ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG >HIỆN NAY Ở VIỆT NAM KHÔNG NÊN NÓI XE ĐIỆN LÀ XANH, LÀ SẠCH
Ngày đăng: 18-03-2024 - 20:03:33

HIỆN NAY Ở VIỆT NAM KHÔNG NÊN NÓI XE ĐIỆN LÀ XANH, LÀ SẠCH

 

Từ khi xe điện Vinfast ra đời được truyền thông báo chí dậy sóng ca ngợi, niềm tự hào của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, XE ĐIỆN LÀ XANH, LÀ SẠCH, KHÔNG GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG. Vì xe điện chạy bằng pin, không phát thải khí hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu và các khí độc hại SOx hay NOx như xe chạy bằng xăng dầu. Vì vậy Nhà nước nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân chuyển sang sản xuất và sử dụng xe điện.

 

 

Tuy nhiên, theo tôi quan điểm này ở Việt Nam trong vòng 10 năm nữa vẫn là chưa đúng, chưa chuẩn. Tôi vẫn coi xe điện ở Việt Nam là bẩn, gây ô nhiễm môi trường sinh thái và phát thải lớn carbon vì điện năng nạp vào xe đang là rất bẩn như những phân tích chứng minh về thực trạng Quy hoạch Điện lực quốc gia, bằng một loạt những dẫn chứng dưới đây:

 

Thực tế/Sự thật (TT/ST) 1: Phát thải khí nhà kính còn gọi tắt là phát thải carbon, vì có đến 99% lượng khí nhà kính đều chứa nguyên tố carbon. Cụ thể khí dioxit carbon (CO2) chiếm gần 92% và khí metan (CH4) khoảng 7%. 1% còn lại là các khí khác không chứa nguyên tố carbon. 

 

TT/ST 2: Than là một hợp chất hữu cơ, được khai thác từ vỏ Trái đất. Ngoài các nguyên tố chủ chốt như cacbon, oxy, hydro, ni tơ, lưu huỳnh, phốt pho, than còn chứa các tạp chất kim loại sau: Arsen, thủy ngân, beryllium, cadmium, nhôm, sắt, chì, thiếc, crom, selenium, canxi, coban, đồng, magie, mangan, natri, kali, vanadium v.v.. Bình quân 1 triệu tấn than khô (độ ẩm gần bằng 0) có chứa 100kg thủy ngân, 7.500 kg Arsen, 1.100 kg Beryllium, 710kg Cadmium, 8.400kg Crom, 8.890kg Nickel, 2.460kg Selenium v.v.. (khoảng 29,2 tấn kim loại nặng). Than này được nghiền mịn và phun vào buồng đốt nồi hơi của nhà máy nhiệt điện than.

 

TT/ST 3: Theo định luật bảo toàn khối (một định luật cơ bản của tự nhiên), tổng khối lượng của mọi chất tham gia vào quá trình đốt cháy than sẽ bằng tổng khối lượng của tất cả các chất/sản phẩm hình thành sau đó. Bình quân khi đốt 1 triệu tấn than sẽ cần khoảng 1,6 triệu tấn khí O2. Sản phẩm hình thành gồm khoảng 2,0 triệu tấn khí hiệu ứng nhà kính (CO2, và CH4), khoảng 0,5 triệu tấn tro than có chứa tất cả các kim loại độc hại nói trên (67% là tro đáy và 33% là tro bay) và 0,1 triệu tấn khí SOx, NOx.

 

TT/ST 4: Nên nhớ CO2 không phải là khí độc hại, gây ô nhiễm môi trường (pollutant) vì nó là dưỡng chất cơ bản của loài thực vật nói chung và cây trồng nói riêng. CO2, O2, H2O và ánh sáng là 4 dưỡng chất cơ  bản của mọi loài thực vật.

 

TT/ST 5: Tác hại của các hạt bụi PM10 và PM2,5 (Particulate Matter): Các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 10 µm có thể đi vào tận phế nang, gây viêm mũi, viêm phế quản, hen suyễn, viêm và ung thư phổi. Hạt nhỏ hơn 2,5 µm, bao gồm cả các kim loại nặng bay hơi, có thể đi vào tận màng phổi, thấm qua mạnh máu và hòa lẫn trong máu đi khắp nơi trong cơ thể.

 

TT/ST 6: Tác hại của các độc tố hóa học dạng khí SO2, SO3 gọi chung là SOx và NOx: Là những khí độc hại, có tính kích thích. Ở nồng độ lớn hơn sẽ gây tăng tiết dịch niêm mạc đường khí quản gây viêm khí quản, khi tiếp xúc với mắt có thể tạo thành axit gây tổn hại đến thị lực. SOx có thể xâm nhập vào cơ thể người qua da và các cơ quan hô hấp hoặc cơ quan tiêu hóa. Những khí này trong không khí sẽ kết hợp với hơi nước, độ ẩm, tạo nên các axit sunphuric và nitric bám dính, tích tụ trên các bề mặt thiết bị, công trình, tượng đài và sẽ ăn mòn, hủy hoại. Mưa axit gây hại cho môi trường sinh thái đang là hiện tượng thường xuyên, ngày càng gia tăng là điều dễ hiểu.

 

TT/ST 7: Tất cả các nhà máy nhiệt điện (than, khí, dầu) đều phải sử dụng nước để làm mát cho hệ thống ngưng. Nước mát được lấy từ đầu nguồn nhà máy. Nước sau làm mát sẽ có nhiệt độ trên 40oC và xả thẳng vào cuối nguồn của nhà máy. Nước này đương nhiên sẽ “hâm nóng” môi trường thủy sinh nơi sinh sống của động - thực vật.

 

TT/ST 8: Trên thế giới khi phân tích, đánh giá tác động môi trường hay phát thải carbon của một sản phẩm, hay một dự án nào đó người ta đều áp dụng cách tiếp cận rất toàn diện là xem xét toàn bộ vòng đời của sản phẩm hay dự án, từ nôi sinh đến nơi chôn cất (life cycle analysis, from cradle to grave). Do vậy khi đánh giá tác động môi trường của xe điện bắt buộc chúng ta phải xét đến nguồn gốc hình thành điện để nạp vào xe.

 

TT/ST 9: Dựa vào nguồn năng lượng sơ cấp để sản xuất điện, chúng ta có 3 nhóm điện khác nhau. Xét theo nguyên tắc vòng đời của một dự án thì điện nào cũng có tác động môi trường và phát thải carbon. Khác biệt ở chỗ mức độ cao thấp, ít nhiều là rất khác nhau. Cụ thể như dưới đây:

  1. Nhóm điện nhiên liệu hóa thạch: Gồm điện than, điện khí thiên nhiên (natural gas), điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Nhóm này gây ô nhiễm môi trường nặng và phát thải carbon lớn, đặc biệt là nhiệt điện than.
  2. Nhóm điện năng lượng  tái tạo: Gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, địa nhiệt, điện sinh khối (biomass). Tỷ trọng của điện địa nhiệt và sinh khối là nhỏ, không đáng kể. Nhóm này tác động môi trường thấp, phát thải carbon thấp, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Thế giới coi thủy điện, điện gió và điện mặt trời là điện xanh, điện sạch.
  3. Nhóm điện hạt nhân, nguyên tử: Nếu không có sự cố, tai nạn thì tác động môi trường thấp, đặc biệt phát thải carbon là rất thấp. Vì lo ngại sự cố điện hạt nhân nên năm 2017 Quốc hội Việt Nam đã ra nghị quyết bỏ điện hạt nhân.

 

TT/ST 10: Hơn 20 năm qua, ngành điện Việt Nam được Bộ Công thương định hướng phát triển lấy nhiệt điện than làm quân vương, trụ cột; kế đến là nhiệt điện khí (bao gồm cả khí hóa lỏng LNG) và thủy điện. Cụ thể: Từ tháng 6/2001 đến tháng 3/2016 ngành điện đã trải qua 4 bản Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia, bao gồm Quy hoạch Điện 5, 6, 7 7 điều chỉnh. Bản Quy hoạch điện 7 điều chỉnh cụ thể  như dưới đây:

 

 

TT/ST 11: Bộ Công thương có tham dự nhưng đã nhắm mắt trước sự kiện ngày 29/9/2015 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cùng với nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard tổ chức hội thảo quốc tế "Than - nhiệt điện than: những điều chưa biết". Trưởng nhóm chuyên gia, ông Lauri Myllyvirta cho biết kết quả tính toán của nhóm “Trong tổng số người Việt chết yểu do ô nhiễm không khí của năm 2011, có đến 4.300 người được xác định liên quan đến khí thải từ các dự án nhiệt điện than. Dự báo khí thải than ở Việt Nam sẽ tăng gấp ba lần vào 2030. Khi đó có khoảng 25.000 người chết mỗi năm”.

Các phương tiện truyền thông ngay sau đó đồng loạt đưa tin này. Có báo đưa tin dưới tiêu đề “Nhiệt điện than kẻ giết người thầm lặng”. Vậy thực hiện bản Quy hoạch điện 7 điều chỉnh này đến năm 2045 sẽ có tất cả bao nhiêu người Việt Nam bị chết yểu?

 

TT/ST 12: Tính toán cụ thể như sau: Năm 2011 có 4.300 người chết, năm 2030 có 25.000 chết, vậy bình quân tốc độ chết là 9,71%/năm. Từ năm 2011 đến năm 2020 tổng số đã chết là 67.553 người. Tổng số sẽ chết từ năm 2021 đến năm 2030 là 170.494 người. Sau năm 2030 bình quân mỗi năm chết 25.000 người, như vậy đến năm 2045 sẽ có 25.000 x 15 = 375.000 người. Cộng lại từ năm 2011 đến năm 2045 sẽ là 67.553 + 170.494 + 375.000 = 613.047 người chết yểu vì nhiệt điện than.

Bộ Công thương nghĩ sao về số người chết yểu trên khi vào ngày đại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?

TT/ST 13: Cựu ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu đã đến Việt Nam chỉ để khuyên “Việt Nam không nên là tù nhân của nhiệt điện than”.

TT/ST 14:

 

 

TT/ST 15: Kết quả thống kê sản lượng điện các loại 3 năm vừa qua:

 

TT/ST 16: Bộ Công thương đã quyết xây dựng nhiệt điện than làm trụ cột, nên năm 2023 Việt Nam đã nhập một lượng than kỷ lục, lên tới 51,16 triệu tấn, tiêu tốn lượng ngoại tệ 7,1 tỷ USD. So với năm 2022, sản lượng than nhập về tăng 61,4%. Cộng với sản lượng than nội địa khai thác tối đa, kịch kim khoảng 35 triệu tấn nữa (Nguồn: Có đầy trên các báo chí chính thống, chỉ cần Google là ra). Trong năm 2023 khoảng 86,2 triệu tấn than đã đốt tỏa khói mù mịt bầu trời Việt Nam. Tôi dự đoán trong năm nay 2024 Việt Nam sẽ phải cắn răng để chi 8 – 9 tỷ USD, khổng lồ, lớn lắm! chỉ để nhập khẩu than cho sản xuất điện.

 

TT/ST 17: Ngành điện cũng là ngành duy nhất của nền kinh tế tiêu tốn một lượng khổng lồ ngoại tệ mạnh nhưng lại không mang về được 01 xu ngoại tệ nào.  Trái ngược, năng lượng mặt trời và sức gió không phải tốn một xu để mua, vận chuyển và xây dựng kho bãi để chứa. Nắng trời và gió trời tự đến chiếu vào các tấm quang năng (photovoltaic panel) và làm quay các tuabin gió để phát điện. Khoa học quy hoạch điện quốc gia đất nước mình ngộ như vậy đó.

 

TT/ST 18: Báo chí đăng đầy lập luận “khoa học” của Bộ Công thương và EVN là điện gió và điện mặt trời ở miền Trung sẽ làm rã lưới điện. Vì nhiều điện quá, miền Trung không sài hết, lưới điện vùng này sẽ hỏng hết. Người dân nghe qua thấy có lý, gật đầu “Ừ, Bộ Công thương đúng đấy!”. Đối với tôi lập luận này là ngộ, vô lý, vì họ đẩy sự yếu kém của Bộ trong lập quy hoạch điện quốc gia, biến thành lỗi của chính quyền địa phương, của các doanh nghiệp, của Trời, là không tuân thủ quy hoạch Bộ vạch ra. Họ yêu nhiệt điện than, nên khi họ xây dựng Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân có qui mô công suất 6.000MW thì không sao, không sợ rã lưới điện vùng này. Họ ghét điện gió và điện mặt trời, nên vùng nào đó mà chính quyền địa phương và doanh nghiệp muốn đầu tư, ví dụ 1.000MW họ giẫy nẩy “không được! không được! sẽ làm rã lưới điện vùng này”. Chúng ta không thể tìm thấy được Bộ Năng lượng nào ở trên thế giới lại sợ dư thừa điện gió và điện mặt trời như Bộ Công thương ở Việt Nam.

 

TT/ST 19: Giá mà tư tưởng này thống trị vào giai đoạn đề xuất xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, thì sẽ chẳng có nhà máy Thủy điện Hòa Bình như hiện nay. Vì khi đó công suất nhà máy quá dư thừa, quá lớn so với nhu cầu sử dụng của miền Bắc với hệ thống lưới điện quá cũ kỹ. Đã đầu tư xây dựng nguồn điện, đương nhiên song song phải xây dựng đường dây, hệ thống truyền dẫn đến nơi phụ tải điện. Khắp nơi trên thế giới đều làm vậy mà. Thế là dự án đường dây 500KV Bắc Nam ra đời để chuyển tải điện vào miền Nam lại đang quá thiếu.

 

TT/ST 20: Chưa hết! Ngày 22/2/2019 trên báo VnExpress số 1 về số lượng bạn đọc Việt Nam, tác giả Nguyễn Đăng Anh Thi, chuyên gia Năng lượng và Môi trường, đăng bài “Đoàn tàu tro xỉ” đã viết “Lượng tro xỉ thải ra từ nhiệt điện Vĩnh Tân nếu chứa trong các container 40 feet với tải trọng 30 tấn, đặt trên các toa tàu thì phải cần đến gần 127.000 toa tàu. Đoàn tàu tro xỉ đó có chiều dài là 1.900 km, với đầu máy tại ga Sài Gòn và toa cuối ở ga Đồng Đăng. Đều đặn mỗi năm, điện lực Vĩnh Tân tạo ra một đoàn tàu tro xỉ dài như thế. Nhưng Việt Nam không chỉ có mỗi điện lực Vĩnh Tân, mà còn rất nhiều điện lực khác nữa”.

Nhiệt điện than, quá khủng khiếp riêng đối với tro xỉ. Trái ngược, ánh  nắng, sức gió và dòng nước lại không hề tạo ra chất thải khi sản xuất điện.

Vậy xe điện có phát thải carbon như xe xăng không? Chắc chắn là có rồi. Nhiều lắm đấy. Vì lưới điện của Việt Nam chủ yếu là điện nhiên liệu hóa thạch nên phát thải carbon rất cao.

 

TT/ST 21: Sau khoảng 20 năm phấn đấu, thế giới đã đạt được Thỏa thuận Paris năm 2015 về cắt giảm phát thải carbon chống biến đổi khí hậu để cứu lấy Trái đất. 165 nguyên thủ quốc gia đã có mặt và ký Thỏa thuận này, trong đó có Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Nhiệt điện (than, dầu và khí) được coi là thủ phạm số 1, phát thải carbon lớn nhất trong mọi ngành kinh tế và là đối tượng được yêu cầu nhiều nhất phải cắt giảm, phải chuyển đổi sang điện năng lượng  tái tạo.

 

TT/ST 22: Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tính toán và công bố hệ số phát thải carbon của lưới điện Việt Nam năm 2020 là 0,8041 tấn CO2tđ/MWh và năm 2021 là 0,7221 tấn CO2tđ/MWh (tđ là tương đương, có nghĩa là đã bao gồm cả các khí khác. Nguồn: Công văn số 1316/BĐKH-GNPT, ngày 31/12/2021 và số 1278/BĐKH-TTBVTOD, ngày 31/12/2022). Hiện vẫn chưa thấy Cục Biến đổi Khí hậu công bố số liệu cho năm 2022 và năm 2023.

 

TT/ST 23: Các cá nhân và tổ chức trên cả  nước căn cứ hệ số này để tính lượng phát thải carbon của mình là bao nhiêu khi sử dụng điện lưới quốc gia. Gia đình bạn hay xe điện của bạn một tháng sử dụng hết bao nhiêu chữ điện (kWh) cứ thế mà nhân với hệ số phát thải là ra. Đối với cả nước tính toán cũng đơn giản. Cụ thể năm 2023 theo thống kê ở trên, cả nước tiêu dùng hết 280,63 tỷ kWh (= 280,63 triệu MWh), nếu ta nhân với hệ số phát thải sẽ được tổng lượng phát thải. Tôi dự đoán hệ số phát thải của năm 2023 khoảng 0,700 tấn CO2tđ/MWh, vậy sẽ là 196,4 triệu tấn carbon (= 280,63 x 0,7). Quá lớn!

 

TT/ST 24: Nếu so với một số nước EU thì hệ số phát thải carbon lưới điện Việt Nam cao hơn họ khủng khiếp, không phải vài chục phần trăm (%) đâu, mà nhiều lần đấy (từ 3 đến 30 lần), cụ thể như ở bảng dưới đây:

TT/ST 25: Bốn nước Bắc Âu có điện xanh, sạch nhất thế giới. Vì họ chủ yếu dựa vào năng lượng  tái tạo để sản xuất điện. Họ hầu như không có điện than. Quanh năm, ngày tháng, người dân của họ được hít thở không khí trong lành nhất thế giới, vì có nồng độ bụi PM2.5 thấp nhất thế giới, đáp ứng tiêu chuẩn của WHO là dưới 10ppm. Còn thủ đô Hà Nội hơn ngàn năm văn hiến của chúng ta luôn nằm trong top các thành phố có nồng độ bụi PM2.5 cao nhất thế giới. Nước Pháp có hệ số phát thải carbon cũng rất thấp, ngang bằng các nước Bắc Âu vì sản lượng điện của Pháp chủ yếu là điện hạt nhân, đứng đầu thế giới về tỷ lệ điện hạt nhân.

 

TT/ST 26: Vậy tại sao Bộ Công thương, EVN, Viện Năng lượng Việt Nam và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam lại chọn mô hình điện lực cũ rích của thập kỷ 70 cho tương lai vào năm  2050? Tại sao họ tôn thờ, sùng bái nhiệt điện than như vậy? Tại sao họ quyết đi ngược 180 độ so với xu thế phát triển bình quân của thế giới? Chỉ có một năm, từ 6/2017 đến  6/2018, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam viết liền mạch 20 bài “Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than?” và 15 bài “Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm” đăng trên tạp chí của Hiệp hội  với 5 lý do cơ bản sau:

  • Điện than là rất rẻ, chỉ sau thủy điện.
  • Thủy điện đã khai thác cạn kiệt rồi.
  • Điện than với những công nghệ siêu hiện đại nên hoàn toàn yên tâm về vấn đề môi trường.
  • Điện khí thiên nhiên, khí hóa lỏng là quá đắt, Việt Nam là con nhà nghèo không nên xài sang.
  • Điện gió và mặt trời lại càng đắt hơn, lúc có lúc không, lại tập trung nhiều ở miền Trung có khả năng làm rã lưới điện.

TT/ST 27: Họ có tầm nhìn rất xa về quá khứ, lấy toàn những thông tin của quá khứ để hoạch định cho tương lai của ngành điện Việt Nam. Trái ngược, thế giới nhìn vào tương lai để làm quy hoạch phát triển ngành điện của họ. Tầm nhìn hai bên đều có, đều xa, khác nhau duy nhất là ở hướng nhìn.

 

TT/ST 28: So sánh chi phí sản xuất hay giá thành nhiệt điện than của Việt Nam với điện gió và điện mặt trời trên thế giới: Trên mạng có rất nhiều thông tin về giá cả, để tránh hoa mắt vì số liệu nên tôi đã trung bình hóa, làm tròn số. Tuy nhiên có sự khác biệt cơ bản về thị trường điện ở Việt Nam so với thế giới mà chúng ta phải ghi nhớ. Đó là sản xuất và phân phối điện ở Việt Nam là độc quyền quản lý của Nhà nước. Mua điện và bán điện do Bộ Công thương và Bộ Tài chính điều hành, quản lý. Rất khó thoát khỏi cơ chế xin – cho. Trong năm 2022-2023, tỷ giá bình quân 01 USD = 23.500 VNĐ, giá điện mà EVN mua vào như dưới đây:

  • Thủy điện 1.100 đồng/kWh (4,68 US cent/kWh)
  • Điện khí 1.400 đồng/kWh  (5,96 US cent/kWh)
  • Điện mặt trời 2.050 đồng/kWh (8,72 US cent/kWh)
  • Điện gió 2.090 đồng/kWh  (8,89 US cent/kWh)
  • Điện than 2.100 đồng/kWh (8,94 US cent/kWh).

TT/ST 29: Giá điện than ở đây có một “bí mật” mà rất ít người biết, nhưng các quan chức liên quan đến điện của Bộ Công thương và Bộ Tài chính đều biết, nhưng họ luôn im lặng. Đó là thuế bảo vệ môi trường đối với than gần như bằng không, rất tượng trưng, chỉ có 15 đồng/kg (15.000 đồng/tấn), trong khi đối với xăng là 5.400 đồng/kg (4.000 đồng/lít), cao 360 lần so với than. Trớ trêu là than gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại sinh thái rất nặng nề hơn xăng. Thuế hay phí phát thải carbon đối với cả than và xăng hiện đang bằng 0. Thực tế/Sự thật này không thể tồn tại được ở các nước EU và nhiều nước khác trên thế giới.

 

TT/ST 30: Năm 2020 EVN nhập khẩu 3,07 tỷ kWh, chiếm tỷ lệ có 1,2%.  Giá mua điện bình quân từ Trung Quốc là 1.280 đồng/kWh (bằng 61% giá điện than Việt Nam), từ Lào là 1.370 đồng/kWh (bằng 65% giá điện than).

 

TT/ST 31: Ở qui mô toàn cầu, theo cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) năm 2023 giá đầu thầu các dự án điện gió trên bờ và điện mặt trời trong khoảng từ 2 đến 5 US cent/kWh, vô cùng thấp so với Việt Nam. Thời hạn hợp đồng là 15 năm. (https://www.iea.org/articles/have-the-prices-from-competitive-auctions-become-the-new-normal-prices-for-renewables)

 

TT/ST 32: Thấp nhất, kỷ lục thế giới là tại Bồ Đào Nha, thắng thầu với giá 1,476 US cent/kWh (bằng 16,5% điện than của Việt Nam), áp dụng trong 15 năm (Bloomberg New Energy Finance’s Jenny Chase, công bố tháng 4/2020), .

 

TT/ST 33: Năm 2013 chính quyền thành phố Dubai khởi công dự án Công viên Điện mặt trời, Mohammed bin Rashid Al Maktoum Solar Park, có tổng công suất 4.660MW chia làm 6 giai đoạn. Hoàn tất toàn bộ vào năm 2030. Đến tháng 10/2022 có 1.830MW đã đi vào vận hành. Giai đoạn 3 có công suất 800MW đấu thầu tháng 7/2017 đạt giá 2,99 US cents/kWh. Giai đoạn 6 có công suất 1.800MW đấu thầu tháng 9/2022 đạt giá thấp kỷ lục là 1,621 US cents/kWh (bằng 18,1% điện than của Việt Nam).

 

TT/ST 34: Năm 2016 Ấn Độ khởi công xây dựng Công viên điện mặt trời Bhadla Solar Park tổng công suất 2.245 MW, chính thức hoạt động tháng 3/2020. Giá ký hợp đồng là 2,00 US cents/kWh. Trong năm 2021 Ấn Độ đấu thầu nhiều dự án điện mặt trời với tổng công suất 20.000MW. Giá thầu bình quân chung là 2,70 US cent/kWh (bằng 30,1% điện than của Việt Nam).

 

TT/ST 35: Cơ quan Năng lượng Brazil năm 2022 đấu thầu một dự án điện mặt trời công suất 23,5 MW of với giá 3,30 US cent/kWh. Dự án điện gió công suất 51,8 MW, với giá 3,20 US cent/kWh (bằng 36,0% điện than của Việt Nam). Cả hai dự án đều có thời hạn hợp đồng là 15 năm.

 

TT/ST 36: Không biết là Bộ Công thương và EVN giải thích như thế nào cho nhân dân khi nhận được câu hỏi tại sao giá thành điện xanh, điện sạch của họ lại vô cùng thấp so với nhiệt điện than siêu bẩn của Việt Nam là 8,94 US cent/kWh, với thuế BVMT gần bằng 0 và không thuế hay phí phát thải CO2. Đến khi nào giá thành điện của Việt Nam mới thấp bằng của UAE, Bồ Đào Nha, Brazil, Ấn Độ? để nhân dân Việt Nam không phải mua điện giá cao so với thu  nhập thấp của mình?

Vì điện là đầu vào quan trọng của mọi hoạt động kinh tế nói riêng và mọi hoạt động trong đời sống xã hội nói chung nên tôi nghĩ việc quản lý và phát triển điện đã “bóp méo” nền kinh tế của đất nước. Tôi có thể liệt kê ra nhiều Thực tế/Sự thật để chứng minh cho quan điểm này.

Vậy đến khi nào chúng ta mới có điện xanh, điện sạch? để có thể tự hào với thế giới nói rằng xe điện ở Việt Nam là xanh, là sạch?

 

TT/ST 37: Chính Bộ Công thương và các cây đa về khoa học điện Việt Nam đã thừa nhận tiềm năng khai thác khả thi về kỹ thuật của năng lượng gió và mặt trời ở Việt Nam là rất lớn. Thế giới cũng thừa nhận điều này. Thế nhưng Bộ Công thương và Viện Năng lượng Việt Nam đã quyết định “để dành” những nguồn năng lượng vô tận này cho con cháu tương lai. Họ quyết định tập trung vào nhiệt điện nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí). Đó là tầm nhìn, tư duy và quan điểm của họ. Họ được Chính phủ trao quyền quản lý về điện, nên họ là người quyết định.

 

TT/ST 38: Theo Luật Quy hoạch thì Quy hoạch phát triển ngành Điện quan trọng, đứng thứ 2 của đất nước, chỉ sau Quy hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo. Thế mà bốn bản Quy hoạch Điện lực quốc gia liền kề là 5, 6, 7 và 7 điều chỉnh đều bị chết yếu. Tuổi thọ bình quân của mỗi bản Quy hoạch chỉ có 4 năm. Đối với bản dự thảo Quy hoạch Điện 8 còn thảm hại hơn, vì nó chết khoảng một tháng trước lúc sinh. Vì sao?

 

TT/ST 39: Vì ngày 08/10/2021 Bộ Công thương có Tờ trình số 6277/Ttr-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Quy hoạch Điện lực 8 cụ thể  như dưới đây:

 

TT/ST 40: Vào năm 2045 mà điện nhiên liệu hóa thạch vẫn là chủ lực, chiếm đến 60,8% đi ngược 180 độ so với xu thế phát triển điện của thế giới là không thể chấp nhận được, chống lại nỗ lực chung của toàn thế giới cắt giảm phát thải carbon, trái ngược với cam kết riêng của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris 2015. Vì vậy ngày 18/10/2021 tôi đã có thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan phản đối, bằng đưa ra những căn cứ và lập luận khoa học để chứng minh rằng bản dự thảo Quy hoạch điện 8 là có hại cho chính ngành điện, có hại cho đất nước. Trong đó tôi đã viết “Với Tờ trình quy hoạch điện VIII như vậy Bộ Công thương sẽ đeo mặt nạ cho Thủ tướng Phạm Minh Chính đi tham dự Hội nghị COP26 của Liên Hợp quốc về chống BĐKH sẽ tổ chức từ 31/10 – 12/11/2021 tại Glasgow Vương Quốc Anh”.

 

TT/ST 41: Tôi đủ hiểu biết là không Thủ tướng, không Bộ trưởng nào sẽ đọc bản kiến nghị của tôi. Vì các thư kiến nghị của thường dân thường được chuyển cho cấp dưới xử lý. Tôi tin tưởng mạnh mẽ là tại Văn phòng Chính phủ có một quan chức nào đó chuyên theo dõi ngành điện. Chắc chắn người này sẽ đọc bản kiến nghị của tôi. Bị thuyết phục bởi những phân tích và lập luận tâm huyết của tôi nên vị quan chức này đã báo cáo Thủ tướng trả lại bản dự thảo Quy hoạch điện 8 và yêu cầu Bộ Công thương làm lại theo tinh thần kiến nghị của tôi. Tất nhiên là Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý, vì lợi ích của ngành điện, vì lợi ích của quốc gia, vì chuyện Quy hoạch điện, sản xuất và kinh doanh điện của Bộ Công thương và EVN có quá nhiều vấn đề mà Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ đã biết từ nhiều năm.

 

TT/ST 42: Tại hội nghị COP26 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trịnh trọng cam kết với toàn thế giới là Việt Nam sẽ nỗ lực, chung tay góp sức với thế giới đưa phát thải carbon về trung hòa, bằng 0 vào năm 2050 và đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện than.

 

TT/ST 43: Méo mặt với tinh thần này của Chính phủ Việt Nam, các quan chức của Bộ Công thương phải “đằng trước quay!” làm mới hoàn toàn Quy hoạch điện 8 đúng như tôi kỳ vọng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023. Tôi rất vui với bản quy hoạch mới này. Vì ngành điện năng lượng  tái tạo sẽ được thăng hoa, cất cánh. Đất nước sẽ tràn ngập điện xanh, điện sạch sau khoảng 10 năm nữa. Nhưng buồn là không thể biết được chi phí sản xuất điện của Việt Nam có giảm về thấp ngang bằng các nước nói trên hay không.

 

Trân trọng mời quí bạn đọc thư kiến nghị của tôi gửi Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Quy hoạch Điện 8 của Bộ Công thương.

Xin cám ơn

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 18/3/2024

Phần 3: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 2:VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 1: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC