Y TẾ - SỨC KHỎE >CẦN THAY ĐỔI BIỆN PHÁP QUẢN LÝ CÁCH LY TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19
Ngày đăng: 05-03-2020 - 18:22:36

Hà Nội, ngày 03/3/2020

Kính gửi:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Bộ trưởng Bộ Y tế

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc hội

(Về việc chúng ta cần thay đổi biện pháp quản lý cách ly trong đại dịch Covid-19)

 

Tôi tên là Nguyễn Đức Thắng, cán bộ Nhà nước về hưu năm 2008, có quá trình công tác, khởi đầu tại Viện Kỹ thuật quân sự, tiếp đến là Viện Khoa học Việt Nam và cuối cùng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xin được trình bầy với các quí lãnh đạo những băn khoăn và trăn trở sau:

 

Thế giới đang ở trong giai đoạn khủng hoảng đại dịch Covid-19. Các nhà quản lý tập trung cao độ vào việc cách ly, phong tỏa đất nước, thành phố có dịch với quốc gia, thành phố không dịch. Tương tự là cách ly tỉnh có dịch với tỉnh không có dịch. Tạm gọi là thực hiện cách ly đám đông với đám đông. Trong thời gian rất ngắn đã huy động, xây dựng một loạt các khu chứa những người nghi nhiễm và bệnh nhân, bệnh viện dã chiến, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men và nhân lực. Nhiều triệu người dân thi nhau đi mua sắm khẩu trang, thuốc sát trùng, chất tẩy rửa, lương thực, thực phẩm. Nhiều hoạt động bình thường của cuộc sống và sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Nhiều thiệt hại to lớn về kinh tế - xã hội cũng đã ước tính. Học sinh, sinh viên đang phải nghỉ học dài ngày.

 

Quan điểm cách ly, ngăn ngừa là nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong phòng chống đại dịch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chúng ta đã thực hiện cách ly đám đông với đám đông, lấy đám đông khỏe mạnh làm trung tâm để phục vụ, bảo vệ. Biện pháp cách ly này thực sự không hiệu quả, chiếm dụng phần lớn tài nguyên, nguồn lực, làm căng thẳng, quá tải những nguồn lực dành cho chính các bệnh nhân Covid-19.

 

Để có hiệu quả hơn tôi xin phép đề xuất cách tiếp cận khác, trái ngược trong biện pháp quản lý cách ly đối với đại dịch Covid-19, tại bài viết đính kèm.

 

Xin chân thành cám ơn và mong nhận được ý kiến phản hồi.

Kính thư,

Nguyễn Đức Thắng

Địa chỉ:

 

===========================

CHÚNG TA CẦN THAY ĐỔI BIỆN PHÁP QUẢN LÝ CÁCH LY

TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

 

Đại dịch Covid-19 bùng phát ra toàn Thế giới từ 1 mầm bệnh đầu tiên xuất hiện ngày 01/12/2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Đương nhiên, chính bệnh nhân số 0 này, cùng các thành viên trong gia đình và một nhóm nhỏ những người khác có giao tiếp với bệnh nhân này, cũng không hề hay biết đó là bệnh cúm nguy hiểm lây từ người sang người.  Đương nhiên tiếp theo là các bác sĩ và y tá điều trị cho bệnh nhân số 0 này cũng không thể hay biết là bệnh truyền nhiễm, lây từ người sang người. Sau khoảng 1 – 2 tuần điều trị, bắt buộc phải xuất hiện một vài bệnh nhân tiếp theo, có triệu chứng tương tự, tại chính khoa điều trị bệnh nhân này. Tạm gọi họ là bệnh nhân thế hệ thứ nhất. Họ chính xác phải là những người có tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân số 0. Hai đến ba tuần trả giá này đủ để các bác sĩ tại khoa điều trị này đưa ra kết luận là bệnh nhân số 0 chứa mầm bệnh cúm nguy hiểm lây từ người sang người. Tuần thứ ba tiếp theo buộc phải xuất hiện thêm một số bệnh nhân mới nữa cũng với những triệu chứng tương tự, giống nhau. Họ là những bệnh nhân thế hệ hai. 

 

Ngày 30/12/2019 bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) là người đầu tiên đã lên tiếng cảnh báo cho đồng nghiệp về virus corona giống SARS, đã gửi tin nhắn vào nhóm trò chuyện cho các bác sĩ, cảnh báo họ mặc đồ bảo hộ để tránh bị lây nhiễm. Bốn ngày sau ông được lệnh triệu tập đến Văn phòng Công an và bị cáo buộc "đưa ra những bình luận sai lệch, làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội". 

 

Nếu lãnh đạo chính quyền thành phố biết tôn trọng và lắng nghe cảnh báo của bác sĩ Lý Văn Lượng, chắc chắn đại dịch có thể kiểm soát được ở thành phố Vũ Hán. 30 ngày đầu tiên là những ngày trả giá phải có đối với đại dịch Covid-19. Với khoảng vài chục mầm bệnh mới xuất hiện trong tháng đầu tiên này và những giao tiếp của họ với những người khác nữa trong cộng đồng, thành phố Vũ Hán hoàn toàn có đủ khả năng để xác định chính xác, thu gom, cách ly và điều trị. Số lượng mầm bệnh ở thế hệ 2 và các giao tiếp của họ buộc phải là con số rất nhỏ, thành phố hoàn toàn có thể khoanh vùng và kiểm soát được.

 

Đáng tiếc là lãnh đạo của chính bệnh viện này đã không quyết liệt, đấu tranh mạnh mẽ, đến cùng với lãnh đạo thành phố Vũ Hán để triển khai ngay các biện pháp cách ly, ngăn chặn sự lây lan. Do vậy, chính quyền thành phố đã xem nhẹ và bỏ qua những cảnh báo của bác sĩ Lý Văn Lượng. Khi những mầm bệnh cứ thế được tự do lây lan, phát tán vô tình, vô thức theo một cấp số nhân vượt ngoài khả năng kiểm soát của một bộ máy quản lý sẽ là thất bại, đại dịch đã xẩy ra.

 

Ngày 23/01/2020 toàn thành phố Vũ Hán đã thực hiện lệnh phong tỏa, giới nghiêm. Trong 53 ngày trước đó rất nhiều những người nhiễm Covid-19 đi giao lưu khắp mọi nơi, từ thành phố này sang thành phố khác, từ nước này sang nước khác, từ châu lục này sang châu lục khác. Hiện qui mô đại dịch Covid-19 đã được WHO tuyên bố là toàn cầu, báo động ở mức cao nhất.

 

Theo bản tin của Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 11g00 ngày 02/3/2020, Việt Nam ghi nhận 16 trường hợp nhiễm Covid-19 và tất cả đều được chữa khỏi. Toàn Thế giới đã ghi nhận 89.068 trường hợp tại 66 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó tại Trung Quốc là 80.026, Hàn Quốc 4.212, Ý là 1.694, Iran 978. Số tử vong là 3.046 trường hợp. Tỷ lệ tử vong là 3,4%. Trong đó Trung Quốc là 2.913, Ý 34, Iran 54, Hàn Quốc 22.

 

Thế giới đang ở trong giai đoạn KHỦNG HOẢNG đại dịch Covid-19

 

Các nhà khoa học trên Thế giới đang nỗ lực, hết sức mình, ngày đêm tập trung nghiên cứu tìm các phương pháp xét nghiệm, đánh giá nhanh, vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu.

 

Các nhà quản lý tập trung cao độ vào các việc sau: Cách ly đất nước, thành phố có dịch với quốc gia, thành phố không dịch. Tương tự là cách ly tỉnh có dịch với tỉnh không có dịch. Ở cấp thấp hơn là làng có dịch phải bị cách ly với làng không có dịch; cách ly giữa các khu phố với nhau. Tạm gọi là thực hiện cách ly đám đông với đám đông. Trong thời gian rất ngắn đã huy động, xây dựng một loạt các khu chứa những người nghi nhiễm và bệnh nhân, bệnh viện dã chiến, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men và nhân lực (quân và dân y).

 

Nhiều triệu người dân thi nhau đi mua sắm khẩu trang, thuốc sát trùng, chất tẩy rửa, lương thực, thực phẩm; vét sạch cạn kiệt những mặt hàng trên. Chiều ngày 03/3/2020 trên báo VnExpress, tờ báo online đông người đọc nhất Việt Nam đăng bài “Người Mỹ vơ vét siêu thị như ngày tận thế”

 

Mọi hoạt động bình thường của cuộc sống và sản xuất kinh doanh hoàn toàn bị đảo lộn, chính xác là bị đình trệ. Vô vàn doanh nghiệp nhỏ đang trên bờ vực phá sản, đóng cửa. Nhiều thiệt hại to lớn về kinh tế đã nhìn thấy rõ. Nhiều thiệt hại to lớn về văn hóa - xã hội cũng đã thấy. Triệu triệu học sinh, sinh viên đã phải nghỉ học dài ngày.

 

Có một thực tế mà hầu hết các nhà khoa học đều thừa nhận là trong thời gian ủ bệnh người chứa mầm bệnh không đủ lượng để làm phát tán, lây lan bệnh. Khi xuất hiện triệu chứng bệnh, con virus Covid-19 chỉ lây lan từ người bệnh ra bên ngoài thông qua những dịch tiết bắn ra từ mồm và mũi bệnh nhân, bay vào không khí. Theo WHO những giọt, hạt dịch này lại thường nặng, không đủ sức để bay cao, bay xa trong không khí, vượt quá 2m từ mồm hoặc mũi bắn ra. Chúng thường rơi và bám dính vào các đồ vật trong khoảng cách 2m ấy. Virus Covid-19 này cũng chỉ thâm nhập ngược lại vào cơ thể người khỏe mạnh cũng chỉ bằng con đường mũi, miệng. Cho dù có bám dính trên da cơ thể người, virus Covid-19 không thể chui xuyên qua lớp da bảo vệ để đi sâu vào bên trong. Nếu để nguyên trên bề mặt lớp da, virus Covid-19 sẽ bị chết sau một thời gian nhất định. Virus Covid-19 chỉ phát triển, sinh sôi  nẩy nở ở bên trong tế bào của cơ thể người (hoặc động vật) mà thôi. Có nghĩa là nếu 1000 con virus có trong một vết nhày bám dính trên bề mặt một đồng tiền giấy, thì sau 1 ngày vẫn chỉ là 1000 con virus ấy sống thoi thóp. Tuy nhiên sau khoảng hai, ba ngày chúng sẽ phải tự chết hết, vô hiệu. Dùng xà phòng và mọi chất tẩy rửa thông thường đều có thể tiêu diệt được virus bám dính trên bề mặt da và các đồ vật ngay tức thì.

 

Quan điểm cách ly, ngăn ngừa là nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong phòng chống đại dịch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chúng ta đã thực hiện cách ly đám đông với đám đông, lấy đám đông khỏe  mạnh làm trung tâm để phục vụ, bảo vệ. Nguyên tắc cách ly, phòng ngừa là cốt lõi. Đúng vậy! nhưng các biện pháp thực hiện cách ly lại thực sự không hiệu quả. Chúng ta đã không lấy chính người bệnh làm trung tâm, trọng điểm để cách ly và phục vụ. Chúng ta đã giành phần lớn tài nguyên, nguồn lực được huy động để phục vụ đám đông khỏe mạnh bị nghi là có mầm bệnh.

 

Một người bị nhiễm bệnh, cả làng đó bị cách ly, phong tỏa. 10 người bị nhiễm bệnh, cả thành phố đó bị cách ly, phong tỏa. 100 người bị nhiễm bệnh, cả đất nước đó bị cách ly. Việc cách ly, phong tỏa một làng hay một khu phố, tạm gọi là thời kỳ đầu của dịch, những tác động đến sản xuất kinh doanh còn nhỏ là không có vấn đề gì. Tuy nhiên, đối với việc cách ly, phong tỏa một thành phố lớn chúng ta cần xem xét đến vấn đề hiệu quả, cần ưu tiên cho giải pháp tốt hơn. Tại sao chúng ta không nghĩ đến cách làm cho 100 người bệnh đó và 1.000 người nghi ngờ có tiếp xúc với họ tự xuất hiện, tự tách ra khỏi đám đông, tự đến bệnh viện điều trị; để toàn thành phố, 5 hay 10 triệu người  không có mầm bệnh vẫn hoạt động, lao động và vui chơi bình thường?

 

1 người có bệnh và những người chăm sóc bệnh nhân mới cần đeo khẩu trang, triệu người cả nước không bệnh cần gì phải đeo khẩu trang. Khi ta khỏe mạnh, không có mầm bệnh để phát tán, vậy tại sao lại phải bịt miệng, bịt mũi mình? 1 người có bệnh mới cần cách ly, không cần bắt 1.000 người của làng đó phải cách ly. 1 người có bệnh chỉ cần 1 giường bệnh, không cần phải có 1.000 giường cho những người khỏe mạnh. 1 người có bệnh nhưng không trung thực, che dấu thông tin làm cả 1.000 người trong cộng đồng nghi ngờ, cảnh giác lẫn nhau. Nhiều triệu người không bệnh, hoàn toàn khỏe mạnh sống trong thành phố bị cách ly đã thực sự suy sụp về mặt tinh thần và thể chất.

 

Từ khi xuất hiện 1 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam, nhiều  triệu học sinh trên cả nước Việt Nam đã phải nghỉ học. Mặc dù những con số thống kê của Trung Quốc nêu rất rõ là tỷ lệ trẻ em nhiễm Covid-19 phải nhập viện là hầu như không có, mặc dù rủi ro nhiễm bệnh của các cháu nhỏ là cao hơn người lớn, vì ý thức giữ gìn vệ sinh, phòng ngừa bệnh của các cháu đâu được như người lớn. Cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có quyết định chính thức ngày nào các cháu được đi học trở lại, các cháu vẫn nghỉ dài. Thật vô lý khi lo sợ nếu có 1 cháu nhiễm bệnh Covid-19 sẽ lây ra cả lớp cụ thể nào đó, để bắt nhiều triệu các cháu học sinh trên cả đất nước Việt Nam phải nghỉ học. Tại sao chúng ta không làm điều ngược lại, là bắt buộc những cháu sốt, thân nhiệt cao phải nghỉ ở nhà? để bố mẹ trông nom, chăm sóc.

 

Khi trong thành phố có 10 bệnh nhân Covid-19, tất cả các quán ăn, cửa hàng trong thành phố đều vắng tanh, vắng ngắt. Lĩnh vực du lịch và giáo dục chịu hậu quả nặng nề nhất bởi cách thực hiện CÁCH LY ĐÁM ĐÔNG VỚI ĐÁM ĐÔNG, cách ly cả triệu người với một bóng ma F0 nào đó. Chúng ta đã biến điều không có, tù mù, một bóng ma thành điều chắc có dựa trên lập luận “khoa học”: nếu, nếu và nếu xẩy ra. Tất cả học sinh trên cả đất nước Việt Nam đã nghỉ học từ sau ngày 20/01/2020 cho đến hôm nay ngày 03/3 vẫn chưa biết ngày nào đi học trở lại, dựa trên lập luận duy nhất là nếu, nếu xảy ra và tai hại sẽ là to lớn, mặc dù không một nhà khoa học nào có thể lượng hóa được to lớn là bao nhiêu. Tại sao, căn cứ vào đâu, rất nhiều những rủi ro khác như tai nạn giao thông hàng ngày, đuối nước, lây nhiễm cúm mùa khác nữa, ngộ độc ăn uống, xâm hại tình dục v.v.. chúng ta đã đánh giá quá thấp so với rủi ro nhiễm Covid-19. Các cháu đã phải nghỉ học, không được phép đến trường vì sợ nhiễm Covid-19. Vậy bố mẹ sau giờ làm việc, sau giao lưu đó đây, về nhà cũng phải cách ly với các cháu vì bố mẹ cũng có thể mang mầm bệnh từ cơ quan, công ty về nhà.

 

Chúng ta đã ưu tiên và huy động nhiều nguồn lực cho cách ly toàn là những người khỏe mạnh, với những người khỏe mạnh, trong đó có lẫn một hai người có bệnh. Vì để ăn chắc, đảm bảo, nên nhiều triệu người không có mầm bệnh tự cách ly với nhau. Chúng ta đã thực hiện nguyên tắc cách ly theo kiểu “vơ đũa cả nắm”. Ra cánh đồng trị sâu, chúng ta đã không chịu khó tìm cây có sâu để bắt, ngược lại chúng ta đã phun thuốc trừ sâu mù mịt toàn cánh đồng. Chúng ta đang thực hiện một nền nông nghiệp với phân hóa học và thuốc trừ sâu, hủy hoại môi trường sinh thái. Phân hóa học và thuốc trừ sâu chiếm đến 60% chi phí nông sản. Thiếu phân hóa học và thuốc trừ sâu sẽ không có gì để mà gặt hái, để ăn, để bán.

 

Hiện đất nước ta hàng năm có khoảng 120.000 người chết vì bệnh ung thư, đem theo bao nhiêu tài sản gửi vào bệnh viện. Tại sao chúng ta lại vô tư, xem nhẹ hiện trạng này, trong khi rối loạn lên vì 16 bệnh nhân Covid-19 đều đã được chữa khỏi? Tại sao đã triền miên nhiều năm, trung bình Việt Nam có 30 chết/ngày vì  tai nạn giao thông và gần gấp đôi số đó là thương tật vẫn tiếp diễn vô tư, hàng ngày?

 

So với dịch cúm mùa thông thường, tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Y tế Dự phòng cho thấy mỗi năm Việt Nam có khoảng 800.000 người mắc bệnh cúm. Riêng 11 tháng đầu năm 2019, số người nhiễm chỉ còn hơn 400.000, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018. Cục không công bố số liệu về tử vong do cúm mùa ở Việt Nam. 

 

 

Dấu hiệu bệnh sẽ chỉ xuất hiện ở người có mầm bệnh và chỉ người đó mới biết sớm nhất và biết đầu tiên. Khi 100 người có mầm bệnh, có ý thức, trách nhiệm cao với cộng đồng, sớm tự mình công bố công khai, tự cách ly trước tiên với những người thân trong gia đình, luôn phải đeo khẩu trang, tự đi phương tiện giao thông cá nhân để đến bệnh viện, chắc chắn sẽ không thể có bất cứ đại dịch nào xẩy ra. Khi người bệnh thiếu ý thức trách nhiệm, che dấu thông tin bệnh, đi giao lưu khắp nơi, mới là nguyên nhân cơ bản làm bùng phát đại dịch.

 

Cách ly thành phố với thành phố có nghĩa là chúng ta cách ly nhiều triệu người khỏe mạnh với nhiều triệu người khỏe mạnh khác. Phong tỏa một thành phố có nghĩa là cấm đi lại và ngừng sản xuất, kinh doanh chỉ vì có một vài F0, bóng ma trong đó. Vào giai đoạn khủng hoảng, chúng ta không thể có đủ nguồn lực để đáp ứng, cách ly hay phong tỏa  nhiều triệu người. Một vài F0 chỉ có thể khạc, nhổ bắn xa đến 2m thôi, không khạc, nhổ rộng đến mức chúng ta phải phun thuốc sát trùng, tẩy uế khắp toàn thành phố, tiêu diệt luôn nhiều loài vi sinh có ích. Thay vì tập trung xử lý những người có bệnh chúng ta đã “xử lý” toàn thành phố. Nhiều triệu người thực hiện rửa tay, sử dụng dung dịch xúc họng nhiều lần trong ngày không cần thiết, cứ như là họ đã trải qua nhiều tiếp xúc với người có bệnh. Chúng ta đã lãng phí nguồn lực một cách to lớn. Dẫn đến quá tải, căng thẳng nguồn lực để đáp ứng, chăm sóc số ít bệnh nhân Covid-19. Khủng hoảng không đáng có, trầm trọng không đáng có do truyền thông suốt ngày thông tin như khủng bố người dân. Trong rối và hoảng loạn nên Bộ Y tế cũng mất khôn.

 

Đại dịch sẽ được kiểm soát khi chúng ta thay đổi biện pháp thực hiện cách ly. Chuyển từ "quan tâm" bảo vệ nhiều triệu người khỏe mạnh sang tập trung cho số nhỏ các bệnh nhân thực sự, biến họ thành các ngôi sao tự nổi. Chính phủ cần ban hành chính sách có thưởng và có phạt thật nghiêm minh cho những người ủ bệnh, ra và không ra “đầu thú”. Khuyến khích, động viên, biến họ thành những ngôi sao tự nổi lên trong biển người mênh mông. Không được kỳ thị những người nhiễm Covid-19, ngược lại những người tự công khai, tự nổi, tự cách ly và đến bệnh viện rất đáng được trân trọng vì ý thức trách nhiệm rất cao của họ đối với cộng đồng. Những ngôi sao này không thể gây quá tải, căng thẳng, rối loạn các hệ thống bệnh viện hiện có. Trong tương lai sẽ chẳng có đại dịch nào xẩy ra nếu thực hiện chính sách này.

 

Dưới đây chỉ là một vài đề xuất của chính sách:

  • Những ai nếu mới chớm nghi ngờ, mệt mỏi, cần luôn phải đeo khẩu trang, cần khạc, nhổ và xì mũi đúng nơi, đúng chỗ. Cần thông báo ngay cho những người sống chung về nghi ngờ của mình. Cần hạn chế giao tiếp và tự mình cách ly tại nhà hoặc tại cơ quan, văn phòng, công ty nếu phải đến làm việc.
  • Những ai nếu bắt đầu thấy có thân nhiệt cao, bắt đầu có ho, cần đi phương tiện giao thông cá nhân đến bệnh viện chuyên về cúm và hô hấp cấp tính. Phải có trách nhiệm khai báo, liệt kê đầy đủ những mối liên hệ giao tiếp trong những ngày vừa qua của mình với cơ quan quản lý dịch bệnh. Đồng thời, phải có trách nhiệm thông báo ngược lại cho các mối liên hệ, tiếp xúc này, một cách sớm nhất. Thông tin/địa chỉ liên lạc của các bệnh viện này luôn được công bố rộng rãi.
  • Các bệnh nhân Covid-19 đều được chữa trị, không phải mất tiền cho dù có đóng bảo hiểm y tế hay không.
  • Kiểm tra thân nhiệt ngẫu nhiên và thường xuyên tại cổng ra vào các nơi tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, thương mại, tụ tập đông người.
  • Các nhà máy, công ty, cơ quan nên có những thiết bị kiểm tra thân nhiệt tại cổng ra vào.
  • Những người có thân nhiệt cao bị phát hiện tại cơ quan, đơn vị hoặc các nơi đông người, phải bị cách ly ngay. Những người này nếu dương tính với Covid-19, sau điều trị sẽ phải bị phạt một khoản tiền thích đáng vì có sốt mà vẫn đi giao tiếp.
  • Những người có ho, sốt, tự cách ly và tự đến bệnh viện, được xác định là Covid-19 sau điều trị sẽ được thưởng một khoản tiền động viên khích lệ
  • Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng hợp tác, thực thi chính sách.

 

Việc ban hành những qui định trên luôn là hữu ích. Vì nó góp phần loại bỏ những yếu tố mơ hồ, không rõ ràng, giảm thiểu những nhu cầu, chi phí và lo lắng cho những người khỏe mạnh. 

 

Việc thực hiện chính sách này  hiện nay là rất thuận lợi. Vì chúng ta đang ở giai đoạn đỉnh cao của công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp 4.0, vạn vật kết nối (IoT) và trí tuệ nhân tạo. Một chính sách Chính phủ vừa mới ban hành, chỉ cần sau vài giây là có thể phổ biến đến mọi công dân. Thông tin đi một nửa Trái đất cũng chỉ hết có một giây. Sau ban hành chính sách, các "ngôi sao", những mầm bệnh sẽ tự nổi, tự cách ly bản thân và tự đến bệnh viện. Chả có lý do gì để người dân phản đối chính sách này.

 

Khi chính sách này được thực hiện nghiêm, sẽ không cần cách ly, phong tỏa thành phố với thành phố, quốc gia với quốc gia. Triệu triệu các cháu học sinh vẫn đến trường. Triệu triệu người vẫn đến cơ quan, văn phòng, nhà máy, xí nghiệp, công ty làm việc. Triệu triệu người vẫn bay từ nước nọ đến nước kia thăm quan, du lịch, công tác v.v.. Hàng hóa vẫn còn đầy ắp trên các kệ hàng trong siêu thị.

 

Trân trọng cám ơn.

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội 25/02 và 03/3/2020

Phần 3: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 2:VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC
Phần 1: KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC
VỀ KÊNH ĐÀO FUNAN - TECHO, VIỆT NAM BỊ UNG THƯ NẶNG VỀ KHOA HỌC, ĐANG RẤT CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC