KÍNH THƯA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, BỘ Y TẾ: THỰC SỰ OAN CHO PHENOL
Thảm họa môi trường biển lịch sử đã xẩy ra vào ngày 6/4/2016 tại 4 tỉnh duyên hải miền Trung do sự cố nước thải của công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra. Trong khi thế giới coi các hợp chất phenol là dược liệu, dưỡng chất (nutrients) quí thì chúng ta lại coi là nguyên nhân làm cá chết, tạo bầu không khí căng thẳng cả đất nước, gây nhiều thiệt hại không đáng có cho ngư dân. Thực sự cá đã chết một cánh an lành, nhân đạo không phải vì phenol. Do sự cố, Formosa Hà Tĩnh đã xả nước thải có chứa 5 tấn cation sắt hai (Fe(II) hay Fe2+), của khâu tẩy rửa cặn bẩn, gỉ trong lòng các hệ thống đường ống kim loại chằng chịt sau thời gian lắp ráp, thi công, trước khi đi vào vận hành. Các cation sắt hai “tham ăn” oxy làm cạn kiệt oxy vốn đã rất khan hiếm ở tầng đáy, tạo thành vùng chết (dead zone), suốt một dải nước dài gần 200km, diễn ra trong khoảng 2 – 3 ngày, từ Vũng Áng, Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế (chi tiết mời xem bài viết “Cần trả lại chân lý khoa học cho kết luận về nguyên nhân cá chết”).
Phân tử Phenol có công thức hóa học là C6H5-OH (hay C6H6O), có nhân thơm (aroma, vòng benzen C6H6, cấu trúc hình lục giác đều). Cả benzen và phenol đều có trong SGK Hóa cấp 3. Mật độ Pi-electron (density) trên nguyên tử oxy là cao nhất và có xu hướng “chia sẻ” vào nhân thơm benzen, làm cho nguyên tử hydro không bền, dễ tách khỏi vòng benzen để tạo nên hàng loạt các hợp chất hóa học khác nữa, có nhiều vòng benzen hơn, gọi chung là chuỗi các hợp chất phenol (phenolic compounds). Dưới đây là hai ví dụ hai dẫn suất gần gũi nhất của phenol là Monohydroxybenzoic axit và Acetylsalicylic axít
C6H5-OH, phenol “thuần khiết” không tồn tại trong tự nhiên, phân tử lượng là 94, có tính axit nhẹ, do vậy còn gọi là carbolic axit, ở nhiệt độ phòng là tinh thể không màu, nóng chảy ở 43oC và sôi ở 182oC, tan trong nước, tan mạnh trong các dung môi hữu cơ. Khi ở trong không khí sẽ nhanh chóng hút ẩm chuyển sang mầu tím đỏ. Độc tính của nó theo (Theo Cục đăng kiểm các bệnh và chất độc hại, thuộc Bộ Y tế Hoa Kỳ): Độc tính của hơi phenol bị hạn chế, vì độ bay hơi của nó rất thấp và tỷ trọng của hơi phenol lại nặng hơn không khí rất nhiều. Nếu tiếp xúc với dung dịch 1 – 2% có thể gây bỏng, cháy da. Người lớn (tùy trọng lượng cơ thể) sẽ bị chết sau khi ăn, nuốt vào một lúc từ 1g – 32g (1000 - 32.000mg). Tài liệu này cũng cho biết phenol không phải là tác nhân gây ung thư. Để sản xuất được phenol tinh khiết ra khỏi các hợp chất phenol là một quá trình công nghiệp khó khăn, phức tạp. Giá FOB của một doanh nghiệp Trung Quốc bán trên mạng với độ tinh khiết 99% là 1200 USD/kg (bán nguyên thùng 200kg).
Trong quá trình luyện than cốc sẽ tạo ra các phenolic compounds như là các sản phẩm phụ, không phải là phenol thuần khiết. Độc tính của các phenolic compounds này trong nước thải là rất nhỏ so với phenol thuần khiết, còn trong nước biển lại càng nhỏ nữa. Các hợp chất phenol cũng tồn tại rộng rãi trong tự nhiên, các quá trình sinh hóa tổng hợp trong mỗi tế bào tự tạo ra chúng, như trong cơ thể người, động vật, thực vật: Nho, bưởi, chanh, cam, cà phê, đậu đen và những rau quả khác nữa và có trong rất nhiều thực phẩm chế biến, đặc biệt scotch whisky, phenolic compounds đã tạo nên hương vị (aroma and taste) đặc sắc, đắt giá cho loại rượu này.
Theo cấu trúc, các hợp chất phenol được chia thành các nhóm phenolic axít, flavonoids, stilbenes, coumarins, lignins, tannins. Phổ biến nhất là nhóm phenolic axít và flavonoids. Nhóm flavonoids là lớn nhất, chứa gần 5.000 các hợp chất phenol khác nhau trong thực vật. Do vậy, nếu chúng ta lấy một mẫu (trái cây, hoa quả, rau, thịt, tôm, cá, nước biển, nước thải của luyện cốc) để phân tích, chúng ta sẽ không thể định lượng được phenol thuần khiết như là C6H5-OH, vì gần như bằng không. Vì thế trong các qui chuẩn môi trường hay thực phẩm, sức khỏe của thế giới và của Việt Nam đều phải nêu nồng độ/hàm lượng của TỔNG PHENOL (phenolic compounds) mà thôi, tức là tổng của các hợp chất phenol.
Một qui tắc vàng trong nhân dân là “Một chất độc hay không còn tùy thuộc vào nồng độ/hàm lượng của nó”. Các hợp chất phenol trên thế giới được sử dụng như là những chất dinh dưỡng, dược liệu cần thiết cho cuộc sống, cho con người, cho động thực vật.
Tháng 3-4/2015 trên tạp chí khoa học Dinh dưỡng của Brazil có công bố một công trình nghiên cứu của một tập thể tác giả của trường đại học liên bang Universidade Federal da Fronteira do Sul liên kết với trường Universidade Estadual de Maringá, về “Estimate of consumption of phenolic compounds by Brazilian population”, tạm dịch là “Xác định qui mô tiêu dùng các hợp chất phenol của các tầng lớp dân cư Brazil”. Bài báo nêu bật tính chất quí báu của các hợp chất phenol là hoạt tính chống oxy hóa (antioxidant activity) rất hữu hiệu trong việc “tiêu diệt” các gốc tự do; liều dùng hàng ngày còn cao hơn cả các chất chống oxy hóa khác đến từ các thực phẩm chức năng bổ sung, ví dụ các vitamin A, C, E; các carotenoids, các khoáng chất như kẽm, selen, magan, đồng. Ví dụ liều dùng/ăn uống các hợp chất phenol có trong thực phẩm và đồ uống, trung bình là 1000mg/ngày; trong khi tất cả các vitamins (thực phẩm chức năng bổ sung) là 110mg/ngày.
Bên cạnh hoạt tính quí là chống oxy hóa, các hợp chất phenol còn có vai trò quan trọng nữa trong cơ thể là giãn nở mạch, kháng viêm, chống sơ vữa thành mạch, chống nghẽn mạch, và còn là chất điều tiết các quá trình chuyển hóa enzyme, cải thiện màng tế bào và chức năng thu nhận của màng.
Các hợp chất phenol có phổ biến ở trong tất cả các cây, là nhóm chất có hoạt tính sinh học lớn nhất trong rau xanh mà chúng ta ăn. Các thực phẩm giầu các hợp chất phenol là cocoa, rượu vang đỏ, chè, cà phê, chanh, cam, bưởi, quả lựu, quả mọng và quả óc chó. Trong mạch nha sản xuất rượu whisky có 160mg/kg.
Trung bình mỗi người dân Brazil tiêu dùng tổng các phenol 460mg/ngày, còn thua xa so với người Pháp là 1193mg/ngày, Tây Ban Nha 820mg/ngày, Phần Lan 863mg/ngày.
ĐỘC TỐ TƯỞNG TƯỢNG GÂY TỔN HẠI CHO ĐẤT NƯỚC:
Dưới đây là toàn văn bài báo ngắn đăng trên VnExpress
Chiều 24/8/2016, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho biết tỉnh này đã phê duyệt phương án tiêu hủy khoảng 60 tấn hải sản đông lạnh, trong đó có 20 tấn cá nhiễm phenol. Sở Tài nguyên Quảng Trị đang lập kế hoạch, lựa chọn địa điểm để tiêu hủy hải sản bằng cách đào hố chôn lấp, có sử dụng bạt lót đáy, rắc vôi bột và hóa chất chloraminB, với chi phí gần 100 triệu đồng. Riêng 20 tấn cá nhiễm phenol được phát hiện tại cơ sở đông lạnh Dũng Thuộc (thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh) nhiễm phenol với hàm lượng 0,037 mg/kg, đây là chất cực độc, không được có trong thực phẩm. Số hải sản trên được nhà chức trách niêm phong trong gần 3 tháng qua. Chủ cơ sở Dũng Thuộc cho biết việc chậm xử lý hải sản khiến cơ sở này phải chi 25 triệu đồng tiền điện mỗi tháng để bảo quản cá.
Tạm nhẩm tính: 20 tấn cá nhiễm phenol với hàm lượng 0,037mg/kg x 20.000kg = có chứa 740mg phenol, còn nhỏ hơn liều bổ dưỡng của 1 người Phần Lan là 863mg/ngày. Người lớn một ngày ăn giỏi lắm 3 lạng cá này = 0,3kg => 0,037 x 0,3 = 0,012, tức ăn vào 0,012mg tổng phenol. Liều bổ dưỡng của người dân Brazil là 460mg, cao gấp 38.000 lần. Liều bổ dưỡng của người Pháp là 1193mg, cao gấp 99.400 lần. Do vậy, Bộ Y tế Việt Nam trong nhiều năm tới cũng không thể chứng minh được với hàm lượng phenolic 0,037mg/kg trong cá là độc hại, phải đem tiêu hủy cả 40 tấn cá không nhiễm phenol. Nếu Bộ có làm chỉ là mò kim đáy biển mà thôi.
Ngoài ra, hàm lượng phenolic 0,037mg/kg cá nói trên chẳng là gì so với hàm lượng “cao khủng khiếp” tổng các kim loại nặng độc hại, 6.459mg/kg có trong 1 kg các con hầu, hải sản ngon (oysters S. cucullata) tại vịnh Chabahar, biển Oman:
|
Đồng |
Kẽm |
Chì |
Cadmi |
Crom |
Niken |
Sẳt |
Magan |
Con hàu mg/kg |
134 - 145 |
157 - 191 |
15 - 17 |
0,4 – 0,5 |
23 - 28 |
29 - 38 |
5810 6250 |
40 - 49 |
Bazzi, A. O. Heavy metals in seawater and sediments and marine organisms in the Gulf of Chabahar, Oman sea. Journal of Oceanography and Marine Science Vol. 5(3) pp. 20-29. 2014)
Bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng gây bệnh. Các chuyên gia hóa học nói đến phenol là chỉ nghĩ đến C6H5-OH thuần khiết, mặc dù nó không tồn tại trong tự nhiên, trong khi còn cả ngàn các phenolic compounds khác luôn tồn tại trong tự nhiên và có ích. Thậm chí ngay cả đến TỔNG PHENOL trong nước biển gần như bằng không (dưới 0,005mg/L), thế mà vẫn coi phenol là nguyên nhân chính làm cá chết chỉ sau 1 đêm ngủ dậy, nổi trắng mênh mông ngoài biển. Một thảm họa của tưởng tượng!. Không khí phenol độc hại bao trùm căng thẳng cả đất nước, đình trệ sản xuất kinh doanh và gây bao thiệt hại khác nữa.
Chỉ cần vào Google đánh cụm từ phenolic compounds chúng ta sẽ tìm thấy vô vàn thông tin có ích về chúng.
Nguyễn Đức Thắng, 14/9/2016, ndthangndt@yahoo.com