DỰ ÁN THỦY LỢI CỐNG ĐẬP CÁI LỚN - CÁI BÉ
LÀ PHẢN KHOA HỌC VÀ RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
(Sự gia tăng ngập úng vào mùa mưa, hạn và xâm nhập mặn vào mùa khô tại
Đồng bằng sông Bát Long là do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gây ra)
THỰC TẾ/SỰ THẬT (TT/ST) 1: Ngày 30/4/2002 đã khánh thành cống đập Ba Lai, bịt miệng cửa sông Ba Lai, một trong chín cửa của sông Cửu Long, không cho đổ vào biển. Mục đích cơ bản của dự án thủy lợi cống đập Ba Lai là ngăn mặn, ngọt hóa vùng này. Sông Ba Lai đã chết vì không có dòng chảy, không được giao duyên hiền hòa với biển như ngàn năm đã có. Do vậy, tôi xin phép được gọi tên là sông Bát Long, và Đồng bằng sông Bát Long theo đúng bản chất của sự thật (chi tiết sẽ được trình bầy tại TT/ST 71).
TT/ST 2: Ngày 10/5/2019 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Hoàng Hiệp đã ký công thư số 3217/BNN-PCTT trả lời kiến nghị của tôi tại bài viết “Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực Tp. HCM là phản khoa học và rất có hại cho đất nước” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008. Trong đó tôi đã liệt kê tất cả 70 TT/ST để phản biện, chứng minh rằng trong tương lai chúng ta sẽ phải bỏ ra khoảng 233.000 tỷ đồng, nhưng ngập úng vẫn hoàn toàn là ngập úng. Không những thế sẽ làm cạn kiệt nguồn lực quí hiếm của đất nước để đầu tư cho những giải pháp có căn cứ khoa học và hiệu quả. Tôi đã chỉ ra 5 nguyên nhân cụ thể của ngập úng cục bộ và tương ứng đề xuất 5 giải pháp “mềm” phi công trình để chống ngập.
Theo tinh thần của công thư số 3217/BNN-PCTT, tôi hiểu là đê bao bảo vệ khu vực Tp. HCM, dài 172km với 12 cống ngăn triều cùng trạm bơm và đê ngăn biển nối Vũng Tàu với Gò Công (Tiền Giang) sẽ không có nữa, mặc dù một số công trình đang xây dựng dở dang. Điều này đối với tôi là một tin vui. Xin chân thành cám ơn Bộ NN&PTNT đã tiếp thu kiến nghị của tôi.
TT/ST 3: Tin vui nữa là trước đó, ngày 22/11/2018, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND Tp. HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công thư số 3245/SNN-CCTL trả lời tôi, nguyên văn: “Trân trọng cám ơn và tiếp thu những ý kiến quí báu của ông về vấn đề Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã rất tâm huyết khi viết bài. Trong đó nêu tổng thể thực trạng thực tế hiện nay của Thành phố Hồ Chí Minh, với đầy đủ số liệu, hình ảnh, sơ đồ liên quan đến vấn đề Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng của thành phố. Đồng thời ông cũng đã đề xuất 5 giải pháp ‘’mềm”, phi công trình cần phải thực hiện ngay để giải quyết vấn đề cấp bách: Giảm ngập cho thành phố. Những giải pháp mềm, phi công trình nêu trên thực sự rất phù hợp và cần thiết, đặc biệt với một thành phố đang hướng tới thành phố thông minh, thân thiện môi trường như Thành phố Hồ Chí Minh”.
TT/ST 4: Tin vui nữa là ngày 12/3/2019 ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp. HCM đã ký công văn số 839/UBND-ĐT chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở NN&PTNT và Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố căn cứ 5 giải pháp “mềm” phi công trình do tôi đề xuất, cụ thể hóa, triển khai thực hiện.
TT/ST 5: Tuy nhiên, tại công thư số 3217/BNN-PCTT, đối với Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé giai đoạn I (dưới đây xin gọi tắt là Dự án) tại tỉnh Kiên Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn cho tiến hành, dựa trên những căn cứ pháp lý hành chính (không có căn cứ khoa học) như dưới đây:
I. NHỮNG CĂN CỨ PHÁP LÝ CỦA Ý CHÍ TRỊ THIÊN:
TT/ST 6:
Quyết định số 86/2006/QĐ-TTg ngày 19/4/2006 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng đến năm 2020.
Quyết định 1366/QĐ-BNN-KH ngày 8/5/2009 của Bộ NN&PTNT phê duyệt Quy hoạch thủy lợi vùng Nam Bán đảo Cà Mau.
Quyết định số 1397/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2012 – 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu nước biển dâng.
Quyết định 498/QĐ-TTg ngày 17/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chủ trương đầu tư Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé.
Quyết định 3805/QĐ-BTNMT ngày 18/12/2018 của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé giai đoạn I.
Công văn đồng ý của UBND các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu
Ngày 25/12/2018 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành quyết định đầu tư số 5087/QĐ-BNN-XD.
II. MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ ÁN:
TT/ST 7:
TT/ST 8: Vùng tác động của Dự án gồm toàn bộ thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, 2/3 tỉnh Kiên Giang, 3 huyện của tỉnh Cà Mau (Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời), một phần nhỏ thuộc tỉnh Bạc Liêu (huyện Hồng Dân và 1/2 huyện Phước Long) và một phần rất nhỏ của tỉnh Sóc Trăng.
TT/ST 9: Theo quyết định phê duyệt, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 được xây dựng tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang với diện tích đất sử dụng vĩnh viễn 55 ha (có 21 ha lòng kênh cũ). Tổng mức đầu tư trên 3.309 tỉ đồng (nguồn vốn trái phiếu chính phủ là 3.300 tỉ đồng, vốn ngân sách 9,5 tỉ đồng), trong đó chi phí xây dựng trên 2.144 tỉ đồng, thiết bị trên 223 tỉ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng trên 133 tỉ đồng. Dự án do Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 thuộc Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư.
TT/ST 10: Mục tiêu cũng như tác động chính, cốt lõi của cống đập Cái lớn, Cái bé là để NGĂN MẶN, GIỮ NGỌT. Khi thủy triều tại vịnh Rạch Giá dâng lên, khoảng 0,3 – 0,5m tràn ngược vào sông, cống sẽ đóng lại, ngăn không cho nước biển đem mặn vào sông. PHÍA TRONG CÁNH CỐNG SẼ LÀ NƯỚC NGỌT, BÊN NGOÀI CÁNH CỐNG SẼ LÀ NƯỚC MẶN. Khi triều rút, nếu nước ngọt trong sông còn thấp, cống sẽ vẫn đóng để giữ ngọt. Cửa cống sẽ chỉ mở khi nước ngọt (tù túng) nhiều, cao hơn mức triều cường, sẽ mở cửa cống để xả thải, cho nước đổ vào biển.
TT/ST 11: Với cống đập Cái Lớn, Cái Bé, cùng với hệ thống đê, kênh, mương bao quanh hiện có Dự án kỳ vọng sẽ ngọt hóa một vùng rộng lớn 384.120 ha. Nhân dân vùng này sẽ không còn lo bị hạn hán và xâm nhập mặn, có đầy đủ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt, sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
III. THỰC TRẠNG THỦY LỢI ĐÃ CÓ CỦA VÙNG DỰ ÁN:
TT/ST 12: Tại vùng Dự án đã tồn tại 3 trục kênh đào chủ đạo, gồm nhiều đoạn kênh nối tiếp nhau, dẫn nước từ bờ nam sông Hậu vào vùng Dự án:
1. Trục kênh Sáng - Cái Sắn - Rạch Sỏi đi Vàm Cống: Tại bờ nam sông Hậu, điểm cực Bắc của huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) là điểm đầu nguồn của kênh Sáng, chảy xuyên qua huyện Vĩnh Thạnh vào thị trấn Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang), đi qua huyện Châu Thành và đổ vào vịnh Rạch Giá.
2. Trục kênh Xáng Xà No: Nước sông Hậu đổ vào sông Cần Thơ, nối vào Kênh Xáng Xà No (chủ yếu nằm trong tỉnh Hậu Giang), đổ vào sông Cái Lớn tại huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) và đổ vào vịnh Rạch Giá.
3. Trục kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp: Nước từ sông Hậu chảy vào kênh Xáng Cái Con (tỉnh Hậu Giang), kênh Xáng Bún Tàu, tiếp đến kênh Xáng, tiếp kênh Phụng Hiệp (Sóc Trăng) chảy đến Ngã Năm (Sóc Trăng) vào huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), chảy vào đoạn ngắn sông Quản Lộ là đến thành phố Cà Mau, đổ tiếp vào sông Ông Dốc, rồi đổ vào biển Tây.
Từ 3 trục kênh chủ đạo này có rất nhiều kênh con, rẽ nhánh, đưa nước sông Hậu vào toàn vùng Dự án.
TT/ST 13: Sông Cái Lớn và sông Cái Bé bắt nguồn từ phía Đông Nam (Kiên Giang) và thị xã Vị Thanh (Hậu Giang) chảy theo hướng Tây Bắc đổ vào vịnh Rạch Giá. Hai con sông này tạo hóa sinh ra không có mối liên hệ với sông Hậu. Nghĩa là lưu vực sông Cái Lớn, Cái Bé là riêng biệt với lưu vực sông Hậu. Tuy nhiên ngày nay sông Cái Lớn, Cái Bé đã nối thông với sông Hậu bằng trục kênh đào Xáng Xà No và thông qua những kênh thủy lợi nhỏ nối với hai trục kênh chủ lực còn lại.
IV. NHỮNG QUI LUẬT VÀ ĐẶC ĐIỂM THIÊN NHIÊN CƠ BẢN CỦA VÙNG ĐBSCL:
TT/ST 14: Cách đây 4.000 ngàn năm toàn bộ vùng ĐBSCL là biển. Cửa sông Mê Kong giáp với biên giới Căm Pu Chia ở tại Châu Đốc và Tân Châu, thuộc tỉnh An Giang ngày nay. Nắng, gió và mưa đã bào mòn những vùng đất thượng nguồn tạo nên phù sa theo dòng Mê Kong đổ ra biển, bồi đắp hình thành nên ĐBSCL ngày nay. Địa hình ĐBSCL là khá bằng phẳng, có độ cao trên mực nước biển trung bình từ 1 – 3m. Cao nhất là vùng biên giới giáp với Căm Pu Chia, dốc dần về phía Nam và Đông Nam.
TT/ST 15: Sông Mê Kong có tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 475 tỷ m3, trong đó có 450 tỷ m3 (gần 95%) chảy vào ĐBSCL. Toàn vùng ĐBSCL có tổng diện tích 40.548km2 (khoảng 4 triệu ha), với tổng lượng mưa cả năm trung bình là 1.600 – 1.800mm, sẽ có thêm khoảng 68 tỷ m3 nước mưa nữa. Như vậy, tổng lượng nước ngọt từ sông Mê Kong đổ vào và nước mưa rơi trực tiếp cả năm, bình quân là 457 tỷ m3.
TT/ST 16: Sông Mê Kong vào Việt Nam chia thành 2 nhánh là sông Tiền và sông Hậu, tiếp tục chia nhánh và đổ vào Biển Đông với 9 cửa sông, do vậy được gọi là sông Cửu Long. Trong đất liền, chiều rộng của sông Mê Kông trung bình từ 60 – 300m. Khi đến biển bề rộng vùng cửa sông lên đến 2km; lớn nhất là cửa sông Hậu lên đến 18km.
TT/ST 17: Từ ngày 30/4/2002 sau khi khánh thành cống đập bịt cửa sông Ba Lai (của sông Tiền) đổ vào biển Đông, nên sông Ba Lai đã chết, vì không có dòng chảy và chỉ chứa nước ngọt tù túng và nước biển vẫn “tập hậu phía sau” đến từ vùng khác . Thời gian đó rất nhiều tấn giấy báo in ngợi ca công trình lịch sử này. Đến nay, bản thân cống đập Ba Lai đã chết từ lâu. Vì vậy, Đồng bằng sông Cửu Long nên đổi thành Đồng bằng sông Bát Long cho đúng với thực tế.
TT/ST 18: Tạo hóa đã ban tặng cho hạ lưu sông Mê Kông 3 “ĐẠI HỒ” ĐIỀU HÒA chứa nước khổng lồ là Tonle Sap ở Căm Pu Chia, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên ở Việt Nam, nên toàn vùng ĐBSCL chỉ có “Mùa nước kiệt” và “Mùa nước nổi” chứ không có LŨ. Các nhà khoa học Thủy lợi từ Bắc vào Nam đã rất ghét Mùa nước nổi nên mới gọi là LŨ. Vào Mùa nước nổi, khi nước quí từ thượng nguồn đổ về, dâng lên từ từ, sẽ được “tích trữ” dần vào 3 đại hồ nói trên. Vào Mùa nước kiệt, nước thượng nguồn đổ về ít, nước từ 3 ĐẠI HỒ ĐIỀU HÒA lại nhả từ từ về xuôi, giúp cho người dân có nước cấy cầy và đẩy mặn.
TT/ST 19: Người dân đã ngàn năm sống no đủ, hạnh phúc giản đơn với 2 mùa nước này. Mùa nước kiệt thì đồng lúa vàng mênh mông thơm phức. Vào Mùa nước nổi thì tôm, cá, cua, ốc, các loại rau, hoa về đầy đồng. Chúng tự sinh sôi nẩy nở, tự phát triển theo một qui luật của tự nhiên là “chuỗi và mạng lưới thức ăn” (food chain and food web). Con người không phải chăm sóc, không phải nuôi trồng, không phải bón phân hóa học và phun thuốc trừ sâu, người dân chỉ có nô nức đi đánh bắt, thu hoạch (tương tự như ra biển đánh bắt hải sản). Mùa khô của Đồng bằng sông Cửu Long thường vào các tháng 12, 1,2, 3, 4, 5. Mùa mưa thường từ tháng 6 đến tháng 11
TT/ST 20: Biển Đông có chế độ bán nhật triều không đều, biên độ dương của triều (triều cường) trung bình từ 1,2 – 1,6m. Biển Tây có chế độ nhật triều không đều và rất yếu, biên độ dương của triều trung bình từ 0,3 – 0,5m. Vì vậy, tác động của xâm nhập mặn đến từ biển Đông lớn gấp 3 lần so với đến từ biển Tây. Xét từ góc độ “tần suất” cũng là gấp 2 lần so với biển Tây.
TT/ST 21: Tác động xâm nhập mặn đến từ biển là chuyện của thiên nhiên đã có từ ngàn năm. Xâm nhập mặn vào sâu đến đâu chủ yếu phụ thuộc vào chế độ thủy văn tại vùng cửa sông, tương tác giữa dòng nước ngọt của sông đổ ra và thủy triều tiến vào. Khi nước sông đổ về nhiều sẽ đẩy ngăn chặn không cho nước biển vào sâu. Khi nước sông về ít, nước biển mặn sẽ tiến vào sâu hơn.
TT/ST 22: Nước biển và đại dương gồm 96,7% là nước tinh khiết (H2O), xáo trộn đồng đều với 3,0% là muối ăn (NaCl, hay 30g/L, 30%o) thành 99,7%, còn lại 0,3% cho tất tật mọi chất tan khác (có mức độ độc hại khác nhau) có thể do con người xả thải vào biển và tự nhiên (mưa, lũ rửa trôi bề mặt) đã, đang và sẽ đổ vào biển ngàn năm nay.
TT/ST 23: Do vậy, ra biển mênh mông mà nói rằng các độc tố phenol và xianua có trong nước thải của nhà máy luyện than cốc của Công ty Formosa Hà Tĩnh làm cá chết đột tử sau một đêm ngủ dậy (sáng 6/4/2016) là rất phản khoa học (chi tiết xin đọc bài viết “Cần trả lại chân lý khoa học cho kết luận về nguyên nhân cá chết” tại website nguyenducthang.vn chuyên mục Hóa học và Môi trường).
TT/ST 24: Trong nước luôn có một tổng lượng các muối hòa tan, chủ yếu là muối chlorua natri (NaCL). Khi tổng lượng muối tan nhỏ hơn 1g/L (còn gọi là 1 phần nghìn, 1ppt hay 1%o) sẽ được gọi là nước ngọt. Nước có tổng lượng muối hòa tan từ 1g/L – 10g/L gọi là nước lợ. Nếu nồng độ muối lớn hơn 10g/L gọi là nước mặn. Nước đại dương, nước biển Đông có nồng độ muối trung bình 30g/L. Dụng cụ để đo độ mặn kèm theo cả nhiệt độ nước hiện đang bán khắp nơi, giá tối đa 80.000 đồng/chiếc. Cây lúa gạo và cây đậu thường chịu được độ mặn từ đến 3g/L. Theo Viện Lúa quốc tế IRRI 1997 độ mặn < 4g/L không ảnh hưởng đến cây lúa. Gần đây nhất báo chí đã đưa tin các nhà khoa học Việt Nam đã tạo giống lúa chịu mặn đến 4 – 5g/L.
TT/ST 25: Nước sông Cửu Long khi giao tiếp với nước biển, sóng triều, hai thứ nước sẽ xáo trộn, hình thành nên vùng nước lợ, với độ mặn tăng dần từ ranh giới đến nước ngọt (1g/L) đến nước biển (độ mặn 30g/L). Như vậy, độ mặn của nước vùng cửa sông là cao nhất khi tiếp giáp với biển và thấp dần khi vào sâu trong đất liền. Khi nước sông về nhiều sẽ đẩy thủy triều, “ngăn” không cho nước biển vào sâu. Ngược lại, khi nước thượng nguồn về ít, nước biển sẽ đi vào sâu hơn. Lớp đất bề mặt qua nhiều năm tháng được nước mưa “rửa” nên bớt mặn, trở thành vùng đất ngọt. Như vậy, tạo hóa đã tạo nên vùng nước lợ, cân bằng mặn – ngọt hàng ngàn năm với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, điển hình, đặc trưng của vùng, cũng là sinh kế cơ bản quanh năm ngày tháng của nhiều đời người dân ở vùng cửa sông.
TT/ST 26: Nền móng toàn vùng ĐBSCL được hình thành từ phù sa trộn lẫn nước lợ, lớp nọ đè lớp kia. Bờ sông, bờ đê, bờ bao cũng đều được hình thành từ bùn, cát, phù sa là những vật liệu không có kết dính, nên sạt lở khi có dòng chảy là chuyện bình thường. Các cụ ngày xưa thường nói “Dòng sông bên lở bên bồi, hay hết bồi lại lở” là qui luật tự nhiên của ĐBSCL rồi. Nếu các con sông ở ĐBSCL mà không thấy lở, không thấy bồi mới là kỳ lạ.
TT/ST 27: Ngày 26 – 27/9/2017 tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Diên hồng về Phát triển bền vững vùng ĐBSCL trước những thách thức của biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị Diên hồng này, không một nhà khoa học nào của Việt Nam nói về quá trình bồi liên tục bờ biển Tây diễn ra trong 43 năm gần đây (từ năm 1968 – 2011). Duy nhất một nữ chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) là chị Anjali Acharya, nói rằng “Bờ Đông lở, để bồi bờ Tây” thông qua chỉ một slide sau:
Đường đỏ là bờ biển Đông và biển Tây vào năm 1968. Đường đen là bờ biển vào năm 2011. Chúng ta cần tin ở điều này, vì World Bank có thể tiếp cận cả kho tàng dữ liệu ảnh vệ tinh của nhiều năm. Chị Anjali Acharya đã giúp phát hiện thêm một qui luật mới là “Bờ Đông lở để bồi bờ Tây”. Mức độ bồi đắp bờ biển Tây là rất mạnh, lấn biển được rất nhiều. Mức độ lở bờ Đông là khá đồng đều và ít, tương ứng với tỷ lệ rừng ngập mặn ở vùng này đã bị chặt phá để nuôi tôm xuất khẩu.
TT/ST 23: Có một công trình nghiên cứu của tập thể 9 tác giả đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Vương quốc Anh, Phần Lan và Mỹ (1Geography and Environment, University of Southampton, UK. 2Water and Development Research Group, Aalto University, Finland. 3EIA Finland Ltd, Finland. 4Department of Geography, Environment and Earth Sciences, University of Hull, UK.5Department of Geology, Geography & GIS, University of Illinois, USA. 6Department of Geography, University of Exeter, UK) đăng năm 2016, trên tạp chí Nature, doi:10.1038/nature19809 và Research Letter.
Tên bài báo có thể tạm dịch “Sự sụt giảm phù sa đổ về ĐBSCL là do chuyển dịch hoạt động của các cơn bão nhiệt đới”. Hệ số tương hợp (tương quan) giữa sụt giảm phù sa và dịch chuyển bão nhiệt đới r = 0,765 là đáng tin cậy. Công trình đã tính toán tổng lượng phù sa sụt giảm cho giai đoạn 25 năm (1981 – 2005) là 52,6 ± 10,2 triệu tấn; trong đó 33,0 ± 7,1 triệu tấn (chiếm 63%) là do sự dịch chuyển hoạt động của các cơn bão nhiệt đới, còn lại 37% là do các đập hồ thủy điện giữ lại. Có lẽ các nhà khoa học Thủy lợi, Thủy lực, Thủy văn của ta nên công nhận những kết quả nghiên cứu này của các nhà khoa học quốc tế.
V. CỐNG ĐẬP CÁI LỚN, CÁI BÉ BỊT CỬA SÔNG LÀ TRỊ THIÊN, LÀ PHẢN KHOA HỌC:
TT/ST 29: Vì hầu hết các con sông đều đổ ra biển, trở về với đại dương, cội nguồn của nước sông. Sóng, gió ngoài biển khơi, đại dương mênh mông bao la, ngày cũng như đêm làm nước biển bốc hơi bay ngược lên trời, tạo thành những đám mây với những giọt nước ngọt tinh khiết, di chuyển khắp nơi. Vào đất liền, những đám mây chứa nước ngọt tinh khiết bị ô nhiễm khí do con người gây ra, nên độ tinh khiết, trong lành bị giảm đi. Vào một thời điểm nào đó thành các cơn mưa, ban nước ngọt cho đất liền. Những dòng nước mưa chảy vào sông và trở lại biển cả, đại dương mênh mông, tạo nên một chu trình thủy văn khép kín, vĩnh hằng của thiên nhiên (hydrological cycle). Việc bịt miệng các con sông là hành động TRỊ THIÊN. Nếu ở đâu cũng bịt miệng cửa sông như ở Việt Nam thì chu trình thủy văn của Trái đất sẽ chấm dứt và đương nhiên loài người sẽ bị diệt vong.
TT/ST 30: Không chỉ có các con sông thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, bất kỳ một con sông nào ở trên Thế giới đổ ra biển đều có sự giao thoa quấn quyện giữa nước mặn và nước ngọt ngàn đời như vậy. Hoàn toàn khác với Việt Nam, Thế giới không bịt miệng cửa sông, ngăn chặn tình duyên giữa sông và biển tạo nên hệ sinh thái cân bằng vốn có ngàn đời, rất đa dạng và phong phú là sinh kế vĩnh hằng nuôi người dân địa phương.
TT/ST 31: Năm 2015 – 2016 là năm đỉnh điểm của thời tiết cực đoan, hiện tượng Elnino, không mưa, đồng lúa khô hạn, thiếu nước ngọt, do vậy xâm nhập mặn vào sâu thêm khoảng từ 3 - 5km so với bình thường tại các cửa sông Tiền và sông Hậu, sông Cái Lớn, Cái Bé. Đài báo thường phổ biến nói hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề tại các tỉnh ĐBSCL làm cho nhân dân cả nước hoang mang, nghĩ là nước biển vào rất sâu, tàn phá khắp vùng. Đúng ra, đài báo cần nói chính xác hơn vì chỉ các tỉnh ven biển, duyên hải và những vùng trồng lúa mới bị xâm nhập mặn ảnh hưởng mà thôi. Khi độ mặn đo được từ 1 – 4g/L (tức 1 – 4 phần nghìn) báo chí đã làm nóng lên, mặc dù độ mặn ấy không ảnh hưởng đến cây lúa.
TT/ST 32: Ứng với thời tiết cực đoan, thiệt hại do thiên tai, cần phải áp dụng những biện pháp tức thì, khẩn cấp, trợ giúp, xử lý và khắc phục. Tuy nhiên, việc xây cống đập Cái Lớn, Cái Bé là lâu dài, cho vài chục năm, nhằm ngọt hóa một vùng rất rộng lớn, lại dựa chủ yếu vào hiện thời tiết cực đoan, ngắn hạn 1 – 2 năm là phản khoa học. Cần lấy hiện tượng thời tiết đa số, thời tiết phổ biến làm căn cứ để xây dựng các chủ trương, chính sách, hay dự án lâu dài. Bộ quản lý Nhà nước khi xây dựng chủ trương, chính sách hay đề xuất giải pháp không nên dựa trên những tin tức thời sự quá nóng (ủng hộ nhóm lợi ích nào đó) trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
TT/ST 33: Lúa chết, mất mùa, năng suất giảm, thất thu thường có một số nguyên nhân như hạn hán, sâu bệnh, đất đai thoái hóa, biến tính do liên tục bị bón phân hóa học, xâm nhập mặn, giống chất lượng kém, phân bón giả, thuốc trừ sâu giả v.v... Do vậy cần phải xác định chính xác nguyên nhân và có “đơn thuốc” điều trị đúng. Không thể lấy đơn thuốc cho 30 – 40 năm vận hành cống đập Cái Lớn, Cái Bé bịt miệng cửa sông, ngăn mặn, ngọt hóa vĩnh viễn tại những vùng ven biển để ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan Elnino, 1 hay 2 năm.
TT/ST 34: Vì biên độ dương của triều biển Tây tại vùng cửa sông Cái Lớn, Cái Bé rất nhỏ, trung bình 0,3 – 0,5m và một ngày chỉ có một lần, nên cho dù rất khô hạn, ít mưa, xâm nhập mặn đến mức hơn 4g/L là quá nhỏ, không thể vào sâu quá vài km tính từ cửa sông. Do vậy việc xây cống đập Cái Lớn, Cái Bé là hoàn toàn không cần thiết. Thêm vào đó, quan điểm cho rằng cống đập Cái Lớn, Cái Bé tại bờ biển vịnh Rạch Giá có tác động, ngăn mặn ngọt hóa cho một vùng rộng lớn 909.248 ha, từ bờ biển Tây đến bờ Nam của sông Hậu, khoảng 130 - 160km, là cường điệu và duy ý chí.
TT/ST 35: Mục tiêu, nội dung ngăn mặn, ngọt hóa của dự án lại MÂU THUẪN với chính bản đồ hiện trạng và dự báo mặn xâm nhập vùng ĐBSCL cho năm khô hạn, xâm nhập mặn cực đoan nhất 2016. Bản đồ này là của Bộ NN&PTNT, do chính Bộ ban hành.
TT/ST 36: Đúng là có thời tiết cực đoan, nhưng Thế giới không đổ lỗi cho ông Trời, cho khách quan. Vì mưa thuận, gió hòa vẫn là chủ yếu và thường xuyên mà ông Trời ban tặng cho con người. Trải qua 20 năm nghiên cứu, đến nay 100% các nhà khoa học về thời tiết khí hậu trên Thế giới đã đi đến kết luận: Loài người phải chịu trách nhiệm về “Biến đổi khí hậu, gia tăng thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng”, 100% là do con người gây ra” (anthropogenic/human activities). Nếu như toàn Thế giới chung sức, đồng lòng thực hiện thỏa thuận Paris 2015 nhằm cắt giảm phát thải cacbon thông qua cắt giảm tiêu dùng nhiên liệu hóa thạch (than là chủ yếu, xăng, dầu, khí đốt thiên nhiên) và bảo vệ rừng, duy trì thảm thực vật xanh thì mưa thuận, gió hòa sẽ luôn đồng hành cùng con người.
TT/ST 37: Đáng tiếc là Bộ Công thương sau khi tham gia, chứng kiến ký kết thỏa thuận Paris 2015, vẫn trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016 phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030” đưa tỷ trọng sản lượng nhiệt điện than vào năm 2030 lên “quân vương, trụ cột” chiếm 53,2%, trong khi hai loại điện vô cùng sạch lại vô cùng nhỏ, cụ thể điện gió 2,1%, điện mặt trời 3,3%. Vì tháng 11/2016 Quốc hội đã ra nghị quyết bỏ điện hạt nhân (5,7%), vì hồ sơ các dự án xin đầu tư phát triển các nhà máy nhiệt điện than nhiều tỷ USD của EVN, PVN và TKV (Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam) và các nhà đầu tư nước ngoài đang chất cao ở Bộ Công thương, nên tỷ trọng nhiệt điện than sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ đến 60%. Việt Nam đã chọn mô hình điện lực của thập kỷ 60 – 70 cho tương lai của mình, trái ngược hoàn toàn với xu thế phát triển điện lực của Thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Bloomberg NEF, bình quân tỷ trọng nhiệt điện than của toàn Thế giới đạt đỉnh cao nhất lịch sử vào năm 2013 là 41,3%, sau thỏa thuận Paris 2015 đã giảm xuống 38% vào năm 2017. Sẽ nhanh chóng giảm xuống 24,4% (năm 2030), và giảm tiếp xuống 11% vào năm 2050.
VI. ĐÊ BAO, CỐNG ĐẬP ĐỂ CẤY LÚA 3 VỤ LÀ CHÍNH SÁCH LÀM NGHÈO ĐẤT NƯỚC
TT/ST 38: Các cây đa khoa học Thủy lợi ngoài Bắc vào Nam đã rất ghét Mùa nước nổi và qui tội là LŨ gây ngập lụt, mặc dù toàn dân Việt Nam theo ngôn ngữ mẹ đẻ đều hiểu thế nào là LŨ. Trong mọi báo cáo văn bản mà Bộ NN&PTNT trình lên Chính phủ cũng đều gọi là LŨ. LŨ gì mà lại lên rất từ từ, rất chầm chậm, ngày này qua ngày khác, không gây chết một ai, không cuốn trôi đồ đạc, không tàn phá nhà cửa.
TT/ST 39: Hóa ra dòng nước ngọt quí này chỉ có mỗi một tội là gây ngập cho cây lúa. Năm 2000, Bộ NN&PTNT cho rằng cần phải xây đê bao chặn LŨ hoàn toàn để tiếp tục cấy lúa 3 vụ quanh năm; Việt Nam phải đứng đầu Thế giới về xuất khẩu gạo, thu về rất nhiều ngoại tệ mạnh. Cả Trung ương và chính quyền địa phương vào cuộc. Tiền tấn, tiền tạ được Nhà nước đầu tư đến 70%, người dân chỉ bỏ ra có 30%.
TT/ST 40: Báo chí, truyền thông cả nước vào cuộc ngợi ca chủ trương đê bao để đưa Việt Nam trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo. Toàn vùng ĐBSCL đua nhau tôn đê cao hơn nữa ngăn không cho LŨ tràn vào đồng làm úng ngập lúa.
TT/ST 41: Vô tình, người dân đã hoàn toàn mất quyền quyết định nuôi con gì, trồng cây gì, quyền rất cơ bản của nông dân. Đã làm đê bao, bắt buộc phải trồng lúa. Nhà nước đã chủ động bỏ ra 70% rồi, nên người dân không góp nốt 30% là không phải, không nên. “Sáng kiến” xây đê bao để trồng lúa 3 vụ quanh năm, đã xóa đi cơ hội, khả năng trồng cây khác, nuôi con khác của người dân.
TT/ST 42 đến TT/ST 46: Các lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, đã nhiều năm quen phấn khởi trước những KẾT QUẢ mà không cần biết đến HIỆU QUẢ như thế nào:
TT/ST 47: Tháng 5/2015, nữ chuyên gia quốc tế Tong Yen Dan đã công bố công trình nghiên cứu của mình, lượng hóa qui hết ra tiền “Phân tích những chi phí và lợi ích của hệ thống đê bao tôn cao ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Nghiên cứu này được Chương trình Môi trường và Kinh tế Đông Nam Á tài trợ (The Economy and Environment Program for Southeast Asia, Văn phòng đặt tại Philippines) “A Cost – Benefit Analysis of Dike Heightening in Mekong Delta” May, 2015. (https://ideas.repec.org/p/eep/report/rr20160320.html)
Tác giả đã được sự hợp tác của một số nhà khoa học quốc tế có uy tín trong lĩnh vực kinh tế môi trường (environmental economics), nhận được sự trợ giúp của Trường Đại học tổng hợp Cần Thơ và đã chọn An Giang là tỉnh điển hình của ĐBSCL để nghiên cứu trong 1 năm. Các phương pháp tính toán chi phí và lợi ích là theo chuẩn quốc tế.
TT/ST 48: Từ năm 2001 – 2012 An Giang đã đầu tư thực hiện 7440 công trình, có 1588 kênh, đào 74,2 triệu m3 đất, đắp được 1939 đê với tổng chiều dài 10.428km, có 197 cống và 1269 trạm bơm. Tổng chi phí đầu tư là 3.621 tỷ đồng tính theo thời giá năm 2012. Trong tổng này, theo qui định chung 70% là Nhà nước đầu tư, người dân bỏ ra 30%. Nhờ vậy đã đưa diện tích trồng lúa 3 vụ quanh năm tăng vượt bậc, năm 2001 là 18.885 ha, năm 2012 là 149.542 ha.
TT/ST 49: Kết quả tổng hợp cuối cùng về chi phí – lợi ích đối với Nhà nước và người dân như sau:
a) Đối với Nhà nước: Tổng lợi ích thu được từ lúa vụ 3 là 139.311 nghìn đồng/ha; tổng chi phí phải bỏ ra 187.076 nghìn đồng/ha. Tổng thua lỗ 47.765 nghìn đồng/ha. Khi nhân với tổng diện tích lúa vụ 3 là 630.000 ha, ta có tổng thiệt hại sẽ là 30.092 tỷ đồng. Trong đó UBND tỉnh An Giang bị thiệt hại 7.165 tỷ đồng.
b) Đối với nông dân: Tổng lợi ích thu được từ lúa vụ 3 là 139.311 nghìn đồng/ha; tổng chi phí phải bỏ ra 142.692 nghìn đồng/ha. Tổng thua lỗ 3.381 nghìn đồng/ha. Khi nhân với tổng diện tích lúa vụ 3 là 630.000 ha, ta được tổng thiệt hại đối với nông dân là 2.130 tỷ đồng. Trong đó nông dân tỉnh An Giang bị thiệt hại là 507 tỷ đồng.
NHƯ VẬY KẾT QUẢ LÀ CÓ, CÓ ĐÊ BAO, CÓ CỐNG, CÓ ĐẬP; NHƯNG HIỆU QUẢ LÀ ÂM
TT/ST 50: Trong sản xuất kinh doanh mà lỗ vốn chỉ có phá sản. Trong sản xuất kinh doanh không thể lồng ghép mục tiêu chính trị “lỗ cũng được nhưng đã tạo công ăn việc làm cho dân”. Lãnh đạo địa phương sử dụng ngân sách Nhà nước mà không có hiệu quả cũng là có lỗi với dân. Người dân đã trả lương để lãnh đạo làm việc, vì vậy, lãnh đạo phải sử dụng NSNN sao cho hiệu quả. Ở đây Nhà nước cũng lỗ và nông dân cũng lỗ chứng minh rằng chủ trương, chính sách xây dựng đê bao sống với 3 vụ lúa quanh năm rõ ràng là có hại cho đất nước. Xóa đói, giảm nghèo mà không hiệu quả sẽ mãi nghèo. Chưa tồn tại một học thuyết kinh tế nào chứng minh rằng giai đoạn khởi đầu của phát triển không cần quan tâm đến hiệu quả của đầu tư.
TT/ST 51: Tuy nhiên, công trình nghiên cứu của nữ chuyên gia quốc tế Tong Yen Dan, chỉ lượng hóa qui hết ra tiền của những chi phí và lợi ích của hệ thống đê bao tôn cao mà thôi. Tác giả không xét đến hậu quả của việc làm chuyển đổi cả một nền nông nghiệp hữu cơ sinh thái thuần khiết của ông cha ta sang nền nông nghiệp vô cơ với phân hóa học và đậm đặc thuốc trừ sâu là chủ lực, trụ cột.
TT/ST 52: Cây lúa cũng như các cây rau, quả khác từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch nếu không có vài lần phun thuốc trừ sâu sẽ không có lúa và rau quả để gặt hái. Không phải người nông dân nào cũng sử dụng thuốc trừ sâu đúng lúc, đúng liều lượng, đúng chỗ có sâu, đúng thời gian. Đa phần người nông dân thường phun trước, phun phòng ngừa, phun rộng khắp cánh đồng, phun với liều đậm đặc cho chắc ăn. Để có một quả đỗ dài luộc ăn, hay có 1 bông hồng để ta mua ngắm, trước đó đã phải 3 – 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, ngày nay không còn khái niệm trốn tránh đô thị vì ô nhiễm khói bụi, về quê để hưởng không khí trong lành, môi trường xanh, sạch đẹp nữa. Bây giờ về quê là hít thở không khí ô nhiễm thuốc trừ sâu, phun phủ khắp cánh đồng.
TT/ST 53: Thuốc trừ sâu phun trên đồng lúa hòa tan vào nước; thuốc trừ sâu được nước mưa rửa trôi từ thân cây, cành lá và đất, tất cả chảy vào kênh, rạch, mương và lan tỏa đi khắp nơi. Loài động vật phù du trong nước (zooplankton) ăn thuốc trừ sâu. Tôm, cua, cá, ốc ăn động vật phù du. Con người ăn tôm, cua, cá, ốc. Đó chính là chuỗi và mạng lưới thức ăn (food chain and food web), một qui luật của tự nhiên đã tồn tại nhiều triệu năm rồi. Do vậy nếu nồng độ của DDT trong nước là vô cùng nhỏ, giả sử là 1 phần tỷ, thì nồng độ DDT trong con người có thể là 1 phần vạn. Đó cũng là một qui luật của tự nhiên mà chúng ta phải ghi nhớ, qui luật về “khuyếch đại và tích tụ sinh học các chất ô nhiễm” thông qua chuỗi thức ăn (biological accumulation and magnification of pollutants).
TT/ST 54: Cách đây khoảng 20 năm, làng ung thư đầu tiên được các đài, báo nói đến là các làng thuộc xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Tỉnh là biểu tượng nền đại công nghiệp thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp, xây dựng XHCN với những điển hình như nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy Pin ắc quy Phú Thọ, nhà máy Giấy Bãi Bằng. Ngày nay thì cả nước đang gồng mình lên vì ung thư. Ung thư đang đến với mọi gia đình.
TT/ST 55: Dự án cống đập Cái Lớn, Cái Bé sẽ bịt miệng cửa sông Cái Lớn, Cái Bé để ngăn mặn từ biển Tây. Kiên Giang là tỉnh liền kề biển Tây, ngàn năm gắn bó với biển Tây, thế mà vào thời buổi cách mạng công nghiệp 4.0, nên kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo, mà lại sợ nước biển Tây đã cả nể để Bộ NN&PTNT cho triển khai xây dựng cống đập Cái Lớn, Cái Bé để trồng lúa 3 vụ ở phía Nam của tỉnh. Những người dân ở vùng này nếu ai đang sống bằng nghề nuôi tôm xuất khẩu sẽ trở nên bất hạnh. Có những nơi người dân đã biểu tình đòi phá cống đập ngăn mặn ở kênh, rạch.
TT/ST 56: Tại ĐBSCL đã xẩy ra nhiều mâu thuẫn, tranh chấp khi cống đập ngăn mặt, giữ ngọt đảm bảo cho trồng lúa, trong khi cũng nhiều người quan tâm, cần có nước mặn đến nuôi tôm để xuất khẩu. Người dân đã nhiều năm sống thuận thiên, không cống đập bịt miệng cửa sông, do vậy không xẩy ra tranh chấp, mâu thuẫn khi trên cùng một cánh đồng, anh cần nước ngọt, trong khi tôi lại cần nước mặn.
TT/ST 57: Cống đập Cái Lớn, Cái Bé là để ngăn mặn, giữ ngọt cho trồng lúa coi như sẽ ép người dân vùng này sống mãi mãi, trung thành với lúa. Đáng tiếc là cây lúa, sau 30 năm Việt Nam xuất khẩu gạo, chưa hề mang lại giầu có, ấm no cho nông dân. Bình quân những năm qua Việt Nam sản xuất khoảng 26 - 28 triệu tấn gạo/năm, khối lượng gạo xuất khẩu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo/năm. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước (Nguồn: 30 năm xuất khẩu gạo của Việt Nam, ngày 29/4/2019, VnEconomy.vn). Những năm gần đây, dòng lớn nam nữ thanh niên, bỏ lại đồng lúa và con thơ cho bố mẹ già, lầm lũi về Tp. HCM kiếm sống, gây quá tải cho thành phố này.
TT/ST 58: “Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé xác định cả một vùng rộng lớn 909.248 ha sẽ được ngọt hóa. Nhân dân vùng này sẽ không còn lo bị hạn hán và xâm nhập mặn, có đầy đủ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt, sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”. Những nhà thiết kế dự án có sức tưởng tượng rất to lớn. Thời buổi những năm 2019 đến 2050 họ vẫn nghĩ rằng cấy lúa, làm nông nghiệp nước ngọt vẫn sẽ là tương lai phát triển của vùng này.
TT/ST 59: Họ không cần biết những thông tin khá phổ thông và thường nhật như dưới đây:
Tốc độ tăng (%) tổng sản phẩm trong nước các năm 2015-2018
Khu vực |
Năm 2015 |
Năm 2016 |
Năm 2017 |
Năm 2018 |
Nông, lâm và thủy sản |
2,41 |
1,36 |
2,90 |
3,76 |
Công nghiệp và xây dựng |
9,64 |
7,57 |
8,00 |
8,85 |
Dịch vụ |
6,33 |
6,98 |
7,44 |
7,03 |
Ng(NguN (Nguồn: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và 2018 Tổng cục Thống kê)
TT/ST 60:
TT/ST 61: Cống đập Cái Lớn, Cái Bé có nghĩa là tiếp tục trói buộc người dân vùng này vào với trồng lúa, trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên nói về cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, nền kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế mạng.
TT/ST 62: Theo Hiệp hội các nhà Giáo dục quốc tế (NAFSA.org) trong khóa học năm 2017 – 2018 tại Mỹ có 1.094.792 sinh viên quốc tế theo học, đóng góp khoảng 39 tỷ USD, hỗ trợ hơn 455.000 công ăn việc làm.
TT/ST 63: Năm học 2017 – 2018, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 6 trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Mỹ, với 24.325 sinh viên, tăng 1.887 so với năm học 2016 - 2017, tức tăng 8,4%, đã đóng góp 881 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ (Giadinh.net.vn, ngày 18/11/2018).
TT/ST 64: Trung bình 1 tấn gạo xuất khẩu người dân ĐBSCL thu được 350 USD mua được 1 chiếc smartphone nặng khoảng 200gam. Công ty ITG của những chuyên gia phần mềm Việt Nam, bán phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP nặng coi như 0 gam, giá từ 50.000-100.000 USD tùy vào độ phức tạp của hệ thống.
TT/ST 65: Bài báo AI ĐANG NGỒI TRÊN ĐỐNG LỬA? “Bà con nông dân tỉnh tôi đang ngồi trên đống lửa vì giá lúa rớt thê thảm. Chủ nhật vừa rồi tôi đi thăm họ mà thấy ai nấy đều buồn vì lúa bán không được. Trưa ghé ăn cơm huyện ủy lại được mời ăn gạo sóc của CPC mà muốn rớt nước mắt. Mấy ảnh giải thích ăn gạo CPC ...an toàn hơn. Thì cũng có một bộ phận người Việt đang quay lưng lại với chính nông sản của mình…”. Đó là lời kể của ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh Đồng Tháp kể khi được hỏi về tình hình nông sản sắp tới trong Lễ Công Bố Hàng VNCLC 2019 tối 20/2/2019” (Nguồn: https://baotiengdan.com/2019/02/22/ai-dang-ngoi-tren-dong-lua/)
TT/ST 66: Cây lúa là cây “ngốn” rất nhiều nước. Các nhà khoa học từ lâu đã tính được để sản xuất ra 1kg gạo cần đến 2.500 lít nước. Đây thực sự là một tin vui đối với ngành thủy lợi. Hạn hán, xâm nhập mặn mà được báo chí tung hô cũng là tin vui đối với ngành thủy lợi. Chính vì vậy mà GS.TS Võ Tòng Xuân, đại biểu Quốc hội nhiều Khóa liền, có mấy chục năm gắn bó với nông nghiệp ĐBSCL, với công tác giáo dục, đào tạo. Giáo sư cũng có bài tham luận tại Hội nghị Diên hồng về Phát triển bền vững ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ. Dưới đây là ảnh chụp nguyên văn 1/2 trang báo cáo của giáo sư, đoạn nói về ngành Thủy lợi:
TT/ST 68 đến TT/ST 70 dưới đây được lấy từ nguồn WB Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2016: Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam):
TT/ST 68: Cho đến gần đây khoảng 80% lượng nước ngọt sử dụng tại Việt Nam là dành cho nông nghiệp. Ước tính kể từ giữa thập kỷ 1970 khoảng 6 tỉ USD (giá trị hiện tại) đã được đầu tư cho thủy lợi, chiếm khoảng 80% vốn đầu tư phát triển của Chính phủ cho nông nghiệp.
TT/ST 69: Ngành trồng trọt đã kéo mức tăng trưởng chung của nông nghiệp Việt Nam xuống.Trong giai đoạn 2010-2013, ngành trồng trọt chỉ tăng trưởng 2%/năm. Đây là điều rất đáng chú ý vì đây chính là thời kỳ mà ngành lúa gạo tăng trưởng rất mạnh và lượng xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt khác cũng tăng trưởng mạnh. Thực tế lúa vẫn là cây trồng chính. Tuy sản lượng lúa gạo tăng mạnh nhưng giá trị gia tăng không cao, cả trong khâu sản xuất và chế biến, cả giá trị tuyệt đối cũng như tương đối.
TT/ST 70: Việt Nam là nước duy nhất bị sụt giảm về tăng trưởng năng suất lao động nông nghiệp. Do vậy khoảng cách về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước đã tăng lên và tỷ trọng năng suất lao động nông nghiệp trên tổng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cũng giảm nhanh nhất tại Châu Á. Vậy lý do của tình trạng năng suất lao động nông nghiệp thấp là gì? Lý do chính là lúa gạo chiếm vị trí chủ lực và Việt Nam dành đất tốt nhất và được tưới tiêu tốt nhất cho sản xuất lúa gạo. Giá trị gia tăng từ sản xuất lúa gạo thấp và năng suất nước của hệ thống thủy lợi phục vụ trồng lúa cũng thấp.
TT/ST 71: Dự án cống đập Cái Lớn, Cái Bé là phản khoa học vì không chịu tiếp thu, học tập và rút kinh nghiệm từ sự thất bại của cống đập Ba Lai.
Sông Mê Kong đổ vào biển Đông qua 9 cửa sông nên được gọi là Cửu Long, lần lượt là cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiêu, Cung Hầu, Định An, Ba Thác và Trần Đề. Cống đập Ba Lai, hoàn thành ngày 30/4/2002, bịt miệng sông Ba Lai để ngọt hóa vùng này. Tuy nhiên, mặn đã “tập hậu” vào vùng này qua hàng loạt những kênh, mương khác nối thông với sông Đại hay Hàm Luông. Dự án này đã thất bại từ lâu. Sông mà không có dòng chảy là sông chết. Nước lợ tù túng với nhiều nước thải sinh hoạt dân cư, khu công nghiệp do không được thau rửa, đẩy ra biển đã gây ô nhiễm nặng nề. Người dân vùng này vô cùng tiếc nuối vì con sông đã chết. Vì vậy, danh nghĩa là đồng bằng sông Cửu Long, nhưng thực tế đang là đồng bằng sông Bát Long.
VII. ĐÊ BAO, CỐNG ĐẬP ĐỂ CẤY LÚA 3 VỤ LÀ NGUYÊN NHÂN GIA TĂNG NGẬP ÚNG VÀO MÙA NƯỚC NỔI VÀ KHÔ HẠN XÂM NHẬP MẶN VÀO MÙA NƯỚC KIỆT
TT/ST 72: Trời đã ban tặng cho người dân ở ĐBSCL 3 “ĐẠI HỒ” ĐIỀU HÒA chứa nước khổng lồ là hồ Tonle Sap ở bên Căm Pu Chia, vùng Đồng Tháp Mười và vùng Tứ giác Long Xuyên ở Việt Nam, nên toàn vùng ĐBSCL chỉ có “Mùa nước kiệt” và “Mùa nước nổi” chưa hề có LŨ. Vào Mùa nước nổi, khi nước quí từ thượng nguồn đổ về, dâng lên từ từ, sẽ được “tích trữ” dần vào 3 đại hồ nói trên. Vào Mùa nước kiệt, nước thượng nguồn đổ về ít, nước từ 3 đại hồ lại nhả từ từ về xuôi, giúp cho người dân có nước cấy cầy và đẩy mặn.
TT/ST 73: Ở bên Căm Pu Chia đại hồ Tonle Sap cho đến nay vẫn được giữ nguyên trạng. Tuy nhiên ở Việt Nam, chức năng chứa nước của toàn vùng Đồng Tháp Mười và vùng Tứ giác Long Xuyên đã bị xóa sổ bởi chính hệ thống 57.000km đê bao trồng lúa. Tổng diện tích 2 vùng này gần 1,5 triệu ha. Trước năm 2000, hàng năm vào Mùa nước nổi, hai “đại hồ” có thể chứa khoảng 15 tỷ m3 nước phù sa màu mỡ. Ngày nay tổng lượng nước đó sẽ đi đâu, về đâu? Chúng sẽ theo sông, kênh, rạch chảy đi khắp nơi. Đích đến cuối cùng rồi sẽ là biển cả. Giả sử 15 tỷ m3 nước này đổ dồn hết, cùng một lúc, cho 5 tỉnh “miền xuôi” Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre có tổng diện tích là 9.378km2 (Theo tập Bản đồ hành chính quốc gia) thì mực nước làm ngập vùng này sẽ là 1,6m (15 tỷ m3 : 9,4 tỷ m2).
TT/ST 74: Như vậy, vào mùa mưa, 15 tỷ m3 nước ngọt phù sa màu mỡ này đã trở về với biển. Trên đường về với biển đã làm gia tăng ngập úng nhiều nơi. Ngoài ra đó thực sự là lãng phí tài nguyên nước, không được “LƯU TRỮ” vào vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười. Hai “đại hồ” này không có nước nữa, sẽ “trơ lòng, phơi đáy”. Vào mùa khô, Mùa nước kiệt, không một giọt nước nào từ hai “đại hồ” này được nhả từ từ về xuôi, góp phần cung cấp nước ngọt, ngăn triều, đẩy mặn tại các cửa sông như ngàn năm nó đã có.
Hệ thống thủy lợi với 57.000km đê bao để trồng lúa 3 vụ quanh năm đã bức tử hai “đại hồ” này. Chính sách thủy lợi TRỊ THIÊN đã đảo lộn cuộc sống hiền hòa ngàn năm đã có của người dân vùng này, lãng phí tài nguyên nước, làm gia tăng ngập úng vào mùa mưa, gia tăng hạn hán và xâm nhập mặn vào mùa khô. Đúng như GS.TS Võ Tòng Xuân đã nói về ngành Thủy lợi “Tâm lý ngành này “có công trình mới có ăn” nên thường xuyên đề xuất với lãnh đạo nhiều công trình để trồng thêm lúa, rất tốn kém và không hiệu quả trong thời buổi này”.
TT/ST 75: Nữ chuyên gia quốc tế Tong Yen Dan trong dự án trong nghiên cứu “Phân tích những chi phí và lợi ích của hệ thống đê bao tôn cao ở Đồng bằng sông Cửu Long” đã lượng hóa qui hết ra tiền thiệt hại, rất cụ thể: Đối với Nhà nước thua lỗ 47.765 nghìn đồng/ha. Đối với nông dân, thua lỗ 3.381 nghìn đồng/ha. Giá mà cộng thêm cả 3 tác động môi trường rất to lớn là lãng phí tài nguyên nước, làm gia tăng ngập úng vào mùa mưa, gia tăng hạn hán và xâm nhập mặn vào mùa khô chứng minh rõ ràng chính sách này đã LÀM NGHÈO ĐẤT NƯỚC.
TT/ST 76: Thậm xưng hơn nữa, các cây đa khoa học thủy lợi còn cho rằng nhờ có ngành Thủy lợi nên Việt Nam mới từ một nước đói ăn, xin viện trợ lương thực trở nên no đủ và có gạo xuất khẩu. Nhiều ngàn tỷ tấn báo giấy, phát thanh và truyền hình, triền miên ca ngợi ngành Thủy lợi. Tại bài viết XIN CÁC NHÀ KHOA HỌC THỦY LỢI ĐỪNG “ĐẢO CHÍNH” LỊCH SỬ! tôi đã phân tích, chứng minh rằng vào năm 1986, ngành Thủy lợi đã hơn 40 tuổi xung lực tràn đầy, thế mà đất nước vẫn thiếu gạo đói ăn. Trong những năm 67-68 ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, vô cùng đau đớn thấy nhiều năm ruộng đồng mầu mỡ tốt tươi, thủy lợi tưới tiêu đầy đủ, thế mà nông dân vẫn đói ăn. Hình ảnh người nông dân làm ruộng của HTX thời đó “Giơ cuốc lên, nhưng nghe thấy tiếng kẻng nghỉ trưa đã không thèm bổ xuống ruộng, mà đặt cuốc ngay lên vai mình, thanh thản bước lên bờ ra về” cho thấy người nông dân không thiết tha làm việc trong HTX thời đó. Thương dân quá, ông đã dấu Trung ương thực hiện “khoán chui”, thực chất là “xé” HTX, trao trả lại ruộng đất cho nông dân tự làm và khoán thu sản phẩm, còn lại bao nhiêu nông dân hưởng hết. Chỉ sau có vài tháng, dân có cơm ăn no nhờ khoán chui. Các cánh đồng 5-7 tấn/ha liên tiếp hình thành, năng suất và sản lượng tăng gấp đôi gấp ba, nạn đói giáp hạt kinh niên từng bước được loại bỏ, cảnh ấm no hạnh phúc đã hiển hiện trên quê hương Vĩnh Phúc.
TT/ST 77: Tuy nhiên, tại Hội nghị đảng bộ, Ông đã bị phê bình, kỷ luật, qui kết nặng nề: “Việc khoán ruộng cho hộ đã dẫn đến hậu quả tai hại là phát triển tư tưởng tư lợi, làm phai nhạt ý thức tập thể của xã viên, thủ tiêu phong trào thi đua yêu nước trong HTX; kìm hãm và đẩy lùi cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp; phục hồi và phát triển lối làm ăn riêng lẻ, đẩy HTX vào con đường thoái hóa và tan rã”.
TT/ST 78: Phải mãi 20 năm sau, là thời gian quá dài đấu tranh nội bộ, giằng co về quan điểm phát triển, đến năm 1988, Bộ Chính trị, BCH TW Đảng mới ban hành Nghị quyết 10 chính thức coi “Hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ” và cho thực hiện khoán hộ trong toàn bộ nền nông nghiệp. Chỉ sau có 1 năm, vào năm 1989 Việt Nam đã có gạo xuất khẩu. Ông Kim Ngọc là “Cha đẻ” của khoán hộ trong nông nghiệp đã đi vào lịch sử của đất nước, xin các nhà khoa học Thủy lợi đừng đảo chính lịch sử nữa!.
VIII. KIẾN NGHỊ:
UBND các tỉnh liên quan không nên cả nể Bộ NN&PTNT, cần cân nhắc thật kỹ và vì lợi ích của nhân dân tỉnh mình, cần chủ động có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT cho dừng dự án hệ thống thủy lợi cống đập Cái Lớn, Cái Bé.
Thủ tướng Chính phủ nên chỉ đạo dừng dự án. Thiệt hại ít còn hơn thiệt hại nhiều, thiệt hại lâu dài trong suốt 30 – 40 năm vòng đời của dự án.
Thủ tướng Chính phủ nên chỉ đạo Bộ NN&PTNT tháo dỡ toàn bộ các cánh cống của cống đập Ba Lai, trả lại dòng chảy tự nhiên cho con sông, làm sống lại sông Ba Lai, trả lại đầy đủ 9 cửa sông cho sông mẹ Cửu Long.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là Tổng tư lệnh của ngành, không nên đặt lợi ích của ngành mình lên trên lợi ích của cả đất nước, cả dân tộc./.
Tôi thực sự cầu thị về khoa học, đón nhận những phê phán, góp ý, nhưng xin hãy thật cụ thể, bám theo 78 TT/ST mà tôi đã liệt kê.
Xin trân trọng cám ơn bạn đọc.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 20/8/2019.