HÓA HỌC VÀ MÔI TRƯỜNG >CẦN TRẢ LẠI CHÂN LÝ KHOA HỌC CHO KẾT LUẬN VỀ NGUYÊN NHÂN CÁ CHẾT
Ngày đăng: 02-02-2018 - 22:22:06

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2016

 

Kính gửi:

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Bộ trưởng Bộ  Khoa học và Công nghệ

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

 

(Cần trả lại chân lý khoa học cho Kết luận về nguyên nhân cá chết)

 

Tôi là Nguyễn Đức Thắng, cán bộ đã về hưu năm 2008. Tôi được Nhà nước cử đi học tập và chuyển tiếp nghiên cứu sinh tại nước CHXHCN Tiệp Khắc từ năm 1967 – 1977. Tôi có quá trình công tác gồm hơn 10 năm tại Viện Kỹ thuật quân sự Bộ Quốc phòng, khoảng 10 năm tại Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và 10 cuối tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tôi viết thư này mong được các quí lãnh đạo trả lại chân lý khoa học  cho kết luận về nguyên nhân cá chết.

 

Sáng ngày 6/4/2016 bỗng nhiên xuất hiện cá chết trắng ngoài biển, nổi mênh mông và trôi dạt vào bờ. Bắt đầu từ biển Vũng Áng (Hà Tĩnh), nơi có ống xả ngầm nước thải lớn được cấp phép của công ty Formosa Hà Tĩnh. Gần 2 ngày sau lan rộng vào tỉnh Thừa Thiên - Huế, tổng chiều dài là 209km. Thảm họa môi trường biển này là lịch sử chưa từng có ở Việt Nam và cũng là lịch sử của thế giới. Vì một số nơi mức độ cá chết nổi trắng ngoài biển khơi thường chỉ dưới 50km.

 

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam xác định nguyên nhân cá chết. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công An, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng phối hợp. Cả đất nước im lặng, nín thở chờ đợi. Báo chí chỉ được đưa tin từ các nguồn phát ngôn chính thống của các cơ quan quản lý Nhà nước. Chủ yếu là từ hai bộ là Bộ  Khoa học và Công nghệ và Bộ TN&MT. Hướng điều tra theo các độc tố hóa học có trong nước thải của nhà máy luyện than Cốc của công ty Formosa Hà Tĩnh đổ biển đã làm nóng đất nước. Từ Bắc tới Nam một số nơi đã có các cuộc biểu tình phản đối của nhân dân.

 

Ngày 30/6/2016 Văn phòng Chính phủ đã họp báo công bố kết luận chính thức về nguyên nhân cá chết là do CÁC ĐỘC TỐ PHENOL VÀ XIANUA KẾT DÍNH TRONG MỘT LỚP MÀNG NHẦY NHƯ TẤM CHĂN DI ĐỘNG, HÚT NHẢ ĐỘC TỐ GÂY RA. Tấm chăn di động này đi đến đâu, cá chết đến đó.

 

Thủ phạm chính xác là công ty Formosa Hà Tĩnh. Nhưng kết luận về nguyên nhân cá chết thì rất sai và rất phản khoa học. Vì nó đối kháng với nhiều thực tế hiện trường, với một số qui luật môi trường tự nhiên, với khái niệm trụ cột của môn độc tố học (toxicology), với thông lệ thế giới giải thích nguyên nhân cá chết hàng loạt sau một đêm.

 

Thực ra cá đã chết vì do nhà thầu phụ trong xử lý nước thải và sự cố mất điện, đã đổ vào biển 2.500m3 nước thải của công đoạn xúc rửa, tẩy gỉ một loạt các hệ thống đường ống kim loại trong khu công nghiệp phức hợp lớn Formosa Hà Tĩnh. Công ty khai báo đã sử dụng 245 tấn hóa chất cho công việc này, trong đó chủ yếu là axit clohydric (HCl) và xút (NaOH). Trong nước thải này có chứa khoảng gần 5 tấn cation sắt hai Fe2+ “tham ăn” oxy, làm cạn kiệt hết oxy hòa tan vốn luôn khan hiếm trong nước biển tầng đáy, tạo thành vùng chết kéo dài 200km đối với tôm cá. Cá đã chết vì thiếu oxy. Một cái chết an lành và nhân đạo được phân tích, chứng minh chi tiết tại bài viết đính kèm.

 

Việc kết luận cá chết vì các độc tố phenol và xianua đã làm xã hội căng thẳng, biểu tình đã diễn ra ở một số nơi. Sản xuất và kinh doanh của ngư dân vùng biển miền Trung bị đình đốn. Các đại biểu Quốc hội đã chất vấn, gây sức ép lên Chính phủ và Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Các nhà khoa học đã họp bàn, đề xuất giải pháp nạo vét bùn, làm sạch biển.

Kính mong Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét, quyết định.

 

Nguyễn Đức Thắng, địa chỉ thường trú xxx, điện thoại, email

 

CẦN TRẢ LẠI CHÂN LÝ KHOA HỌC CHO KẾT LUẬN VỀ NGUYÊN NHÂN CÁ CHẾT

 

Ngày 6/4/2016 đã xẩy ra thảm hỏa môi trường biển lịch sử tại 4 tỉnh duyên hải miền Trung. Cá chết trắng ngoài biển, nổi mênh mông và trôi dạt vào bờ. Bắt đầu từ biển Vũng Áng (Hà Tĩnh), nơi có ống xả nước thải lớn được cấp phép của công ty Formosa Hà Tĩnh (Tập đoàn Formosa Đài Loan). Hai ngày sau lan rộng vào tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bộ Tài Nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh và các Sở Tài nguyên và Môi trường tức thời lao ngay vào cuộc, lấy mẫu vật, truy tìm nguyên nhân, thủ phạm. Thủ tướng Chính phủ ký quyết định chính thức giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xác định nguyên nhân. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công An, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng phối hợp. Các chuyên gia Mỹ, Nhật, Đức đã được mời tham gia giúp Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định thành lập Hội đồng các chuyên gia KH&CN quốc gia xác định nguyên nhân cá chết. Hội đồng bao gồm nhiều nhà khoa học uy tín, kinh nghiệm đến từ các Viện và các trường đại học đầu ngành của cả nước. Các chuyên gia chia thành 3 tổ nghiên cứu theo 3 nhóm tác nhân gây cá chết gồm: a) hóa học b) sinh học c) khí tượng thủy văn và động lực học biển. Những máy móc, thiết bị được ưu tiên huy động đến hiện trường. Để xác định độc tố, các chuyên gia đã lấy một lượng lớn mẫu, từ Vũng Áng đến tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng số gần 800 mẫu, bao gồm mẫu nước, trầm tích, sinh vật phù du, động vật đáy (cá chết và sống). Các mẫu được phân tích ở những phòng thí nghiệm uy tín nhất của Việt Nam và gửi một số mẫu vật ra nước ngoài phân tích. Các phần mềm máy tính hiện đại về tính toán mô hình lan truyền độc tố trong biển được áp dụng.

 

Nghi vấn đầu tiên được một thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời báo chí do thủy triều đỏ, một siêu nhiên gây ra. Nghi vấn thứ hai theo lãnh đạo của Tổng cục Môi trường có thể do loại sóng âm cực mạnh nào đó ở ngoài biển làm chết cá, cũng là một dạng siêu nhiên.  Sau loại trừ hai nghi vấn trên, mọi hoạt động tập trung dành cho các độc tố hóa học có trong nước thải của nhà máy luyện than cốc gây ra.

 

Cả đất nước căng thẳng chờ đợi, hàng trăm nhà khoa học dốc sức làm việc. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo báo chí không đăng tin từ bất cứ nguồn nào, ngoại trừ tin phát ra từ các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.  Ngày 30/6/2016 Văn phòng Chính phủ họp báo công bố kết luận chính thức về nguyên nhân cá chết là do CÁC ĐỘC TỐ PHENOL VÀ XIANUA KẾT DÍNH TRONG MỘT LỚP MÀNG NHẦY NHƯ TẤM CHĂN DI ĐỘNG, HÚT NHẢ ĐỘC TỐ GÂY RA. Lớp màng di động này đi đến đâu, cá chết đến đó.

 

Cùng ngày VTV phát hình các lãnh đạo cao nhất của công ty Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam về thảm họa do họ gây ra. Họ đổ lỗi cho các nhà thầu phụ và sự cố mất điện vài ngày và cam kết đền bù thiệt hại 500 triệu USD. Trước đó, Chi Cục thuế Hà Tĩnh đã hoàn thuế VAT, thuế nhập khẩu…14.600 tỷ đồng (khoảng 660 triệu USD) cho công ty Formosa Hà Tĩnh.

 

Thủ phạm là Formosa Hà Tĩnh đã rõ và chính xác. Nhưng kết luận về nguyên nhân cá chết thì rất sai và rất phản khoa học, đối kháng với nhiều thực tế hiện trường, với một số qui luật môi trường tự nhiên, với khái niệm trụ cột của môn độc tố học (toxicology), với thông lệ thế giới giải thích nguyên nhân cá chết hàng loạt sau một đêm.

 

PHẦN 1: CHỨNG MINH BẰNG PHƯƠNG PHÁP THỰC TẾ LOẠI TRỪ

 

Thực tế 1:  Theo báo điện tử Hà Tĩnh, từ tháng 11/2015 công ty Formosa Hà Tĩnh đã đi vào sản xuất than cốc và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng đang làm thủ tục xuất khẩu 3.000 tấn hắc ín của công ty sang Hàn Quốc (xem ảnh dưới). Như vậy là công ty ĐÃ ĐỔ hàng ngày khoảng 1000m3/ngày nước thải có chứa gần tấn các hợp chất phenol, phức chất xianua, hợp chất ammonia và những độc tố khác nữa vào biển, liên tục 4 tháng liền mà cá vẫn tung tăng nhảy múa, hát  ca, không một con cá nào chết!. Các cháu học sinh tiểu học sẽ phải thốt lên “Tại sao cá không chết ngay trong tháng 11/2015 mà phải chờ đến ngày 6/4/2016 mới đồng loạt chết?”

 

 

Chỉ riêng thực tế 1 này có thể nói Kết luận đã công bố là hoàn toàn sai.

 

Thực tế 2: Tất cả kết quả phân tích hàng trăm mẫu nước biển suốt dọc 4 tỉnh duyên hải miền Trung đều cho thấy nồng độ của phenol tổng và xianua là rất thấp, rất nhỏ, dưới QCVN 08:2008/BTNMT, an toàn cho tôm cá.

Chỉ riêng thực tế 2 này cũng đủ chứng minh Kết luận đã công bố là sai.

 

Thực tế 3: Các hợp chất phenol (phenolic compounds) trong nước thải của khâu luyện than cốc có độc tính rất thấp so với phenol tinh khiết. Trong tự nhiên tồn tại hàng ngàn các phenolic compounds. Trong nho, bưởi, chanh, cam, cà phê, đậu đen và những rau quả khác nữa có chứa rất nhiều các hợp chất phenolic. Ví dụ, hai dẫn xuất gần gũi nhất của phenol tinh khiết là:

 

 

Trong nước thải của khâu luyện than cốc của Formosa Hà Tĩnh không có phenol tinh khiết (C6H5-OH), chỉ có hỗn hợp các phenolic compounds. Vì phenol tinh khiết không tồn tại trong tự nhiên, nên trong tất cả các tiêu chuẩn phân tích môi trường của Việt Nam và toàn Thế giới không tồn tại thông số phenol tinh khiết, chỉ có phenol tổng (hay phenolic compounds).

Chỉ riêng thực tế 3 này cũng đủ chứng minh Kết luận đã công bố là sai.

 

Thực tế 4: Nước biển và đại dương gồm 96,66% là nước tinh khiết (H2O), xáo trộn đồng đều với 3,02% là muối ăn (NaCl), còn lại 0,32% cho tất tật mọi chất tan ô nhiễm khác do con người và tự nhiên (mưa, lũ rửa trôi bề mặt) đã đổ vào biển ngàn năm nay. Do vậy, nồng độ của tổng phenol hay xianua có trong nước biển sẽ là rất rất nhỏ, hoàn toàn an toàn cho tôm cá.

Chỉ riêng thực tế 4 này cũng đủ chứng minh Kết luận đã công bố là sai.

 

Thực tế 5: QCVN 01:2009/BYT về chất lượng NƯỚC ĂN UỐNG, qui định hàm lượng tối đa của 109 cácđộc tố” được phép có trong nước ăn uống, bảng dưới đây trích dẫn cho 7 thông số: 

 

 

STT

Tên độc tố

Nồng độ mg/L

Thực tế nước biển 4 tỉnh miền Trung

1

Phenol tổng

0,001

dưới 0,005

2

Thuốc trừ sâu DDT

0,002

dưới 0,002

3

Cadmi

0,003

dưới 0,005

4

Crom tổng số

0,05

dưới 0,02

5

Xianua

0,07

dưới 0,005

6

Ammonia

3

dưới 0,3

7

Nitrat

50 (không độc)

 

Nếu không kể độ mặn, vi khuẩn vi trùng thì nước biển này uống tuyệt vời!!.

Chỉ riêng thực tế 5 này cũng đủ chứng minh Kết luận đã công bố là hoàn toàn sai.

 

Thực tế 6: Cá đã chết đồng loạt sau một đêm, sáng ngày 6/4/2016 thấy nổi trắng dạt vào bờ biển, trùng khớp đúng với trước đó một ngày công ty Formosa Hà Tĩnh, do sự cố nhà thầu phụ trong xử lý nước thải và mất điện vài ngày đã đổ vào biển 2500m3 nước thải của của công đoạn xúc rửa, tẩy gỉ một loạt các hệ thống đường ống kim loại. Công ty Formosa Hà Tĩnh khai báo đã sử dụng 245 tấn hóa chất cho công việc này, trong đó chủ yếu là axit clohydric (HCl) và xút (NaOH). Ngoài ra, nước thải nhà máy sản xuất than cốc qua khâu xử lý sinh học và xử lý tăng cường (khử mầu, khử mùi) bằng phản ứng Fenton có chứa muối sunfat sắt, do mất điện cũng đổ tất ra biển. Trong tổng hai loại nước thải này có chứa gần 6 tấn cation sắt hai Fe2+ “tham ăn” oxy, làm cạn kiệt hết oxy hòa tan (dissolved oxygen, DO) vốn đã khan hiếm về đêm trong nước biển tầng đáy, tạo thành vùng chết (dead zone) kéo dài hơn khoảng 200km đối với tôm cá.

Chỉ riêng thực tế 6 này cũng đủ chứng minh Kết luận đã công bố là rất sai.

 

Thực tế 7: Nồng độ Oxy hòa tan trong nước (DO) ở tầng đáy luôn là yếu tố sinh thái, giới hạn sự sống và phát triển (ecological limiting factor) của tất cả các loài tôm cá; là “khắc tinh” đối với chúng, nhất là về ban đêm. Ban ngày, nồng độ DO ở tầng đáy biển thường từ 3 – 3,5mg/L, ban đêm trung bình 2 – 2,5mg/L. Vùng chết đối với tôm cá (dead zone) khi nồng độ DO < 2mg/L. Hai loại nước thải nói trên có chứa gần 6 tấn cation sắt hai đã “tham ăn” cạn kiệt ô xy ở tầng đáy và chuyển hóa thành hydroxit sắt ba Fe(OH)3 kết tủa, mầu nâu vàng đến nâu đỏ, lắng đọng xuống đáy biển, tạo thành những màng phủ mỏng còn tươi mới, rải rác suốt 4 tỉnh miền Trung. Các thợ lặn đã quan sát và mô tả lại.

 

Phản ứng hóa học cation sắt hai Fe2+  trong nước tác dụng với ô xy tạo thành hydroxit sắt ba Fe(OH)3 kết tủa, mầu nâu vàng là phản ứng rất cơ bản trong SGK hóa học lớp 11. Các công ty cấp nước sạch trên toàn Thế giới khi hút nước ngầm lên đều phun qua dàn phun mưa tiếp xúc với không khí, lấy ô xy vào để loại bỏ cation sắt hai Fe2+ có phổ biến trong nước ngầm. Phế thải chủ yếu của các nhà máy này là bùn mầu nâu hydroxit sắt ba Fe(OH)3.

Cá đã chết vì thiếu oxy. Một kiểu chết an lành và nhân đạo.

Chỉ riêng thực tế 7 này cũng đủ chứng minh Kết luận đã công bố là rất sai.

 

Thực tế 8:  Chưa bao giờ và không có nơi nào trên Thế giới giải thích nguyên nhân cá chết bất đắc kỳ tử ngoài biển khơi sau một đêm là do các độc tố hóa học gây ra như ở Việt Nam. Có một vài vụ cá chết hàng loạt sau một đêm, nổi trắng ngoài biển cũng đều được giải thích một cách thỏa đáng là do cạn kiệt ô xy. Chỉ riêng thực tế 8 này cũng đủ chứng minh Kết luận đã công bố là hoàn toàn sai.

 

Nếu công bố cá đã chết vì cạn kiệt oxy, một cái chết an lành, bầu không khí trong xã hội sẽ dịu êm, sản xuất kinh doanh của ngư dân vùng biển sớm trở về bình thường. Thủ phạm vẫn là công ty Formosa Hà Tĩnh. Họ sẽ tâm phục, khẩu phục hơn vì họ là người đã gây ra. Họ quá biết cá chết là vì đâu.

 

PHẦN 2: CHỨNG MINH BẰNG PHÂN TÍCH DỰA TRÊN NHỮNG LUẬN CỨ KHOA HỌC

Phần 2 này chỉ có tính chất bổ sung,  làm phong phú thêm cho 8 thực tế nói trên ở Phần 1. Vì thực tiễn là mẹ đẻ của những luận cứ khoa học.

 

1. Kết luận đã công bố dựa trên cảm tính, suy diễn rất chủ quan:

Nguyên nhân làm cá chết cấp tính hàng loạt chia làm 2 loại cụ thể như sau: 

a) Bị tiếp xúc/phơi nhiễm với độc tố, đến đủ nồng độ gây chết LC50. 

b) Bị chết do cạn kiệt oxy hòa tan trong nước.

Hai nguyên nhân này khác nhau cơ bản về bản chất hóa học và cơ chế gây chết.

 

Trong độc tố học (toxicology ) và sự cố môi trường (environmental accident) có khái niệm trụ cột là LC50 (Lethal Concentration), là nồng độ (mg/L) của độc tố làm 50% quần thể cá chết sau một thời gian tiếp xúc nhất định (24 giờ, 48 giờ, hay 96 giờ). Có nghĩa là cá sống trong nước có chứa phenol, xianua sẽ chết cấp tính khi nồng độ của chúng vượt quá giá trị LC50. Độc tố nào có giá trị LC50 càng nhỏ thì càng độc và ngược lại nếu LC50 càng cao thì càng ít độc. Các loài cá khác nhau có giá trị LC50 khác nhau; cùng một loài cá thì cá lớn có giá trị LC50 cao hơn cá bé. Giá trị LC50 đối với 24 giờ tiếp xúc phải cao hơn 48 giờ, tương tự cao hơn 96 giờ (4 ngày).

 

Trong nhân dân có câu nói có tính qui luậtSuy cho cùng một chất độc hay không độc còn tùy thuộc vào nồng độ của nó”. Nếu chúng ta ăn một thìa giấm chua hay một thìa đường không sao, nhưng nếu uống 1 chai giấm hay nửa cân đường một lúc sẽ nguy kịch ngay. Trên mạng chúng ta không thể tìm thấy các giá trị LC50 cho các hợp chất phenolic và phức chất xianua. Có thể vì chúng có độc tính rất thấp, không đáng kể đối với cá, nên không có đơn vị, hay viện, trường nào nghiên cứu xác định LC50. Trên mạng chúng ta có thể tìm thấy số liệu LC50 của phenol tinh khiết và xianua tinh khiết, như sau 96h-LC50 của phenol C6H5-OH là 50mg/L và của xianua là 100mg/L. Chúng ta tạm sử dụng những số liệu này, nhưng cũng rất tốt cho minh họa đối với cá biển 4 tỉnh miền Trung.

 

Kết quả phân tích nồng độ tổng phenol có trong tất cả các mẫu nước biển của cả 4 tỉnh miền Trung đều vô cùng nhỏ, vô cùng thấp, đều dưới 0,005mg/L. 10.000 lần nhỏ hơn 96h-LC50 của phenol tinh khiết;  20.000 lần nhỏ hơn 96h-LC50 của xianua tinh khiết. Suy ra nước biển này rất an toàn cho tôm, cá. 

 

Việc tất cả các nhà khoa học từ Trung ương đến địa phương đem so sánh các kết quả phân tích mẫu nước với QCVN 08:2015/BTNMT về chất lượng nước mặt, nếu thấy vượt QCVN thì coi là nguyên nhân làm cá chết là sai lầm nghiêm trọng, giống hệt nhầm lẫn, không phân biệt được dép phải và dép trái. Vì Không có bất cứ QCVN nào và qui chuẩn quốc tế có mục đích làm căn cứ để xác định nguyên nhân cá chết. Căn cứ duy nhất để xác định nguyên nhân cá chết duy nhất chỉ có LC50.

 

2. Thế giới coi các hợp chất phenolic là dinh dưỡng quí:

Tháng 3-4/2015 trên tạp chí khoa học Dinh dưỡng[1] của Brazil có công bố một công trình nghiên cứu công phu của một tập thể tác giả của trường đại học liên bang Universidade Federal da Fronteira do Sul liên kết với trường Universidade Estadual de Maringá, về “Estimate of consumption of phenolic compounds by Brazilian population”, tạm dịch là “Xác định qui mô tiêu thụ các hợp chất phenol của các tầng lớp dân cư Brazil”. Bài báo nêu bật tính chất quí  báu của các hợp chất phenolic là hoạt tính chống oxy hóa (antioxidant activity), có vai trò giãn nở mạch, kháng viêm, chống sơ vữa thành mạch, chống nghẽn mạch, và còn là chất điều tiết các quá trình chuyển hóa enzyme, cải thiện màng tế bào và chức năng thu nhận của màng. Các thực phẩm giầu các hợp chất phenolic là cocoa, rượu vang đỏ, chè, cà phê, chanh, cam, bưởi, quả lựu. Trong mạch nha sản xuất rượu whisky có 160mg/kg. Trung bình mỗi người dân Brazil tiêu dùng tổng các phenolic 460mg/ngày, so với người Pháp là 1193mg/ngày, Tây Ban Nha 820mg/ngày, Phần Lan 863mg/ngày.

 

3.  Về quan điểm không nên quan tâm đến nồng độ của một lãnh đạo Hội đồng KH&CN quốc gia điều tra:

 

Trong quá trình điều tra, vì thấy nồng độ là vô cùng nhỏ nên một lãnh đạo Hội đồng KH&CN quốc gia đã đưa ra quan điểm[2]Chúng ta không nên quan tâm đến nồng độ, mà đặc biệt quan tâm đến tổng lượng xả thải ra môi trường”.

Thuần túy về khoa học, kỹ thuật chuyên môn  thì  đây là một quan điểm đưa khoa học công nghệ môi trường vào ngõ cụt, đặc biệt là không thể quản lý được chất lượng môi trường nếu như không quan tâm đến nồng độ. Đơn giản vì:

 

a) Không  biết nồng độ thì không thể tính được tổng lượng. Cả thế giới, ngàn năm nay đều tính khối lượng (M) theo công thức M = C x V (trong đó C là nồng độ, V là thể tích). Trong 1000m3 nước thải/ngày của khâu luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh có nồng độ trung bình: tổng phenolic là 750g/m3, tổng các phức xianua là 50g/m3, ammonia 60g/m3. Từ đó tính được tổng lượng trung bình mỗi ngày Formosa Hà Tĩnh đã đổ vào biển 750kg tổng phenolic, 50kg tổng phức xianua và 60kg ammonia; kéo dài từ 11/2015 đến 5/4/2016.

b) Quan điểm “không nên quan tâm đến nồng độ” đã đưa ra kết luận võ đoán phenol, xianua là những độc tố do vậy cá chết là đương nhiên”, vất bỏ khái niệm trụ cột của độc tố học và điều kiện bắt buộc là nồng độ của chúng có trong nước biển phải lớn hơn LC50.

c) 100% các văn bản QCVN để quản lý chất lượng môi trường và của cả Thế giới đều chỉ nói về “nồng độ”, tuyệt nhiên không có từ “tổng lượng”. Quan điểm “Không nên quan tâm đến nồng độ, mà đặc biệt quan tâm đến tổng lượng” tức là vất bỏ QCVN và qui chuẩn thế giới.

 

4. Dựa trên một thí nghiệm “nghiệp dư”:

 

Đoàn điều tra đã lấy mẫu nước thu được từ vệt nước biển màu đỏ gạch  ở tỉnh Quảng Bình ngày 4/5, tỉnh Hà Tĩnh ngày 5/5 và 12/5 làm thí nghiệm với cá, cho kết quả tỷ lệ cá chết 80-100%  trong 3 – 30 phút. Công bố phân tích mẫu nước, hàm lượng sắt trong cặn lơ lửng cao (gần 25%), hydroxit sắt (gần 50%) và chứa tổng phenolic. Từ đó suy ra cá chết vì phenol và xianua.

Môi trường nước trong chậu hoặc bể và những điều kiện thí nghiệm này hoàn toàn khác lạ với môi trường và điều kiện nước biển, nơi mà cá đang sống bỗng qua một đêm chết hàng loạt.

 

5. Kết luận công bố phenol, xianua được kết dính vào hydroxit sắt Fe(OH)3 thành tấm chăn di động, hút nhả độc tố, lướt đến đâu cá chết đến đó:

 

Kết quả thí nghiệm của  F. Pablo[3] và cộng sự cho thấy khi xianua tạo 2 phức khác nhau với sắt thì độc tố của nó đã giảm đi từ 26 đến 2600 lần!  Có một nguyên tắc phổ quát là các độc tố khi khi bị tạo thành phức hoặc bị hấp phụ thì độc tính của chúng giảm rất nhiều. Trong các bệnh viện, để cấp cứu, giải độc cho bệnh nhân nếu bị uống phải xyanua, hay thuốc trừ sâu v.v… các bác sĩ thường cho uống ngay bột than hoạt tính để hấp phụ các độc tố, qua đó vô  hiệu hóa độc tính của chúng.

 

96h-LC50 của phenol tinh khiết (C6H5OH) là 50mg/L có nghĩa là 50% cá sẽ chết sau 96 giờ = 345.600 giây sống trong nước có nồng độ như vậy. Vận tốc trung bình dòng chảy nước biển tầng đáy duyên hải 4 tỉnh miền Trung thực tế đo được là 1m/giây. Tấm chăn di động hút nhả độc tố vạn lần nhỏ hơn nồng độ LC50 và chỉ “lướt qua” tôm cá với vận tốc 1m/giây, đã làm cá chết bất đắc kỳ tử, lăn như rạ, nổi trắng biển mênh mông. Đúng là một thảm họa của tưởng tượng!

 

6. Về hàm lượng cao của tổng phenolic và xianua trong cá:

 

Căn cứ kết quả phân tích mẫu cá chết thấy có một số mẫu cho hàm lượng xianua từ 0,39 – 40mg/kg và tổng phenolic từ 5 – 340mg/kg, từ đó Hội đồng KH&CN quốc gia kết luận cá chết là do phenol và xianua. Kết luận này hoàn toàn đối kháng với qui luật của tự nhiên:

 

Theo qui luật của tự nhiên, sự tích tụ và khuyếch đại sinh học các độc tố thông qua chuỗi thức ăn (biological accumulation and magnification of pollutants in food chain). Ví dụ: Thuốc bảo vệ thực vật DDT với nồng độ coi như không có, không tồn tại trong nước là 0,000003mg/L. Động vật phù du ăn DDT, hàm lượng DDT trong động vật này là 0,04mg/kg; cá bé ăn động vật phù du cho hàm lượng DDT là 0,5mg/kg, cá lớn ăn cá bé cho hàm lượng 2mg/kg (hệ số khuyếch đại là 0,66 triệu lần), chim ăn cá cho hàm lượng DDT 25mg/kg (hệ số khuyếch đại là 8,3 triệu lần!!) nhưng cá vẫn tung tăng bơi lội, vẫn sống để cho người dân đánh bắt.

 

Để minh họa các qui luật tự nhiên trên, dưới đây là bảng tổng hợp kết quả nghiên cứu công bố tháng 6/2014 của Bazzi[4], A. O. về các kim loại nặng trong nước biển, trong trầm tích và trong các con hầu (oysters S. cucullata) tại vịnh Chabahar, biển Oman. Như vậy bình quân 1kg hàu có chứa 6.459mg tổng các kim loại nặng độc hại. Thế mà chẳng con nào chết cả:

 

 

Đồng

Kẽm

Chì

Cadmi

Crom

Niken

Sẳt

Magan

Nước biển

(mg/L)

0,0034 – 0,0057

0,018 – 0,023

0,0042 – 0,0045

0,00015 – 0,00019

0,020 – 0,021

0,016 – 0,017

0,015 – 0,025

0,007 – 0,008

Trầm tích

mg/kg

47 – 55

40 - 43

26 - 28

0,5 – 0,6

47 - 51

26 - 29

52 - 53

84 - 89

Con hàu

mg/kg

134 - 145

157 - 191

15 - 17

0,4 – 0,5

23 - 28

29 - 38

5810  6250

40 - 49

 

7. Thông lệ thế giới giải thích nguyên nhân cá chết là do cạn kiệt oxy:

Trên Thế giới đã có một vài thảm họa cá chết ở ngoài biển mênh mông sau một đêm ngủ dậy. Chính vì nồng độ độc tố ở các vùng nước rộng lớn là rất nhỏ nên các nhà khoa học trên thế giới không bao giờ giải thích nguyên nhân cá chết bằng các độc tố kiểu như phenol, xianua v.v... Họ đều thống nhất giải thích là do bị thiếu, cạn kiệt oxy hòa tan (dissolved oxygen, DO), trong vùng nước mà cá đang sinh sống:

 

Có những vùng nước (biển hoặc hồ) ven bờ khi bị tiếp nhận quá nhiều chất thải hữu cơ, đặc biệt các chất có chứa nhiều nitơ (N, đạm)phốt pho (P, lân) (có thể là từ khu đô thị, hoặc hoạt động nông nghiệp thâm canh ven bờ, do lạm dụng quá nhiều phân hóa học khi bị rửa trôi xuống nước) sẽ tích tụ nhiều đến mức tạo nên hiện tượng phú dưỡng (eutrophication). Việc có quá nhiều những dưỡng chất (nutrients) này trong nước đã làm cho các loài tảo, rong, rêu sinh sôi và phát triển bùng nổ (algal bloom), lan rộng trên một diện tích lớn. Trường hợp có các loại tảo đỏ (dinoflagelates) bùng nổ thì được gọi là “thủy triều” đỏ (red tide) do con người gây ra. Tảo xanh và đỏ sau giai đoạn phát triển bùng nổ là giai đoạn thoái trào, chết đi, tạo nên những mảng sinh khối khổng lồ (biomass), lắng đọng xuống đáy, thối rữa và phân hủy bởi các con vi sinh. Quá trình vi sinh phân hủy một lượng sinh khối khổng lồ này tiêu thụ một lượng khổng lồ oxy vốn đã khan hiếm ở tầng đáy vào ban đêm. Kết quả là sáng dậy, người dân sẽ thấy cá chết nổi trắng một vùng nước mênh mông.

 

8. Yếu tố nào đã làm cạn kiệt oxy vùng đáy biển 4 tỉnh ven biển miền Trung?

Công ty Formosa Hà Tĩnh đã khai báo do sự cố nhà thầu phụ trong xử lý nước thải và mất điện vài ngày đã đổ vào biển 2500m3 nước thải của của công đoạn xúc rửa, tẩy gỉ hệ thống hàng loạt các đường ống kim loại. Ngoài ra, nước thải nhà máy sản xuất than cốc qua khâu xử lý sinh học và xử lý tăng cường bằng phản ứng Fenton có chứa muối sunfat sắt, do mất điện cũng đổ tất ra biển. Sự cố này đã đổ ra biển gần 6 tấn cation Fe+2 tương đương[5] với 6,4.1028 cation Fe+2 đủ để phân bố, dàn trải từ Vũng Áng, Hà Tĩnh vào gần đến Thừa Thiên - Huế.

 

Đoàn đại “chiến binh” khổng lồ với  6,4.1028  cation Fe+2 này trên đường hành quân từ Hà Tĩnh vào Huế cứ 1 cation Fe+2 “tiêu diệt” 0,75 phân tử oxy để tạo ra 1 phân tử Fe(OH)3. Hay 6 tấn cation Fe+2 sẽ tiêu diệt  2,57 tấn[6] oxy và tạo ra 11,5 tấn[7] hydroxit sắt Fe(OH)3 màu đỏ nâu tươi, kết tuả lắng đọng, rải rác từ Hà Tĩnh vào tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là chứng cứ còn lại tại hiện trường đáy biển, mà thợ lặn quan sát và mô tả thấy rải rác khắp nơi có “màng nhầy” này.

 

Phản ứng cation sắt hai với oxy là phản ứng hóa học cơ bản, kinh điển, vài trăm năm nay của ngành cấp nước sinh hoạt đô thị khai thác nước ngầm. Một đặc điểm cơ bản của nước ngầm tầng sâu là có chứa rất nhiều cation sắt hai, vì nguyên tố sắt tồn tại khá phổ biển trong cấu tạo địa chất của vỏ Trái đất. Để loại bỏ Fe+2 của nước ngầm, người ta thường làm dàn phun mưa để lấy oxy từ không khí. Chất thải chủ yếu của các nhà máy nước kiểu này là cặn Fe(OH)3 màu đỏ nâu.

 

9. Về đề xuất giải pháp nạo vét đáy biển của lãnh đạo Đoàn điều tra:

Sau khi Văn phòng Chính phủ họp báo công bố các độc tố phenol và xianua làm cá chết. Một cây đa khoa học trụ cột của đất nước về hải dương học nói với báo giới, san hô biển đã bị chết, phải vài chục năm mới tự phục hồi lại được. Họ ngồi lại với nhau để bàn các làm sạch biển. Trưởng nhóm trụ cột của Hội đồng KH&CN quốc gia đã đề xuất  “Sẽ phải hút hàng ngàn tấn trầm tích, kinh phí hút 1.000 tấn cũng phải mất vài nghìn tỷ đồng. Chúng ta sẽ phải hút suốt chiều dài 209 km và phải hút sâu tối thiểu 50cm thì mới đảm bảo sạch biển” (Báo Dân Việt, đăng thứ Sáu, ngày 01/07/2016 15:46 PM) .

 

Theo đề xuất này, giả sử kích thước bùn cần hút là 60m rộng x 209.000m dài x 0,5m sâu = 6,3 triệu m3 bùn, tương đương 7,25 triệu tấn[8]. Tổng kinh phí[8] chỉ riêng cho nạo vét, hút bùn gần 10.900.000 tỷ đồng (tương đương 473 tỷ USD!!).

Vì đất nước nghèo, nên giỏi lắm Thủ tướng Chính phủ chỉ đáp ứng 1% nhu cầu, tương đương 109.000 tỷ (khoảng 4,73 tỷ USD)

Bỏ ra 109.000 tỷ đồng để nạo vét đáy biển chỉ vì bị phủ một lớp vô cùng mỏng hydroxit sắt có hấp phụ tổng phenolic và tổng phức xianua sẽ là một cuộc tổng tàn phá kinh hoàng hệ sinh thái đáy biển, sẽ thêm rất nhiều san hô bị chết một cách dã man.

 

Thực sự là một đề xuất thảm họa!!!.

Không cần tốn 1 xu biển sẽ tự làm sạch chỉ trong một vài năm!!!

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] http://www.scielo.br/scielo.php?script=sci_arttext&pid=S1415-52732015000200185

[2] VTV (8g15) thứ 7, ngày 14/5/2016 phát bài phỏng vấn TS. Vũ Đức Lợi, Phó trưởng Đoàn điều tra, Tổ trưởng tổ các độc tố hóa học.

[3] F. Pablo, R.T. Buckney: Toxicity of Cyanide and Iron – Cyanide Complexes to Australian Bass, Australasian Journal of Ecotoxicology. Vol.2, pp.75 -84, 1996 www.ecotox.org.au/aje/archives/vol2p75.pdf

[4] Bazzi, A. O. Heavy metals in seawater and sediments and marine organisms in the Gulf of Chabahar, Oman sea.  Journal of Oceanography and Marine Science  Vol. 5(3) pp. 20-29. 2014.

[5] Hóa học lớp 11: Chuyển đổi khối lượng kg sang khối lượng mol của Fe+2 theo công thức gam/nguyên tử lượng = 6000kg x 1000/56g = 107.143 mol cation Fe+2 . Theo định luật Avogadro, cứ 1 mol của mọi chất có chứa 6.1023 phân tử hoặc nguyên tử, suy ra 107.143 x 6.1023 = 6,4.1028  cation Fe+2.

[6] Hóa học lớp 11:   Fe+2 + 0,75O2  +  1,5H2O  = Fe(OH)3 suy ra 107.143 mol x 0,75 = 80.357 mol oxy x 32g = 2,57 tấn oxy.

[7] Hóa học lớp 11: Theo phản ứng trên, 107.143 mol cation Fe+2 tham gia phản ứng sẽ tạo ra 107.143 mol Fe(OH)3  = 107.143 x 107g = 11,5 tấn hydroxit sắt Fe(OH)3

[8] 6,3 triệu m3 bùn. Tỷ trọng của bùn khoảng 1,15 tấn/1m3. Vậy tổng lượng  bùn là 7,25 triệu tấn. Giả sử kinh phí hút 1000 tấn là 1.500 tỷ đồng. Tổng kinh phí chỉ riêng cho nạo vét, hút bùn là 7.250.000/1000 x 1500 tỷ đồng, gần bằng   10.900.000 tỷ đồng = 10.900 nghìn tỷ đồng (tương đương 473 tỷ USD!!).

 

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, 01/8/2016,  liên hệ: ndthangndt@yahoo.com

====================================================

 

MỘT SỐ Ý KIẾN CỦA CÁC CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC

 

Ngay sau khi gửi thư kiến nghị đến các cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời tôi đưa lên mạng và gửi qua các emails. Rất nhanh chóng tôi nhận được một số ý kiến như dưới đây:

 

 

1) Ý kiến phản đối: Duy nhất chỉ có 01.

From: Phạm Hùng Việt

To:ndthangndt@yahoo.com

Cc:phamhungviet@hus.edu.vn,levancat1976vh@gmail.com

Aug 19, 2016 at 1:06 PM

 

Đó là GS.TS Phạm Hùng Việt, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển bền vững (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), là Phó Chủ tịch của Hội đồng KH&CN quốc gia về xác định nguyên nhân cá chết; là tác giả của “Tấm chăn di động hút nhả độc tố phenol và xianua” làm cá chết. GS.TS Việt thường ngồi ghế Chủ tịch nhiều hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia về Hóa học phân tích và Môi trường. Hiếm có một đơn vị/tổ chức nghiên cứu KH&CN nào lại được Nhà nước ưu ái nhiều chục năm liền cho nhận viện trợ không hoàn lại (hỗ trợ kỹ thuật) và vốn đầu tư Phòng thí nghiệm KH&CN trọng điểm quốc gia như Trung tâm của TS. Việt. Trung tâm luôn sở hữu những máy móc, thiết bị phân tích hóa học hiện đại nhất đất nước. GS.TS Việt có biết tôi học chuyên sâu về "quantum chemistry" (Hóa lượng tử) tại Praha (Cộng hòa Séc) và có giai đoạn làm việc tại MPI (Bộ KH&ĐT). Đáng tiếc là thư của GS.TS Việt lỗi chính tả từ đầu đến cuối, khó đọc, phải đoán. Dưới đây là “bản dịch” thư phản biện của anh:

 

Thân gửi bạn Thắng,

Tôi lâu nay vẫn theo dõi việc anh băn khoăn về nguyên nhân cá chết, anh đã viết bài này và đăng trên mạng “anh Ba Sam”, đã tranh luận với anh Tô Văn Trường,…(Nguyên Viện trưởng Viện Qui hoạch Thủy lợi miền Nam – ND) và đến nay anh vẫn giữ chính kiến đó. Mình với tư cách là người nghiên cứu về hóa học và độc chất học môi trường, hiểu biết sâu sắc về vấn đề này, chỉ mỉm cười và nghĩ: anh bạn Thắng của tôi đúng là thiếu thông tin, suy luận theo kiểu duy ý chí, đúng là một nhà khoa học “Hóa lượng tử” nên hơi phiến diện, thành thử đi quá xa về suy diễn theo kiểu “ếch ngồi đáy giếng” như anh đã tự nhận trong các bài viết. Nếu thực sự anh muốn hiểu đầy đủ và sâu sắc, lúc nào ghé qua tôi, chỉ cần tôi giải thích cho anh sau 15 phút, anh sẽ tự gỡ bài viết của anh khỏi mạng và có lời xin lỗi cộng đồng vì sự ngộ nhận của mình, đây là lời khuyên chân thực với tư cách là người bạn biết nhau từ lâu. Đừng tiếp tục gửi bài viết nữa Thắng ạ, nếu không muốn bị giới khoa học, những người hiểu biết và có trách nhiệm về sứ mạng này, đánh giá sai lệch về mình, về động cơ hoặc kiến thức, đều là bất lợi cho anh.

Theo mình hiểu, Nhà nước có thể sẽ tổ chức hội thảo khoa học về vấn đề này vào thời điểm thích hợp, lúc đó mình sẽ mời anh đến dự cùng để chia sẻ thông tin từ góc độ khoa học. Anh chỉ gặp tôi một lúc thì tôi tin là anh sẽ tâm phục khẩu phục thôi, nhưng bây giờ chưa phải là lúc trao đổi chi tiết qua email được, mong anh thông cảm nhé. Mọi việc đều cần được giải quyết và công khai tường minh vào các thời điểm thích hợp. Anh đã từng công tác ở Vụ Khoa học, Giáo dục và Môi trường của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), anh càng hiểu việc này (vấn đề nhậy cảm và đang hot hiện nay) nên thông tin đến đâu, vào thời điểm nào theo lộ trình của Nhà nước cho phù hợp và tối ưu. Đừng vì nóng vội, lại thiếu thông tin dẫn dắt mình đến những phát biểu trước công luận thiếu chính xác và lệch lạc,.. Mình nói thế thì chắc anh hiểu. Nếu anh vẫn tin cậy ở tôi như ngày xưa, ít nhất là về góc độ hiểu biết sâu sắc về chuyên môn, thì mong anh nên im lặng và tìm hiểu thêm cho đầy đủ,…

Chúc anh luôn mạnh khỏe, tuy nghỉ hưu rồi nhưng vẫn quan tâm đến thời cuộc với trách nhiệm tích cực đến cộng đồng, vẫn luôn là một nhà khoa học luôn tìm hiểu, luôn học hỏi, học cả đời như chúng ta vẫn làm, vẫn luôn thấy là càng học thì càng thấy mình vẫn dốt, vẫn phải học hỏi và tìm hiểu, đó là điều thú vị trong đời sống của những người như chúng ta, những người luôn thấy mình mắc nợ với Nhà nước và người dân, khi cả nước đang trong giai đoạn chiến tranh thì chúng ta được cử đi học nước ngoài trước 1975. Anh tha lỗi cho tôi, nếu anh thấy tôi hơi dài dòng và có vẻ như đang “lên lớp” cho anh nhé. Thân mến, Phạm Hùng Việt

============

Than gui ban Thang,

Toi lau nay van theo doi viec anh ban khoan ve nguyen nhan ca chet, anh da viet bai nay dang tren trang mang "anh Ba Sam", da tranh luan voi anh To Van Truong,... Va den nay anh van giu chinh kien do. Minh voi tu cach la nguoi nghien cuu ve hoa hoc va doc chat hoc moi truong, hieu biet sau sac ve van de nay, chi mim cuoi va nghi: anh ban Thang cua toi dung la thieu thong tin, suy luan theo kieu duy y chi, dung la mot nha khoa hoc "quantum chemistry" nen hoi phien dien, thanh thu di qua xa ve suy dien theo kieu "ech ngoi day gieng" nhu anh da tu nhan trong cac viet. Neu thuc su anh muon hieu day du va sau sac, luc nao ghe qua toi, chi can toi giai thich cho anh sau 15 phut, anh se tu go bai viet cua anh khoi mang va co loi xin loi cong dong vi su ngo nhan cua minh, day la loi khuyen chan thuc voi tu cach la nguoi ban biet nhau tu lau. Dung tiep tuc gui bai viet nua Thang a, neu khong muon bi gioi khoa hoc, nhung nguoi hieu biet va co trach nhiem ve su mang nay, danh gia sai lech ve minh, ve dong co hoac kien thuc, deu la bat loi cho anh.

Theo minh hieu, nha nuoc co the se to chuc hoi thao khoa hoc ve van de nay vao thoi diem thich hop, luc do minh se moi anh den du cung de chia se thong tin tu goc do khoa hoc. Anh chi can gap toi mot luc thi toi tin la anh se tam phuc khau phuc thoi, nhung bay gio chua phai la luc trao doi chi tiet qua email duoc, mong anh thong cam nhe. Moi viec deu can duoc giai quyet va cong khai tuong minh vao cac thoi diem thich hop. Anh da tung cong tac o Vu giao duc, khoa hoc va moi truong cua MPI, anh cang hieu viec nay ( van de nhay cam va dang hot hien nay) nen thong tin den dau, vao thoi diem nao theo lo trinh cua nha nuoc cho phu hop va toi uu. Dung vi nong voi lai thieu thong tin dan dat minh den nhung phat bieu cong luan thieu chinh xac va lech lac,......Minh noi the thi chac anh hieu. Neu anh van tin cay o toi nhu ngay xua, it nhat la la ve goc do hieu biet sau sac ve chuyen mon, thi mong anh nen im lang va tim hieu them cho day du,...

Chuc anh luon manh khoe, tuy nghi huu roi nhung van quan tam den thoi cuoc voi trach nhiem positive den cong dong, van luon la mot nha khoa hoc luon tim hieu, luon hoc hoi, hoc ca doi nhu chung ta van lam, van luon thay la cang hoc thi cang thay minh van dot, van phai hoc hoi va tim hieu, do la dieu thu vi trong doi song cua nhung nguoi nhu chung ta, nhung nguoi luon thay minh mac no voi nha nuoc va nguoi dan, khi ca nuoc dang trong giai doan chien tranh thi chung ta duoc cu di hoc nuoc ngoai truoc 1975. Anh tha loi cho loi, neu anh thay toi hoi dai dong va co ve nhu dang "len lop" cho anh nhe. Than men, Pham Hung Viet

 

2) Ý kiến ủng hộ:

1. GS.TS Lê Trình, Giám đốc của Trung tâm VESDEC, Tp. HCM. TS. Trình đã có nhiều năm gắn bó với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, là cố vấn, chuyên gia thâm niên của Bộ về lĩnh vực Đánh giá tác động môi trường (EIA), Đánh giá Môi trường chiến lược (SEA), độc tố học, ô nhiễm công nghiệp, môi trường nước và những công nghệ liên quan. Trong một thư riêng động viên, khích lệ tôi, có đoạn nguyên văn như sau:

 

“Tôi đã U70 rồi, định hết năm nay "rửa tay gác kiếm, tập dưỡng sinh" nhưng thấy ông Trump, bà Clinton cùng tuổi, hiểu nghề tổng thống USA là công việc bận rộn, căng thẳng nhất thế giới vậy mà còn muốn làm, nên chắc tôi cũng cố thêm chút ít nữa.”

 

Hơn thế nữa, TS Trình còn viết hẳn một thư khác để kêu gọi mọi người ủng hộ tôi. Toàn văn như sau:

 

Thân gửi tất cả anh em

Tôi biết anh Nguyễn Đức Thắng: năm 1981-1983 anh là trưởng phòng Hóa Lý tôi là trưởng phòng CN Hữu cơ - thuộc Viện Kỹ thuật quân sự. Sau đó tôi vào Nam, anh Thắng còn làm tiếp vài năm rồi ra Bộ KH&ĐT. Hồi đó anh Anh Cường (nay là Cục trưởng Cục Đa dạng sinh học), GS.TS Lê Quốc Hùng, TS. Lê Văn Cát còn sỹ quan - cán bộ nghiên cứu ở Viện cùng chúng tôi.

Bài anh Thắng rất nghiêm túc, công phu, tham khảo nhiều tài liệu quốc tế, trong nước và nhiều nhận xét rất đáng xem xét. Bài này nên được lãnh đạo và chuyên gia các cơ quan quản lý và KHCN môi trường đọc và thảo luận.

Chúc anh chị em sức khỏe.

Lê Trình

 

2. TS. Phạm Văn Hội, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp sinh thái (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), đang có nhiều năm hợp tác với ĐH Wageningen (Hà Lan) ủng hộ tôi, thông qua toàn văn thư gửi GS.TS Việt:

 

Kính gửi GS.TS. Phạm Hùng Việt,

Được anh N.Đ.Thắng chia sẻ thư của anh, em có vài lời sau:

 

Em đang đi công tác nên cũng chỉ check rất nhanh xem anh là ai trong google scholar. Thấy tên anh có xuất hiện ở mấy bài viết, nhưng chỉ là tác giả 3, 4… Trong học thuật, bọn em gọi là: tác giả ma (ghost author) hoặc tác giả ăn theo (gọi là parasite cũng được)… (đến giờ, em đứng tên tác giả 1 của 5 bài ISI, em hiểu điều đó).

 

Em chưa từng nghe đến tên anh, chưa đọc bài viết nào của anh, và cũng chẳng có GS nào mà em biết nói về anh như là 1 nhà độc tố học MT danh tiếng anh ơi. Em đang cùng với GS Paul van den Brink (ĐH Wageningen) viết bài về pesticide toxicology (tất nhiên, em chỉ lo được phần review on pesticide uses in VN, and policy implications, vì không có chuyên môn toxicology)…15 năm qua làm việc cùng Paul, chưa bao giờ Paul nói về bất kỳ NHÀ ĐỘC TỐ học VN mà anh ta biết đến – không lẽ vĩ đại như anh mà đám học thuật thế giới chưa biết đến???

 

Học thuật là học thuật, không liên quan gì đến cái danh GS, hoặc bằng TS đâu anh. Em kính trọng người nông dân, hoặc doanh nghiệp có ý tưởng sáng tạo, chứ không bao giờ bận tâm mấy chức danh A, B…

 

Bọn em đánh giá con người, bởi vậy, bằng tài năng thực sự của họ - rất công bằng.

Anh hãy viết 1 bài về nguyên nhân ô nhiễm biển miền Trung, để anh Thắng và cả những người như em tâm phục, khẩu phục đi anh ơi. Em chờ anh đấy!

Kính thư,

Phạm Văn Hội

 

P/S. GS hướng dẫn em hiện là hiệu trưởng ĐH Wageningen: Arthur P. J. Mol – 1 trong 3 người khởi xướng thuyết Ecological Modernization Theory. 10 năm qua, em chưa từng có trải nghiệm nào v/v GS có ý kiến như ý kiến của anh (đối với anh Thắng) – dù em chỉ là học trò (hiện vẫn liên lạc và viết chung bài với em). Em đọc thư anh, thêm phần thất kinh về GS Viêt Nam!

Rảnh em sẽ tìm anh trên web of sciences để biết thêm về anh.

 

3. Nhà khoa học nữ Hải Yến, CHLB Đức, cũng ủng hộ tôi, thông qua thư gửi cho GS.TS Việt, toàn văn như sau:

 

Dear GS Phạm Hùng Việt

 

Yến cũng là người làm về sinh thái môi trường, thạc sỹ của yến là về coastal zone yến đủ hiểu để đau cho các hệ sinh thái ven biển, bất thần vì cảm thấy các hệ sinh thái này đã nuôi sống hàng bao thề hệ người An Nam từ khi có sự sống trên dải đất hình chữ S này đã vụt tan biến. Vì thế, yến rất quan tâm theo dõi và cũng cố gắng viết và chia sẻ những gì trong phạm vi kiến thức của mình. Và thật sự rất lấy thất vọng với hàng loạt kết luận ban đầu của các bộ ngành trong đó có GS là cá chết do thủy triều đỏ, ko phải do Formosa, là do cyanide và phenol và một "tầm đệm di động" này nọ. Đến mức yến cũng phải có bài viết rằng các nhà KH VN đang làm ngược quy trình khi xác định nguồn thải, và càng nực cười khi giải thích "tấm đệm" di động. Yến ko chuyên sâu về ecotoxicology nhưng vì công việc liên quan, đặc biết 2 năm yến cùng vật vã với Dr. Hakan Berg của Thụy Điển giám sát chương trình toxic contanination của low mekong phần nào cũng hiểu đc về ecotoxicology.

 

Vì thế khi đọc bài của TS. Thắng về nguyên nhân cá chết, Yến thấy nó thuyết phục, và rất cảm kích với những đóng góp về mặt khoa học cũng như place out phần nào đó về bức tranh vể thảm họa Formosa VA. Vậy mà không hiểu sao GS lại có những lời lẽ bất nhã với TS Thắng về bài viết đó. Yến không quan tâm đến lý lịch của bất cứ author nào, nhưng vì lời lẽ trong email của GS đồi với TS Thắng, nó không chỉ riêng với TS Thắng ở đó, mà nó còn là một cú tát của GS đối với những ai có quan điểm và nhận thức khoa học nghiêm túc, nên Yến có search trên mạng với key words là Prof. Pham Hung Viet thì đc một trang scholar đưa tin (tiếng anh) các bài báo đăng tạp chí qt có tên GS, nhưng GS không phải là first author. Còn các trang tiếng việt thì chỉ đưa tin GS có nc phân tích về asen, ngay cả trường DH nơi GS công tác, cũng chỉ ghi quá trình đào tạo của GS: ĐH ở Đức, ThS và TS ở Thụy Sỹ, còn phần publication thì rỗng. Yến muốn có mấy câu hỏi với GS như sau:

 

1) phần publication của 1 GS là phần rất quan trọng thề hiện khả năng cũng như đóng góp của cá nhân GS ấy, nó cũng như một credit để minh chứng chất lượng của một viện trường và lòng tin của người đọc. tại sao GS lại để phần này "rỗng"?


2) Như tt trên internet và publication, thì có lẽ GS đang đang nhầm lẫn giữa hóa phân tích và ecotoxicology. Một người với hóa phân tích có thể phân tích đc asen hoặc các kim loại nặng hay độc tố trong môi trường, sinh viên đại học của yến nó cũng phân tích đc kim loại năng trong mt đấy thôi. Nhưng ko có nghĩa là những cái đó đủ để GS vơ vào mình là ecotoxicology. GS có thể đc tham gia phân tích mẫu từ thảm họa VA cho ra các độc tố. Nhưng cái giải thích nguyên nhân cá chết nó ko chỉ dừng lại ở mấy cái hóa chất mà GS có đc kia đâu. GS đã tu nghiệp ở Đức, Thụy Sỹ, Chắc GS biết ở Đức cũng như Châu Âu người ta có hẳn một ủy ban về toxcicology, và nhìn vào các chương trình đào tạo cũng như training kiến thức về toxicology của họ nó không chỉ là mấy cái hóa phân tích kia đâu ạ.

 

3) quyền biểu đạt chính kiến, thông qua các bài viết của TS Thắng là quyền con người, GS giỏi thì phản biện lại bài viết đó của TS Thắng, chứ tại sao GS lại trách TS Thắng là tại sao vẫn bảo lưu quan điểm và lại còn trịnh thượng khuyên TS Thắng là đừng viết nữa? Nước Đức đã phải trả giá rất đắt cho chế độ độc tài của Hitle. GS đủ hiểu chính người Đức cũng rất quyết tâm gột rửa sự độc tài. Độc tài bị cả nhân loại lên án, mà độc tài trong trí thức và trong phản biện trí thức thì còn kinh tởm và đáng kinh bỉ đến thế nào.

 

4) nếu GS tự tin là chuyên gia độc tố học và chỉ cần 15 phút giải thích thì TS Thắng sẽ tâm phục khẩu phục thế tại sao ngay sau khi quan chính phủ họp báo công bố kết quả này nọ, người dân và nhiều trí thức dậy sóng phản bác sao GS không viết bài để dân "tâm phục khẩu phục"?, sao GS không bước ra ánh sáng mà "cho lũ dân một bài học" việc gì phải nấp trong bóng tối lên giọng và hăm dọa 1 mình TS Thắng?.

 

5) Thảm họa VA xãy ra đã 4 tháng, cả nước người dân vẫn còn ngơ ngác với nguồn thực phẩm truyền thống 'cá biển", hàng ngàn ngư dân mất việc, môi trường biển chết đứng, thế giới áp lệnh kiểm tra ngặt nghèo hàng thủy sản XK của VN thế mà GS lại viết "Moi viec deu can duoc giai quyet va cong khai tuong minh vao cac thoi diem thich hop. Anh da tung cong tac o Vu giao duc, khoa hoc va moi truong cua MPI, anh cang hieu viec nay ( van de nhay cam va dang hot hien nay) nen thong tin den dau, vao thoi diem nao theo lo trinh cua nha nuoc cho phu hop va toi uu." vậy thử hỏi GS lúc nào là thời điểm thích hợp? Trí thức Đức họ không để lâu thế đâu. Vụ giá đỗ nhiễm Ecoli, họ cập nhật tt liên tục trên mọi kênh truyền thông để người dân tránh đc rủi ro càng nhiều càng tốt. Chắc GS cũng hiều đc ethnic trong khoa học chứ? vì thế hãy trở về là người trí thức đúng nghĩa với đạo đức của người trí thức.

 

Yến hy vọng 1 ngày nào đó GS có thể ngẩng mặt quay lại Đức, yến sẽ đc tiếp kiến GS cùng với GS cũng như đồng nghiệp của yến ở đây để tranh luận thêm về vấn đề này.

Viết từ CHLB Đức

Kính thư,

Hải Yến

 

4. PGS.TS Hà Quang Hải, Khoa Môi trường (Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Tp. HCM), đã viết “Tôi sẽ giới thiệu bài viết của anh cho sinh viên tham khảo”.

 

Kính gửi anh Thắng,

Tôi là giảng viên tại Khoa Môi trường, chuyên ngành Địa mạo học. Tôi có giảng dạy môn Địa chất môi trường và Quản lý tổng hợp đới bờ cho sinh viên Khoa môi trường. Trong vụ việc cá chết ở biển miền Trung tôi thường xuyên xem tin tức. Tôi gọi vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung là "Thảm họa Vũng Áng" hay "Thảm họa biển Bắc Trung Bộ" do con người thay vì gọi là "Sự cố" như các vị quan chức đang nói hiện nay.

Ý kiến của tôi về nguyên nhân gây cá chết theo như chính phủ công bố và bài viết "Cần trả lại chân lý khoa học cho Kết luận về nguyên nhân cá chết" của anh như sau"

- Khi nói về nhiễm độc cần phải nêu rõ liều gây chết (LC50), thời gian phơi nhiễm và trọng lượng cơ thể. Qua thông tin tôi biết được cá to, nhỏ đủ kích cỡ đều chết, thậm chí có con tới 30 kg cũng chết. Công bố của chính phủ không thuyết phục bởi lẽ cá chết hàng loạt, chết "Tức tưởi" khó có thể xảy ra với liều lượng phenol và, xianua quá nhỏ như vậy, nhất là đối với con cá lớn.

- Trong bài viết của anh, nguyên nhân cá "chết ngạt" làm cho tôi tin hơn, có lẽ đây là nguyên nhân làm cá chết hàng loạt; cả to lẫn nhỏ, nếu không đủ ô xy là chết.

Hy vọng những người có trách nhiệm lắng nghe ý kiến của anh và nhiều ý kiến khác để cân nhắc, kiểm chứng trước khi công bố nguyên nhân cá chết một cách thuyết phục. Tôi nghĩ, nếu như cá chết hàng loạt do NGẠT thì vấn đề môi trường ở miền Trung sẽ đi theo hướng khác.

Cảm ơn anh về nội dung bài viết và về phong cách tranh luận khoa học. Tôi sẽ giới thiệu bài viết của anh cho sinh viên tham khảo trong các môn học liên quan.

Chào anh, chúc anh sức khỏe.

Hà Quang Hải

 

5. Chiều 15/8/2016 tôi nhận được email của PGS.TS Cao Thế Hà (Bộ môn Hóa Lý, Khoa Hóa, trường Đại học KHTN, Đại học quốc gia Hà Nội), hiện là phó Giám đốc Trung tâm của GS.TS Phạm Hùng Việt, cũng là thành viên của Hội đồng KH&CN quốc gia xác định nguyên nhân cá chết:

 

Thưa anh Thắng,

Hà đã nhận đc bài của anh Thắng. Xin lỗi vì Hà chưa biết anh, xem qua thấy phục anh, ko biết anh có làm việc trong ngành MT ko mà "ghê" thế, phải thế nào mới viết được ngần nấy, nếu ko trong ngành mà viết được như vậy thì càng phục. Hà sẽ xin phép trao đổi với anh sau (hiện đang vướng mấy việc khẩn cấp). Bài của anh đang được để trên destop để sẵn sàng nghiền ngẫm. Nếu có thể anh cho biết chút ít về bản thân, xem qua thấy có vẻ anh học cùng Trần Hồng Côn? Như vậy là hơn tôi 1 tuổi.

Trân trọng,

 

6. Chiều thứ tư ngày 17/8/2016, PGS.TS. Hà cùng với TS. Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục kiểm soát các hoạt động bảo vệ môi trường của Bộ TN&MT đã đến nhà tôi từ 17g30 đến 19g30, đã kể nhiều về những công việc của Đoàn điều tra cho tôi nghe. Trước lạ sau quen và chúng tôi đã trao đổi với nhau như anh em bạn bè. TS Hà ít tuổi hơn tôi nên đã gọi tôi bằng anh. Cục trưởng gọi TS. Hà là thày nên cũng gọi luôn tôi là “thày”.

 

Câu hỏi đầu tiên của 2 cán bộ quan trọng đã tham gia Đoàn điều tra “anh là người ngoài cuộc, lấy đâu ra những thông tin và phân tích chính xác đến như vậy?”. Tôi đã trả lời do tôi là người yêu thích môi trường, tôi đã tự nghiên cứu nhiều và tích lũy cho mình khá nhiều thông tin trong lĩnh vực này.

 

Câu hỏi thứ hai họ nêu ra là “do cá đã 4 – 5 tháng ăn tích tụ nhiều phenol. xianua, bị ốm yếu, khật khừ nên khi bị ngạt, thiếu oxy cá lăn quay ra chết nhanh, do vậy có nên xem xét phenol và xianua là những tác nhân “cộng hưởng” làm cho cá chết nhanh hơn?”, tôi đã trả lời họ là không nên, vì nó đối kháng với những thực tế. . .

Trong câu chuyện, Cục trưởng nói “Các lãnh đạo Bộ đã đọc bài viết của thày và đều thấy là đúng. Bộ trưởng Hà còn nói bài viết của anh Thắng là thuyết phục”.

 

7. Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng TN&MT:

Thư kiến nghị nói trên tôi gửi bưu điện đến các lãnh đạo liên quan. Duy nhất thư gửi Bộ trưởng Bộ TN&MT tôi cầm tay mang đến vì muốn nói thêm một số ý nhấn mạnh. Do vậy tôi đã chọn giờ tan tầm làm việc buổi chiều đến gặp cầu may. Nếu không gặp buổi này sẽ đến buổi khác. Vì tôi cần họ, chứ họ không cần tôi. Nếu gọi điện thoại xin được gặp và tiếp, tôi sẽ không bao giờ được chấp nhận. Rất may cho tôi lúc đó đông người ra về, bảo vệ cổng không để ý, nên tôi đã “tự nhiên như người nhà” đi vào và lọt qua. Tôi tiếp cận đến cửa phòng Bộ trưởng Trần Hồng Hà khoảng 16g30, gõ cửa và nhẹ mở nhìn vào trong. Tôi thấy Bộ trưởng vẫn còn đang họp với khoảng 3 – 4 người nữa. Tôi vội khép lại và chờ ở bên ngoài. Khoảng 17g00 tan họp, mọi người ra về. Tôi mở cửa vào luôn, gặp Bộ trưởng Hà ở tư thế tay cầm cặp diplomat chuẩn bị ra về. Tôi vội đưa luôn bài viết và nói ngắn gọn “Tôi có bài viết đòi trả lại chân lý khoa học cho kết luận về nguyên nhân cá chết gửi anh để xin ý kiến”. Nguyên nhân cá chết và vấn đề làm sạch lại biển để khôi phục trở lại sản xuất, kinh doanh cho người dân đang là vấn đề nóng thường trực trong người Bộ trưởng. Bộ trưởng Hà đón nhận “Cám ơn, tôi mang về nhà và đọc luôn tối nay”, mở cặp diplomat đặt tài liệu của tôi vào và khép cửa ra về luôn. Tôi đứng tại hành lang, chờ Bộ trưởng đi thang máy xuống trước, tôi đi chuyến sau. Không có thời gian để nói thêm gì nữa, vì tôi là người không mời mà đến.

 

Sau đó khoảng 2 ngày (một buổi chiều tuần đầu tháng 8/2016), Bộ trưởng đã gọi điện thoại vào máy di động của tôi. Bộ trưởng nói đã đọc và thấy đúng. Bộ trưởng không đưa ra bất cứ ý kiến gì phản bác. Bộ trưởng nói là phát hiện công ty Formosa Hà Tĩnh có 53 sai phạm hành chính liên quan đến môi trường và vất vả đấu lý với formosa về những sai phạm trên dẫn đến việc buộc Formosa Hà Tĩnh phải cúi đầu nhận tội và đền bù thiệt hại.

 

Tôi có hỏi Bộ trưởng hướng sẽ xử lý thế nào về kết luận nguyên nhân cá chết? Bộ trưởng Hà nói “Bộ Khoa học là to và khó”. Sau đó Bộ trưởng nói thêm là sau này khi nào có việc gì cần, sẽ mời tôi tham gia trong nhóm chuyên gia, kiểu như “Task Force” tư vấn cho Bộ trưởng.

 

Sau đó ít ngày, Bộ trưởng đã tắm biển, ăn cá biển và tuyên bố biển đã an toàn, trong lành để cho TV, đài báo quay. Sản xuất hoàn toàn trở lại bình thường. Các nhà khoa học liên quan cũng không thấy bàn tiếp về đề xuất “Sẽ phải hút hàng ngàn tấn trầm tích, kinh phí hút 1.000 tấn cũng phải mất vài nghìn tỷ đồng. Chúng ta sẽ phải hút suốt chiều dài 209 km và phải hút sâu tối thiểu 50cm thì mới đảm bảo sạch biển”.

 

 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nhanh chóng sử dụng chất xám và trí tuệ của tôi./.

============================================================

Phần 3: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 2:VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 1: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC