KHÔNG NÊN XÂY ĐỀN THỜ TOÁN HỌC
Kính gửi những người yêu Môi trường và Khoa học,
Ngày 20/9/2020 tôi đã đăng bài “TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI KHỔ HỌC TOÁN NHIỀU ĐẾN THẾ?”. Tôi viết về thực tế học Toán và sử dụng Toán của bản thân tôi suốt quá trình học tập, công tác và cuộc sống về hưu. Tất cả những nội dung, công việc, câu chuyện, các suy nghĩ đều là trung thực của bản thân kể lại.
Cho đến nay tôi vẫn chưa tìm được ra lý do chính đáng bắt con em chúng ta phải khổ học Toán nhiều đến thế. Tìm mãi chỉ thấy những câu lập luận sau: “Vì Toán học là rất quan trọng và cần thiết trong cuộc sống. Vì Toán học cung cấp cho ta tri thức. Vì Toán học cho ta tư duy suy nghĩ logic. Vì Toán học là khoa học của khoa học”. Phải chăng đó là những căn cứ khoa học? Tôi nghĩ không phải. Các khoa học khác như Lý, Hóa, Sinh, Địa, Môi trường sinh thái v.v.. cũng rất quan trọng và cần thiết trong cuộc sống, cung cấp cho chúng ta tri thức và tư duy logic.
Tôi nghĩ chúng ta và con cháu chúng ta hiện nay đang phải khổ học Toán vì chúng ta ĐÃ XÂY ĐỀN THỜ TOÁN HỌC, tôn vinh Toán học là thánh thần, là khoa học của khoa học. Bản thân tôi đã nhiều năm tháng coi Toán học là khoa học cao sang, của hoàng gia, quí tộc. Tuy nhiên gần đây tôi đã nhìn nhận lại.
5 năm qua tôi có viết đến hơn 170 bài báo công bố tại website cá nhân của tôi (nguyenducthang.vn) phản biện và tranh luận về những vấn đề khoa học thời sự nóng của đất nước. Tôi thực sự không thấy vai trò của Toán học hay những đóng góp nhiều của Toán học trong hơn 170 bài viết này. Đóng góp chủ yếu lại đến từ các môn khoa học Lý, Hóa, Sinh, Địa, Môi trường sinh thái. Với bài viết “Tại sao chúng ta lại phải khổ học Toán nhiều đến thế?” tôi muốn đòi lại sự công bằng cho các môn học khác nữa, cũng rất hữu ích cho cuộc sống, cho các cá nhân để kiếm sống, trưởng thành và phát triển. Thậm chí họ chỉ cần kiến thức Toán tiểu học là đủ. Tôi vẫn tôn trọng Toán học. Tôi chỉ mong các nhà Toán học, đặc biệt là các thày cô dạy Toán chủ động kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm thiểu chương trình, giảm tiêu chí, giảm yêu cầu đối với môn Toán trong giáo dục phổ thông và đại học các ngành học phi Toán. Toán chỉ nên đòi hỏi cao và nặng đối với những học sinh chuyên Toán, đam mê Toán. Các lĩnh vực chuyên môn khác trong cuộc sống, khi nào cần Toán người ta sẽ sang nhờ các chuyên gia, các nhà Toán học giải quyết giúp. Điều này giúp cho tổng thể toàn xã hội phát triển có hiệu quả hơn. CHÚNG TA ĐÃ LÃNG PHÍ MỘT LƯỢNG KHỔNG LỒ THỜI GIAN, CÔNG SỨC VÀ TIỀN BẠC CHO HỌC TOÁN. Tôi tin là quan điểm của tôi “KHÔNG NÊN XÂY ĐỀN THỜ TOÁN HỌC” nếu giáo sư Ngô Bảo Châu có biết, có đọc các bài phân tích, lập luận của tôi ông cũng sẽ đồng ý, ủng hộ giảm tải, giảm chương trình, giảm yêu cầu về môn Toán học.
Hôm nay tôi tình cờ đọc được những dòng tâm huyết, nói thẳng ruột ngựa của một cây đa Toán học, có nick name là HongLamsg. Anh nói anh học chuyên Toán từ bé, tham dự nhiều kỳ thi học sinh giỏi, làm nghiên cứu sinh ở Pháp, nhiều năm giảng dạy Toán. Anh có hiểu biết về cách dậy Toán của Singapore và Mỹ rất khác ta. Dưới đây là một số trích đoạn nguyên văn ý kiến thẳng thừng, thách thức các đồng nghiệp của chính anh (toàn bộ phần tô vàng).
Học Toán để làm gì?
…. Đa số những người này (trong đó có tôi) và kể cả các thầy ở trên đều đang đá quả bóng (hay là đổ lỗi) cho người học (học sinh, sinh viên) rằng người học do thiếu nhận thức về Toán học, về tầm quan trọng của Toán. Trong khi đó, những người làm Toán, dạy Toán đã bao giờ tự hỏi rằng: “Cái thứ mà chúng ta đang gọi là Toán học” đó có gì hấp dẫn không, có lợi gì cho cuộc sống thực tế không, có giúp cho người học tạo giá trị cho cộng đồng và có tiền trả về không? hay chỉ đơn giản là thứ để chúng ta tự sướng với nhau? … Hay chúng ta tự cho rằng Toán học hiện nay như bông hoa tuyệt đẹp rồi, trách nhiệm của người học là phải khám khá ra vẻ đẹp của bông hoa đó để mà ngửi, mà ngắm? … Ở Mỹ và Singapore học Toán thực chất là rèn luyện kỹ năng giải quyết các vấn đề trong thực tiễn theo 4 bước, trong tài liệu giáo dục của họ thường viết là: to solve real-world problems. Việt Nam chúng ta cắt đầu, cắt đuôi, chỉ giữ lại 2 bước giữa: 2 và 3. Bịa đặt ra bài toán và yêu cầu học sinh giải bài toán đó cho ra kết quả. Chấm hết!…. Các nhà toán học, các thầy cô dạy Toán ra sức ngồi trong 4 bức tường, phòng lạnh, căn cứ các bài toán có sẵn trong các loại sách, rồi tìm cách thêm bớt giả thiết, kết luận, bịa đặt ra vô số các bài toán khác nhau với độ khó tăng dần để thách thức, đánh đố học sinh của mình thông qua 1 loạt các kỳ thi như: hỏi miệng, kiểm tra 15p, 1 tiết, học kỳ, cuối năm, học sinh giỏi, thi THPT quốc gia,… Chúng ta gọi những thứ đó là Toán học, cho rằng nó đẹp như một bông hoa và đòi hỏi người học phải yêu nó, mê nó, học nó và tìm cách giải chúng. Người học không mê nó thì chúng ta đổ lỗi cho người học là không có ý thức học tập, lười biếng… Trong khi, những bài toán được bịa ra đó không hề được sử dụng để mô hình hóa cho bất kỳ tình huống có vấn đề nào đó trong thực tế cuộc sống đầy sôi động. Những bài toán khô khan, trống rỗng, lý thuyết suông như vậy làm sao hấp dẫn người học được?... Chúng ta biến những đứa trẻ trở thành thợ giải Toán lý thuyết thuần túy. Chúng giải toán giỏi, nhưng chúng chả biết sử dụng kỹ năng đó để làm gì và chẳng tạo ra được bao nhiêu giá trị cho cộng đồng…. Nhiều thầy giáo, bạn học của tôi trước đây và hiện nay, các nhà Toán học, tiến sỹ Toán, các thầy dạy Toán bằng kiến thức kỹ năng của mình chẳng tạo ra được bao nhiêu giá trị cho cộng đồng… Nếu chúng ta cứ tiếp tục như vậy, chúng ta không chỉ làm hại đến các thế hệ học trò mà làm hại chính con em của mình, những đứa trẻ do chính mình đẻ ra và nuôi dạy trong ngôi nhà của mình….Những đứa trẻ bị nhồi nhét thứ Toán học bịa đặt thuần lý thuyết đó (trong đó có bản thân tôi). Tạo giá trị cho cộng đồng mới là mục đích sống cao cả của con người…. Vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi cũng đã đọc kỹ thì riêng ở môn Toán vẫn chưa có gì đột phá, vẫn là tư duy cũ, vẫn là cái thứ Toán học thuần lý thuyết được bịa ra trong phòng lạnh”.
Nói thật những suy nghĩ của bản thân luôn có tính thuyết phục cao nhất. Tôi thấy những điều anh viết là thẳng thắn, có tính xây dựng.
Dưới đây là đường link vào bài viết của tôi và bài viết của tác giả honglamsg:
“Tại sao chúng ta phải khổ học nhiều toán đến thế?”
https://linkhay.com/link/2637255/hoc-toan-co-nguy-hiem
Trân trọng cám ơn bạn đọc
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 23/9/2021