HỘI TIÊU CHUẨN VÀ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG VIỆT NAM ĐÃ CÔNG BỐ NHỮNG ĐIỀU CHƯA CHUẨN VÀ KHÔNG CÓ LỢI CHO NGƯỜI TIÊU DÙNG
Chiều 17/10/2016, VINASTAS họp báo công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc, với hai nội dung chính sau:
Công bố trên nhanh chóng được các phương tiện truyền thông đại chúng lan truyền làm cho nhiều triệu người tiêu dùng hoang mang, rất nhiều đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống lo lắng, đã trở thành công bố lịch sử của Vinastas.
Không biết động cơ của công bố là gì, đơn vị nào tài trợ cho đợt khảo sát rộng rãi và tốn kém này? nhưng xét về góc độ bảo vệ người tiêu dùng đây là một công bố hoàn toàn không có lợi. Xét về chuyên môn, Hội TIÊU CHUẨN đã không chịu hiểu về TIÊU CHUẨN, giầy chân trái nhưng lại cứ nhét chân phải vào đi, vì đối kháng với những thực tế rất cơ bản sau:
1) Tất tật các hợp chất có chứa nguyên tố hóa học Asen tồn tại trong môi trường đất, nước, không khí, trong cơ thể mọi loài động, thực vật (kể cả con người, vi khuẩn, tảo v.v..), trong mọi loại thực phẩm ăn uống (gạo, ngô, rau quả, thịt, cá, đường, sữa v.v.), trong mọi loại đồ nước uống đều được chia thành 2 loại, gọi tóm tắt là nhóm ASEN VÔ CƠ và nhóm ASEN HỮU CƠ. Asen vô cơ là những hợp chất có trước, asen hữu cơ được “sinh” ra sau.
Nhiều triệu người dân chỉ có thông tin gộp chung “ASEN TỨC THẠCH TÍN, LÀ CHẤT ĐỘC, NGUY HẠI”
2) VỀ CÁC HỢP CHẤT ASEN VÔ CƠ: Chúng phổ biến và thông dụng trong sản xuất, đời sống: Nguyên tố Asen có tính chất kim loại và phi kim loại (á kim), asen trioxide As2O3, asen hydro AsH3, quặng khoáng arsenopyrite FeAsS, asenat canxi Ca3(AsO4)2, asenat đồng CuHAsO3, axit asenic H3AsO4 với muối natri là Na3AsO4. Trong quá trình khai thác các quặng asen, con người đã làm giàu, tinh chế, sản xuất ra các asen vô cơ dưới dạng các sản phẩm, ví dụ asenat đồng để làm men mầu xanh lấp lánh cho sơn tường, giấy dán tường, thuốc chống mối, mọt cho gỗ v.v.. Các hợp chất asen vô cơ nói chung là độc, theo Cục đăng kiểm các bệnh và hóa chất độc của Hoa Kỳ (ATSDR, http://www.atsdr.cdc.gov/substances/toxsubstance.asp?toxid=3) khi uống một lượng nước lớn có chứa nồng độ của một asen vô cơ trên 60mg/L (10.000 lần cao hơn 80% mức qui định cho nước uống của Hoa Kỳ) sẽ chết; với nồng độ từ 0,3mg/L đến 30mg/L (từ 100 – 10.000 lần cao hơn mức qui định) sẽ gây dị ứng, kích động dạ dày và ruột, gây đau bụng, nôn và tiêu chảy. Do vậy asen vô cơ mới là mối quan tâm của cơ quan y tế. Tại QCVN 8-2:2011/BYT có qui định nồng độ giới hạn của asen vô cơ: “Lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận được tạm thời đối với asen vô cơ là 0,015mg/kg thể trọng; và giới hạn ô nhiễm arsen (As) trong nước chấm là 1,0mg/L, trong bột gia vị là 5,0mg/kg, trong các sản phẩm sữa bột là 0,5mg/kg, trong rau quả khô là 1,0mg/kg v.v..”
3) VỀ CÁC HỢP CHẤT ASEN HỮU CƠ:
Một thế giới đa dạng các loài vi sinh vật, vi khuẩn quanh chúng ta, ở trong đất, nước, trong không khí đã ngày đêm hoạt động không ngừng nghỉ để “ăn, khử” độc tính của các asen vô cơ, chuyển hóa chúng thành các asen hữu cơ (nguyên tố asen được liên kết hóa học trực tiếp trong hợp chất hữu cơ), và được lan truyền theo các mạng và chuỗi thức ăn, nên trong hầu hết các thực phẩm, thịt, cá và cơ thể người đều có chứa các asen hữu cơ. Do vậy, asen hữu cơ là không độc hại (không phải quan tâm).
4) CÔNG BỐ ĐÃ SO SÁNH “GIẦY TRÁI VỚI GIẦY PHẢI”: Công bố 1) “Có 101/150 (67,3%) mẫu khảo sát nhiễm ASEN TỔNG vượt quá ngưỡng quy định của Bộ Y tế, với hàm lượng asen dao động trên 1mg/L - 5mg/L”. VINASTAS so sánh ASEN TỔNG (asen hữu cơ + asen vô cơ) với QCVN 8-2:2011/BYT chỉ cho asen vô cơ, chứng tỏ đã không chịu hiểu QCVN. Hơn nữa trong hầu hết các mẫu nước mắm không có asen vô cơ (thấp dưới 0,01mg/L, khoảng vài phần tỷ), chỉ có asen hữu cơ; có nghĩa là VINASTAS đã so sánh ASEN HỮU CƠ (an toàn) có trong nước mắm với QCVN về ASEN VÔ CƠ. Thực sự là giầy chân trái nhưng lại nhét chân phải vào đi.
Công bố 2) “Mẫu có độ đạm càng cao, tỉ lệ nhiễm asen càng lớn, có 95,65% mẫu có độ đạm từ 40 trở lên đều có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định” nhằm “kết tội” nước mắm truyền thống (có độ đạm cao) cho thấy sự cố ý tiếp tục nhét chân phải vào giầy chân trái để đi. Kỳ lạ nữa là độ đạm cao, tiêu chuẩn chất lượng số 1 của nước mắm thủ công làng nghề truyền thống, đã có từ vài trăm năm, nay bỗng dưng bị “hạ bệ”.
Oan cho asen (thạch tín) hữu cơ trong nước chấm, cũng giống như oan cho các hợp chất phenol (phenolic compounds) là những dưỡng chất trong thực phẩm ăn uống hàng ngày, dược liệu quí lại bị qui kết là chất độc làm cá chết bất đắc kỳ tử, bạt ngàn, chỉ qua 1 đêm ở ngoài biển khơi mênh mông tại 4 tỉnh duyên hải miền Trung vào sáng ngày 6/4/2016.
Rõ ràng Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã họp báo công bố những điều chưa chuẩn và không có lợi cho người tiêu dùng./.
Nguyễn Đức Thắng, ngày 23/10/2016, ndthangndt@yahoo.com