ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG >KHOA HỌC ĐIỆN LỰC ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH?
Ngày đăng: 16-07-2018 - 23:56:27

Tháng 6/1992 tại Rio de Janeiro (Brazil) diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất của Liên Hợp quốc về Môi trường và Phát triển, 178 nước tham dự. Có 2 văn bản quan trọng đạt được là Chương trình Nghị sự 21 (còn gọi là Chương trình Phát triển bền vững cho Thế kỷ 21) và Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC).

Nhằm thực hiện Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu, năm 1995 tại Berlin đã tiến hành Hội nghị các bên đầu tiên (COP1), đến COP3 vào năm 1997 tại Kyoto (Nhật Bản) đã đạt được Nghị định thư Kyoto, 55 nước cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính (khí CO2 chiếm 90%, khí methan CH4 chiếm 9%, gọi chung là phát thải cacbon). COP là hội nghị thường niên, mỗi năm họp một lần. Tất cả tập trung bàn bạc về biện pháp, chủ trương, chính sách, cơ chế và giải pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính làm cho Trái đất nóng lên, băng tuyết tan chảy, mực nước biển dâng, biến đổi khí hậu, hủy diệt các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, đe dọa sự tồn vong của loài người. Việc thực thi Nghị định thư Kyoto đã gặp rất nhiều vấn đề, phát thải cacbon vẫn tiếp tục gia tăng, đòi hỏi phải có sự đóng góp, trách nhiệm tham gia và cam kết rộng hơn nữa và mạnh hơn nữa của toàn cầu. Cuối cùng, hội nghị COP 21 tại Paris (30/11 – 12/12/2015) đã đạt được được thỏa thuận lịch sử Paris 2015. 195 nguyên thủ các nước (trong đó có Việt Nam) cam kết cắt giảm phát thải cacbon để cứu Trái đất.

Lĩnh vực phát thải cacbon lớn nhất, nguy hại nhất của toàn cầu lại chính là lĩnh vực năng lượng. Theo IEA, tổng lượng phát thải cacbon toàn cầu do mọi hoạt động phát triển của con người trong năm 2015 là 32,3 tỷ tấn CO2 (tương đương) trong đó ngành năng lượng chiếm 68%, tức khoảng 22 tỷ tấn, chủ yếu do đốt các  nhiên liệu hóa thạch (than, xăng dầu, khí tự nhiên). Trong 22 tỷ tấn này thì nhiệt điện than và khí tự nhiên chiếm đến 65%, bằng 14,3 tỷ tấn CO2 (tương đương). Tập trung cắt giảm phát thải cacbon toàn cầu có  nghĩa là tập trung cắt giảm nhiệt điện than và nhiệt điện khí tự nhiên và thay thế bằng điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối (biomass). Tuy nhiên, vì điện khí tự nhiên (hoặc khí tự nhiên hóa lỏng) vẫn là điện sạch (khí thải sau cháy chủ yếu là CO2 và chỉ bằng một nửa của nhiệt điện than, và hơi nước (H2O)), hầu như không gây ô nhiễm môi trường, không phát thải các độc tố nguy hại cho sức khỏe con người, môi trường và các hệ sinh thái, nên toàn Thế giới tập trung chủ lực, mũi nhọn vào cắt giảm nhiệt điện than

Hệ quả tất nhiên phải là tỷ trọng bình quân nhiệt điện than của toàn Thế giới đã giảm xuống 38% vào năm 2017 (đỉnh cao là năm 2013 với 41,3%). Sau thỏa thuận Paris 2015 sẽ nhanh chóng giảm xuống 24,4% vào năm 2030, và giảm sâu xuống 11% vào năm 2050 (Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, IEA).

Động lực phát triển kinh tế của toàn Thế giới là năng lượng sạch, năng lượng  tái tạo (NLTT), sẽ tạo công ăn việc làm cho triệu triệu người trên Thế giới.

Đến năm 2050: Ở qui mô trung bình toàn Thế giới, tổng điện gió và điện mặt trời sẽ chiếm 48%, cộng với thủy điện 16%, đưa điện NLTT lên 64%, nhiệt điện than chỉ có 11%. Toàn Châu Âu, điện NLTT chiếm đến 87%. Nước Đức tổng điện mặt trời và điện gió chiếm 74%, đưa tổng điện NLTT lên 84%. Nước Anh điện NLTT lên 83%. Nước Mỹ, điện than và điện hạt nhân sẽ biến mất, mặc dù trữ lượng “vàng đen”, sản xuất và xuất khẩu “vàng đen” ở nước Mỹ là lớn nhất Thế giới. Điện NLTT sẽ chiếm 55%, 45% còn lại là điện khí ga. Nước Úc, điện gió và điện mặt trời đóng vai trò trụ cột, chủ lực; nhiệt điện than sẽ biến mất khỏi Úc, mặc dù Úc là vương quốc của nhiều mỏ than và xuất khẩu than (chỉ sau Mỹ, Nga và Trung Quốc). Trung Quốc: Tổng điện gió và mặt trời sẽ chiếm 46% đưa tổng điện NLTT lên 62%. Ấn Độ sẽ có điện mặt trời và điện gió rẻ nhất Thế giới và tổng điện NLTT sẽ là 75%. Nhật Bản, điện mặt trời là 43%, điện NLTT sẽ chiếm 75%. Hàn Quốc, điện khí ga và NLTT sẽ chiếm 71% còn lại là điện hạt nhân và điện than (Theo Bloomberg New Energy Outlook 2018).

23 năm liên tục với 23 kỳ họp quốc tế từ COP1 (1995) đến COP23 (năm 2017), mỗi kỳ họp kéo dài từ 1 – 2 tuần, không thể vắng thiếu đại diện của Bộ Công thương, bên cạnh Bộ TN&MT là Trưởng đoàn Việt Nam. Kết quả gặt hái được là như sau:

“Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030” được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016, còn được gọi là Quy hoạch Điện VII điều chỉnh: Sản lượng nhiệt điện than vào năm 2030 chiếm tỷ trọng 53,2%, điện khí tự nhiên 16,8%, thủy điện 15,5%, điện sinh khối 2,1%, điện gió 2,1%, điện mặt trời 3,3%. Từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư khoảng 3.206.652 tỷ đồng (tương đương 148 tỷ USD). Hệ thống điện là tập trung và độc quyền. Mô hình này, nếu bỏ đi vài phần trăm điện sinh khối, điện gió và điện mặt trời sẽ chính là mô hình điện lực của Thế giới thời kỳ những năm 60 – 70, lại trở thành mục tiêu phấn đấu, khao khát của điện lực Việt Nam trong tương lai.

      KHOA HỌC ĐIỆN LỰC ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH?

Dưới đây những thông tin “tô vàng” là copy từ website của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA):

Kết quả chuyến thăm và làm việc của VEA tại Trung Quốc

08:39 |20/09/2016  http://nangluongvietnam.vn/modules/frontend/themes/images/vn/logo-text.png -

Trong các ngày từ 11-16/9/2016, đoàn công tác của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) do Chủ tịch Trần Viết Ngãi dẫn đầu đã tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 13 (CAEXPO 2016) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN lần thứ 13 (CABIS 2016) được tổ chức tại thành phố Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc.

Trung Quốc đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội “rút lui” của nước Mỹ, trước cộng đồng quốc tế, tái khẳng định cam kết cắt giảm phát thải cacbon của mình, để trở thành nước có trách nhiệm lớn nhất trong việc thúc đẩy đầu tư cho NLTT toàn cầu. Trong năm 2016 và 2017 Trung Quốc đã thống lĩnh thị trường NLTT toàn cầu. Các ngân hàng, các thể chế tài chính khác của Trung Quốc dấn bước, song hành với các tập đoàn, công ty Trung Quốc chuyên sản xuất cung cấp các máy móc, thiết bị công nghệ về NLTT để chiếm lĩnh Thế giới, “biên giới mềm” của Trung Quốc đang mở rộng ra nhiều nơi.

Tuy nhiên, do Việt Nam muốn để dành năng lượng mặt trời và sức gió, năng lượng sinh khối cho thế hệ tương lai; ưu tiên cao độ, tập trung và mở rộng nhiệt điện than nên phía Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ theo yêu cầu của Việt Nam. Trung Quốc thừa khả năng cung cấp vốn, máy móc, thiết bị và công nghệ, cả nhân công lao động đủ mọi lĩnh vực cho Việt Nam.

Ảnh trên là quan điểm then chốt trong bài viết trụ cột của Chủ tịch Trần Viết Ngãi, Tổng “Tham mưu” trưởng  của ngành Điện lực Việt Nam tại Bài 4, đăng 06:54 |15/02/2017.

Dưới đây là ảnh “chụp” 3 bài viết của một cây đa khoa học năng lượng, TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên TGĐ công ty CP nhiệt điện Cẩm Phả, nguyên Trưởng ban Chiến lược và KH&CN tập đoàn TKV, hiện đang là giảng  viên trường Đại học Điện lực Việt Nam.

"Cú lừa thế kỷ" về phát thải CO2 và biến đổi khí hậu [Bài 2]

06:24 |07/11/2017  NANGLUONG VIETNAM -

Cái gọi là "hiệu ứng nhà kính" và "biến đổi khí hậu" đã bị Hoa Kỳ lật tẩy và trên thực tế họ đã tuyên bố rút ra khỏi các hiệp định liên quan. Có lẽ lập luận của Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cũng chỉ để sử dụng cho những quốc gia đang phát triển.

Phần khí CO2 còn lại (1.180 ÷ 1.820 tỷ tấn) chiếm 95 ÷ 97% trong khí quyển có nguồn gốc (được thải ra) từ các hoạt động của tự nhiên, không hề liên quan đến con người như: các đại dương (480 ÷ 800 tỷ tấn/năm), các vi sinh vật (300 ÷ 370 tỷ tấn/năm), các côn trùng (220 ÷ 330 tỷ tấn/năm), các vùng đất đóng băng vĩnh cửu (70 ÷ 110 tỷ tấn/năm), núi lửa (40 ÷ 70 tỷ tấn/năm), các vụ cháy rừng (40 ÷ 55 tỷ tấn/năm), động vật có vú (30 ÷ 55 tỷ tấn/năm)”.

Từ những thông tin không thể kiểm chứng này TS. Sơn đã phản bác tất cả những kết luận của các nhà khoa học về BĐKH và năng lượng trên Thế giới đang làm việc cho IPCC, coi thỏa thuận Paris 2015 là “cú lừa thế kỷ”, nói IPCC đã lừa đảo toàn Thế giới, IPCC coi việc gia tăng phát thải CO2 do con  người gây ra là hoàn toàn sai, là phi khoa học và lập luận của IPCC chỉ để "bịp" những quốc gia đang phát triển. Cuối cùng, phát thải cacbon chỉ là con bài chính trị. Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donal Trump là những người đầu tiên nhận thấy sự lừa bịp của cái gọi là "hiệu ứng nhà kính" và "biến đổi khí hậu", đã chính thức tuyên bố rút ra khỏi các hiệp định có liên quan.

      KHOA HỌC ĐIỆN LỰC ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH?

Để phản biện lại bài viết của tác giả Nguyễn Đăng Anh Thi (chuyên gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC), đăng trên một số tờ báo lớn, có câu chất vấn "Vì sao Việt Nam không chọn nhiệt điện khí như Singapore và Thái Lan mà lại chọn nhiệt điện than?", PGS. TS. Nguyễn Cảnh Nam – Hội đồng phản biện tạp chí Năng lượng Việt Nam, đã viết tại bài “Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 3]” đăng ngày 06:48 |18/10/2017 NANGLUONG VIETNAM - như sau :

Thời buổi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp 4.0, tri thức nhân tạo, điện toán đám mây, vạn vật kết nối Internet…  mà PGS.TS Nam nặn ra câu chuyện răn dậy trẻ con để phản biện lại những đòi hỏi chính đáng của nhân dân cả nước cần phải thay thế nhiệt điện than bằng điện sạch hơn, cụ thể là điện khí ga, điện sinh khối, điện rác, điện mặt trời, điện gió.

     KHOA HỌC ĐIỆN LỰC ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH?

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016 phê duyệt “Qui hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030”, hầu hết các công trình,dự án đều đã chỉ định nhà đầu tư rồi, không có bất cứ một ai có thể “tranh cướp”  công việc của ngành Điện lực. Mọi quyền lực và tiền của đều đặt trong tay Bộ Công thương, EVN và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, vậy tại sao họ phải viết đến 20 bài “Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than?” và 14 bài “Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm” “nấu nướng” lại những số liệu của nhau và rất nhiều bài khác nữa. Nếu lẽ phải, chân lý khoa học và xu thế của thời đại thuộc về họ thì việc gì phải nhiều những cây đa khoa học năng lượng và điện lực viết nhiều đến như vậy? Ngành năng lượng và điện lực sợ ai “lấy mất” công việc của họ?

Nhân dân chỉ có nguyện vọng thiết tha được có điện xanh, điện sạch cho đất nước; mong ngành điện phải được phát triển mạnh mẽ hơn nữa, văn minh và hiện đại hơn nữa. Ngành điện Việt Nam không thể tụt hậu so với Thế giới, không được lấy mô hình cách đây 50 năm của Thế giới trở thành mục tiêu phấn đấu của mình trong tương lai. Vẫn những người của ngành điện, vẫn EVN, PVN, TKV nhưng sẽ làm điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối và điện rác…; không ai tranh cướp việc của họ. Trái lại, còn tạo thêm ra rất nhiều công ăn việc làm mới cho dân.

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 7/7/2018

 

 

NGUYÊN NHÂN TẠO RA LIÊN MINH CHẶT CHẼ DONALD TRUMP – VLADIMIR PUTIN
NGUYÊN NHÂN TẠO RA LIÊN MINH CHẶT CHẼ DONALD TRUMP – VLADIMIR PUTIN KẾT THÚC CUỘC CHIẾN UKRAINA
ÔNG DONALD TRUMP SÁP NHẬP CANADA VÀ ĐẢO GREENLAND
ÔNG DONALD TRUMP SÁP NHẬP CANADA VÀ ĐẢO GREENLAND
NGHẸT THỞ VÀ UỐNG NƯỚC
NGHẸT THỞ VÀ UỐNG NƯỚC
NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA 13 NĂM NỘI CHIẾN SYRIA
NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA 13 NĂM NỘI CHIẾN SYRIA
TỔNG THỐNG HÀN QUỐC YOON SUK YEOL SẼ PHẢI VÀO TÙ
TỔNG THỐNG HÀN QUỐC YOON SUK YEOL SẼ PHẢI VÀO TÙ