KHÔNG NÊN LẤY CÁ SỐNG KHỎE TRONG BỂ SINH HỌC LÀ ĐẢM BẢO NƯỚC THẢI AN TOÀN, ĐẠT CHUẨN
Trên các phương tiện truyền thông mạng (online) có đăng truyền rộng rãi yêu cầu của Bộ trưởng TNMT“Chất thải trước khi xả ra biển phải được xử lý tại bể sinh học, trong bể sinh học nuôi các loại cá sống khỏe mạnh”. Các phóng viên, người dân đã coi đó là tiêu chí khoa học rất dễ kiểm chứng về chất lượng nước thải mà các doanh nghiệp phải tuân thủ:
“Cảm ơn Bộ trưởng. Giờ đúng là không cần nói nhiều. Hứa, thề, cam kết... gì gì nữa cũng kệ đi. Muốn xả một giọt nước thải thì cứ hẵng nuôi cá sống, cả khỏe, cá có thể ăn được đi đã. . . với cách rất đơn giản, rất dễ kiểm chứng như này Formosa version 1 hay 2 hay n hết đường đầu độc. . . Con cá nó không nói dối. Nó không thề thốt chém gió như người đâu. http://laodong.com.vn/tin-kho-tin/tin-kho-tin-bo-truong-tran-hong-ha-tai-xuat-phat-ngon-ca-song-nuc-long-du-luan-590806.bld”
Phát biểu trên của Bộ trưởng về chuyên môn là một hở sườn hoặc là nới lỏng tiêu chuẩn xả thải rất nhiều lần cho các doanh nghiệp, sẽ gây tổn hại rất nhiều đến chất lượng môi trường. Tuy nhiên Bộ trưởng là một chính khách, không thể đòi hỏi Bộ trưởng am hiểu mọi thứ chuyên môn, kỹ thuật. Liên quan đến sự cố môi trường biển lịch sử ở 4 tỉnh miền Trung, các nhóm chuyên môn kỹ thuật giúp việc cũng đã tham mưu, cố vấn cho các lãnh đạo Bộ không được chuẩn. Chất lượng tham mưu là có vấn đề. Điển hình nhất là đưa ra kết luận về nguyên nhân cá chết là do các độc tố phenol, không những sai về mặt khoa học, đối kháng với thực tế mà còn làm xã hội nóng và căng thẳng (xem bài viết “Cần trả lại chân lý khoa học cho kết luận về nguyên nhân cá chết).
Có một vài doanh nghiệp, nước thải sau xử lý cho chảy vào bể sinh học nuôi một vài loại tôm cá. Các đoàn khách thăm quan, hay cán bộ thanh tra môi trường đều được mời xem. Doanh nghiệp đã “trình diễn” với khách, cho tận mắt được nhìn thấy đoàn cá bơi lội tung tăng trong bể, chứng tỏ rằng chất lượng nước là tốt, xử lý đạt chuẩn, doanh nghiệp đã tuân thủ các qui định, luật pháp bảo vệ môi trường; cán bộ thanh tra yên tâm ra về.
Tuy nhiên, xét về kỹ thuật chuyên môn, không thể lấy cá sống, khỏe mạnh bơi lội làm tiêu chí để đánh giá chất lượng nước là tốt, an toàn và đạt chuẩn được. Chỉ cần lấy 1 độc tố là phenol (vì Hội đồng KH&CN quốc gia về xác định nguyên nhân cá chết đã kết luận là do phenol) để phân tích, sau đó tương tự áp dụng cho những độc tố khác nếu cần:
QCVN 40:2011/BTNMT: Áp dụng cho nước thải công nghiệp. Nồng độ tổng phenol tối đa được phép có trong nước thải xả ra biển là 0,5mg/L, (nếu xả vào nguồn cho cấp nước sinh hoạt là 0,1mg/L). Mức nồng độ này là giới hạn đỏ mà doanh nghiệp không được phép vượt qua. Ví dụ, nếu nước thải của Formosa Hà Tĩnh đã qua xử lý tại bể sinh học, các đàn cá vẫn bơi lội tung tăng, có nồng độ phenol là 0,6mg/L (vượt 20%), tức là đã phạm luật, phải bị xử phạt.
Nồng độ của phenol làm 50% số cá chết sau 96 giờ tiếp xúc (96hLC50, Lethal Concentration, khái niệm cơ bản, trụ cột của môn Độc tố học) trung bình là 50mg/L. Vậy, nếu nồng độ thực tế của tổng phenol trong bể sinh học của doanh nghiệp là từ 1 - 5mg/L thì cá vẫn sống bơi lội, không thể chết được. Tuy nhiên nồng độ này đã vượt từ 2 - 10 lần (200% - 1000%)!!! giới hạn đỏ của QCVN. Con cá thực sự đã “đánh lừa” chúng ta. Doanh nghiệp đã vượt 1000% QCVN mà vẫn được “hoan nghênh”.
Trên thế giới, chưa phát hiện ra một loài cá siêu nhậy cảm nào, kể cả cá cảnh rất quí hiếm và đắt tiền của Nhật bản, cũng không thể có độ nhậy chính xác với nồng độ nhiều các độc tố khác nhau, sai lệch 20% mức qui chuẩn cho phép. Chưa phát hiện ra một cơ quan nào của một loài cá nào đó như là một sensor (cảm biến) nhậy cảm, định lượng chuẩn xác về các độc tố khác nhau có trong nước thay cho các thiết bị phân tích hóa học hiện đại. Cá chỉ chết khi nồng độ phenol ở mức LC50 mà thôi, bằng 50mg/L. Do vậy, trên thế giới, chưa có nước nào có qui định lấy tiêu chí tôm cá sống khỏe làm căn cứ, thước đo đánh giá chất lượng nước.
Thực tế, trên đất nước chúng ta, hàng ngày, hàng giờ có hàng vạn doanh nghiệp đang vi phạm trong việc xả thải; đã bức tử nhiều ao hồ, sông ngòi. Trong nhiều ao bé rất bẩn, thối đen mà cá vẫn sống (nếu còn oxy); vẫn ăn và tích tụ sinh học nhiều độc tố, kim loại nặng vào trong cơ thể của chúng. Như vậy tôm cá đã hoàn toàn không chết vì bất cứ một độc tố nào cả. Cá chết nhiều, sau một đêm ngủ dậy phần lớn là do ao hồ bị cạn kiệt oxy; do tất cả mọi sinh vật sống trong ao hồ cạnh tranh nhau khốc liệt về oxy vốn đã rất khan hiếm vào ban đêm. Ao hồ nào càng nhiều các hợp chất hữu cơ (có chỉ số nhu cầu oxy sinh hóa (BOD5 ) càng cao thì các quần thể vi sinh, vi khuẩn hiếu khí (aerobic microorganisms, bacteria) càng phát triển. Trong cạnh tranh “tiêu dùng” oxy với tôm cá chúng luôn thắng thế, cá phải chết. Cá chết lác đác, rải rác là do bị ốm đau, bệnh tật. Do vậy, việc lấy tôm cá như những bio-sensors hay bio-indicators về nồng độ các chất ô nhiễm (pollutants) trong nước là hoàn toàn sai, gây tốn kém cho doanh nghiệp (vì phải xây bể sinh học) và thiệt hại cho sức khỏe môi trường.
Nguyễn Đức Thắng, 20/9/2016, ndthangndt@yahoo.com