ĐIỆN MẶT TRỜI Ở VIỆT NAM LÀ ĐIỆN QUÈ 1 CHÂN
Kính gửi nhà văn Hà Văn Thùy,
Thành thật xin lỗi anh vì trả lời muộn câu hỏi của anh về sự phát triển nóng của điện mặt trời. Vì tôi đã dành thời gian viết bài “GIẢI PHÁP DÙNG LU CHỐNG NGẬP LÀ KHOA HỌC, HIỆU QUẢ, NHÂN VĂN VÀ SINH THÁI”
Thời gian qua tại sao điện mặt trời lại bùng nổ? Theo số liệu của Bộ Công Thương, từ tháng 4/2017 đến tháng 9/2018, tổng số dự án đang xếp hàng để xin được phê duyệt là 332 dự án với tổng công suất lên đến hơn 26.200 MW. Các dự án tập trung chủ yếu ở Miền Trung và miền Nam.
Vì Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời có qui định giá mua là 9,35 cent USD/kWh (không có thiết bị lưu trữ điện, ví dụ pin/ắc qui). Trong hợp đồng mua bán điện giữa EVN và chủ dự án điện mặt trời, giá mua này sẽ ổn định trong suốt 20 năm. Quyết định này sẽ hết hiệu lực ngày 30/6/2019. Hợp đồng ký sau ngày này sẽ có giá thấp hơn. Ngoài ra, vùng nào có tiềm năng cao về bức xạ mặt trời giá còn thấp nữa. Trong khi theo IEA, IRENA và Bloomberg NEF chi phí qui dẫn (Levelized Cost of Energy, LCOE, tạm hiểu là giá thành hòa vốn của một dự án điện) của điện mặt trời không có thiết bị lưu trữ điện, vào năm 2017 dao động trong khoảng 4 cent USD – 6 cent USD/kWh. Nếu điện mặt trời có ắc qui/pin (battery) thì LCOE khoảng 8 – 10 cent USD/kWh. Như vậy là rất có lãi cho các chủ đầu tư điện mặt trời. Nên họ đã ào ạt xếp hàng, nộp đơn, tác động để được phê duyệt và ký hợp đồng vào trước ngày 30/6/2019. Theo tin trên mạng, 14g00 ngày 16/7/2019 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ về dự thảo “Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam” áp dụng từ ngày 01/7/2019.
Tôi không tin là trong thời gian khoảng hơn 1 năm mà 332 dự án điện mặt trời, hầu hết nằm ngoài Qui hoạch được phê duyệt. Hạn ngày được hưởng giá ưu đãi đến nay đã hết. Con số khoảng gần 1500MW được phê duyệt bổ sung thôi (trên tổng số 26.200MW). Các dự án điện mặt trời thường có công suất rất nhỏ, trung bình khoảng 50MW/dự án. Trong khi 1 nhà máy nhiệt điện than hiện đại có công suất 1200MW. Thêm vào đó không phải tất cả chủ đầu tư của 332 dự án ấy đều có đủ năng lực tài chính để triển khai (được các ngân hàng cam kết cho vay). Rất nhiều chủ đầu tư cho dù năng lực tài chính yếu nhưng cứ nộp đơn, xếp hàng cầu may.
Ở Việt Nam thừa điện mặt trời thì họ phản đối nhưng thừa nhiệt điện than thì họ ngầm hoan ngênh, cụ thể: Ví dụ, tại Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) được phê duyệt vào năm 2023 tổng công suất 4.960 MW. Tuy nhiên, các chủ đầu tư nhiệt điện than đã thực hiện vượt mức, năm 2018 tổng công suất lắp đặt là 7.024 MW (vượt 2.064MW, là 42%) và vượt tiến độ thời gian là 5 năm. Sao chả thấy các cây đa điện lực kêu là vượt qui hoạch vì thừa điện than, làm rã lưới điện vốn đang yếu kém của miền Trung? Lịch sử các dự án đầu tư ở Việt Nam đều bị kéo dài tiến độ. Duy nhất nhiệt điện than Vĩnh Tân vượt tiến độ đến 5 năm.
Ngoài ra vì điện mặt trời chỉ hoạt động khi có mặt trời chiếu sáng. Khi nhiều mây hay vào ban đêm thì không thể. Còn nhà máy nhiệt điện than chỉ cần đổ bột than vào lò là có thể hoạt động 24/24 giờ. Do vậy, bình quân phải 2,5MW công suất điện mặt trời mới tạo ra một sản lượng điện bằng 1MW nhiệt điện than. Nếu ta lấy số công suất vượt qui hoạch 2.064MW của nhiệt điện than x 2,5 = 5.160MW tương đương điện mặt trời, tuyệt nhiên không thấy các lãnh đạo EVN và báo chí kêu ca, phàn nàn sẽ làm rã lưới điện miền Trung.
Quả là ngộ chỉ thấy có ở Việt Nam là sợ thừa nguồn cung điện gió và điện mặt trời thân thiện môi trường sinh thái. Thừa điện không biết xử lý ra sao. Trong khi lịch sử loài người, Thế giới chỉ sợ thiếu nguồn cung. Còn thừa điện đối với họ xử lý là quá đơn giản, dễ dàng, chẳng có gì đáng lo.
Trong cân đối điện, ổn định cân bằng CUNG – CẦU về điện đáng sợ nhất là THIẾU NGUỒN CUNG. Hà Nội là Thủ đô của cả nước thế mà những thập kỷ 70, 80 và 90 thiếu điện, gây sụt áp lưới điện và tổn thất kinh hoàng. Đêm tối điện nhà, điện đường đỏ quạch và mờ mờ. Mặc dù đã áp dụng cắt điện nhiều nơi. Điện áp sụt xuống còn bình quân khoảng 120 – 150 V so với điện áp chuẩn 220V.
HỆ THỐNG ĐIỆN được định nghĩa gồm từ NƠI SẢN XUẤT ĐIỆN + MẠNG LƯỚI TRUYỀN TẢI ĐIỆN + NƠI TIÊU DÙNG ĐIỆN. Có nghĩa là nếu làm điện gì (nhiệt điện than, khí ga, hay điện gió và điện mặt trời… ) cũng cần phải có mạng lưới truyền tải điện và nơi tiêu dùng. Nếu xây dựng nhà máy nhiệt điện than vượt qui hoạch 2.064MW thì cũng phải cần xây dựng mới hoặc nâng cấp mạng lưới điện để truyền tải điện đến nới người tiêu dùng. Trong khi điện mặt trời mới được phê duyệt bổ sung khoảng 1500MW mà đã bị phản đối.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hội Năng lượng Việt Nam đã tuyên bố, trong tương lai vào năm 2030 sản lượng nhiệt điện than phải đạt 50 - 60% là không có vấn đề gì về môi trường. Trong khi điện mặt trời + điện gió chỉ chiếm 5,3%. Trong khi toàn Thế giới tiến bước về phía điện gió và điện mặt trời, Việt Nam đằng sau quay, chạy thật nhanh về với nhiệt điện than.
Cho dù điện mặt trời đang phát triển “nóng” hiện nay, nhưng là điện mặt trời què 1 chân, vì không có thiết bị lưu trữ điện năng đi kèm. Do vậy hiệu quả năng lượng của toàn hệ thống điện là yếu kém. Lưu trữ năng lượng là vô cùng quan trọng, vì:
THỎA THUẬN PARIS 2015 LÀ CẮT GIẢM PHÁT THẢI CACBON (các khí gây hiệu ứng nhà kính là CO2 và CH4), có nghĩa là không chỉ triệt tiêu nhiệt điện than, Thế giới còn tiến xa hơn nữa trong giảm cả sử dụng xăng, dầu và khí thiên nhiên mặc dù chúng đang là những nhiên liệu trụ cột và rất sạch so với than đá; nhưng đều chung 1 tội là phát thải cacbon làm Trái đất nóng lên. Gần 200 các nguyên thủ quốc gia đã cam kết thực hiện. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thỏa thuận, nhưng Tổng thống Donald Trump đã hủy, xin rút. Nước Mỹ là nước phát thải cacbon lớn nhất hành tinh, tiếp đến Trung Quốc. Việc rút lui này chỉ giảm thiểu gánh nặng tài chính mà nước Mỹ đã cam kết đóng góp, nhưng không ảnh hưởng gì đến xu hướng cắt giảm mạnh mẽ nhiệt điện than ở ngay tại nước Mỹ. Vì người dân Mỹ có yêu cầu cao về môi trường sống và điện NLTT đang là quá rẻ ở Mỹ.
Vậy để đảm bảo an ninh năng lượng con người sẽ sử dụng nguồn năng lượng từ đâu? Ô tô, xe máy, tàu biển xuyên đại dương, máy bay chạy bằng gì khi giảm sử dụng xăng dầu? Trong 5 năm tới, lượng ô tô, xe máy chạy trong các thành phố bằng ắc qui/pin điện sẽ tăng vọt. Các nhà khoa học trên Thế giới tự tin sẽ có một tỷ lệ nhất định tàu viễn dương, máy bay, ô tô siêu trường siêu trọng sẽ chạy bằng nhiên liệu hydro (khí H2), siêu sạch: gây ô nhiễm môi trường = 0. Phát thải cacbon = 0. Vì khi cháy hydro phản ứng với oxy (O2) tạo ra nước H2O. Một phản ứng hóa học rất cơ bản, quen thuộc đối với mọi học sinh THPT. Vậy năng lượng lưu trữ trong ắc qui/pin (energy storage) lấy từ đâu? Lấy từ điện gió và điện mặt trời. Nhiên liệu hydro lấy từ đâu? Cũng lấy từ điện gió và điện mặt trời để điện phân nước thành hydro và oxy. Vậy nhiên liệu hydro chính là dạng năng lượng lưu trữ của ánh nắng và sức gió. Chỉ trong vòng 10 năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến ở Châu Âu có nước tự hào công bố với toàn Thế giới rằng, chúng tôi là nước đầu tiên có nền kinh tế không phát thải cacbon (CO2, CH4, những sản phẩm tạo ra khi đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch), zero carbon emission economy. Chúng tôi tự hào góp phần bé nhỏ trong thực hiện cam kết duy trì không để nhiệt độ Trái đất tăng quá 1,5oC. Việt Nam, ngược lại đang gia tăng mạnh mẽ nhiệt điện than, đồng nghĩa gia tăng phát thải cacbon và đầu tư rất nhiều tiền của xây đê, xây đập bịt miệng các cửa sông ứng phó với biến đổi khí hậu ngay từ bây giờ. Trong khi kịch bản cực đoan nhất về mực nước biển dâng theo tính toán của các nhà khoa học Thế giới là 5 – 7mm một năm (bằng nửa móng tay).
Chưa hết, các nhà khoa học Châu Âu còn tuyên bố rằng, trong tương lai loài người cũng sẽ không sợ thiếu nước ngọt. Vì điện gió và điện mặt trời sẽ là quá rẻ, vậy tại sao lại không dùng điện để lọc nước biển khi khan hiếm nguồn nước ngọt. Vì công nghệ lọc nước biển bằng phương pháp thẩm thấu ngược (Reverse Osmosis, RO) đã hoàn thiện từ cách đây 50 năm. Nước qua màng lọc RO là siêu tinh khiết, thuần túy là H2O, loại bỏ tất cả các nguyên tố hiếm, vi lượng có trong nước biển (vì có kích thước lớn hơn phân tử nước) hữu ích và cần thiết đối với con người. Một số nước ở Trung Đông khan hiếm nước ngọt đã xây dựng những nhà máy lớn lọc nước biển, sau đó lại phải pha, bổ sung vào các nguyên tố vi lượng đảm bảo đủ dưỡng chất cho con người. Những máy lọc nước RO gia đình hiện đang bán ở khắp các phố phường, ngõ ngách ở Việt Nam. Tất cả đều được sử dụng, không phải để lọc nước mặn (nước biển) mà để sử dụng lọc nước máy thành phố thành nước siêu tinh khiết để uống (không phải đun). Khi màng lọc còn mới, bình quân nói chung từ 1 lít nước máy ta thu được 0,7 lít nước tinh khiết. Sau vài tháng sử dụng, màng lọc ứ đọng nhiều “cặn” ta thu được khoảng 0,5 lít nước. Sau vài tháng tiếp sẽ chỉ thu được rất ít nước tinh khiết. Như vậy, nhiều hơn 0,5 lít nước máy còn lại sẽ theo một ống dẫn nhỏ đổ vào cống. Nếu toàn bộ nước nấu ăn, nước uống của gia đình sử dụng công nghệ lọc RO lâu dài, sẽ nguy hại cho sức khỏe, do thiếu các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể.
Tóm lại, nếu không có những hệ thống lưu trữ năng lượng, thì điện gió và điện mặt trời chỉ là điện què 1 chân. Vì khi dư thừa điện gió và điện mặt trời trở nên vô dụng, bỏ đi. Điện gió và điện mặt trời phải được lưu trữ. Khi đó có thể gọi điện gió và điện mặt trời là điện có đủ 2 chân.
Tương lai phát triển của loài người vào năm 2050 sẽ dựa chủ yếu vào nguồn NLTT + hệ thống thiết bị lưu trữ năng lượng + hiệu quả sử dụng năng lượng: Renewable energy + energy storage + energy efficiency
Trân trọng
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 17/7/2019.