TẢN MẠN >ĐỊNH NGHĨA THẾ NÀO LÀ CÔNG NGHỆ CAO?
Ngày đăng: 13-06-2020 - 05:34:25

ĐỊNH NGHĨA THẾ NÀO LÀ CÔNG NGHỆ CAO?

 

 

Định nghĩa thế nào là công nghệ cao quả thật là rất khó. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta, ai cũng nghĩ mặc nhiên đó là công nghệ thông tin, là máy tính, là viết phần mềm, là sản xuất ra chiếc smart phone... Cách đây hơn 7 năm, tình cờ tôi đọc được văn bản của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó công nghệ môi trường được qui định là công nghệ cao. Thời gian đó công nghệ môi trường đang là mốt và nóng. Vì tôi đã được học về công nghệ môi trường, đọc những sách về các công nghệ xử lý nước thải khác nhau, tôi không thấy công nghệ môi trường là công nghệ cao tý nào cả. Đến nay (12/2018), xử lý nước thải bằng phương pháp bùn hoạt tính (Activated Sludge Method) vẫn đang thống trị trên cả đất nước Việt Nam. Trong đó có 3 nhà máy XLNT lớn nhất của Việt Nam được Bộ Xây dựng đang triển khai thực hiện. Đó là nhà máy XLNT Yên Sở, đã đi vào hoạt động được 5 năm rồi, để làm sống lại sông Kim Ngưu và sông Sét. Tiếp đến là nhà máy XLNT Yên Xá để cứu các con sông Lừ, Tô Lịch và sông Nhuệ. Thứ 3 là nhà máy XLNT lớn nhất Đông Nam Á cho lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, công suất 480.000m3/ngày. Tuy nhiên 2 nhà máy sau đã tạm dừng xây dựng gần 2 năm rồi, có lẽ vô thời hạn, chả biết đến bao giờ. Activated Sludge Method là phương pháp ra đời cách đây khoảng 105 năm tại Anh, hiện đang phổ cập trên toàn Thế giới. Tôi nghĩ chính những người đang hàng ngày thiết kế, xây dựng và vận hành nhà máy XLNT bằng phương pháp bùn hoạt tính cũng không nghĩ rằng công nghệ ấy nên được tặng danh hiệu cao quí “công nghệ cao”.

 

Cách đây khoảng 15 năm, khi máy tính để bàn (desktop computer) còn là của quí, tôi đã chứng kiến tại một cửa hàng trên phố Nguyễn Du, Hà Nội, một nhân viên cửa hàng “sản xuất” xong 1 chiếc máy tính để bàn khoảng 30 phút chỉ bằng 1 chiếc tuốc nơ vít. Đầu năm 2018, tôi cũng tự lên mạng tìm hiểu các linh kiện, rồi đến một cửa hàng trên phố Thái Hà mua những linh kiện có những thông số mà tôi cần. Các cháu nhân viên bán hàng cố vấn thêm cho tôi. Ví dụ RAM chú mua 1G bé quá, nên mua 2G chú ạ, giá không đắt là mấy, tôi OK. Sau thanh toán tiền, tất cả những linh kiệt, chi tiết được xuất tại bộ phận kỹ thuật. Tại đây, một cháu lại nhiệt tình giúp tôi, cắm các zắc đấu nối của các chi tiết, linh kiện khớp với nhau. Sau chỉ trong có 15 – 20 phút và chỉ bằng 1 chiếc tuốc nơ vít, tôi đã có một chiếc desktop computer mới toanh, màn hình LCD rộng, độ phân giải cao, ổ đĩa cứng là SSD 280G, cấu hình máy rất cao, có thể chơi game hết ý. Tổng “thiệt hại” có 10 triệu đồng. Bảo hành thì tùy linh kiện, nói chung là từ 2 – 3 năm. Như vậy, sản xuất một chiếc máy tính để bàn, đã từ lâu rồi chỉ có cắm, cắm và vặn ốc vít.

 

Hai, ba năm gần đây, tôi thấy các tập đoàn như VNPT, BKAV, Viettel, Mobiistar cũng tổ chức sản xuất smartphone, chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng cáo rầm rộ. Đến khâu sản xuất điện thoại thông minh, rất bé nhỏ nhưng với nhiều tiện ích, tôi nghĩ đích thực phải là công nghệ cao. Tuy nhiên, vừa rồi, tôi tình cờ lại được xem một video clip của hãng CNN về một thanh niên Trung Quốc, đi mua các linh kiện của smart phone. Sau đó gọi cốc cà phê, vừa uống vừa “sản xuất” chiếc điện thoại thông minh có cấu hình riêng theo ý thích của mình. Qua video clip ấy, tôi tin rằng nếu các cháu học sinh trung học phổ thông nhà mình, đam mê công nghệ thông tin, được bố mẹ cho ít tiền, cháu cũng có thể tự “sản xuất” cho mình một chiếc điện thoại thông minh ưng ý. Hy vọng tại Việt Nam sẽ có nhiều thiên đường/chợ trời linh kiện điện tử, để những ai đam mê muốn tự mình “sản xuất” chiếc smart phone, có thể được toại nguyện. Vậy sản xuất smart phone đã và đang chỉ có cắm, cắm và vặn ốc vít, có đích thực là công nghệ cao để được hưởng những cơ chế chính sách ưu đãi của Chính phủ?

 

Nếu “sản xuất” smart phone mà những học sinh đam mê đều có thể làm được thì không phải là công nghệ cao. Vậy lập trình hay viết phần mềm (programming, writing software), đích thực phải là công nghệ cao? Tôi nghĩ chưa chắc. Vì tôi đã có khoảng 7 năm (1973 đến 1980) cặm cụi lập trình bằng ngôn ngữ FORTRAN IV để giải các bài toán hóa lượng tử phục vụ cho mục đích tính toán mật độ phân bố các điện tử (electron density) trong phân tử, để nghiên cứu về lý thuyết cấu trúc của phân tử. Tôi có khoảng 3 năm tính toán tại Trung tâm máy tính lớn thuộc Viện Hàn lâm khoa học Tiệp Khắc và 4 năm làm việc tại Trung tâm tính toán thuộc Viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng), cả ở Hà Nội và Trung tâm máy tính ở trong sân bay Tân Sơn Nhất (do quân đội Mỹ để lại). Tôi nghĩ lập trình bằng ngôn ngữ FORTRAN IV để chuyên giải các bài toán tính toán khoa học kỹ thuật không phải là công nghệ cao. Nó chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác mà thôi. Cái khó hơn, theo tôi nghĩ chính là thuật toán (algorithm) để giải bài toán. Khi đã có thuật toán giải rồi, việc viết chương trình để chạy máy tính khá là đơn giản. Chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và cần mẫn.

 

Ngày nay, máy tính được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau, do vậy, ngôn ngữ lập trình cũng rất khác nhau. Từ thiết kế các website để mọi người đọc thông tin, báo chí, quảng cáo, bán hàng, trò chơi điện tử, các mạng xã hội như Facebook, Twiter, Zalo…, các ứng dụng (application) Grab taxi hay Uber taxi… Tôi nghe lỏm được một số “thợ” chuyên viết các apps này, thấy họ ca thán việc lập trình, viết apps như những con ong thợ, cần mẫn, tỉ mỉ, chính xác và buồn tẻ. Như vậy, lập trình, viết các phần mềm (softwares, apps) cũng không phải là công nghệ cao.

 

VẬY THẾ NÀO LÀ CÔNG NGHỆ CAO? từ mà chúng ta nói thường xuyên hàng ngày, các quan chức cũng nói thường xuyên hàng ngày, cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thật thuyết phục. Thế nên Bộ Khoa học và Công nghệ cứ dính đến công nghệ xử lý môi trường, dính đến máy tính, công nghệ thông tin… coi là công nghệ cao, làm căn cứ để xét duyệt ưu tiên, ưu đãi cho doanh nghiệp.

 

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 23/12/2018.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NÊN NHÌN XA HƠN
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NÊN NHÌN XA HƠN
DONALD TRUMP LÀ HIỆN TƯỢNG ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ TRÊN THẾ GIỚI
DONALD TRUMP LÀ HIỆN TƯỢNG ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ TRÊN THẾ GIỚI
Phần 3: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 2:VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 1: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC