TẢN MẠN >GIỚI THIỆU TRUNG THỰC VỀ BẢN THÂN
Ngày đăng: 13-06-2020 - 05:55:07

GIỚI THIỆU TRUNG THỰC VỀ BẢN THÂN

 

 

Kính gửi những người yêu Môi trường và Khoa học,

 

Tôi là Nguyễn Đức Thắng. Năm 1967, còi cọc và bé nhỏ. Khi làm hồ sơ thi tốt nghiệp lớp 10, tôi ghi nguyện vọng là học ngành cơ khí, máy móc vì đã là con trai thì phải học ngành này. Sau khi thi xong, mọi người chia tay nhau tại nơi sơ tán (thôn Hà Vĩ, Thường Tín, Hà Tây) về nhà Hà Nội với bố mẹ. Nhà tôi ở rất sâu trong ngõ Đình Đông, phố Bạch Mai, ngoại ô của Hà Nội. Đường Trần Khát Chân ngày nay nối với đê Tô Hoàng đi trong khu Đại học Bách khoa, song song với phố Đại Cồ Việt, trước kia chính là con sông, nối với sông Kim Ngưu, gianh giới tự  nhiên ngăn cách nội đô và ngoại ô phía Nam Hà Nội. Ngày nay, tại ngã tư giao cắt 4 phố (gồm Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân và Đại Cồ Việt) là chiếc cầu vượt chống ùn tắc giao thông, ngày xưa gọi là Ô Cầu Dền, là một trong 5 cửa Ô vào nội đô Hà Nội. Một ngày đầu tháng 7/1967 tôi đang ngồi “không việc” dưới mái hiên trước cửa nhà, bỗng anh bạn Ngô Điền Kiệt, học cùng lớp đến báo tin: “Thắng! sáng mai ông lên ngay, Ban tuyển sinh tại Câu lạc bộ thiếu nhi cần gặp”. Tôi hỏi: “Việc gì đấy?”. Anh bạn lắc đầu: “Tôi không biết”.

 

Sáng hôm sau, tôi đi bộ từ nhà, hỏi đường lên Câu lạc bộ Thiếu nhi. Tới nơi tôi choáng ngợp trước bao nhiêu học sinh vui vẻ và nhộn nhịp đi lại trong sân.  Tôi tìm vào phòng của Ban Tuyển sinh. Đến một bàn có hai anh phụ trách ngồi cạnh nhau và thưa: “Em là Nguyễn Đức Thắng, học sinh trường Đoàn Kết 3, được các anh nhắn gọi lên gặp”. Một anh vào việc luôn: “Nguyễn Đức Thắng? Trường hợp của em không có trong danh sách nhà trường cử đi học ở nước ngoài. Nhưng bọn anh có danh sách những học sinh được giải thưởng, thấy em được giải nhì học sinh giỏi Lý toàn miền Bắc và được tuyên dương trước hội đồng thi tốt nghiệp 10 nên đã quyết định cử em sang Tiệp Khắc học tổng hợp Vật lý”. Tôi không mảy may xúc động cũng như mừng vui, chỉ biết phục tùng thầy cô và các anh phụ trách: “Dạ, vâng ạ”. Vì cho đến thời điểm ấy tôi không biết đến Thế giới bên ngoài, chưa bao giờ được nghe tin tức qua đài, không có khái niệm về tờ báo. Về tối nhà tôi như các vùng ngoại thành khác, sống bằng đèn dầu, nên tuyệt nhiên trong đầu không có khái niệm về nước Tiệp Khắc là gì và ở đâu, Thế giới ra sao. Đại thể chỉ biết đó là nước ngoài. Tôi chỉ nghe nói nhiều về Liên Xô và Trung Quốc giúp Việt Nam chống Mỹ. Ông Tây tức là Liên Xô.

 

Thời gian chiến tranh đó, chỉ có 1 giải nhất và 1 giải nhì thôi. Vì khi từ nơi sơ tán về Hà Nội, tìm đến trường cấp 3 Xuân Đỉnh (Hà Tây) để thi chung kết (phần thi thực nghiệm) chỉ có 2 học sinh.  Thày giáo chia mỗi người một phòng riêng, khác nhau. Trong phòng của tôi đã có sẵn: cưa, đục, dao, kéo, dây, tờ bìa, kìm, búa, đanh và vài thanh gỗ, thày giáo nói “em hãy làm bất cứ một dụng cụ thí nghiệm nào mà em muốn”. Sau đó thày đi ra khỏi phòng để tôi tự do. Tôi đã đóng một khung gỗ, có con lắc là phễu đựng cát dao động, cát rơi xuống tờ bìa bên dưới, kéo di chuyển từ từ sẽ vẽ nên một hình sin. Thí nghiệm chứng tỏ dao động của con lắc là dao động hình sin. Khi thày giáo quay lại tôi đã xong và nộp cho thày.

 

Sau đó tôi ra về, thẳng nơi sơ tán, bằng xe đạp mượn của bạn Phạm Kim Thanh, duy nhất ở lớp có xe đạp, được bố mẹ ưu ái cho mang theo đến nơi sơ tán. Khoảng 2 tuần sau đó, vào giờ dậy Vật lý, cô Loan có thông báo miệng, ngắn gọn trước lớp là em Thắng của lớp ta đã được giải nhì. Không một bằng, giấy tờ, chứng chỉ nào trao cho tôi. Ngày nay, tôi đoán là Ban tổ chức đã “đánh giây thép” cho thày Hiệu trưởng, sau đó thày Hiệu trưởng thông báo miệng cho cô Loan biết để thông báo cho tôi.

 

Kết quả là một buổi chiều tối tháng 7/1967 tôi được vinh dự ngồi cùng với rất nhiều các bạn học sinh (đoàn có mã số BZ1967) trong những chiếc ô tô có tên gọi là Thống nhất ngày xưa, trong đêm tối, rời Hà Nội ngược lên Lạng Sơn trên đường đến nước Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc. Dọc đường xe luôn chao đảo, nhẩy lên nhẩy xuống. Có lúc tôi nghe câu lệnh từ bác lái xe “xuống đi bộ tăng-bo”. Lần đầu tiên trong đời tôi nghe từ “tăng-bo”, chả hiểu là cái gì nhưng cứ làm theo mọi người, số đông làm gì, tôi làm vậy. Hóa ra khi gặp những hố bom trên đường, mọi người phải xuống đi bộ một đoạn để cho ô tô vượt qua những hố bom rồi lại tiếp tục lên xe đi. Sau này đến khi làm nghiên cứu sinh phải tự học tiếng Anh, khi học đến từ “transport” tôi mới liên tưởng đến từ “tăng-bo” ấy. Đến Lạng Sơn, vào rừng nghỉ tạm một hai ngày, được tắm suối, đi lấy củi rừng, ăn cơm độn mì với rau muống nấu chảo gang thâm xì, ngủ lán trại. Năm 1967 lớp tôi có khoảng 15 bạn trong số sĩ số của lớp 33 người được cử đi các nước XHCN học tập. Riêng sang Tiệp cùng chuyến tàu với tôi còn có 3 bạn khác nữa cùng lớp với tôi. Đó là bạn Nguyễn Thúy Nghi học tổng hợp Toán, bạn Trần Thúy Loan học tổng hợp Hóa, bạn Huỳnh Văn Hoàng (học sinh miền Nam) học máy tại thành phố Brno.

 

Từ ga Đồng Đăng sang bên ga Bằng Tường lên các toa tàu giường nằm của Trung Quốc, được các nhân viên trên tàu chăm sóc chu đáo. Ấn tượng nhất đối với tôi khi đó, cho đến nay vẫn còn nhớ  không quên, là cảm giác sung sướng, vô cùng ngon miệng khi được ăn chiếc bánh bao trên tàu. Vì thực sự trong đời tôi chưa bao giờ được ăn cái bánh như vậy. Thấy mọi người gọi nó là bánh bao nên tôi học và hiểu bánh bao là nó như vậy, bột mầu trắng mềm, trong có nhân thịt rất ngon.

 

Cả đoàn tàu chở toàn học sinh Việt Nam, đoàn BZ1967 đích hướng đến thủ đô Praha (Tiệp Khắc) sau khoảng 10 ngày lênh đênh trên tàu hỏa. Tôi vô cùng hạnh phúc nhìn thấy biết bao nhiêu điều mới mẻ. Vì lần đầu tiên trong đời được đi tàu hỏa, lại có giường nằm, chăn đệm trắng muốt, ăn ngon và nhìn qua cửa sổ thấy đất nước Trung Quốc và Liên Xô rộng mênh mông, bát ngát, bao la, vĩ đại. Khi đến Tiệp Khắc, tại sân nhà ga chính ở Praha đã có rất nhiều các anh chị sinh viên năm trước đứng đón. Một loạt xe buýt sang trọng đưa chúng tôi về ký túc xá, kolej Suchdol của trường đại học Nông nghiệp Praha. Sau khoảng 10 ngày “cắm trại biệt lập” tẩy uế, sát trùng, đảm bảo trong mỗi người chúng tôi sạch bệnh, không reo rắc mầm bệnh cho người dân Tiệp Khắc, mọi  người được phân theo các nhóm ngành nghề về các trung tâm dậy tiếng Tiệp để học. Tôi có tên trong danh sách các sinh viên sẽ học Hóa tổng hợp Praha. Tôi quá ngạc nhiên và sợ. Sao lại là học Hóa? Trong nước phân công học tổng hợp Lý cơ mà? Môn Hóa là môn yếu kém nhất của tôi. Nếu không học nổi, phải đúp, về nước thì chết. Vô cùng lo lắng, tôi đã gặp chú Trần Hán Tự, cán bộ của Ban quản lý lưu học sinh để hỏi lý do. Chẳng cần suy  nghĩ gì, chú Tự trả lời ngay: “Đã sang đây rồi, học gì chả được. Có thể do tiếng Việt đối với bạn là khó khăn, nên bạn nhầm lẫn trong đánh máy. Thôi cứ yên tâm mà học đi”.

 

Thời gian đó chúng ta đều có một ý thức là sẵn sàng chịu đựng gian khổ, đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì theo sự phân công của cấp trên, của tổ chức. Sau này, khi là sinh viên năm thứ nhất  Khoa các Khoa học tự nhiên (Prirodovedecka Fakulta) Univerzita Karlova tôi mới tìm hiểu cho rõ. Hóa ra bạn Nguyễn Đức Thịnh (tỉnh Thái Bình) được trong nước cử sang học Hóa tổng hợp lại học Lý tổng hợp, chỗ của tôi. Để né tránh được yếu điểm của mình, vào năm học thứ 4 và 5 tôi đã chọn học ngành chuyên sâu là bộ môn Hóa Lý. Năm thứ 5 tôi chọn môn Kvantova Chemie làm luận văn tốt nghiệp (Quantum Chemistry, Hóa Lượng tử). Cuối năm thứ 5 tất cả sinh viên đều phải thi quốc gia (gồm 5 môn, statni zaverecna zkouska) và bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Suốt 5 năm học đại học, việc kiểm tra và thi cử luôn là một thày một trò. Chưa bao giờ có chuyện thi hay kiểm tra cả lớp cùng một lúc. Sau xong hết mọi thi cử, đóng gói học hành, một hôm tôi đến cám ơn thày, chia tay, để sớm đi lao động hè kiếm tiền trong lúc chờ đợi Đại Sứ quán cấp vé tàu hỏa liên vận quốc tế về nước (năm 1973). Khi đó ông thày tôi lại đề xuất  “Tôi muốn anh ở lại 3 năm nữa làm nghiên cứu sinh có được không?”. Một tình huống tôi chẳng bao gì nghĩ đến. 6 năm xa nhà học tập tôi thấy đã căng. Tôi rất nhớ gia đình, bố mẹ, ở lại thêm 3 năm nữa ư?

 

Tôi đã trả lời thày “Cám ơn ông, sinh viên Việt Nam chúng tôi không tự quyết được. Tốt nghiệp rồi chúng tôi phải về nước phục vụ. Mọi thứ do Đại Sứ quán quyết định hết. Tôi phải hỏi ý kiến của Đại sứ quán”. Sau đó thày tôi nói nhỏ với bà thư ký riêng điều gì đó và quay lại tiếp tục nói chuyện với tôi về xu hướng nghiên cứu. Thày tôi là ông Rudolf Zahradnik, PGS. TSKH (Docent, Doctor Ved), trưởng nhóm nghiên cứu Hóa Lượng tử thuộc Viện Hóa Lý và Điện hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Tiệp Khắc). Ông được tiêu chuẩn có một bà thư ký riêng chỉ làm việc hành chính, chủ yếu là đánh máy. Thời gian đó chưa có máy vi tính. Thày tôi viết rất nhiều sách, báo, công trình nghiên cứu ra giấy, sau đó đưa thư ký đánh máy. Sau đánh máy xong tờ thư, bà thư ký đưa cho thày tôi xem, ký và đưa lại cho bà đi lấy dấu. Vài phút sau bà quay về đưa lại cho ông cùng với chiếc phong bì. Ông để mở, không dán, đưa cho tôi “Anh cầm lấy thư này về đưa cho Đại Sứ quán”. Lá thư ngắn chỉ có vài dòng, kể cả chữ ký khoảng nửa trang giấy thông thường.

 

Tôi mang về và đã đến Ban quản lý lưu học sinh nộp thư đó. Một chú, sau khi đọc xong thư nói “Giáo sư đề nghị chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh, cái này Đại sứ cũng không quyết được, phải về nước, để trong nước xét”. Tôi cám ơn và ra về. Tôi tranh thủ cùng mọi người lao vào lao động hè cho vui và có tiền, chủ yếu là thu hoạch hoa quả và làm ở các nhà máy sản xuất bánh mì. Tôi hoàn toàn không quan tâm đến qui trình Ban quản lý lưu học sinh sẽ giải quyết việc chuyển tiếp nghiên cứu của tôi ra sao, phải chạy những khâu nào, cửa nào…. Trước đó 3 tháng tôi đã được một chú ở trong Ban quản lý mời ở lại giúp việc cho Đại sứ, chuyển sang làm ở Bộ Ngoại giao. Khi đó tôi đã từ chối luôn “Cháu không muốn bỏ chuyên môn đã học. Cháu thích về nước công tác”. Tâm lý sinh viên thời đó, sau tốt nghiệp ai cũng đam mê được theo chuyên môn đã học để cống hiến được nhiều hơn cho đất nước;  đúng ngành, đúng nghề. Không ai kén chọn nghĩ đến việc làm ngành gì, nghề gì để kiếm được nhiều tiền, trở nên giàu có. Bạn cùng học Hóa với tôi là anh Vũ Công Cường cũng được Đại sứ quán mời ở lại làm việc, cũng đã dãy nảy lên từ chối, thích về nước, công tác đúng ngành Hóa đã học. Cho đến nay, anh đã 70 tuổi, sau nghỉ hưu ở bệnh viện Nhà nước, anh vẫn được bệnh viện Hồng Ngọc thuê làm Trưởng phòng Hóa nghiệm. Sau này tôi được biết là bạn Nguyễn Xuân Nho và một vài người nữa, học máy trường CVUT trên Strahov đã ở lại, chấp nhận lời đề nghị công tác cho Đại sứ. Và họ đã gắn bó suốt đời với ngành Ngoại giao. Về sau vào đầu những năm 80 tôi mới thấy ngành Ngoại giao là ngành quí giá, được ở nước ngoài và giàu có. Khi đó nghĩ lại “giá mà, giá mà” đồng ý với lời đề nghị của Đại sứ quán.

 

Trên đường về nước, đoàn tàu liên vận quốc tế đi chiều ngược lại. Nhưng vẫn hành trình ấy, vẫn tuyến đường ấy, từ Praha đến Moskva, xuyên vùng Siberi, cả một ngày dọc hồ Baikal, đến Bắc Kinh, xuôi về phương Nam, về đến Bằng Tường, chuyển sang Đồng Đăng và về ga Hàng Cỏ. Năm 1967 lúc đi thì mỗi người chỉ một vali con “Tạ Quang Bửu”. Lúc về thì nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh xếp chật cứng trong toa. Rất may, toàn là các cán bộ khoa học Việt  Nam tốt  nghiệp ở trời Tây về nước, ai cũng giống ai,  nên chẳng có gì mà xấu hổ. Trên tàu hỏa dài ngày không có chỗ tắm. Chỉ được tắm khi đến Moskva và Bắc Kinh được vào khách sạn nghỉ 1 hoặc 2 ngày. Trên tàu được ăn 3 bữa: Sáng, trưa, chiều tối. Tôi luôn cảm thấy ăn rất ngon miệng, cơm Liên Xô cũng như cơm Tàu đều hết ý. Tuyệt vời nhất là được ngắm mệt nghỉ những cánh rừng siêu đẹp vùng Siberi và hồ Baikal mênh mông vô tận.

 

Tôi về nước và chờ đợi cấp trên phân công tác, đi đâu và về đâu, tôi không thể biết. Nhưng rất mong sớm có quyết định được gọi đi làm. Thời gian đó cả đất  nước, toàn xã hội sống và làm việc theo sự sắp đặt của cấp trên, theo tổ chức phân công. Một tháng được mua bao nhiêu kg gạo, thịt, đậu phụ, dầu hỏa để đun, vải may quần áo… đều do Nhà nước sắp đặt. Mọi người đều cảm thấy vinh quang, tự hào, niềm ước mơ, khao khát khi trở thành cán bộ, công nhân viên Nhà nước. Thành phần “kinh tế tư nhân” khi đó bị khinh rẻ, bị coi là ngoài vòng pháp luật, coi như làm  chui, làm vụng, làm trộm.

 

Một buổi sáng, sau mưa trời đã tạnh, có một anh cán bộ giọng nói Nghệ An tìm vào nhà tôi. Anh đã vượt qua đoạn ngõ dài đầy bùn đất. Nhà tôi khi đó hoàn toàn là tranh, tre, lá, nứa; sàn nhà láng xi măng. Toàn bộ vùng Thanh Nhàn ngày nay, ngày xưa là đầm sen và ruộng lúa mênh mông, hất mùi thơm ngào ngạt vào nhà tôi. Nơi tôi thường xuyên bơi lội, câu cá và hái một vài bông sen lấy hạt ăn. Anh tự giới thiệu là cán bộ của Bộ Đại học được giao nhiệm vụ tìm hiểu cụ thể trường hợp chuyển tiếp sinh của tôi. Anh cũng tự giới thiệu trước đây anh đã học máy ở Plzen (cũng ở bên Tiệp). Tôi rất vui và bắt chuyện cùng anh. Tôi kể lại những kỷ niệm mà anh Thức và anh Khá cũng là sinh viên học máy ở Plzen đã đến giúp chúng tôi năm đầu tiên học tiếng Séc tại thành phố nghỉ mát vô cùng đẹp là Marianske Lazne. Và hai anh ấy đã đưa bọn em đến thành phố Plzen chơi. Anh cán bộ cũng vui vẻ, sởi lởi trò chuyện. Sau khoảng nửa tiếng anh ấy ra về. Tôi vô duyên không hỏi để biết tên anh ấy. Sau  này tôi mới biết là anh Nguyễn Cao Lạc (Vụ Sau đại học), rất phúc hậu, luôn giúp người, rất trong sáng. Chính anh là người, coi  như đã đồng ý cho tôi (sau cưới vợ) sang lại Tiệp Khắc để làm chuyển tiếp, nghiên cứu sinh. Vợ tôi, cùng năm học, nhưng khác trường, khác thành phố. Vợ tôi học ở thành phố nghỉ mát Karlovy Vary, đẹp nhất nước Tiệp Khắc.

 

Năm đó, toàn Tiệp Khắc, còn có bạn Bành Tiến Long (học máy dệt tại Liberec), bạn Huỳnh Văn Hoàng (học máy tại Brno, bạn học lớp 10 của tôi), bạn Lê Khắc Côi (học công nghệ gỗ tại Zvolen) được làm chuyển tiếp nghiên cứu sinh như tôi. Với 3 năm nữa kéo dài, tôi nghiên cứu chuyên sâu về Hóa Lượng tử. Đó là một khoa học nghiên cứu lý thuyết về cấu trúc phân tử, chuyên tính toán về phân bố mật độ điện tử (electron density) trong phân tử, dựa trên những thành tựu của môn Cơ lượng tử (Kvantova Mechanika). Sau 3 năm, đúng hạn, xong nhiệm vụ, tôi vội vàng về nhà với vợ, với con.

 

Tổng tài sản mang về có 2 chiếc xe đạp Eska mới toanh, tháo rời và gói tròn lại như một chiếc đàn ghi ta lớn. Một chiếc máy khâu cũ thương hiệu Singer, cả chân và bàn tháo rời, gói gọn. Một ít vải sa-tanh đen, vải hoa, xích líp xe đạp nhồi nhét vào trong các gói đó. Một chiếc TV điện tử đen trắng cũ mua lại. Tuy nhiên các sách chuyên môn, các hộp bìa chương trình máy tính chuyên môn (tính toán lượng tử) tôi mang về rất nhiều.

 

Về nhà, tôi tìm đến tổ bộ môn Hóa Lý, Khoa Hóa thuộc trường Đại học tổng hợp Hà Nội, xin các anh (Đào Đình Thức và Lâm Ngọc Thiềm) nhận cho vào làm việc. Các anh vui vẻ đồng ý, chấp nhận. Tôi đã viết đơn “Nguyện vọng nơi công tác” gửi cấp trên (Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp) là về trường Đại học tổng hợp làm công tác giảng dạy, nghiên cứu. Trong lúc chờ đợi phân công nơi làm việc, một buổi chiều hè tháng 5/1977 có một anh cán bộ đi xe Volga trắng đến nơi tôi ở. Anh giới thiệu anh là Nguyễn Văn Hiệu, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (hiện nay là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), mời tôi về Viện Vật lý làm việc. Tôi rất cảm động và vinh dự được một nhà khoa học Vật lý hạt nhân, nhà khoa học số 1 của Việt Nam mời về làm việc. Tôi thực sự cũng thích, vì Viện Khoa học Việt Nam khi đó là cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước. Anh cũng thông báo là anh đã ký công văn gửi Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Văn phòng Chính phủ hiện nay) xin tôi về Viện Khoa học Việt Nam. Tôi đã cám ơn anh và nhận lời. Tôi cũng nói thật với anh là trong “Đơn nguyện vọng nơi công tác” em đã ghi là trường Đại học tổng hợp Hà Nội, tôi chốt lại “Trên các anh bố trí đi đâu, em đi đó, thực hiện  nghiêm theo sự sắp đặt của tổ chức”. Khi đó tôi mới biết là phân công đi đâu công tác đối với các nghiên cứu sinh (phó tiến sĩ) từ nước ngoài về là do Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng quyết định, không phải Bộ Đại học, cũng không phải Bộ chuyên ngành nào đó đã cử cán bộ của mình đi nghiên cứu quyết định. Tôi thích cách gọi kiểu ngày xưa “Phó tiến sĩ”  hơn là “Tiến sĩ” ngày nay, vì Tiến sĩ là tiến sĩ, phó là phó, thứ bậc rõ ràng, không lẫn lộn như ngày nay tất  cả đều là tiến sĩ hết. Tôi đã hiểu từ năm nào và vì sao nhiều người đang là phó tiến sĩ bỗng dưng trở thành tiến sĩ. Thời gian đó người ta cũng kiến nghị đổi GS, PGS thành Giáo sư 1 và Giáo sư 2.

 

Tháng 7/1977 tôi nhận được quyết định về làm việc tại Viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng). Tôi “lăn đùng, ngã ngửa” với quyết định này? Ngạc nhiên lắm, Bộ Quốc phòng thì cần gì chuyên môn Hóa Lượng tử? Tôi không quen biết ai ở Viện Kỹ thuật quân sự, sao lại thế nhỉ?. Chấp hành lệnh trên, tôi cầm Quyết định phân công công tác đến Viện Kỹ thuật quân sự. Hóa ra khi đó, tại Viện Kỹ thuật quân sự có một Phân viện B28 (Hóa học), trong đó có một nhóm Hóa lượng tử mới được thành lập, gồm 3 người do TSKH Quách Đăng Triều là Trưởng nhóm nghiên cứu, kiêm Phân viện phó B28. Anh Triều mới ở Liên Xô về nước. Anh được học liền mạch từ học sinh phổ thông, chuyển tiếp lên học Đại học Tổng hợp Moskva, chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh Phó tiến sĩ Hóa lượng tử tại trường, chuyển tiếp làm TSKH Hóa lượng tử cũng tại trường danh giá nhất Liên Xô (số 1 từ ngày thành lập cho đến nay). Có lẽ tổng thời gian khoảng 15 năm anh được đào tạo, liên tục và bài bản tại Nga. Bác Trường Chinh là cha đỡ đầu của anh, Bác đã gả vợ cho anh. Trong nhóm còn có TS Phan Lương, chuyển tiếp sinh tại Nga và kỹ sư Phạm Văn Tiến (Hóa lượng tử, trường phái Ba Lan). Tôi là người thứ tư, cuối cùng, Hóa lượng tử trường phái Tiệp Khắc. Tôi không hiểu tại sao TSKH Quách Đăng Triều lại không chọn chỗ ngồi tại Viện Khoa học Việt Nam mà chọn ngồi tại Viện Kỹ thuật quân sự. Nhưng tôi kiên định quan điểm “quân đội nhân dân Việt Nam không cần môn lý thuyết Hóa lượng tử”.

 

Những năm đó, lực lượng cán bộ khoa học và cơ sở vật chất kỹ thuật (trong Nam ngoài Bắc) của Viện Kỹ thuật quân sự to lớn, hùng hậu hơn Viện Khoa học Việt Nam. Tất cả các bác ủy viên Bộ Chính trị đều có ít nhất là một người con công tác trong Viện Kỹ thuật quân sự. Còn con các bác ủy viên Trung ương Đảng thì nhiều không kể hết. Bác Hoàng Đình Phu, đại tá, Viện trưởng khi đó rất được Bác Võ Nguyên Giáp tin cậy và tín nhiệm. Bộ Quốc phòng khi đó thế rất mạnh, xin gì được đấy, ưu tiên số 1, hàng đầu, tập trung mọi nguồn lực cho Bộ Quốc phòng. Sau 6 tháng tập sự, tháng 12/1977 tôi được vinh dự nhận quân hàm trung úy.

 

Hàng ngàn, hàng vạn cán bộ khoa học tốt nghiệp từ các nước XHCN về nước. Trong đó lực lượng áp đảo, đàn anh, trụ trì  ngồi các ghế lãnh đạo đều từ Liên Xô. Tôi chỉ biết cố gắng học hỏi và làm việc để chứng tỏ rằng các sinh viên, nghiên cứu sinh học từ nước Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc về không đến nỗi kém. Là sĩ quan quân đội đến tháng 12/1988, sau đeo lon thiếu tá gần 3 năm, tôi được chuyển ngành, ra khỏi quân đội, sang Viện Hóa học, Viện Khoa học Việt Nam. Đầu tháng 1/1998 tôi chuyển công tác về Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Một vụ theo dõi kế hoạch đầu tư đối với 3 quốc sách quan trọng của đất nước, luôn làm việc, đọc những văn bản có những con số hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2008 vì bất đồng quan điểm chuyên môn với chính người lãnh đạo, cấp trên của mình, nên tôi tự nguyện viết đơn xin nghỉ hưu sớm gần 2 năm, khi mới có 2 năm được đề bạt chức vụ là Phó Chánh văn phòng Phát triển bền vững quốc gia. Văn phòng chỉ có duy nhất 1 cấp Phó là tôi. Khi đó, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Nguyễn Tuấn đã khuyên tôi ở lại, vì tôi không có đủ tiêu chuẩn để được nghỉ hưu sớm theo Nghị định 32. Tôi hỏi Vụ trưởng Tuấn “vậy tiêu chuẩn cụ thể là gì?”. Tôi được giải thích, một là, vị trí chức năng Phó Văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không cần nữa, bãi bỏ. Hai là tôi phải có 2 năm liên tục sức khỏe yếu kém, có khuyết điểm, không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi không đáp ứng bất cứ tiêu chí nào. Vì Bộ vẫn cần chức danh Phó Văn phòng, để đề bạt người khác thay tôi. Và 2 năm qua tôi đã làm việc liên tục, thậm chí không lấy 1 ngày nghỉ phép và đều được bằng khen, giấy khen của lãnh đạo Bộ. Nhưng tôi kiên trì thuyết phục xin được về hưu, vì tôi không phục cấp trên trực tiếp của mình. Tôi chọn phương án 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ để về hưu, nhường chỗ cho người khác. Cuối cùng Vụ trưởng Tuấn đã đồng ý, nhưng nói thêm là “quyết định cuối cùng vẫn là ở Bộ Nội vụ”. Một cháu ở Vụ Tổ chức cán bộ đã đồng ý đưa tôi cầm tay công văn của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Nội vụ. Tôi đến phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, tìm gặp Vụ trưởng phụ trách lĩnh vực này, trao cho anh ta công văn và nói rằng tôi muốn nghỉ hưu sớm, mong được anh giúp đỡ, lãnh đạo Bộ tôi đã đồng ý. Cuối cùng tôi đã thành công, tôi đã nhận quyết định về hưu sớm vào năm 2008.

 

Tại siêu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có 2 quan điểm phát triển.  Một là đi sâu vào nghệ thuật “cắt bánh chia phần”, bảo vệ quyền lực  này, “tranh chấp” với Bộ Tài chính. Hai là hãy làm sao cho chiếc bánh to ra đã, việc cắt bánh chia phần tính sau. Khi được bổ nhiệm chức Phó Văn phòng Phát triển bền vững, tôi đã đề xuất là Văn phòng PTBV phải đặt tại Vụ Tổng hợp của Bộ. Vụ Tổng hợp là vụ có chức năng khâu nối tất cả kế hoạch phát triển của các vụ chuyên ngành trong Bộ, bao gồm tất cả các lĩnh vực phát triển khác nhau của đất nước. Vụ Tổng hợp phải chủ trì, phụ trách lĩnh vực PTBV. Do Vụ Tổng hợp như đứng ngoài cuộc công việc PTBV nên trong tất cả văn bản Kế hoạch phát triển KT - XH hàng năm và 5 năm (ví dụ, cho giai đoạn 2005 – 2010, tài liệu in rất nhiều để phổ biến rộng rãi tại các hội nghị, hội thảo) từ Trung ương đến địa phương, sự nghiệp PTBV được coi là một  mảng con của lĩnh vực Môi trường. Và lĩnh vực Môi trường lại được coi là một mảng con trong lĩnh vực phát triển Xã hội. Điều này là rất ngộ so với cách hiểu về PTBV của LHQ và đa số các nước phát triển trên Thế giới. Tôi mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư được đổi tên thành Bộ Thể chế Phát triển và đổi tên bản “Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội” hàng năm, cũng như 5 năm của đất nước thành “Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội – Môi trường”. Mỗi một cán bộ của  ngành kế hoạch, từ Trung ương đến tận cấp huyện, xã khi lập kế hoạch phát triển, cắt bánh chia phần vào quí IV hàng năm, khi nhìn vào tiêu đề Kinh tế - Xã hội – Môi trường, sẽ không thể xem nhẹ vấn đề Môi trường, triền miên để nhiều năm chỉ được gần 2% của tổng chi NSNN, gần tương đương với tổng chi NSNN cho phát triển KH&CN. Những kiến nghị này của tôi đã bị cấp trên trực tiếp bác bỏ.

 

10 năm tôi ăn cơm trưa tại nhà ăn của cơ quan Bộ với một số đồng nghiệp, chiến hữu (nhóm ăn cơm theo biểu Excel, tính toán thanh toán vào cuối tháng) tại Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, nên tôi rất yêu Môi trường và Khoa học. Tôi mở mang được tầm nhìn và tư duy phát triển chính là có quá trình gần 10 năm ăn bánh mì và học tập tại nước Cộng hòa Séc và 10 năm làm việc ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Vì rất yêu Môi trường và Khoa học nên tôi đã tự nguyện lựa chọn cách sống sao cho “ecological footprint” của mình là bé nhất. Hiểu nôm na là sống tiết kiệm, thân thiện với môi trường. Cuối cùng, tôi đã đúc rút ra một chân lý sau:

 

“Không tồn tại một xã hội thuần túy, chỉ tồn tại một xã hội sinh thái. Mọi quan điểm phát triển (kinh tế, chính trị, văn hóa) sẽ đổ vỡ nếu như chúng không xuất phát từ quan điểm xã hội sinh thái”

 

Thân tặng tất cả các bạn toàn bộ trang web NGUYENDUCTHANG.VN với các bài viết chỉ để chứng minh cho chân lý nói trên.

 

Nếu có đọc, xin bạn hãy đọc chậm và suy tư để khỏi lãng phí thời gian quí báu của mình.

 

Trân trọng cám ơn. 

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 30/3/2019.

 

Phần 3: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 2:VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 1: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC