ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG >ĐỀ ÁN QUI HOẠCH ĐIỆN VIII LÀ ĐI NGƯỢC XU THẾ THẾ GIỚI
Ngày đăng: 10-06-2021 - 08:49:37

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----o0o-----

 

Hà Nội, ngày 8 tháng 6 năm 2021

 

Kính gửi:

 

 

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Bộ trưởng Bộ Công thương

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

(Đề án qui hoạch điện VIII là đi ngược xu thế Thế giới, có hại cho ngành điện, rất có hại cho đất nước)

 

Tôi tên là Nguyễn Đức Thắng, cán bộ Nhà nước về hưu năm 2008, có quá trình công tác, khởi đầu tại Viện Kỹ thuật quân sự, tiếp đến là Viện Khoa học Việt Nam và cuối cùng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tôi xin phép được trình bầy những trăn trở liên quan đến Đề án quy hoạch điện VIII như dưới đây:

 

I. QUY HOẠCH ĐIỆN VIII LÀ TRÁI NGƯỢC VỚI XU THẾ PHÁT TRIỂN ĐIỆN CỦA THẾ GIỚI

 

Ngày 01/10/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1264/QĐ-TTg “Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Căn cứ quyết định này, ngày 22/5/2020 Bộ Công thương đã có quyết định số 1377/QĐ-BCT giao Viện Năng lượng triển khai xây dựng Đề án quy hoạch điện VIII. Đã nhiều năm Viện là đơn vị truyền thống, độc quyền xây dựng các đề án quy hoạch điện quốc gia. Ngày 09/2/2021 Bộ Công thương đã có văn bản số 828/BCT-ĐL gửi các Bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan xin ý kiến góp ý về dự thảo Đề án quy hoạch điện VIII; đồng thời công bố toàn bộ bản dự thảo trên cổng thông tin điện tử của Bộ theo yêu cầu của Luật Quy hoạch.

 

Đề án gồm ba tập. Tập  1 là Thuyết minh chung, dài 843 trang. Tập 2 là Phụ lục, có 174 trang. Tập 3 là các bản vẽ. Riêng tập 1 và tập 2 của đề án dài tổng cộng 1.017 trang, gồm những thông tin thuyết minh, mô tả, phân tích, dữ liệu, số liệu, bảng biểu, sơ đồ v.v..

 

Từ 1.017 trang của tập 1 và 2, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã chắt lọc, kết tinh, hình thành nên Tờ trình số 1682/TTr -BCT,  ngày 26/3/2021 được Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An ký trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Quy hoạch Điện lực VIII). Tờ trình dài 34 trang, gồm 8 phần: I. Sự cần thiết xây dựng và vai trò quy hoạch điện VIII; II. Cơ sở pháp lý và quá trình triển khai xây dựng quy hoạch điện VIII; III. Quá trình tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành; IV. Quá trình thẩm định quy hoạch điện VIII; V. Nội dung chính của quy hoạch điện VIII. VI. Hồ sơ trình phê duyệt; VII. Đánh giá về tiến trình lập và nội dung Đề án quy hoạch điện VIII. Phần VIII là kiến nghị của Bộ Công thương gồm 16 trang là những nội dung mà Thủ tướng Chính phủ sẽ ký phê duyệt. 

 

Cốt lõi nhất, trụ cột nhất, linh hồn của quy hoạch điện VIII chính là những thông tin tại trang 23 của Tờ trình, như dưới đây:

 

Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu:

Vào năm 2025:  Khoảng 379 – 391 tỷ kWh, trong đó thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng chiếm 18,9 – 19,6%, nhiệt điện than chiếm khoảng 39 – 41%, nhiệt điện khí, dầu và LNG chiếm 9,5 – 13,6%, nguồn điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, sinh khối) 21,7 – 29,2%; nhập khẩu điện khoảng 3,6 – 3,8%.

Vào năm 2030: Khoảng 551 – 595 tỷ kWh, trong đó thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng chiếm 12,5 – 13,5%, nhiệt điện than chiếm khoảng 36,9 – 41,1%, nhiệt điện khí, dầu và LNG chiếm 22,9 – 24,8%, nguồn điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, sinh khối) 19,2 – 22,6%; nhập khẩu điện khoảng 3,6 – 3,9%.

Vào năm 2045: Khoảng 977 – 1.213 tỷ kWh  trong đó thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng chiếm 6,1 – 7,6%, nhiệt điện than chiếm khoảng 30 – 31%, nhiệt điện khí, dầu và LNG chiếm 27,5 – 29,3%, nguồn điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, sinh khối) 32,1 – 33,5%; nhập khẩu điện khoảng 1,8 – 2,2%.

 

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển các nguồn điện và mạng lưới điện từ năm 2021 đến năm 2045 là 320,6 tỷ USD .

 

Để dễ nhìn và không bị rối bởi số liệu, tôi xin phép được tính số liệu trung bình của tỷ lệ các loại hình điện và kết quả như bảng dưới đây:

 

 

Bảng này xác định mô hình điện lực Việt Nam trong tương lai, chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch (than, khí, dầu và LNG) vào năm 2030 chiếm tỷ trọng 62,9%, và 58,9% vào năm 2045. Trong đó nhiệt điện than có vai trò mạnh mẽ. Mô hình này kìm hãm sự phát triển của điện mặt trời và điện gió có tiềm năng kỹ thuật rất to lớn ở nước ta và an ninh năng lượng của Việt Nam chắc chắn bị đe dọa vì phụ thuộc nặng nề vào NHẬP KHẨU than, dầu, khí LNG.

 

Mô hình này hoàn toàn trái ngược với xu thế phát triển điện năng của thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA, mà Việt Nam là quốc gia hiếm hoi, đơn độc đứng ngoài) và Tập đoàn Tài chính Năng lượng Bloomberg Energy Finance  bình quân tỷ trọng nhiệt điện than của toàn Thế giới đạt đỉnh cao nhất vào năm 2013 là 41,3%. Từ năm 2014 chính thức giảm và giảm vĩnh viễn, giảm liên tục xuống 24,4% vào năm 2030; giảm tiếp xuống 11% vào năm 2050, không bao giờ nhiệt điện than có cơ hội tăng trở lại. Động lực phát triển kinh tế của toàn Thế giới là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (NLTT), sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều triệu người trên Thế giới. Đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều quốc gia, nhiều thành phố cam kết nói không với nhiệt điện than. Đặc biệt những quốc gia phát triển sở hữu công nghệ nguồn, xuất khẩu công nghệ nguồn nhiệt điện than siêu tới hạn và những công nghệ siêu hiện đại về lọc bụi tĩnh điện, lọc khô và lọc ướt, họ cũng nói không với nhiệt điện than. Thậm chí ô tô chạy bằng xăng gây ô nhiễm không khí là không đáng kể so với nhiệt điện than thế mà họ cũng bỏ để chuyển sang ô tô chạy điện pin/ắc qui nạp từ điện NLTT.

 

Đến năm 2050 (Theo Bloomberg New Energy Outlook 2018): Ở qui mô trung bình toàn Thế giới, tổng điện gió và điện mặt trời sẽ chiếm 48%, thủy điện 16%, đưa điện NLTT lên 64%, nhiệt điện than chỉ có 11%. Toàn Châu Âu, điện NLTT chiếm đến 87%. Nước Đức tổng điện mặt trời và điện gió chiếm 74%, tổng điện NLTT chiếm 84%. Nước Anh điện NLTT lên 83%. Nước Mỹ, điện than và điện hạt nhân sẽ biến mất, mặc dù trữ lượng “vàng đen”, sản xuất và xuất khẩu “vàng đen” ở nước Mỹ là lớn nhất Thế giới. Điện NLTT sẽ chiếm 55%, 45% còn lại là điện khí ga. Nước Úc, điện gió và điện mặt trời đóng vai trò trụ cột, chủ lực; nhiệt điện than sẽ biến mất khỏi Úc, mặc dù Úc là vương quốc của nhiều mỏ than và xuất khẩu than (chỉ sau Mỹ, Nga và Trung Quốc). Trung Quốc: tổng điện gió và mặt trời sẽ chiếm 46% đưa tổng điện NLTT lên 62%. Tổng công suất điện mặt trời của Trung Quốc đạt 1,1 triệu MW bằng 21% tổng công suất điện mặt trời toàn cầu; điện gió đạt 1,0 triệu MW bằng 33% tổng điện gió toàn cầu. Ấn Độ sẽ có điện mặt trời và điện gió rẻ nhất Thế giới và tổng điện NLTT sẽ là 75%. Nhật Bản, điện mặt trời là 43%, điện NLTT sẽ chiếm 75%. Hàn Quốc, điện khí ga và NLTT sẽ chiếm 71% còn lại là điện hạt nhân và điện than.

 

II. HAI QUY HOẠCH ĐIỆN LỰC QUỐC GIA TIỀN BỐI ĐàNHANH CHÓNG ĐỔ VỠ:

1. Quy hoạch điện VII (Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011), đã “bốc thuốc” mục tiêu sản xuất điện quá cao. Cụ thể: Nhu cầu điện cho năm 2015 được Bộ Công thương “tính toán” cho kết quả là 202 tỷ kWh. Trong khi vào năm 2015, theo Tổng cục Thống kê là 158 tỷ kWh. Dự báo cao quá thực tế 28%. Nhu cầu tiêu dùng điện đã được phóng đại cho cả các năm 2020 và 2030 là không thể chấp nhận được đối với bản Qui hoạch Điện lực quốc gia, làm căn cứ cho bản kế hoạch hàng năm đầu tư cấp vốn, ngân sách. Năm 2016, Bộ Công thương buộc phải cắt giảm “trí tưởng tượng” của mình đi 25% - 27% cho các năm 2020 và 2030. Đó chính là lý do chỉ sau 5 năm thực hiện đã phải làm lại bản quy hoạch. Kết quả là sự ra đời của Quy hoạch Điện lực VII điều chỉnh (Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg), bằng cắt giảm 25 – 28% nhu cầu điện và tương ứng là những cắt giảm công suất.

 

Do tỷ lệ điện gió và điện mặt trời trong quy hoạch là vô cùng nhỏ, hầu như không có, buộc Bộ Công thương phải cắt giảm công suất nhiệt điện than 10.000MW vào năm 2020 và 20.000MW vào năm 2030. Tuy nhiên việc cắt giảm này được Bộ quảng bá với công chúng là vì mục tiêu bảo vệ môi trường, tôn trọng ý nguyện của nhân dân, hướng tới điện xanh, điện sạch.

 

Dưới đây là những con số biết nói, chứng minh tất cả:

 

 

2. Quy hoạch Điện lực VII điều chỉnh (  Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg 18/3/2016). Mặc dù đã cắt giảm đến 20.000MW công suất nhiệt điện than, thế mà tỷ trọng sản lượng nhiệt điện than vẫn cao ngất ngưởng. Cụ thể như bảng dưới đây:  

 

 

Quy hoạch điện lực VII điều chỉnh là minh chứng điển hình cho việc chọn mô hình điện lực của thập kỷ 60 – 70 với nhiệt điện than là quân vương, trụ cột, tập trung, độc quyền, cho tương lai của ngành điện lực Việt Nam.

 

Đương nhiên bản quy hoạch này đã đổ vỡ chỉ sau ba năm thực hiện. Ngày 02/8/2019 Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 5566/TTr-BCT đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Nhiệm vụ Quy hoạch điện VIII”.

 

Ý chí chủ quan của một nhóm người trong xây dựng quy hoạch điện không thể đối chọi được với thực tế phát triển của thị trường điện. Điện gió và điện mặt trời đã phát triển bùng nổ ở khắp nơi trên thế giới với chi phí vô cùng thấp đã tấn công vào thị trường điện ở Việt Nam. Đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam. Nhóm lợi ích nhiệt điện than đã phản đối bằng lấy lý do điện gió và điện mặt trời khu vực này có nguy cơ làm rã lưới điện và không nằm trong quy hoạch được phê duyệt. Chưa có Bộ Công thương/Bộ Năng lượng nào ở trên thế giới sợ sự phát triển nóng của điện mặt trời và điện gió như ở Việt Nam.

 

Ngoài ra, các tập đoàn tài chính, ngân hàng đã quay lưng lại với nhiệt điện than. Vì đổ vốn vào nhiệt điện than chỉ có thua lỗ và mất vốn. Các tập đoàn KH&CN quốc tế, xuyên quốc gia đã chuyển sang chỉ mua điện NLTT, trong đó có tập đoàn Samsung, doanh nghiệp FDI lớn nhất ở Việt Nam. Họ sợ mua điện của nhiệt điện than vì họ muốn bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu và lo sợ sau này sản phẩm của họ xuất khẩu vào EU sẽ bị đánh thuế phát thải cacbon.

 

Lãnh đạo các địa phương cũng vô cùng e ngại trước sức khỏe của nhân dân và môi trường sinh thái nên đã kiến nghị chuyển nhiệt điện than đi nơi khác. Kết quả là có rất nhiều dự án được phê duyệt trong quy hoạch không thực hiện được. Có rất nhiều chủ đầu tư dự án điện gió và điện mặt trời có tiền lại không được triển khai.

 

Tuy nhiên, lỗi của Bộ Công thương làm quy hoạch yếu kém, không sát với thực tế, không sát với sự phát triển của thị trường lại được Bộ qui kết cho các địa phương, cho sự bùng nổ của điện mặt trời. Thật quá vô lý: Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành. Sau 4 năm thực hiện, nhiều dự án đã không được thực hiện. Việc các địa phương không tuân thủ nghiêm túc Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia sẽ làm cho hệ thống điện phát triển mất cân đối, ảnh hưởng tới độ tin cậy, ổn định và hiệu quả của ngành điện” (trang 12 của bản Tóm tắt quy hoạch điện VIII).

 

Hai bản Quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh đều mắc thêm một lỗi rất cơ bản nữa, đó là vi phạm Luật Đấu thầu. Tại Phụ lục của quyết định phê duyệt quy hoạch đã chỉ định thầu cụ thể nhiều công ty, doanh nghiệp sẽ triển khai các dự án nguồn điện và lưới điện trong tương lai. Điều này là không thể chấp nhận được với một cơ quan như Bộ Công thương tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ. Những công ty, doanh nghiệp có tên trong quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ coi như yên tâm, không ai có thể cạnh tranh dự án ấy được với họ.

 

III. QUY HOẠCH ĐIỆN VIII LÀ ĐI NGƯỢC VỚI NGUYỆN VỌNG CỦA NHÂN DÂN, CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA BỘ CHÍNH TRỊ, CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Đã từ lâu thế giới biết nhiệt điện than có hai tội rất lớn là 1) Hủy hoại môi trường sinh thái và sức khỏe của người dân. 2) Phát thải  lớn nhất khí hiệu ứng nhà kính làm Trái đất ấm dần lên, gây biến đổi khí hậu. Tuy nhiên khi đó thế giới đã phải ngậm đắng nuốt cay để chấp nhận nhiệt điện than vì thủy điện không đủ cho  nhu cầu.

 

Ngày nay, do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ về điện gió và điện mặt trời  mở ra một lựa chọn mới, rất rẻ, rất sạch và bền vững nên thế giới đang từ bỏ và tiến tới triệt tiêu nhiệt điện than.

 

Ngày 29/9/2015 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cùng với nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard đã tổ chức hội thảo quốc tế "THAN - NHIỆT ĐIỆN THAN: NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT". Chuyên gia Lauri Myllyvirta cho biết “Trong tổng số người Việt chết yểu do ô nhiễm không khí của năm 2011, có đến 4.300 người được xác định liên quan đến khí thải từ các dự án nhiệt điện than. Dự báo khí thải than ở Việt Nam sẽ tăng gấp ba lần vào 2030. Khi đó có khoảng 25.000 người chết mỗi năm”.

Các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin này. Có báo đưa tin dưới tiêu đề “Nhiệt điện than kẻ giết người thầm lặng”. Họ cho biết có đại diện của tập đoàn EVN tham dự, nhưng không có đại biểu của Bộ Công thương.

 

Như vậy từ năm 2011 đến năm 2045 nhân dịp đại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ có 613.047 người chết sớm (premature death) vì nhiệt điện than.

Cụ thể: Năm 2011 có 4.300 người chết, năm 2030 có 25.000 chết, vậy tốc độ chết là 9,71%/năm. Từ năm 2011 đến năm 2020 tổng số đã chết là 67.553 người. Tổng số sẽ chết từ năm 2021 đến năm 2030 là 170.494 người. Sau năm 2030 bình quân mỗi năm chết 25.000 người, như vậy đến năm 2045 sẽ có 25.000 x 15 = 375.000 người. Cộng lại từ năm 2011 đến năm 2045 tổng số người sẽ chết là 67.553 + 170.494 + 375.000 = 613.047 người.

 

Cựu ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry đã đến Việt Nam để khuyên “Việt Nam không nên là tù nhân của nhiệt điện than”

 

Cả ba quy hoạch điện là quy hoạch điện VII, VII điều chỉnh và quy hoạch điện VIII đều xem nhẹ, đi ngược chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị, xác định “Bảo vệ môi trường là một vấn đề sống còn của đất nước” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chỉ thị số 29-CT/TW Ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị.

 

Bộ Công thương cũng xem nhẹ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không được tiếp tục làm nhiệt điện than”. Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh, kiên định “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế!”. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 (03/12/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bức xúc nóiCác đồng chí báo cắt điện dịp này, dịp khác. Tôi đã nói rất nhiều lần rồi nếu như mất điện một số đồng chí sẽ phải mất chức. Thái độ tôi cương quyết, tôi đã viết rất nhiều thư cho các đồng chí liên quan về điện từ đầu năm, tập thư mà tôi viết còn để lại rất nhiều. Các đồng chí ở Bộ Công thương, ở EVN chỉ đạo vấn đề này như thế nào mà cứ đe dọa nói Chính phủ, nhân dân là cắt điện trong dịp Tết nhất gì đó. Ai cho phép nói điều đó?”.

 

Bộ Công thương cũng làm ngược tinh thần nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”: “Về năng lượng tái tạo: Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế” và “5. Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hoá phát triển năng lượng... 9. Thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững”.

 

Kỳ lạ hơn nữa là Bộ Công thương đã làm trái với tinh thần của Quyết định số 1264/QĐ-TTg ngày 01/10/2019 phê duyệt “Nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cụ thể: “Điều 1. 2. Quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc lập quy hoạch a) Quan điểm: - Đảm bảo sự tham gia của các thành phần kinh tế trong phát triển điện lực, đặc biệt là các thành phần kinh tế tư nhân; c) Nguyên tắc - Ưu tiên phát triển hợp lý nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo…- Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; - Phát triển điện lực thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững và phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh…  3. kết hợp giữa phát triển điện lực và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững”.

 

IV. THẾ GIỚI ĐANG VÀ SẼ ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG NHƯ THẾ NÀO?

 

Hầu hết các nước Châu Âu, Bắc Mỹ và Bắc Á thuộc vùng khí hậu ôn đới, phải đối chọi với cái rét sâu, rét đậm, băng tuyết dài ngày. Nhu cầu năng lượng của họ là vô cùng lớn, không những để người dân khỏi phải chết cóng mà còn phải bảo vệ, sưởi ấm cho cả tỷ con gia súc, gia cầm khỏi chết vì rét. Do vậy sẽ là không hợp lý khi các nhà khoa học năng lượng Việt Nam thường viện dẫn chỉ số tiêu dùng năng lượng trên đầu người của Việt Nam là thấp so với các nước ôn đới, từ đó cần thúc đẩy, nâng cao tiêu dùng và sản xuất điện ở Việt Nam nhiều hơn nữa. 

 

Theo Cơ quan IEA và IRENA, an ninh năng lượng của Thế giới từ năm 2025 trở đi sẽ chủ yếu dựa vào 3 trụ cột sau: NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO + LƯU TRỮ NĂNG LƯỢNG + HIỆU QUẢ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG (Renewable energy + Energy storage + Energy efficiency). Chi phí qui dẫn LCOE của điện gió và điện mặt trời ở nước họ đã rẻ hơn nhiệt điện than.

 

Điện mặt trời dư thừa ban trưa và điện gió dư thừa ban trưa hay ban đêm đều được tích trữ lại dưới dạng hóa năng trong pin/ắc qui hoặc được sử dụng để điện phân nước để sản xuất khí hydro hóa lỏng (hydrogen liquid, loại nhiên liệu siêu sạch, khi cháy với ô xy trong không khí chỉ thải ra hơi nước). Pin/ắc qui trước tiên được tự động sử dụng vào lúc điện lưới yếu, sẽ có vai trò trụ cột trong điều tiết/điều độ điện tức thì. Năng lượng lưu trữ trong pin/ắc qui hiện đang làm cuộc cách mạng chuyển xe con chạy xăng sang xe điện. Sau năm 2030 hydro lỏng sẽ là nhiên liệu thay thế dầu diesel để chạy ô tô vận tải, xe siêu trường, siêu trọng và tàu biển vượt đại dương. Sau năm 2050 nhiên liệu sinh học hay nhiên liệu tổng hợp sẽ thay thế xăng cho máy bay. Thực sự thế giới đang tiến tới triệt tiêu than và giảm thiểu sử dụng xăng, dầu là  những nhiên liệu hóa thạch. IEA dự báo vào năm 2050 thế giới sẽ đạt mức trung hòa phát thải cacbon. Hiểu đơn giản là hầu như không sử dụng xăng, dầu nữa.

 

Cũng theo tính toán của IEA nhờ đẩy mạnh sử dụng NLTT và hiệu quả năng lượng nên vào năm 2030 qui mô nền kinh tế thế giới tăng 40% so với năm 2020, tuy nhiên sử dụng năng lượng lại ít hơn 7%.

 

Dự thảo Quy hoạch điện VIII chỉ có một trụ cột là Năng lượng tái tạo nhưng là trụ cột rất ngắn so với tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu; hoàn toàn vắng thiếu hai trụ cột Lưu trữ năng lượng và Hiệu quả sử dụng năng lượng. Vì vậy có thể gọi bản dự thảo quy hoạch điện VIII là bản quy hoạch què, cụt.

 

Bộ Công thương luôn thích triển khai các dự án nhiệt điện mới. Đã nhiều năm sao nhãng việc thúc đẩy thực hiện hiệu quả năng lượng. Lãng phí, tổn thất trong sản xuất và sử dụng điện ở Việt Nam là cao khủng khiếp, như bảng tính toán dưới đây:

 

 

V. KIẾN NGHỊ

 

Vì tại bản Tóm tắt Đề án quy hoạch điện VIII có nêu “Tổng tiềm năng kỹ thuật điện gió ở Việt Nam là 214GW, trong đó điện gió trên bờ là 54GW, điện gió ngoài khơi là 160GW. Tổng tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời rất lớn lên tới 1.646GW (1.569GW là tiềm năng mặt đất và 77GW là tiềm năng mặt nước)” tôi xin phép được kiến nghị Thủ tướng Chính phủ như sau:

  • Duy trì chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thời ông còn làm Thủ tướng không tiếp tục làm nhiệt điện than nữa” và không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.
  • Chỉ đạo Bộ Công thương làm lại quy hoạch điện VIII theo xu thế phát triển điện năng trung bình của thế giới. Tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng điện năng sản xuất vào năm 2030 là 24%, và bắt đầu xuất khẩu điện NLTT. Nhiệt điện than tiếp tục giảm xuống còn 12% vào năm 2045.
  • Thực hiện nghiêm luật đấu thầu đối với các dự án điện gió và dự án điện mặt trời và yêu cầu tích hợp thiết bị lưu trữ năng lượng.
  • Giao Bộ Công thương tự quyết định giá FIT khuyến khích phát triển điện mặt trời nóc nhà có tích hợp pin/ắc qui.
  • Đảm bảo an ninh năng lượng bằng ba trụ cột năng lượng  tái tạo, hệ thống lưu trữ năng lượng và hiệu quả sử dụng năng lượng.
  • Không ký phê duyệt những nhiệm vụ vụn vặt do Bộ Công thương đẩy lên để né tránh trách  nhiệm.

 

Kính trình Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và các quý lãnh đạo Bộ xem xét.

 

Xin trân trọng cám ơn.

 

Nguyễn Đức Thắng; điện thoại 0352344233; Email: ndthangndt@yahoo.com

Địa chỉ thường trú: xxxx

====================== 

Bổ sung thêm một tin mới nhận được hôm nay 11/6 là ý kiến của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về quy hoạch điện 8 tại ảnh này đăng trên tạp chí Năng lượng Việt Nam:

 

 

 

Theo hãng Reuters: Tin mới nhất (June 14, 2021; 12:20 AM +07) về kết quả sau cuộc họp thượng đỉnh các nước G7 kéo dài 3 ngày 11 – 13/6/2021 tại Cornwall Vương Quốc Anh, trong thông báo  “The Group of Seven nations - the United States, Britain, Canada, France, Germany, Italy and Japan - plus the European Union said "international investments in unabated coal must stop now". "(We) commit to take concrete steps towards an absolute end to new direct government support for unabated international thermal coal power generation by the end of 2021, including through Official Development Assistance, export finance, investment, and financial and trade promotion support." “We will focus on accelerating progress on electrification and batteries, hydrogen, carbon capture, usage and storage, zero emission aviation and shipping”. The seven nations reaffirmed their commitment to "jointly mobilise $100 billion per year from public and private sources, through to 2025". U.S. President Joe Biden, speaking after the summit, noted a commitment of up to $2 billion "to support developing countries as they transition away from unabated coal-fired power."

“Nhóm 7 quốc gia – Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản cùng với Liên minh Châu Âu cho rằng đầu tư quốc tế vào than phải chấm dứt ngay từ bây giờ. Chúng tôi cam kết thực hiện các biện pháp cụ thể hướng tới chấm dứt tuyệt đối sự hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ cho sản xuất nhiệt điện than vào cuối năm 2021, thông qua vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức), xuất khẩu tài chính, đầu tư và hỗ trợ xúc tiến tài chính và thương mại. Chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh lĩnh vực điện khí hóa, pin/ắc qui, nhiên liệu hydro, thu giữ sử dụng và lưu trữ cacbon, phát thải khí cacbon của ngành hàng không và vận tải biển sẽ bằng không. 7 quốc gia tái khẳng định cam kết phối hợp hành động huy động 100 tỷ USD mỗi năm từ các nguồn tài chính công và tư, cho đến năm 2025. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau hội nghị thượng đỉnh đã cam kết cung cấp 2 tỷ USD cho các nước đang phát triển giúp họ chuyển dịch khỏi nhiệt điện than đang có

 

Trân trọng mời bạn đọc bài “QUY HOẠCH ĐIỆN VII ĐIỀU CHỈNH quy hoạch hủy diệt sức khỏe và môi trường sinh thái, đổi lấy kinh tế không hiệu quả, làm gia tăng biến đổi khí hậu” được chứng minh bằng 95 thực tế/sự thật.

Phần 3: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 2:VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 1: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC