CÁCH TỐT NHẤT ĐỂ XỬ LÝ TRO, XỈ CỦA NHIỆT ĐIỆN THAN
Kính gửi nhà văn Hà Văn Thùy,
Cám ơn anh đã tin cậy, hỏi ý kiến của tôi đối với bài của một cây đa khoa học viết về nhiệt điện than. Tôi mạo muội trình bầy một số suy nghĩ như sau để anh tham khảo:
Bài viết này có tư duy, mục đích, ý tưởng cũng tương tự như một loạt 39 bài của các cây đa khoa học, thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đăng trong năm 2017, bao gồm 20 bài “Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than?” và 15 bài “Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm”, cộng với 3 bài "Cú lừa thế kỷ" về phát thải CO2 và biến đổi khí hậu” và bài “Trò gian lận bị lật tẩy”. 39 bài viết này cộng với bài viết mà anh chuyển tôi đọc thành chẵn tròn 40 bài, đưa ra vô vàn số liệu, thông tin kỹ thuật cụ thể, chỉ là những thông tin phụ nhưng lại gây hại cho việc hoạch định/chọn mô hình tương lai cho ngành Điện lực Việt Nam.
Bạn đọc nếu không có quan điểm nhìn về tương lai, không so sánh với xu thế phát triển điện năng của Thế giới sẽ hoa mắt, như lạc vào trong nhà gương không biết lối ra, rừng rậm số liệu “lịch sử, cổ xưa”, thừa không cần thiết và lặp lại của nhau, sẽ xô ngã bạn đọc. Sau đó bạn đọc sẽ nắm tay, vung lên hô khẩu hiệu cùng họ “Nhiệt điện than ở Việt Nam là cần thiết! cần thiết! cần thiết!”. “Phản đối nhiệt điện than là sai lầm! sai lầm! sai lầm!”.
Trong các ngày từ 11-16/9/2016, đoàn công tác của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) do Chủ tịch Trần Viết Ngãi dẫn đầu đã tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 13 (CAEXPO 2016) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN lần thứ 13 (CABIS 2016) được tổ chức tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc.
Ông đã bắt tay với Trung Quốc để đón vốn và công nghệ nhiệt điện than Trung Quốc vào Việt Nam. Nhiệt điện than đối với ông và cả Hiệp hội Năng lượng Việt Nam sẽ phải là quân vương, trụ cột của ngành năng lượng, đạt 50% - 60% vào năm 2050, đồng nghĩa với sẽ luôn là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam.
Một đại cây đa khoa học khác khẳng định chắc như đinh đóng cột “Nhiệt điện than 5 tỷ USD sát TP.HCM: Bắt buộc phải làm”. Ông không cần biết từ năm 2018 đến nay, điện mặt trời đấu thầu ở một số nước giàu có hơn Việt Nam giá chỉ có từ 3 – 5 UScents/kWh. Trái ngược, cái nhà máy nhiệt điện than 5 tỷ USD này rẻ lắm sẽ có giá từ 7 – 8 UScents/kWh. Ngoài ra thuế bảo vệ môi trường (BVMT) của nhiệt điện than ở Việt Nam thực sự chỉ là tượng trưng, rất hình thức, phí phát thải CO2 bằng không tròn trĩnh.
Thưa nhà văn Hà Văn Thùy,
Anh nên nắm chắc mấy chân lý, qui luật, xu thế phát triển năng lượng của Thế giới như dưới đây, để khi đọc 40 bài ấy cho khỏi hoang mang; đi vào rừng rậm anh vẫn có la bàn chỉ hướng thoát ra. Đó là:
I. Tất cả 40 bài viết đều đứng ở thời điểm năm 2017 – 2020, nhưng quay lưng lại với xu hướng phát triển của Thế giới để tôn thờ mô hình điện lực của những năm 60 – 70 (nhiệt điện than là chủ lực, độc quyền sản xuất và phân phối điện). Kể cả số liệu năm 2017 về nhiệt điện than của một số quốc gia mà họ nêu ra tôi cũng gọi là quá khứ, quá cũ. Vì sao? Vì theo IEA (Cơ quan Năng lượng quốc tế), từ năm 1973 đến năm 2013 trải qua suốt 41 năm liền, tỷ trọng của nhiệt điện than trong tổng sản lượng điện các loại, tăng lên không đáng kể. Cụ thể trung bình toàn Thế giới, trong năm 1973 tỷ trọng nhiệt điện than là 38,3%, đạt đỉnh huy hoàng vào năm 2013 là 41,3%, (41 năm mà chỉ tăng có 3%, bình quân mỗi năm chỉ tăng có 0,08%, có thể nói là không tăng). Năm 2013 là năm bẻ ngoặt để đi xuống vĩnh viễn. Là năm đánh dấu bước ngoặt lịch sử của nhiệt điện than, vì năm 2014 đã giảm xuống 40,8%, năm 2015 tiếp tục giảm xuống 39,3%. Và sẽ giảm sâu về 24,4% vào năm 2030, vào năm 2050 sẽ là 11% (trái ngược Việt Nam sẽ là 60%, theo khát vọng của những người tôn thờ nhiệt điện than). Tại sao họ lại không “Đằng sau quay!”; nhìn vào xu thể phát triển điện của Thế giới: ĐIỆN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO LÀ TRỤ CỘT, DÂN CHỦ, RẤT PHÂN TÁN, PHI TẬP TRUNG VỚI RẤT NHIỀU LƯỚI ĐIỆN NHỎ THÔNG MINH TÍCH HỢP THÀNH HỆ THỐNG LƯỚI ĐIỆN QUỐC GIA THÔNG MINH để làm tương tự cho ngành điện lực nước nhà:
Đến năm 2050 (Theo Bloomberg New Energy Outlook 2018):
40 bài viết của các cây đa khoa học Việt Nam với vô vàn số liệu kỹ thuật chi tiết, tỷ mỷ chỉ làm u mê được những người không có la bàn đi trong rừng rậm mà thôi. Chọn tương lai cho phát triển điện lực của nước nhà bắt buộc phải có tầm nhìn và phải nhìn về phía trước. Đằng này họ lại nhìn về phía sau, ngưỡng mộ mô hình điện lực năm 60 và 70. Họ lấy đá tự ghè vào chân mình mà không thấy đau.
Giống như kết luận về nguyên nhân cá chết, với vô vàn những thông tin, số liệu chi tiết và tỉ mỉ có trong tay, tạo nên cả nghìn trang tài liệu MẬT, thế mà dẫn đến kết luận đối kháng, va đập với các qui luật, chân lý khoa học, cũng trở nên vô nghĩa. Đi trái ngược với xu thế chung của Thế giới, Việt Nam chỉ có tụt hậu, đừng mong sánh vai các cường quốc năm châu.
II. Đối với Thế giới, nhiệt điện than có 2 TỘI TO LỚN, đến năm 2015 không thể tranh cãi, bênh vực, bào chữa, bảo vệ được nữa. Đó là:
1) Gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại các hệ sinh thái và sức khỏe người dân. Tội này hầu hết các nhà khoa học đã biết từ cách đây 50 năm. Nhưng vì chưa có tiến bộ KH&CN để khai thác điện gió và điện mặt trời (hai nguồn vô tận) ở mức giá rẻ ngang bằng nhiệt điện than, nên Thế giới đành NGẬM ĐẮNG, NUỐT CAY CHẤP NHẬN nhiệt điện than. Trong quá trình chấp nhận đắng cay đó, Thế giới ra sức phát minh, sáng tạo, cải tiến nâng cao hiệu suất các nồi hơi (boiler) và lọc bụi tĩnh điện (electrostatic precipitator), tháp hấp thụ ướt (wet scrubber) để xử lý khí thải đạt đến siêu nọ, siêu kia. Điển hình là nước Đức, mà công nghệ nhiệt điện than của Đức là siêu và tuyệt vời, hơn hẳn công nghệ nhiệt điện than của Trung Quốc thế mà nước Đức cũng tiến tới giảm thiểu, xin chào và chia tay với nhiệt điện than.
2) Ngành nhiệt điện than dẫn đầu trong mọi ngành kinh tế phát thải khí CO2 cao nhất, góp phần lớn nhất làm biến đổi khí hậu (BĐKH). Do vậy, ngành nhiệt điện than là ĐỐI TƯỢNG CHÍNH mà thỏa thuận Paris 2015 nhằm đến, PHẢI CẮT GIẢM. Quyết liệt hơn nữa, thỏa thuận Paris 2015 còn hướng tới cắt giảm cả XĂNG và DẦU để giảm phát thải CO2 làm sao cho nhiệt độ tăng thêm của Trái đất vào năm 2050 tối đa là 1,5oC so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Cụ thể nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 1760 là 14oC thì vào năm 2050 chỉ được phép tăng đến 15,5oC, hy vọng để giữ cho KHÍ HẬU CỦA TRÁI ĐẤT KHÔNG BIẾN ĐỔI, ỔN ĐỊNH NHƯ NGÀN NĂM ĐÃ CÓ (MƯA THUẬN GIÓ HÒA).
Rất nhiều nhà khoa học trong chúng ta nhầm lẫn khái niệm KHÍ HẬU với THỜI TIẾT. Những thông tin, hoạt động, tuyên truyền cứ như khí hậu đang biến đổi đến chân rồi, đang xô ngã chúng ta và mực nước biển dâng ngập đến đầu gối rồi.
Chính xác là mực nước biển được cả Thế giới qui chuẩn có độ cao là 0m, bình quân toàn cầu trong 50 năm qua mới dâng lên có 2cm (bằng móng tay). Ở biển Đông của Việt Nam chính xác dâng tối đa chỉ có 1cm (bằng nửa móng tay), thế mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cuống lên, trình Thủ tướng Chính phủ các quy hoạch và dự án thủy lợi khác nhau cho thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long với hàng trăm ngàn tỷ đồng xây đê bao với cống đập để ĐỐI PHÓ VỚI MỰC NƯỚC BIỂN DÂNG VÀ THÍCH ỨNG VỚI BĐKH.
Kịch bản xấu nhất theo các chuyên gia Thế giới (khi các nước không nghiêm túc, chung tay thực hiện cắt giảm phát thải khí CO2), sau 80 năm nữa, vào năm 2100 mực nước biển sẽ dâng lên 0,8m – 1,0m. Bình quân mỗi năm dâng lên 1cm (nửa móng tay). Vì vậy, tôi tin rằng vào năm 2050 con cháu chúng ta sẽ thông minh hơn chúng ta, KH&CN sẽ có những phát triển vượt bậc, nhiều công nghệ mới, vật liệu mới, giải pháp mới, sẽ thông minh hơn, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn là chúng ta làm ngay từ bây giờ. Hàng loạt các công trình đê bao, cống đập chắn biển, ngăn mặn mà chúng ta triển khai chỉ sau một hai năm đã trở nên vô tác dụng, hoen gỉ sắt, bỏ hoang hóa. Vì mặn vẫn tập hậu vào từ tứ phía. Do vậy, hiện nay chúng ta không nên quá hăng hái, xây dựng các công trình lo cho con cháu 50 năm hay 100 năm sau.
Chúng ta hãy học Thế giới, làm theo Thế giới. Việc đối phó với mực nước biển dâng và thích ứng với BĐKH hãy để cho thế hệ con cháu làm là tốt nhất. Thế giới hiện đang tập trung vào cắt giảm phát thải CO2 để ngăn ngừa BĐKH, giữ khí hậu ổn định như ngàn năm đã có (mưa thuận gió hòa), cho thế hệ hiện nay và mãi mãi mai sau.
Buồn là Việt Nam làm toàn trái ngược với Thế giới, đọc những văn kiện, tài liệu khoa học nhưng không hiểu được bản chất. Chúng ta đang gia tăng mạnh mẽ phát triển nhiệt điện than, đồng nghĩa với việc gia tăng mạnh mẽ phát thải khí CO2. Vào năm 2030 theo Qui hoạch Điện lực (Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016) Việt Nam sẽ đốt khoảng 129 triệu tấn than, phụ thuộc nặng nề vào than nhập khẩu 84 triệu tấn và phát thải khoảng 262 triệu tấn khí CO2. Ngạc nhiên chưa?
III. CÁCH TỐT NHẤT ĐỂ XỬ LÝ TRO XỈ CỦA NHIỆT ĐIỆN THAN, KINH TẾ VÀ HIỆU QUẢ
Trước tiên tốt nhất là trong tương lai không nên có nó, vì nhiệt điện than có hai tội như đã phân tích ở trên, và điện gió và điện mặt trời hiện đang là vô cùng rẻ, sẻ trở thành loại điện rẻ nhất. Tuy nhiên, vì chúng ta đã xây dựng nhà máy, đã vận hành. Tro, xỉ than thải ra là vô cùng lớn, bắt buộc phải xử lý để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sinh thái và sức khỏe. Độc chất chủ yếu trong các tro, xỉ là các kim loại nặng. Hiện tro và xỉ đang chất cao như núi ngoài trời, bên cạnh nhà máy nhiệt điện than là rất nguy hại. Các độc chất có chứa trong tro và xỉ phát tán vào môi trường bằng hai cách:
a) Bụi bay khắp nơi, theo gió cuốn đi.
b) Tro xỉ ngâm trong nước lâu ngày sẽ hòa tan, chiết các chất độc vào nước, sau đó nước chứa các độc chất sẽ thấm và lan tỏa khắp nơi.
Công tác bảo vệ môi trường đối với tro, xỉ chính là ngăn chặn hai con đường phát tán đó. Do vậy, các núi tro, xỉ than ở ngoài trời là rất có hại. Việc đổ ra biển cũng là có hại cho môi trường sinh thái biển, hoàn toàn không nên.
Theo tôi cách tốt nhất để khai thác tro, xỉ có hiệu quả kinh tế và an toàn về môi trường sinh thái chính là phối trộn với xi măng đổ bê tông và sản xuất gạch xây dựng. Tuy nhiên những vật liệu này chỉ để xây dựng các công trình không được tiếp xúc với nước. Ví dụ như để xây nhà ở, nhà xưởng, nhà kho v.v.. Một viên gạch xỉ kết dính xi măng và quét sơn tường để trong nhà có mái che sẽ GIAM GIỮ MỌI KIM LOẠI NẶNG TRONG ĐÓ VĨNH VIỄN. Mặt ngoài tường cho dù có mưa nhưng nước nhanh chóng truội đi và rất nhanh khô sau mưa, nước không thể thấm sâu vào bên trong viên gạch được. Cấm dùng gạch này để lát đường hay lát vỉa hè vì sẽ ngấm nước (nước ngầm, nước mưa, nước cống rãnh, nước mặt lưu cữu v.v..), ướt lâu dài, dưới nắng, dưới mưa là không được.
Điều kiện duy nhất là trong tro xỉ không được có nguyên tố phóng xạ.
Giải pháp này của tôi là cá biệt, trái ngược trong sử dụng với những giải pháp truyền thống, né tránh sử dụng vật liệu này để xây nhà ở, nhà xưởng, nhà kho. Vật liệu xây dựng này chủ yếu để lát đường, lát vỉa hè, kè bờ sông, kênh, mương, vẫn tạo cơ hội để các kim loại nặng lan tỏa trong nước.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 18/6/2020