Y TẾ - SỨC KHỎE >CHẲNG CÓ CƠ SỞ NÀO ĐỂ CHO HỌC SINH NGHỈ HỌC
Ngày đăng: 01-03-2020 - 17:26:17

CHẲNG CÓ CƠ SỞ NÀO ĐỂ CHO HỌC SINH NGHỈ HỌC

 

Kính gửi những người yêu Môi trường và Khoa học,

 

1) Tôi thực sự không hiểu vì thấy Hà Nội, Tp. HCM, Đà Nẵng v.v.. đang khẩn trương tấp nập xây dựng các khu cách ly để đón hàng ngàn người Việt từ Hàn Quốc trở về để né tránh dịch Covid-19. Theo tôi, chỉ nên đón những trường hợp đi công tác, thăm quan, du lịch, khảo sát ngắn ngày chẳng may gặp dịch, bị ùn tắc. Trường hợp những người Việt Nam lao động dài ngày tại Hàn Quốc, theo hợp đồng và luật họ đương nhiên phải được hưởng mọi dịch vụ y tế, chăm sóc, cả lương trong giai đoạn có dịch. Vậy tại sao chúng ta buộc phải cấp tập đưa họ về? Việc làm này vi phạm nguyên tắc cách ly, phòng chống dịch, rủi ro mang dịch đi rộng hơn. Trong khi điều kiện của Việt Nam đâu phải đã khá và dư thừa hơn Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc cũng không ép buộc chúng ta phải nhận những người này về.

 

2) Tôi là người đã lơ mơ, hiểu chưa chuẩn về những nguyên tắc cách ly, phòng chống trong đại dịch. Tôi đã ủng hộ việc cho học sinh phải nghỉ học trong những tháng vừa qua (sau Tết âm lịch)  cho đến nay, hiện vẫn đang nghỉ. Lý do “cơ bản và chính đáng” là “Đang có dịch covid-19 mà đi học đến lớp, nhỡ gặp cháu có bệnh, lây ra cả lớp thì khốn khổ, nguy! Cần phải nghỉ! cách ly, phòng ngừa là số 1, trên hết”. Hóa ra đó thực sự là một quan điểm cảm tính, chẳng có căn cứ khoa học.

 

 

Tôi đã thực sự bị thuyết phục khi đọc bài viết của TS. Trần Vinh Dự đăng trên báo điện tử nổi tiếng VnExpress (Thứ sáu, ngày 28/2/2020) cho rằng chúng ta đã sai, không có hiệu quả chống dịch khi cho các cháu học sinh nghỉ học. TS. Trần Vinh Dự khi PHẢN ĐỐI QUYẾT ĐỊNH CHO HỌC SINH NGHỈ HỌC đã không phản đối theo kiểu tung ra “dăm câu ba điều”, hay “ném đá” như phổ biến như nhiều người, mà đưa ra rất nhiều phân tích, lập luận khoa học, khách quan, logic. Đọc xong bài này tôi rất vui và đã thay đổi ngay suy nghĩ của mình. Tôi ủng hộ TS. Dự và thấy rằng, các cháu cần phải đến trường, đến lớp để tiếp tục học. Tôi đã hiểu lại chuẩn xác hơn nguyên tắc, nguyên lý cách ly, phòng chống dịch. Đã thấy cái sai của đám đông, trong đó có tôi.

 

Theo tôi, chúng ta cần CÁCH LY CÁ THỂ BỊ NHIỄM RA KHỎI ĐÁM ĐÔNG, THAY VÌ ĐANG CÁCH LY ĐÁM ĐÔNG VỚI ĐÁM ĐÔNG, “VƠ ĐŨA CẢ NẮM” TRONG QUẢN LÝ CÁCH LY. Ý THỨC CỦA CÁ NHÂN NGƯỜI BỊ NHIỄM, TỰ CÁCH LY MÌNH RA KHỎI CỘNG ĐỒNG LÀ VÔ CÙNG QUAN TRỌNG, YẾU TỐ HÀNG ĐẦU CỦA NGUYÊN TẮC CÁCH LY. Sẽ có kết quả tuyệt vời trong chống đại dịch covid-19 nếu mỗi cá nhân tự ý thức được trách nhiệm, tự cách ly với người thân trong gia đình và cộng đồng khi thấy có nghi ngờ. Khi có dấu hiệu tăng nặng, chủ động liên hệ bệnh viện nhờ giúp đỡ, không sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nhà của bạn sẽ được bệnh viện giúp tẩy trùng, an toàn cho người thân. Bản thân bạn sẽ được bệnh viện chăm sóc, điều trị.

 

Vơ đũa cả nắm trong cách ly là không hiệu quả và không thể có nguồn lực, phương tiện, điều kiện đáp ứng đám đông, lượng lớn tức thì. Thêm vào đó, khả năng lây nhiễm chéo có khi lại rất cao. ĐÁM ĐÔNG NGƯỜI THỰC SỰ KHÔNG CÓ MẦM BỆNH PHẢI SỐNG CHUNG VỚI VÀI BA NGƯỜI CÓ MẦM BỆNH. Tương tự là quan điểm “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” rất tai hại. Trong giai đoạn đầu của đại dịch việc cách ly các nhóm nhỏ là không có vấn đề gì, nhưng đến khi cao trào, đỉnh cao, khi mà phương tiện, điều kiện quá tải, không cho phép thì việc cách ly “vơ đũa cả nắm” là không hiệu quả và không khả thi. Bắt học sinh nghỉ học tràn lan và dài ngày như hiện nay chẳng khác gì trên một cánh đồng xuất hiện vài chỗ có sâu đã không chịu khó đi tìm từng cây có sâu để nhổ bỏ đi lại phun thuốc trừ sâu toàn cánh đồng; đôi khi phun chỉ để phòng ngừa, ăn chắc mặc dù chẳng có con sâu nào.

Chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn nữa về các biện pháp xử lý KHỦNG HOẢNG “cung vượt cầu” trong thời gian quá ngắn. Các nhà toán học có thể đào sâu, nghiên cứu giải bài toán quản lý thành công cách ly trong đại dịch kiểu covid-19. Tại đỉnh cao của dịch có thể phải xử lý, cách ly tại gia đình, không thể đáp ứng bằng các bệnh viện “dã chiến” cả ngàn người, trong đó có chứa đến 95% người khỏe mạnh, không có bệnh. Chúng ta lại đang ở kỷ nguyên xã hội thông tin, Thế giới phẳng, không biên giới, nhiều tỷ thông tin chạy nửa vòng Trái đất chỉ có vài giây là những điều kiện rất thuận lợi để xử lý thành công, kiểm soát được đại dịch. Các hội nghị, hội thảo, cuộc họp đều có  thể thực hiện qua mạng, qua video conference không cần phải đến bắt tay nhau và ngủ gà ngủ gật nghe diễn thuyết. Hơn thế nữa còn tiết kiệm được chi phí đi lại và thời gian.

 

Loài người vẫn còn biết rất ít về các con vật nhỏ bé nhất đang tồn tại, sống chung muôn đời với ta. Do vậy, cần đẩy mạnh những nghiên cứu về virus nhiều hơn nữa, để có phương pháp xét nghiệm, đánh giá nhanh, có vắc sin và thuốc đặc trị có thể bán rộng rãi phổ biến như thuốc cảm cúm khác thông thường. Khi đó hàng trăm nghìn người bệnh sẽ là bác sĩ chữa bệnh cho chính mình. Đại dịch sẽ được kiểm soát.

 

Xin mời bạn đọc nguyên văn những phân tích, lập luận logic của TS. Trần Vinh Dự, đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi tại bài viết:

 

Cơ sở nào để tiếp tục cho con nghỉ học?

 

Trân trọng cám ơn

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 01/3/2020

Phần 3: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 2:VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 1: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC