nữa được chứng minh tại bài viết VIỆT NAM KHÔNG CÓ KHOA HỌC, CHỈ CÓ KIÊU NGẠO VÀ CÔNG NGHỆ NGOẠI NHẬP.
Thực tế/Sự thật tuy là cay đắng nhưng vẫn hữu ích hơn tô hồng, tô phấn.
Trân trọng cám ơn bạn đọc.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 3/8/2020