GIÁO DỤC >BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NÊN NHÌN XA HƠN
Ngày đăng: 20-11-2024 - 23:14:01

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NÊN NHÌN XA HƠN

 

 

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng 'ĐIỂM NGHẼN VỚI NHÂN LỰC NGÀNH GIÁO DỤC LÀ THU NHẬP'. Ông cũng kiên định đề xuất với Quốc hội XÓA BỎ QUI ĐỊNH HIỆN HÀNH CẤM GIÁO VIÊN DẠY THÊM CHO HỌC SINH CHÍNH KHÓA. Tháng 10/2024 trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất MIỄN HỌC PHÍ CÁC CẤP CHO CON GIÁO VIÊN nhằm thể hiện sự tôn vinh, ghi nhận cống hiến của nhà giáo, góp phần khích lệ nhà giáo yên tâm, gắn bó với nghề.

Ba quan điểm này là CÓ HẠI cho sự phát triển của chính ngành Giáo dục nói riêng và cả đất nước nói chung. Theo tôi GIÁO DỤC VÀ NÂNG CAO DÂN TRÍ LÀ RẤT CẦN, nhưng sẽ không đạt mục tiêu nếu thực hiện theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dưới đây là những phân tích, chứng minh của tôi.

 

I. NHỮNG LÝ DO LỊCH SỬ

 

Năm học 63-1964 tôi học lớp 7c trường Đoàn Kết II, quận Hai Bà Trưng. Cô giáo chủ nhiệm là cô Nguyệt, dậy Văn và  Đạo đức. Đặc biệt giờ dậy Đạo đức của cô cả lớp luôn im phăng phắc. Hàng tuần cô giành một buổi chiều yêu cầu vài học sinh, trong đó có tôi đến nhà cô để được bồi dưỡng nâng cao môn Văn. Tương tự là một buổi cho các bạn học kém môn Văn. Nhà cô ở tại cuối phố Thái Phiên, đi qua một khe nhỏ vào bên trong, ở tầng 1. Tầng trên là nhà người khác. Toàn nhà rộng khoảng 15m2, một chiếc giường đôi, một bếp đun dầu chủ lực thời đó. Tài sản lớn nhất của cô là chiếc xe đạp dựng bên tường. Buồng xí, buồng tắm, vòi nước chung cho nhiều người ở sâu trong sân chung. Chúng tôi ngồi học, lấy giường làm bàn ghi chép. Có bạn thì khép hai đùi với nhau để làm bàn viết. Thỉnh thoảng có hôm cô vừa cặp nách bế nựng em bé vừa giảng bài cho chúng tôi. Chắc hôm đó em bé ốm, không đi  nhà trẻ được. Cô Nguyệt có hai con nhỏ. Chồng cô là chiến sĩ hải quân, quanh năm ngày tháng lênh đênh trên biển Đông. Cô ở nhà một mình lo tất cả, việc nước việc nhà rất chu toàn.

 

Song song với học Văn tôi cũng được thày Hậu tuyển chọn đến nhà thày học thêm, nâng cao môn Toán. Tương tự là một buổi dành cho các bạn kém Toán. Thày chưa có gia đình, ở một buồng con bé tí tẹo, trong ngôi nhà ở phố Mai Hắc Đế. Giữa buồng có một chiếc bàn tròn con đủ cho nhóm học sinh tụ tập làm bàn viết. Chúng tôi PHẢI ĐẾN HỌC VÀ KHÔNG PHẢI TRẢ TIỀN. Những năm tháng đó phong trào “Dạy tốt, học tốt” cũng sôi nổi, bao gồm cả thi học sinh giỏi cấp quận, cấp tỉnh và cấp toàn miền Bắc. Lên lớp 8 tôi được chọn vào lớp chuyên toán 8c của trường Đoàn Kết III, sâu trong ngõ Quỳnh, quận Hai Bà Trưng. Trong bối cảnh chiến tranh lan rộng ra miền Bắc, năm học 65-1966 hầu hết các trường ở Hà Nội phải xơ tán về nông thôn, hoặc lên miền núi. Đa số trường lớp học là nhà tranh, vách đất. Trong lớp có rãnh, hào; xung quanh có các hầm hố tránh bom đạn. Thế mà Bộ Giáo dục vẫn tổ chức thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Riêng đối với môn Vật lý ngoài việc sơ tuyển bằng lý thuyết để chọn một số người giỏi hơn về trường cấp 3 Xuân Đỉnh (ngoại thành Hà Nội) để thi thực nghiệm. Đó là thời kỳ cao quý nhất của danh hiệu các nhà giáo. Đúng là thày, là cô, là cha mẹ học sinh. Thày ra thày, trò ra trò. Bắt đầu từ thời kỳ đổi mới (1986) cũng là lúc danh hiệu nhà giáo tụt dốc liên tục, do chính Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nhà giáo gây ra. Đặc biệt trong 15 năm gần đây do chúng ta thực hiện lối sống khát tiền, yêu tiền ghê quá.

 

Cháu nội tôi hiện đang là sinh viên năm đầu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Năm cháu vào học lớp 1, tôi là người đưa và đón cháu đi học. Tôi cũng là người một tuần một lần đưa và đón cháu đi học thêm tại nhà cô; có khi thì ở một cơ sở khác mà các cô thuê. Nói chung là phòng học rất bé cho khoảng 15 – 20 cháu ngồi nêm chặt. Mỗi tháng một lần trao tận tay cô phong bì tiền học mà bố mẹ cháu nhờ chuyển. Tôi làm việc này suốt 5 năm. Khi cháu lên lớp 6 cháu chuyển về trường rất gần nhà, cháu chỉ đi bộ có 3 phút là đến. Các cô vẫn tổ chức học thêm ở các cơ sở thuê liền kề quanh trường. Thỉnh thoảng bố mẹ cháu có nhờ tôi trả tiền học.

 

Cách đây có 5 năm tôi cũng là người đỡ đầu cho 3 đứa cháu nội của chị ruột tôi. Mẹ đẻ của các cháu là con gái Trà Vinh thất nghiệp. Bố các cháu lông bông, lang bang làm khuân vác, thợ xây, xe ôm để kiếm sống. Các cháu sinh, đẻ và ở trọ thuê tại Tp. HCM; học tại Tp. HCM. Sau khi mẹ các cháu bỏ về quê rất lâu, bà nội đưa các cháu ra Hà Nội ở với ông nội. Do không có hộ khẩu nên xin học cho ba cháu là vô cùng khó khăn, vất vả, cầu xin sự giúp đỡ của chính quyền phường, công an phường, các cháu mới được nhập học vào tiểu học và THCS. Tôi đi họp phụ huynh học sinh tất cả các buổi cho cả 3 cháu học ở 3 lớp thuộc hai trường khác nhau. Tôi quan sát và thấy hết  cảnh dậy thêm, học thêm, ký vào đơn tự nguyên xin học thêm, đặc biệt là học thêm tiếng Anh. Các trung tâm Anh ngữ bên ngoài quan hệ vô cùng chặt chẽ với Ban Giám hiệu nhà trường. Mua SGK học xong là vất hàng đống. Thời tôi đi học thực sự là NỀN GIÁO DỤC DẬY CHỮ, DẬY NHÂN CÁCH còn hiện nay thực sự là NỀN GIÁO DỤC BÁN CHỮ. Giờ kiểm tra, giáo sư sau khi ra đề bài, để mặc sinh viên, ra quán chè sơi nước, hút thuốc. Trưởng lớp sau đó thu mỗi người vài chục nghìn cho vào phong bì.

 

Những hoạt động trên là VI PHẠM PHÁP LUẬT, qui định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về việc quản lý dạy thêm, học thêm. Theo đó: Giáo viên không được dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình. Dạy thêm phải được cấp phép bởi các cơ quan quản lý giáo dục hoặc chính quyền địa phương. Việc tổ chức dạy thêm phải đảm bảo không gây áp lực, không ép buộc học sinh, và phụ huynh phải đồng thuận. Một số địa phương cấm hoàn toàn việc dạy thêm ngoài giờ đối với giáo viên trường công lập, đặc biệt là cấp tiểu học. Nếu vi phạm quy định, giáo viên có thể bị xử lý kỷ luật, bao gồm cả việc cảnh cáo hoặc đình chỉ công tác.

 

Dưới đây tôi xin trích dẫn nguyên văn những ý kiến của hai đại cây đa giáo dục của đất nước, là cố GS. Hoàng Tụy và GS. Hồ Ngọc Đại như tô vàng dưới đây:

Năm 2011, tại buổi lễ long trọng đón nhận giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, cố GS. Hoàng Tụy đã có bài phát biểu tâm huyết, trăn trở về nền giáo dục nước nhà:

“Các nghị quyết Đại Hội X và ba Hội Nghị TƯ sau đó đều nhắc lại nhiệm vụ khẩn thiết cải cách giáo dục để ra khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài mấy thập kỷ …Tôi thật sự lo lắng khi thấy cỗ máy giáo dục già nua cổ lỗ vẫn tiếp tục vận hành ì ạch mà chưa thấy tín hiệu gì sẽ có thay đổi… Tại sao thanh thiếu niên ta phải chịu thiệt thòi lớn như vây? Tại sao đã 36 năm ròng rã từ ngày thống nhất đất nước mà giáo dục đến nông nỗi này?... “cái gì tiền không làm được thì nhiều tiền sẽ làm được” - một đất nước như thế thì giáo dục tụt hậu là tất yếu… Mua bằng, bán điểm, chạy trường, chạy dự án, chạy chức, thứ gì cũng chạy được, chạy bằng chân, bằng đầu… ai cũng phải công nhận chất lượng giáo dục của ta quá thấp. Đã sang thế kỷ 21 nhưng giáo dục của ta vẫn giữ nhiều quan niệm cổ hủ như thời phong kiến nho giáo, nặng tính giáo điều kinh kệ, vì nhằm mục tiêu thiển cận biến con người thành một phương tiện sử dụng vào các mục đích tôn giáo hay chính trị, hơn là hoàn thiện con người như một chủ thể tự do” (chữ viết in là do tôi)

05/9/2018 báo Giáoduc.net.vn đăng ý kiến của Giáo sư Hồ Ngọc Đại về Chương trình sách giáo khoa mới, gọi tắt là chương trình 70.000 tỷ đồng Không hơn gì cái cũ đâu. Nó chỉ chia nhau tiền, để nó làm tiền, không hơn gì hết. Bản chất nó vẫn thế. Để chia nhau 70.000 tỷ đồng”.

 

II. NHỮNG LÝ DO HIỆN TẠI

 

Vì sẽ là bất công khi các cán bộ, nhân viên ngành Y tế không được tăng lương, con cái họ không được miễn phí chữa bệnh. Vì sẽ là bất công khi con cái của các cán bộ chiến sĩ công an, quân đội mà công việc của họ rất gian nguy lại không được miễn học phí hay viện phí. Vì sẽ là bất công khi những nhân viên quét, thu gom rác, liên tục hít bụi đường và hơi rác thối, có đồng lương thấp mà con em họ vẫn phải nộp học phí và viện phí. Vì sẽ là bất công khi con cán bộ quản lý Nhà nước từ Trung ương xuống địa phương, tầm quan trọng của những công việc có khi còn cao hơn giáo viên “tua lại” bài giảng, lại không được ưu tiên tuyển thẳng vào bộ máy công chức. Vì sẽ là bất công khi cán bộ, nhân viên ngành đường sắt, hàng không đi lại không được miễn phí. Hàng vạn cán bộ khoa học tại các viện nghiên cứu từ Trung ương tới cấp tỉnh cũng đều có thu nhập rất thấp v.v..

 

Đất nước Bangladesh (Nam Á, dân số năm 2023 là 173 triệu) với bà Thủ tướng Sheikh Hasina nhiều năm qua đã thực hiện chính sách “ưu tiên 30% biên chế của Chính phủ cho người thân của những cựu chiến binh đã tham gia vào cuộc chiến giành độc lập của đất nước khỏi Pakistan năm 1971”, như một biện pháp để ghi nhớ công lao của những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Chính sách này đã được bãi bỏ từ vài năm trước. Tuy nhiên tháng 7 vừa rồi Tòa án Tối cao Bangladesh đã khôi phục lại hạn ngạch 30% con em cán bộ quân đội được tuyển vào công chức. Quyết định này, cộng với suy thoái kinh tế, thất nghiệp cao đã làm bùng phát các cuộc biểu tình vào tháng 7/2024 do CÁC NHÓM SINH VIÊN DẪN ĐẦU nhằm phản đối hạn ngạch việc làm của công chức. Biểu tình đã leo thang thành phong trào phản đối chính phủ, yêu cầu Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức sau 15 năm cầm quyền, rồi trở thành bạo loạn khiến hơn 400 người chết. Để bảo toàn tính mạng, chiều 5/8 bà Sheikh Hasina đã khẩn cấp lên máy bay quân đội trốn sang căn cứ không quân Hindon, Ấn Độ. Nhóm lãnh đạo biểu tình đã mời chủ nhân Giải Nobel Hòa bình năm 2006 là ông Muhammad Yunus làm Thủ tướng lâm thời tối 8/8. Hiện nay đất nước Bangladesh đang chìm ngập trong biểu tình, cướp phá hỗn loạn, tiêu điều và bi thảm. Đã nghèo, đã đói lại càng đói hơn.

 

NỀN GIÁO DỤC CỦA CHÂU ÂU, KHỐI EU đã nhiều thập kỷ, hiện tại và trong tương lai sẽ chủ yếu phục vụ cho học sinh, sinh viên; lấy học sinh là trung tâm của cơ chế, chính sách:

Tất cả học sinh phổ thông miễn phí, bao gồm cả sách giáo khoa và các chi phí cơ bản. Điều này áp dụng cho tất cả các nước thuộc EU. Ví dụ học sinh quốc tịch Cộng hòa Séc được sang học miễn phí tại Cộng hòa Liên bang Đức, v.v..

Sinh viên đại học miễn phí hoặc chi phí thấp nổi bật là những quốc gia sau đây: 1)  Miễn phí hoàn toàn cho sinh viên EU/EEA (gồm 27 nước EU + 3 nước ngoài EU là Na Uy, Iceland, và Liechtenstein) gồm: Đức, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Iceland. 2) Chi phí thấp cho sinh viên EU/EEA, gồm: Áo (học phí cho một học kỳ là 20-30 EUR, khoảng 650.000 VNĐ). Ba Lan miễn phí cho sinh viên học bằng tiếng Ba Lan. Nếu học bằng tiếng Anh trả một khoản phí thấp. Hungary học phí thấp và nhiều học bổng cho sinh viên quốc tế.

 

Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã nhiều lần cam kết sẽ xóa sổ Bộ Giáo dục Mỹ, “làm sạch đầm lầy giáo dục của Chính phủ”. Nếu Quốc hội chưa cho phép, ông sẽ bóp bẹp, thu nhỏ Bộ Giáo dục Mỹ. Người Việt Nam ta chủ yếu là suy nghĩ theo cảm tính sẽ nổi đóa, đặc biệt là quan chức ngành Giáo dục “Đối với sự nghiệp trồng người mà như vậy là ngu! Không bỏ phiếu cho Trump, phế truất Trump”. Trái ngược, kết quả sau kiểm phiếu là ông Donald Trump đã ĐẠI, ĐẠI THẮNG. Đa số dân Mỹ đồng tình, ủng hộ việc xóa bỏ Bộ Giáo dục; ít nhất phải chặt vòi bạch tuộc từ Bộ Giáo dục.

 

Điều này quá đơn giản và quá dễ hiểu khi chúng ta nhìn vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước từ năm 1975 đến nay. Từ đó đến năm 1986 là thời kỳ hoàng kim của các cây đa khoa học kinh tế Việt Nam, kết luận chỉ có kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể và quản lý Nhà nước tập trung mới đưa dân tộc Việt Nam đến phồn vinh và thịnh vượng. Do vậy, cần triệt tiêu kinh tế tư nhân và cơ chế thị trường. Quan điểm này đã đưa đất nước vào ngõ cụt. Sau năm 1986 là thời kỳ Đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ chặt bỏ xiềng xích mà Đảng trói buộc kinh tế tư nhân và cơ chế thị trường, sự phát triển bùng nổ ngay lập tức. Triệu triệu người dân ào ạt lao vào sản xuất kinh doanh và buôn bán. Từ đói ăn ngay lập tức trở nên no đủ, ngay lập tức trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Tuy nhiên các nhà khoa học Thủy lợi Việt Nam luôn tranh công, cho rằng thành tích này có được là nhờ các công trình thủy lợi của họ.

 

Ông Donald Trump đã chọn nữ tỷ phú Linda McMahon, 76 tuổi, không hề có quá trình công tác, kinh nghiệm quản lý giáo dục, làm Bộ trưởng Giáo dục có nhiệm vụ bóp bẹp Bộ Giáo dục để nền Giáo dục Mỹ bay cao, bay xa hơn nữa.

 

Ở Việt Nam, nếu Thủ tướng Chính phủ chặt đứt được xiềng xích của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi tin tưởng mạnh mẽ là các lãnh đạo của gần 54.000 cơ sở giáo dục cả nước sẽ liên hoan, ăn mừng.

 

III. NHỮNG LÝ DO TƯƠNG LAI

 

Hiện TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI) đang thâm nhập vào mọi hoạt động đời sống hàng ngày của chúng ta. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một tầm nhìn xa trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách thích nghi và phù hợp với xu thế phát triển của trí tuệ nhân tạo. Có vậy khoảng 100 triệu dân Việt Nam mới thoát khỏi cảnh lao động làm thuê ngay trên chính quê hương đất nước của mình, như hiện nay cho mấy gia tộc người Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Thái Lan và Malaysia.

 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến ngày 4/9/2024, năm học 2024-2025, giáo dục cả nước có 25.255.251 học sinh, sinh viên theo học tại 53.979 cơ sở giáo dục. Tổng số giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động là 1.659.589. Vào tháng 4-2024 cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông.

 

MÔ HÌNH GIÁO DỤC  này đã có quá trình phát triển hơn 100 năm rồi: a) Xây dựng các cơ sở trường, lớp. b) Một giáo viên dạy khoảng 50 học sinh. Với đại học khoảng 50 – 200 sinh viên. c) Giờ học và tan lớp là nghiêm ngặt theo trống hiệu của trường. d) Bán cho học sinh hàng tỷ cuốn SGK dùng xong là vất đi. e) Chi phí xăng, xe công sức đi lại, đưa đón. Đó là một mô hình đang vô cùng đắt đỏ và tốn kém. Hiệu quả, hiệu suất đầu tư là vô cùng thấp, thế  mà Bộ Giáo dục và Đào tạo lại còn đề xuất tăng lương, cho phép giáo viên dậy thêm và miễn học phí cho con em giáo viên.

 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo mức lương trong ngành, thấp nhất khoảng 5 triệu đồng và cao nhất là 16 triệu đồng một tháng, tùy bậc học và thâm niên nghề nghiệp, chưa gồm phụ cấp. Tạm tính là bình quân 12 triệu đồng/tháng. Nếu nhân với số giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên 1,772 triệu người (tính đủ theo nhu cầu) ta sẽ được 21.264 tỷ đồng/tháng, hay 255.168 tỷ đồng/năm. Ví dụ nếu thỏa mãn theo đề xuất tăng thu nhập thêm cho ngành này là 10%,  như vậy riêng khoản tăng thêm sẽ là 25.517 tỷ đồng. Lấy đâu ra? Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ không dám ký trình ra Quốc hội, vì ông biết rằng NSNN được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 104/2023 ngày 10/11/2023 tổng thu NSNN năm 2024 sẽ là 1.700.988 tỷ đồng. Trong khi tổng chi NSNN là 2.119.428 tỷ đồng (âm – 418.440 tỷ đồng). Đã từ lâu, cựu Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói “Ngân sách Nhà nước luôn như dòng sông cạn kiệt”.

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐANG LÀM CÁCH MẠNG, THAY ĐỔI MÔ HÌNH GIÁO DỤC CỔ XƯA.

 

Ví dụ Đại học của Nhân dân, online MIỄN PHÍ (University of the People, UoPeople), với hơn 6.000 giảng viên TÌNH NGUYỆN với kiến thức là siêu chuẩn, đến từ nhiều trường đại học lớn trên toàn cầu (như Harvard, New York University, và Oxford).  Hiện đang có trên 126.000 sinh viên đến từ hơn 200 quốc gia theo học các môn a) Quản trị kinh doanh: gồm Kinh tế học vi mô, Kế toán tài chính.  b) Công nghệ thông tin: gồm Phát triển phần mềm, An ninh mạng.  c) Khoa học sức khỏe: gồm Dinh dưỡng học, Quản lý y tế. 

 

Nếu muốn có chứng chỉ (bằng cấp) phải thực hiện thi kiểm tra cuối kỳ có nộp phí. Cụ thể bậc cử nhân, phí 120 USD/môn.  Bậc thạc sĩ: 240 USD/môn.

Học viên có thể chọn giờ học tùy ý, học qua video bài giảng đã được ghi sẵn, tài liệu điện tử, và tham gia thảo luận qua diễn đàn hoặc gửi bài tập bất cứ khi nào thuận tiện.  Học viên không cần tham gia lớp học vào giờ cố định, tự quản lý thời gian học tập phù hợp với lịch trình cá nhân. Rất linh hoạt, phù hợp với những người đang đi làm hoặc có lịch trình bận rộn.  Có thể học theo tốc độ cá nhân, tua lại hoặc dừng bài giảng để hiểu rõ hơn.  Tạm nói “MỘT THÀY GIẢNG CHO CẢ TRIỆU HỌC SINH NGHE”. Trường không cần mua đất xây trường lớp bằng gạch và bê tông sắt thép, không cần mua sắm bàn ghế; siêu rẻ, siêu phát triển bền vững, thân thiện môi trường.

 

HỌC TỪ XA, HỘI NGHỊ TỪ XA, LÀM VIỆC TỪ XA đã có từ vài  năm thế mà Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vẫn quanh quẩn với tăng lương giáo viên, cho phép giáo viên dậy thêm, miễn học phí cho con em giáo viên, biên soạn và in ấn SGK.

 

Cháu tôi, nhờ yêu thích học tập nên đã nhanh vượt qua những thử thách của trường UNIS Tây Hồ (United Nation’s International School) cấp học bổng toàn phần cho 3 năm học lớp 9 – 12 theo chương trình IB, và có xe đưa đón miễn phí. Học phí đối với con cán bộ, nhân viên đại sứ quán khoảng 500  triệu VNĐ/năm. Khi gần hết học kỳ 1 của lớp 12 cháu đã nhận được quyết định của trường đại học Williams (Mỹ) cấp học phí + tiền ăn, ở và tiền sách vở. Ngoài ra trong quá trình 4 năm học, cháu được nhà trường cho phép chọn học một năm ở bất cứ một trường đại học nào trên thế giới, tùy ý. Trường Williams sẽ chuyển số tiền đó sang cho trường bạn. Do vậy, năm thứ 3 cháu đã sang học tại trường University of Oxford (Anh), lừng danh, nổi tiếng thế giới.

 

Năm thứ 4 về Mỹ, vừa học xong học kỳ 1, cháu đã được tập đoàn Microsoft ký thư mời về làm việc với mức lương gần 22.000 USD/tháng, chủ yếu làm việc từ xa, làm việc tại nhà. Chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ, nộp qua mạng là xong. Công ty đỡ chi phí xây phòng làm việc, nhà vệ sinh, bàn ghế, máy tính, điện nước v.v.. cho cán bộ, nhân viên. 

 

Tôi nghĩ, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam bỏ qui định không cho phép học vượt cấp, phải đến trường, đến lớp để nghe thày cô giảng (tua băng), phải có trong danh sách nhà trường, phải có chứng chỉ cấp dưới mới được thi chứng chỉ cấp trên v.v.. sẽ có vô vàn các cháu học sinh đam mê, tự học tập trên mạng. Ví dụ đang học lớp 4 nhưng cháu đã có dư thừa năng lực để xin đăng ký thi tốt nghiệp lớp 5 để vào học lớp 6. Vì trí tuệ nhân tạo (AI) đang có đầy trên mạng, sẽ có rất nhiều cháu 100% tự học không cần đến trường tiểu học, THCS và THPT. Khi tự thấy có đủ năng lực sẽ đăng ký thi thẳng vào đại học. Như vậy NGHỀ GIÁO VIÊN CÓ NGUY CƠ THẤT NGHIỆP LỚN. Vì “GIÁO VIÊN NHÂN TẠO” là siêu nhanh, siêu chính xác, siêu giỏi hơn giáo viên đời thường hiện nay.

 

Hiện nay, trung bình hàng năm các gia đình Việt Nam đang đầu tư nhiều tỷ USD cho khoảng 30.000 con em theo học tại Mỹ, đứng thứ 5 thế giới trong việc đóng góp vào thu nhập của các trường đại học Mỹ. Nếu các cháu không say mê, không yêu thích học tập sẽ là sự lãng phí rất lớn. Nếu chúng ta dễ dãi tặc lưỡi “thôi kiến thức có ít, không kiếm được việc bên Mỹ, nhưng tiếng Anh hơn người, về Việt Nam cũng được”. Suy nghĩ này thực sự là sự nhầm lẫn lớn. Vì khoảng 95% người phiên dịch tiếng Anh ở Việt Nam đã thất nghiệp. Phần mềm phiên dịch mọi ngoại ngữ đang có nhan nhản trên mạng. Trí tuệ nhân tạo mà phiên dịch Anh – Việt và ngược lại là  siêu đẳng. Hơn đứt (về tốc độ và độ chính xác) các thày giáo, cô  giáo chuyên Anh nổi tiếng của Việt Nam, đặc biệt khi phiên dịch chuyên môn, khoa học, công nghệ kỹ thuật. Ví dụ, nếu bài diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm dài 10 trang giấy khổ A4 chia đều cho 10 chuyên gia siêu tiếng Anh có năng lực ngang nhau là 10 phút/trang. Trí tuệ nhân tạo sẽ dịch từ Việt sang Anh chỉ có 1 phút toàn bài. Chất lượng sẽ hay hơn, đẹp hơn nhiều. Như vậy năng suất của dịch bằng AI sẽ ngang bằng 100 chuyên gia dịch. Ngoài ra máy phiên dịch bỏ túi do Trung Quốc sản xuất hiện đang có bán đầy trên mạng, chỉ vài trăm nghìn VNĐ thôi. Với máy này chúng có thể đi du lịch khắp nơi trên thế giới mà không cần biết ngoại ngữ của nước đó.

 

Với tất cả những phân tích, chứng minh trên tôi nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên quanh quẩn với việc tăng thu nhập cho giáo viên, miễn học phí cho con em giáo viên, cải cách biên tập in ấn SGK, cải cách  thi cử, giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường v.v.. Cần làm sao để Việt Nam được sớm bứt phá, GIA TĂNG GIÁ TRỊ CỦA TRÍ TUỆ VÀ CHẤT XÁM vào các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của người Việt Nam thay vì chủ yếu là sức lao động chân tay như hiện nay. Buồn là đã nhiều năm khoảng 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam là thuộc về các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, vài gia tộc người nước ngoài. 30% còn lại là của người Việt Nam, chủ yếu là hàng nông, lâm, thủy hải sản, đa phần lấy công làm lãi./.

Xin mời quí bạn đọc tiếp bài “TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI KHỔ HỌC NHIỀU TOÁN ĐẾN THẾ?” tại đường link này:

https://nguyenducthang.vn/chi-tiet-tin/tai-sao-chung-ta-phai-kho-hoc-nhieu-toan-den-the-287.html

Trân trọng cám ơn.

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 20/11/2024

NGUYÊN NHÂN TẠO RA LIÊN MINH CHẶT CHẼ DONALD TRUMP – VLADIMIR PUTIN
NGUYÊN NHÂN TẠO RA LIÊN MINH CHẶT CHẼ DONALD TRUMP – VLADIMIR PUTIN KẾT THÚC CUỘC CHIẾN UKRAINA
ÔNG DONALD TRUMP SÁP NHẬP CANADA VÀ ĐẢO GREENLAND
ÔNG DONALD TRUMP SÁP NHẬP CANADA VÀ ĐẢO GREENLAND
NGHẸT THỞ VÀ UỐNG NƯỚC
NGHẸT THỞ VÀ UỐNG NƯỚC
NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA 13 NĂM NỘI CHIẾN SYRIA
NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA 13 NĂM NỘI CHIẾN SYRIA
TỔNG THỐNG HÀN QUỐC YOON SUK YEOL SẼ PHẢI VÀO TÙ
TỔNG THỐNG HÀN QUỐC YOON SUK YEOL SẼ PHẢI VÀO TÙ